Bế mạc phiên họp 32 UBTVQH; Đấu thầu vàng miếng ế ẩm; Vẫn chờ tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo; TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT

BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 32 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng đối với 6 dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tất cả các nội dung theo chương trình đề ra.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 báo cáo của Chính phủ.

Điểm lại những kết quả của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về công tác lập pháp, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai nhóm vấn đề chính đó là:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng đối với 6 dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 gồm: dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 21 trong tổng số 24 dự án luật sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu hoặc xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Còn lại 3 nội dung là dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 5 tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để gửi đến đại biểu Quốc hội theo thời hạn quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nội quy Kỳ họp.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến đối với 4 báo cáo gồm: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023;

Xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”;

Cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; cho ý kiến về Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo đề nghị của các cơ quan, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 03 nội dung gồm: Tờ trình số 01 ngày 1/3/2024 của Chủ tịch nước về việc ký Hiệp ước vay giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) cho dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An;

Báo cáo số 71 của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08 ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024.

Đối với các báo cáo xin ý kiến bằng văn bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến của các cơ quan để có báo cáo gửi cho đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tại phiên họp lần này Tổng Thư ký Quốc hội đã kịp thời ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với từng nội dung; đồng thời đề nghị tiếp tục khẩn trương ban hành thông báo kết luận các nội dung còn lại để các cơ quan có cơ sở triển khai thực hiện và tiếp tục chuẩn bị các nội dung khác để kịp cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

ĐẤU THẦU VÀNG MIẾNG Ế ẨM, LÀM SAO ĐỂ “THOÁT HÀNG”?

Theo chuyên gia, giống như năm 2013, các phiên đấu thầu vàng đầu tiên thường mang tính chất thăm dò, lượng trúng thầu không cao. Tuy nhiên, nhiều lý do khiến phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 “ế” đến 80% cũng được đưa ra và đi kèm là gợi ý giải pháp.

Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 23/4, có 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp dự thầu. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu là 16.800 lượng.

Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu số lượng là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá trúng thầu này cao hơn 620.000-630.000 đồng so với giá tham chiếu 80,7 triệu đồng.

Kết quả phiên đấu thầu vàng cho thấy, chỉ được khoảng 20% lượng vàng có chủ mới, lượng vàng còn “ế” chiếm gần 80%.

Vì sao đấu thầu vàng “ế”?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho biết nguyên nhân chính do giá vàng quốc tế biến động quá lớn. Từ đêm 22/4 đến sáng 23/4, giá vàng thế giới giảm đến 60 USD/ounce.

Cùng với đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra ở mức 80,7 triệu đồng/lượng vẫn còn cao, khiến các đơn vị sợ rủi ro.

Hơn nữa, theo ông Khánh, NHNN quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được đặt là 14 lô (1.400 lượng), tương đương khoảng 113 tỷ đồng. Như vậy, việc phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng chưa biết lời lỗ ra sao khiến các đơn vị cũng ngập ngừng không tham gia.

“Một số đơn vị là hội viên kinh doanh vàng cũng chia sẻ băn khoăn rằng quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu tương đối cao, mà quý II thường là mùa thấp điểm của tiêu thụ vàng. Do đó, trong khi giá vàng thế giới có xu hướng điều chỉnh mạnh, nếu không kịp bán ra, họ sẽ lỗ. Nếu quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu chỉ khoảng 500-700 lượng, có lẽ sự tham gia của các đơn vị sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Khánh nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, giá vàng thế giới biến động, khó đoán định. Còn đối với những đơn vị kinh doanh vàng thường bán bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, chứ họ không đầu cơ vàng. Cũng giống như năm 2013, các phiên đấu thầu đầu tiên bao giờ cũng mang tính chất thăm dò, thận trọng, lượng trúng thầu không cao… nên phiên đấu thầu năm nay cũng vậy và điều này không phải là bất ngờ.

Cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, tạm giải quyết nguồn cầu trước mắt, song chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, đấu thầu vàng là giải pháp an toàn để để tăng cung, ai trả giá cao hơn mới bán, bảo đảm giá vàng sát giá thị trường.

Thế nhưng, theo ông Hiển, với các doanh nghiệp mua cũng sẽ có rủi ro nhất định, kể cả trường hợp có thể mua được với giá đấu thấp hơn giá thị trường.

“Bất cứ lúc nào giá vàng cũng có thể quay đầu giảm; trong khi nhu cầu mua thật với giá cao vẫn là dấu hỏi nếu doanh nghiệp đấu thầu thắng. Chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế cũng vẫn cao… Vì thế, chỉ những doanh nghiệp có nguồn lực lớn, tính được nguồn khách hàng mua thì mới mạnh dạn đấu thầu”, ông Hiển cho hay.

Cần thay đổi

Nếu NHNN vẫn có ý định đấu thầu tiếp, thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam góp ý rằng, giá tham chiếu nên lấy giá đêm hôm trước hoặc đầu ngày của SJC, có thể bằng hoặc thấp hơn giá mua vào của công ty.

Cùng với đó, nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống một nửa như quy định tại phiên đấu giá hôm 23/4. Như vậy sẽ thu hút các đơn vị tham gia nhiều hơn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý, cần xem dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như dự báo xu hướng biến động giá vàng. Đặc biệt, cần biết được nhu cầu vàng hiện nay là bao nhiêu.

“Vẫn nên tiếp tục đấu thầu thời gian tới, nhưng cần tìm hiểu nhu cầu là bao nhiêu? Mỗi phiên đấu thầu, số lượng đưa ra đấu bao nhiêu cũng cần tính toán hợp lý hơn để thu hút các đơn vị tham gia tăng lên. Đồng thời, quy định giá tối thiểu nhưng cũng cần quy định giá bán tối đa, không được bán vượt giá trần quy định khi trúng đấu thầu”, ông Long nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, dùng biện pháp đấu thầu chỉ giải quyết được vấn đề cấp bách. Do vậy, cũng cần tính biện pháp lâu dài. Theo đó, ông Long đề xuất, giải pháp dài hạn là cần thay đổi nhanh chóng Nghị định 24. Đồng thời, ngoài việc quản lý vàng vật chất, cần chú ý đến vàng tài khoản, vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng… mới phù hợp với thông lệ quốc tế, kéo bớt chênh lệch giá và tuân thủ quy luật thị trường.

VÌ SAO TÀU CAO TỐC TP.HCM – CÔN ĐẢO VẪN CHƯA THỂ CHẠY?

Rục rịch triển khai từ 2022, phía nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng nhưng tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo đến nay vẫn chưa 'gút' được ngày chính thức khai trương.

Ngày 19.4, trên Fanpage của tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo thông báo dự kiến vận hành chính thức tuyến tàu cao tốc này vào ngày 13.5.

Lộ trình khởi hành từ Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đến Cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thời gian chạy từ TP.HCM đến Côn Đảo là 5 giờ đồng hồ. Giá vé từ thứ hai đến thứ năm là 880.000 đồng/chiều và thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật là 980.000 đồng/chiều.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên sau buổi làm việc cùng nhà đầu tư sáng nay (24.4), lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết lịch chạy tàu nhà đầu tư dự kiến như vậy nhưng hiện nay vẫn còn một số thủ tục chưa hoàn thiện.

Cụ thể, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hiện chỉ có chức năng là cảng hàng hóa, Sở GTVT đã cùng doanh nghiệp đề xuất Bộ GTVT cho phép thí điểm bổ sung chức năng cảng hành khách tại bến cảng này để tàu cao tốc có thể đưa vào khai thác.

"Phía doanh nghiệp phải tích cực phối hợp, dứt điểm thủ tục mới có thể đưa tuyến tàu vào hoạt động đúng theo kế hoạch giữa tháng 5 tới" - lãnh đạo Sở GTVT thông tin.

Ông Trần Song Hải, thành viên HĐQT Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc, cho biết tàu cao tốc hiện đại 2 thân, sức chở 1.000 khách cho tuyến TP.HCM - Côn Đảo đã sẵn sàng và doanh nghiệp đang nóng lòng đưa tuyến vào phục vụ khách. Để kết nối từ trung tâm TP.HCM ra Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, hành khách có 2 lựa chọn: Đi trực tiếp ra cảng hoặc đến bến Bạch Đằng (quận 1) đi tàu cao tốc trung chuyển ra cảng. Tàu có vận tốc khoảng 30 hải lý/giờ, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Côn Đảo khoảng 5 giờ đồng hồ.

Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục công bố tuyến, công bố đầu bến hoạt động ở Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và bố trí nhà ga để phục vụ khách.

Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc khai thác tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo phù hợp với chủ trương UBND TP.HCM về việc thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và phát triển du lịch đường thủy, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân bằng phương tiện vận tải thủy.

HÀNG LOẠT DỰ ÁN BT TP.HCM BỊ LOẠI BỎ

Do hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) gặp quá nhiều vướng mắc, TP.HCM quyết định bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Dự án đã hoàn thành cũng chưa hết vướng mắc

Dù UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1) từ tháng 1/2024, song đến nay, Dự án vẫn chưa tháo gỡ được việc thanh toán quỹ đất để đi đến ký kết phụ lục hợp đồng và thi công trở lại.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái cho biết, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần Dự án. Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM phải chịu đến thời điểm cuối năm 2023 là 813 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng là 14,9 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị UBND TP.HCM nhanh chóng giao đất thanh toán giá trị hợp đồng BT cho Công ty. Việc chậm trễ giao đất sẽ dẫn đến phát sinh lãi rất lớn, gây lãng phí cho ngân sách thành phố, đồng thời làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư”, ông Thắng cho biết.

Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 chỉ là một trong nhiều dự án BT đang thi công dở dang gặp vướng mắc nhiều năm chưa được giải quyết. Trong đó, không thể không nhắc đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I), với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Dự án này khởi công từ năm 2016, đã tạm dừng thi công 3 lần. Những năm qua, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản kiến nghị thực hiện các thủ tục để thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT đã ký. Tuy nhiên, đến nay, các vướng mắc liên quan đến việc thanh toán quỹ đất, điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa được UBND TP.HCM xử lý.

Theo số liệu thống kê của UBND TP.HCM, trên địa bàn Thành phố có 13 dự án BT đã ký hợp đồng thực hiện. Không chỉ các dự án đang thực hiện dở dang gặp vướng mắc, mà cả các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong các thủ tục thanh quyết toán.

Đó là Dự án Xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ; Dự án Đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; Dự án Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn I); Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (nay là đường Phạm Văn Đồng)… Những dự án này đã đưa vào sử dụng nhiều năm trước, nhưng chưa hoàn thành việc quyết toán bằng quỹ đất.

Loại bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác

Trước vướng mắc quá lâu tại các dự án BT, năm 2023, UBND TP.HCM đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư. Đích thân ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Tổ trưởng Tổ công tác để điều phối và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc. Dù Tổ công tác họp hàng tháng, nhưng đến nay, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, quy trình thanh toán bằng quỹ đất cho dự án BT sẽ nhanh hơn và tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Thế nhưng, qua 8 tháng triển khai trên thực tế, vẫn còn nhiều rào cản trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật chồng chéo nhau.

Trước thực trạng trên, UBND TP.HCM đang có những động thái “quyết liệt” để giải quyết dứt điểm những tồn đọng, hoàn thành dự án và đưa vào khai thác. Đầu tháng 3/2024, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án BT. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch tháo gỡ chi tiết để trình UBND Thành phố quyết định.

Đối với các dự án chưa triển khai, ông Phan Văn Mãi yêu cầu đưa ra khỏi danh sách các dự án BT đối với Dự án cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại phường 6, quận Tân Bình; Dự án cầu đường Bình Tiên (2 đoạn). Đồng thời, dừng thực hiện đầu tư theo hình thức BT đối với các dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa quận Tân Bình; Bệnh viện đa khoa Sài Gòn; Cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP. Thủ Đức). Những dự án này sẽ chuyển đổi đầu tư theo hình thức khác, đảm bảo phù hợp quy định hiện hành.

Đối với các dự án đang thực hiện dở dang như Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nghiên cứu cả phương án dừng thực hiện theo hình thức BT để chuyển sang hình thức đầu tư công.

Với những động thái quyết liệt từ chính quyền TP.HCM, nhà đầu tư kỳ vọng những vướng mắc kéo dài hàng năm trời sẽ sớm được xử lý để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác.

Nguồn: Người Đưa Tin; Vietnamnet; Thanh Niên; Báo Đầu Tư

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang