Phiên họp 32 UBTVQH; Nhiều dự án 'đắp chiếu' chờ Vành đai 4; Dân mòn mỏi chờ dự án 'rùa bò'; Bắt Phó chủ nhiệm văn phòng QH

PHIÊN HỌP THỨ 32 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra trong hai ngày đầu tuần với việc xem xét nhiều báo cáo giám sát, cho ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Trong sáng nay (22/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Dự án luật do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cơ quan thẩm tra.

Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024, được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023). Việc Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề này sẽ giúp đại biểu Quốc hội đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo số 71/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Một dự án luật khác cũng được cho ý kiến trong buổi chiều là Luật Địa chất và khoáng sản.

Ngày mai (23/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ được cho ý kiến.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước; thảo luận dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Theo dự kiến chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên họp vào cuối giờ chiều mai 23.4.

Ngoài ra, cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 báo cáo của Chính phủ. Đó là báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

NHIỀU DỰ ÁN NẰM 'ĐẮP CHIẾU' CHỜ VÀNH ĐAI 4 THỦ ĐÔ

Phía đông Vành đai 4, đoạn qua huyện Mê Linh đã hình các thành khu đô thị, dự án, đã giao đất cho doanh nghiệp; phía Tây còn khoảng 1.000ha đang còn là đất nông nghiệp.

Hơn 60 dự án chậm triển khai

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112.8km, đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội.

Đoạn qua Hà Nội có chiều dài 57,5km, chạy qua các huyện như Mê Linh, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.

Riêng đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) có chiều dài khoảng 11,2km, chiếm tỷ lệ 19% toàn tuyến, đi qua địa bàn 5 xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa.

Sau 9 tháng thi công, dự án Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh đã cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng với bề rộng 120m, nhiều đoạn tuyến đã lộ diện hình hài.

Ghi nhận quanh đường Vành đai 4 có nhiều dự án lớn như khu đô thị Mê Linh Central, khu đô thị Hà Phong, khu đô thị Quang Minh...

Nhiều dự án tại khu vực này vẫn trong cảnh xây dựng dở dang. Những khu nhà đang hoàn thiện rồi để trống nhiều năm, cỏ mọc um tùm.

Có thể kể đến như dự án CEO Homes Hana Garden City với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Dự án triển khai năm 2008, nhưng sau 15 năm nay vẫn là những hạng mục thi công dở dang, nhiều khu vực bỏ hoang.

Ngoài dự án ra, trên địa bàn huyện Mê Linh, có hơn 60 dự án chậm triển khai ‘ôm’ khoảng 2.000ha.

Năm 2023, liên quan đến 64 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã họp và chỉ đạo quyết liệt hướng xử lý.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Quách Sỹ Dũng, Trưởng phòng Đô thị huyện Mê Linh, cho biết, huyện Mê Linh có hơn 11km đường Vành đai 4 chạy qua, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 141ha, trong đó 120ha đất nông nghiệp, 7ha đất ở.

Theo ông Dũng, phía đông Vành đai 4, đoạn qua huyện Mê Linh đã hình thành các khu đô thị, dự án; đã giao đất cho doanh nghiệp từ thời Mê Linh còn trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, các dự án đang triển khai.

“Mê Linh đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng quảng trường, lễ hội, xây dựng thành đô thị hoa”, ông Dũng thông tin.

Bên phía tây Vành đai 4, có khoảng 1.000ha là đất nông nghiệp. Quỹ đất này thành phố đang quy hoạch lấy nguồn lực đầu tư thực hiện dự án Vành đai 4 giai đoạn tiếp theo.

Đất đấu giá không phải là đắt

Ông Quách Sỹ Dũng cho hay, Mê Linh cũng như nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố đang chờ quy hoạch Thủ đô, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng, sau đó mới hình thành quy hoạch 1/2.000. Huyện định hướng khu vực này phát triển theo hướng thành phố sáng tạo, khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistic, phát triển mô hình thành phố sân bay.

“Các vấn đề về quy hoạch huyện thực hiện theo đúng quy định, bài bản. Trong quá trình làm quy hoạch, chúng tôi đã mời các cơ quan ngồi lại, qua nhiều cuộc hội thảo, những gì có thể thống nhất được thì thống nhất luôn, tạo thuận lợi cho triển khai quy hoạch về sau” - ông Dũng nói.

Đón đầu dự án đường Vành đai 4, năm nay, Mê Linh dự kiến đấu giá khoảng 500 thửa đất. Các thửa đất được đánh giá đều là các khu đất nằm ở vị trí đẹp.

Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được huyện đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển hệ thống kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng tiêu chí lên quận sau năm 2025 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030.

Ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, thông tin, khoảng 500 thửa đất dự kiến đưa ra đấu giá thuộc 4 xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng và Tráng Việt. Các thửa đất nằm trong quy hoạch điểm cư dân nông thôn, đã giải phóng mặt bằng và được thành phố giao đất.

Đánh giá về việc đất đấu giá có “nóng” khi ăn theo dự án đường Vành đai 4, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh chia sẻ, từ thực tế đấu giá đất thời gian qua diễn ra bình thường, không có đột biến.

Theo ông Thức, đất đấu giá tại huyện Mê Linh hiện nay giá khởi điểm khoảng 20-30 triệu/m2, được đánh giá chưa phải là đắt so với các vị trí ở Đông Anh, hay một số nơi khác ở Hà Nội.

DỰ ÁN 'RÙA BÒ' KHIẾN DÂN CHỜ MÒN MỎI

Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) được đầu tư 1.500 tỉ đồng, khởi công từ tháng 7.2019, dự kiến hoàn thành năm 2021, nhưng đến nay vẫn còn dang dở và có nguy cơ 'đắp chiếu'.

"Thai nghén" từ năm 2004, dự án (DA) đập dâng sông Trà Khúc được dự kiến đầu tư khoảng 60 tỉ đồng. Sau nhiều lần trễ hẹn, khởi công để đó, rồi đội vốn lên 1.500 tỉ đồng vào năm 2018, đập dâng được khởi công chính thức tháng 7.2019.

Sau 2 lần gia hạn, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc cũng có chút hình hài và dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng đã bất thành. Đến nay, DA đập dâng tiếp tục có thể phải gia hạn hoàn thành năm 2025 do thiếu vốn và các nguyên nhân khác.

"Tới đâu hay tới đó !"

Giữa tháng 4.2024, chúng tôi có mặt tại công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, đoạn qua hai xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi. Công trình 1.500 tỉ đồng này nằm im ắng giữa hai bờ sông nước. Đến nay, cây cầu dài 874 m nối hai bờ đã gần hoàn thành. Toàn tuyến cầu chỉ còn đoạn đi qua thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi (dài 320 m) là chưa xong, còn nham nhở...

Thôn Ân Phú (xã Tịnh An) là khu bãi bồi; hàng trăm năm qua, người dân vào khai hoang đất này để mưu sinh, nay là làng quê trù phú. Thế nhưng mấy năm nay, kể từ khi đập dâng sông Trà Khúc khởi công xây dựng năm 2019, người dân ở đây "nín thở" không biết mình đi hay ở lại.

Ông Trần Văn Hoài (74 tuổi, ở thôn Ân Phú) cho hay, gia đình ông có hơn 2.280 m2 đất, đã kiểm kê đền bù, nhưng chưa được nhận tái định cư. Theo ông Hoài, cán bộ xã, thành phố cứ lên xuống, nói với dân sẽ bố trí cho bà con tái định cư tại chỗ. Sau đó, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ, đến gặp dân nói là không tái định cư tại chỗ được. "Bây giờ thì thôi, tới đâu hay tới đó", ông Hoài ngán ngẩm và than phiền, cái khổ nhất của dân thôn Ân Phú là đợi hoài không có đất tái định cư, mà nhà cửa hư hỏng thì không sửa chữa được. Ông Hoài mong mỏi chỉ cần có đất ở tái định cư, gia đình sẵn sàng giao đất để xây dựng công trình, nhưng nay chưa bố trí gì thì biết đi đâu.

Bà Kiều Thị Luôn (72 tuổi, cũng ở thôn Ân Phú) bức xúc, nhà bà dột quá mà không biết làm sao, có người bảo cứ dỡ nhà ra làm lại nhưng bà không dám, đành chịu trận trong những mùa mưa.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tịnh An, cho biết liên quan đến DA đập dâng Trà Khúc, hiện thôn Ân Phú còn 60 thửa đất của 52 hộ chưa giải tỏa đền bù. Dự kiến, các cấp bố trí 44 lô đất trước cho người dân tái định cư nhưng đến nay chưa thực hiện vì chưa lập phương án tái định cư.

Ông Khương kiến nghị, nếu năm nay DA đập dâng sông Trà Khúc không hoàn thành, thì cấp trên nên xây dựng xong đường giao thông trên đập để dân đi lại. Vì mùa mưa, hàng trăm người dân sống ở thôn Ân Phú (ốc đảo giữa dòng sông Trà) không có đường đi, phải qua đò ngang rất nguy hiểm.

Nhiều lần đội vốn, khởi công

Tại công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, chúng tôi chứng kiến trên mặt cầu giao thông còn nhiều ống thép, dây điện và vật liệu xây dựng nằm vương vãi. Nhà điều hành của công trình thì bỏ hoang, cỏ mọc đầy. Công trình nhiều năm không xong, chưa đưa vào sử dụng, nên đã xuất hiện tình trạng hoen ố màu xi măng. Phía gần thôn Ân Phú, các hố ga dọc đường đất đỏ không đóng nắp, nằm phơi mình dưới nắng. Phía nam thôn An Phú, có nhiều trại công nhân và hàng loạt máy móc, thiết bị nằm im lìm.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, DA đập dâng này được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tháng 4.2004 với kinh phí 60,7 tỉ đồng và khi đó, thân đập được thiết kế bằng cao su. Đến năm 2009, DA được điều chỉnh, bổ sung quy mô thân đập bằng bê tông, tổng vốn đầu tư tăng lên 225,3 tỉ đồng. Tháng 9.2010, DA được khởi công rầm rộ với vốn đầu tư 325 tỉ đồng. Sau đó, vốn của đập dâng này điều chỉnh tăng vào các năm: Tháng 6.2013 (424 tỉ đồng, khởi công lần nữa), tháng 10.2017 (955 tỉ đồng) và năm 2018 (1.500 tỉ đồng).

Ngày 2.7.2019, DA hoành tráng này lại được khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2021. Mục tiêu của DA là giữ nước trên sông Trà Khúc đoạn qua TP.Quảng Ngãi để tạo cảnh quan phục vụ du lịch, ngăn xâm nhập mặn và nhiều dự kiến khác. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, DA vẫn còn dang dở, gây bức xúc dư luận.

Nguy cơ "đắp chiếu"

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng giao thông tỉnh Quảng Ngãi (BQL), DA đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc thi công từ năm 2019 đến nay đã thi công đạt 88% khối lượng giá trị hợp đồng. Năm 2024, DA được bố trí vốn hơn 227 tỉ đồng bằng nguồn thu tiền sử dụng đất để tiếp tục thi công.

Tuy nhiên, còn rất nhiều việc dở dang phía trước, nên BQL chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi xin gia hạn thời gian hoàn thành công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc vào năm 2025. Nguyên nhân là do trong năm 2024, vốn của DA bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất nhưng đơn vị vẫn chưa được bố trí vốn để thi công. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như: chưa giải phóng xong mặt bằng, 2/19 khoang cống hiện các đơn vị thi công chưa tiếp cận được để tiến hành thi công dưới nước. Trong khi đó, đến ngày 31.8.2024, công trình phải tạm dừng để thanh thải dòng chảy, hoàn trả mặt cắt thoát lũ cho sông Trà Khúc, đảm bảo an toàn phòng lũ.

Trước đó, chiều 8.4, tại cuộc họp báo quý 1/2024 do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, PV Thanh Niên đặt câu hỏi liệu công trình đập dâng sông Trà Khúc có hoàn thành trong năm 2024 hay không. Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết DA đã được bố trí vốn nên sẽ hoàn thành trong năm nay. Nhưng để đưa vào sử dụng hay không, một phần phụ thuộc vào DA hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải TP.Quảng Ngãi lưu vực phía nam hạ lưu sông Trà Khúc.

Phần khác, theo ông Tuấn, DA đập dâng lấy nguồn vốn từ tiền sử dụng đất, nhưng dự kiến năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi chỉ thu đạt 500 tỉ đồng từ nguồn này, rất thấp so với kế hoạch đưa ra là 3.800 tỉ đồng. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi chỉ chọn những công trình mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính cấp bách để ưu tiên nguồn vốn.

Theo dự báo, tình hình đấu thầu, đấu giá liên quan đến các khu dân cư, bất động sản… để lấy tiền "nuôi" hạ tầng là bức tranh không sáng sủa trong năm nay và vài năm tới đối với Quảng Ngãi. Do đó, DA đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đang có nguy cơ "đắp chiếu", khó hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian vài năm đến, tiếp tục là nỗi bức xúc của người dân địa phương.

SAI PHẠM TẠI TẬP ĐOÀN THUẬN AN, PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BỊ BẮT

Ông Phạm Thái Hà bị bắt để điều tra vì liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Sáng 22/4, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đối, bố sung năm 2017)

Đây là động thái mới trong quá trình Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Ngày 22/4/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các lệnh, quyết định nêu trên. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành các lệnh, quyết định này.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, trước đó Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An); Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ; bị can Trần Anh Quang (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An) bị bắt về tội Đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thạo (Giám đốc) và Đàm Văn Cường (Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang) cùng bị khởi tố, bắt giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.

Bị can Hoàng Thế Du (Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang) bị khởi tố, bắt giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn: Soha; Vietnamnet; Thanh Niên; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang