Siêu dự án năng lượng sắp về đích thì tắc; Dự án 10.000 tỉ vẫn ì ạch; Nhìn lại các đại án kinh tế; Cần Thơ gian nan tìm cát cho dự án

VÌ SAO SIÊU DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG SẮP VỀ ĐÍCH LẠI “TẮC”

Siêu dự án năng lượng quốc gia đang "chạy đua" về đích với tiến độ hoàn thành 85%. Tuy nhiên, vướng mắc trong thi công đường ống dẫn nước làm mát có thể ảnh hưởng đến tiến độ và gây thiệt hại kinh tế.

Dự án Nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 3 và 4 nằm tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được xem là "siêu" dự án năng lượng quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.

Dự án có công suất khoảng 1.624MW, là một trong những dự án năng lượng trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư.

Khởi công tháng 5/2022, dự kiến khi đi vào hoạt động, NMĐ Nhơn Trạch 3, 4 sẽ bổ sung khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia.

Theo tiến độ, công trình dự kiến sẽ phát điện thương mại của NMĐ Nhơn Trạch 3 vào cuối năm 2024 và NMĐ Nhơn Trạch 4 vào giữa năm 2025.

Ghi nhận của VietNamNet cho thấy những ngày cuối tháng 4, trên công trường có khoảng 2.500 cán bộ kỹ sư, công nhân cùng một số máy móc siêu trường, siêu trọng đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị.

Trải qua gần 2 năm thi công, phần lớn các hạng mục đã hoàn thành. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn tất khoảng 85% khối lượng công việc.

Tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp phải vướng mắc lớn do không thể kết nối đường ống dẫn nước làm mát.

Đây là hạng mục quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc vận hành nhà máy. Việc vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án và gây ra thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của vướng mắc này là do chủ đầu tư chưa có mặt bằng để thực hiện đoạn giao cắt với tuyến đường số 4, KCN Ông Kèo do Tổng Công ty Tín Nghĩa quản lý.

Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong việc hoàn thành hạng mục đường ống dẫn nước làm mát.

Ông Lê Bá Quý - Giám đốc BQL dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4 - cho biết đường ống dẫn nước làm mát được xem là hạng mục "đường găng tiến độ" của dự án.

“Vướng mắc chậm giải quyết ngày nào thì công trình sẽ chậm tiến độ ngày đó, vì hệ thống nước làm mát rất quan trọng. Nếu không có hệ thống này thì không thể vận hành nhà máy được” - ông Quý nói thêm.

Mới đây, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Tín Nghĩa và các sở, ngành liên quan đến dự án NMĐ Nhơn Trạch 3, 4.

Ông Phi cũng đề nghị Tổng Công ty Tín Nghĩa tạo điều kiện cho thi công cống xả nước làm mát của dự án điện, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo trước đây của UBND tỉnh. Trường hợp đến ngày 25/4, nếu vẫn không tạo điều kiện cho chủ đầu tư, tỉnh Đồng Nai sẽ có phương án bảo vệ thi công.

Dự án Nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam. Dự án sử dụng cấu hình 1:1:1 (tuabin - lò hơi - máy phát) đầu tiên trong cả nước, là một trong số ít tổ máy tuabin khí có công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ tại COP26.

CÔNG TRÌNH CHỐNG NGẬP 10.000 TỈ VẪN Ì ẠCH

"Dự án phấn đấu hoàn thành cuối năm nay", lời hứa hẹn của chủ đầu tư cũng như lãnh đạo TP.HCM được đưa ra từ đầu năm 2019. Đến nay, đã có thêm 4 lần "cuối năm" nhưng công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng vẫn ì ạch chờ gỡ vướng ngay sát vạch đích.

nghị quyết riêng, có tổ công tác gỡ vướng, vẫn chưa đủ?

Trong báo cáo về tiến độ và các khó khăn, vướng mắc của Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ) vừa gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng cho biết công trình đã thi công hoàn thành đạt 93,33% tổng khối lượng. Hiện nay, dự án còn vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành. UBND TP đã có thông báo giao Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, các thành viên tổ công tác của UBND TP rà soát cơ sở pháp lý, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 40 để đề xuất tham mưu UBND TP trình Chính phủ nghị quyết thay thế, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của dự án. "Tuy nhiên, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án thì phải trình Chính phủ thay thế Nghị quyết 40 nên khó có thể triển khai thi công theo tiến độ", báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu.

Thông tin TP.HCM phải chờ nghị quyết mới gỡ vướng của Chính phủ khiến không ít người bất ngờ, bởi sau khi dự án tiếp tục phải dừng thi công lần thứ 2 vì thiếu vốn vào năm 2020, ngày 1.4.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 về việc tiếp tục triển khai Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, UBND TP cho gia hạn hoàn thành dự án đến năm 2023, đồng thời làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV để tháo gỡ việc tái cấp vốn và giải ngân cho dự án. Dù vậy, cũng phải kéo tới tháng 1.2023, phụ lục hợp đồng mới được ký kết và hai tháng sau, công trình mới được tái khởi động. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục vướng với thủ tục giải ngân theo yêu cầu từ ngân hàng.

TP.HCM loay hoay mãi không có lối ra, tháng 9.2023, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm tổ phó, từ đó gỡ vướng cho dự án thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 40 của Chính phủ. Thời gian qua, Phó thủ tướng nhiều lần thúc giục, UBND TP.HCM cũng liên tục có văn bản chỉ đạo, tổ chức họp với các sở, ban, ngành, song theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng thì dự án vẫn chưa thể về đích như đã hẹn và UBND TP đang chờ Chính phủ có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 40.

DN 'oằn lưng' gánh nợ, người dân khốn khổ vì ngập

Trong văn bản gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 26.2, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam nêu nhà đầu tư vẫn đang phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh theo từng ngày. Tính đến cuối tháng 5.2023, tổng lãi vay phát sinh là hơn 1.519 tỉ đồng. Cứ mỗi ngày thủ tục kéo dài sẽ phát sinh thêm khoảng 1,46 tỉ đồng tiền lãi. Chưa kể đến thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư khi dự án kéo dài đến nay đã 7 năm tính từ thời điểm khởi công. "Số tiền lãi này đang rất cao và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu như dự án vẫn còn tiếp tục kéo dài. Khi đó, nguy cơ tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng là không thể kiểm soát được", phía Trung Nam lo ngại.

Đáng nói, dự án ì ạch quá lâu khiến mục tiêu ngăn triều bị vô hiệu hóa. Trái lại, hàng rào chắn từ những phần cống đã hoàn thiện lại vô tình chặn dòng chảy, gây ùn rác, đọng chất thải tại nhiều khu vực dòng kênh. Những ngày mùa khô cạn nước, dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đoạn cặp bên đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Bến Vân Đồn (Q.1, Q.4), nước thải quyện cùng bèo, rác nổi lềnh bềnh trên dòng kênh bốc mùi hôi thối. Tương tự, một số vị trí cống ngăn triều thuộc dự án này tại khu vực Q.7, Q.8 cũng không ít lần bị phản ánh tình trạng công trường, lô cốt án ngữ quá lâu ảnh hưởng tới giao thông và đời sống của người dân xung quanh; chưa kể mỗi khi triều lên thì ngập vẫn hoàn ngập.

Không ai có thể tưởng tượng đó chính là một trong những dự án trọng điểm, luôn đứng đầu danh sách công trình cấp bách, đã từng được kỳ vọng sẽ đưa TP.HCM thoát cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa.

Quy rõ trách nhiệm, đúng sai ở đâu cũng phải dứt điểm

Thực tế, từ cuối năm ngoái, TP.HCM đã đề xuất 3 phương án gỡ vướng về vốn cho dự án ngăn triều. Thứ nhất là TP thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng cách trả đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Phương án hai là Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình. Phương án ba là HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của Nghị định số 147/2020 của Chính phủ. Cụ thể là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình. Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC để HFIC hoàn trả lại ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.

Qua phân tích 3 phương án, TP.HCM nhận thấy phương án 3 là khả thi nhất, có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Sở Tài chính TP lại cho rằng nội dung đề xuất của UBND TP về phương án ủy thác không phù hợp theo quy định như ý kiến của Bộ Tài chính. Vì vậy, Sở không có cơ sở tham mưu đối với phương án ủy thác và đề nghị HFIC làm rõ đơn vị nào sẽ tham mưu UBND TP ban hành quyết định ủy thác.

Theo dõi sát sao từng "cửa ải" của công trình chống ngập 10.000 tỉ từ năm 2018 đến nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư VN) cho rằng cần quyết liệt chỉ rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc công trình bị chậm trễ. "Như với phương án ủy thác mà TP đã đưa ra, cơ sở pháp lý đầy đủ là theo quy định của Nghị định số 147/2020; hiện TP cũng có chủ trương gỡ khó từ Nghị quyết 40; có các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98…Vậy tại sao vẫn không làm được? Sở Tài chính nói không phù hợp thì phải chỉ rõ ra không phù hợp chỗ nào? Những cái vướng đó có giải quyết được không? Giải quyết thế nào? rồi tham mưu cho UBND TP", ông Hậu đặt câu hỏi.

"Không có vướng mắc nào là không gỡ được, vấn đề chỉ là con người có dám quyết, muốn làm hay không. Chính phủ đã mở đường chính về mặt chủ trương rồi, TP phải tự mở các đường phụ để đi tiếp chứ đâu thể cứ trông chờ, đùn đẩy mãi được", LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN TRONG CÁC ĐẠI ÁN KINH TẾ

Các sai phạm được đưa ra ánh sáng trong đại án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC... đều cho thấy những tồn tại trong vấn đề kiểm toán. Với những sai phạm tưởng chừng “con voi chui lọt lỗ kim”, theo chuyên gia, kiểm toán không thể vô can. Vừa qua, nhiều công ty, kiểm toán viên đã bị đình chỉ.

Nhóm lớn nhất toàn cầu cũng dính

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm kiến nghị Cục 03 - Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong quá trình điều tra giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan. Nếu đủ căn cứ, Hội đồng xét xử đề nghị xem xét xử lý đúng quy định. Đáng chú ý, hơn 10 năm qua, các công ty kiểm toán cho ngân hàng SCB đều là công ty lớn, thuộc nhóm Big4 (lớn nhất) toàn cầu: Ernst & Young (EY), Deloitte Việt Nam và KPMG.

Tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, HĐXX kiến nghị cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán và kiểm toán viên liên quan tại ngân hàng SCB.

Trong thời gian kiểm toán cho ngân hàng SCB, các kiểm toán viên tại 3 công ty trên dường như không phát hiện điều gì bất thường. Các kỳ báo cáo phần lớn đều cho thấy “không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán... Chỉ tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 và báo cáo soát xét bán niên 2013, EY chỉ lưu ý một số vấn đề, trong đó có thanh khoản ngân hàng. Với báo cáo tài chính năm 2021, kiểm toán viên của KPMG Việt Nam chỉ lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020.

Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh , cơ quan tố tụng cũng cáo buộc các công ty kiểm toán ban hành báo cáo kiểm toán với nội dung không đúng thực tế. Các công ty kiểm toán có liên quan: Kiểm toán Nam Việt - Chi nhánh phía Bắc, CPA Hà Nội.

Với vụ án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, nhóm công ty kiểm toán cũng bị xác định giúp sức “làm đẹp” báo cáo tài chính cho Công ty Faros, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01)- Bộ Công an đã làm rõ sai phạm của một số lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, Công ty TNHH Kiểm toán ASC (sau đổi tên thành Công ty TNHH Kiểm toán TTP). Đơn vị kiểm toán khai nhận cố tình làm sai vì hệ sinh thái FLC là khách hàng lớn.

Kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xếp loại không đạt yêu cầu với Công ty TNHH Kiểm toán TTP (bị đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán năm 2023); không xem xét chấp thuận năm 2024 với công ty này và 6 kiểm toán viên có hồ sơ kiểm toán không đạt yêu cầu. Các công ty như: Kiểm toán và Tư vấn A&C, Kiểm toán Nhân Tâm Việt, Kiểm toán Chuẩn Việt, Kiểm toán Nam Việt, Kiểm toán RSM Việt Nam và Kiểm toán Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị xem xét không được chấp thuận kiểm toán trong năm 2024.

Làm đẹp hồ sơ để giữ chân khách hàng?

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, trong vụ Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh hay FLC, với những sai phạm tưởng chừng “con voi chui lọt lỗ kim”, kiểm toán không thể vô can. Kiểm toán làm việc trên hồ sơ, bằng chứng do doanh nghiệp cung cấp, nhưng bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, họ chắc chắn có thể phát hiện một số bất thường, chứng từ có rủi ro, nghi ngờ. Nhiệm vụ kiểm toán là thu thập, đánh giá, xác thực các bằng chứng, việc “bỏ lọt” bất thường gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, Nhà nước.

Theo ông Huân, các công ty kiểm toán độc lập dễ vướng vào xung đột lợi ích, kiểm toán chặt thì mất khách, năm sau doanh nghiệp sẽ không ký hợp đồng. Ông Huân đặt vấn đề: “Qua các vụ việc xảy ra vừa qua, cần đặt trách nhiệm của công ty kiểm toán trước pháp luật ở mức cao hơn, xem xét xử lý nếu thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra cần xem xét trách nhiệm của công ty kiểm toán tới đâu, liệu có liên đới. Như vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các công ty kiểm toán cho SCB hơn 10 năm”.

“Có thể bổ sung một quy định với hoạt động kiểm toán độc lập, như kiểm toán chéo, có đơn vị Nhà nước kiểm toán tiếp. Quy trình kiểm toán như với SCB, có sự tham gia của các công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới, thanh tra Ngân hàng Nhà nước,… khá chặt chẽ, nhưng vẫn phát sinh tiêu cực do vấn đề con người, tham ô, hối lộ”, ông Huân phân tích.

Theo Bộ Tài chính, đến ngày 29/2/2024, cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề. Năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng cho biết, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: Năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Lấy ví dụ về vụ SCB, Bộ trưởng cho biết, những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đều vi phạm. Cái này do kiểm toán viên, chứ không phải từ công tác quản lý. Ông Phớc khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, có tình trạng công ty kiểm toán chưa kiểm tra đầy đủ độ tin cậy của tài liệu, thông tin từ khách hàng cung cấp để làm bằng chứng kiểm toán. Một vài hồ sơ chưa xem xét đầy đủ rủi ro, gian lận trong việc ghi nhận doanh thu, chưa phù hợp với rủi ro thực tế của khách hàng. Các thủ tục kiểm toán được thiết kế chưa phù hợp với rủi ro được đánh giá…

CẦN THƠ GIAN NAN TÌM CÁT CHO HÀNG LOẠT DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Hiện nay, một trong những vấn đề TP. Cần Thơ rất quan tâm là đảm bảo vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm.

Thông tin tại cuộc họp quan báo chí định kỳ I/2024 do UBND TP. Cần Thơ tổ chức sáng ngày 19/4/2024, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, nguồn cát làm nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở TP. Cần Thơ rất khan hiếm, đồng thời giá rất cao. Giá khi lập dự toán dao động chỉ khoảng 200 ngàn đồng/m3, nhưng tới thời điểm này giá mua thương mại cũng khoảng trên dưới 300 ngàn đồng/m3.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ, đối với các dự án do UBND TP. Cần Thơ là cấp quyết định đầu tư hoặc giao cho các đơn vị làm chủ đầu tư, theo tổng hợp nhu cầu cát sử dụng làm nền đường cho các tuyến Đường Vành đai phía Tây, ĐT 917, ĐT 918, 921, 923 là khoảng 2,1 triệu m3, nhưng hiện nay các nhà thầu thi công chỉ mới thu xếp được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại rất khó khăn trong việc đi tìm các nguồn cát.

Đối với các tuyến cao tốc đi qua địa bàn TP. Cần Thơ là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, 2 cao tốc này được áp dụng cơ chế giao mỏ.

Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trên địa bàn TP. Cần Thơ triển khai 10 km nút IC2, nhu cầu cát làm nền đường khoảng 800 ngàn m3. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thì đã cơ bản thu xếp, cân đối đủ, nguồn cát này lấy từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trên địa bàn TP. Cần Thơ có chiều dài là 37,8 km, nhu cầu sử dụng cát để làm nền đường khoảng 5,3 triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ mới cân đối được 2,4 triệu m3, số còn lại chưa cân đối được.

Ông Lê Tiến Dũng cho rằng, hướng tới, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cũng như các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang để tham mưu, xem xét các nguồn còn lại ở các mỏ để kiến nghị UBND các tỉnh cân đối nguồn cát này hỗ trợ cho TP. Cần Thơ.

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhấn mạnh, hiện nay một trong những vấn đề rất quan trọng của thành phố là vật liệu san lấp để đảm bảo các công trình. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tích cực làm việc với các tỉnh để hỗ trợ nguồn cát, qua đó, An Giang cung cấp 1 mỏ cát, tiếp tục là Đồng Tháp, Vĩnh Long. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng đã tổ chức đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này còn khoảng 8 triệu m3 cát, nhưng đó là kết quả khảo sát trước đây. Bây giờ cần phải tiến hành khảo sát lại xem lượng cát đó có còn đủ không, nếu còn đủ thì tỉnh Sóc Trăng cam kết giải quyết cho Cần Thơ khoảng 8 triệu m3 cát để ưu tiên làm cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đặc biệt, theo ông Dương Tấn Hiển, mới đây lãnh đạo TP. Cần Thơ cũng vừa tiếp Đại sứ Campuchia, lượng cát Campuchia còn rất nhiều để cung cấp cho TP. Cần Thơ cũng như Việt Nam nói chung. Nhưng vấn đề giá cả thì hiện nay chưa thống nhất được, do giá rất cao. Giá từ Campuchia xuất bán tại Việt Nam là 200 ngàn đồng/m3, nhưng đường vận chuyển từ phao số 0 về tới Cần Thơ bơm lên giá bán đội lên tới 300 ngàn đồng/m3.

“Chúng tôi tìm các giải pháp để làm sao phải có cát để giải quyết các công trình trọng điểm giao thông, khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, và kể cả sân golf đang thi công cũng đang thiếu cát… Đây là vấn đề mà lãnh đạo thành phố rất quan tâm tháo gỡ”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ.

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; Kenh14; Tin Nhanh Chứng Khoán

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang