Phát triển đô thị theo 'mô hình TOD'; Trắc trở metro; Khó thu hồi dự án của Vũ 'Nhôm'; Những công trình tai tiếng của Thuận An

PHÁT TRIỂN CÁC KHU ĐÔ THỊ THEO “MÔ HÌNH TOD”: XU THẾ TẠM THỜI HAY TẤT YẾU?

Ngày nay, mô hình TOD đang ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có cả Việt Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình này đang được áp dụng để hướng đến hình thành và phát triển các khu đô thị “vệ tinh” phục vụ cho nhu cầu giãn dân ở những khu vực đông đúc.

Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm sáng TOD của cả nước

Tái phân bổ là bài toán khó có thể tránh khỏi ở các thành phố lớn, khi mật độ dân và lượng người đổ dồn về sinh sống ngày càng tăng. Song song đó, nhiều giải pháp đã được phát triển để định hướng cho việc kéo giãn dân cư ra các quận ven thành phố cũng như hợp dân tại các đô thị vệ tinh mới, với mong muốn giảm tải sức ép và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Một trong những giải pháp nhiều nơi đã và đang áp dụng thành công chính là mô hình TOD.

TOD (Transit Oriented Development) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Các đô thị được phát triển theo mô hình TOD thường được xây dựng xung quanh các bến xe bus, ga tàu điện hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác. Nơi này thường tập trung nhiều tiện ích như trung tâm thương mại, trường học, văn phòng, trung tâm giải trí,... tạo nên một hệ sinh thái đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó các khu này thường được thiết kế với bán kính từ 400m đến 1000m để người dân có thể đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách dễ dàng. Hiện nay mô hình TOD đang được áp dụng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như: Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), New York (Mỹ), London (Anh),...

Tại Việt Nam, mô hình TOD cũng đang có kế hoạch được triển khai, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ nhập cư tại TP. Hồ Chí Minh tăng đều qua từng năm dẫn đến cơ sở hạ tầng bị quá tải. Theo số liệu Niên giám Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 cả nước với tỷ suất nhập cư lên đến 25,4%. Trước tình trạng này, mô hình TOD đang được đẩy mạnh ở các quận ven thành phố để các khu này trở thành đô thị vệ tinh, thu hút dân cư về sinh sống. Dự kiến cho giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở TPHCM là 243.000 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí đầu tư xây dựng metro ước tính đã là 103.000 tỷ đồng, chiếm đến khoảng 43%.

Hướng tới việc TP.HCM là đô thị đa trung tâm với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), từng bước hạn chế tập trung quá mức ở khu trung tâm, thay vào đó là sự hình thành lên các khu đô thị vệ tinh mới như Thành phố Thủ Đức, Quận 12, Bình Chánh,... dọc theo các tuyến giao thông công cộng trọng điểm đảm bảo được vấn đề di chuyển cho người dân, bên cạnh đó vẫn đầy đủ chức năng một đô thị nổi bật.

Những "đô thị vệ tinh" của thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Thủ Đức là ví dụ điển hình được tạo điều kiện áp dụng mô hình TOD để trở thành đô thị vệ tinh mới của TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, Thủ Đức được chú tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như bến xe miền Đông mới - đầu mối chủ chốt trong nút giao thông công cộng phía Đông thành phố, hay tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên nối dài từ Quận 1 đến thành phố Thủ Đức (dự kiến khai thác thương mại vào quý 4 năm nay). Thủ Đức cũng là "tụ điểm" của khu dân cư mới với đầy đủ tiện nghi hiện đại để phục vụ người dân. Ngoài ra, trong thời gian tới, thành phố đang có đề xuất mở Khu Công nghệ Cao 2 tại Thủ Đức, dự kiến sẽ trở thành 1 trong 3 khu vực hạt nhân cùng với khu công nghệ cao hiện hữu.

Bình Chánh cũng là một trong những vùng tiềm năng thí điểm mô hình TOD để trở thành nơi hợp tâm dân cư mới của thành phố. Với vai trò cửa ngõ phía Tây Nam TP.HCM, Bình Chánh cũng được chú trọng đầu tư hệ thống giao thông công cộng với nhiều dự án đang trong quá trình xây dựng như Tuyến Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên) với tổng mức đầu tư hơn 67.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến 2025 - 2034, hay Tuyến Metro 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn), dự kiến sẽ bắt đầu khai thác thương mại sau năm 2032, rút ngắn thời gian di chuyển của cư dân khi muốn tiếp cận đến các vùng lân cận và trung tâm thành phố. Mô hình TOD giúp người dân dễ dàng hơn trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường thêm vào đó nhiều chính sách được đưa ra nhằm bảo tồn được mảng xanh cũng giúp thiên nhiên Bình Chánh giữ được sự vẹn nguyên và tươi mát vốn có. Mục tiêu trong tương lai Bình Chánh sẽ trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại và có chất lượng sống tốt.

Nhìn thấy được tiềm năng của mô hình TOD trong tương lai, nhiều nhà đầu tư đã xây dựng các khu đô thị để nắm bắt cơ hội, trong đó phải kể đến Gamuda Land - nhà đầu tư uy tín trong lĩnh vực bất động sản, luôn đón đầu xu thế. Sau thành công của dự án Celadon City (Tân Phú), Gamuda Land sắp tới sẽ cho ra mắt thêm một dự án bất động sản ở vị trí đắc địa của khu vực Bình Chánh với đầy đủ tiện ích xung quanh từ trường học, siêu thị, bệnh viện cho đến trung tâm thương mại,... Thêm vào đó, chủ đầu tư cũng tận dụng những ưu điểm sẵn có của vùng ngoại ô như thiên nhiên xanh mát, xóm giềng hiện hữu,... kết hợp lối kiến trúc xanh Biophilic đặc trưng giúp cư dân tận hưởng được không khí trong lành, thư giãn sau những căng thẳng thường nhật. Với tầm nhìn chiến lược và tận dụng mô hình TOD trong tương lai, Gamuda Land hứa hẹn cư dân của dự án sẽ được sống tại một đô thị vệ tinh đúng nghĩa để nâng tầm cuộc sống.

Áp dụng mô hình TOD diện rộng kết hợp với sự đầu tư mạnh mẽ của nhiều dự án bất động sản hứa hẹn sẽ biến Bình Chánh nói riêng và vùng ven TP. HCM nói chung trở thành địa điểm lý tưởng để đầu tư trong tương lai.

NHỮNG TUYẾN METRO TRẮC TRỞ

Dù đã hoàn thành tới 98% nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa ai dám chắc tháng 10 tới, người dân TP.HCM có thể được đi metro.

Sát vạch đích vẫn chưa hết "kiếp nạn"

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa giới thiệu hình ảnh hoàn chỉnh của 14 nhà ga tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên). Các công trình, trang thiết bị phục vụ hành khách như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, nơi dành cho sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách… đều đã được vệ sinh sạch sẽ, khang trang. Trong đó, có những nhà ga lớn như ga Trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát TP, ga Ba Son, ga Tân Cảng… gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo, in đậm dấu ấn đặc biệt của TP.HCM.

Cùng với đó, 9 cầu bộ hành kết nối các nhà ga cũng đang trong giai đoạn nước rút, dự kiến tới tháng 6 sẽ được đưa vào sử dụng. Tổng thể khối lượng thi công của tuyến metro số 1 đã đạt hơn 98%, kế hoạch chạy thử tàu, kế hoạch miễn phí vé cho người dân cũng đã được lên từng mốc thời gian chi tiết. Thế nhưng, khi đặt câu hỏi tới chủ đầu tư rằng "Có chắc chắn tháng 10 tới, người dân sẽ được đi metro?", lãnh đạo MAUR vẫn ngập ngừng: "Còn phụ thuộc vào tư vấn và các nhà thầu Nhật Bản".

Theo MAUR, tuyến metro số 1 hiện có 5 vướng mắc cần giải quyết, trong đó có tới 4 vấn đề liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn với nhà thầu. Đơn cử, để đẩy nhanh tiến độ đào tạo của dự án, MAUR đã và đang thực hiện các giải pháp nhận bàn giao trước thiết bị và hạ tầng để giao cho đơn vị tư vấn NJPT thực hiện công tác đào tạo nhân sự. Thế nhưng, mặc dù Ban chấp nhận bàn giao sớm, song, nhà thầu Hitachi vẫn đưa ra các yêu cầu về mặt thương mại và những nội dung kỹ thuật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện giải pháp này.

Chưa kể, sự phối hợp giữa các nhà thầu với nhau, và với Tư vấn NJPT vẫn chưa được như mong đợi với các vướng mắc xoay quanh giao diện và chi phí. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ngoài ra, trong các cuộc họp và qua các văn bản pháp lý về hợp đồng bảo dưỡng, nhà thầu Hitachi vẫn bảo lưu quan điểm về hợp đồng bảo dưỡng này là một hợp đồng độc lập, viện dẫn sai lệch các từ ngữ trong hợp đồng để từ chối và giảm bớt trách nhiệm của nhà thầu đối với công tác bảo dưỡng theo hợp đồng và đề xuất mức giá cao hơn gấp 3,5 lần so với giá cơ sở trong hợp đồng gốc. Phía MAUR nhận định phía nhà thầu Hitachi chỉ quan tâm đến các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện công việc liên quan đến đào tạo/thử nghiệm với các bên liên quan mà không tích cực chủ động thực hiện công việc thúc đẩy tiến độ.

Thậm chí, phía chủ đầu tư còn đề nghị lập Ban xử lý tranh chấp và trong trường hợp Tư vấn NJPT và nhà thầu Hitachi không thể đạt được thỏa thuận chung, cần cân nhắc việc lựa chọn đơn vị đủ năng lực (Hitachi) để thực hiện nhiệm vụ này nhanh chóng hơn.

Nhìn lại hành trình kể từ khi chính thức được khởi động vào năm 2016, gần như chưa có "kiếp nạn" nào mà tuyến metro đầu tiên của TP.HCM chưa trải qua. Từ khó khăn liên quan đến chủ trương điều chỉnh tăng vốn khiến dự án không ít lần rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, liên tục phải giật gấu vá vai, có những giai đoạn đối diện nguy cơ ngừng thi công do thiếu tiền, cho tới dịch bệnh rồi sự cố kỹ thuật nghiêm trọng hồi 2021 (lệch gối cầu) khiến dự án phải lùi thời hạn… đến nay, hành trình về đích của tuyến metro số 1 vẫn chưa hết trắc trở.

Thay đổi hoàn toàn cách làm với những tuyến sau

Không chỉ tác động về giao thông, đô thị, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng sự ì ạch quá lâu của các tuyến metro còn khiến nỗ lực thu hút đầu tư vào TP bị ảnh hưởng rất nhiều. Quan trọng hơn, "điệp khúc" metro lùi đích đang làm mất đi sự hồ hởi, mong chờ về một sự kiện mang tính đột phá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của TP.

"Dự án chậm tiến độ, chắc chắn do từng hợp phần làm không tốt. Tuy nhiên, trước nay chúng ta chưa có tiêu chí rõ ràng về vấn đề quy trách nhiệm. Khi có chuyện xảy ra, trách nhiệm đổ chung chung, thậm chí thiên tai, dịch bệnh cũng trở thành cái cớ chính để đổ trách nhiệm. Một tuyến gần 20 km làm tới gần 2 thập niên, vậy "mộng" hơn 200 km metro của TP.HCM mất bao lâu mới thành được?", TS Trần Quang Thắng đặt vấn đề.

Quả thực, nhiệm vụ hoàn thành 220 km đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035 là thách thức cực lớn đối với TP.HCM. Đầu tiên là bài toán nguồn vốn. Theo thống kê của MAUR, nhìn chung, ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu để đạt mục tiêu xây dựng hạ tầng nói chung và hạ tầng TP.HCM nói riêng giai đoạn 2021 - 2025. Vốn ODA cho các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại TP.HCM là khoảng 6,544 tỉ USD, đạt khoảng 23% so với tổng mức đầu tư dự phòng.

Do đó, các phương thức PPP, TOD, phát hành trái phiếu được xác định là hướng đi tất yếu để VN có thể làm metro không phụ thuộc nước ngoài. Song, phương án nào cũng vướng hàng rào thủ tục khá khó khăn. Nếu triển khai theo phương thức PPP, trong trường hợp nhà đầu tư chủ động đề xuất thực hiện dự án, quy trình thực hiện gồm tới 52 bước, chia thành 4 giai đoạn; Trường hợp chủ đầu tư đề xuất và thực hiện nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, sau đó lập kế hoạch khảo sát, kêu gọi nhà đầu tư tham gia sẽ rút ngắn các bước tiếp xúc nhà đầu tư, nhưng cũng còn tới 48 bước. Riêng phần thủ tục cũng phải tính bằng đơn vị năm. Còn nếu triển khai theo TOD hay phát hành trái phiếu thì cũng chưa có hành lang pháp lý, đòi hỏi phải xây dựng từ đầu với những cơ chế, chính sách chưa từng có tiền lệ.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban Phụ trách MAUR, thừa nhận đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề mà nếu không thay đổi hoàn toàn cách làm, TP.HCM không thể thực hiện được. Tất cả các yếu tố từ quy hoạch, hành lang pháp lý, giải phóng mặt bằng, nguồn lực tài chính, khai thác quỹ đất, nguồn vốn vay thương mại, trái phiếu, công tác thủ tục đầu tư, chuẩn bị dự án, đồng bộ các tiêu chuẩn cho tới tiến hành thi công, áp dụng giải pháp công nghệ... đều phải được thay đổi. Đặc biệt là mô hình tổ chức quản lý dự án, yếu tố con người, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.

"TP đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Trong đó, chỉ rõ các cách làm mới, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành cấp T.Ư cho TP.HCM được áp dụng những cơ chế mới, có đủ hành lang pháp lý để hiện thực hóa giấc mơ metro trong thời gian tới, không phụ lòng mong mỏi của người dân TP", ông Nguyễn Quốc Hiển kỳ vọng.

ĐÀ NẴNG GẶP KHÓ TRONG VIỆC THU HỒI KHU DU LỊCH VEN BIỂN CỦA VŨ 'NHÔM'

Dự án Khu du lịch ven biển Non Nước liên quan đến Vũ “Nhôm” có tổng diện tích 3,77 ha, nằm trên đường Trường Sa (phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bỏ hoang nhiều năm nay.

Năm 2014, dự án Khu du lịch biển Non Nước được chính quyền Đà Nẵng giao đất cho Công ty TNHH I.V.C. Doanh nghiệp này do ông Phan Văn Anh Vũ - tức Vũ “Nhôm” - làm Chủ tịch hội đồng thành viên. Đã 10 năm trôi qua, dự án đến nay vẫn chỉ là khu đất trống, bị bỏ hoang.

Khu đất vàng thành "bãi rác"

Theo ghi nhận của VietNamNet, khu đất này nằm ở cuối đường Huyền Trân Công Chúa giao với đường Trường Sa - tuyến đường đẹp của Đà Nẵng, chạy dọc ven biển, kéo dài gần đến phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Đối diện khu đất là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Hai bên cạnh khu đất là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp đang hoạt động. Bị bỏ hoang lâu ngày, khu đất vàng này trở thành nơi tập kết rác thải, xà bần. Một số người nhặt ve chai thỉnh thoảng vào đây lượm chai lọ, phế liệu.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, dự án Khu du lịch ven biển Non Nước có diện tích 37.698m2 của Công ty TNHH I.V.C được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 20/8/2014.

Ngày 9/10/2014, UBND TP ban hành quyết định về việc giao đất cho Công ty TNHH I.V.C để đầu tư xây dựng khu du lịch ven biển; trong đó, diện tích đất chuyển quyền 30.000m2; diện tích đất bãi cát và cây xanh giao quản lý là 7.698m2 (đất công trình công cộng, không thu tiền sử dụng đất); thời hạn sử dụng đất 50 năm kể từ ngày ký quyết định.

Đến 8/2015, UBND TP ban hành quyết định điều chỉnh giảm diện tích xuống còn hơn 31.500m2, trong đó diện tích giao đất xuống còn 30.000m2 và diện tích thuê đất trả tiền hàng năm là 1.588m2.

Năm 2018, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua tờ trình thu hồi khu đất trên, dự kiến khu đất này sẽ được làm công viên công cộng. Tuy nhiên đến nay, Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thu hồi dự án trên.

Lý do Đà Nẵng chưa thể thu hồi?

Như VietNamNet đã đưa tin, mới đây UBND TP. Đà Nẵng có văn bản gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội về việc khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Bản án hình sự phúc thẩm ngày 12/5/2020 của TAND cấp cao. Bản án đã kết án các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Trong phần quyết định của bản án nêu trên có giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi cho Nhà nước loạt bất động sản, trong đó có dự án Khu du lịch biển Non Nước (phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, diện tích 3,77ha).

Theo UBND TP. Đà Nẵng, dự án này đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, cho thuê đất theo dự án đầu tư đã được UBND TP phê duyệt.

“Theo quy định Điều 48 Luật Đầu tư không quy định thu hồi dự án chỉ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Như vậy theo quy định của pháp luật đất đai và Luật Đầu tư hiện hành không có khái niệm “thu hồi dự án” như Bản án số 158 đã tuyên, dẫn đến UBND TP lúng túng trong thực hiện.

Theo cách hiểu bản án của UBND TP. Đà Nẵng thì sẽ thu hồi đất sau đó sẽ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư”, văn bản của UBND TP. Đà Nẵng nêu và kiến nghị TAND cấp cao, VKSND cấp cao xem xét, hướng dẫn Đà Nẵng xử lý để có cơ sở thực hiện bản án.

Trong trường hợp nội dung bản án như cách hiểu của Đà Nẵng thì đề nghị Toà án đính chính, điều chỉnh bản án: "Giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án Khu du lịch biển Non Nước, diện tích 3,77 ha, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng".

NHỮNG CÔNG TRÌNH TAI TIẾNG CỦA TẬP ĐOÀN THUẬN AN

Đường giao thông tại Đắk Lắk đội vốn, chậm tiến độ; cầu ở Bắc Giang bị thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm là 2 trong số các dự án có bóng dáng của Tập đoàn Thuận An

Ngày 17-4, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại đoạn đường do Công ty CP Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) trúng thầu thuộc đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.

Công trình dang dở

Tập đoàn Thuận An là đơn vị mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp tài liệu liên quan đến gói thầu họ thực hiện trên địa bàn. Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, ông Nguyễn Duy Hưng, cùng nhiều đồng phạm vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột dài gần 40 km do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư sau khi đội vốn hơn 1.800 tỉ đồng.

Tháng 8-2021, Ban Quản lý dự án đã ký hợp đồng xây lắp gói thầu số 3 cho liên danh 4 nhà thầu thi công xây dựng với tổng trị giá gói thầu trên 520 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn Thuận An ký hợp đồng gói thầu trên 105 tỉ đồng, thi công 5,2 km.

Theo quan sát, đoạn đường dài 5,2 km không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào đang diễn ra. Nơi đây ngoài khoảng 350 m một bên đoạn qua nút giao với đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa được thảm nhựa, còn lại thì cơ bản hoàn thành thảm nhựa.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hoài Ân (trụ sở Đắk Lắk) cho biết đơn vị đã ký kết với Tập đoàn Thuận An để thảm nhựa toàn bộ 5,2 km bề mặt đường. "Chúng tôi thảm nhựa thuê cho Tập đoàn Thuận An giá 20 tỉ đồng. Hiện còn khoảng 350 m một bên đường chưa thảm nhựa vì bên đó còn nợ 2 tỉ đồng. Tập đoàn Thuận An hứa sẽ chuyển trả tiền, khi có chúng tôi sẽ thảm nhựa hết" - người này thông tin.

Theo tìm hiểu, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột chậm tiến độ, đội vốn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và một số nhà thầu yếu năng lực.

Liên tiếp trúng gói thầu lớn

Liên quan đến Tập đoàn Thuận An, thành lập từ năm 2004 nhưng đến năm 2019 thì doanh nghiệp này nổi lên là một "ông lớn" trong lĩnh vực xây lắp khi liên tục trúng các gói thầu trị giá hàng ngàn tỉ đồng ở nhiều công trình giao thông trên cả nước.

Tại Bắc Giang, liên danh nhà thầu, trong đó có Tập đoàn Thuận An, trúng thầu gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình thuộc Dự án xây dựng cầu Đồng Việt. Giá mời thầu của gói thầu là 1.132,735 tỉ đồng, giá trúng thầu 1.132,351 tỉ đồng.

Bị can Nguyễn Văn Thạo khi đó với vai trò là giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định phê duyệt trúng thầu gói thầu số 7 này... Thanh tra Bộ Xây dựng từng phát hiện nhiều vi phạm tại dự án này.

Bên cạnh đó, trong vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Tập đoàn Thuận An cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trong đó, vào năm 2023, liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Tập đoàn Thuận An đã trúng gói thầu số 11-XL thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến có giá trúng thầu 1.727 tỉ đồng.

Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam trúng gói thầu xây lắp số 02 thi công xây dựng đoạn Km22+000 - Km32+000 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trúng 2.078 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này cũng trúng gói thầu tại dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang với giá trúng thầu là hơn 815 tỉ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Thuận An còn trúng nhiều gói thầu xây lắp ở các địa phương khác nhau trong giai đoạn 2019 - 2023.

Trong ngày 17-4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết qua rà soát, các sở - ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh báo cáo không có dự án nào do các cơ quan ban ngành của tỉnh làm chủ đầu tư có liên quan đến Tập đoàn Thuận An. "Vai trò chủ đầu tư thì ở Quảng Nam không có, còn dự án do bộ làm chủ đầu tư thì phải hỏi bộ" - lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An (tiền thân của Tập đoàn Thuận An) cùng đơn vị liên danh từng trúng thầu 2 dự án do các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đó là gói thầu XL17 dự án thành phần 2 - giai đoạn 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, gia cường các cầu trên quốc lộ bảo đảm đồng bộ tải trọng khai thác trên tuyến và gói thầu XD02 thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14E.

Hình phạt trong mỗi tội danh

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, ngoài Nguyễn Duy Hưng, C03 còn khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Khắc Mẫn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An, cùng về 2 tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Bị can Trần Anh Quang, tổng giám đốc tập đoàn, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Đưa hối lộ"; C03 cũng khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang gồm Nguyễn Văn Thạo, giám đốc ban; Đàm Văn Cường, phó giám đốc ban, cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Nhận hối lộ". Khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Thế Du, trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Tội "Vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 cho thấy người nào phạm tội gây thiệt hại 1 tỉ đồng trở lên có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Đối với tội "Đưa hối lộ", người phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Trong khi đó, "Tội nhận hối lộ" quy định người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nguồn: CafeF; Thanh Niên; Vietnamnet; Người Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang