Tích hợp ADN, giọng nói vào CCCD làm gì; Đẩy nhanh cấp sổ hồng; TP.HCM & bài toán 25 tỷ đô; Phan Quốc Việt & vụ móc nối công ty AIC

TÍCH HỢP ADN VÀ GIỌNG NÓI VÀO CĂN CƯỚC ĐỂ LÀM GÌ?

Từ 1/7, khi Luật Căn cước có hiệu lực, người dân sẽ tích hợp thông tin ADN, giọng nói, mống mắt vào trong cơ sở dữ liệu căn cước khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thông tin, việc thu nhận thông tin mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.

Liên quan đến thông tin về ADN, giọng nói, đại diện C06 thông tin, Luật Căn cước quy định những thông tin này được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp.

Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước nêu rõ: " Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước ".

Như vậy, từ ngày 1/7, trong thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận buộc phải thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp căn cước. Còn thông tin ADN, giọng nói là không bắt buộc.

Thông tin ADN, giọng nói được cung cấp dựa vào sự tự nguyện của người dân. Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định mới phải cung cấp ADN, giọng nói.

Luật Căn cước nêu rõ trách nhiệm về việc bảo mật dữ liệu của từng cơ quan, cá nhân.

Cụ thể, người được giao nhiệm vụ cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin; giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.

Đối với thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước phải tổ chức quản lý việc thu thập ADN, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu; phải kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin ADN, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.

Như vậy, việc thu thập, bổ sung những dữ liệu ADN vào căn cước sẽ được Bộ Công an thực hiện đúng quy định, thông tin ADN căn cước được đảm bảo các yêu cầu bảo mật thông tin.

Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2024) sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ chứng minh nhân dân, căn cước công dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1 đến trước ngày 30/6 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP SỔ HỒNG CHO DÂN

Báo cáo từ Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), cho thấy đơn vị đã tiếp nhận giải quyết cấp sổ hồng cho 575 dự án, với tổng 206.204 căn nhà. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn của toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đối với tất cả thủ tục hành chính là 5,76%.

Giải thích về việc cấp sổ vẫn còn chậm, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM nói rằng nguyên nhân trễ hạn có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nhưng chủ yếu là chủ quan.

Đơn cử công tác phối hợp với cơ quan thuế, đó là thời gian giải quyết hồ sơ của Chi cục Thuế TP.HCM, kể cả thời gian trả hồ sơ yêu cầu chỉnh sửa, phần nhiều bị trễ so với thời gian quy định. Nhiều trường hợp yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ không theo quy định tại Thông tư liên tịch số 88. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế TP.HCM phải xác minh giá mua bán đối với đa số hồ sơ chuyển nhượng, dẫn đến hồ sơ của các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thường xuyên bị trễ hạn.

Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cũng cho rằng công tác phối hợp với các UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện còn chưa ăn ý. Các trường hợp nhà đất cấp sổ hồng lần đầu đa phần đều là những trường hợp có vướng mắc về pháp lý (giấy tờ, nguồn gốc nhà đất không rõ ràng, mua bán bằng giấy tay, thừa kế có yếu tố nước ngoài, có phát sinh thay đổi hiện trạng nhà không phép, sai phép) nên quá trình nghiên cứu, thụ lý, xác minh hồ sơ cũng mất nhiều thời gian.

Một số UBND phường, xã và các phòng ban chuyên môn trả lời xác minh về nguồn gốc, thông tin quy hoạch bị chậm trễ, thiếu thành phần hồ sơ xác minh, khiến công đoạn trình thẩm định và trình ký sổ hồng trễ. Nhiều trường hợp chưa được cập nhật theo hệ tọa độ VN-2000 nên việc cập nhật thông tin trên vào cơ sở dữ liệu địa chính phát sinh nhiều trường hợp chồng ranh, lấn thửa, sai vị trí cũng cần sự phối hợp giữa các đơn vị để xử lý.

Một vướng mắc nữa khiến việc cấp sổ hồng bị trễ hạn là phần mềm liên thông thuế hiện nay, tức sự liên kết giữa 2 phần mềm chuyên ngành đất đai và Chi cục Thuế TP.HCM chưa thông suốt nên nhiều trường hợp nội dung kê khai của người dân trên các tờ khai thuế chưa đầy đủ, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận chuyển Chi cục Thuế TP.HCM thì bị trả về đề nghị bổ sung dẫn đến hồ sơ bị trễ. Có một số trường hợp dữ liệu truyền bị lỗi, vẫn phải vừa làm, vừa sửa lỗi kỹ thuật nên ảnh hưởng tới thời gian giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân chủ quan, như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (1 cửa) nhận sai quy trình. Chẳng hạn hồ sơ đăng ký biến động, cấp mới 15 ngày làm việc lại nhận quy trình cấp đổi 7 ngày làm việc, dẫn đến kết quả thống kê theo loại quy trình là trễ hạn. Một số viên chức, người lao động còn hạn chế về xác định pháp lý, nhận định chưa đúng…

Trước tình trạng trễ hạn như trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chỉ đạo các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có hồ sơ trễ hẹn cần phải nhanh chóng phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục trong các quý còn lại. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của ngành tập trung khắc phục ngay, những vấn đề nào ngoài thẩm quyền của Sở thì tham mưu, đề xuất để Sở báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND TP.HCM có sự chỉ đạo, phối hợp giữa quận, huyện, TP.Thủ Đức và các sở ngành với ngành trong công tác cấp sổ hồng cho người dân.

Việc liên thông giữa cơ quan thuế với các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã có quy chế phối hợp, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, sắp tới Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ báo cáo lãnh đạo UBND TP.HCM để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại hiện nay. Nếu làm quyết liệt như vậy mới đạt được tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn 98% như UBND TP.HCM đã giao.

TP.HCM & BÀI TOÁN 25 TỶ USD CHO PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Dự kiến, đến năm 2035, TP Hồ Chi Minh hoàn thành hơn 200 km đường sắt đô thị, tức còn chưa đến 12 năm để thực hiện. Với mục tiêu này, thành phố cần số vốn là gần 25 tỷ USD.

Theo số liệu năm 2022, chỉ riêng tuyến Metro 1, tuyến Metro 2 và tuyến Metro 5 - giai đoạn 1, thành phố đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD từ vốn vay ODA, tương đương 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Vẫn còn khoảng 75% nhu cầu vốn cần tiếp tục huy động.

TP Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương cho phép thành phố thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD. Dự kiến sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho tuyến Metro.

Với dân số cơ học tăng cao, mô hình đô thị TOD - đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng như tuyến Metro số 1- đang là một giải pháp giúp TP Hồ Chí Minh giải bài toán đô thị nén, kéo dãn dân cư ra khỏi nội đô vốn đã quá đông đúc. Ngoài ra, nếu áp dụng được mô hình TOD cho các dự án trọng điểm của thành phố thì sẽ giải được bài toán về nguồn vốn.

Theo các chuyên gia, với một lượng lớn các công trình giao thông hạ tầng phải thực hiện việc quy hoạch, khai thác, TP Hồ Chí Minh sẽ khó lòng tận dụng khoảng thời gian 5 năm của Nghị quyết 98 để giải quyết bài toán thiếu vốn bằng mô hình TOD. Tuy nhiên, Thành phố đã đặt ra 2 lộ trình. Lộ trình 1 là trước năm 2025, thành phố sẽ đặt trọng tâm ưu tiên khai thác 640 hecta trong giai đoạn này.

Hiện quỹ đất dành cho thực hiện mô hình TOD ở giai đoạn đầu đã có sẵn và đang chờ bắt tay vào triển khai. Với một mô hình mới như mô hình TOD, càng bắt nhịp sớm càng tốt, giúp TP Hồ Chí Minh chủ động thực hiện sớm quy hoạch theo mô hình TOD cho các dự án sắp tới.

LỜI KHAI CỦA PHAN QUỐC VIỆT VỤ CÔNG TY AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt (Cty góp 10% cổ phần tại Cty Việt Á) liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.

Như Tiền Phong đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC ) cùng Phó tổng Giám đốc Trần Mạnh Hà về các tội "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đây là vụ án thứ 3 cả Nhàn và Hà “giữ vai trò phạm tội quan trọng”, hiện cả 2 đang bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã. Cơ quan điều tra cho rằng từ những tài liệu thu thập được, cùng với lời khai của những người liên quan, trong đó có lời khai của Chủ tịch Công ty Việt Á Phan Quốc Việt , đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của Nhàn cùng cấp dưới.

Cùng vụ án, bị can Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM) bị truy tố hành vi "Nhận hối lộ"; trong khi đó, bị can Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM) bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Riêng Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á) được xác định là người liên quan vụ án, song không bị xử lý hình sự.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, năm 2014, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với giai đoạn 1 trị giá 149 tỷ đồng; giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỷ; giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỷ.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết việc này nên “móc nối” với Dương Hoa Xô, để AIC của Nhàn được trúng thầu, gây thiệt hại hơn 83 tỷ ngân sách Nhà nước.

Riêng 3 gói thầu của giai đoạn 1 năm 2015, bị can Nhàn đồng ý cho Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt và Công ty Vimedimex đứng tên thầu liên danh. Nhóm này thống nhất danh mục thiết bị và lập nhóm "quân xanh" tham gia đấu thầu. Kết quả, liên danh AIC – Việt Á trúng 2 gói còn Vimedimex trúng 1 gói thầu.

Xây dựng hồ sơ mời thầu tạo lợi thế cho liên danh Việt Á - AIC

Tại cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) khai, đầu năm 2015, ông ta biết Công ty AIC đã đồng ý cho Công ty Gene Việt (có 10% vốn góp của Công ty Việt Á) được liên danh thực hiện 3 gói thầu giai đoạn 1 dự án 12 PTN với điều kiện “phải đảm bảo giữ nguyên lợi nhuận của Công ty AIC và Công ty Gene Việt”.

Theo Phan Quốc Việt , do Công ty Gene Việt mới thành lập, chưa đủ năng lực nên giao Công ty Việt Á đứng tên liên danh với Công ty AIC và thực hiện các thủ tục thay Gene Việt.

Theo phân công, Việt đã giao thuộc cấp tại Công ty Việt Á nghiên cứu điều chỉnh lại danh mục thiết bị theo hướng đưa vào các thiết bị nhóm Công ty Gene Việt có thế mạnh.

Cùng với đó, Việt cũng chỉ đạo nhân viên phối hợp với bị can Trần Vinh Vũ (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Hồng Hà, nguyên Viện trưởng Viện xây dự và quản trị kinh doanh TP HCM) xây dựng hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh AIC – Việt Á và tìm 1 đơn vị đứng tên trúng 1 gói thầu thay nhằm mục đích “tránh khiếu kiện”.

Việt khai thêm, bị cáo còn giao thuộc cấp lập hồ sơ dự thầu cho các công ty “quân xanh”, để đảm bảo liên danh AIC - Việt Á đủ điều kiện trúng thầu, tránh huỷ thầu.

Trong gói thầu này, Việt thừa nhận không được hưởng lợi gì, bởi sau khi trúng thầu, phía Công ty Việt Á đã liên hệ với các nhà cung cấp mua thiết bị, sau đó bán lại cho Công ty Gene Việt và Công ty Mopha theo đúng giá mua, để hai đơn vị này tiếp tục bán cho Công ty AIC và Công ty Vimedimex trước khi bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.

Dù không bị xử lý hình sự, song quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính, đồng thời cấm tham gia đấu thầu đối với Công ty Việt Á.

Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á, từng bị Tòa quân sự phạt 25 năm tù và TAND TP Hà Nội (cấp sơ thẩm) phạt 29 năm tù trong vụ án "nâng khống" giá kit test Covid-19, gây bức xúc dư luận. Liên quan đến đại án, cơ quan tố tụng nhiều địa phương vẫn đang điều tra, truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử với nhiều cán bộ, lãnh đạo CDC, Sở Y tế...

Nguồn: Kenh14; Thanh Niên; Sài Gòn Giải Phóng; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang