NHNN phải 'hy sinh' thị trường vàng; HN gấp rút xây trường mới; Đảm bảo tiến độ Vành đai 3; Những kiến nghị 'lạc lối' của nhà thầu

SAU 2 LẦN THẤT BẠI, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SẮP PHẢI “HY SINH” THỊ TRƯỜNG VÀNG?

Sau hai lần đấu thầu vàng thất bại, các chuyên gia cho rằng, NHNN buộc phải giảm giá thầu sâu hơn nữa, xuống tận 75 triệu đồng/lượng, hoặc phải “hy sinh” thị trường vàng, vì trong giai đoạn này rất khó để ổn định được.

Sau 11 năm, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu vàng miếng trở lại nhằm tăng cung cho thị trường, kéo giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới.

Thế nhưng, trong 3 phiên đấu thầu vàng miếng, bắt đầu từ ngày 22/4, NHNN đã phải hủy đến 2 phiên do không đủ số lượng đơn vị tham gia. Mới có một phiên đấu thành công vào ngày 23/4, nhưng chỉ 2/11 doanh nghiệp trúng thầu, với vỏn vẹn 3.400 lượng trên tổng số 16.800 lượng vàng miếng SJC tung ra.

Giá tham chiếu còn cao, doanh nghiệp không mặn mà

Phân tích lý do khiến các phiên đấu thầu vàng không thu hút nhiều đơn vị tham gia, trao đổi với PV. VietNamNet, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc tại phiên đấu ngày 23/4 ở mức 80,7 triệu đồng/lượng, trong khi thời điểm đó giá trên thị trường chỉ 82-83 triệu đồng/lượng.

“Như vậy giá chào thầu vẫn cao, các doanh nghiệp sẽ thấy không có lợi nhuận khi tham gia đấu thầu.

Nếu mua một số lượng vàng lớn, nếu giá thế giới quay đầu giảm, bán ra họ có thể bị lỗ luôn, chưa nói đến lời. Do đó, nhiều đơn vị không mặn mà với những phiên đấu thầu”, ông Huân nhìn nhận.

Vị chuyên gia cho rằng, mục tiêu của đấu thầu vàng miếng theo NHNN là để tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Tăng cung nhưng giá bán ra cao thì dù bán được cả trăm nghìn lượng cũng không thể kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới được.

“Giá mua đã trên 80 triệu đồng/lượng thì không có chuyện các doanh nghiệp đấu thầu bán dưới mức giá 80 triệu đồng/lượng. Đấu thầu vì thế chỉ là giải pháp tình thế của NHNN, để kéo dài thời gian, chứ không có tác động với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhận xét.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, NHNN cũng đang rơi vào thế khó khi vừa phải bình ổn tỷ giá, vừa phải bình ổn thị trường vàng. Trong khi đó, tỷ giá gần đây “nổi sóng”, áp lực rất nhiều, nên giờ nhập khẩu thêm vàng là không khả thi.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, thắc mắc, vì sao NHNN nghĩ giá tham chiếu đưa ra phải cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp?

Ông dẫn chứng, doanh nghiệp mua vào - bán ra vàng SJC ở mức 82-84 triệu đồng/lượng, NHNN lại muốn bán giá 83 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, các doanh nghiệp không mua được, kể cả khi bán ra 84 triệu đồng/lượng đã lời rồi.

“Doanh nghiệp kinh doanh vàng để mức chênh lệch 2 triệu đồng giữa giá mua và bán nhằm đảm bảo an toàn nếu giá giảm. Họ bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đấu thầu, phải có lời 1-2 tỷ họ mới đầu tư, còn nếu thấy rủi ro họ sẽ không mua”, ông Khánh phân tích.

Vừa đấu thầu tiếp, vừa cần giải pháp lâu dài

Ông Huỳnh Trung Khánh đánh giá, đấu thầu vàng miếng là biện pháp hữu hiệu để tăng cung, vẫn nên đấu thầu tiếp. Tuy nhiên, theo ông, nên điều chỉnh lại mức giá tham chiếu, bởi muốn hạ mức giá chênh lệch xuống nhưng lại đưa giá cao thì mâu thuẫn với mục đích.

“Phải đưa giá tham chiếu thấp hơn giá thị trường mới kéo giá vàng xuống được, còn đưa giá cao hơn thị trường thì giá càng ngày càng tăng”, ông Khánh góp ý.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân khẳng định, nếu những phiên đấu thầu vàng sắp tới giá tham chiếu vẫn để mức cao sẽ không thành công.

“Phải giảm giá tham chiếu xuống thấp hơn nữa. Chẳng hạn, có thể chỉ khoảng 75 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp mua về và bán ra ở mức 77-78 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp vừa có lời và giá vẫn thấp hơn giá thị trường. Khi đó mới có thể kéo giá trong nước sát với giá thế giới”, ông Huân nói.

Trong khi đấu thầu vàng miếng “ế” thì người dân lại đua nhau đi mua vàng nhẫn, khiến nhiều cửa hàng không còn vàng để bán.

Theo các chuyên gia, cần cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Ông Khánh lý giải, không cho nhập khẩu thì nguy cơ nhập lậu ngày càng gia tăng. Do đó, muốn trị nhập lậu, cần cho nhập chính thức, chính ngạch, tự nhiên sẽ triệt tiêu được buôn lậu vàng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, cần tăng cung vàng bằng cách cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo hạn ngạch.

Tuy nhiên, ông đoán rằng, khi tỷ giá đang cao thì chuyện cho nhập khẩu khó được chấp nhận.

“Giai đoạn này, rất có thể NHNN phải 'hy sinh' thị trường vàng, khó có thể ổn định được giá vàng. Phải đợi một thời gian nữa khi tỷ giá ổn định, NHNN mới cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo quota, mới từ từ bình ổn được thị trường”, ông Huân đánh giá.

HÀ NỘI GẤP RÚT XÂY THÊM TRƯỜNG HỌC

Theo quy hoạch mạng lưới trường học của Thành phố Hà Nội, hiện thành phố thiếu 14 trường tiểu học và 31 trường trung học cơ sở. Hiện nhiều quận, huyện của Hà Nội đang nỗ lực, gấp rút xây thêm trường, cải tạo nâng tầng để tăng thêm lớp học công lập.

Trong năm học 2024-2025 dự kiến số học sinh đầu cấp của thành phố tiếp tục tăng khoảng 70.000 học sinh (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học trước khiến cho ngành giáo dục Thủ đô luôn đứng trước thực trạng cung không đủ cầu.

Cách đây 2 năm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm may rủi để giành suất học mầm non công lập cho con do thiếu trường lớp. Hiện nay, 2 trường mầm non công lập mới đang được các đơn vị gấp rút hoàn thiện, kịp thời đón học sinh vào năm học mới 2024-2025, giúp giảm tải cho Trường mầm non Hoàng Liệt.

Bà Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: "Có thêm một trường mầm non mới là tại đây chắc chắn sẽ được đưa vào sử dụng và hoạt động. Còn lại trường mầm non mới tại ô đất khu đô thị Pháp Vân -Tứ Hiệp cũng dự kiến sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng thì sẽ đáp ứng được thêm khoảng hơn 1 nghìn học sinh nữa được học tại trường mầm non công lập trong năm học tới".

Cũng tại quận Hoàng Mai, ngôi trường mới mang tên Tiểu học Trần Phú cũng đang được hoàn thiện. Trong 12 dự án trường học được xây mới sẽ có 9 trường được đưa vào hoạt động năm học 2024- 2025 ở quận Hoàng Mai.

Bà Nguyễn Thị Kim Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú, quận Hoàng Mai cho biết, khi trường mới hoàn thành, toàn bộ học sinh của điểm trường tiểu học Trần Phú cũ sẽ được chuyển sang ngôi trường mới khang trang từ năm học tới.

"Trường tôi hiện nay cũng có một số lớp sĩ số cao, nhưng khi sang trường mới này chúng tôi sẽ sắp xếp lại để cho số giảm. Chúng tôi cũng dự kiến là số học sinh vào lớp 1 của trường sẽ tăng lên đáng kể, có thể lên tới 7 lớp 1", cô Giang cho biết.

Với bậc trung học cơ sở, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện thành phố đang thiếu tới 31 trường trung học cơ sở, trong khi số học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 58 nghìn em so với năm học trước. Tại quận Hà Đông và Bắc Từ Liêm, năm nay mỗi quận đưa thêm một trường trung học cơ sở vào sử dụng. Tuy nhiên, số trường mới không nhiều, nên cải tạo, nâng tầng, xây thêm đơn nguyên là giải pháp được nhiều trường triển khai, sẽ góp phần tăng thêm số học sinh được học trường công lập.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết: "Năm nay, Hà Đông cũng sẽ tăng khoảng hơn 4.000 học sinh, xây dựng thêm rất nhiều đơn nguyên ở các trường mầm non tiểu học và trung học cơ sở. Hiện nay thì có trường trung học cơ sở Hà Cầu, quận Hà Đông cũng đang gấp rút sắp sửa xong vào tháng 6 để chuẩn bị đón học sinh trung học cơ sở".

Giai đoạn 2021-2025 Hà Nội nỗ lực xây và thành lập mới hơn 430 trường. Tuy nhiên, thiếu trường lớp vẫn là vấn đề nan giải ở vùng nội thành do sự gia tăng dân số cơ học quá lớn ở Thủ đô.

GẤP RÚT ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ VÀNH ĐAI 3 – TP.HCM

Để bảo đảm tiến độ dự án Vành đai 3 - TP HCM, vấn đề vật liệu san lấp được ngành chức năng từ trung ương tới địa phương ráo riết giải quyết thông qua nhiều kế hoạch khả thi

Cập nhật tiến độ dự án Vành đai 3 - TP HCM, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết đoạn qua địa bàn thành phố dài 46 km, gồm 10 gói thầu xây lắp chính.

Sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu

Trong 10 gói thầu, 4 gói XL3, XL6, XL8, XL9 đã triển khai từ tháng 7-2023 và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện các hạng mục cầu, hầm trên tuyến, nền đường... Do thiếu cát san lấp nên hạng mục xử lý nền bằng bấc thấm, gia tải cát gặp khó khăn, khối lượng thực hiện đến nay khoảng 780/7.080 tỉ đồng (đạt khoảng 11% giá trị xây lắp).

Theo Sở GTVT TP HCM, những nhà thầu tham gia dự án đã nỗ lực để tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường. Tuy nhiên, khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án Vành đai 3 - TP HCM và các tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư Vành đai 3 - TP HCM là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang nhằm thống nhất danh sách, kế hoạch triển khai khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm, đánh giá chất lượng các mỏ vật liệu.

Tại buổi làm việc, các bên thống nhất danh sách khảo sát dự kiến gồm 52 mỏ cát; thời gian khảo sát từ ngày 11 đến 22-4. Trong đó, Vĩnh Long có 28 mỏ, Tiền Giang 20 mỏ và Bến Tre 4 mỏ.

Sau khi có kết quả thí nghiệm, chủ đầu tư tổng hợp, báo cáo Sở TN-MT và UBND TP HCM danh sách các mỏ cát đạt chất lượng. Tiếp đó, kiến nghị cụ thể khối lượng cát đắp nền đường tại từng địa phương cung cấp cho dự án Vành đai 3 - TP HCM.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, Vành đai 3 - TP HCM được xác định là công trình kiểu mẫu. Vì thế, các đơn vị liên quan đều quyết tâm không thay đổi tiến độ dự án.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, chủ đầu tư yêu cầu tất cả nhà thầu tập trung tìm và đưa cát về công trường, nhất là trong tháng 4 và 5-2024, bảo đảm từ tháng 6 đáp ứng đủ độ cao và bắt đầu gia tải.

"Song song đó, chúng tôi rà soát từng gói thầu, kiên quyết xử lý theo điều kiện hợp đồng, xử phạt đối với nhà thầu nào tiếp tục chậm trễ trong việc cung cấp cát" - ông Phúc nhấn mạnh, đồng thời khẳng định chủ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu làm việc với các địa phương, hỗ trợ thủ tục liên quan vấn đề khai thác cát.

Theo ông Phúc, sau khi làm việc, tổ công tác của Chính phủ đã thống nhất trong tháng 4-2024 hoàn tất cập nhật trữ lượng cát của các địa phương hỗ trợ dự án Vành đai 3 - TP HCM.

Tính nhiều phương án

Tại Bình Dương, đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua địa phương này chia làm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 (xây lắp) và dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng). Trong đó, dự án thành phần 5 có tổng mức đầu tư hơn 5.750 tỉ đồng, hiện cơ bản đáp ứng tiến độ.

Khó khăn nhất hiện nay của Bình Dương cũng là việc cung ứng nguồn cát. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền từ năm 2024 đến 2026 ở địa phương là 700.213 m3, tương ứng mỗi ngày cần trên 1.900 m3 mới có thể đáp ứng.

Theo ông Minh, trong 3 gói thầu xây lắp thì XL3 (đoạn từ nút giao Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn) sử dụng vật liệu đắp nền đường bằng cát; các gói thầu khác dùng vật liệu bằng đất. Nguồn cung cấp cát từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Hậu Giang thiếu ổn định, thường bị gián đoạn, dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm.

Bình Dương đã mời các doanh nghiệp có mỏ và đang khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ trách nhiệm trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho dự án Vành đai 3 - TP HCM và đăng ký cung ứng.

Đến nay, 6 đơn vị đã đăng ký cung cấp cát xây dựng với khối lượng 540.000 m3. Về đá xây dựng các loại và đất san lấp, 8 đơn vị đã đăng ký với khối lượng lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin tỉnh đề nghị các địa phương khác hỗ trợ nguồn cát; đề nghị Bộ TN-MT cùng UBND TP HCM sớm chủ trì phân chia cụ thể trữ lượng cung cấp của từng mỏ cho các địa phương. Việc này giúp địa phương chủ động tính toán cho phù hợp tiến độ thi công của từng gói thầu trên địa bàn.

Một phương án nữa, theo UBND tỉnh Bình Dương, là tỉnh này đề nghị UBND TP HCM sớm thống nhất nguồn cát đắp ở dự án Vành dai 3 - TP HCM. Nếu có thể sử dụng nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, đồng thời điều phối về cho các tỉnh ngay trong quý II/2024.

NHỮNG KIẾN NGHỊ “LẠC LỐI”, “VÔ CHỦ” CỦA NHÀ THẦU

Với hàng nghìn gói thầu công bố mời thầu mỗi ngày, số lượng các văn bản kiến nghị của nhà thầu có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung kiến nghị đúng quy định, cần trả lời kịp thời của chủ đầu tư lẫn người có thẩm quyền, rất nhiều văn bản kiến nghị vừa “lạc lối”, vừa “vô chủ”.

Gói thầu số 02 (thiết bị) Cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình cải tạo, sửa chữa 3 trạm y tế tại xã Phú Ngọc, xã Túc Trưng và xã Gia Canh, huyện Định Quán thuộc Dự án Cải tạo, sửa chữa 3 trạm y tế tại xã Phú Ngọc, xã Túc Trưng và xã Gia Canh huyện Định Quán sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đã phát sinh kiến nghị. Theo nhà thầu, nội dung tiêu chí kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa qua sử dụng đưa ra yêu cầu không phù hợp như: “Nhà thầu phải có văn bản cam kết chưa từng vi phạm về uy tín trong việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó; không thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng...”.

Nhà thầu cho rằng, các nội dung trên được Bên mời thầu (BMT) tự ý thêm vào, khác với Mẫu 07 Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành. Đồng thời, nhà thầu đề nghị BMT bỏ những tiêu chí này.

Ngày 22/4/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu. “Qua xem xét nội dung kiến nghị về HSMT, trường hợp kiến nghị này không đáp ứng điều kiện xem xét, giải quyết kiến nghị quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 90, Luật Đấu thầu”, Ban QLDA ĐTXD huyện Định Quán khẳng định.

Ngày 24/4/2024, đại diện Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Kiến Thịnh (BMT) cho biết, việc trả lời như trên của Chủ đầu tư có 2 lý do chính. “Đầu tiên, nội dung văn bản kiến nghị HSMT của nhà thầu sai hoàn toàn so với quy định hiện hành. HSMT không tự ý thay đổi so với mẫu do Bộ KH&ĐT ban hành, nhà thầu nhầm lẫn nội dung tại Mục 3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, phần nội dung kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, chất lượng hàng hóa đã sử dụng có nêu với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm của HSMT. Thứ hai, các nội dung này thuộc phần làm rõ HSMT chứ không phải kiến nghị, do Gói thầu đang trong giai đoạn mời thầu”, vị đại diện này chia sẻ.

Dự án Cải tạo, sửa chữa 3 trạm y tế tại xã Phú Ngọc, xã Túc Trưng và xã Gia Canh huyện Định Quán có tổng mức đầu tư 9,998 tỷ đồng. Ngày 22/4/2024, Gói thầu số 02 được công bố gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. “Tại thời điểm đóng thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự Gói thầu. Do đó, Chủ đầu tư đã gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm thu hút đông đảo nhà thầu quan tâm. Các nội dung tại HSMT đã tuân thủ quy định, không phải điều chỉnh bất kỳ tiêu chí nào”, đại diện BMT cho biết.

Tại Đồng Tháp, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu liên quan đến Gói thầu số 09 Trang thiết bị thuộc Dự án Trường mẫu giáo Tân Mỹ (điểm chính).

Theo tìm hiểu, văn bản kiến nghị của nhà thầu gửi ngày 20/4/2024 với nhiều nội dung liên quan đến HSMT. Tuy nhiên, văn bản không có ký tên, đóng dấu thể hiện của đơn vị kiến nghị. “Điểm b khoản 1 Điều 90 Luật Đấu thầu quy định, đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức gửi đơn hoặc được ký số, gửi lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhưng đơn kiến nghị gửi ngày 20/4/2024 không có chữ ký và đóng dấu của nhà thầu nên không đủ điều kiện để chủ đầu tư xem xét, giải quyết”, ông Nguyễn Thanh Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thanh Bình cho biết. Ngày 22/4/2024, Gói thầu số 09 được mở thầu với sự tham dự của 6 nhà thầu.

Cập nhật của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, các gói thầu phát sinh kiến nghị có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, qua rà soát, tỷ lệ rất lớn trong các văn bản kiến nghị này là sai thể thức lẫn nhầm đối tượng.

Đơn cử, Gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ họp không giấy (Văn phòng Huyện ủy Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cũng phát sinh kiến nghị không đáp ứng điều kiện xử lý. Văn bản kiến nghị không có tên, chữ ký của nhà thầu.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ Sau tiếp nhận văn bản kiến nghị khi mời thầu Gói thầu Mua sắm các loại vắc xin và hóa chất thuộc Dự toán Mua sắm các loại vắc xin và hoá chất triển khai phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2024. Tuy nhiên, nội dung kiến nghị này là làm rõ HSMT...

Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến, khi đấu thầu qua mạng, nhà thầu cần hoàn thiện các kỹ năng để tăng tính chuyên nghiệp, bảo vệ quyền lợi của mình với việc làm rõ, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Nguồn: Vietnamnet; VOV; Người Lao Động; Báo Đấu Thầu

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang