Canh cánh nỗi lo đăng kiểm; Khởi đầu phát triển đường sắt đô thị; EVN cần 480.000 tỉ đầu tư; Dừng dự án 180ha sau 15 năm chờ đợi

NỖI LO ĐĂNG KIỂM TRỞ LẠI

Đúng như lo ngại trước đó của Cục Đăng kiểm Việt Nam, bắt đầu từ giữa tháng 4/2024, số lượng người dân và doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM đến đăng kiểm ô tô đã tăng mạnh, tập trung tại một số trung tâm đăng kiểm khu vực nội thành.

Tình trạng chủ phương tiện, lái xe phải xếp hàng chờ đợi khá lâu mới đến lượt kiểm định đã tái diễn.

Nhiều khả năng, tình hình sẽ còn trầm trọng vào tháng 5 tới, bởi Hà Nội có tới 90.000 ô tô đến hạn kiểm định, trong khi toàn Thành phố hiện chỉ còn 28/31 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 67.680 xe/tháng. Tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra tại TP.HCM - đầu mối giao thông lớn nhất nước - và có thể “leo thang” ùn tắc kéo dài tại các trung tâm đăng kiểm trong tháng 6, 7, 8/2024.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ đầu năm 2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát đi cảnh báo về nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trên nhiều địa phương, thậm chí có thể kéo dài đến hết năm 2024.

Cơ quan này còn cho biết, đã có khoảng 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, nhiều đăng kiểm viên xin nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc, chỉ còn số ít đăng kiểm viên bị khởi tố được tại ngoại có thể tiếp tục tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.

Từ đầu năm đến nay vẫn còn trung tâm đăng kiểm đang bị điều tra, xác minh. Do vậy, không loại trừ khả năng sẽ có thêm lãnh đạo và đăng kiểm viên bị khởi tố.

Trong những tháng tới, các vụ án liên quan đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm được đưa ra xét xử cùng thời điểm sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định. Lý do là, theo quy định của Nghị định 30/2023/NĐ-CP, các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Ngay cả những đăng kiểm viên, nhân viên không bị khởi tố cũng có thể bị tòa án triệu tập để phục vụ xét xử với tư cách là người có liên quan.

Theo quy định, những trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong 3 tháng. Cục Đăng kiểm Việt Nam dự tính, sẽ có 70 trung tâm đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động.

Trong bối cảnh hàng loạt vụ án về đăng kiểm sắp được đưa ra xét xử, cùng nhu cầu kiểm định lượng phương tiện gia tăng trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo sẽ có 31 địa phương ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác cũng có thể bị ảnh hưởng do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc di chuyển về kiểm định.

Để giảm bớt thiệt hại do ùn tắc phương tiện đến kiểm định như từng xảy ra trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai một loạt giải pháp để hạ nhiệt tình hình, như khẩn trương kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các trung tâm đăng kiểm, tăng cường công tác tập huấn, đánh giá bổ sung đăng ký mới, tập huấn nhân viên nghiệp vụ; chủ động liên hệ với các địa phương khác có các trung tâm đăng kiểm dư thừa năng lực kiểm định để trưng dụng, bổ sung tạm thời lực lượng đăng kiểm viên cho những địa bàn bị thiếu hụt…

Cơ quan nhà nước về đăng kiểm đã tham mưu Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2023/NĐ-CP theo hướng cho phép không thu hồi chứng chỉ đối với những đăng kiểm viên được tòa cho hưởng án treo; không cấm hành nghề với trường hợp không bị giam giữ.

Bản thân các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP.HCM cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến chủ xe, doanh nghiệp đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến qua ứng dụng của Cục Đăng kiểm Việt Nam; vận động cán bộ, công nhân viên của đơn vị làm tăng ca, thêm giờ (kể cả ngày nghỉ)…

Song trong tình huống hy hữu, bất khả kháng nói trên, ngành đăng kiểm rất cần sự hợp tác của các hiệp hội vận tải ô tô, logistics, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện để giảm thiệt hại chung do phải chờ kiểm định kéo dài.

Cụ thể, người dân và doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa những hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định, tránh phương tiện có kết quả kiểm định không đạt phải khắc phục sửa chữa nhiều lần. Bên cạnh đó, chủ sở hữu những phương tiện sắp đến hạn, đã đến hạn hoặc quá hạn đăng kiểm nên lựa chọn thời điểm kiểm định sớm, phù hợp; có thể chủ động vào bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào khi trên đường đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng… để kiểm định.

BƯỚC KHỞI ĐẦU CHO ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Các đại biểu tin tưởng khi chính thức đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 sẽ giúp TP HCM tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị.

Sáng 26-4, TP HCM tổ chức các chuyến trải nghiệm toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Những vị khách tham dự buổi trải nghiệm này là lãnh đạo các cơ quan đại diện nước ngoài tại TP HCM; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố và đặc biệt là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

Đón những vị khách đặc biệt

Trước khi tàu chạy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã giới thiệu về dự án tuyến metro số 1 với các đại biểu tham dự. Sự kiện chạy trải nghiệm toàn tuyến metro số 1 lần này càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm ngày Quốc tế Lao động.

Ông Cường cũng tin rằng những trải nghiệm trên tuyến metro số 1 sẽ giúp các đại biểu hiểu hơn về định hướng phát triển giao thông trong tương lai của TP HCM. Buổi trải nghiệm là dịp đặc biệt vì TP HCM mong muốn lắng nghe đóng góp ý kiến từ các đại biểu. Qua đó, hoàn thiện hơn trải nghiệm của hành khách khi di chuyển trên tuyến metro số 1.

Theo ông Cường, TP HCM đang chuẩn bị để đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, khởi công tuyến metro số 2. Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị của TP HCM cơ bản hoàn thành vào năm 2035. Ông Cường cho biết đây là giai đoạn mà TP HCM đang rất cần những hỗ trợ kỹ thuật để góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ lái tàu, vận hành các nhà ga. Do đó, ông mong Tổng Lãnh sự của các nước tại TP HCM sẽ giúp kết nối thành phố với các đối tác quốc tế để tuyến metro số 1 được vận hành hiệu quả với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP HCM, cho biết rất vui khi tuyến metro số 1 của TP HCM đã gần về đích. Metro số 1 là công trình rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và du khách khi đến với TP HCM. Trong tương lai, tuyến metro số 1 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP HCM. Đây cũng là loại hình giao thông công cộng thân thiện với môi trường. "Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể học hỏi từ những kinh nghiệm trong việc xây dựng metro số 1 của TP HCM để áp dụng cho đất nước mình" - ông Agustaviano Sofjan nói.

Tham gia chuyến trải nghiệm, ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP HCM, cảm nhận chuyến đi rất êm ái và thoải mái. Sau khi được khai thác toàn diện, tuyến metro số 1 sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị tại TP HCM. Tuyến metro số 1 không chỉ giúp việc di chuyển của người dân thuận tiện mà sẽ còn giải quyết tình trạng ách tắc giao thông vốn đang là vấn đề nhức nhối tại TP HCM.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ Trần Quang Triệu (nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4) cảm nhận tuyến metro số 1 phản ánh quá trình phát triển kinh tế của đất nước, nhất là của TP HCM. Theo ông, khi tuyến metro số 1 chính thức đi vào phục vụ người dân sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe. Đời sống của người dân cũng được nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Ông cũng mong muốn trong tương lai, TP HCM sẽ có thêm nhiều tuyến metro để người dân được sử dụng loại phương tiện giao thông công cộng hiện đại này.

Lần đầu chạy tự động

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), ở lần chạy tàu này, các đoàn tàu metro số 1 được chuẩn bị và vận hành hoàn toàn theo chế độ tự động ATO/ATP. Việc thử nghiệm chạy tàu ở chế độ ATO/ATP nhằm hoàn thiện, tích hợp lần cuối các hệ thống như: hệ thống tín hiệu, cửa chắn ke ga, thông tin…

Ông Hiển cũng cho biết song song với quá trình thử nghiệm, công tác đào tạo thực hành các nhân viên cũng đang được tiến hành. Sau khi hoàn thành công tác đào tạo thực hành, dự án tuyến metro số 1 sẽ chuyển sang giai đoạn vận hành thử trong thời gian khoảng 2 tháng trước khi đưa vào vận hành chính thức vào quý IV năm nay. Thời gian qua cho thấy nhu cầu phát triển mô hình TOD (Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn và tốc độ nhanh) đã xuất hiện. Đang có nhiều khu TOD hiện hữu dọc theo các tuyến metro số 1, xung quanh các nhà ga ở quận 1, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Cụ thể là đã hình thành nên các khu cao ốc, cao tầng để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đến các nhà ga thuận lợi. "Việc phát triển TOD gắn với đường sắt đô thị là một sự tích hợp, hỗ trợ cho nhau để giải quyết bài toán về chỉnh trang đô thị, vấn đề mỹ quan, phát triển, tạo nguồn lực cho hạ tầng đô thị" - ông Hiển nói.

Phó trưởng MAUR cho biết sau khi Quốc hội cho phép triển khai Nghị quyết 98 thì TP HCM đã rất tích cực triển khai mô hình TOD. Hiện nay, TP HCM cũng đã lập ban chỉ đạo, tổ công tác do Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì. Các đơn vị này sẽ phối hợp với sở, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch lại kết hợp với chỉnh trang đô thị tại khu vực xung quanh các nhà ga và dọc theo các tuyến metro. "Trong tương lai, tất cả những khu vực xung quanh các nhà ga sẽ được điều chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận đến các nhà ga. TOD là một xu thế chung, bắt buộc và tự thân trong quá trình phát triển đô thị" - ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Yoon Chang-woo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), Tổng Giám đốc POSCO Việt Nam - nhìn nhận: "Sự kiện chạy thử tự động toàn tuyến metro số 1 là bước phát triển rất tích cực của TP HCM. Mặc dù ở Hàn Quốc tôi đã nhiều lần di chuyển bằng tàu điện ngầm nhưng tôi rất ấn tượng với sự thoải mái và tiện lợi của tuyến metro số 1. Tôi tin rằng đây là một cột mốc đáng nhớ, ghi nhận về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và người hưởng lợi to lớn này chính là người dân TP HCM".

Cũng theo ông Yoon Chang-woo, cơ sở hạ tầng mới là yếu tố hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ông hy vọng POSCO Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ coi tuyến metro số 1 là điểm cộng lớn để tiếp tục mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp Việt Nam. Ông cho biết rất ấn tượng khi metro số 1 có nhiều ga ở trên cao, khác xa so với đất nước của ông. "Điều này sẽ giúp hành khách có thể thưởng ngoạn phong cảnh thành phố. Đây cũng sẽ là yếu tố tích cực cho khách du lịch khi đến thăm Việt Nam" - ông Yoon Chang-woo nói.

Giá vé chỉ từ 12.000 đồng

Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có 8 tuyến metro. Bao gồm các tuyến metro số 1, 2, 3a, 3b, 4, 4b, 5 và 6. Đến nay, MAUR đã triển khai xây dựng tuyến metro số 1 và các công tác chuẩn bị khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Các tuyến metro còn lại đang kêu gọi đầu tư.

Metro số 1 là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP HCM, có tổng chiều dài 19,7 km. Đây là dự án hạ tầng đô thị lớn nhất trong lịch sử phát triển của TP HCM từ trước đến nay. Tổng mức đầu tư của dự án là 43.757,15 tỉ đồng (sử dụng nguồn vốn vay từ JICA). Đến nay, tổng khối lượng thực hiện của dự án tuyến metro số 1 đạt 98,12%.

Dự kiến thời gian khai thác hằng ngày bắt đầu lúc 5 giờ và kết thúc lúc 23 giờ 30 phút. Tần suất hoạt động giờ cao điểm là 4 - 5 phút/chuyến, tần suất hoạt động giờ thấp điểm 10 - 15 phút/chuyến. Giá vé lượt đang đề xuất cho tuyến metro số 1 với mức thấp nhất là 12.000 đồng, cao nhất 18.000 đồng. Giá vé ngày là 40.000 đồng, 3 ngày là 90.000 đồng và 1 tháng là 260.000 đồng.

34 tuyến xe buýt kết nối với metro số 1

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, dự kiến có 34 tuyến xe buýt được kết nối vào metro số 1. Trong đó, có 14 tuyến hiện hữu sẽ điều chỉnh kết nối vào và mở mới 20 tuyến trên địa bàn TP HCM. Các tuyến mới đề xuất gom khách cho metro số 1 có các tuyến liên tỉnh đi qua Bình Dương, Đồng Nai và các tuyến kết nối với trường học, khu đô thị...

Từ tháng 7-2024, trung tâm tổ chức kết nối xe buýt vào tuyến metro số 1 bảo đảm phục vụ công tác vận hành tuyến. Sau này, khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị mở thêm tuyến xe buýt dọc hành lang metro số 1 để phục vụ người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng.

EVN CẦN 480.000 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ

Con số trên được nêu trong các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu tại Quyết định 345 ngày 26.4.2024 do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Kế hoạch đưa ra mục tiêu, phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi... Chính phủ giao EVN chỉ đạo công tác vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Quyết định nêu kế hoạch triển khai các lĩnh vực gồm cung ứng điện; đầu tư phát triển nguồn điện; đầu tư phát triển lưới điện; đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Trong đó, trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7%/năm (từ 2022 - 2025 tăng khoảng 7,82%/năm). Chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.

Đối với đầu tư phát triển nguồn điện, khởi công 7 dự án nguồn với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp bao gồm thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái và Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840 MW và 150 MWp gồm: thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm để đưa vào phát điện 6 dự án trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng công suất khoảng 5.803MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR; nhiệt điện Dung Quất I&III, LNG Quảng Trạch II, thủy điện tích năng Bắc Ái.

Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu, các nhà máy thủy điện tích năng và các dự án nguồn điện sử dụng khí hóa lỏng theo quy hoạch được duyệt. Nghiên cứu bổ sung các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu còn lại (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), nhà máy thủy điện cột nước thấp… để có đủ cơ sở báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận đưa vào Quy hoạch/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.

Về lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện, hoàn thành đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km và tổng dung lượng TBA khoảng 63.000 MVA. Đặc biệt, tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024.

Quyết định cũng nêu tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn EVN là 479.000 tỉ đồng, bao gồm: vốn đầu tư thuần 278.215 tỉ đồng; góp vốn các dự án điện 1.455 tỉ đồng; trả nợ gốc và lãi vay 199.330 tỉ đồng.

Riêng tổng nhu cầu vốn đầu tư công ty mẹ EVN là 99.950 tỉ đồng, gồm vốn đầu tư thuần 50.402 tỉ đồng; trả nợ gốc và lãi vay 49.548 tỉ đồng.

Đối với vốn góp để đầu tư dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ cập nhật, bổ sung sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương góp vốn.

CHỜ ĐỢI 15 NĂM, DỰ ÁN 180HA CHÍNH THỨC BỊ DỪNG LẠI

UBND Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định chấm dứt dự án Khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên sau 15 năm không triển khai, nhằm tối ưu hóa sử dụng đất và tạo điều kiện cho các dự án mới.

Sau hơn 15 năm trôi qua mà vẫn chưa thấy sự tiến triển đáng kể, dự án Khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên đã trở thành một trong những điểm nóng đáng chú ý tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này, có diện tích lên đến 179,5ha, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh cùng với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Bạch Ngân lập thủ tục đầu tư và xây dựng từ năm 2008.

Tuy nhiên, qua thời gian, dù đã trôi qua hơn một thập kỷ, nhưng hai công ty này không thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, cũng không tiếp tục liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành triển khai dự án theo quy định. Vì lý do này, dự án đã không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Với việc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi và chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên, các doanh nghiệp liên quan sẽ phải tự chịu mọi chi phí và trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện dự án. Điều này đồng nghĩa với việc kết thúc một chặng đường dài và mở ra một trang mới trong quá trình phát triển đô thị và đầu tư tại địa phương này.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở dự án Khu đô thị Tóc Tiên, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh còn phải đối mặt với quyết định tương tự vào tháng 9/2023, khi UBND tỉnh thu hồi và chấm dứt hiệu lực công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư đô thị mới Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh, một đơn vị hoạt động đa ngành nghề, từ xây dựng, đầu tư hạ tầng công nghiệp, đến kinh doanh bất động sản và dịch vụ logistics, đã có một lịch sử hoạt động đáng chú ý trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những thách thức và rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng quản lý và triển khai của công ty này trong tương lai.

Với việc này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về việc quản lý và giám sát các dự án đầu tư, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực trong việc tối ưu hóa sử dụng đất đai và tạo điều kiện cho các dự án mới, tiềm năng hơn có thể được triển khai và phát triển trong tương lai.

Nguồn: Báo Đầu Tư; CafeF; Thanh Niên; Môi trường & Đô thị

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang