Dự án nổi bật tuần qua; TP.HCM cần 35 tỷ đô cho 10 tuyến metro, quyết tâm làm nhà hát Thủ Thiêm; Vụ bãi rác Nam Sơn tràn bùi thải

CÁC DỰ ÁN NỔI BẬT TUẦN QUA: SỔ ĐỎ CÓ NHIỀU THAY ĐỔI

Có thể đưa mã QR vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Samsung muốn đầu tư thêm 1 tỷ USD/năm vào Việt Nam; Sơn La công bố 9 dự án được phép mở bán... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.

Có thể đưa mã QR vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo dự thảo thông tư đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ phát hành theo một mẫu thống nhất và áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 2 trang, trong đó, nội dung trang 1 gồm quốc hiệu, quốc huy, mã QR code,...

Dự thảo thông tư cũng đề xuất 22 trường hợp xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều

Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7. Với luật mới, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đề xuất thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với Việt kiều đầu tư vào bất động sản.

Samsung muốn rót thêm1 tỷ USD/năm vào Việt Nam

Tại buổi làm việc với Thủ tướng ngày 9/5, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung cho biết, doanh nghiệp dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trong thời gian tới tại Việt Nam. Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở nước ta với các dự án lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, tổng vốn đầu tư khoảng 22,4 tỷ USD. Dự kiến năm 2024, xuất khẩu của Samsung sẽ tăng trưởng hơn 10% so với năm 2023.

Lộ diện liên danh trúng khu đô thị 5.500 tỷ ở Hoà Bình

Liên danh CTCP Xuân Cầu Holdings - Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand) đã được chấp thuận nhà đầu tư đối với Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi tại thị trấn Lương Sơn, xã Tân Vinh, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn. Dự án có quy mô dân số 6.716 người, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.518 tỷ. Doanh nghiệp dự án được thành lập là Công ty TNHH Đô thị Hoà Bình River với vốn điều lệ 827 tỷ.

Đầu tư Vĩnh Tuy rộng cửa làm khu dân cư 2.700 tỷ ở Long An

Theo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện Khu dân cư tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa; nhà đầu tư duy nhất được tỉnh Long An phê duyệt là CTCP Đầu tư Vĩnh Tuy. Dự án có quy mô dân số gần 6.000 người; sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 1.616 tỷ, ngoài ra còn có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 1.110 tỷ.

Đầu tư 379 nhắm khu đô thị nghìn tỷ ở TP Bắc Giang

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện Khu đô thị số 15 và dải cây xanh mặt nước thuộc Quy hoạch phân khu số 2, TP Bắc Giang. Nhà đầu tư duy nhất trong danh sách đăng ký là CTCP Đầu tư 379. Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 983 tỷ, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 173 tỷ.

Loạt dự án nhà ở tìm chủ

Tỉnh Long An đang tìm chủ cho 2 khu nhà ở xã hội tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa. Thứ nhất là Khu nhà ở xã hội 9,53 ha với tổng vốn hơn 3.708 tỷ, quy mô dân số khoảng 7.283 người, số lượng khoảng 2.895 căn hộ. Thứ hai là Khu nhà ở xã hội 9,62 ha với tổng vốn hơn 3.935 tỷ, quy mô dân số khoảng 7.505 người, số lượng khoảng 2.991 căn hộ.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện Chung cư phường Hóa An (Dream Home Biên Hòa Riverside) ở phường Hóa An, TP Biên Hòa. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 1.352 tỷ; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 57 tỷ.

Tại Hà Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đang mời quan tâm Khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại các xã Đồng Hóa, Nhật Tân, Đại Cương, huyện Kim Bảng. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 878,5 tỷ, sẽ xây dựng hoàn thiện cụm công trình nhà chung cư gồm 5 khối nhà. Trong đó gồm 4 khối nhà cao 11 tầng, có 868 căn hộ; 1 khối nhà cao 9 tầng, có 283 căn hộ.

9 dự án được phép mở bán ở Sơn La

Theo Sở Xây dựng Sơn La, tính đến tháng 4/2024, tỉnh có 9 dự án đủ điều kiện được huy động vốn theo hình thức bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Gồm Khu dân cư thương mại suối Nậm La - Lô số 5, phường Chiềng Lề; Khu đô thị số 2, phường Chiềng An; Khu đô thị bản Buổn, Khu đô thị Pột Nọi, phường Chiềng Cơi; Tổ hợp khách sạn, nhà ở và chợ du lịch Mộc Châu;...

10 TUYẾN METRO TP.HCM CẦN 35 TỶ USD

Theo đề án, từ nay đến năm 2060, TPHCM sẽ thực hiện 10 tuyến metro (hơn 510km) với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 824.000 tỷ đồng (khoảng 34,39 tỷ USD).

Thông tin nói trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm nêu tại cuộc họp nghe báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì diễn ra mới đây.

Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thời gian qua, Sở cùng các sở, ban ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng Đề án metro, đề xuất định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TPHCM đến năm 2035 và các tuyến mới dự kiến bổ sung trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Cụ thể, đến năm 2035, TPHCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 182,49km metro (bao gồm các tuyến số 1 : 40,8km, số 2: 20,22/62,8km, số 3: 29,53/62,17km, số 4: 36,82/43,4km, số 5: 32,5/53,87km; số 6: 22,85/53,8km).

Đến năm 2045, TPHCM sẽ có thêm khoảng 168,36km (hoàn thiện phần còn lại của các tuyến số 2,3,4,5,6) và thực hiện tuyến số 7. Bao gồm tuyến số 2: 42,8 km; số 3: 2,64km; số 4: 6,58km; số 5: 21,37km; số 6: 30,95km; số 7: 51,23km.

Đến năm 2060, TPHCM tiếp tục xây dựng các tuyến metro số 8, 9, 10, qua đó nâng tổng chiều dài hệ thống đường sắt đô thị của thành phố lên khoảng 510,02km. Cụ thể: tuyến số 8: 42,8km; số 9: 28,31km; số 10: 87,84km.

Dự kiến tổng mức đầu tư cho 10 tuyến metro tại TPHCM là hơn 824.000 tỷ đồng (khoảng 34,39 tỷ USD).

Tại cuộc họp, bên cạnh ý kiến của các sở, ban ngành, các chuyên gia cho rằng bài toán về nguồn vốn là vấn đề then chốt để TPHCM thực hiện được mục tiêu hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị như đề án đã nêu. Từ đó, TPHCM cần làm rõ hình thức đầu tư , phương án nguồn vốn, huy động nguồn vốn và các cơ chế đột phá mới, chính sách đặc thù mới. Với các cơ chế nào ngoài Nghị quyết 98 thì nên đề xuất cụ thể, nhất là nhóm cơ chế tài chính.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM là một nội dung cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Đây cũng là công cụ quan trọng để thành phố tái cấu trúc đô thị, phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, phân bố dân cư phù hợp các hoạt động kinh tế - xã hội với siêu đô thị như TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Giám đốc Sở GTVT và các thành viên Tổ công tác, các sở, ban ngành góp ý cụ thể đúng với chuyên môn của từng ngành cho đề án. Sở GTVT sẽ tiếp thu, cập nhật những ý kiến góp ý vào Đề án, chậm nhất là đến ngày 15/5 trình UBND TPHCM để UBND TPHCM xem xét, gửi đến Bộ GTVT.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183 km metro , TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có các Nghị định, Nghị quyết với tinh thần áp dụng những cơ chế mới phân quyền, phân cấp để thành phố thực hiện.

TP.HCM VẪN QUYẾT TÂM LÀM NHÀ HÁT THỦ THIÊM ĐỂ LÀM GÌ?

UBND TP.HCM vừa gửi báo cáo Bộ Tài chính về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Nghị quyết 74/2022 của Quốc hội trong năm 2023, trong đó nêu định hướng tháo gỡ một số dự án chậm triển khai.

Tổng mức đầu tư dự án nhà hát Thủ Thiêm tăng lên gần 2.000 tỉ đồng

Đối với dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm), UBND TP.HCM cho biết dự án được HĐND TP.HCM thông qua tháng 10.2018, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn nên TP.HCM chưa thể bố trí vốn đầu tư xây dựng trong năm 2021 và 2022.

Đến năm 2023, dự án được bố trí 1,6 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư) chi thưởng cho các đơn vị đạt giải thiết kế. Cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc nhà hát Thủ Thiêm không có giải nhất, ban tổ chức trao 2 giải nhì cho liên danh Công ty tư vấn thiết kế Studio Milou (Pháp) - Công ty CP thiết kế xây dựng Hà Nội (VN) và Công ty GMP International GmbH (Đức).

Về tiến độ dự án, UBND TP.HCM đã lập và xác định danh mục các dự án cấp bách cần sớm triển khai thực hiện sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu năm 2022 và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù (7.200 tỉ đồng), trong đó có dự án nhà hát Thủ Thiêm. Đến nay, tổng mức đầu tư dự án tăng lên gần 2.000 tỉ đồng. Hiện UBND TP.HCM giao Sở VH-TT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Nhà hát Thủ Thiêm được chọn là công trình dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.2025).

Sắp xếp lại, xử lý nhà đất công hơn 919.000 m2

Đối với dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), UBND TP.HCM cho hay dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2007, nhưng vì quy mô lớn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phức tạp nên chậm triển khai. Được Thủ tướng chấp thuận chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, UBND TP.HCM phê duyệt kết quả chỉ định liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC là nhà đầu tư vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, quy định về chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án thay đổi nên phải thực hiện lại thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở QH-KT TP.HCM đang tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch, rồi lựa chọn các nội dung quan trọng đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch phân khu, kêu gọi đầu tư.

Liên quan đến công tác quản lý tài sản công, UBND TP.HCM thông tin trong giai đoạn 2018 - 2023 đã phê duyệt phương án, sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 266 địa chỉ nhà đất với diện tích hơn 919.000 m2 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Trong đó, TP.HCM giữ lại 100 địa chỉ để tiếp tục sử dụng, thu hồi 58 địa chỉ nhà đất (tổng diện tích hơn 312.000 m2), điều chuyển 13 địa chỉ, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 82 địa chỉ... Trong thời gian này, TP.HCM không sử dụng nhà đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

YÊU CẦU LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM VỤ BÃI RÁC NAM SƠN BỊ TRÀN BÙN THẢI

UBND TP. Hà Nội yêu cầu xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan và làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra sự cố ngày 3/5 tại bãi rác Nam Sơn.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 5490 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông về việc khắc phục sự cố môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các đơn vị có liên quan xử lý triệt để sự cố phát sinh; xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan và làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra sự cố ngày 3/5 tại bãi rác Nam Sơn; báo cáo kết quả trong tháng 5/2024.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra tổng thể các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố, chủ động phát hiện, xử lý, xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phòng ngừa hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn, không để xảy ra sự cố trong quá trình vận hành, đặc biệt trong mùa mưa bão; báo cáo kết quả trong tháng 5/2024.

Giao UBND các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên theo quy định.

Trước đó, vào hồi 17h30 phút ngày 3/5, tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn đã xảy ra sự cố sạt lở bờ bao ô chứa bùn tải H1 (sau xử lý nước rỉ rác) dẫn đến một lượng bùn thải chảy xuống khu vực đường nội bộ.

Nguyên nhân do mưa lớn kéo dài nhiều giờ với lưu lượng 100mm, ô H1 là ô chôn lấp đã được đóng bãi nhiều năm, bờ bao dễ sụt lún dẫn đến giảm liên kết đặc biệt khi có mưa lớn và sự cố vỡ 1 đoạn bờ bao.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Liên danh Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây - Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại 68 và các đơn vị trong Khu LHXLCT Sóc Sơn huy động máy móc, nhân lực để khắc phục sự cố.

Đến 19 giờ cùng ngày, sự cố cơ bản đã được khắc phục, đến 11 giờ ngày 4/5, công tác tiếp nhận rác trở lại bình thường.

Nguồn: Vietnammoi; CafeF; Thanh Niên; Môi trường & Đô thị

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang