DN 'treo thưởng' để tìm lao động; Vinfast bị tập đoàn thép kiện tại Mỹ; Loạt DN BĐS khó trả nợ trái phiếu; Đất phân lô lại 'nóng'

CƠN KHÁT LAO ĐỘNG CÀN QUÉT, DOANH NGHIỆP ‘TREO THƯỞNG’ ĐỂ TÌM NGƯỜI

Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào, rao tuyển hàng ngàn lao động và có chính sách thưởng cho người giới thiệu, công nhân mới vào làm.

Có đơn hàng đen hết năm 2024, Tổng Công ty CP May Nhà Bè (quận 7, TP HCM) rao tuyển hơn 1.000 lao động các vị trí như công nhân may, cắt, ủi, nhân viên thiết kế… với thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Bà Huỳnh Thị Hồng Cúc, Trưởng Phòng Lao động tiền công Tổng Công ty CP May Nhà Bè, cho hay chính sách tuyển dụng được tổng công ty triển khai đến các Công đoàn bộ phận, tổ Công đoàn, các Group Zalo, Facebook, Hội nhóm việc làm, đời sống công nhân… Song song đó, tổng công ty cũng cho nhân viên phát tờ rơi tại các khu công nghiệp, khu dân cư lao động, treo banner tại bến Xe miền Tây…

Doanh nghiệp đưa ra chính sách hỗ trợ cho người giới thiệu được lao động mới là 10.000 đồng/ngày công (thời gian tính thưởng 3 tháng- không quá 78 ngày công làm việc).

Đối với tập thể giới thiệu được lao động, được 2 đến 5 triệu đồng/tập thể khi giới thiệu từ 10 đến 20 lao động vào công ty làm việc.

Tương tự, đơn hàng dồi dào, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) đăng tuyển 1.000 lao động. Người lao động làm việc tại công ty được hỗ trợ: thưởng chuyên cần (500.000 đồng/tháng), phụ cấp đời sống (250.000 đồng/tháng), phụ cấp nuôi con nhỏ (từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng), thưởng thu hút (400.000 đồng/tháng)… Công nhân vào làm việc ngay, không phải thử việc với mức thu nhập được cam kết từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, công ty còn có chế độ thưởng đặc biệt cho công nhân mới vào làm việc như thưởng lần 1 là 600.000 đồng sau 2 tháng làm việc, thưởng lần 2 là 400.000 đồng sau 4 tháng làm việc. Công ty cũng thưởng cho người giới thiệu lao động mới làm việc tại Samho là 500.000 đồng/người.

Tuy nhiên, rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, bộ phận nhân sự công ty đã về các tinh Đồng Bằng Sông Cửu Long để tìm người.

KHÓ CHỒNG KHÓ, VINFAST TIẾP TỤC VƯỚNG VỤ KIỆN TẠI MỸ

ArcelorMittal cáo buộc VinFast đã không mua loại thép mạ nhôm cường lực do tập đoàn này sản xuất từ các nhà cung cấp chính hãng. VinFast ngày 23/4 khẳng định "nguyên tắc hàng đầu của công ty là tuân thủ luật pháp" và "bản quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp" trong tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt.

Lại có thêm một vụ kiện khác ở Mỹ nhằm vào VinFast. Lần này là cáo buộc vi phạm bản quyền thép.

Nguyên đơn là ArcelorMittal, một trong những tập đoàn sản xuất thép đa quốc gia lớn nhất trên thế giới.

Tập đoàn ArcelorMittal đã đệ kiện VinFast lên Tòa án quận trung tâm California vào hôm 16/4.

Vào ngày 17/4, ArcelorMittal cũng đệ trình đơn khiếu nại lên Ủy Ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) yêu cầu điều tra và không cho phép VinFast nhập khẩu xe vào Mỹ.

Công ty luật phụ trách vụ kiện cho ArcelorMittal là Gibson, Dunn & Crutcher LLP.

Các công ty thuộc VinFast bị liệt kê là bị đơn trong đơn kiện gồm VinFast Auto LLC, VinFast USA Distribution LLC, Vingroup USA LLC, VinFast Trading and Production JSC và VinFast Auto Ltd.

ArcelorMittal là công ty thép đa quốc gia, có nhà máy sản xuất tại 15 quốc gia, với hơn 126.000 nhân viên, trụ sở chính là ở thành phố Luxembourg, thuộc Đại công quốc Luxembourg, theo phần tự giới thiệu của công ty.

VinFast bị cáo buộc gì?

ArcelorMittal cáo buộc "VinFast đã chế tạo, sử dụng, chào bán, bán và/hoặc nhập khẩu vào Mỹ" các loại sản phẩm bị cáo buộc vi phạm một hoặc hơn bằng độc quyền sáng chế do tập đoàn này sở hữu.

Mẫu xe VF8 của hãng xe điện VinFast được dẫn ra làm một ví dụ về sản phẩm bị cáo buộc vi phạm bằng độc quyền sáng chế.

Theo đơn kiện mà ArcelorMittal đệ trình lên tòa án ở California thì VinFast đã vi phạm phát minh sáng chế đối với hai bằng sáng chế mà công ty này sở hữu.

Hai bằng này có mã lần lượt là U.S. Patent Nos. 10,961,602 và 11,326,227 được bảo hộ độc quyền tại Mỹ cho loại thép cường lực mới, được mạ nhôm cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đòi hỏi thép chịu lực cao.

ArcelorMittal cáo buộc VinFast đã không mua loại thép mạ nhôm cường lực do tập đoàn này sản xuất thông qua các nhà cung cấp chính hãng.

Theo đơn kiện, ArcelorMittal cáo buộc VinFast dù đã nhận được thư của ArcelorMittal liên quan đến bằng độc quyền sáng chế về thép vào ngày 25/11/2022, nhưng VinFast đã không mua giấy phép. "Thay vào đó, VinFast đã vi phạm [bản quyền]," đơn kiện nêu rõ.

ArcelorMittal cáo buộc các sản phẩm vi phạm tại Mỹ của VinFast không chỉ giới hạn ở loại xe VF8, mà còn nói “ArcelorMittal cho rằng các phát hiện thêm sẽ cho thấy những mẫu xe VF 3, VF 6, VF 7 và VF 9 cũng vi phạm bản quyền”.

Trong một tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt vào ngày 23/4 liên quan đến vụ kiện mới này, VinFast nêu:

"Nguyên tắc hàng đầu của VinFast là tuân thủ luật pháp và chúng tôi cũng yêu cầu các nhà cung cấp cam kết tuân thủ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho VinFast. Vấn đề công ty sản xuất thép ArcelorMittal nêu ra liên quan đến linh kiện do bên thứ ba cung cấp, chúng tôi đang làm việc với nhà cung cấp và sẽ cập nhật thông tin sau."

BBC News Tiếng Việt cũng đã email đến tập đoàn thép ArcelorMittal vào ngày 21/4 đề nghị bình luận chi tiết liên quan đến vụ kiện của họ.

Khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ

Chụp lại hình ảnh,VinFast hiện đang phải đối mặt các vụ kiện tập thể khác tại Mỹ, với cáo buộc thổi phồng tiềm năng của công ty. Ảnh chụp xe VF8 của VinFast vào ngày 10/9/2022.

Vào ngày 17/4, ArcelorMittal đồng thời đệ trình đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) yêu cầu điều tra và không cho phép VinFast nhập khẩu xe vào Mỹ.

Trong văn bản xác nhận đã nhận đơn khiếu nại từ ArcelorMittal, USITC nêu nguyên đơn đã cáo buộc VinFast vi phạm Mục 337 chống cạnh tranh không công bằng, thuộc Đạo luật Thuế quan năm 1930 của Mỹ, và yêu cầu phải có thời gian tổng thống xem xét trong 60 ngày.

Theo Mục 337 thì sẽ có các phiên điều trần liên quan đến cáo buộc cạnh tranh không công bằng và cuộc điều tra sẽ hoàn tất trong 45 ngày kể từ thời điểm bắt đầu.

Nếu lô hàng nhập khẩu bị cáo buộc vi phạm bản quyền tại Mỹ thì USITC có thể ban hành lệnh cấm nhập khẩu vào Mỹ và/hoặc yêu cầu bên vi phạm ngừng các hành động nhất định.

Các lệnh của USITC có hiệu lực ngay khi được ban hành, nhưng có thể bị Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bác bỏ viện dẫn các lý do chính sách trong thời hạn 60 ngày. Sau thời hạn trên, lệnh sẽ mang tính ràng buộc pháp lý và không thể lật ngược.

Bên vi phạm Mục 337 này phải chịu trách nhiệm vi phạm dân sự có thể lên đến 100.000 USD mỗi ngày hoặc gấp đôi giá trị lượng sản phẩm nhập khẩu.

Các vụ kiện khác

VinFast hiện đang phải đối mặt các vụ kiện tập thể khác tại Mỹ, với cáo buộc cung cấp thông tin sai sự thật, bỏ qua các thông tin quan trọng trong các hồ sơ của mình, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư.

Vào ngày 12/4, Công ty Luật Pomerantz thông báo rằng một đơn kiện tập thể (class action) đối với VinFast đã được nộp tại Tòa án quận thuộc khu vực Quận Đông, New York.

Đơn kiện cho biết hồ sơ mà VinFast công bố trong quá trình sáp nhập với một công ty Mỹ để lên sàn chứng khoán Nasdaq đã được chuẩn bị “cẩu thả” nên chứa các thông tin không đúng sự thật (untrue) hoặc bỏ qua các thông tin quan trọng. Điều này đã dẫn tới các thông tin được cung cấp là sai hoặc gây hiểu nhầm.

Cùng lúc, Công ty luật Robbins - tên đầy đủ là Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California của Mỹ - cũng đang phụ trách một vụ kiện tập thể đối với VinFast.

Vụ kiện đưa ra cáo buộc VinFast và một số quan chức điều hành, giám đốc cũ hoặc đương nhiệm của VinFast vi phạm Đạo Luật Chứng khoán năm 1933 (Securities Act of 1933) và/hoặc Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 (Securities Exchange Act of 1934) của Mỹ.

Liên quan đến vụ kiện tập thể mà công ty luật Robbins đang phụ trách, VinFast gọi đây là những cáo buộc “vô căn cứ” trong tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt.

"Cáo buộc này là vô căn cứ. VinFast hoạt động theo các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, luôn tuân thủ pháp luật cũng như quy định tại các thị trường mà Công ty đang hiện diện. Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm,” phản hồi của VinFast nêu.

VinFast hiểu nhầm về ưu đãi đầu tư của Ấn Độ?

Về hoạt động của VinFast tại Ấn Độ, ngày 21/4, theo trang tin Business Line thuộc The Hindu Group của Ấn Độ, đã có sự hiểu nhầm giữa VinFast và chính phủ Ấn Độ liên quan đến chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho ngành xe điện tại quốc gia Nam Á này.

Điều này có thể gây ảnh hưởng đến nhà máy sản xuất mà hãng xe Việt Nam đang xây tại thành phố Thoothukudi, bang Tamil Nadu cũng như kế hoạch kinh doanh tại Ấn Độ.

Vào tháng 1/2024, VinFast đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) và một tháng sau đã tiến hành động thổ xây nhà máy sản xuất xe điện tại thành phố này. Lúc bấy giờ, VinFast đã công bố mục tiêu đầu tư lên tới 2 tỷ USD, trong đó có 500 triệu USD đầu tư trong 5 năm đầu tiên.

Thông cáo báo chí của VinFast cho biết:

"Theo đó [biên bản ghi nhớ], VinFast và Chính quyền Bang [Tamil Nadu] sẽ tích cực làm việc hướng tới mục tiêu đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Trong đó, mức đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong thời gian 5 năm."

Nguồn tin tham dự cuộc họp giữa Bộ Công nghiệp nặng Ấn Độ (MHI) và các công ty sản xuất ô tô như Hyundai, Suzuki, Toyota và VinFast vào hôm 18/4 nói với Business Line rằng ông Phạm Sanh Châu, Giám đốc điều hành VinFast Ấn Độ, đã “bối rối” khi biết rằng dự án của công ty có thể không được hưởng ưu đãi theo chính sách mới của Ấn Độ.

Business Line nêu rằng trong cuộc gặp gỡ vào tháng 1/2024 giữa Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal và lãnh đạo VinFast, phía VinFast tin rằng họ sẽ được hưởng ưu đãi tính từ khi công ty bắt đầu đầu tư vào Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 18/4, ông Phạm Sanh Châu được thông báo rằng khoản trợ cấp chỉ được áp dụng tính từ ngày chính sách có hiệu lực, chứ không phải từ ngày VinFast triển khai đầu tư.

"Tôi nghĩ đã có sự hiểu lầm… VinFast đã hiểu sai về việc họ có thể đầu tư 500 triệu USD cho đến năm thứ 5. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi nêu rõ họ phải hoàn thành số tiền đầu tư đó vào năm thứ 3. Vào năm thứ ba, nhà đầu tư cần hoàn thiện khoản đầu tư 500 triệu USD và xuất xưởng xe với giá trị gia tăng nội địa (DVA) là 25%," Business Line dẫn lời một quan chức Bộ Công nghiệp nặng Ấn Độ cho biết.

Theo Fortune India, tạp chí nhượng quyền của Fortune (Mỹ), chính sách mới của Ấn Độ quy định rằng nhà sản xuất phải đầu tư tối thiểu 500 triệu USD mà không giới hạn mức tối đa. Chính phủ đã đề ra thời hạn ba năm để các nhà sản xuất thiết lập cơ sở sản xuất mới tại Ấn Độ và bắt đầu sản xuất xe điện, đạt mức giá trị gia tăng nội địa 25% trong ba năm và tiến tới 50% trong tối đa là năm năm.

Những công ty đáp ứng các yêu cầu trên sẽ được phép nhập khẩu một lượng giới hạn xe điện với mức thuế nhập khẩu 15% đối với những xe có giá trên 35.000 USD/chiếc trong thời hạn năm năm kể từ khi được chính phủ cấp phép. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc dao động từ 70-100%.

Hiện vẫn chưa rõ VinFast đã có hiểu lầm về chính sách xe điện mới của Ấn Độ hay không.

Tình hình khó khăn

VinFast mới đây đã công bố báo cáo chưa qua kiểm toán về tình hình kinh doanh trong quý 1/2024.

Theo đó, công ty lỗ ròng 618,3 triệu USD, mức lỗ này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 12,3% so với quý 4 năm 2023.

Báo cáo của VinFast cho biết lượng ô tô điện bàn giao trong quý 1/2024 đạt 9.689 chiếc, tăng 444% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 28% so với quý 4/2023.

Đối với xe máy điện (hai bánh), VinFast giao 6.632 chiếc trong quý đầu tiên của năm nay, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 73% so với quý 4/2023.

VinFast cũng tái cam kết mục tiêu giao 100.000 ô tô điện trong năm 2024.

Một điểm cần lưu ý về lượng ô tô bàn giao, đó là trong số 9.689 xe nói trên, có 56% được giao cho các bên có liên quan tới VinFast, có thể hiểu là các công ty trong hệ sinh thái Vingroup.

Trong một bài viết mới đây, hãng tin Reuters cho biết VinFast đã lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua và tình trạng này làm gia tăng áp lực lên Vingroup, khiến các nhà đầu tư vào Vingroup lo ngại.

Giá cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) kết phiên giao dịch ngày 22/4 ở mức 2,43 USD/cổ phiếu.

Như vậy, so với mức 37,06 USD/cổ phiếu vào ngày 15/8/2023 khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq, VFS đã mất đến hơn 93,4% giá trị.

HÀNG LOẠT ‘ÔNG LỚN’ BẤT ĐỘNG SẢN LAO ĐAO VÌ NỢ TRÁI PHIẾU

92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn năm 2024 được chia thành 3 nhóm, trong đó có 3 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ, 18 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trả nợ.

Nợ trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 10% GDP nền kinh tế

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024 Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến 7 bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo lãnh đạo Chính phủ, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ vào cuối năm 2023 khoảng 1 triệu tỷ đồng. Con số này tương đương 9,9% quy mô GDP nền kinh tế, bằng 7,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế do 432 doanh nghiệp phát hành.

Trong năm 2023, có 88 doanh nghiệp đã phát hành TPDN riêng lẻ, với khối lượng phát hành 296.800 tỷ đồng.

Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành 167.000 tỷ đồng, chiếm 56,3% khối lượng phát hành; doanh nghiệp bất động sản phát hành 87.800 tỷ đồng, chiếm 29,6%; các doanh nghiệp lĩnh vực khác phát hành 42.000 tỷ đồng, chiếm 14,1%.

Theo Bộ Tài chính, trái phiếu của tổ chức tín dụng toàn bộ không có bảo đảm, 97,7% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành có bảo đảm.

Trong năm 2023, các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn, với khối lượng 248.200 tỷ đồng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng mua lại trước hạn 126.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp bất động sản mua lại trước hạn 55.900 tỷ đồng, lĩnh vực khác mua lại trước hạn 66.300 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2024 các doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị hơn 17.000 tỷ đồng.

Về tình hình giao dịch TPDN riêng lẻ từ tháng 7/2023 đến cuối năm, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 218.150 tỷ đồng, trung bình đạt 1.881 tỷ đồng/phiên giao dịch.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị khoảng 83.600 tỷ đồng. Trong đó các doanh nghiệp bất động sản chiếm 50,7%, doanh nghiệp xây dựng 4,6%, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 21,4%, doanh nghiệp sản xuất năng lượng chiếm 5%, doanh nghiệp các lĩnh vực khác chiếm 18,3%.

Trong số 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu này, có 33 doanh nghiệp chậm thanh toán từ 1-30 ngày, 38 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư, số doanh nghiệp còn lại chưa có phương án rõ ràng.

Tình hình tài chính loạt doanh nghiệp bất động sản

Theo Bộ Tài chính, hiện pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán, TCTD không có quy định về chia nhóm doanh nghiệp theo nhóm có khả năng trả nợ, nhóm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhóm không có khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, để phân tích và nhận định rủi ro, Bộ này căn cứ vào báo cáo tài chính mới nhất của doanh nghiệp phát hành trái phiếu cung cấp cho HNX để chia doanh nghiệp theo 3 nhóm: rất khó khăn trong việc trả nợ, có khả năng gặp khó khăn trả nợ và các doanh nghiệp còn lại.

Bộ cũng lưu ý, việc phân loại này mang tính chất tương đối vì khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên biến động.

Theo phân loại trên, với 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn năm 2024, có 3 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ (âm vốn chủ sở hữu) là CTCP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (CTAC) với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu -8,8 lần; CTCP Phát triển BĐS Nhật Quang (NQBC) có vốn chủ sở hữu -3.960 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Smart Dragon (SMDC) vốn chủ sở hữu -2.520 tỷ đồng.

18 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trả nợ. Đây là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.

Có thể kể đến như: CTCP Đầu tư Technical-TNCC với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 24,6 lần; Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang-AKRC (17 lần); CTCP North Star Holdings-NSTC (14,2 lần); CTCP Dịch vụ đầu tư Lucky House-LKHC (12,6 lần);

Công ty TNHH Thành phố Aqua-TPAC (8,9 lần); CTCP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam-SPNC (6,1 lần); CTCP Đầu tư Golden Hill-GHIC (5,1 lần)…

Còn lại nhóm 3 với 71 doanh nghiệp với một số cái tên như: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên-HIDC với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 33,1 lần; Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Hoàng Long-HLCC (10,6 lần); Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Nguyên Bình-NBCC (13,9 lần);

CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova-NVL (3,9 lần); CTCP Đầu tư địa ốc No Va-NVJC (1,3 lần); CTCP Hưng Thịnh Investment-H39C (2,6 lần); CTCP Hưng Thịnh Land (2,9 lần);

CTCP Kinh doanh nhà Sunshine-SHJC (2,9 lần); CTCP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát-HPLC (3,7 lần); CTCP Đầu tư Hải Phát-HPX (1,5 lần); Tập đoàn Geleximco-CTCP (2,2 lần)…

"NÓNG" ĐẤT PHÂN LÔ BÁN NỀN

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Theo dữ liệu mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), những lô đất đã tách thửa ở các khu vực trên cả nước đã xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi "săn". Ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao lượt tìm kiếm tăng lên rõ nét.

Mức giá giao dịch thành công giảm từ 20-30% so với đỉnh sốt, nhưng đã đi vào ổn định và không còn dấu hiệu giảm giá. Thậm chí, một số khu vực đất phân lô có dấu hiệu tăng giá khoảng 5%. Riêng các khu vực ven Hà Nội hay Tp.HCM, liền kề các khu công nghiệp mức tăng ghi nhận trên 10% so với thời điểm trước Tết.

Cụ thể, đất phân lô khu vực trung du phía Bắc giao dịch với tỷ lệ hấp thụ trên 40%. Giá sơ cấp không có nhiều biến động. Các sản phẩm đất đấu giá, đất nền, nhà riêng lẻ dưới 3 tỷ đồng tiếp tục ghi nhận thanh khoản và mức giá cải thiện.

Ở vùng Duyên hải Bắc Bộ, trong đó thị trường bất động sản Hải Phòng tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc. Giá đất nền, nhà phố giá trị trung bình dưới 5 tỷ đồng tiếp tục được cải thiện, giá tăng từ 3 – 5% so với cuối năm trước.

Tại Hà Nội và các vùng phụ cận, giá đất nền ghi nhận ngừng giảm. Đáng chú ý, các sản phẩm đất nền giá dưới 2 tỷ đồng tại vùng ven trung tâm, tại các tỉnh, thành phố, có pháp lý đảm bảo, hạ tầng, tiện ích có sẵn, ghi nhận mức giá tăng lên tới 40% so với thời điểm thị trường khó khăn nhất.

Tại Tây Nguyên, đất nền vùng ven bắt đầu được nhà đầu tư quan tâm, giao dịch nhiều hơn với mức giá giảm khoảng 30 - 50% so với đỉnh sốt, nhất là các sản phẩm đất nền đã được tách thửa, hoàn thiện pháp lý.

Đối với khu vực Tp.HCM và vùng phụ cận, phân khúc đất nền không có nhiều biến động trên thị trường sơ cấp. Thanh khoản đất nền thứ cấp cải thiện, tập trung ở các sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý với mức giá tăng khoảng 3% so với quý 4/2023. Phân khúc nhà phố/biệt thự ghi nhận mức giá tăng khoảng 2% - 4% tại thị trường thứ cấp so với thời điểm cuối năm 2023.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, dữ liệu của VARS cho thấy, dự án đất nền hầu như không có nguồn cung mới do vướng pháp lý. Nhu cầu chủ yếu là mua phục vụ nhu cầu ở thực. Giao dịch dự án nhà phố xây sẵn vẫn rất chậm. Riêng tại Cần Thơ, giá đất nền đi ngang và có xu hướng tăng nhẹ dần.

Theo đánh giá của VARS, đất nền và bất động sản thổ cư là hai phân khúc ghi nhận sự “vận động” một cách tích cực nhất trong quý 1/2024. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một số khu vực có hiện tượng “tăng giá vô căn cứ”. Trước diễn biến này, lãnh đạo VARS đã cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn sốt “ảo” , gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.

Kể từ ngày 1/1/2025, luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2 và 3.

Tính đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị. Trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại 1, 36 đô thị loại 2, 45 đô thị loại 3, 95 đô thị loại 4 và 702 đô thị loại 5. Như vậy, quy định mới sẽ cấm phân lô bán nền tại 105 TP, thị xã, tăng thêm 81 TP, thị xã so với quy định hiện hành.

Luật sư (LS) Trần Mạnh Cường (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, Luật hiện hành chỉ ngăn chặn phân lô, bán nền tại các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan; khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị. Quy định mới tăng thêm 81 địa phương nên thị trường đất nền ở những nơi này biến động mạnh.

Vị này cho rằng, việc siết lại quy định phân lô bán nền sẽ làm giảm hoạt động mua bán đất nền trong thời gian tới. Từ đó, những lô đất nền tách thửa đã có giấy chứng nhận chắc chắn giá sẽ bị đẩy lên cao. Đồng thời không ngoại trừ khả năng "chạy" để được phân lô, tách thửa trước khi luật chính thức có hiệu lực.

Từng chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng: Giai đoạn đầu thị trường sẽ chao đảo bởi hiện nay 90% giao dịch mua bán đất nền trên thị trường là đất nền phân lô. Khi siết chặt, loại hình đất nền tự tách thửa này sẽ bị "bít cửa", nguồn cung trên thị trường sẽ kém đa dạng, bị thu hẹp. Nhưng về lâu dài, đất nền sẽ không còn rơi vào những đợt "sốt" như trước đây nữa.

Theo các chuyên gia, việc siết phân lô, bán nền có thể làm giảm hoạt động mua bán đất nền trong ngắn hạn, giá đất nền đang có sẵn có thể bị đẩy lên cao. Song về lâu dài việc này sẽ giúp thị trường này phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, sốt đất. Đồng thời hạn chế lãng phí tài sản đất vốn đang ngày càng eo hẹp và trở nên đắt đỏ.

Các địa phương bị cấm phân lô bán nền trong thời gian tới gồm:

Đầu tiên là hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM sẽ bị siết phân lô bán nền.

22 đô thị loại 1 gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.Huế, TP.Vinh, TP.Đà Lạt, TP.Nha Trang, TP.Quy Nhơn, TP.Buôn Ma Thuột, TP.Thái Nguyên, TP.Nam Định, TP.Việt Trì, TP.Vũng Tàu, TP.Hạ Long, TP.Thanh Hóa, TP.Biên Hòa, TP.Mỹ Tho, TP.Thủ Dầu Một, TP.Bắc Ninh, TP.Hải Dương, TP.Pleiku, TP.Long Xuyên.

36 đô thị loại 2 bao gồm các TP thuộc tỉnh như: Phan Thiết, Cà Mau, Tuy Hòa, Uông Bí, Thái Bình, Rạch Giá, Bạc Liêu, Ninh Bình, Đồng Hới, Phú Quốc, Vĩnh Yên, Lào Cai, Bà Rịa, Bắc Giang, Phan Rang-Tháp Chàm, Châu Đốc, Cẩm Phả, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Trà Vinh, Sa Đéc, Móng Cái, Phủ Lý, Bến Tre, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Tân An, Vị Thanh, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Kon Tum, Dĩ An, Yên Bái.

45 đô thị loại 3 bao gồm 29 TP: Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên, Tân Uyên, Bến Cát, Gò Công.

16 thị xã cũng bị cấm phân lô, bán nền gồm: Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, La Gi, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn, Kiến Tường.

Nguồn: Soha; BBC; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang