2 xe khách tông nhau, 18 người thương vong; Học sinh loạn thần vì thuốc lá điện tử; Rác bủa vây cao tốc Mai Sơn – QL45

HAI XE KHÁCH TÔNG NHAU KINH HOÀNG, 19 NGƯỜI THƯƠNG VONG

Lực lượng chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là do cả 2 xe khách đều chạy quá tốc độ quy định. Kiểm tra ma túy và nồng độ cồn, các tài xế đều âm tính.

Ngày 2/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) cho hay, lực lượng chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là do cả hai phương tiện đều chạy quá tốc độ quy định, không nhường đường khi đi qua nút giao cắt (giữa đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 25). Hai phương tiện đều còn hạn đăng kiểm, tài xế có giấy phép lái xe. Kết quả kiểm tra ma túy và nồng độ cồn, các tài xế đều âm tính.

Theo cơ quan chức năng, với xe khách giường nằm loại 36 chỗ BKS 51B-294.89 (nhà xe Cô Hai) do Nguyễn Công Dân (SN 1977, trú phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) điều khiển, lưu thông trên Quốc lộ 25 (theo hướng từ Gia Lai đi Phú Yên), căn cứ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, tốc độ của xe vào lúc 3h 1phút 14 giây là 86 km/h, lúc 3h 1phút 24 giây là 83 km/h, lúc 3h 1p 34 giây là 84 km/h.

Đối với xe khách loại 41 chỗ BKS 47B - 020.26 (nhà xe Quốc Cường) do Đinh Văn Hùng (SN 1972, trú xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển, lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh Chư Sê (theo hướng từ Gia Lai đi Đắk Lắk) không có dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các đơn vị chức năng đã phối hợp điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến và đánh giá thiệt hại về hạ tầng giao thông. Theo ước tính ban đầu, vụ va chạm đã làm hư hỏng một trụ đèn tín hiệu giao thông và 32 tấm biển báo chỉ dẫn, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Liên quan đến vụ 2 xe khách tông nhau ở Gia Lai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Chiều 2/5, thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tại bệnh viện đang theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho 6 hành khách gặp nạn trong vụ việc nói trên. Tình hình các bệnh nhân ổn định, tiên lượng tốt.

BÁO ĐỘNG ĐỎ TÌNH TRẠNG HỌC SINH NGỘ ĐỘC, LOẠN THẦN DO THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ, THUỐC LÁ MỚI

Thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.

Ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó Chủ tịch HĐ Y Khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của Thuốc lá cho biết, theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT (thuốc lá điện tử), TLNN (thuốc lá nung nóng) .

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian. Thuốc lá mới đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Nhiều thanh thiếu niên nhập viện vì ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử

Theo chia sẻ của TS.BS.Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày nào Trung tâm Chống độc cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại đơn vị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử. Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.

Chia sẻ về bệnh nhân cụ thể, BS Nguyên cho biết, Trung tâm Chống độc trước đó điều trị cho 2 bệnh nhân trẻ (một bệnh nhân 23 tuổi và một bệnh nhân 29 tuổi) đều bị ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Bệnh nhân T.Q.T (23 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) có tiền sử hút thuốc lá điện tử 2 năm nay.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có dùng thuốc lá điện tử được cho thêm hương liệu mới (do shipper giới thiệu), đến 05 giờ sáng ngày hôm sau bệnh nhân lên cơn co giật, sùi bọt mép, co giật toàn thân. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện tuyến trước nhưng không đỡ, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến phát hiện chất ma túy cần sa tổng hợp là ADB-Butinaca.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L.H.H (29 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) vào viện vì co cứng chân tay, rối loạn vận động. Bệnh nhân cũng sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động, run, vã mồ hôi, không điều khiển được động tác.

Việt Nam cần khẩn cấp cấm sản xuất TLĐT

Là một bác sĩ làm chuyên môn, hàng ngày trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc do thuốc lá điện tử, TS.BS.Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề khổng lồ và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân.

Theo BS Nguyên, phần lớn người dân quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.

Chuyên gia cũng cho rằng, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng.

Theo TS Nguyên, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Theo BS. Nguyên, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022). Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác Phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là TLĐT, TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ, cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020 , trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0% . So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy:

- Năm 2020: Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS): tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

- Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023 , .

- Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023 .

- Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Thực tế cho thấy, TLĐT và kể cả một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

CAO TỐC MAI SƠN – QL45 NGẬP RÁC: ĐƠN VỊ VẬN HÀNH, BẢO TRÌ NÓI GÌ?

Dù tình trạng xả rác trên cao tốc diễn ra trong thời gian dài, nhưng đơn vị vận hành, bảo trì đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề xả rác trên cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - QL45 (nối tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa), ngày 3.5, ông Đoàn Tiến Bắc, phụ trách Đội vận hành số 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 (thuộc Công ty CP vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam), thừa nhận tình trạng người đi đường xả rác ra khu vực đầu các hầm Thung Thi (địa phận xã Hà Lĩnh, H.Hà Trung, Thanh Hóa) và hầm Tam Điệp (TP.Tam Điệp, Ninh Bình).

Ông Bắc cho biết, đơn vị quản lý đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm được tình trạng trên.

"Trung bình 2 ngày chúng tôi tổ chức người quét dọn vệ sinh một lần. Cũng đã lắp biển cấm dừng đỗ ở đây, nhưng người dân vẫn dừng đỗ. Chúng tôi đã nghĩ tới việc đặt thùng rác hoặc căng dây an toàn ở các vị trí đó, nhưng đặt trên đường cao tốc thì không được. Kể cả việc bố trí người túc trực ở đây để nhắc nhở người dân không dừng đỗ, không xả rác, nhưng không thể bố trí 24/24 giờ được", ông Bắc cho hay.

Liên quan đến tình trạng rác thải đang tồn tại ở 2 đầu các hầm Thung Thi và Tam Điệp, ông Bắc cho biết, trong ngày 3.5 đơn vị sẽ bố trí người quét dọn sạch sẽ.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, thời gian qua, mặt đường và rãnh thoát nước ở 2 đầu cửa hầm Thung Thi và hầm Tam Điệp ngập ngụa rác thải do người dân lưu thông qua đây vứt bỏ, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và hết sức nhếch nhác.

Tại các rãnh thoát nước ở 2 đầu hầm Thung Thi và hầm Tam Điệp đủ các loại rác thải bị vứt bỏ, từ túi ni lông cho đến vỏ chai nhựa đựng nước...

Cao tốc Mai Sơn - QL45 có tổng chiều dài hơn 63 km, tổng mức đầu tư 12.111 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ ngày 30.9.2020 và hoàn thành vào dịp 30.4 và 1.5.2023.

Dù đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 năm qua, nhưng đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 vẫn chưa được đầu tư, xây dựng trạm dừng nghỉ. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều người lưu thông trên đoạn cao tốc này "bí" chỗ đi vệ sinh cũng như xử lý rác thải trong quá trình di chuyển.

Nguồn: Vietnamnet; Kenh14; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang