Lại hủy đấu thầu vàng miếng; Mở đường liên vận, thông hàng XK; Không 'cứu' BOT thua lỗ; 'Cứu' dự án BT treo hàng chục năm

LẦN THỨ 3 HỦY ĐẤU THẦU VÀNG MIẾNG

Đây là phiên mở thầu thứ tư và là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hủy thầu.

NHNN vừa gửi đi thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng sáng nay 3/5 do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Lý do hủy thầu lần này tương tự như lý do hủy phiên thầu hôm 25/4.

Đây là lần thứ ba NHNN hủy đấu thầu vàng miếng. Trước đó, ngày 22/4, NHNN đã hủy lịch đấu thầu vàng miếng lần thứ nhất do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.

Lần hủy thứ hai là vào ngày 25/4 với lý do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Phiên đấu thầu thành công duy nhất ngày 23/4 có 2 thành viên trúng thầu. Tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất: 81,33 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất: 81,32 triệu đồng/lượng.

Trong phiên sáng nay 3/5, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến được đấu thầu là 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép mua là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đặt thầu tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Như vậy, quy định về đấu thầu vàng vẫn không có gì thay đổi so với 3 phiên trước đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, do NHNN vẫn giữ nguyên những điều kiện để mời thầu nên rất có thể phiên giao dịch hôm nay tiếp tục "ế ẩm", vì các quy định khiến doanh nghiệp và tổ chức tín dụng e ngại.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, có quá ít hoặc không có đơn vị nhận thầu vàng chứng tỏ quy định đấu thầu vàng vẫn còn những điều kiện chưa hợp lý, chưa đảm bảo được việc hạn chế rủi ro cho các tổ chức tham gia.

Nếu các điều kiện đấu thầu được NHNN sửa lại cho đủ hấp dẫn, doanh nghiệp có thể cân đối được rủi ro thì sẽ có nhiều tổ chức tham gia đấu thầu vàng hơn.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tại, nguồn vốn đang là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp, phần nào tác động đến quyết định tham gia đấu thầu của họ khi phải thực hiện mua vàng với khối lượng lớn. Trong khi đó, NHNN đang quy định số lô vàng trúng thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng.

Chuyên gia Trần Duy Phương phân tích, cung vàng tại các doanh nghiệp là có thiếu, nhưng không thiếu nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đấu thầu chỉ nhằm mua số lượng vàng cần thiết, đúng nhu cầu kinh doanh.

“ Ví dụ tuần trước họ bán âm khoảng 1.000 lượng thì họ cần mua vào 1.000 lượng để bù lại trạng thái đã bán và mua vào dư một chút để bán lẻ hoặc phục vụ các nhu cầu khác. Lúc này họ sẽ tham gia đấu thầu.

Nhưng nếu trước đó họ chỉ bán ra khoảng 500 lượng, mà quy định đấu thầu lại yêu cầu phải mua ít nhất 1.400 lượng thì cung lại vượt cầu. Do đó, điều kiện này đang cản trở các doanh nghiệp tham gia đấu thầu ", ông nói.

Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng thời điểm hiện tại, giá vàng biến động khó lường và đầy rủi ro, chắc chắn không có doanh nghiệp nào mua vàng để đầu cơ. Vì thế, nhu cầu càng không quá cao.

Họ chỉ có nhu cầu mua vào một lượng vừa đủ với số vàng đã bán hoặc là dư đôi chút. “ Chẳng hạn họ đang âm 1.000 lượng vàng thì họ sẽ mua vào khoảng 1.200 - 1.400 lượng. Nhưng họ chỉ âm khoảng 500 lượng mà bắt họ phải mua vào 1.400 lượng thì rất khó.

Nếu NHNN sửa điều kiện, cho mua vàng ở mức chỉ 400 - 500 lượng chẳng hạn thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn ", chuyên gia nêu quan điểm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng NHNN nên xem lại mức giá tham chiếu. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.

"Bỏ ra một số tiền lớn tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện làm sao để kinh doanh có lãi. Do đó, muốn những phiên đấu thầu vàng tiếp theo hiệu quả hơn, NHNN cần xác định mức giá đấu thầu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, mới dễ dàng thu hút họ ", ông Thịnh nói.

THÔNG CHUYẾN TÀU LIÊN VẬN, MỞ ĐƯỜNG XUẤT KHẨU

Sáng 2.5, chuyến tàu liên vận đầu tiên từ ga Cao Xá (Hải Dương) đã thông tuyến sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu thông thương hàng hóa bằng đường sắt qua quốc gia hơn 1,4 tỉ dân và sang các nước châu Âu.

Quả vải Thanh Hà lên tàu xuất khẩu

Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy ở Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, từ ga Cao Xá sau khi về đến ga Yên Viên (Hà Nội) sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dự kiến ngày 20.5 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá. Sau quả vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất bằng tàu hỏa qua ga liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang), đặc sản vải Thanh Hà của Hải Dương sẽ lần đầu tiên lên tàu hỏa đi xuất khẩu.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh; trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Giai đoạn 2 nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.

Ngành đường sắt sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế từ đây, gồm tuyến Cao Xá - Yên Viên (Hà Nội) - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) và đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU.

Tuyến 2 là Cao Xá - Lào Cai - Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết quy hoạch đến năm 2030, tỉnh có 32 khu công nghiệp và trên 60 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 550 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 20 tỉ USD, xếp thứ 11 trong cả nước. Với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng, việc định hướng quy hoạch nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận kết nối với cảng biển, sân bay mang lại lợi thế lớn cho tỉnh.

Lý do là ga này nằm gần các khu công nghiệp, nên việc nâng cấp để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là cần thiết, giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng, vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc vận chuyển như đường bộ, gia tăng cung ứng các loại hình dịch vụ góp phần tăng thu ngân sách của địa phương và liên vùng.

Có cạnh tranh được đường bộ?

Mục tiêu của VNR là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt lên 4,5 triệu tấn/năm trong các năm tiếp theo. Để làm được điều này, ngành đường sắt phải giải bài toán cạnh tranh và thu hút thêm nhiều nguồn khách.

Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải 1 Traco (TP.Hải Phòng), cho biết DN của bà bình quân mỗi tháng có khoảng 400 - 500 toa liên vận quốc tế từ Lào Cai và Hải Phòng. Với các điều kiện hiện nay sử dụng toa liên vận quốc tế rất thuận lợi cho DN, có thể vận chuyển xuyên suốt từ nhà máy về cảng khu vực Hải Phòng và các ga hàng có kho liên vận quốc tế.

Nhiều DN băn khoăn về thời gian vận chuyển dài và quản lý hàng hóa của đường sắt. Song theo bà Thủy, kinh nghiệm vận chuyển bằng đường sắt đã 20 năm của DN bà cho thấy rất an toàn, hàng được kẹp chì đầy đủ, đảm bảo từ Km số 0 của VN đến các ga, các cảng. "Thời gian vận chuyển cũng được ngành đường sắt cải tiến rất nhiều, như hàng từ Lào Cai chỉ từ 20 - 30 giờ là về cảng Hải Phòng để đóng container xuất khẩu. Với ga Cao Xá, thời gian vận chuyển từ Hải Dương lên Lào Cai chưa đến 24 giờ, thời gian làm thủ tục vận chuyển sang Trung Quốc cũng rất thuận lợi. Lịch trình vận chuyển xuyên suốt, không dừng, không cắt đoạn nên rất thuận tiện", bà Thủy chia sẻ. Với đặc thù của DN vận chuyển từ Hải Phòng đi Lào Cai, chỉ có đường bộ và đường sắt, thì đường sắt vẫn là mô hình tốt nhất cho chi phí hợp lý.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, phân tích từ ga Cao Xá đến ga Yên Viên khoảng 50 km, thuận lợi cho việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng, cũng như vận chuyển nội địa đi các tỉnh thành miền Trung và miền Nam, đồng thời thu hút khách hàng từ các tỉnh lân cận Hải Dương như Hưng Yên, Thái Bình…

Để thu hút khách, VNR sẽ tích cực quảng bá hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tới các DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận, tới các đối tác trong và ngoài nước, để thu hút hàng hóa đi và đến Hải Dương thông qua ga Cao Xá.

"Ngành đường sắt sẽ tiếp tục đầu tư để tổ chức liên vận quốc tế, đặc biệt là liên quan xuất nhập cảnh quốc tế tại ga Cao Xá, khai báo hải quan theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện tại hỗ trợ các luồng hàng từ ga Cao Xá đến Yên Viên khai báo hải quan rồi đi tới ga Đồng Đăng hoặc Lào Cai", ông Khánh nói.

Theo Tổng giám đốc VNR, lợi thế của ngành đường sắt là vận chuyển với khối lượng lớn, thủ tục chuyên chở bằng đường sắt thuận lợi hơn với đường bộ; thời gian vận chuyển rút ngắn nhờ làm thủ tục hải quan tập trung; giải quyết vấn đề an toàn giao thông… "Để hút khách hàng, cạnh tranh được với đường bộ, ngành đường sắt phải tổ chức vận tải hàng hóa tốt nhất, thuận lợi nhất, ưu việt hơn về thời gian và an toàn. Giá cả phải có các chính sách cạnh tranh được với thị trường", ông Khánh cho hay.

Tham gia mạng lưới liên vận quốc tế

Trước đó, vào tháng 4.2023, chuyến tàu chở hàng đầu tiên theo lộ trình Thái Lan - Lào - Trung Quốc đã từ Thái Lan đi Quảng Châu (Trung Quốc). Tuyến tàu hàng này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn giảm hơn 20% chi phí vận tải, đưa sầu riêng tươi từ Thái Lan tới tay người dùng Trung Quốc chỉ trong 5 ngày. Mạng lưới tàu liên vận quốc tế đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn giữa các nước. Nếu không sớm tham gia vào mạng lưới liên vận quốc tế, ngành đường sắt VN sẽ ngày càng thụt lùi so với khu vực.

Bất cập lớn nhất của đường sắt VN hiện tại vẫn là hạ tầng. Hiện đường sắt kết nối quốc tế qua 2 cửa khẩu là ga Lào Cai và ga Đồng Đăng. Trong đó, đường ray ga Đồng Đăng là khổ lồng (1.435 mm) có thể chạy tàu thẳng tới Trung Quốc và các nước thứ 3 qua Trung Quốc. Song ga Lào Cai chỉ có đường ray khổ đơn (1.000 mm), khi hàng hóa vận chuyển tới đây sẽ phải sang tàu để di chuyển sang Trung Quốc qua ga Hà Khẩu.

"Với ga Lào Cai, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư nâng cấp, kết nối cửa khẩu tại ga Hà Khẩu. Thông được tuyến bằng khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm sẽ hòa nhập được với mạng lưới liên vận quốc tế đồng bộ và hiệu quả nhất", ông Hoàng Gia Khánh cho hay.

Đầu năm 2024, Cục Đường sắt VN cho biết đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai nước tại Lào Cai, bắt đầu triển khai từ năm 2025. Từ đó giải quyết được khó khăn về kỹ thuật "vênh" khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm giữa 2 nước. Dự kiến đoạn tuyến sẽ được triển khai vào năm 2025, chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, xây dựng mới 2,85 km tuyến đường lồng từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều (Trung Quốc).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, việc đưa các ga Kép, Sóng Thần (Bình Dương) và Cao Xá vào "đường đua" liên vận quốc tế không chỉ giảm được chi phí vận tải trong nội địa cho các DN mà còn thực hiện được mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, thông quan tại chỗ tại các ga đầu mối liên vận quốc tế; tránh ùn tắc cho các cửa khẩu, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN và quốc tế.

BOT THUA LỖ DO LỖI DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC GIẢI CỨU

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đánh giá toàn diện các nguyên nhân, sớm hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Quốc hội phương án xử lý khó khăn tại một số dự án BOT.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Thông báo nêu rõ: Mặc dù Bộ GTVT đã có gắng, nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên về chất lượng, tiến độ chuẩn bị Hồ sơ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT của Bộ GTVT chưa bảo đảm yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát, thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan (bằng văn bản và phát biểu tại cuộc họp) để hoàn thiện Hồ sơ (Đề án) báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ GTVT quản lý và các dự án do các địa phương quản lý; rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập do thay đổi chính sách của nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan;

Kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư (doanh nghiệp, nhà đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký); đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động tiêu cực khi thực hiện các cơ chế, chính sách đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đồng thời, báo cáo cụ thể các công việc Bộ GTVT, các Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã thực hiện theo thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được những khó khăn, vướng mắc các dự án BOT giao thông; xác định rõ những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (nêu rõ nội dung xin ý kiến Bộ Chính trị).

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ; có ý kiến đúng thời hạn khi Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến.

Về tiến độ và hồ sơ trình, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, hoàn thiện Hồ sơ (theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII và Quy chế làm việc của Chính phủ); chủ động lấy ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và các cơ quan của Đảng, của Quốc hội và tiếp thu giải trình đầy đủ trước khi trình Thường trực Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.

Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng để xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép báo cáo vào đầu tháng 5/2024; hoàn thiện Hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép gửi Hồ sơ trước ngày 20/5/2024)

GIẢI PHÁP MỚI CHO DỰ ÁN BT 'NGHÌN TỶ' TREO HÀNG CHỤC NĂM

Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa đề xuất UBND TP 2 giải pháp để khai thác có hiệu quả Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn Đầm Hồng đến QL1A theo hình thức BT đang dở dang chưa hẹn ngày thông xe sau hơn chục năm được phê duyệt.

Đề xuất 2 phương án gỡ vướng

Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban QLDA) vừa đề xuất UBND TP Hà Nội giải pháp thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A theo hình thức BT để khai thác hiệu quả sau đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai.

Theo đó, Ban QLDA đề nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng liên ngành làm việc với nhà đầu tư Dự án BT yêu cầu triển khai dự án đảm bảo đồng bộ, kết nối kịp thời với Dự án hầm chui đường 2,5.

Trong trường hợp nhà đầu tư không đủ các điều kiện, thủ tục pháp lý dẫn đến không thể tổ chức thi công được Dự án BT, Ban QLDA kiến nghị UBND TP Hà Nội thực hiện 2 phương án.

Phương án 1 sẽ cho phép điều chuyển đoạn tuyến chưa triển khai thi công của Dự án BT sang Dự án hầm chui đường 2,5 (đoạn tuyến này có chiều dài khoảng 350m từ cọc H6 của Dự án BT về phía Đầm Hồng).

Tuy nhiên, trên đoạn tuyến có cầu L3 qua sông Lừ nhà đầu tư đã xây dựng 2 trụ và lắp đặt nhịp dầm giữa từ lâu chưa thi công mố và 2 nhịp biên. Hiện nay, phần xây dựng này đã xuống cấp, cần phải xác định điểm dừng thi công, kiểm định đánh giá lại chất lượng dầm, trụ cầu đã thi công để có phương án xử lý.

Phương án 2, điều chuyển đoạn tuyến từ cọc H6 đến bờ trái sông Lừ của Dự án BT (chiều dài đoạn tuyến khoảng 200m).

Với phương án này, công tác GPMB đã hoàn thành, nhà đầu tư chưa triển khai xây dựng trên đoạn tuyến này nên việc xác định điểm dừng của Dự án BT không phức tạp, khối lượng thực hiện nhỏ nên không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện của Dự án hầm chui đường 2,5.

Khó khăn khi không hoàn thiện được đoạn tuyến vành đai 2,5 từ QL1A cũ đến Đầm Hồng theo quy hoạch chỉ khắc phục được tình thế trước mắt mà không giải quyết được triệt để công tác kết nối giao thông trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra điểm đen ùn tắc giao thông khu vực cầu Định Công và đường hai bờ sông khu vực lân cận.

Đất dự án đối ứng đã bán bị yêu cầu thanh tra

Dự án đường vành đai 2,5 được TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức BT, chỉ định chủ đầu tư. Năm 2014, Sở GTVT Hà Nội thực hiện ủy quyền của thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư liên danh: Cty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội, Cty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà.

Theo đó, đoạn vành đai này dài khoảng 2km, được thiết kế chiều rộng 40m, vỉa hè rộng 7,5m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013-2016.

Điều đáng nói, dự án đường vành đai 2,5 sau hơn 10 năm vẫn dở dang chưa hẹn ngày về đích nhưng dự án đối ứng là dự án Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công chủ đầu tư đã phân lô bán nền, huy động vốn khách hàng thông qua hình thức thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”… dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được giao đất... khiến nhà đầu tư bức xúc.

Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản gửi Thanh tra TP khẩn trương thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về việc xem xét thanh tra dự án đầu tư liên quan đối ứng (dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công mở rộng) cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5.

Trước đó, tháng 8/2023, sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5, Phó chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kết luận tiến độ đầu tư dự án chậm, có nhiều đơn thư phức tạp liên quan đến việc triển khai dự án cần được xem xét, giải quyết thấu đáo.

Do đó, Phó chủ tịch TP giao Thanh tra TP Hà Nội xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhà đầu tư và liên quan đến dự án đối ứng dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A) và dự án đầu tư đối ứng liên quan.

Nguồn: Soha; Thanh Niên; Người Đưa Tin; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang