Giá vàng rơi tự do; Tour đường bộ 'lên ngôi'; Xuất khẩu dệt may khởi sắc; Cuộc đua giành mặt bằng trung tâm TP.HCM trở lại

HỦY ĐẤU THẦU, GIÁ VÀNG RƠI TỰ DO

Sau thông báo hủy đấu thầu vàng miếng vào 10 giờ sáng ngày hôm nay (22/4) của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC trong nước được các công ty vàng niêm yết giảm mạnh.

Mặc dù giá vàng sáng nay giá vàng miếng giảm mạnh nhưng tại cửa hàng vàng của Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu (phố vàng Trần Nhân Tông, Hà Nội), lượng khách đến khá đông. Theo quan sát của phóng viên, lượng người mua vẫn nhiều hơn người bán.

Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 40 phút sáng 22/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,7 - 83,20 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 820 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 80,07- 83,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,58 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,55 - 82,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,25 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 850 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Với mức giảm này, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được thu hẹp. Ở vùng gần 83 triệu đồng/lượng hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 8 triệu đồng/lượng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để tiếp tục thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10h sáng thứ Ba, 23/4/2024./.

CHÁN CẢNH GIÁ VÉ MÁY BAY TĂNG CAO, TOUR ĐƯỜNG BỘ 'LÊN NGÔI'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.

Vé máy bay đắt quá? Tự lái xe luôn cho "khỏe" !

"Chờ nghỉ lễ mà vé máy bay lại "chữa rách" vết thương chưa kịp lành? Vác ba lô về ngay quê đứa bạn để chữa lành tiết kiệm nhất các bác nhé", dòng trạng thái hài hước của chị Thùy Linh (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) mở đầu cho bài viết "khoe" công cuộc chuẩn bị cho hành trình nghỉ lễ 30.4 - 1.5 cuối tuần tới.

Theo chị Linh, lúc đầu chị cùng nhóm bạn tính đi 1 tour miền Trung, Đà Nẵng - Huế - Hội An kết hợp cả máy bay và tàu hỏa. Tuy nhiên, do giá vé máy bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng cao ngang vé tết, cộng với vé tàu hỏa cũng khan hiếm, không còn đủ vé giường nằm cho cả nhóm chung khoang, chung toa nên kế hoạch tạm thời bị ngưng. Khảo sát thêm các tuyến Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Bình nhưng vé máy bay đi chặng nào cũng cao "bỏng tay", cuối cùng cả nhóm quyết định tự chạy xe máy phượt miền Tây, về nhà 1 người bạn trong nhóm tại Trà Vinh.

"Trà Vinh cách TP.HCM tầm 130 km nên có nhiều cách để đi lắm. Mọi người có thể đi xe khách mất 4 - 5 tiếng, thuê ô tô tự lái hoặc chọn phượt xe máy như chúng mình. Chính ra tự đi xe cũng tiện lắm, có thể linh động chạy ra bãi biển Ba Động, ghé vào khu du lịch Ao Bà Om hay đến chùa Hang, Bảo tàng văn hóa Khmer… Kế hoạch lên trước là vậy nhưng còn tùy thực tế lúc đi, nói chung muốn ghé đâu thì ghé. Dự toán chi phí chuyến này chỉ bằng 1/6 so với hành trình đi miền Trung lúc đầu. Trước đây chúng mình hay săn vé máy bay giá rẻ, được nghỉ là rủ nhau đi chơi khắp nơi; nhưng gần 1 năm nay, đi đâu vé cũng đắt nên nay chuyển hướng đi gần. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, chúng mình cũng thuê xe tự lái đi Phan Thiết 2 ngày 1 đêm, tính cả tiền xe, ăn, ở, mỗi người chỉ tốn 1,8 triệu đồng. Khỏe re!", chị Thùy Linh kể.

Giống chị Thùy Linh, nhóm bạn của anh Trần Vũ (ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) cũng vừa đổi hành trình nghỉ lễ từ Hải Phòng sang Phan Thiết (Bình Thuận) để tiết kiệm hầu bao. Theo anh Vũ, bay từ TP.HCM ra Hải Phòng dịp lễ này, dậy từ tờ mờ sáng mới có chuyến giá vé rẻ nhất 5 triệu đồng/khứ hồi. Cộng thêm tiền thuê khách sạn, chi phí ăn ở, đi lại, áng chừng mỗi người phải chi khoảng 10 triệu đồng. Thay vào đó, nhóm anh Vũ quyết định thuê xe tự lái đi Phan Thiết, 3 ngày hết 4 triệu đồng tiền thuê xe (giá ngày lễ tăng hơn so với ngày thường), cộng tất cả chi phí, mỗi người chỉ đóng khoảng 4 triệu đồng. Nhóm vừa đỡ tiền máy bay, vừa đỡ tiền taxi đi lại.

Thực tế, vé máy bay từ đầu Hà Nội tới các điểm du lịch "hot" nhất mùa lễ như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng còn cao hơn rất nhiều so với bay từ đầu TP.HCM. Do đó, cũng không ít gia đình ngoài bắc đã chuyển hướng sang du lịch đường bộ.

Dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 này, gia đình chị Nguyễn Minh Phương (P.Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) lên kế hoạch đi du lịch Phú Quốc. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, khi tham khảo giá vé máy bay của nhiều hãng hàng không, chị Phương bất ngờ bởi giá vé tăng quá cao, thấp nhất cũng phải 6,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Do đó, thay vì du lịch xa, gia đình chị đã lựa chọn du lịch bằng ô tô tự lái tại Hà Tĩnh, Quảng Bình để tiết kiệm chi phí.

"Giá vé máy bay liên tục biến động từ cuối tháng 3 đến nay. Không chỉ Phú Quốc mà bay đi đâu cũng đắt đỏ. Với gia đình 5 người, tôi sẽ phải chi trả hơn 22 - 30 triệu đồng cho vé máy bay, chưa bao gồm các khoản khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm. Thôi nhà có xe thì tự lái đi chơi cho đỡ tốn tiền. Giờ có cao tốc, đi lại cũng dễ dàng và nhanh chóng", chị Phương chia sẻ.

Tour đường bộ rẻ bằng nửa đường bay

Không chỉ các gia đình đi tự túc chuyển hướng "né" vé máy bay đắt đỏ, rất nhiều khách hàng đi tour theo các công ty du lịch cũng bắt đầu chuyển sang chọn tour đường bộ để tiết kiệm chi phí.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, cho biết theo khảo sát của Du lịch Việt dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, tâm lý khách du lịch đã có những cân nhắc và lo ngại về tài chính trong việc đặt dịch vụ cho các chuyến đi. Những tuyến tour như Phú Quốc, Quy Nhơn (Bình Định) đi từ TP.HCM bằng máy bay hiện tại nhu cầu vẫn khá chậm và đang đạt chỉ gần 60% so với kế hoạch. Mặc dù khi có thông tin về kỳ nghỉ lễ 5 ngày được phê duyệt, nhu cầu du khách dịp lễ tăng cũng tăng theo, nhưng các tuyến tour đi bằng máy bay có sử dụng vé series không thể tăng thêm. Khách hàng chọn mua tour lẻ hoặc sát ngày sẽ phải chịu mức giá vé máy bay khá cao.

Tuy nhiên, may mắn là năm nay hạ tầng giao thông phát triển, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc đã được nối dài, giúp hoạt động du lịch bằng ô tô từ TP.HCM trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) lữ hành như Du lịch Việt có dư địa mở thêm nhiều tuyến tour sử dụng phương tiện ô tô.

"Các công ty có đội xe du lịch trực thuộc như Du lịch Việt có thể linh động chuyển hướng ngay, giúp tăng số lượng khách lên gần 600 khách ngay khi lịch nghỉ lễ 5 ngày được phê duyệt. Đây chủ yếu là các nhóm gia đình, các DN và tập trung vào các tuyến tour đi Nha Trang, Đà Lạt (Lâm Đồng), đi miền Tây như Cần Thơ, Cà Mau hay lên các tỉnh Tây nguyên. Khách hàng chọn đi xe thì giá tour giảm gần một nửa so với đi máy bay. Đơn cử, tour Nha Trang 4 ngày 3 đêm giá chỉ từ 3,8 triệu đồng/người; đi Quy Nhơn 4 ngày 3 đêm chỉ từ 4,5 triệu đồng, giảm gần 3 triệu đồng so với đi bằng máy bay mặc dù các điểm tham quan hai chương trình là như nhau", ông Phạm Anh Vũ dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng lưu ý tour đi bằng xe sẽ dài hơn 1 ngày và các công ty du lịch tại TP.HCM đang lo ngại nhu cầu tăng cao sẽ tạo áp lực lớn lên một số tuyến cao tốc "đinh" như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Các tuyến khác nhau nhưng cung đường đi bắt buộc qua 2 cao tốc này và thường các xe sẽ có thời gian khởi hành và trở về gần sát nhau.

Công ty Vietluxtour cũng ghi nhận du khách có xu hướng chuyển sang đường bộ khi chọn các tuyến từ TP.HCM đi Quy Nhơn, Phú Yên. Các cung đường này vừa thuận tiện cho đường bộ nhờ kết nối cao tốc; vừa có khung cảnh khá đẹp. Những du khách không quá cập rập về thời gian sẽ chọn tham quan đường bộ để vừa thong thả ngắm cảnh vừa tiết giảm được chi phí vé máy bay, dành ngân sách cho dịch vụ lưu trú tốt hơn từ 4 - 5 sao. Chưa kể, từ sau dịch bệnh, các khách sạn tại Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận cũng đã nắm bắt xu hướng, cải tạo mở rộng các điểm giữ xe cá nhân, càng tạo điều kiện cho du khách du lịch đường bộ.

Ngay cả Phú Quốc, điểm đến có tới hơn 90% khách tiếp cận phải bằng đường bay nhưng cũng là chặng có giá vé máy bay đắt đỏ nhất, cũng đang tìm cách chuyển hướng đón dòng khách đi đường bộ, đường thủy để lấp phần nào khoảng trống từ đường không. Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Nguyễn Vũ Khắc Huy chia sẻ trước thềm lễ 30.4 - 1.5 và du lịch hè 2024, do giá vé máy bay tăng cao, các DN du lịch ở Phú Quốc đã tung nhiều chính sách ưu đãi, giá tốt, thuận lợi cho du khách. Trong đó, tập trung khai thác nguồn khách đường bộ, kết hợp nhà cung ứng như tàu cao tốc, điểm du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn… Điển hình, Công ty du lịch Vina Phú Quốc Travel đưa ra sản phẩm "Đại dương kết nối Đại ngàn" với kỳ vọng mang đến trải nghiệm du lịch mới mẻ, đồng thời "hóa giải" áp lực chi phí khi đến Phú Quốc bằng máy bay. Ngoài ra, "Tuần lễ du lịch Phú Quốc" dự kiến tổ chức từ 30.5 - 5.6 cũng tạo cơ hội để kết nối du lịch, tạo thêm nhiều tuyến tour mới giữa Phú Quốc và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Địa phương tăng kích cầu, hút khách từ "hàng xóm"

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cao điểm lễ 30.4 - 1.5 và du lịch hè. Sở đã có văn bản gửi các DN du lịch, lưu trú chuẩn bị chu đáo để đón đầu dòng khách, hy vọng mùa cao điểm du lịch hè năm nay, địa phương sẽ bùng nổ cả về thị trường nội địa lẫn quốc tế. Xác định việc giá vé máy bay cao như hiện nay sẽ là trở ngại lớn cho ngành du lịch nội địa vì chi phí du lịch nghỉ dưỡng sẽ đội lên rất nhiều, song lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa vẫn tự tin với mục tiêu đề ra. Bởi bà Thanh đánh giá các tuyến cao tốc đến Nha Trang - Khánh Hòa đã hoàn chỉnh cùng tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thiện đúng dịp 30.4 này sẽ là cú hích lớn cho du lịch hè. Sau khi hoàn thiện, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ "gộp làn" với 4 tuyến cao tốc khác, tạo thành một chuỗi 5 cao tốc liền mạch nối TP.HCM với Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 4 - 5 tiếng, bằng một nửa thời gian nếu đi theo QL1 như trước đây. Điều này sẽ giúp gia tăng lượng khách du lịch từ các tỉnh, TP phía nam đến với Nha Trang. "Giá vé máy bay cao, người dân sẽ lựa chọn di chuyển bằng ô tô cá nhân, khi đó cao tốc từ TP.HCM ra Nha Trang thông tuyến là lợi thế cực kỳ lớn", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nhìn nhận.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng thông tin nắm bắt xu hướng chuyển dịch của du khách, ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang triển khai rất nhiều chương trình ưu đãi nhằm thu hút dòng khách từ các địa phương lân cận nói riêng, cũng như kích cầu du lịch nội địa nói chung. Đơn cử, khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã triển khai chương trình tri ân người dân Quảng Nam, Đà Nẵng với mức giá ưu đãi tới 50%; Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa có chương trình giảm giá vé, tri ân cho người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài từ đầu năm 2024 đưa vào các dịch vụ mới như vườn chim, cầu uyên ương, rừng tình yêu, vườn tình yêu, khu dã ngoại mở rộng, khu công viên khủng long mở rộng...

"Vé máy bay tăng quá cao, đối tượng mà các địa phương và DN du lịch có thể nhắm đến huy động sớm nhất, nhanh nhất là khách sử dụng phương tiện cá nhân. Khách đi xe gia đình là lực lượng rất đông, nên điểm đến nào nhắm vào đối tượng đó sẽ rất bền. Dù vậy, việc chuyển hướng sang đường sắt, đường bộ cũng bị giới hạn về sức chứa, năng lực phục vụ. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp giữa việc phát động du lịch của các địa phương, các nhóm dịch vụ với giao thông, làm sao cho hài hòa, nhịp nhàng, hợp lý", ông Cao Trí Dũng lưu ý.

NGÀNH DỆT MAY ĐỨNG TRƯỚC NHIỀU CƠ HỘI

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024

Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong quý I/2024 đã khởi sắc trở lại sau năm 2023 nhiều biến động, khó khăn.

Các thị trường lớn tăng trưởng khá

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may tính riêng trong tháng 3-2024 đạt 3,25 tỉ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của hàng dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đạt 855 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1,02 tỉ USD, tăng 10,1%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết tổng doanh thu của đơn vị trong 3 tháng đầu năm đạt 1.128 tỉ đồng, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,07% kế hoạch năm 2024. Riêng doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỉ đồng, doanh thu nội địa hơn 73,1 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Nhấn mạnh thị trường đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn đã nhận đơn hàng đến giữa năm nay. Theo ông, ngành dệt may đang kỳ vọng một năm thành công khi lạm phát giảm dần, sức mua cải thiện ở các thị trường trọng điểm.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Ông Giang lưu ý một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Úc, khu vực châu Âu đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. "Các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng" - ông Giang cho hay.

Năm 2024 dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Đánh giá về những khó khăn, thách thức của ngành dệt may thời gian tới, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng những khó khăn về đơn hàng vẫn còn, thị trường đã phục hồi nhưng còn chậm, đi kèm với đó là chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng còn rủi ro, xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa xuất khẩu.

Nhiều thách thức và khó dự đoán

Trong những tháng đầu năm 2024, ngành dệt may ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc từ đơn hàng, thị trường. Tuy nhiên, trên bình diện chung, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt khi xung đột ở biển Đỏ kéo dài, căng thẳng Nga - Ukraine, cuộc chiến thương mại giữa các nước ngày càng phức tạp. Trong đó, đối với dệt may, áp lực về chi phí vận chuyển càng lớn hơn do căng thẳng ở biển Đỏ.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt bày tỏ lo ngại khi tình hình tại biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển tăng, làm lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp. Trong bối cảnh đó, ông cho biết doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, như khai thác thị trường trong nước và quốc tế; đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng; nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm mới, chất liệu mới...

Bộ Công Thương cũng đánh giá kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức và khó dự đoán. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn, có nguy cơ lan rộng, tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các nước quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn liên quan chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường.

"Các nước đa dạng hóa nguồn cung, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam" - Bộ Công Thương nhận định.

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cũng nhìn nhận ngành dệt may còn đối mặt nhiều áp lực, trong đó có vấn đề về lao động. Để vượt qua các khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Giang, cần đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đáp ứng theo nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng dệt may nói riêng, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường và việc thay đổi chính sách của các đối tác. Từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

HẾT THỜI 'CỬA ĐÓNG THEN CÀI', CÁC THƯƠNG HIỆU ĐANG TRANH GIÀNH MẶT BẰNG CHO THUÊ TẠI TRUNG TÂM TP.HCM

Theo đại diện Savills, thị trường bán lẻ Tp.HCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố tích cực, bao gồm triển vọng thu nhập và dân số gia tăng; các dự án bán lẻ liên tục cải thiện chất lượng và sự phát triển kinh tế.

Đơn vị này chỉ ra, lĩnh vực bán lẻ cao cấp tại Tp.HCM trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều cái tên lớn của ngành hàng xa xỉ đến từ nhiều sản phẩm khác nhau như thời gian, trang sức, đồng hồ,... nhờ tốc độ tăng trưởng tích cực và tiềm năng lớn của nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao tại đây. Nhóm khách thuê này vẫn đang tích cực tìm kiếm những mặt bằng cao cấp ở khu vực trung tâm quận 1.

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng mức doanh thu đạt 957,22 triệu USD. Doanh thu chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu về hàng xa xỉ tăng vọt.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Savills, nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã nhanh chóng gia nhập thị trường trong những tháng đầu năm, tiêu biểu như Fendi, Cartier, Loewe… Đây là những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực thời gian và đồng hồ, trang sức xa xỉ. Thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024 song hơn 90% còn lại vẫn do các cửa hàng vật lý dẫn dắt.

Dữ liệu của Savills cho thấy, các nhà bán lẻ F&aB, thể thao và mỹ phẩm dẫn đầu về hoạt động cho thuê trên toàn khu vực trong nửa cuối năm 2023. Các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ngoài trời cũng mở rộng, trong khi các thương hiệu giải trí và hoạt động chiếm nhiều không gian hơn trong các trung tâm mua sắm.

Ở lĩnh vực xa xỉ, các thương hiệu xa xỉ khác đang đầu tư vào các cửa hàng ý tưởng và các cơ sở bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn. Các cửa hàng sang trọng hàng đầu như cửa hàng mới ở Singapore của thương hiệu đồng hồ Richard Mille, mang đến trải nghiệm hoàn toàn sang trọng, hoàn chỉnh với các quán bar, quán cà phê và tác phẩm nghệ thuật.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills Tp.HCM cho biết, các thương hiệu cao cấp hiện nay đa số tìm kiếm mặt bằng tại các khu vực trung tâm Tp.HCM đã tập trung nhiều thương hiệu xa xỉ khác (luxury cluster). Xu hướng này cho thấy sức hút mạnh mẽ của những khu vực này đối với khách hàng tiềm năng của các thương hiệu xa xỉ.

“Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực luxury cluster hiện hữu đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu”, bà Quyên cho hay.

Theo vị chuyên gia này, xu hướng tìm kiếm mặt bằng co cụm tại khu trung tâm quận 1 trên các trục đường, vị trí chính cũng phản ánh yếu tố” buôn có bạn, bán có phường”cao trong ngành bán lẻ. Các thương hiệu có xu hướng lựa chọn mặt bằng tại những khu vực có nhiều thương hiệu khác cùng phân khúc để hưởng lợi từ hiệu ứng đám đông và thu hút khách hàng.

Hiện nay, các chủ nhà đã loại bỏ chương trình giảm giá thuê. Các thương hiệu mở rộng chiếm 67% tổng lượng giao dịch và những giao dịch vượt quá 1.000 m2 sàn chiếm 8% giao dịch. Thời trang chiếm 50% giao dịch, tiếp theo là F&B với 20% thị phần và sức khỏe & sắc đẹp chiếm 15% thị phần.

Tuy vậy, chuyên gia Savills cũng cho rằng việc phát triển các dự án mới tại khu vực ngoài trung tâm quận 1 để đáp ứng nhu cầu mặt bằng bán lẻ xa xỉ là một thách thức lớn. Các dự án mới cần có thời gian để xây dựng danh tiếng và thu hút khách hàng, trong khi các thương hiệu thường ưu tiên lựa chọn những khu vực đã có sẵn lượng khách hàng nhất định.

Nguồn: Kenh14; Thanh Niên; Người Lao Động; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang