Dân trúng lớn dù dâu tây mất mùa; Vụ mất 11,9 tỷ ở VCB; Dân ngại vay tiêu dùng; 'Giữ đất' vì tưởng giá đang lên và cái kết

NGHỊCH LÝ NGƯỜI TRỒNG TRÚNG LỚN DÙ DÂU TÂY MẤT MÙA

Mùa dâu tây Mộc Châu (Sơn La) năm nay bị ảnh hưởng thời tiết, sản lượng giảm mạnh nhưng nhờ giá tăng, nông dân vẫn có lãi.

Anh Hoàng sở hữu 2 ha dâu tây ở Mộc Châu, cho biết hết vụ năm nay, sản lượng giảm đến 30% so với năm ngoái, nhưng nhờ bán được giá tốt, gia đình anh thu gần nửa tỷ đồng. "Sau khi trừ các chi phí, tôi lãi khoảng 200 triệu đồng", anh cho hay.

Cách đó không xa, vườn dâu rộng 4 ha của gia đình nhà ông Tuấn cũng cho doanh thu tiền tỷ khi bán được giá tốt.

Theo ông, năm nay, đầu vụ giá dâu tây khoảng 60.000-80.000 đồng một kg, nhưng giữa và cuối vụ tăng cao lên 130.000-150.000 đồng một kg. "Vụ này gia đình tôi lãi hơn 500 triệu đồng, gần bằng năm ngoái dù bị mất mùa", ông nói.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, huyện Mai Sơn cho hay năm nay, dâu tây không được mùa do ảnh hưởng của thời tiết khiến sản lượng giảm 25-30%. Nếu năm ngoái, hợp tác xã của ông bán ra thị trường 2.000 tấn, giờ chỉ khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, đây là mặt hàng được ưa chuộng, bán rộng khắp cả nước với giá tốt nên trung bình mỗi ha, các thành viên thuộc hợp tác xã thu lãi tới 250 triệu đồng, cao hơn hộ trồng bên ngoài.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, dâu tây Sơn La cuối vụ có giá 150.000-300.000 đồng một kg (tùy kích cỡ), cao hơn 10-15% so với hàng Đà Lạt và đắt gấp đôi so với hàng Trung Quốc.

Nếu các năm trước, dây này chỉ bán ở khu vực phía Bắc thì nay tiêu thụ ở hầu hết tỉnh thành phía Nam và cả miền Tây. Ngoài ra, sản phẩm cũng được bán trực tuyến trên mạng xã hội và các chợ online.

Theo ông Nam, dâu năm nay ngoài vận chuyển bằng đường bộ, còn tăng cường thêm đường hàng không để chất lượng tươi ngon. Tuy nhiên, sản lượng đợt này giảm nên hàng bán ra thị trường thiếu hụt. Càng cuối vụ, giá càng tăng.

Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La - cho biết năm nay toàn tỉnh có 615 ha, tăng mạnh so với năm ngoái. "Nhờ diện tích mở rộng giúp tổng sản lượng tăng, giá lại ổn định nên người trồng dâu có thu nhập cao", ông Huệ nói.

Theo ông, dâu tây Sơn La đang có sức hấp dẫn hơn các loại khác trên thị trường vì giá hợp lý và chất lượng vượt trội. Ngoài thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi cũng giúp dâu này ngọt và thơm hơn các vùng khác.

Sở đang tuyên truyền để người trồng đồng loạt áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn. Ngoài ra, so với năm ngoái, số hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ ngày càng tăng.

Dây tây Sơn La ngày càng phổ biến trên thị trường, nhưng theo ông Huệ vẫn còn gặp khó khi bị dâu tây Trung Quốc trà trộn, mạo danh. Do đó, ông Khuyên người tiêu dùng cần mua hàng ở những chỗ uy tín để đảm bảo chất lượng.

Để phân biệt hai loại dâu này, theo ông Nam, dâu tây Trung Quốc quả dài, thon hơn, tai cuống dài và xanh hơn, ăn khá nhạt. Trong khi đó, dâu tây Sơn La trông ngắn và mọng nước, tai cuống nhỏ, ăn ngọt đậm.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đang triển khai xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Sơn La" theo các quy định của luật Sở hữu trí tuệ.

LY KỲ VỤ MẤT 11,9 TỶ Ở VIETCOMBANK: VKS KHÁNG NGHỊ TOÀN BỘ BẢN ÁN, VCB CÓ THỂ KHÔNG CẦN BỒI THƯỜNG

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Từ Sơn cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định Vietcombank có lỗi trong việc khách hàng bị mất số tiền 11,9 tỷ đồng trong tài khoản, để buộc ngân hàng phải bồi thường. Phía nhà băng cũng đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Viện kiểm sát kháng nghị toàn bộ bản án

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2024/DSST ngày 20/3/2024 của TAND TP. Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) về việc “Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc (SN 1974, trú tại TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và bị đơn là Vietcombank Kinh Bắc, hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận một phần khởi kiện của bà Chúc, buộc Vietcombank Kinh Bắc phải bồi thường cho khách hàng 700 triệu đồng trong tổng số 11,9 tỷ đồng khách hàng bị mất sau khi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán.

Sau bản án trên, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Từ Sơn đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKS-DS, kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của tòa án cùng cấp, đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm.

Trong quyết định kháng nghị, VKSND TP. Từ Sơn cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP. Từ Sơn chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là “chưa đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, vi phạm Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Bản án sơ thẩm nhận định: “Mặc dù Vietcombank đã đăng trên trang điện tử và niêm yết công khai tại Chi nhánh Kinh Bắc nhưng với hình thức công khai này, địa điểm đặt bảng niêm yết không thuận lợi để khách hàng tiếp cận. Như vậy, việc niêm yết chỉ có ý nghĩa hình thức.

Trước và trong quá trình giao kết hợp đồng, bà Chúc đã không đọc những nội dung của điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng tài khoản tại Vietcombank. Nhân viên ngân hàng cũng không hướng dẫn bà Chúc tiếp cận văn bản trước, trong quá trình ký kết hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bà Chúc mất tiền trong tài khoản.”

Bà Chúc hiện kinh doanh mua bán sắt thép đồng thời làm quản lý tại một trường mầm non tư thục tại TP. Từ Sơn.

Đây không phải lần đầu bà mở tài khoản thanh toán tại Vietcombank. Bà cũng đang sở hữu tài khoản tại ngân hàng khác. Do đó, HĐXX cho rằng bà biết rõ về cách mở và sử dụng tài khoản.

Hơn nữa, khi thực hiện mở tài khoản, tại trang 04 của hợp đồng, phần “cam kết khách hàng” đã được bà Chúc ký xác nhận đã đọc và hiểu rõ nội dung của “điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Vietcombank; điều khoản và điều kiện về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân; điều khoản và điều kiện sử dụng phương thức xác thực của khách hàng cá nhân... ”.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, từ 16h28’ ngày 22/4/2022 đến 6h07’ ngày 25/5/2022, tài khoản của khách hàng đã phát sinh các giao dịch chuyển đi 11,9 tỷ đồng. Các giao dịch này đều được thực hiện theo phương thức xác thực giao dịch là Smart OTP.

VKSND xác định hạn mức giao dịch trong ngày đúng quy định, không có căn cứ xác định Vietcombank có lỗi trong việc thực hiện dịch vụ ngân hàng điện tử vượt quá hạn mức giao dịch, dẫn đến bà Chúc bị kẻ gian chiếm đoạt 11,9 tỷ đồng.

Trong thời gian nói trên, không có lần nào bà Chúc thực hiện đăng nhập ứng dụng VCB Digital trên thiết bị di động để kiểm tra, theo dõi biến động số dư.

“Như vậy, chưa có đủ căn cứ để xác định Vietcombank có lỗi trong việc bà Chúc bị mất số tiền 11,9 tỷ đồng trong tài khoản để buộc ngân hàng phải bồi thường”, VKSND nêu quan điểm.

Cũng theo cơ quan này, bản án đã không nhận định lỗi cụ thể của Vietcombank, thiệt hại của bà Chúc và nhận định mức bồi thường mang tính ước lượng 5-6%, nhưng quyết định lại là số tiền 700 triệu đồng là không đúng quy định tại Điều 584, 585 và 589 Bộ luật Dân sự.

Bản án nhận định Vietcombank đặt bảng quy định về điều khoản, điều kiện mở tài khoản tại nơi “chưa dễ nhìn” là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bà Chúc bị mất tiền trong tài khoản.

Nhưng bản án không đánh giá lỗi của ngân hàng do việc bà Chúc không được biết về điều này là lỗi như thế nào, bao nhiêu %. Lỗi đó có phải đã gây thiệt hại, khiến bà Chúc mất toàn bộ số tiền trong tài khoản hay không, từ đó xác định mức độ thiệt hại của bà Chúc là bao nhiêu và mức độ bồi thường.

Việc bản án nhận định mức bồi thường 5-6% tổng giá trị thiệt hại, tức là từ 595-714 triệu đồng, nhưng khi quyết định lại buộc Vietcombank bồi thường 700 triệu đồng là “không có căn cứ”.

“Trong trường hợp xác định Vietcombank có lỗi thì phải xác định lỗi của ngân hàng là bao nhiêu, lỗi đó đã gây thiệt hại cho bà Chúc là bao nhiêu để tuyên buộc ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho phù hợp”, VKSND nêu quan điểm.

Vietcombank nói gì trong đơn kháng cáo?

Cùng với quyết định kháng nghị của VKSND, Vietcombank thông qua đại diện được ủy quyền là Vietcombank Kinh Bắc đã kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc.

Trong đơn kháng cáo, Vietcombank Kinh Bắc cho rằng “bản án có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật và tình tiết khách quan của vụ án, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Vietcombank, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Vietcombank và hệ thống ngân hàng thương mại nói chung”.

"Ngân hàng đã tuân thủ đầy đủ quy định của NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, niêm yết thông tin/tài liệu theo đúng quy định, thực hiện đầy đủ các quy định về mặt nghiệp vụ chuyên môn khi tư vấn thủ tục và lập hồ sơ mở tài khoản, cung cấp dịch vụ cho khách hàng" - đơn kháng cáo của Vietcombank Kinh Bắc nêu.

Nhân viên Vietcombank đã thực hiện đúng quy định pháp luật khi tiếp nhận, tư vấn, mở tài khoản cho bà Chúc và bà Chúc đã ký tên, xác nhận đã đọc, hiểu rõ và đồng ý với toàn bộ nội dung của điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tại Vietcombank.

Cũng theo ngân hàng, việc cập nhật những thủ đoạn lừa đảo mới của kẻ gian để hướng dẫn, cảnh báo người dân không phải là nghĩa vụ của ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, ngân hàng đã thường xuyên có những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới của kẻ gian thông qua các bản tin của ngân hàng cũng như qua các thông báo trên ứng dụng VCB Digital.

TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ÂM, DÂN VẪN NGẠI VAY?

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong trạng thái âm. Dù vậy không phải ai cũng có thể đáp ứng điều kiện cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính nên tín dụng đen vẫn có đất sống.

Cho vay tiêu dùng tăng trưởng âm

Ngày 17.4, chị Thanh Hiền (TP.HCM) đến Vietcombank trả khoản nợ hơn 3 tỉ đồng vay mua nhà cách đây hơn 5 năm. Mỗi tháng chị phải trả nợ gốc và lãi khoảng 50 triệu đồng. Theo chị Hiền, mặc dù ngân hàng (NH) đã giảm lãi vay xuống 9%/năm nhưng do thu nhập mỗi tháng giảm nên chị phải mượn của người thân số tiền trên trả cho NH, chờ khi nào bán được nhà sẽ trả lại.

Số liệu công bố đầu năm cho thấy tín dụng bán lẻ của Vietcombank giảm 11.000 tỉ đồng. Theo các NH khác, cho vay tiêu dùng thời điểm này cũng khá chậm. Riêng tại TP.HCM, gói 20.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi của các công ty tài chính tiêu dùng trên địa bàn thành phố chỉ đạt gần 259 tỉ đồng cho 10.554 khách hàng - con số hết sức khiêm tốn. Đây là những khoản vay nhỏ lẻ, phục vụ đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hiệp hội Ngân hàng VN thông tin tính đến hết tháng 2, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng giảm 2,5% so với cuối năm 2023. Cụ thể, 15 công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ cho vay khoảng 138.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống. Tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ đạt 1,53%, thấp nhất so với mức tăng trưởng bình quân từ năm 2018 - 2022. Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng của toàn bộ ngành NH chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng.

Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng giảm, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN, là do thu nhập của khách hàng giảm làm tăng nhu cầu tiết kiệm, giảm việc vay mượn để chi tiêu. Một số khách hàng trả nợ trước hạn và không vay tiếp cũng làm cho dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm xuống. Thêm vào đó, NH công ty tài chính cũng thận trọng hơn trong việc xét duyệt cho vay tiêu dùng, nhất là vay tín chấp bởi tình hình nợ xấu ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của tín dụng cho vay phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

"Chưa bao giờ tình hình của các công ty tài chính lại bi đát như hiện nay. Nợ xấu gia tăng khi khách hàng rủ nhau bùng nợ, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các NH, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ", ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến NH.

Lãi suất cao cũng hạn chế người vay

Ngoài thu nhập giảm thì lãi suất cao cũng là một lý do khiến người dân ngại vay tiêu dùng. Thực tế, sau đợt sụt giảm tín dụng tiêu dùng những tháng đầu năm, các NH liên tục tung ra các gói tín dụng cho vay mua nhà, mua xe, trả học phí… với lãi suất thấp. Chẳng hạn Agribank vừa tung ra gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho cá nhân vay mua nhà ở, đất ở, xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở; mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (ti vi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa…); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy) và các mục đích tiêu dùng khác. Lãi suất cho vay từ 4%/năm. Các NH khác cho vay tiêu dùng ở mức thấp như BVBank với lãi suất 5%/năm, LPBank từ 6,5%/năm… Thế nhưng NH chỉ cho vay với lãi suất thấp trong trường hợp khách hàng có tài sản đảm bảo, chứng minh thu nhập trả nợ.

Còn trong trường hợp vay tín chấp, các công ty tài chính cho vay với mức lãi suất cao hơn gấp từ 2 - 6 lần, từ 24 - 59%/năm. Chẳng hạn, tại Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset lãi suất cho vay tiền mặt từ 5 - 100 triệu đồng từ 6 đến 36 tháng từ 18 - 58%/năm. Đối với cho vay mua hàng trả góp có mức lãi suất từ 0 - 55%/năm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét lãi suất cho vay từ 40 - 60%/năm là rất cao, khiến khách hàng ngại vay và đây cũng là hệ quả từ rủi ro cao. "Người dân hiện nay thất nghiệp nhiều, doanh nghiệp thì phá sản nên dù có nhu cầu vay thì lấy thu nhập đâu mà trả, hơn nữa cũng làm sao chứng minh nguồn tiền trả nợ. Chưa kể vay NH còn phải có tài sản thế chấp, thủ tục này nọ trong khi đó vay tín dụng đen rất nhanh, cần tiền là chỉ vài phút có ngay. Nhu cầu tiền cho đời sống lúc nào cũng có mà những người cho vay bên ngoài rất dễ, không cần điều kiện nào. Đây là cái bẫy tín dụng đen giăng ra, bởi vay 1 mà có khi trả 10, trả hoài vẫn không hết nợ", ông Hiếu nói và cho rằng các công ty tài chính cho vay tín chấp hiện nay đang bị nợ xấu tăng cao nên họ rất thận trọng trong xét duyệt cho vay.

Khi mức độ rủi ro trên thị trường tăng cao thì lãi suất cho vay cũng tăng lên nhằm bù đắp. Hai yếu tố lãi suất vay cao và tăng trưởng tín dụng tác động qua lại nhau, tạo thành vòng xoáy. Muốn đảo ngược vòng xoáy này, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và giảm lãi suất vay thì nền kinh tế tăng trưởng, người dân có thu nhập. Khi sức mua tăng lên thì cho vay tiêu dùng mới có thể đi lên.

Ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận với tình hình hiện nay, khi thu nhập người lao động vẫn đang còn giảm thì tín dụng tiêu dùng khó có thể tăng, thậm chí có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. "Cho vay tiêu dùng đã dần đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và phần nào hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn len lỏi vào đời sống, chưa thể xóa bỏ triệt để dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt, công an đã triệt phá nhiều đường dây bởi nó đáp ứng nhu cầu vốn vay mà không quan tâm mục đích vay làm gì", ông Hùng lý giải.

Để tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Quốc Hùng cần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, từ đó có thu nhập thì nhu cầu vay tiêu dùng mới tăng lên.

GIỮ ĐẤT VÌ TƯỞNG GIÁ ĐANG TĂNG MẠNH VÀ CÁI KẾT

Khá nhiều chủ nhà đất tại Tp.HCM “quay xe” không bán vì cho rằng, giá nhà đất đang trên đà tăng.

Những tín hiệu rục rịch của thị trường nhà đất phía Nam gian gần đây đang tạo ra một số hiệu ứng trên thị trường. Bên cạnh các nhà đầu tư tận dụng thời điểm tốt để chào bán, thu dòng tiền thì một số nhóm nhà đầu tư chưa muốn bán ra dù trong trạng thái “gồng” tài chính. Nhiều người dù đã gửi môi giới bán nhưng sau đó lưỡng lự hoặc “rút hàng”.

3 tháng trước, một nhà đầu tư rao bán lô đất hơn 100m2 tại quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) với giá 5,2 tỉ đồng. Gần đây khi thấy môi giới liên tục gọi điện để “trả giá” trong khoảng từ 4.8 -5 tỉ đồng/nền là có khách mua, nhà đầu tư này liền “suy nghĩ” lại.

Trước đó, khi vừa rao bán, nhà đầu tư này không nhận được cuộc gọi nào từ môi giới. Hiện tại, môi giới gọi khá nhiều, cùng với việc nhìn thấy thị trường đang có tín hiệu tốt lên, nhà đầu tư này cho rằng giá nhà đất đang tăng lên và quyết định không bán nữa.

Tương tự, cùng khu vực, lô đất hơn 50m2 môi giới đăng tin rao bán gấp với giá 2,4 tỉ đồng/nền. Dù khá khó khăn dòng tiền song khi thấy môi giới nhiều lần liên hệ để dẫn khách đi xem đất, chủ đất tỏ ra không muốn bán giá cũ. Sau một thời gian “xem xét” lại giá, chủ đất quyết định chỉ ra hàng khi “chốt” được giá 2,6 tỉ đồng/nền. Tuy vậy, với mức giá này môi giới khó bán được trong thời điểm này.

Thực tế, tâm lý sợ bán “hớ” bắt đầu xuất hiện ở các nhà đầu tư sở hữu nhà đất. Cứ ngỡ giá đất đang lên mạnh, chủ đất liên tục “dừng bán” và chờ thêm thị trường. Tuy vậy, theo các môi giới, hầu hết các nền đất, căn nhà tại Tp.HCM và lân cận có giao dịch ở thời điểm này đều đang thấp hơn giá giai đoạn đầu năm 2022 từ 10-20% (tuỳ sản phẩm, vị trí). Và nguồn hàng này đang khá nhiều trên thị trường. Theo đó, nhà đầu tư kì vọng vào việc giá sẽ bật lên trong ngắn hạn không dễ dàng. Có chăng những nhà đầu tư “gồng” được tài chính trong dài hạn thì sẽ có cơ hội.

Một môi giới cũng chia sẻ trường hợp nhà đầu tư vì “tiếc” không bán ra, để một thời gian sau rao bán còn thấp hơn giá ban đầu do cần dòng tiền gấp. “Trong bối cảnh sức cầu chưa hoàn toàn phục hồi như giai đoạn trước, nếu quá kì vọng về mặt bằng giá cao, môi giới cũng khó ra hàng cho bên bán”, một nam môi giới cho hay.

Theo các môi giới, hầu hết những nhà đầu tư “quay xe” không muốn bán rơi vào các trường hợp có thể xoay sở được tài chính. Thay vì bán giá không như kì vọng, họ tiếp tục chờ thêm.

Nguồn: Vnexpress; Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang