Kinh doanh thời trang offline thoi thóp; 'Cuộc chiến giá' khiến ai cũng buồn; Tín dụng cho vay tiêu dùng âm; Ôm tiền ra HN 'săn' căn hộ

MUA SẮM ONLINE BÙNG NỔ, KINH DOANH THỜI TRANG KIỂU TRUYỀN THỐNG THOI THÓP

Thời kỳ thương mại điện tử, mua sắm online bùng nổ, nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang kiểu truyền thống phải đối mặt với giá cả cạnh tranh gay gắt. Giá thuê mặt bằng cả chục triệu mỗi tháng, trong khi lượng khách vãng lai giảm sút... đang trở thành bài toán khó cho các tiểu thương.

10h sáng chủ nhật, chị Như Ngọc bế thêm cậu con trai ra cửa hàng bán quần áo của mình để gói đơn cho khách. Đây là một trong những cuối tuần hiếm hoi người phụ nữ này đi làm. Nghe chừng khó hiểu vì đóng cửa cuối tuần khách cũng không hay biết. Đã 2-3 năm trở lại đây, lượng người tới mua hàng trực tiếp giảm sút, mô hình kinh doanh của chị chuyển sang online là chủ yếu. Một phần vì có con nhỏ nên chị sẽ đóng cửa ở nhà vào mỗi cuối tuần. Thỉnh thoảng nhiều đơn dồn lại nữ tiểu thương mới ra cửa hàng làm công việc gói ghém.

Sau rất nhiều lần chuyển mặt bằng, đây đã là nơi thứ 6 chị Ngọc thay đổi cửa hàng. Từ kinh doanh mô hình nhỏ đến ra ngoài phố lớn, phần kinh phí chi trả cho mặt bằng từ 10 triệu đồng/tháng nằm ngoài mặt đường Khương Thượng (quận Đống Đa) được chị cho rút lại chỉ thuê loại cửa hàng có giá 4 triệu đồng/tháng nằm sâu trong ngõ nhỏ.

Thời điểm thay đổi vị trí cửa hàng đã khoảng 3 năm. Chị Ngọc kể lại, khi dịch Covid-19 diễn ra, tình hình kinh tế khó khăn và khách hàng hạn chế ra ngoài, thương mại điện tử bắt đầu lên ngôi. "Trước kia shop quần áo của tôi nằm ngay cạnh các trường đại học, khách vãng lai, khách mua hàng trực tiếp đông đúc. Khi ấy cửa hàng luôn có 2 nhân viên túc trực làm việc. Lượng đơn hàng bán online chỉ chiếm 15%. Giờ thì khác, nhân viên đã nghỉ hết, khách cũng chuyển qua mua hàng online là chính nên cửa hàng chỉ còn mình tôi làm việc", chị nói.

Chị Ngọc cũng cho biết thêm, 80% doanh thu hiện tại đến từ việc bán online. Tuy nhiên, để đẩy sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, chị phải chịu phí 12% cho mỗi loại. Việc miễn phí vận chuyển, áp dụng mã khuyến mại giúp khách hàng được lợi vì mua online sẽ rẻ hơn so với trực tiếp mua ở cửa hàng. Trong khi đó, các shop quần áo nếu mẫu mã trùng nhau sẽ phải cạnh tranh từng nghìn đồng. "Sau khi xem sản phẩm qua điện thoại, một số khách hàng vẫn cẩn thận đến tiệm để thử đồ. Nhưng họ sẽ mặc cả để mua với giá giống trên sàn thương mại sau khi áp giá. Tôi đành phải chấp nhận", chị phân trần.

Khách mua trực tiếp ít, khách vãng lai dường như không còn. Công việc một ngày của chị bắt đầu từ 10h sáng đến 16h30 chiều, chủ yếu là tới gói ghém, gửi hàng, trực fanpage. Với tình hình kinh doanh như hiện tại, chị Ngọc tính đến chừng cuối năm sẽ trả lại mặt bằng rồi dọn toàn bộ hàng hóa về nhà. "Dù sao đơn hàng online là chính, tôi sẽ không phải di chuyển gần 20km mỗi ngày để đến nơi làm việc, cũng đỡ một khoản chi phí cho mặt bằng", chị nói.

Phố thời trang sale quanh năm vẫn vắng lặng

Sáng cuối tuần, các phố chuyên kinh doanh thời trang ở Hà Nội như Chùa Bộc, Đặng Văn Ngữ, Cầu Giấy... đều trong cảnh vắng vẻ. Dù không phải dịp lễ, tết, những biển quảng cáo giảm sâu, đồng giá vẫn được treo nhan nhản.

Ghi nhận, lượng khách ra vào mỗi cửa hàng từ sáng tới chiều lác đác, thậm chí không có. Tầng một vắng khách, tầng hai của nhiều cửa hàng trên thực tế cũng tắt đèn.

Những con phố kể trên đều là nơi kinh doanh thời trang bán lẻ bậc nhất Hà Nội khi quanh các trục đường chính của quận trung tâm và các trường đại học. Thời kỳ hoàng kim, nơi này nhộn nhịp người ra vào mua sắm, bất kể ngày nào trong tuần. Giá thuê mặt bằng của những con phố này luôn ở mức ngất ngưởng. Một chủ cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc chia sẻ, anh thuê mặt bằng có diện tích sử dụng 90m2, mặt tiền 9m với giá 145 triệu đồng/tháng.

Còn với phố Cầu Giấy, qua lời giới thiệu của các môi giới bất động sản, dù đã được giảm giá do tình hình kinh tế khó khăn, các mặt bằng được trả lại vẫn rất nhiều nên tùy nhu cầu khách tha hồ lựa chọn, từ 30 đến hơn 100 triệu đồng, tùy vị trí và diện tích sử dụng.

Những ngày cuối tuần hiện nay, nhân viên trực các tiệm thời trang khá nhàn việc khi lượng khách đến mua ít ỏi. Để duy trì doanh số bán hàng, các shop thời trang đều sử dụng sàn thương mại hoặc hoạt động tư vấn khách hàng, chạy quảng cáo mạnh mẽ qua các nền tảng. Nhân viên một cửa hàng bán giày dép cho biết, khách hàng có thể kiểm tra size của sản phẩm qua web hoặc yêu cầu shop chụp cho xem bằng điện thoại thực tế. Thậm chí cửa hàng cho phép đổi hàng trong 24 giờ nếu nhận hàng không ưng ý hoặc lên chân không vừa. Những ưu ái trên giúp người mua luôn yên tâm trong việc đặt hàng từ xa.

Nhân ngày cuối tuần, Thúy Hiền cùng bạn đi cà phê và dạo phố mua sắm. Hiền cho biết, vì tiện đi chơi nên mới đến các cửa hàng xem quần áo, còn thông thường cô đặt mua online là chính. "Nhu cầu mua sắm của mình khá cao, tháng nào nhận lương cũng sẽ mua vài món đồ. Việc đặt mua qua mạng giá rẻ hơn, được giao tận nhà. Chỉ có bất cập là xem hình mẫu mặc đẹp chưa chắc đã phù hợp với mình nên có những món đồ nhận về tay lại cất ngay vào tủ không dùng đến", nữ khách hàng này nói. Tuy nhiên, vì thuận tiện và được áp dụng nhiều mã khuyến mại nên cô vẫn chọn hình thức mua sắm từ xa.

Hiền còn chia sẻ thêm một vài tips khi mua hàng online. Cô tìm xem các video về sản phẩm hoặc đọc feedback, ảnh mặc lên dáng từ những khách hàng đã mua trước rồi mới cân nhắc lựa chọn.

Trung tâm thương mại yên ắng, nhiều thương hiệu trả mặt bằng

Những trung tâm thương mại (TTTM) nằm ngay mặt phố lớn thuộc quận trung tâm cũng trong cảnh đìu hiu tương tự. Thời trang luôn là mặt hàng được xếp ở các tầng trung tâm trong tòa nhà, thường từ tầng 1 đến tầng 3 để thu hút khách mua sắm. Phía trên là các hàng ăn, khu vui chơi cho các gia đình, cặp đôi.

Buổi trưa và chiều chủ nhật, ngày 14/4, một TTTM nằm trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) vắng vẻ. Khách hàng tập trung đông ở các tầng có dịch vụ ăn uống, vui chơi. Không phải dịp lễ, Tết, hiếm có hình ảnh các thương hiệu ở đây treo biển sale hàng. Thương hiệu thời trang cao cấp vốn không phải mặt hàng dễ bắt khách, những gian hàng ở đây thường chỉ nhộn nhịp vào các dịp giảm giá lớn. Mặt khác, với những mẫu mã ít khi lỗi thời, khách hàng thường có nhu cầu chờ sale nên những ngày thường lại càng vắng người lui đến.

Tại một TTTM nằm trên trục đường Nguyễn Chí Thanh, tầng 1, 2, 3 được dùng cho các thương hiệu thời trang bày bán sản phẩm. Thực tế ghi nhận, hàng loạt gian hàng ở đây quây kín, khóa trái, niêm phong. Trước cửa các gian hàng đã trả lại có dán giấy thu hồi từ thời điểm tháng 11/2023. Một nhân viên còn làm việc tại đây chia sẻ những cửa hàng quây kín này hoặc trả lại mặt bằng hoặc đang đóng cửa sửa chữa làm lại lay-out khiến khung cảnh ở đây vắng vẻ. Đối với những cửa hàng chấm dứt hợp đồng thuê, trước khi rời đi đều áp dụng giảm giá sâu để đẩy sản phẩm.

Khu vực nhộn nhịp nhất của TTTM này là siêu thị dưới tầng hầm và khu vực vui chơi giải trí, văn phòng từ tầng 4 trở lên.

Chợ truyền thống tuy lạc hậu nhưng dễ 'cầm hơi'

Một chiều cuối tuần tại chợ Hôm (quận Hoàn Kiếm), khách hàng vẫn ra vào đều đặn dù không mấy sôi động. Bà Nguyễn Thị Nga - tiểu thương kinh doanh vải tại khu chợ này, cho biết, tình hình buôn bán tại chợ những năm gần đây cũng giảm sút mạnh, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ. "Giờ mặt hàng nào cũng dễ tìm mua trên điện thoại, từ thực phẩm, hàng điện tử, quần áo... Tiểu thương trong chợ Hôm chủ yếu người lớn tuổi, ít tiếp cận với buôn bán online nên chấp nhận việc buôn bán không còn sôi động", bà Nga tâm sự. Bà nhận xét, ảnh hưởng lớn nhất là các sạp quần áo tại chợ, khi mẫu mã không còn mới và giá cả khó cạnh tranh.

Về mặt hàng vải vóc thì có tính ổn định hơn khi từ xưa tới nay chủ yếu bán cho khách quen hoặc khách hàng thường có tâm lý tới tận nơi để sờ chất liệu, màu sắc. Sức mua giảm chủ yếu do kinh tế thị trường đi xuống nói chung khiến người dân chuyển sang hướng tiết kiệm. Còn xét về tính lâu dài, bà Nga không lo ngại bởi nhu cầu may mặc sẽ phục hồi và hiện xu hướng thời trang thiết kế ngày một phát triển.

Chi phí cố định bà Nga phải trả cho ki-ot ở chợ của mình hết khoảng 2 triệu đồng/tháng bao gồm: giá thuê, thuế, điện nước... Bà khẳng định: "Kinh doanh trong chợ truyền thống sức mua có thể giảm nhưng cũng không lo bị tiền mặt bằng đè bẹp. Lối kinh doanh cũ có thể lạc hậu nhưng nhìn chung tôi thấy vẫn dễ cầm hơi".

Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh dù ở giai đoạn đầu. Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 cho thấy, có tới 65% thuộc 7.000 doanh nghiệp của hiệp hội triển khai hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội mang lại hiệu quả cao. Ngay cả trong những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức hai con số, vào khoảng 15% cho mỗi năm.

Đứng trước thời kỳ việc mua sắm chuyển qua những cú kích chuột dễ dàng, các thương hiệu thời trang bán lẻ đối mặt với bài toán khó khăn về việc nắm bắt xu hướng, nhanh chóng chuyển mình để theo kịp thị trường và không bị mối lo mặt bằng đè bẹp.

"CUỘC CHIẾN GIÁ" KHIẾN AI CŨNG BUỒN: HÀNG LOẠT CỬA HÀNG ĐÓNG CỬA, ĐẶT HY VỌNG VÀO LIVESTREAM

Năm ngoái, sau khi Thế Giới Di Động triển khai chiến dịch "Giá rẻ quá", FPT Shop ra khẩu hiệu "Ở đâu rẻ quá ở đây rẻ hơn". Kết quả là hai "ông lớn" bán lẻ đồ điện tử này đều phải trải qua một năm 2023 ảm đạm.

Chiều 17/4/2024, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 tại TP. HCM, thống nhất thông qua kế hoạch doanh thu 37.300 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng.

Kế hoạch được FPT Retail đưa ra trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn, với những diễn biến khó lường song hành cùng kỳ vọng tăng trưởng ở những mảng mới. Đáng chú ý, đối với chuỗi FPT Shop, công ty chỉ dự kiến doanh thu đi ngang, trong khi chuỗi FPT Long Châu dự kiến tăng khoảng 34%. Động lực tăng trưởng của FRT trong năm 2023 cũng chủ yếu đến từ mảng dược phẩm.

"Cuộc chiến giá" giữa "mùa đông" của ngành bán lẻ đồ điện tử

"Việc kinh doanh các mặt hàng như điện thoại, máy tính khá khó khăn do cuộc chiến giá bắt đầu từ khoảng tháng 3/2023 và kéo dài đến hết năm", Tổng Giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên phát biểu tại Đại hội.

Ông cho biết trong năm 2023, FPT Shop đã đóng 30 cửa hàng và công tác này sẽ tiếp tục được rà soát trong năm nay. Theo tài liệu trình chiếu trong Đại hội, FPT Shop dự kiến đóng khoảng 50 cửa hàng không hiệu quả.

"Cuộc chiến giá" được cho là bắt đầu từ khi Tập đoàn Thế Giới Di Động (mã MWG) phát động chiến dịch "Giá rẻ quá" vào tháng 4/2023. Tại thời điểm đó, tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%, thậm chí một số mặt hàng được bán với giá "rẻ như cho".

Ngay lập tức, FPT Shop đưa ra khẩu hiệu "Ở đâu "rẻ quá" ở đây RẺ HƠN". Chuỗi bán lẻ đồ điện tử của FPT Retail thậm chí so sánh trực diện giá điện thoại rẻ hơn đối thủ từ vài trăm đến 1 triệu đồng.

Việc các đại lý bán lẻ nỗ lực điều chỉnh để thu hút khách hàng xuất phát từ bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu khiến sức mua các mặt hàng công nghệ sụt giảm.

Kết quả là trong khi FPT Shop phải đóng khoảng 30 cơ sở, MWG cũng đóng gần 200 cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh hoạt động không hiệu quả trong quý IV/2023. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài thừa nhận 2023 là một trong những năm khốc liệt nhất lịch sử hoạt động của công ty.

Hy vọng từ làn sóng livestream

Tuy nhiên, đối với FPT Shop, điểm sáng lại xuất hiện từ kênh bán hàng online. Ông Hoàng Trung Kiên cho biết doanh thu online của FPT Retail năm 2023 đạt 5.842 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ FPT Shop, còn tỷ trọng của Long Châu mới dừng ở 8-10% tùy từng tháng.

FPT Shop là nhà bán lẻ điện tử, điện thoại đầu tiên gia nhập "làn sóng" livestream bán hàng trên TikTok Shop, "chơi lớn" mở bán online iPhone 15 series với phiên live kéo dài 15 tiếng hồi cuối tháng 9/2023. Nhờ phiên live này, FPT Shop trở thành nhà bán hàng đầu tiên đạt doanh thu 1 triệu USD trên TikTok Shop, cùng nhiều kỷ lục ấn tượng khác.

"Vì vậy, đây là hướng mà chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo", Tổng Giám đốc FPT Retail nhấn mạnh. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của riêng kênh online trong năm nay là 30%.

Ngoài ra, FPT Retail sẽ đẩy mạnh những mặt hàng đem lại hiệu quả cao hơn tại FPT Shop bên cạnh các mặt hàng truyền thống.

"Bây giờ chúng ta sẽ coi những mặt hàng truyền thống là kênh tạo ra doanh thu và dẫn khách ổn định, đồng thời đưa thêm những dịch vụ, hàng hóa mới để phục vụ khách. Hiện nay những mặt hàng mới như gia dụng, điện máy đang chiếm dưới 5% trong tổng doanh thu, chúng tôi sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ lên khoảng 10%", ông Hoàng Trung Kiên trình bày.

Trong phần hỏi đáp, vị lãnh đạo này chia sẻ thêm rằng biên lãi gộp cuối năm 2023 của FPT Shop là khoảng 8% - "mức khó khăn để hoạt động và gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh".

"Với nỗ lực dịch chuyển, phát triển các mặt hàng kinh doanh mới của FPT Shop, chúng tôi dự báo sẽ duy trì biên lãi gộp ở con số 12-13%, mục tiêu đảm bảo lãi gộp so với năm ngoái tối thiểu 2-3%", ông cho biết.

THU NHẬP GIẢM, TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CHO VAY TIÊU DÙNG ÂM

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết tháng 2, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng âm, giảm 2,5% so với cuối năm 2023.

Cụ thể, 15 công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ cho vay khoảng 138.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống. Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng của toàn bộ ngành ngân hàng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng.

Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng giảm do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu. Ngoài ra, thời gian qua bùng phát các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến ngân hàng.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng cho vay phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ. Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn do khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kỳ vọng, thời gian tới, với việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. Đặc biệt, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.

LÀN SÓNG NHÀ ĐẦU TƯ ÔM TIỀN TỪ TP.HCM ĐỔ RA HÀ NỘI SĂN CĂN HỘ

Giá thị trường căn hộ, cùng phân khúc, tại Hà Nội và TP HCM đang lệch nhau khoảng 30%, có dòng sản phẩm tới 40% là một trong những lý do khiến nhà đầu tư "cá mập" ra Hà Nội mua bất động sản.

Theo theo một báo cáo mới từ Công ty CP One Mount Real Estate (OneHousing), đơn vị cung cấp các dịch vụ bất động sản có trụ sở ở Hà Nội, vừa công bố, cho thấy các nhà đầu tư bất động sản đến từ TP HCM rất quan tâm đến phân khúc căn hộ ở Hà Nội, mức tăng hiện nay cao gấp 7,5 lần so với quý I/2021.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, cho rằng thị trường bất động sản Hà Nội đang phục hồi nhanh hơn thị trường TP HCM. "Các nhà đầu tư thường không chờ đợi, thị trường nào tốt họ "nhảy" vào trước. Sau đó, mới tính tới chuyện xoay vòng, thị trường sẽ luôn có sự luân chuyển" - ông Trung nói.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Trung cho biết do thị trường phía Nam 2 năm qua gần như "tê liệt". Đến nay, thị trường TP HCM mới bắt đầu khởi động lại nhưng chỉ ở một số phân khúc nhất định, chủ yếu là căn hộ.

Tuy nhiên, dù là sản phẩm sơ cấp hay thứ cấp, mặt bằng giá, nền giá của sản phẩm cùng phân khúc tại Hà Nội đều đang rẻ hơn TP HCM. Ví dụ, với giá thị trường căn hộ, cùng phân khúc, tại Hà Nội và TP HCM đang lệch nhau khoảng 30%, có những dòng sản phẩm tới 40%.

Theo ông Trung, nhà đầu tư bất động sản tại TP HCM ra Hà Nội đầu tư hiện chia thành 2 nhóm. Một là họ đi tìm các dự án thấp tầng đã hiện hữu của các chủ đầu tư uy tín để đầu tư. Đối với nhóm nhà đầu tư này, họ không tính đến việc đầu tư dài hơi mà chỉ khoảng 2 năm.

Thứ hai là nhóm nhà đầu tư chọn các dự án lớn, của chủ đầu tư có uy tín thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm của các chủ đầu tư từng giúp họ sinh lời tốt tại thị trường TP HCM. Do đó, khi những chủ đầu tư này Bắc tiến, một lượng nhà đầu tư cũng theo dòng chảy này ra Hà Nội, đón đầu cơ hội đầu tư với dòng bất động sản cao cấp.

Áp lực nhất hiện nay của nhà đầu tư đó là giữ tiền mặt, vàng tăng giá, lạm phát cũng đang có chiều hướng tăng lên khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng: "Tôi giữ tiền thì tôi đang dần mất tài sản".

Theo ông Trần Quang Trung, thứ tự ưu tiên của nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp là thanh khoản của dự án rồi mới đến lợi nhuận. "Hà Nội đang vào sóng với giá bán tăng "chóng mặt", nhưng mới chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ mới. Nhiều nhà đầu tư đã nhìn ra cơ hội khi Việt Kiều được mua nhà và có đầy đủ quyền như một công dân Việt Nam (theo Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2025)"- chuyên gia này nhìn nhận.

Nguồn: Vietnamnet; Soha; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang