Loạt tiệm vàng tại TP.HCM đóng cửa; Ứng phó làn sóng thép ngoại; Chốt lịch nghỉ lễ muộn, du lịch vật lộn; DN xuất khẩu lo lắng

THỰC HƯ HÀNG LOẠT TIỆM VÀNG ĐÓNG CỬA TẠI TP HCM

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 15-4, một số tiệm vàng ở khu vực quanh chợ An Đông (quận 5), chợ Thiếc (quận 11) và phố vàng bạc quận 5 đã đóng cửa.

Chẳng hạn, tiệm vàng N.T, tiệm vàng N.T.L và tiệm vàng sát bên trên đường Nguyễn Duy Dương - tuyến phố kinh doanh vàng bạc - đá quý sầm uất ở TP HCM - đều cửa đóng then cài.

Bà Thái, người dân sống gần đó, cho biết các tiệm vàng trên tuyến đường này thường xuyên mở cửa các ngày trong tuần. Thế nhưng, một số tiệm lại đóng cửa cả ngày nhưng không dán bảng thông báo, dù hôm nay là thứ 2, khiến bà cũng thắc mắc.

"Tôi không rõ lý do tại sao họ lại đóng cửa. Tôi nghe là sắp có đợt kiểm tra gì đó" - bà Thái đoán.

Tương tự, tiệm vàng K.K.G tại chợ Thiếc cũng đã kéo sập cửa; phía ngoài không dán bảng khi nào mở cửa lại.

Một người quản lý của tiệm vàng ngay đó cho hay có thể cơ quan chức năng đang có đợt thanh tra vàng nên tiệm này đóng cửa để không bị phạt.

"Tiệm K.K.G hoặc một số tiệm vàng ở TP HCM đóng cửa có thể là do họ đang bán trang sức có hình dạng giống như các thương hiệu nổi tiếng LV, Chanel. Cơ quan chức năng có thể sẽ kiểm tra các giấy tờ vàng nên họ đóng cửa cho an tâm" - quản lý tiệm vàng gần đó phán đoán.

Theo người này, các tiệm vàng khác tại chợ vẫn hoạt động bình thường là do vàng của họ là hàng công ty, có đầy đủ các giấy tờ.

Tại đường Nhiêu Tâm (tuyến đường chính của phố vàng bạc - trang sức quận 5), một số tiệm vàng cũng đã đóng cửa. Có tiệm đang dọn dẹp và chỉ mở hé cửa.

Trước đó, ngày 9-4, các đội Quản lý thị trường (QLTT) của Cục QLTT TP HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn, phát hiện hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nghi giả mạo nhãn hiệu.

Các mặt hàng (bông tai, mặt dây chuyền, lắc tay…) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, Louis Vuitton. Lực lượng QLTT đã lập biên bản và đang làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục QLTT TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt triển khai kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn. Việc này nhằm thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ - yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, Cục QLTT TP HCM đã chỉ đạo các Đội QLTT tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn.

Liên quan việc giá vàng biến động trong thời gian gần đây, một số chủ tiệm vàng tại TP HCM cho biết hoạt động mua bán vàng trên thị trường vẫn không có sự đột biến. Số người bán vàng có phần nhiều hơn người mua nhưng vẫn không đáng kể.

Hiện tại, giá vàng SJC đang ở mức 82,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra, lần lượt tăng 1,5 triệu đồng và 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua.

Giá vàng nhẫn 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra tăng 300.000 đồng/lượng. Theo đó, mua vào ở mức 74,6 triệu đồng/lượng và bán ra 76,5 triệu đồng/lượng.

DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ VÌ THÉP NGOẠI TRÀN VÀO

'Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng lo ngại', chuyên gia nhận định.

“Không một nước nào trên thế giới chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn cả phần sản xuất trong nước”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định tại Đại hội đồng cổ đông ngày 11/4 khi được hỏi về việc thép cán nóng nhập khẩu tràn vào Việt Nam.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo VietNamNet phỏng vấn TS Hoàng Ngọc Thuận, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế về vấn đề đang gây nhiều tranh luận.

Doanh nghiệp thép mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm

- Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) bằng 143% so với lượng sản xuất trong nước. Quý 1/2024, nhập khẩu thép HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước, nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ tăng đột biến chiếm 75%. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?

Ông Hoàng Ngọc Thuận:

Có thể thấy trong 2 năm gần đây từ 2021-2023 lượng thép HRC nhập vào thị trường nội địa tăng rất nhanh. Năm 2021 Việt Nam nhập 7,5 triệu tấn thì đến năm 2023 đã nhập tới 9,6 triệu tấn. Rõ ràng có sự gia tăng rất nhanh về lượng nhập khẩu thép HRC. 2 triệu tấn này tương đương mức tăng lớn hơn 25%, đây là tín hiệu tương đối đáng lo ngại.

Nếu tổng nhu cầu nội địa không có sự gia tăng, thì việc tăng đáng kể lượng nhập khẩu sẽ dẫn tới các nhà sản xuất trong nước bị mất thị phần trên thị trường nội địa.

- Ông có thể nói rõ hơn về tác động đến các DN sản xuất thép cán nóng trong nước?

Thứ nhất, năm 2022-2023 ngành sản xuất trong nước cũng có sự gia tăng sản lượng gần 1 triệu tấn nhưng mức tăng trưởng sản xuất này lại không đi kèm tăng trưởng thị phần tại thị trường nội địa. Những số liệu sản xuất thép được công bố cho thấy, từ năm 2022, các nhà sản xuất nội địa đã mất 1,5 triệu tấn tại thị trường trong nước (sản lượng tiêu thụ trong nước của các nhà sản xuất nội địa năm 2022 là 4,9 triệu tấn, đến năm 2023 chỉ còn 3,4 triệu). Như thế, thị phần mất đi của nhà sản xuất nội địa được lấp đầy bởi hàng nhập khẩu.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi nếu nhập khẩu gia tăng như vậy có gây tác động nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa? Đây là điều phải quan tâm vì nếu ngành sản xuất nội địa bị triệt tiêu, sau này sản phẩm thép HRC sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Nói cách khác, chúng ta sẽ không tự chủ được sản lượng, giá thành… và quan trọng hơn, ngành sản xuất thép HRC nội địa sẽ khó có thể phát triển được nữa.

Ngoài ra, việc sử dụng thép cán nóng trong nước cũng sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam sản xuất các sản phẩm hạ nguồn xuất khẩu ra nước ngoài. Tức là, các doanh nghiệp này có thể tránh được rủi ro bị các thị trường nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU… áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Thứ ba, thép là mặt hàng quan trọng. Với nhiều quốc gia (ví dụ ở châu Âu, Hoa Kỳ), ngành thép là ngành nhạy cảm vì đây là sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành khác, đặc biệt liên quan tới công nghiệp quốc phòng. Nếu ngành sản xuất nội địa bị triệt tiêu và sản phẩm thép HRC phải phụ thuộc nhập khẩu thì sẽ là điều nguy hiểm (dù với bất kỳ quốc gia nào).

- Qua những phân tích của ông, liệu đã đủ cơ sở áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép cán nóng hay chưa?

Để kết luận đủ cơ sở áp dụng biện pháp chống bán phá giá hay chưa, thì sẽ cần thêm nhiều thông tin khác nữa và đặc biệt là kết luận của cơ quan điều tra. Như các bạn đều biết trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá cần 3 điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp chống bán phá giá:

Điều kiện thứ nhất là phải có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu, cụ thể là thép HRC tại thị trường VN. Hành vi bán phá giá có hay không, và bán phá giá với biên độ bao nhiêu phần trăm là câu chuyện của cơ quan điều tra.

Điều kiện thứ hai là phải có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Có thể tạm thời kết luận ngành sản xuất thép HRC nội địa đã hình thành, và số liệu 2022-2023 cho thấy ngành sản xuất trong nước chịu ảnh hưởng khá tiêu cực từ lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Thông thường để đánh giá xem có thiệt hại hay không thì cần đánh giá một loạt các chỉ số như giá trị và khối lượng bán hàng, thị phần, sản lượng, lợi nhuận, năng suất, giá… để xác định ngành sản xuất nội địa có chịu thiệt hại hay không và thiệt hại này có đáng kể hay không.

Việc thép HRC mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng lo ngại.

Điều kiện thứ ba là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá thép HRC và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa. Chúng ta cần thêm nhiều dữ liệu và đánh giá từ các cơ quan có liên quan, ví dụ như có sự suy giảm thực tế hoặc tiềm ẩn của các chỉ số nói trên hay không, sự gia tăng khối lượng hàng nhập khẩu (nghi ngờ bán phá giá), sự sụt giảm về giá của hàng nhập khẩu…

Tôi cho rằng việc gia tăng đáng kể hàng nhập khẩu và giảm tương ứng thị phần trong nước của các nhà sản xuất nội địa trong cùng thời gian là dấu hiệu khách quan để xem xét mối quan hệ nhân quả.

Quay lại câu hỏi có cơ sở hay chưa thì tôi nhắc lại là cần thêm nhiều thông tin từ Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, nhưng với bức tranh hiện nay thì có thể suy đoán có thiệt hại với ngành sản xuất nội địa.

Thách thức cho ngành sản xuất thép HRC trong nước

- Một số ý kiến cho rằng nếu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì sẽ có những DN trong nước sử dụng thép HRC nhập khẩu chịu thiệt hại?

Đây là điều bất cứ mặt hàng nào cũng gặp phải nếu tiến hành khởi xướng điều tra và áp thuế. Chẳng hạn khi Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM đối với cá tra, cá ba sa hoặc tôm thì một số nhà nhập khẩu tôm và cá tra, ba sa cũng tỏ ý kiến phản đối quyết định khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Hoa kỳ. Cách đây khoảng 10 năm, khi VN khởi xướng điều tra vụ việc thép không gỉ cán nguội thì một số DN nội địa cũng đã phản đối việc này.

Các nhà nhập khẩu thép HRC và các DN nội địa (những DN sử dụng thép HRC là đầu vào sản xuất) sẽ là những người lo lắng vì giá của thép HRC trên thị trường có thể tăng lên. Điều thứ hai, không những giá thép tăng lên, mà có thể họ sẽ không nhập khẩu được thép HRC nữa (hoặc nhập với số lượng không lớn) và phải mua từ nhà sản xuất nội địa dẫn tới tình trạng độc quyền.

Một trong những điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định của Liên minh châu Âu là phải đảm bảo rằng việc áp dụng biện pháp đó là cần thiết vì lợi ích Cộng đồng của EU. Đây là điều kiện bổ sung mà EU tự nguyện áp dụng bên cạnh 03 điều kiện bắt buộc khác theo quy định của WTO, trong đó có xem xét tất cả các nhóm lợi ích liên quan tại EU, bao gồm: (1) Lợi ích của ngành sản xuất nội địa liên quan; (2) Lợi ích của các nhà nhập khẩu sản phẩm bị điều tra; (3) Lợi ích của nhóm các nhà sản xuất tại EU cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất sản phẩm bị điều tra hoặc sử dụng sản phẩm bị điều tra; (4) Lợi ích của người tiêu dùng tại EU sử dụng sản phẩm bị điều tra…

Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét bức tranh toàn cảnh.

Cho dù điều kiện về “lợi ích Cộng đồng” (có thể gọi là Lợi ích kinh tế xã hội) là điều kiện bắt buộc phải có khi tiến hành điều tra tại EU, cơ quan điều tra cũng sẽ cân nhắc đặc biệt đến sự cần thiết phải loại bỏ các hệ quả bóp méo thương mại mà hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra và thiết lập lại tình hình cạnh tranh hiệu quả tại Liên minh châu Âu.

Chính vì thế, tôi tin nếu có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu, có thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và có mối quan hệ nhân quả thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi xướng điều tra để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước.

- Tuy vậy, ông có lo ngại việc các doanh nghiệp nhập khẩu thép HRC chỉ được dùng thép trong nước, gây tình trạng độc quyền?

Trước tiên, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hợp pháp ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu có thể tạo ra những lợi thế nhất định cho ngành sản xuất trong nước và trong vài trường hợp có thể dẫn tới hành vi độc quyền hoặc vị trí thống lĩnh đối với một hoặc một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất được bảo vệ.

Tuy nhiên, đây là câu chuyện cần được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn khi xem xét bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ nhất, biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ nhằm mục đích bảo vệ doanh nghiệp sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Nếu không có sự bảo vệ hợp lý và hợp pháp này, ngành sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và dẫn tới nguy cơ bị triệt tiêu. Khi đó, môi trường cạnh tranh cũng sẽ bị tiêu diệt và hàng hóa nhập khẩu sẽ đóng vai trò “độc quyền” trên thị trường Việt Nam.

Thứ hai, biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là biện pháp tạm thời trong một thời gian ngắn và có sự điều chỉnh thường xuyên, vì vậy sẽ không thể tạo ra lợi thế lâu dài cho ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa, biện pháp phòng vệ thương mại cũng chỉ được áp dụng ở mức độ hợp lý nhằm loại bỏ hành vi cạnh tranh “không lành mạnh” của hàng hóa nước ngoài (bán phá giá hoặc được trợ cấp), chứ không nhằm mục đích hạn chế tuyệt đối hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, nó vẫn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và hợp lý trên thị trường.

Thứ ba, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhờ có biện pháp phòng vệ thương mại, để đạt được vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh trên thị trường, và lạm dụng vị trí này để tăng giá bán hay có những chính sách bán hàng gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, hành vi đó sẽ được điều chỉnh và xử lý bởi pháp luật Cạnh tranh của Việt Nam.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần xem là Việt Nam còn nhập thép HRC từ những quốc gia nào. Ngoài thép từ các quốc gia đang bị đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá, thì còn quốc gia nào Việt Nam có thể nhập khẩu thép HRC. Có thể thấy trong các năm 2023, lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác vào VN là khoảng 2 triệu tấn tương đương khoảng 25% tổng lượng nhập khẩu. Đây là minh chứng cho thấy rằng các nhà nhập khẩu và DN nội địa có nhu cầu sử dụng thép HRC vẫn có thể nhập từ các quốc gia khác.

CHỐT LỊCH NGHỈ 30/4 MUỘN, DU LỊCH GẶP KHÓ

Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 căng như dây đàn vì vừa cao kỷ lục vừa khan hiếm, cộng với việc chốt kỳ nghỉ 5 ngày muộn hơn mọi năm khiến các công ty lữ hành đang phải vật lộn.

Giá vé ‘nóng rẫy’, lại khan hiếm

Dù các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air mới đây đã cấp tập tăng tải bay nội địa, kể cả vào "giờ xấu" như bay đêm, sáng sớm, rút ngắn thời gian quay đầu tàu bay,… nhưng giá vé máy bay từ Hà Nội/TP.HCM tới các điểm du lịch nổi tiếng vẫn “căng như dây đàn”, nhiều chặng bay còn ít, thậm chí có tuyến đã cạn.

Anh Nguyễn Hiếu, một công chức ở Hà Nội, vừa khảo giá vé máy bay cho chặng đi Phú Quốc, tranh thủ kỳ nghỉ dài 5 ngày dịp 30/4-1/5 để cả nhà được xả hơi. Anh choáng váng vì riêng tiền vé máy bay cho 4 người trung bình hết hơn 33 triệu đồng, chuyển sang đi Nha Trang cũng gần 27 triệu đồng.

Với số tiền đó, anh ngậm ngùi báo với vợ con chuyển hướng khác, hoặc đi gần hoặc đi bằng xe ô tô nhà. “Giá tầm 4-5 triệu đồng/chặng khứ hồi thì tôi còn gồng gánh được, chứ mức giá trên e rằng đi du lịch về túi rỗng”, anh nói.

Theo khảo sát của PV ngày 15/4, giá vé máy bay cho kỳ nghỉ 5 ngày từ 27/4-1/5 đang nóng rẫy.

Cụ thể, nếu ngày 14/4, giá vé chặng Hà Nội đi Phú Quốc giá trung bình từ 8,3 triệu đồng/chặng/khứ hồi (đã gồm thuế, phí) bay Vietjet Air thì bay Vietnam Airlines là hơn 11 triệu đồng hạng phổ thông, thậm chí hạng thương gia một chiều đã lên tới 13 triệu đồng. Sang ngày 15/4, chỉ còn vé chặng đi từ Hà Nội của Vietjet, giá thấp nhất từ 3,9 triệu đồng, chặng về 1/5 đã hết; còn hệ thống của Vietnam Airlines không hiển thị chuyến bay nào.

Chặng Hà Nội đi Nha Trang giá vé khứ hồi là 6,7 triệu đồng, Hà Nội - Quy Nhơn 6,4 triệu đồng, Hà Nội - Đà Nẵng trên 4,5 triệu đồng, Hà Nội - Đà Lạt gần 6,2 triệu đồng,...

Từ TP.HCM đi Đà Nẵng hay Côn Đảo, giá vé cũng lên tới gần 4,9 triệu đồng.

Giá vé này đắt ngang ngửa dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua.

Nếu hành khách chấp nhận bay khung giờ xấu, giá có thấp hơn nhưng không đáng kể, chỉ vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu đồng/vé. Một số chặng vé đang cạn nhanh, như đi Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt, trong chặng bay đến Tuy Hòa (Phú Yên) hết nhẵn vì chỉ duy nhất 1 hãng khai thác.

Cập nhật tình hình đặt giữ chỗ trên các đường bay du lịch giai đoạn cao điểm 30/4 (tính đến 14/4) của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), tại một số chặng nóng, công suất đặt chỗ lên khá cao. Điển hình như ngày đi 27/4, chặng Hà Nội - Điện Biên đã kín hơn 80% số chỗ (do sự kiện Năm du lịch quốc gia), Hà Nội đi Huế, Phú Quốc, Cần Thơ, Quy Nhơn,… đều trên dưới 70%; TP.HCM đi Điện Biên, Phú Quốc Tuy Hòa,… trên 70%, đi Côn Đảo gần như hết chỗ.

Ngày về 1/5, vé máy bay bớt căng thẳng nhưng một số chặng từ Phú Quốc, Nha Trang về Hà Nội kín chỗ gần 80%,...

Về khả năng giá vé máy bay hạ nhiệt sát kỳ nghỉ lễ do người dân thấy đắt đỏ nên chuyển hướng, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Lê Trung Tín, CEO Công ty Du lịch Tín Việt, khẳng định không có tình trạng này. Năm nay, các hãng hàng không thiếu máy bay, cung ít trong khi người dân được nghỉ dài 5 ngày nên nhu cầu vẫn lớn, giá trần vé máy bay lại tăng.

Giám đốc Công ty AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt, cũng cho rằng khả năng này là khó. Chỉ một bộ phận trung gian (các đại lý) có thể ôm vé từ sớm để bán hưởng chênh lệch, nếu cung nhiều hơn cầu vào sát kỳ nghỉ giá sẽ hạ. Nhưng từ bài học xả vé máy bay giá rẻ dịp 30/4 năm ngoái, năm nay bản thân các đại lý cũng không dám ôm nhiều.

Du lịch bị động, xoay xở

Trước việc giá vé máy bay tăng cao, ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay AZA Travel đã không tập trung vào làm tour bay nội địa mà chuyển hướng sang bán tour Đông Nam Á, Trung Quốc (đường bộ, đường bay) Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhờ giá tour tăng không nhiều, chỉ 15-20% so với mức tăng lên tới 50% của tour nội địa.

Ngoài ra, doanh nghiệp chuyển hướng sản phẩm đường bộ, đi gần Hà Nội như các lễ hội mở cửa biển dịp 30/4 tại Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn,... phía Nam là Vũng Tàu, Mũi Né - Phan Thiết, Đà Lạt,…

Do đó, vị CEO này dự báo các điểm đến trên hệ thống phòng khách sạn sẽ chật kín phòng, thậm chí một số điểm hót 27/4 đã hết. Các địa phương có nguy cơ dư phòng chỉ có thể là Phú Quốc do phụ thuộc đường bay, hay Nha Trang và Đà Nẵng vì nguồn cung phòng quá lớn.

Trong khi đó, đại diện Best Price, Giám đốc Marketing Bùi Thanh Tú, chia sẻ, với tour nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và dịp hè, nhiều khách hàng thấy chặng bay tới Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đắt đỏ nên đã từ chối mua tour.

Khi kỳ nghỉ 5 ngày được thông qua, công ty lập tức liên hệ với các đối tác để ôm thêm phòng, vé máy bay và tàu hỏa để xây dựng các chương trình tour phù hợp. Từ đầu tuần đến nay, lượng khách đặt tour 30/4 tăng 20-30%, song chủ yếu là tour đường bộ. Ngoài ra, xu hướng đi nước ngoài vẫn là chủ yếu, chiếm tới 70%, ông Tú nói.

Tuy nhiên, hầu hết công ty lữ hành đều cho rằng việc chốt ngày nghỉ lễ muộn hơn các năm trước khiến việc kinh doanh bị động.

Ông Lê Trung Tín phản ánh, hầu hết khách đã lên lịch cho kỳ nghỉ lễ Giải phóng năm nay. Việc thông tin được nghỉ hoán đổi ngày muộn hơn mọi năm khiến các công ty lữ hành mất một lượng khách nhất định.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cơ bản khách đi chơi dịp lễ 30/4-1/5 đã có lịch trình, chủ động xin nghỉ thứ Hai. Các công ty du lịch muốn khai thác thêm tour tuyến dài 4-5 ngày cần làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới. Nay còn chưa đầy 2 tuần nên phải “vắt chân lên cổ”, nhất là với tour đi nước ngoài yêu cầu visa.

“Nghỉ 5 ngày là tốt nhưng việc chốt muộn làm các công ty du lịch bị động. Chúng ta nên có kế hoạch nghỉ sớm, nếu để đến phút cuối mới quyết định sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khách sẽ không đặt trước hoặc có kế hoạch dài hạn”, ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng nhận xét, việc có lịch nghỉ muộn nên các tour đường dài như đi châu Âu, Mỹ, Úc,… cần visa sớm bị nhỡ; các tour đi Đông Bắc Á vẫn còn kịp nhưng số lượng không nhiều, ngoại trừ đi Đông Nam Á dễ hơn vì không cần xin thị thực. Ông Đạt kiến nghị, cần có kế hoạch hoán đổi lịch nghỉ lễ sớm, để đỡ bị động cho cả khách du lịch, công ty lữ hành và hàng không.

THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG, DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LO LẮNG

Sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel khiến tình hình ở khu vực Trung Đông thêm căng thẳng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đang hồi hộp theo dõi diễn biến xung đột cũng như những tác động sau đó nhằm tìm giải pháp ứng phó.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết hiệp hội lẫn các DN dệt may đang theo dõi sát những diễn biến ở khu vực Trung Đông. Hiện vẫn chưa có tín hiệu hay thông báo gì bất thường từ các khách hàng, đối tác làm ăn ở khu vực này.

"Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Trung Đông rất nhỏ nên nếu khu vực này có biến động, DN cũng bị ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu xung đột vũ trang Iran và Israel nổ ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường đi của hàng hóa sang châu Âu, dẫn đến thời gian vận chuyển, giao nhận có thể kéo dài hơn so với bình thường, chi phí cũng sẽ bị đội lên" - ông Giang phân tích.

Để chủ động ứng phó với tình hình, ngành dệt may sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là đa dạng hóa thị trường, khách hàng và các mặt hàng xuất khẩu. "Nếu khách hàng Trung Đông giãn thời gian nhập hàng hoặc chậm thanh toán, chúng tôi sẽ chuyển hướng sang thị trường khác. Riêng thị trường châu Âu vẫn tiềm ẩn thách thức. DN, hiệp hội một mặt theo sát diễn biến thế giới, mặt khác trao đổi thông tin thường xuyên với các đối tác châu Âu để kịp thời nắm bắt thông tin và chủ động ứng phó" - ông Giang nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - cũng cho biết công ty xuất khẩu hàng sang thị trường Trung Đông không nhiều nhưng từ đầu năm đến nay đơn hàng vẫn giảm do khách hàng lo ngại tình hình bất ổn. "Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ với các khách hàng ở thị trường này để chờ hồi phục" - ông Thứ nói.

Theo ông Thứ, xung đột tại Trung Đông có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu. Bởi lẽ, giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất sẽ tăng, cước vận chuyển cũng sẽ tăng và người tiêu dùng trên thế giới có thể thắt chặt chi tiêu trở lại do lo ngại bất ổn.

Ngay cả tình huống tốt nhất là các bên kiềm chế, xung đột không leo thang nữa thì kinh tế thế giới cũng hồi phục chậm, sức mua trên thế giới giảm. Rất có thể trong vài tháng tới, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào sản xuất sẽ tăng, gây khó khăn cho các DN.

Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất New GBI, cho biết thời gian gần đây, nhiều DN đã mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Đông, đặc biệt là thị trường Dubai rất tiềm năng với nhiều công trình xây dựng cao cấp. Tuy nhiên, xung đột khu vực đang căng thẳng khiến các DN lo lắng về an toàn của hàng hóa trong quá trình vận chuyển bằng đường biển, cũng như cước vận tải có thể nóng trở lại.

Theo ông Lành, khi khu vực này trở nên căng thẳng, các DN gỗ phải lựa chọn hãng tàu "thân thiện" với các nước Trung Đông để hàng hóa vận chuyển được thông suốt, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu cước phí tàu biển tăng trở lại, DN buộc phải chịu, tìm cách hạ giá thành sản phẩm hoặc chuyển hướng sang các thị trường khác an toàn hơn.

Nguồn: Kenh14; Quảng Nam Media; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang