Khủng hoảng nhà ở ở HongKong; Vốn ngoại rời TQ; Nhật giữ nguyên lãi suất; Cuộc chiến sinh tồn xe điện TQ; Israel 'đưa ra cơ hội cuối'

KHỦNG HOẢNG NHÀ Ở KHIẾN GIỚI TRẺ HONG KONG GẶP KHÓ

Quyền sở hữu nhà ở Hong Kong dường như là điều không tưởng đối với giới trẻ, bất chấp các hạn chế về tài sản đã được bãi bỏ gần đây.

Giá bất động sản tại Hong Kong là một trở ngại lớn đối với nhiều người. Để mua được nhà, một hộ gia đình trung bình sẽ phải tiết kiệm từng xu thu nhập trong gần 19 năm.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2023, dù đã giảm nhẹ, tỷ lệ giá nhà trung bình trên thu nhập trung bình hàng năm ở Hong Kong vẫn ở mức 18,8. Điều này khiến Hong Kong trở thành một trong những nơi có giá nhà đắt nhất trên thế giới.

Tháng 2 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã bãi bỏ tất cả các loại thuế giao dịch bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường nhà đất trì trệ. Nhờ đó, giá nhà dần có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, do lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, nhiều người mua vẫn còn chần chừ.

Vào năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi hỗ trợ thanh niên Hong Kong trong việc mua nhà, học tập, tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp. "Hong Kong sẽ chỉ thịnh vượng khi giới trẻ phát triển mạnh mẽ", ông Tập nói.

Ngay sau đó, một dự án cung cấp nhà ở với chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng hơn cho những người trẻ tuổi đã được triển khai.

Trong khi đó, có một loại hình nhà ở khác tại Hong Kong cũng liên tục vướng vào những tin tức tiêu cực trong nhiều năm qua.

Theo đó, không ít người, kể cả thanh niên, đã chuyển sang sống trong những căn hộ chia lô hoặc những ngôi "nhà lồng" hay "nhà quan tài" do nguồn cung nhà ở công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, thời gian chờ đợi đối với nhà ở công cộng tại Hong Kong đã lên đến 5,8 năm.

Tại Hong Kong, hơn 214.000 người sống trong những căn hộ chật chội chỉ có diện tích bằng một bãi đỗ xe.

Dù chính quyền Hong Kong đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp, như mở rộng quỹ đất, song việc sở hữu nhà ở vẫn nằm ngoài tầm với của những cư dân trẻ

Tình trạng khan hiếm nhà ở còn dẫn đến một vấn đề vô cùng lớn khác: tỷ lệ sinh của Hong Kong thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

Nhằm gia tăng tỷ lệ sinh, chính quyền Hong Kong đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm trao tiền thưởng và ưu tiên trợ cấp nhà ở cho những cặp vợ chồng trẻ mới sinh con.

Nhưng do phải chờ đợi quá lâu, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định thuê nhà và tiếp tục một vòng luẩn quẩn mới.

CHUYỆN GÌ ĐÂY: VỐN NƯỚC NGOÀI Ồ ẠT RỜI TRUNG QUỐC

Trong những năm gần đây, phương Tây bắt đầu thay đổi căn bản chiến lược dài hạn đối với Trung Quốc đại lục.

Theo nhận xét, lần đầu tiên trong 40 năm qua, đã có một cuộc "di cư ồ ạt" của dòng vốn nước ngoài khỏi Trung Quốc với số lượng lớn như vậy.

Cần lưu ý rằng vào đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư không cư trú đã bắt đầu đóng cửa nhiều lĩnh vực kinh doanh trong nền kinh tế Trung Quốc.

Vào giai đoạn 2022 - 2023, số tiền bị rút đi trong các giao dịch tiền tệ của người không cư trú ở Trung Quốc lên tới 132 tỷ USD, so với mức cho vay ròng là 254 tỷ USD trong năm 2020 - 2021 và dòng vốn đầu tư 78 tỷ USD trong năm 2018 - 2019.

Đồng thời trong giai đoạn 2022 - 2023, doanh thu thuần ghi nhận trong phân khúc danh mục đầu tư chỉ là 95 tỷ USD, so với con số 424 tỷ USD của giai đoạn 2020 - 2021 và 308 tỷ USD trong năm 2018 - 2019.

Hơn nữa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong giai đoạn 2022 - 2023 cũng dừng lại ở 233 tỷ USD, so với 597 tỷ USD trong năm 2020 - 2021 và 423 tỷ USD trong năm 2018 - 2019.

Như vậy trong giai đoạn 2022 - 2023, dòng vốn nước ngoài ròng chỉ là 6 tỷ USD, mặc dù trong các năm đại dịch Covid 2020 - 2021, con số ước tính là 1,3 nghìn tỷ USD và năm 2018 - 2019 là 0,8 nghìn tỷ USD.

Tính trung bình, dòng vốn nước ngoài ròng vào Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm trước đó là khoảng 0,5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Do đó, 6 tỷ USD trong vài năm qua cho thấy đầu tư nước ngoài gần như bằng 0.

Trong lịch sử, Trung Quốc từng đối diện một chu kỳ đầu tư tiêu cực, khi dòng vốn nước ngoài ròng giai đoạn 2015 - 2016 giảm xuống còn 156 tỷ USD. Hơn nữa năm 2015, dòng vốn chảy ra là 100 tỷ USD.

Trong thế kỷ 20 chưa hề có dòng vốn đầu tư nào vào Trung Quốc gần như bằng 0 trong vài năm qua.

Ngoài ra xét trên giai đoạn 2022 - 2023, dòng vốn đầu tư ròng vào Trung Quốc thấp nhất trong lịch sử được ghi nhận liên quan đến năng lực của hệ thống tài chính và doanh thu xuyên biên giới.

Những dòng vốn khổng lồ như vậy và sự gián đoạn trong hoạt động tài chính không thể gắn liền với các điều kiện tiên quyết về kinh tế (cơ chế thị trường).

Điều này có lẽ bị ảnh hưởng bởi những bất đồng chính trị với phương Tây (sự suy giảm liên lạc giữa một bên là Bắc Kinh với Washington và các đồng minh của họ), đi kèm nguy cơ xung đột, hay tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine.

Yếu tố địa chính trị hiện đang khiến Bắc Kinh chịu thiệt hại 0,5 - 0,7 nghìn tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc, ngay cả trong tình huống này vẫn có vẻ khá ổn định.

ĐỒNG YÊN CHỌC THỦNG ĐÁY, NHẬT BẢN VẪN KHÔNG TĂNG LÃI SUẤT

Đồng tiền Nhật Bản thủng mốc 156 yên đổi 1 USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 0%-0,1% sau khi cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày kết thúc vào thứ Sáu.

Động thái của BOJ khớp với dự đoán từ các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.

Quyết định được đưa ra ngay sau khi một báo cáo cho thấy lạm phát tháng 4 của Tokyo thấp hơn dự kiến, với tỷ lệ lạm phát cơ bản ở mức 1,6% so với kỳ vọng 2,2% từ Reuters.

BOJ cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) “theo các quyết định được đưa ra tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3”. BOJ sở hữu 54% JGB tính đến cuối năm 2023. Điều này giúp giảm lãi suất dài hạn nhưng khiến thị trường trái phiếu kém thanh khoản. Tỷ lệ sở hữu của BOJ đã tăng lên trong hai năm qua khi ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn lợi suất trái phiếu 10 năm tăng bất chấp áp lực lạm phát.

Ngân hàng trung ương cũng không đưa ra bình luận gì về đà suy giảm của đồng yên khi kể từ khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm và bãi bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng trước. Hôm thứ Tư, đồng yên thủng mốc 155 yên đổi một đô la Mỹ, mức thấp nhất trong 34 năm. Sau khi BOJ công bố giữ nguyên lãi suất, đồng tiền Nhật Bản trượt xuống mức thấp mới, ở mức 156 yên đổi 1 USD.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng công bố triển vọng kinh tế Nhật Bản quý 2 và lạm phát cả năm.

BOJ dự kiến lạm phát sẽ ở mức từ 2,5% đến 3% cho năm tài chính 2024, tăng từ mức 2,2%-2,5% trong dự báo hồi tháng 1. Lạm phát sau đó có khả năng giảm tốc xuống “khoảng 2%” trong năm tài chính 2025 và 2026, cơ quan này dự báo.

BOJ cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP cho năm tài chính 2024 xuống mức 0,7%-1%, giảm so với dự đoán 1%-1,2% vào tháng 1.

XE ĐIỆN TRUNG QUỐC & CUỘC CẠNH TRANH SINH TỒN

Một “cuộc đua sinh tử” đã bắt đầu diễn ra trên thị trường xe điện (EV) lớn nhất thế giới.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã trưng bày những mẫu xe mới nhất của họ tại triển lãm Auto China, khai mạc ở Bắc Kinh ngày 25/4. Họ đã nhận được hỗ trợ hào phóng từ chính phủ trong nhiều năm, với một số đang phát triển nhanh chóng để trở thành doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Ví dụ, BYD hiện đang cạnh tranh với Tesla để giành vị trí dẫn đầu thị trường xe điện.

Nhưng hơn 200 nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng dư cung quá mức và các chuyên gia dự đoán nhiều công ty nhỏ sẽ không thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Thậm chí, chính các quan chức Trung Quốc cũng quan ngại về tình hình trong vài tháng tới. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước, ngày 22/4 cho biết: “Cạnh tranh trong ngành công nghiệp xe năng lượng mới (NEV) sẽ cực kỳ khốc liệt trong năm 2024”.

Theo thống kê của Hiệp hội xe Trung Quốc, hơn một chục nhà sản xuất ô tô đã biến mất khỏi thị trường vào năm ngoái. Chúng bao gồm các thương hiệu xe điện phổ biến một thời như WM Motor, Byton, Aiways và Levdeo.

Một số nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới cũng đã phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh hoặc ngừng hoạt động tại Trung Quốc. Vào tháng 10/2023, Mitsubishi Motors tuyên bố sẽ chấm dứt sản xuất ô tô tại liên doanh ở Trung Quốc. Honda, Hyundai và Ford cũng thực hiện các bước, bao gồm sa thải nhân viên và bán nhà máy, để cắt giảm chi phí.

Lãnh đạo bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei – ông Richard Yu vào tháng 6/2023 dự đoán Trung Quốc đến năm 2030 có thể chỉ còn 5 hãng xe điện lớn.

Từ cuộc chiến giá cả tàn khốc đến doanh số bán hàng chậm lại, nhiều thách thức đang diễn ra ở Trung Quốc.

Cuộc chiến về giá bắt đầu vào tháng 10/2022, khi Tesla giảm giá xe Model 3 và Model Y tại Trung Quốc tới 9%. Ba tháng sau, họ lại giảm giá tiếp, gây ra làn sóng giảm giá nhấn chìm ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc năm 2023, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô chạy bằng xăng.

Áp lực càng trở nên mãnh liệt hơn. Trong tuần này, Tesla một lần nữa giảm 14.000 nhân dân tệ giá khởi điểm của bốn mẫu xe được bán ở Trung Quốc đại lục, thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng. Xpeng và Li Auto của Trung Quốc, ngay lập tức có động thái tương tự, đưa ra những mức giảm giá mạnh hoặc trợ cấp tiền để thu hút người mua.

Việc giảm giá đã làm giảm lợi nhuận. Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), vào năm 2023, tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành ô tô Trung Quốc giảm xuống 5%, mức thấp nhất trong một thập niên.

Tình trạng quá tải là một vấn đề lớn khác đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. NDRC dự kiến sẽ có hơn 110 mẫu xe NEV mới được tung ra thị trường trong năm nay. Theo NDRC, trong năm 2024, chỉ riêng BYD, Aito và Li Auto đang có kế hoạch tăng lượng giao hàng thêm 2,3 triệu xe. Nhưng tổng nhu cầu thị trường dự báo chỉ tăng 2,1 triệu chiếc. “Thị trường sẽ ở trong tình trạng dư cung trong một thời gian dài”, NDRC dự đoán.

Và hiện nay, ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này. Vào tháng 3, Xiaomi, đã ra mắt mẫu xe điện SU7 sedan. CEO Lei Jun cho biết ông muốn cạnh tranh với Tesla và Porsche bằng chiếc xe cao cấp mới có giá khởi điểm chỉ 215.900 nhân dân tệ (29.794 USD).

Tháng 11/2023, Meizu, một nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, tuyên bố sẽ hợp tác với Geely Auto và ra mắt chiếc xe điện đầu tiên, Meizu DreamCar MX, vào năm 2024. Cùng tháng đó, Huawei ra mắt Luxeed S7, được đồng phát triển với Chery Auto nhằm cạnh tranh với Model S của Tesla.

CAAM dự báo tổng doanh số ô tô của cả Trung Quốc sẽ vào khoảng 26,8 triệu xe năm 2024. Tuy nhiên, tổng mục tiêu doanh số của các nhà sản xuất lớn cho đến nay đã đạt gần 30 triệu chiếc. Nguồn cung dư thừa đó có nghĩa là các công ty cần tăng tốc độ bán hàng, bao gồm cả việc thúc đẩy xuất khẩu. Nếu thất bại, họ có thể gặp vấn đề về dòng tiền và rơi vào khủng hoảng.

ISRAEL CHO HAMAS 'CƠ HỘI CUỐI CÙNG'

Israel cho biết Hamas đang có cơ hội cuối cùng để đạt thỏa thuận ngừng bắn, trước khi Israel tấn công thành phố Rafah phía nam Dải Gaza như đã lên kế hoạch từ trước.

Hãng AFP ngày 27.4 đưa tin lực lượng Hamas cho biết đã nhận được và đang nghiên cứu phản hồi của Israel liên quan khả năng ngừng bắn ở Dải Gaza và trao trả các con tin.

Theo đó, Hamas đã nhận được phản hồi chính thức của Israel được chuyển đến các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar hôm 13.4. "Phong trào (Hamas) đang nghiên cứu đề xuất này và sau đó sẽ đưa ra phản hồi", theo quan chức Khalil al-Hayya của Hamas.

Hôm 13.4, Hamas cương quyết đòi ngừng bắn lâu dài là điều kiện hàng đầu trong thỏa thuận, dù Israel phản đối. Truyền thông Israel và Ai Cập đưa tin một phái đoàn từ nước hòa giải Ai Cập đã đến Israel hôm 26.4 trong nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn đang bị đình trệ.

Ai Cập, cùng với các nhà hòa giải Qatar và Mỹ, từng đạt được thỏa thuận ngừng bắn một tuần vào tháng 11, chứng kiến 80 con tin Israel ở Gaza được trả tự do, đổi lấy 240 người Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel.

Một số cơ quan truyền thông Israel dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết nội các chiến tranh của Israel đã thảo luận một kế hoạch mới về ngừng bắn và thả con tin, trước chuyến thăm của phái đoàn Ai Cập.

Đài Al-Qahera News cho biết đã có "tiến triển đáng chú ý trong việc đưa quan điểm của các phái đoàn Ai Cập và Israel đến gần nhau hơn".

Trong khi đó, có thông tin Israel sẵn sàng nhượng bộ thêm để đạt thỏa thuận, nhưng sẽ không để Hamas kéo dài quá trình đàm phán nhằm ngăn chặn cuộc tấn công vào thành phố Rafah phía nam Dải Gaza.

Cuộc đàm phán giữa các quan chức Israel và một phái đoàn cấp cao của Ai Cập được cử đến để thảo luận về cuộc tấn công sắp xảy ra của Israel ở Rafah và những nỗ lực đạt được thỏa thuận về con tin với Hamas đã kết thúc hôm 26.4.

Theo tờ The Times of Israel dẫn lời một quan chức Israel, đây là cơ hội cuối để đạt thỏa thuận ngừng bắn, trước khi Israel tấn công Rafah như dự kiến trước đó.

Nguồn: Dân Trí; Soha; CafeF; Báo Tin Tức; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang