EU: Chật vật với tiền nhà; Khí đốt Nga vẫn chảy; Giáng thêm đòn vào Apple; Trung tâm quốc phòng Pháp-Ý; Anh cấm mật khẩu 123456

NGƯỜI DÂN CHÂU ÂU CHẬT VẬT VÌ TIỀN THUÊ NHÀ TĂNG CHÓNG MẶT

Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã gây áp lực đặc biệt lên thị trường bất động sản tại châu Âu.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), ngày càng nhiều người tiêu dùng tại khu vực đồng euro phải vật lộn để trả tiền mua nhà sau nhiều năm lạm phát vượt kế hoạch và chi phí đi vay tăng cao.

Trong một bài báo vào hôm thứ Hai (22/4), các nhà nghiên cứu Omiros Kouvavas và Desislava Rusinova của ECB cho biết 20% hộ gia đình có thu nhập thấp có thể ​​sẽ thanh toán chậm các phí tiện ích hoặc tiền thuê nhà trong quý đầu tiên, tăng lên từ mức khoảng 15% vào năm 2023. Đối với các khoản vay thế chấp, tỷ lệ sẽ tăng gần gấp đôi lên 30%.

Bài báo nhấn mạnh: “Do những tác động hiện tại và tương lai của cả lãi suất tăng và sức mua giảm vì lạm phát, các hộ gia đình ngày càng gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí liên quan đến nhà ở và thanh toán thế chấp”.

Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã gây áp lực đặc biệt lên thị trường Bất động sản tại châu Âu, nơi các khoản đầu tư mới cũng đã giảm. Điều này làm tăng áp lực lên giá thuê nhà, vốn đã quá cao ở nhiều thành phố châu Âu ngay cả trước khi lạm phát tăng vọt.

ECB có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6 tới, khi một số thành viên của tổ chức này và nhiều chính trị gia trong khu vực lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt đang kìm hãm quá mức nền kinh tế của 20 quốc gia thành viên.

DẦU NGA VẪN CHẢY VÀO CHÂU ÂU BẤT CHẤP TRỪNG PHẠT: CÓ PHẢI CHỈ VÌ GIÁ RẺ?

Châu Âu vẫn mua một lượng đáng kể khí đốt của Nga bất chấp lệnh trừng phạt. Lý do một phần là bởi các nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng giá rẻ của Nga và một số nước trong khối đóng vai trò trung chuyển LNG từ Nga ra thị trường toàn cầu.

Trong năm 2022, Nga cắt giảm nhập khẩu khí đốt sang châu Âu. Các nhà lãnh đạo khối lo lắng về thiếu năng lượng trong mùa đông, nhưng tình trạng này không thực sự xảy ra. Điều này còn ám chỉ rằng EU chưa bao giờ thực sự trừng phạt khí đốt của Nga.

Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga thay thế khí đốt qua đường ống như thế nào?

Theo dữ liệu của EU, tỷ trọng nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống của các quốc gia thành viên đã giảm từ 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023. Tuy nhiên, khi tính cả LNG, khí đốt của Nga chiếm 15% trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối.

Để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, EU đã tăng cường nhập khẩu LNG từ các nước như Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, điều này đã vô tình dẫn đến làn sóng LNG giá rẻ của Nga tràn vào khối.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU. Nhập khẩu LNG từ Nga chiếm 16% tổng nguồn cung LNG của EU vào năm 2023, tăng 40% so với lượng Nga bán cho EU vào năm 2021.

Khối lượng nhập khẩu năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022, nhưng dữ liệu từ quý 1/2024 cho thấy xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu đã tăng trở lại 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 87% lượng LNG vào EU vào năm 2023.

Một số nước đóng vai trò trung chuyển LNG của Nga

Tuy nhiên, phần lớn lượng LNG không được thị trường châu Âu sử dụng đến mà được xử lý tại các cảng châu Âu trước khi được tái xuất khẩu sang các nước thứ ba. Quá trình trung chuyển này giúp một số quốc gia và công ty EU thu lợi nhuận.

Benjamin Hilgenstock từ Trường Kinh tế Kyiv cho biết: “Phần lớn LNG của Nga tới châu Âu chỉ được trung chuyển. Các công ty châu Âu kiếm tiền từ việc hỗ trợ xuất khẩu LNG của Nga.

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), 22% lượng LNG nhập khẩu của Châu Âu từ Nga được vận chuyển ra toàn cầu vào năm ngoái. Petras Katinas, một nhà phân tích năng lượng của CREA, nói với DW rằng phần lớn lượng LNG này được bán cho các nước ở châu Á.

Do đó, một số thành viên EU, như Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic, đang gây áp lực lên khối để ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với LNG của Nga.

Các cuộc thảo luận của EU hiện đang tập trung vào việc cấm tái xuất LNG của Nga từ các cảng châu Âu.

Tuy nhiên, Acer – cơ quan quản lý năng lượng của EU, gần đây đã cảnh báo rằng việc giảm nhập khẩu LNG của Nga phải thực hiện từng bước để tránh cú sốc năng lượng.

Nhiều nước EU vẫn sử dụng khí đốt của Nga

Khí đốt vẫn đang chảy vào EU qua đường ống. Mặc dù đường ống Nord Stream không hoạt động và đường ống Yamal không còn đưa khí đốt của Nga đến châu Âu, khí đốt của Nga vẫn chảy vào trung tâm khí đốt Baumgarten của Áo thông qua các đường ống đi qua Ukraine. Công ty năng lượng quốc doanh OMV của Áo có hợp đồng với công ty khí đốt Gazprom của Nga cho đến năm 2040.

Vào tháng 2, Áo xác nhận rằng 98% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này trong tháng 12/2023 là từ Nga. Giống như Áo, Hungary tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn khí đốt qua đường ống của Nga. Nước này gần đây cũng đã đạt được thỏa thuận khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng lượng khí đốt này cũng đến từ Nga thông qua đường ống Turkstream.

Hilgenstock nói rằng một số quốc gia tiếp tục mua khí đốt của Nga vì họ đang hưởng lợi từ các hợp đồng giá rẻ và hấp dẫn. “Vì vậy, trừ khi có lệnh cấm đối với khí đốt tự nhiên của Nga, thì việc mua bán vẫn tùy thuộc vào quyết định của họ”, ông nói.

Đã đến lúc cấm vận?

Mặc dù khí đốt của Nga vẫn chảy vào châu Âu, nhưng tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này vào châu Âu đã giảm đáng kể kể từ năm 2021.

EU cho biết họ muốn khối này hoàn toàn không có khí đốt của Nga vào năm 2027.

Benjamin Hilgenstock nhận định EU có thể đa dạng hóa tương đối nhanh chóng nguồn cung khí đốt và các nguồn năng lượng khác khỏi Nga.

Tuy nhiên, ông tin rằng các điều kiện chính trị “không đặc biệt có lợi” cho một lệnh cấm vận khí đốt hoàn toàn, đặc biệt là cấm vận đường ống. Ông chỉ ra rằng nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary vào nửa cuối năm 2024 là một rào cản tiềm tang bởi Budapest có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow so với hầu hết các nước thành viên EU.

Hiện, các nước châu Âu vẫn chưa cấm hoặc hạn chế nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga. EU đang nhắm đến hành động này nhưng hiện đang có sự bất đồng giữa 27 thành viên. Các công ty nhập khẩu LNG lớn của Nga, bao gồm Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha, khẳng định việc chấm dứt quan hệ với nhà cung cấp Nga, cũng như các hợp đồng dài hạn sẽ không đơn giản.

APPLE TIẾP TỤC NHẬN THÊM “ĐÒN” TỪ CHÂU ÂU

Không chỉ iPhone, những chiếc iPad sẽ phải tuân thủ các quy định chống độc quyền nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu.

Ngày 29/4, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức đưa hệ điều hành iPadOS vào danh sách "người gác cổng" (gatekeeper) theo luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU)

Động thái này đồng nghĩa iPadOS phải tuân theo các quy định của EU, liên quan đến chống độc quyền và phản cạnh tranh.

Có tên Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), bộ quy tắc yêu cầu các hãng công nghệ cho phép cài đặt kho ứng dụng bên thứ ba, tạo điều kiện để người dùng chuyển sang nền tảng đối thủ, và bị cấm kết hợp dữ liệu cá nhân trên nhiều dịch vụ.

Microsoft, Apple, Alphabet, Amazon, Meta và ByteDance là các công ty cung cấp nền tảng cần tuân thủ quy tắc của EU.

Nếu vi phạm, các công ty có thể bị phạt lên đến 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Dựa trên con số 383,3 tỷ USD được công bố năm 2023, Apple có thể bị phạt hơn 38 tỷ USD nếu vi phạm quy định.

Trước iPadOS, Apple đã tuân thủ quy định với hệ điều hành iOS, gồm các thay đổi liên quan đến kho ứng dụng và trình duyệt mặc định tại châu Âu. Giờ đây, Táo khuyết phải thay đổi cả iPadOS.

Theo CNN, Apple có 6 tháng để tuân thủ các quy định chỉnh sửa iPadOS.

Trong tuyên bố chính thức, Margrethe Vestager, ủy viên về chống độc quyền tại EU, cho biết iPadOS không đáp ứng ngưỡng quy mô hoặc doanh thu thường dùng để chỉ định trạng thái "người gác cổng".

"Tuy nhiên, iPadOS đóng vai trò cửa ngõ quan trọng, nhiều công ty dựa vào để tiếp cận khách hàng của họ...

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là công cụ linh hoạt để chúng tôi giải quyết thực trạng của thị trường số", Vestager nhấn mạnh.

Về phía Apple, công ty cho biết sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần xây dựng với EC để tuân thủ DMA trên mọi dịch vụ được chỉ định.

"Trọng tâm của chúng tôi vẫn là cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng tại châu Âu, trong khi giảm thiểu rủi ro mới về quyền riêng tư, bảo mật mà DMA gây ra cho người dùng", đại diện Apple nói thêm.

TRUNG TÂM QUỐC PHÒNG CHUNG PHÁP – Ý

Pháp và Italy ngày 29/4 đã ký ý định thư thành lập một trung tâm công nghiệp chung tập trung nguồn lực và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng để thúc đẩy phát triển các dự án vũ khí bộ binh mới như xe tăng, xe bọc thép hay pháo binh nhằm gia tăng năng lực quốc phòng.

Phát biểu trong phiên họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tại đảo Corse, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết Pháp và Italy sẽ thành lập một trung tâm công nghiệp quốc phòng chung để tận dụng nguồn lực và công nghệ, thúc đẩy hợp tác sản xuất các loại vũ khí trên bộ mới như xe tăng, xe bọc thép hay pháo binh.

Cơ chế hợp tác sẽ được dựa trên các mô hình sẵn có giữa các tập đoàn quốc phòng hai nước như Leonardo của Italy với Thales của Pháp hay công ty dịch vụ vệ tinh Italy Telespazio với nhà sản xuất thiết bị vũ trụ Pháp Thales Alenia Space.

Theo người đầu quân đội Pháp, Italy có thể tham gia các dự án quốc phòng chung giữa Pháp và Đức, trong đó mới nhất là chương trình “Xe tăng của tương lai” được Pháp và Đức khởi động ngày 26/4 nhằm thay thế cho các xe tăng chiến đấu hiện nay như Leclerc của Pháp và Leopard 2 của Đức.

Pháp cũng ủng hộ Italy đề nghị tập đoàn quốc phòng MBDA, liên doanh giữa 4 nước Pháp, Đức, Anh và Italy, thiết lập một dây chuyền sản xuất tên lửa Aster tại nước này. Hai bộ trưởng đã gửi thư chung đề nghị tập đoàn MBDA sớm chuyển giao các đơn đặt hàng tên lửa Aster đầu tiên ngay trong năm 2024.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết Pháp đã yêu cầu các tập đoàn công nghiệp ưu tiên các đơn hàng quân sự hơn dân sự, rút ngắn thời gian sản xuất và đề nghị phía Italy đơn giản hoá các thủ tục hành chính hải quan để đảm bảo hiệu quả hợp tác.

“Chúng ta cần nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế thời chiến để đảm bảo có thể hỗ trợ cho Ukraine hay thực hiện các sứ mệnh bảo vệ các tuyến đường biển như tại Biển Đỏ”, ông Lecornu nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh thế giới đang thay đổi và châu Âu cần phải chuẩn bị cho những điều có thể còn tồi tệ hơn so với những gì đã diễn ra trong 2 năm qua. Italy ủng hộ việc thiết lập các trung tâm công nghiệp quốc phòng chung để thúc đẩy hợp tác và năng lực sản xuất của châu Âu trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ bên ngoài như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ.

MẬT KHẨU “123456” CHÍNH THỨC BỊ CẤM Ở ANH

Người dùng thiết bị thông minh tại Anh sẽ không thể đặt mật khẩu dễ đoán như "123456", "admin", nhằm ngăn ngừa tấn công mạng.

Luật mới có hiệu lực từ ngày 29/4, là một phần trong chế độ An ninh sản phẩm và cơ sở hạ tầng của Anh. Người dùng khi đặt những mật khẩu như vậy sẽ được yêu cầu đổi mật khẩu mới.

Bên cạnh đó, tất cả nhà sản xuất thiết bị có kết nối Internet, từ điện thoại di động, TV, tủ lạnh thông minh cho đến chuông cửa, sẽ phải cập nhật tiêu chuẩn bảo mật tối thiểu, ngăn người dùng sử dụng mật khẩu yếu, dễ đoán. Họ cũng phải công bố tới người dùng chi tiết cách thức thực hiện, các lỗi có thể xảy ra cũng như đưa ra thời gian tối thiểu cho việc cập nhật này.

Theo Sky News, động thái này đưa Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới có luật về việc đặt mật khẩu.

Trước đó, một cuộc thống kê của tổ chức Which cho thấy một ngôi nhà thông minh có thể phải đối mặt với 12 nghìn cuộc tấn công trong một tuần, với 2.684 lần thử đoán mật khẩu yếu trên năm thiết bị. Trong khi đó, thống kê của trang web quản lý mật khẩu NordPass cho thấy "123456" là mật khẩu phổ biến nhất của người dân nước này năm ngoái, theo sau là "password", "qwerty", "liverpool".

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Anh cũng đánh giá khi cuộc sống hàng ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị kết nối, các mối đe dọa do Internet sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, luật mới sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi các thiết bị thông minh của họ được bảo vệ khỏi tội phạm mạng.

"Những quy định mới này đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể, nhằm hướng tới một môi trường kỹ thuật số an toàn hơn", đại diện Bộ nói, cam kết biến Anh thành "nơi an toàn nhất thế giới cho các hoạt động trực tuyến".

Nguồn: CafeLand; CafeF; Smoney; VOV; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang