Mỹ: Sa thải hàng loạt giáo viên; Biden ra sức công kích Trump; Chính sách thuế mới với hàng TQ; Cấm vận uranium Nga; 'Tuýt còi' Ấn Độ

TRƯỜNG HỌC KHẮP CẢ NƯỚC SA THẢI GIÁO VIÊN

Trường học trên khắp nước Mỹ thông báo sa thải giáo viên và nhân viên giáo dục do gói viện trợ đại dịch liên bang sẽ kết thúc vào cuối tháng 9.

Điều này khiến ngân sách của các trường bị sụt giảm, trong khi tình trạng lạm phát và giảm tuyển sinh vẫn chưa được giải quyết. Cắt giảm nguồn nhân lực là cách phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay để các trường duy trì hoạt động.

Đơn cử, khu học chánh Missoula, bang Montana, cân nhắc cắt giảm 33 vị trí giảng dạy và 11 vị trí hành chính, bao gồm quản lý giáo dục đặc biệt, quản lý mỹ thuật...

Khu vực này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách. Vào tháng 9 này, nguồn tài trợ liên bang cho khu học chánh sẽ kết thúc và số học sinh nhập học giảm gần 500 người.

Tại Arlington, bang Texas, khu học chánh công lập sẽ cắt giảm 275 vị trí vào cuối năm học này. Những vị trí này bao gồm nhân viên chăm sóc sau giờ học, nhân viên dạy tăng cường, nhân viên sức khỏe tâm thần... Khu học chánh, với 8.500 nhân viên, cho biết những người bị sa thải có thể nộp đơn vào các vị trí còn trống khác.

Bà Heather Peske, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Chất lượng Giáo viên, cho biết: “Học sinh da màu và học sinh nghèo là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc sa thải do ngân sách ở các trường này eo hẹp hơn”.

Dù các trường cắt giảm giáo viên thì họ vẫn còn nhiều vị trí còn trống, nhất là giáo viên các môn Toán, Khoa học, Giáo dục đặc biệt hay ở khu vực nông thôn. Nước này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng.

BIDEN LIÊN TỤC CÔNG KÍCH TRUMP

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây liên tục công kích người tiền nhiệm và cũng là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump - một cách tiếp cận khác so với trước kia.

Khoảng 6 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ tranh cử của ông đã gia tăng công kích ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Ông Biden khẳng định những công kích này không vô cớ, mà được thiết kế để truyền tải một thông điệp chính trị.

"Tổng thống Biden và chiến dịch tranh cử của chúng tôi sẽ làm rõ những lựa chọn cơ bản mà cử tri phải đối mặt trong cuộc bầu cử này", người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden, James Singer, nói với AFP.

Người phát ngôn này bình luận thêm: "Ông Donald Trump hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại, thay vào đó ông lại làm cho nước Mỹ giống ông ấy: thất nghiệp, yếu đuối và thu nhỏ. Chiến dịch của Tổng thống Joe Biden là về người dân Mỹ và tương lai mà ông tin rằng tất cả chúng ta có thể cùng nhau xây dựng".

Hồi tháng 4, ông Biden cũng mỉa mai ông Trump, nhắc lại việc cựu chủ nhân Nhà Trắng từ nêu ý tưởng tiêm thuốc khử trùng để chữa Covid-19.

Ông Biden cũng mỉa mai việc ông Trump chi số tiền khổng lồ cho chi phí pháp lý thay vì cho chiến dịch tái tranh cử.

Tổng thống Biden gán cho ông Trump biệt danh "Donald ngủ gật" khi nhắc đến việc ông Trump dường như ngủ gật trong phiên tòa ở New York mới đây.

Ông Biden và ông Trump đã nắm chắc khả năng được đề cử để đại diện đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Cả 2 ứng viên đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong khi tỷ lệ ủng hộ của ông Biden bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế quốc gia và 2 cuộc chiến hiện nay ở Ukraine và Trung Đông, thì ông Trump phải đối mặt với một loạt rắc rối pháp lý.

MỸ ÁP ĐẶT CHÍNH SÁCH THUẾ MỚI CỨNG RẮN HƠN VỚI HÀNG HÓA TRUNG QUỐC

Theo một số nguồn tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố mức thuế mới đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong ngày 14/5, nhắm vào các lĩnh vực bao gồm xe điện, vật tư y tế và thiết bị năng lượng Mặt Trời.

Trang tin Yahoo News dẫn hãng tin nước ngoài đưa tin động thái trên của chính quyền Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh ông đang nỗ lực để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Tổng thống Biden đã thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, theo đó sẽ duy trì mức thuế hiện có đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump, đối thủ từ đảng Cộng hòa, đặt ra.

Tuy nhiên, tác động của mức thuế mới đối với các ngành công nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức hạn chế.

Đầu tiên là do Trung Quốc xuất khẩu xe điện (EV) sang Mỹ rất ít. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe Trung Quốc, trong quý đầu tiên năm 2024, Geely là hãng ô tô Trung Quốc duy nhất xuất khẩu sang Mỹ với 2.217 xe.

Thứ hai, mức thuế quan mới cũng chưa phải là mối đe doạ đối với ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc. Thị trường này rất nhỏ đối với Trung Quốc và hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ cũng đã phải chịu thuế trong hơn một thập kỷ. Các mức thuế bổ sung gần đây cũng được áp dụng đối với một số nhà sản xuất tấm pin Mặt Trờicủa Trung Quốc hoàn thiện tấm pin ở Đông Nam Á.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - một tổ chức tư vấn ở Washington, hơn 80% hoạt động sản xuất tấm pin Mặt Trời hiện diễn ra ở Trung Quốc và chi phí sản xuất tấm pin ở Trung Quốc rẻ hơn 60% so với ở Mỹ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,35 triệu USD pin Mặt Trời sang Mỹ, song con số này chiếm chưa đến 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Các chuyến hàng xuất khẩu tấm pin Mặt Trời đã hoàn thiện sang Mỹ đứng ở mức 13,15 triệu USD vào năm 2023, chỉ bằng 0,03% tổng kim ngạch xuất khẩu pin Mặt Trời của Trung Quốc.

Ngoài xe điện và pin Mặt Trời, các nguồn cung cấp y tế do Trung Quốc sản xuất như ống tiêm và thiết bị bảo hộ cá nhân cũng phải đối mặt với mức thuế bổ sung của Mỹ. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã xuất khẩu 30,9 tỷ USD hàng hóa y tế sang Mỹ vào năm 2022, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa y tế của Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết mức thuế dự kiến ​​là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Biden nhằm bảo vệ Mỹ trước tình trạng thiếu nguồn cung trong thời kỳ đại dịch khiến các bệnh viện phải tranh giành tìm thiết bị quan trọng.

Hồi tháng 4, Tổng thống Biden cũng kêu gọi tăng gấp ba mức thuế của Mỹ đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc. Một quan chức Mỹ cho biết mức thuế này sẽ áp dụng cho các sản phẩm thép và nhôm trị giá hơn 1 tỷ USD.

BIDEN KÝ SẮC LỆNH HÀNH PHÁP CẤM NHẬP KHẨU URANIUM NGA

Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập khẩu uranium từ Nga, đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm cô lập Mátxcơva giữa cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Lệnh cấm nhập khẩu uranium từ Nga sẽ có hiệu lực sau khoảng 3 tháng, kể từ ngày ông Biden ký sắc lệnh hôm 13.5, theo tờ The Guardian. Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu kích hoạt gói chi tiêu trị giá 2,7 tỉ USD để thiết lập nguồn cung uranium nội địa cho các nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Lệnh cấm được đưa ra sau nhiều tháng vận động hành lang từ phía các nhà sản xuất uranium của Mỹ - những người cho rằng, uranium giá rẻ của Nga đang gây tổn thất cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết, lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào Nga đối với các nguồn năng lượng quan trọng.

Lệnh cấm sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn nhằm tạo điều kiện giúp các công ty Mỹ tìm kiếm nguồn cung uranium thay thế.

Kathryn Huff - Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng hạt nhân của Mỹ - tiết lộ, Washington đã chuẩn bị từ năm 2022 cho khả năng ông Putin có thể ngừng bán uranium bằng cách nỗ lực tăng cường năng lực xử lý uranium trong nước.

Lý do ông Biden chậm trễ trong việc cấm nhập khẩu uranium Nga là vì lo ngại rằng, 93 lò phản ứng hạt nhân của nước này sẽ bị gián đoạn do thiếu nhiên liệu.

Một báo cáo của Hạ viện Mỹ về đạo luật mới được thông qua cho thấy, mặc dù là thị trường nhiên liệu hạt nhân lớn nhất nhưng hiện tại Mỹ chỉ có khả năng cung cấp 30% nhiên liệu cần thiết cho hàng chục lò phản ứng trong nước.

“Đạo luật này sẽ củng cố an ninh kinh tế và năng lượng của Mỹ bằng cách giảm bớt và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc của chúng ta vào Nga về năng lượng hạt nhân” - Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết trong một tuyên bố.

Nga là nhà cung cấp uranium hàng đầu thế giới với khoảng 24% uranium đã xử lý được các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ sử dụng.

Báo cáo của Hạ viện về luật mới cho hay, một cơ sở chuyển đổi uranium của Mỹ đã được khởi động lại và sẽ có thể cung cấp lượng uranium tương đương khoảng 40% nhu cầu thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Huff cho biết vào tuần trước rằng, các quốc gia như Canada, Pháp và Nhật Bản sẽ cùng Mỹ phát triển nguồn cung ứng thay thế cho uranium của Nga.

Trong những tuần xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraina, Nhà Trắng đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Kể từ đó, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và ngành năng lượng của nước này.

MỸ CẢNH BÁO TRỪNG PHẠT ẤN ĐỘ VÌ GIÚP ĐỠ IRAN

Cảng Chabahar, nằm trên bờ biển phía Đông Nam Iran dọc theo Vịnh Oman, sẽ giúp Ấn Độ vận chuyển hàng hóa đến Iran, Afghanistan và các nước Trung Á.

Mỹ vừa cảnh báo Ấn Độ về nguy cơ có thể bị trừng phạt sau khi New Delhi ký thỏa thuận về cảng Chabahar với Tehran. Theo Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel, Washington biết Iran và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận liên quan đến cảng Chabahar trong thời hạn 10 năm.

“Chúng tôi biết về những báo cáo rằng Iran và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận liên quan đến cảng Chabahar. Tôi sẽ để Chính phủ Ấn Độ nói về các mục tiêu chính sách đối ngoại của chính mình đối với cảng Chabahar cũng như mối quan hệ song phương của họ với Iran”, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày hôm 13/5.

“Tôi sẽ chỉ nói rằng vì nó liên quan đến Mỹ, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vẫn được giữ nguyên và chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi chúng”, ông Patel nói khi trả lời câu hỏi về thỏa thuận của Ấn Độ với Iran về cảng Chabahar chiến lược.

“Các vị đã nghe chúng tôi nói điều này trong một số trường hợp, rằng bất kỳ thực thể nào, bất kỳ cá nhân nào đang xem xét các giao dịch kinh doanh với Iran, họ cần phải nhận thức được rủi ro tiềm ẩn mà họ đang tự mở ra và nguy cơ tiềm ẩn của các biện pháp trừng phạt”, vị quan chức trong Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

Trước đó, hôm 13/5, Ấn Độ đã ký hợp đồng 10 năm với Iran về phát triển và vận hành cảng Chabahar của quốc gia Trung Đông. Cảng Chabahar, nằm trên bờ biển phía Đông Nam Iran dọc theo Vịnh Oman, sẽ giúp Ấn Độ vận chuyển hàng hóa đến Iran, Afghanistan và các nước Trung Á. Bằng cách này, Ấn Độ có thể bỏ qua các cảng Karachi và Gwadar ở nước láng giềng Pakistan.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar, thỏa thuận dài hạn với Iran để quản lý cảng Chabahar sẽ mang lại nhiều đầu tư hơn vào cảng và mở ra các kết nối thương mại mới với Ấn Độ trong khu vực.

Bộ trưởng Vận tải Ấn Độ Sarbananda Sonowal, phát biểu tại Tehran sau khi ký kết thỏa thuận, cho biết: “Tầm quan trọng của cảng Chabahar vượt xa vai trò của nó như một tuyến đường dẫn đơn thuần giữa Ấn Độ và Iran. Nó đóng vai trò là huyết mạch thương mại quan trọng kết nối Ấn Độ với Afghanistan và các nước Trung Á”.

“Kết nối này đã mở ra những con đường mới cho thương mại và củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trên toàn khu vực”, vị quan chức Ấn Độ nhấn mạnh.

Thỏa thuận dài hạn được ký kết giữa Indian Ports Global Limited (IPGL) và Tổ chức Hàng hải & Cảng Iran, chính quyền hai nước cho biết.

Theo thỏa thuận, IPGL sẽ đầu tư khoảng 120 triệu USD, và sẽ có thêm 250 triệu USD tài chính, nâng giá trị hợp đồng lên 370 triệu USD, Bộ trưởng Đường bộ và Phát triển Đô thị Iran Mehrdad Bazrpash cho biết.

IPGL lần đầu tiên tiếp quản hoạt động của cảng vào cuối năm 2018 và kể từ đó đã xử lý lưu lượng container hơn 90.000 TEU và hàng rời và hàng tổng hợp hơn 8,4 triệu tấn, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết

Nguồn: Giáo dục & Thời Đại; Dân Trí; CafeF; Lao Động; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang