Yên Nhật lập đáy lịch sử; Khủng hoảng giá trứng gà; Người Hàn cũng khóc; Ukraine tung đòn dồn ép Moscow; Israel bắn phá Bắc Gaza

YÊN NHẬT LẬP ĐÁY 34 NĂM MỚI SO VỚI USD

Yen Nhật hôm nay lập đáy 34 năm mới so với đôla Mỹ, đồng thời xuống thấp nhất 16 năm so với euro.

Chiều 25/4, mỗi USD đổi được 155,74 yen. Đây là mức thấp nhất của đồng tiền Nhật Bản từ năm 1990. Hôm qua, tỷ giá đã vượt mốc quan trọng là 155 JPY một USD, lần đầu trong 34 năm.

Yen cũng xuống thấp nhất 16 năm so với euro. Hiện mỗi euro đổi được 166,98 yen. Đồng tiền Nhật Bản mất giá, khiến nhà đầu tư dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 26/4.

Mốc 155 yen đổi một USD được thị trường coi là giới hạn có thể khiến Tokyo can thiệp cứu nội tệ. Thời gian qua, giới chức Nhật Bản liên tục cảnh báo không loại trừ phương án nào để kiểm soát các diễn biến tỷ giá bất hợp lý. Dù vậy, họ chưa can thiệp vào thị trường như cuối năm 2022.

"Nếu họ không hành động, việc yen vượt mốc 155 có thể châm ngòi cho làn sóng đầu cơ. Nhà đầu tư sẽ mua vào, kỳ vọng bán ra kiếm lời khi giới chức can thiệp", Athanasios Vamvakidis - Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Bank of America cho biết. Việc này có thể khiến đồng nội tệ Nhật Bản càng mất giá sau đó.

Khả năng Nhật Bản duy trì lãi suất quanh 0% thêm một thời gian nữa và Mỹ trì hoãn giảm lãi, đã gây sức ép lên yen vài tháng qua.

"Yen rất khó tăng giá khi thị trường cho rằng Nhật Bản sẽ thắt chặt chính sách từ từ, dù đồng tiền này hiện ở mức rất thấp", Carl Ang - nhà nghiên cứu tại MFS Investment Management nhận định.

Dù tăng giá với yen, USD lại mất giá với một số tiền tệ khác. Tuần này, số liệu sản xuất tại eurozone và Anh khởi sắc giúp đồng euro và bảng mạnh lên so với đôla Mỹ. Mỗi euro hiện đổi được 1,07 USD. Trong khi đó, một bảng tương đương 1,25 USD.

NHIỀU NƯỚC CHẬT VẬT VÌ KHỦNG HOẢNG GIÁ TRỨNG GÀ

Sau khi lắng xuống trong hầu hết giai đoạn năm 2023, sự bùng phát trở lại gần đây của cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi trên khắp nước Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã khiến giá trứng tăng vọt...

Dịch bệnh cúm gia cầm đang đẩy giá trứng lên cao trở lại. Loại virus cực kỳ dễ lây lan và gây tử vong ở các loài gia cầm đã được phát hiện ở nhiều cơ sở chăn nuôi tại Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác trên thế giới.

David Anderson, giáo sư và nhà kinh tế thực phẩm tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học Texas A&M cho biết: “Lý do khiến giá trứng tăng vọt là do HPAI (cúm gia cầm có độc lực cao) tấn công các trang trại trứng, làm chết gà và suy giảm sản lượng trứng”.

Tại Mỹ, hơn 14 triệu con gà đẻ trứng đã chết trong tháng 11 và tháng 12/2023 do cúm gia cầm. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 30 ngày qua, hơn 8 triệu gia cầm nuôi thương mại tại Mỹ vẫn bị nhiễm bệnh.

Hai tuần trước, Cal-Maine Foods – nhà sản xuất trứng gà lớn nhất nước Mỹ – đã tạm thời ngừng sản xuất và tiêu hủy hơn một triệu đàn gà tại một trong các cơ sở của mình sau khi dịch bệnh bùng phát.

Nan-Dirk Mulder, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng kinh doanh nông nghiệp Rabobank chia sẻ với CNBC rằng không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia và khu vực khác trên toàn thế giới như Mỹ, EU, Nga, Nam Phi, Ấn Độ hay Nigeria đều chứng kiến giá trứng tăng cao kỷ lục.

Một chục quả trứng loại A lớn hiện có giá 2,41 USD (khoảng 62 nghìn đồng) ở Mỹ, tăng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay.

Tại Nhật Bản, các trường hợp cúm gia cầm cũng đã được báo cáo tại các trang trại gia cầm ở nhiều tỉnh, lây nhiễm cho hàng trăm nghìn con gà mái.

Nhật Bản là nước tiêu thụ trứng theo bình quân đầu người lớn thứ hai trên thế giới và trứng là nguyên liệu quan trọng trong ẩm thực của người Nhật. Đất nước này đã ghi nhận giá trứng gà cỡ trung bình tăng từ 179 yên/kg (~30 nghìn đồng) vào đầu năm lên khoảng 218 yên/kg (~ 36 nghìn đồng) tính đến ngày 17/4, tương đương hơn 20%.

Cúm gia cầm không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến nguồn cung trứng. Các nguyên nhân khác còn bao gồm nhu cầu về trứng tăng cao hơn do giá thịt đắt đỏ hơn. “Giá thịt bò, thịt lợn và thịt gà cũng đang rất cao, vì vậy trứng là nguồn bổ sung protein thay thế tốt nhất. Nhu cầu cao cũng sẽ khiến giá bị đẩy lên”, giáo sư Anderson của Đại học Texas A&M nhận định.

Hay như tại Mexico và Indonesia, giá trứng tăng cao lại vì một lý do khác.

Như trường hợp ở Mexico, truyền thông địa phương cho biết thời tiết nắng nóng đã khiến nhiều con gà mái chết vì say nắng.

Mexico, quốc gia tiêu thụ trứng trên bình quân đầu người cao nhất thế giới, đã chứng kiến giá tăng 30% lên 45 peso/kg (~60 nghìn đồng) so với tuần trước, đại diện của chợ buôn Central de Mexico chia sẻ với CNBC. Mexico gần đây đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử vào ngày 15/4.

Tại Indonesia, nước sản xuất trứng lớn thứ hai thế giới, giá trứng gà thuần chủng cũng tăng hơn 10% kể từ đầu năm, theo dữ liệu từ Cơ quan Lương thực Quốc gia nước này.

Tất cả những vấn đề và nguy cơ nêu trên như dịch bệnh, điều kiện thời tiết đã khiến người dân trên khắp thế giới phải tìm cách để đối phó với tình hình giá trứng tăng cao.

“Hãy dự trữ trứng đi vì tôi cho rằng chúng sẽ lại có giá 7 USD/tá (~180 nghìn đồng) sau vài tuần nữa”, một người dùng ở Mỹ cho biết trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter cũ).

Một người khác tiết lộ rằng anh đang bắt đầu dự trữ thịt gà và trứng: “Hãy nhớ rằng, bạn có thể đông lạnh trứng gà trong một năm nếu làm đúng cách”.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù có thể đông lạnh trứng vô thời hạn nhưng người tiêu dùng chỉ nên bảo quản tối đa trong 1 năm để đảm bảo được chất lượng tốt nhất.

Trong khi đó, tại Na Uy, tình trạng thiếu trứng trong kỷ nghỉ lễ Phục Sinh đã khiến người dân đổ xô sang nước láng giềng như Thuỵ Điển để mua trứng dự trữ. Theo cơ sở dữ liệu nghiên cứu địa phương, chỉ số 12 tháng cho thấy giá tiêu dùng trứng ở Na Uy đã tăng 17,4% trong tháng 3.

ĐẾN NGƯỜI HÀN CŨNG KHÓC: KINH TẾ CHAEBOL MẤT ĐỘNG LỰC ĐỘT PHÁ, “KỲ TÍCH SÔNG HÀN” DẦN PHAI NHẠT

Sau quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới của các Chaebol, kinh tế Hàn Quốc đã mất động lực đột phá, tìm tòi cái mới. Hậu quả là thị trường này không còn "thượng đẳng" như nhiều người vẫn nghĩ khi bị cảnh báo tăng trưởng âm năm 2040.

Tờ Financial Times (FT) cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã quá phụ thuộc vào mô hình các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) mà không cải cách được mô hình mới để duy trì tăng trưởng.

Ánh hào quang quá khứ của "Kỳ tích sông Hàn" khi nước Châu Á này tăng trưởng nóng đang phai nhạt dần bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ từ chính phủ.

Cạn kiệt động lực

Bên ngoài thị trấn Yongin, vô số công nhân đang di chuyển 40.000 mét khối đất mỗi ngày nhằm cắt đôi một ngọn núi để xây dựng cụm công nghiệp sản xuất chip mới, bao gồm nhà máy bán dẫn lớn nhất toàn cầu.

Tổng dự án có trị giá 471 tỷ USD này được phát triển dưới sự giám sát của chính phủ trong bối cảnh Hàn Quốc lo ngại tụt hậu phía sau trước cuộc đua bán dẫn, khi nhiều nước Châu Á và Phương Tây cũng đổ tiền vào công nghệ này.

Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế lại lo ngại rằng quyết tâm duy trì vị thế trong mảng bán dẫn của Hàn Quốc vẫn quá phụ thuộc vào các tập đoàn lớn như SK Hynix hay Samsung Eletronics.

Việc dựa dẫm vào mảng sản xuất và các Chaebol cho thấy Hàn Quốc chưa tìm kiếm được một mô hình cải cách phù hợp cho động lực tăng trưởng mới, qua đó dần cạn kiệt tốc độ phát triển.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) năm 2023 cho biết tăng trưởng kinh tế nước này đạt trung bình 6,4% trong khoảng năm 1970-2022, đồng thời cảnh báo con số sẽ giảm xuống 2,1% trong thập niên 2020, xuống 0,6% thập niên 2030 và thậm chí tăng trưởng âm 0,1% thập niên 2040.

Theo FT, mô hình tăng trưởng cũ dựa vào năng lượng và lao động giá rẻ ở Hàn Quốc đã không còn phù hợp nữa. Tập đoàn độc quyền năng lượng quốc doanh Kepco chuyên cung cấp điện cho các nhà máy sản xuất với giá rẻ nhờ được trợ cấp thuế hiện đang phải gánh khoản nợ lên đến 150 tỷ USD.

Trong số 37 quốc gia thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năng suất lao động của Hàn Quốc chỉ cao hơn Hy Lạp, Chile, Mexico và Colombia bất chấp văn hóa làm việc khắc nghiệt.

Giáo sư kinh tế Park Sangin của trường Đại học Quốc gia Seoul cho biết dù Hàn Quốc có thế mạnh trong một số mảng như chip bán dẫn hay pin Lithium nhưng việc chậm phát triển các công nghệ cơ bản khác đang khiến nước này bị Trung Quốc thu hẹp dần khoảng cách.

"Nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc cực kỳ năng động. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế của chúng ta vốn dựa trên sự bắt kịp công nghệ từ những nước phát triển khác và mô hình này chưa hề thay đổi kể từ thập niên 1970 đến nay", giáo sư Park nhận định.

Thế rồi khi dân số lão hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp, mô hình dựa vào sản xuất này của Hàn Quốc nhanh chóng bộc lộ điểm yếu. Các nhà máy thường lựa chọn những nơi có lao động dồi dào và chi phí thấp thay vì đến Hàn Quốc.

Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA) cảnh báo GDP nước này vào năm 2050 sẽ thấp hơn 28% so với năm 2022 do dân số trong độ tuổi lao động giảm gần 35%.

Ánh hào quang quá khứ

"Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nếu chúng ta níu kéo mô hình tăng trưởng trong quá khứ", Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc, ông Choi Sang-mok nói với FT.

Một số người hy vọng rằng cơn sốt AI sẽ thúc đẩy lại ngành chip bán dẫn và đưa Hàn Quốc trở lại đường đua phát triển như xưa. Thế nhưng theo tờ FT, với các khó khăn về dân số cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nước, "Kỳ tích sông Hàn" sẽ khó lòng lặp lại.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá việc Hàn Quốc chậm đổi mới mô hình kinh tế suốt 50 năm qua là do mô hình cũ dựa dẫm vào các Chaebol đã quá thành công.

Trong thập niên 1960-1980, nền kinh tế Hàn Quốc đã có bước nhảy vọt nhờ nâng tầm nền công nghiệp lên hóa dầu và công nghiệp nặng. Đến thập niên 1980-2000 thì nước này thành công chuyển mình sang mảng công nghệ cao.

Năm 2018, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tính theo sức mua tương đương đã vượt qua Nhật Bản.

Tuy nhiên trong khoảng 2005-2022, chỉ có duy nhất một mảng là màn hình điện tử thuộc công nghệ mới phát triển là lọt vào danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc.

Trong khi đó, hàng loạt những mảng công nghệ cao khác của Hàn Quốc đã bị mất dần vị thế trước sự trỗi dậy của nhiều đối thủ.

Năm 2012, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới ở 36/120 công nghệ chủ chốt thì đến năm 2020, con số này chỉ còn 4.

Giáo sư Park cho hay những Chaebol tại Hàn Quốc sau quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới thì giờ đây cũng thay đổi tư duy, từ tập trung tăng trưởng đột phá cái mới sang chỉ hy vọng duy trì ánh hào quang cũ.

Cũng theo ông Park, mô hình kinh tế hiện tại của Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2011 để rồi dần bị các tập đoàn công nghệ Trung Quốc bắt kịp trong hầu hết các lĩnh vực tiên tiến.

Thậm chí Samsung hay LG hiện cũng đang phải chật vật sinh tồn trong chính mảng màn hình điện tử mà họ từng thống trị chỉ vài năm trước.

Việc các Chaebol chèn ép những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn tuyển dụng đến 80% lao động toàn quốc, khiến họ phải cắt giảm chi phí hết mức để làm giàu cho những "ông lớn" đã dẫn đến hậu quả là không còn vốn đầu tư phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực hay xây dựng cơ sở hạ tầng.

"Những Chaebol trước đây được xây dựng để tập trung phá vỡ đối thủ hùng mạnh của nước ngoài. Thế nhưng giờ đây ở vị thế dẫn đầu, chính họ đang tạo nên sự kìm hãm đổi mới cho nền kinh tế", giáo sư Park khẳng định.

Già nua và nghèo đói

Giáo sư Park nói với FT rằng gần một nửa GDP của Hàn Quốc được tạo ra bởi các Chaebol, vốn chỉ tuyển dụng 6% lao động toàn quốc vào năm 2021. Những ông lớn này chèn ép các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó ảnh hưởng đến 80% lao động phổ thông, tạo nên sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội.

Chính áp lực cạnh tranh này đang khiến giới trẻ Hàn Quốc phải vật lộn với gánh nặng học tập, công việc, tiền bạc khi muốn được vào trường đại học tốt, có công việc lương cao và đủ tiền mua nhà tại các nơi như Seoul.

Hậu quả của tình trạng này là tỷ lệ sinh giảm do chi phí đám cưới, mua nhà, sinh con, học phí, khám chữa bệnh... đều quá cao. Thậm chí Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong OECD.

Số liệu của Viện tài chính quốc tế (IIF) cho thấy Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất ở các nước phát triển. Trung bình một cặp vợ chồng mới cưới ở Hàn Quốc có tổng số nợ lên đến 124.000 USD.

Dù nợ công theo GDP của Hàn Quốc chỉ ở mức 57,5%, khá thấp so với Phương Tây nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo con số này có thể sẽ tăng gấp 3 trong 50 năm tới vì dân số lão hóa quá nhanh, tạo gánh nặng về an sinh xã hội cũng như ngân sách.

Nhiều ước tính cho thấy đến năm 2070, khoảng 46% dân số Hàn Quốc sẽ trên 65 tuổi và trở thành nước có tỷ lệ người già sống trong cảnh nghèo đói cao nhất trong các nước phát triển.

"Tăng trưởng chậm dẫn đến tỷ lệ sinh giảm, qua đó ảnh hưởng ngược lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo thành vòng luẩn quẩn", chuyên gia Seungheon Song của McKinsey đánh giá về kinh tế Hàn Quốc.

UKRAINE TIẾP TỤC RA ĐÒN VỚI CÁC CƠ SỞ NĂNG LƯỢNG NGA, 26.000 MÉT KHỐI VÀNG ĐEN CHÁY RỰC TRONG ĐÊM

Thời gian gần đây, Ukraine liên tục tấn công nhằm vào các cơ sở năng lượng của Nga.

UAV Ukraine tấn công kho dầu Nga

Tờ Kyiv Independent dẫn nguồn tin từ các cơ quan thực thi pháp luật cho biết, các máy bay không người lái của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã tấn công 2 kho dầu ở thành phố Smolensk của Nga trong đêm 24/4, phá hủy 26.000 mét khối nhiên liệu. Smolensk cách biên giới Ukraine khoảng 500km.

Các phương tiện truyền thông và quan chức Nga cũng thông tin về những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Smolensk cũng như ở Lipetsk và Voronezh đêm 24/4, được cho là nhắm vào các cơ sở năng lượng và công nghiệp.

Nguồn tin của Kyiv Independent cho biết công ty dầu khí Rosneft thuộc sở hữu của nhà nước Nga đã "mất hai cơ sở lưu trữ và bơm nhiên liệu ở Yartsevo và Razdorovo ở Smolensk Oblast". Theo các nguồn tin, hoạt động này được thực hiện bởi các máy bay không người lái của SBU.

Khoảng 26.000 mét khối nhiên liệu của Nga được cho rằng đang lưu trữ tại đây. Các nguồn tin cho hay, sau những vụ nổ mạnh, một đám cháy quy mô lớn đã xuất hiện và hoạt động sơ tán nhân viên tại các cơ sở ngay lập tức bắt đầu.

Nguồn tin nói với Kyiv Independent: "SBU tiếp tục phá hủy một cách hiệu quả các cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga ở Ukraine. Những cơ sở này vẫn đang và sẽ là mục tiêu hoàn toàn chính đáng của Kiev."

Vasily Anokhin, thống đốc tỉnh Smolensk, tuyên bố không có thương vong từ cuộc tấn công, các đội cứu hộ khẩn cấp đang làm việc tại hiện trường.

Ông Anokhin chia sẻ trên kênh Telegram: "Do cuộc tấn công của đối phương vào các cơ sở nhiên liệu và năng lượng, hỏa hoạn đã bùng phát ở Smolensk và Yartsevo. Ngọn lửa đã được khoanh vùng và không có nguy cơ lan ra ngoài các khu vực."

Ukraine phớt lờ những cảnh báo của Mỹ

Trong những tuần gần đây, lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Một cuộc tấn công khác, quy mô lớn, nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga ngày 20/4 được cho là đã gây ra cháy lớn tại bể chứa nhiên liệu ở Smolensk Oblast.

Các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu năng lượng của Nga đã bị các quan chức Mỹ chỉ trích. Washington nói rõ, không ủng hộ các cuộc tấn công của Kiev vào các nhà máy lọc dầu với lo ngại điều này sẽ đe dọa thị trường năng lượng toàn cầu.

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Kiev có quyền sử dụng vũ khí của mình với các cuộc tấn công trả đũa vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Các cuộc tấn công đã buộc Nga phải thực hiện các biện pháp phòng thủ, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu tạm thời trong 6 tháng (bắt đầu từ ngày 1/3 và sẽ kéo dài hết ngày 31/8) và lên kế hoạch sửa chữa các cơ sở lọc dầu bị ảnh hưởng. Các biện pháp này được đánh giá là ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất nhiên liệu và ổn định kinh tế của Moscow.

Hồi tháng 1, Bộ Năng lượng Nga xác nhận xuất khẩu nhiên liệu trong tháng giảm mạnh, với xuất khẩu xăng giảm 37% và dầu diesel giảm 23%, phần lớn là vì những hoạt động sửa chữa cơ sở lọc dầu sau các vụ tấn công của Ukraine.

Kể từ đầu năm 2024, truyền thông Ukraine thống kê có 13 vụ tấn công của Kiev vào các nhà máy lọc dầu ở 9 khu vực của Nga.

Người đứng đầu cơ quan an ninh Ukriane Vasyl Malyuk tuyên bố hồi tháng 3 rằng: "Chúng tôi đã giảm 12% sản lượng lọc dầu ở Nga. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình."

ISRAEL TẤN CÔNG BẮC GAZA, DÂN THƯỜNG THÁO CHẠY

Một số thường dân Palestine đã tháo chạy khỏi nhà của họ ở bắc Gaza hôm 24/4 vì Israel bắn phá mà họ mô tả là cũng khốc liệt như lúc chiến sự bắt đầu chỉ vài tuần sau khi trở về.

Pháo kích chủ yếu dồn vào Beit Lahiya ở rìa phía bắc Gaza trong ngày thứ hai, nơi quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán đến bốn khu vực hôm 23/4 và cảnh báo rằng họ đang ở trong ‘khu vực chiến sự nguy hiểm’.

Sau nhiều tuần tương đối yên tĩnh, Israel hôm 22/4 đã tăng cường tấn công trong đêm, tập trung vào các nơi mà họ đã rút quân trước đó – nhất là phía bắc. Họ nói rằng nhóm phiến quân Hamas không còn nắm quyền kiểm soát nữa.

Quân đội Israel hôm 24/4 cho biết họ đã sẵn sàng mở cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở miền nam mà họ coi là thành trì cuối cùng của Hamas và là nơi duy nhất ở Gaza chưa bị tấn công trên bộ.

Chiến dịch chỉ sẽ được tiến hành khi quân đội được chính phủ phê chuẩn, một quan chức quốc phòng cấp cao của Israel nói với Reuters.

Kế hoạch tấn công vào Rafah, nơi hơn 1 triệu người đã di tản đến, đã gây lo ngại rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Các cơ quan cứu trợ đã cảnh báo về thảm họa nhân đạo khả dĩ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không tấn công Rafah.

Đưa dân thường ra khỏi vùng nguy hiểm là một phần quan trọng trong chiến lược của Israel, một phát ngôn nhân chính phủ cho biết.

Trong vòng 24 giờ qua, các cuộc không kích của Israel đã giết chết ít nhất 79 người Palestine và làm 86 người bị thương, Bộ Y tế Gaza cho biết.

Hai người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một ngôi nhà ở Rafah, bốn người thiệt mạng khi một tên lửa bắn vào đám đông đang đứng bên ngoài một siêu thị trong trại tị nạn Al-Nuseirat và một người thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một ngôi nhà ở Deir Al-Balah, trung tâm Gaza, các quan chức y tế Palestine cho biết.

Cư dân ở phía bắc Gaza và ngoại ô thành phố Gaza cho biết đã xảy ra pháo kích dữ dội.

Israel cho biết các chiến dịch của họ ở Beit Lahiya là nhắm vào các khu vực nơi cánh vũ trang Islamic Jihad liên kết với Hamas đã bắn hỏa tiễn vào hai khu định cư của Israel biên giới của Israel hôm 23/4.

Các mục tiêu khác, bao gồm các trục địa đạo quân sự, các cấu trúc quân sự và một bệ phóng có tên lửa sẵn sàng bắn vào Israel cũng đã bị tấn công, quân đội Israel cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 23/4.

Hôm 24/4, người dân cũng cho biết đã có pháo kích ở trung tâm Gaza xung quanh Al-Nuseirat và Khan Younis, một thành phố ở phía nam nơi quân đội Israel rút lui hồi đầu tháng.

Trong bệnh viện Nasser, cơ sở y tế chính ở miền nam Gaza, giới chức cho biết họ đã tìm thấy thêm các thi thể từ một ngôi mộ tập thể được phát hiện ở đó, nâng tổng số thi thể lên 334.

Người Palestine nói rằng quân Israel đã chôn xác người ở đó bằng máy ủi để che đậy tội ác. Quân đội Israel cho biết quân đội của họ đã đào lên một số thi thể tại địa điểm này và đã chôn cất lại sau khi xét nghiệm để đảm bảo không có con tin trong số đó.

Khi được hỏi về phát biểu của quân đội, Ismail Al-Thawabta, giám đốc văn phòng truyền thông của chính phủ Hamas, nói với Reuters rằng nhiều thi thể này đã được xác định là những người vẫn còn sống khi quân Israel đột kích Bệnh viện Nasser.

“Gia đình của một số tử sỹ cũng xác nhận họ đã liên lạc với người thân trước khi bệnh viện bị bắn phá. Họ đã bàng hoàng khi thấy con của họ đã tử vì đạo và được chôn cất,” Thawabta nói.

Nguồn: Vnexpress; Thương Gia; Soha; CafeF; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang