Cơn lũ hàng 'made in China'; Vốn ngoại vào TQ giảm sâu; Putin thất bại thay thế USD; Ukraine không vào NATO, mắc kẹt bởi 'nút cổ chai'

TRUNG QUỐC KHIẾN PHƯƠNG TÂY ĐAU ĐẦU: VÔ ĐỊCH THIÊN HẠ VỚI HÀNG GIÁ RẺ!

Trung Quốc quả thực vô địch thiên hạ!

Lượng ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đã tăng gấp 5 lần sau 4 năm qua. Các tấm pin mặt trời đến từ đại lục thống trị thị trường toàn cầu, trong khi phân khúc ngành cần nhiều lao động như sản xuất đồ nội thất tăng trưởng chóng mặt.

Mỹ và châu Âu lo sợ làn sóng xuất khẩu như vũ bão này của Trung Quốc. Các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil cũng bắt đầu đặt ra giới hạn mua hàng. Ai nấy đều lo ngại rằng nhà máy của mình sẽ không thể cạnh tranh với một đại lục tự động hoá, hiện đại hoá.

Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Chuỗi cung ứng chi phí thấp sản xuất gần như mọi thứ trên đời. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thúc đẩy các ngân hàng cho vay tiền nhiều hơn để xây dựng nhà máy. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc nỗ lực tìm cách vượt qua các rào cản thương mại. Họ chia nhỏ lô hàng; mỗi kiện có giá trị vừa đủ để được miễn thuế.

Ô tô là mặt hàng xuất khẩu sôi động nhất của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 4 năm, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới với gần 5 triệu chiếc vượt biên giới vào năm ngoái.

“Nhìn vào bản đồ, bạn có thể thấy rằng 80% thị trường có thể chấp nhận ô tô do Trung Quốc sản xuất”, Masashi Matsuyama, người đứng đầu đơn vị đầu tư của Nissan tại Trung Quốc, cho biết.

Được biết, Nissan, Ford, Tesla và BYD đang tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc. Động thái của họ nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô như thế nào, từ đó thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô cập nhật chiến lược về nơi họ sẽ sản xuất và mua bán.

Thế giới ngày càng trở nên phân cực. Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu xem xét tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Một số quốc gia tại Đông Nam Á và Trung Đông nằm trong danh sách được quan tâm. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đều muốn định vị Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu.

Tesla xuất khẩu ô tô sản xuất tại Thượng Hải sang rất nhiều khu vực, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương. Dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho thấy hãng đã xuất khẩu khoảng 344.000 xe ra nước ngoài vào năm ngoái, tăng 27% so với một năm trước đó. Ford, vốn đang vật lộn với doanh số bán hàng sụt giảm ở Trung Quốc, hiện đang nhắm tới thị trường Đông Nam Á và châu Mỹ. Họ cho biết đã xuất khẩu hơn 100.000 xe từ Trung Quốc vào năm ngoái.

Tại Thái Lan, thị phần của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản truyền thống bao gồm Toyota và Nissan đã giảm xuống 78% vào năm 2023 từ mức 85% một năm trước đó. Nguyên nhân phần lớn do các thương hiệu Trung Quốc chiếm doanh số áp đảo. Thành công chủ yếu đến từ chính sách giá rẻ bất ngờ.

Theo The New York Times, động lực đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc một phần đến từ khao khát thoát thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà ở - nơi từng được coi là động lực của nền kinh tế Trung Quốc. Bong bóng nhà đất kéo dài hàng thập kỷ khiến giá căn hộ lao dốc. Hàng chục nhà phát triển bất động sản cạn tiền.

Bắc Kinh hy vọng doanh số khởi sắc cùng hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào các nhà máy sản xuất sẽ bù đắp phần nào đà suy thoái hiện hữu. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy màn đặt cược của Bắc Kinh đang có kết quả. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ hàng năm 6,6% trong ba tháng đầu năm nay, tức nhanh hơn dự kiến. Đầu tư sản xuất và xuất khẩu dẫn đầu.

“Chúng tôi dự báo xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng 2% vào năm 2024 sau khi giảm 5% trong năm 2023. Nếu xuất khẩu chậm hơn dự kiến, các nhà hoạch định chính sách sẽ chủ động thúc đẩy nhu cầu trong nước”, Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquaria, cho biết.

Các ngân hàng Trung Quốc đang đổ tiền vào doanh nghiệp sản xuất. Chính sách vay lãi suất thấp đồng nghĩa với việc các công ty có thể đủ khả năng xây nhà máy và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển.

Ngoài ra, nhiều thành phố lớn trên cả nước cũng đang cạnh tranh hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương, trong đó, Thâm Quyến giúp các nhà sản xuất ô tô điện như BYD có được bảo hiểm xuất khẩu, mua tàu và thành lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển ở nước ngoài. Cảng Thiên Tân cũng đang nâng cấp bến và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, bùng nổ xuất khẩu diễn ra khi Trung Quốc sở hữu năng lực sản xuất gần 1/3 hàng hóa thế giới - nhiều hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.

Các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels gần đây đã thực hiện các bước sơ bộ nhằm hạn chế thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài các sản phẩm năng lượng mặt trời, họ tập trung vào ô tô điện, tua bin gió và thiết bị y tế. Hôm thứ Tư, Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi tăng mạnh thuế đối với thép và nhôm từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những lần thực thi thuế quan trước đây đã giúp Trung Quốc sống sót. Bản thân nước này cũng ký kết 21 hiệp định thương mại tự do với 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam và Thái Lan - hai trong số những quốc gia mà phương Tây cũng đang theo đuổi. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu sang Đông Nam Á đã tăng 75% trong 4 năm qua.

Các công ty Trung Quốc như Shein dần trở nên thành thạo hơn trong việc lách thuế quan, gửi các gói hàng trực tiếp đến Mỹ. Mỹ cho phép người dân nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá lên tới 800 USD/ngày mà không phải trả thuế, hoặc gần 300.000 USD/năm.

Theo Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu tại Forrester, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng một chuỗi giá trị rộng lớn đến mức hầu hết mọi nguyên liệu và thành phần cần thiết đều có thể tìm mua trong nước. Sản xuất tại đại lục theo đó có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp và được vận hành trên quy mô lớn.

KINH TẾ TRUNG QUỐC KHÓ CÀNG THÊM KHÓ: VỐN NGOẠI GIẢM SÂU

Đầu tư nước ngoài vào của Trung Quốc đã giảm 26,1% trong quý I, xuống còn 301,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương 41,7 tỷ USD.

Đây cũng là quý I hàng năm yếu nhất kể từ năm 2020, theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố. Quy mô vốn đầu tư nước ngoài vào nước này giảm dần trong 3 tháng qua, từ 113 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 1, xuống 102 tỷ nhân dân tệ vào tháng 2 và 90 tỷ nhân dân tệ tháng qua.

Ji Xiaofeng, một quan chức của Bộ Thương mại cho biết sụt giảm một phần là do mức cơ sở cao trong cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý IV/2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc quý I tăng 41% và cơ cấu đầu tư được cải thiện.

Phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao tháng trước, Phó giám đốc cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc Xu Zhibin cho rằng diễn biến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc "về cơ bản phù hợp với xu hướng toàn cầu".

Nền kinh tế số hai thế giới đang nỗ lực thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Cường cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực then chốt nhằm tạo ra một "Trung Quốc cởi mở hơn" và hợp tác với thế giới.

Hôm thứ sáu (19/4), Trung Quốc công bố các biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh có dấu hiệu một số tập đoàn công nghệ đang cân nhắc rời đi.

Cụ thể, Bộ Thương mại nước này cho biết sẽ hỗ trợ các tổ chức nước ngoài phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ trong nước, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư chiến lược nước ngoài vào các công ty niêm yết của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng khuyến khích các công ty công nghệ nước ngoài huy động tiền thông qua phát hành trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào các công ty công nghệ Trung Quốc và sẽ phê duyệt "một cách hiệu quả" cấp phép đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.

PUTIN NHẬN THẤT BẠI VỚI KẾ HOẠCH THAY THẾ ĐỒNG ĐÔ

Tổng thống Nga Putin từng nhấn mạnh việc đô la Mỹ suy giảm tầm quan trọng là "không thể đảo ngược", nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy thế giới đang quay lưng với đồng bạc xanh.

Theo trang Newsweek, những bình luận bằng hình thức trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng 8 năm ngoái có thể là một cách khác để chỉ trích phương Tây về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng mong muốn truất ngôi đồng đô la Mỹ của ông Putin chưa có dấu hiệu gì trở thành hiện thực vào lúc này.

Nga đã cam kết sẽ "phi đô la hóa" nền kinh tế của mình, loại bỏ tiền tệ từ các quốc gia "không thân thiện", nhưng một biểu đồ được nguồn tin tài chính Barchart đăng lên mạng xã hội X hôm 15/4 cho thấy sự thống trị của đồng bạc xanh vẫn được duy trì.

"Đô la Mỹ đã được sử dụng trong 48% giao dịch thanh toán quốc tế vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng BRICS...", Barchart nhận định bên cạnh biểu đồ cho thấy đồng euro chiếm 23,2% giao dịch, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tụt lại phía sau với mức 3,47%.

Jay Zagorsky - phó giáo sư về thị trường, chính sách công và luật tại Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston (Mỹ) - nói với Newsweek rằng: "Nhiều nước lớn như Nga và Trung Quốc cũng như các nước nhỏ như El Salvador đang nỗ lực tìm ra cách để phi đô la hóa thương mại quốc tế. Đây là lý do tại sao ông Putin đưa ra tuyên bố của mình."

Tổng thống Putin coi các quốc gia BRICS là chìa khóa cho tầm nhìn của ông nhằm xoay chuyển nền kinh tế thế giới khỏi phương Tây, đồng thời tự hào rằng các khoản đầu tư và giao dịch giữa các thành viên BRICS với nhau đã tăng gấp 6 lần.

Mỗi nước BRICS đều gặp một vấn đề lớn

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới từ năm ngoái, ảnh hưởng của BRICS đang gia tăng, tăng từ mức chiếm 18% GDP toàn cầu năm 2010 lên 26% vào năm 2021. Với sáu quốc gia thành viên mới gia nhập vào đầu năm nay, khối này sẽ chiếm khoảng 29% GDP thế giới.

Ông Zagorsky nói: "Các nước BRICS muốn đồng tiền của họ được sử dụng trong thương mại thế giới, nhưng mỗi nước đều gặp phải một vấn đề lớn, ngăn cản các nhà giao dịch chấp nhận đồng tiền của họ."

"Trung Quốc có các biện pháp kiểm soát tiền tệ, nhằm hạn chế số tiền có thể ra vào nước này. Rất khó để một công ty Trung Quốc thuyết phục người ngoài chấp nhận tiền Trung Quốc nếu họ không thể rút tiền ra khỏi Trung Quốc", Zagorsky nói.

"Nga không chỉ kiểm soát tiền tệ mà còn chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, hạn chế tiền bằng đồng rúp chảy vào và ra khỏi nước này", Zagorsky nói.

Theo trang Newsweek, các thành viên BRICS đã bắt đầu thanh toán các giao dịch bằng đồng nội tệ thay vì đồng đô la Mỹ để giảm chi phí giao dịch và hạn chế khả năng tiếp xúc với biến động toàn cầu.

Ví dụ, vào tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ cho biết, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - đơn vị lọc dầu hàng đầu của nước này - đã sử dụng đồng rupee để mua dầu.

Ấn Độ đã hưởng lợi từ vị thế quốc gia "thân thiện" với Nga, Nga đã tăng doanh số bán dầu cho Ấn Độ. Nhưng Bloomberg đưa tin vào tháng 9/2023 rằng, việc này đã gặp phải những trở ngại khác khi Moscow không thể tiếp cận tài sản bằng đồng rupee ở các ngân hàng Ấn Độ do những hạn chế của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.

Moscow cũng thông báo rằng họ sẽ hợp tác với các thành viên BRICS để phát triển một loại tiền dự trữ thay thế, và Tổng thống Putin cho biết tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của BRICS rằng, động thái như vậy đang "đạt được động lực".

Nhưng phó giáo sư Zagorsky tin rằng tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ sẽ không sớm suy giảm. Ông nói: "Đồng đô la có thể mất đi sự thống trị của mình nếu một quốc gia lớn khác trên thế giới quyết định loại bỏ mọi biện pháp kiểm soát vốn, chỉ có ý định hòa bình với các quốc gia khác và kiểm soát lạm phát."

"Tôi không thấy Nga từ bỏ cuộc chiến ở Ukraine hay Trung Quốc sẽ sớm có thái độ thoải mái hơn với việc tiền tệ rời khỏi đất nước họ. Nếu không có các quốc gia khác thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến đồng đô la Mỹ duy trì sự thống trị của mình trong thương mại thế giới", Zagorsky nhận định.

UKRAINE KHÓ VÀO NATO: NGA VUI, EU MÉO MẶT

Việc Ukraine gia nhập EU mà không vào NATO sẽ khiến Nga hài lòng, nhưng một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu sẽ thiệt hại hàng trăm tỷ euro.

Theo giới phân tích, việc Ukraine không vào NATO mà chỉ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp đất nước này, hay đúng hơn là những gì còn lại của nó có thể tách khỏi Nga. Giải pháp này là điều có lợi cho Moscow, nhưng đồng thời sẽ khiến các nước thành viên châu Âu khác không hài lòng.

Theo đó, điều này có lợi cho Nga bởi Moscow sẽ lập được một vùng đệm với NATO trong một khoảng cách nhất định, không có bất kỳ thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nào áp sát Nga, mở rộng phạm vi kiểm soát của thế giới phương Tây sang phía Đông.

Theo giới phân tích, bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến việc kết nạp Ukraine vào EU đều phải được xem xét ở góc độ Euro-Atlantic rộng hơn. Việc Ukraine từ chối NATO và chỉ gia nhập EU sẽ có lợi lớn, bởi khi đó, Liên bang Nga sẽ không có lí do gì để nổi giận, nguy cơ xảy ra xung đột sẽ mất đi.

Hiện nay, nhiều người ở châu Âu không thích sự gián đoạn trong lối sống thông thường của họ do cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và được tạo ra một cách giả tạo. Thế nhưng, việc Liên minh châu Âu kết nạp Ukraine cũng khiến nhiều nước châu Âu không hài lòng.

Theo các nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu châu Âu Bruegel, một think tank uy tín hoạt động trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, đã tính toán rằng việc Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu sẽ rất tốn kém, làm giảm nghiêm trọng nguồn thu của các quốc gia thành viên khác.

Khi Ukraine đã là thành viên của EU, thì trong chương trình tài chính từ năm 2021-2027, Liên minh châu Âu sẽ phải phân bổ lại nguồn trợ cấp, cắt bớt tài trợ của một số nước khác để chuyển sang cho Kiev, mà theo ước tính, trợ cấp cho riêng quốc gia này sẽ vượt quá 100 tỷ euro.

Cần lưu ý rằng quỹ ngân sách EU hỗ trợ các nước thành viên bao gồm nhiều loại khác nhau, nhưng cơ bản chỉ có hai chương trình chính là “Gắn kết chính sách” và “Chính sách nông nghiệp chung”.

Hơn nữa, trong khuôn khổ chương trình “Chính sách nông nghiệp chung”, Kiev có thể nhận được 75-85 tỷ euro, vượt xa cả nước dẫn đầu trong lĩnh vực trợ cấp nông nghiệp là Pháp với 66 tỷ euro, gần gấp đôi so với Tây Ban Nha (46 tỷ euro), Đức (43,5 tỷ euro) và Ý (40 tỷ euro).

Với thời điểm hiện nay, vẫn không có ai lo lắng về điều này nhưng chỉ ngay khi Ukraine đặt 1 chân vào EU, nông dân ở các quốc gia này sẽ lập tức ý thức được sự nguy hại của nó và đốt lốp xe trên khắp châu Âu.

Đối với chương trình “Chính sách gắn kết”, Kiev có thể trông cậy vào nguồn tài trợ bổ sung với số tiền gần 32 tỷ euro và dĩ nhiên là ngân sách đóng góp của các nước lớn châu Âu sẽ tăng lên, số tiền phân bổ cho các nước khác sẽ bị cắt xén để chuyển sang cho Ukraine.

Xét theo cách các cường quốc châu Âu đang kịch liệt chống lại việc Ukraine gia nhập EU, nhanh chóng đưa ra nhiều lý do và trở ngại khác nhau, thì giới lãnh đạo của những nước này đã nhận thức rõ ràng về mọi thứ.

Mặc dù vậy, một số nước thành viên EU do London và Washington kiểm soát đang nỗ lực thúc đẩy việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh và dần dần hiện thực hóa những gì họ mong muốn là “càng có nhiều người ghét Nga ở EU thì tổ chức này sẽ càng có thái độ thù địch với Moscow”.

Giới chuyên gia nhận định rằng, việc Ukraine gia nhập EU sẽ gây bất lợi cho một số nước thành viên của Liên minh, nhưng quyết định chính trị trên thực tế đã được đưa ra, không phải ở thủ đô của tất cả các nước châu Âu, mà ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương (ám chỉ Mỹ).

Do đó, việc kết nạp Kiev có thể bị trì hoãn nhưng chắc chắn là nó sẽ được thực hiện, bất kể việc nhiều nước châu Âu có hài lòng hay không.

UKRAINE THIẾU PHÒNG KHÔNG, NGA TẤN CÔNG MẠNH

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, Ukraine thiếu phòng không ở mặt trận và điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quân Nga tấn công mạnh, tiến nhanh.

Theo ISW, do sự suy thoái của hệ thống phòng không Ukraine ở mặt trận, không quân Nga đã hỗ trợ cho những thành công nhanh chóng và nhất quán của quân Nga trên mặt đất, bao gồm cả ở "tâm chấn" Chasov Yar.

Các nhà phân tích quốc phòng tin rằng, hệ thống phòng không vẫn còn hạn chế và xuống cấp khiến Kiev mắc kẹt trong "nút cổ chai", cho phép máy bay Nga hoạt động tự do và không bị đe dọa trong một số khu vực quan trọng của mặt trận.

Việc máy bay Nga có thể hoạt động tương đối thoải mái ở độ sâu hơn 100km trong không phận Ukraine gần tiền tuyến mà không bị tổn thất đáng kể cho thấy hệ thống phòng không trong khu vực chưa đủ khả năng ngăn chặn hoặc bắn hạ máy bay không quân Nga.

Khả năng Kiev tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào máy bay chiến lược Nga đang tham gia hoạt động tập kích có thể tạm thời hạn chế các hoạt động trên không của đối phương, như họ đã từng làm với máy bay chiến thuật trước đây.

Tuy nhiên, khả năng tấn công này của họ không thể bù đắp cho thiếu hụt nghiêm trọng về năng lực phòng không trên toàn bộ mặt trận. Lực lượng Kiev phải xác định cách phân bổ các phương tiện phòng không hạn chế. Điều này dẫn đến khó khăn đáng kể.

Những nhận định đáng chú ý trong báo cáo ngày 19/4 của ISW:

Thứ nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa tuyên bố ý định của Nga nhằm chiếm Kharkov trong một chiến dịch tấn công quy mô lớn trong tương lai.

Như vậy, ông trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Điện Kremlin công khai xác định thành phố này có thể là mục tiêu hoạt động của Moscow sau những cảnh báo gần đây từ Kiev rằng quân đội Nga có thể cố gắng chiếm giữ thành phố bắt đầu từ mùa hè năm 2024.

Thứ hai, các quan chức Ukraine cho biết, lực lượng Kiev đã lần đầu tiên bắn hạ một máy bay Nga tiến hành tấn công tên lửa vào đêm 18 rạng sáng ngày 19/4, chứng tỏ họ khả năng có thể hạn chế Nga thực hiện chiến dịch tấn công chống lại Ukraine.

Thứ ba, hệ thống phòng không Ukraine vẫn còn hạn chế và xuống cấp, cho phép máy bay Nga hoạt động tự do và không gặp mối đe dọa trong một số khu vực quan trọng của mặt trận.

Thứ tư, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng Kiev cần nguồn cung cấp đạn pháo, hệ thống phòng không, hệ thống pháo binh và tên lửa tầm xa cũng như máy bay chiến đấu của phương Tây, vì Ukraine tiếp tục gặp phải những hạn chế như những "nút cổ chai", do sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

Thứ năm, lực lượng Nga gần đây đã có những tiến bộ được xác nhận tại các mặt trận Bakhmut, Avdiivka và Donetsk.

Thứ sáu, Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục mở rộng quân khu Leningrad mới được cải tổ để chuẩn bị cho một cuộc xung đột thông thường quy mô lớn dự kiến với NATO trong tương lai.

Nguồn: CafeBiz; Vnexpress; Soha; CafeF; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang