Cơn lũ lịch sử ở TQ; Loạt tỷ phú nhờ trà sữa ở TQ; Startup TQ sợ hãi; Gia tăng rủi ro ở Trung Đông; Canh bạc ngàn tỉ đô của Ả Rập

CƠN LŨ ‘TRĂM NĂM CÓ MỘT' SẮP TÀN PHÁ TRUNG QUỐC

Người dân Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đang trong tình trạng cảnh giác cao độ khi chính quyền dự báo nước trên sông sẽ đạt mức “trăm năm có một” vào sáng 22/4.

Cơ quan phòng chống lũ lụt và thiên tai tỉnh Quảng Đông vào chiều 21/4 cho biết nước lũ ở sông Bắc Giang, một nhánh phía nam của sông Châu Giang, dự kiến sẽ đạt đỉnh 37,3 mét vào lúc 1h sáng 22/4 (giờ địa phương), tức cao hơn đường cảnh báo khoảng 5,8 mét.

Tính đến tối 20/4, nước sông đã vượt mức cảnh báo tại 20 trạm giám sát dọc tuyến đường thủy này.

Từ 19/4, miền Bắc và miền Tây Quảng Đông đã hứng chịu mưa bão dữ dội, phá kỷ lục về lượng mưa trong tháng 4 ở nhiều nơi.

Các thành phố Thanh Viễn, Thiều Quan, Huệ Châu và thủ phủ Quảng Châu bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, phát cảnh báo lũ lụt và mưa bão trong ba ngày liên tiếp.

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng đều có lượng mưa từ 200-350mm kể từ đầu tháng.

Tính đến 8h sáng 21/4, tại Thiều Quan ghi nhận 584,4 mm mưa trong tháng, cao hơn nhiều so với kỷ lục 417 mm vào tháng 4 năm ngoái.

Hàng chục cảnh báo mưa đá và giông bão cũng được đưa ra trên toàn tỉnh, bao gồm cảnh báo màu cam cho các quận Quảng Châu, Đông Hoản, Dương Giang và Dương Sơn ở Thanh Viễn. Màu cam là mức cảnh báo cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo mưa bão bốn cấp của Trung Quốc.

Dự kiến, mưa lớn hơn sẽ đổ bộ khắp Quảng Đông - một trong những tỉnh đông dân nhất nước này - trong ba ngày tới, trong đó miền bắc Quảng Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo trung tâm, ở miền trung và miền bắc Quảng Đông, đông bắc Quảng Tây và miền nam Giang Tây, lượng mưa tích lũy trong tháng được dự báo sẽ đạt 150-300 mm và vượt quá 400 mm ở một số khu vực.

Sở phòng chống thiên tai tỉnh kêu gọi các ngành “làm hết sức mình” để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Bộ Tài nguyên nước ở Bắc Kinh cũng cử ba nhóm công tác đến Quảng Đông vào 21/4. Các quan chức được yêu cầu đảm bảo có sẵn các hệ thống bao gồm giám sát và cảnh báo sớm, điều động kiểm soát lũ, phân luồng lũ, nhiệm vụ tuần tra và cứu hộ khẩn cấp.

Hàng trăm người đã phải sơ tán khỏi nhà của họ ở Thanh Viễn và Thiều Quan. Chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào. Mưa lớn gây ngập úng và lở đất nghiêm trọng, buộc một số dịch vụ tàu hỏa phải tạm dừng và một số đường cao tốc đóng cửa.

Thời tiết xấu cũng khiến hàng chục chuyến bay tại sân bay Quốc tế Bạch Vân ở Quảng Châu bị chậm trễ.

Ông Richard Liang - người đi qua các khu vực bị ảnh hưởng trên chuyến tàu cao tốc từ tỉnh Hồ Nam vào sáng 21/4, cho biết, mưa bão dường như đã ngừng ở các khu vực chính nhưng lũ lụt trông rất “khủng khiếp”.

“Trời không mưa nhưng bầu trời u ám. Nhìn từ xa, nước Bắc Giang dâng cao, đục ngầu. Tầng trệt của các tòa nhà cạnh sông, hồ bị ngập”, ông nói. Ô tô cũng bị hư hỏng, cây cối đổ rạp và đất nông nghiệp ngập.

Đây là trận lũ lớn thứ hai xảy ra tại tỉnh này trong tháng này. Giông bão đổ bộ vào khu vực phía Nam Quảng Châu cách đây hai tuần, thời điểm bắt đầu mùa lũ sớm nhất kể từ năm 1998. Hơn 800 người đã phải sơ tán khi nước dâng cao nhưng không có thương vong.

HÀNG LOẠT TỶ PHÚ MỚI Ở TRUNG QUỐC SAU CƠN SỐT TRÀ SỮA

Sự bùng nổ của trà sữa trân châu đã tạo ra ít nhất 6 tỷ phú ở Trung Quốc trong những năm qua.

Trà sữa chân châu, loại đồ uống có vị ngọt làm từ trà và sữa, kết hợp cùng trân châu làm từ bột sắn dai, mềm, được tạo ra ở Đài Loan vào những năm 1980. Sự phổ biến của loại đồ uống này tạo ra hàng loạt tỷ phú ở Trung Quốc trong đó có Wang Xiaokun và Liu Weihong, đôi vợ chồng sáng lập Sichuan Baicha Baidao Industrial Co., chuỗi cửa hàng trà sữa lớn thứ ba Trung Quốc.

Công ty chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong ngày 23/4 và dự kiến huy động hơn 300 triệu USD từ bán cổ phiếu, trở thành công ty niêm yết lớn nhất ở Hong Kong kể từ tháng 11/2023 với định giá gần 4 tỷ USD. Wang và Liu trở thành tỷ phú với tài sản 2,7 tỷ USD dựa theo giá trị 73% cổ phần nắm giữ.

Hai đối thủ của Baicha Baidao cũng dự kiến IPO là Guming Holdings, công ty lớn thứ hai trên thị trường trà sữa Trung Quốc với 9.000 cửa hàng và Auntea Jenny Shanghai Industrial Co., doanh nghiệp lớn thứ tư trong thị trường.

Mixue Group, tập đoàn trà sữa lớn nhất Trung Quốc, đang cân nhắc IPO. Công ty có 36.000 cửa hàng, gần bằng quy mô của Starbucks, chuỗi cửa hàng cà phê của Mỹ. Mixue do hai anh em Zhang Hongchao và Zhang Hongfu thành lập năm 1997. Theo Bloomberg, mỗi người nắm giữ tài sản ròng 1,5 tỷ USD.

Ngành kinh doanh trà sữa nổi lên mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trà giá rẻ bởi nền kinh tế Trung Quốc đối mặt khó khăn trong những năm gần đây và người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ.

Động thái này đẩy Nayuki Holdings, công ty trà sữa trân châu cao cấp, vào tình thế khó khăn. Với 1.800 cửa hàng, giá cổ phiếu của Nayuki giảm gần 90% kể từ lúc IPO ở Hong Kong ba năm trước. Tài sản của Peng Xin và Zhaolin, hai nhà sáng lập Nayuki, giảm từ 2,2 tỷ USD năm 2021 xuống dưới 300 triệu USD hiện nay.

Baicha Baidao khởi nguồn từ năm 2008, thời điểm Wang bắt đầu bán trái cây và trà trân châu ở một cửa hàng nhỏ gần trường học tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, nơi có đồ ăn cay nổi tiếng và là quê hương của gấu trúc.

Tới năm 2020, Wang phát triển mạng lưới cửa hàng lên 531, kết quả kinh doanh phất lên mạnh mẽ khi anh bắt đầu áp dụng mô hình nhượng quyền. Chiến lược của Wang là phát triển công thức pha chế, sau đó bán nguyên liệu trái cây và lá trà cho các cửa hàng nhượng quyền. Bằng cách này, chi phí vận hành chuỗi cửa hàng thấp hơn so với đối thủ Nayuki, công ty phải chi tiền lương cho nhân viên và cửa hàng nhiều hơn do trực tiếp điều hành.

Năm 2022, doanh thu của Baicha Baidao là 580,3 triệu USD, tăng 16% so với năm trước. Lợi nhuận tăng 24% lên 132,3 triệu USD. Để nâng cao nhận thức thương hiệu với người tiêu dùng, công ty tài trợ các lễ hội âm nhạc, sự kiện văn hóa bên cạnh chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Hồi tháng 6/2023, công ty nhận nuôi một con gấu trúc trong Trung tâm nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô.

Chuỗi cửa hàng Baicha Baidao mở rộng nhanh chóng với mạng lưới hơn 8.000 chi nhánh. Đồ uống tiêu biểu là trà sữa trân châu nhài, trà khoai môn trân châu, chè xoài bưởi bột báng. Các cốc trà 500 ml có giá hơn 2 USD trong khi giá trung bình toàn ngành là gần 5 USD. Hồi tháng 1, họ mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại Hàn Quốc.

"Khi nói đến trà sữa, người ta ít trung thành với nhãn hiệu mà luôn chọn giữa nhiều thương hiệu", Jason Yu, giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Greater, công ty nghiên cứu tiêu dùng chi nhánh ở Thượng Hải, nhận xét. "Vì vậy, nhãn hàng nào có nhiều cửa hàng hơn sẽ có cơ hội được người tiêu dùng nhìn thấy nhiều hơn".

Tuy nhiên, theo Yu, thành công chủ yếu phụ thuộc vào kiểm soát chi phí và cung cấp sản phẩm phù hợp giá tiền. "Người tiêu dùng chú ý hơn tới giá trà sữa vì các thương hiệu không thực sự khác biệt", ông nói. "Các sản phẩm tương tự vì đều là hỗn hợp trà cùng nguyên liệu khác như trái cây".

GIỚI STARTUP TRUNG QUỐC SỢ HÃI: CÀNG LÀM CÀNG SAI NÊN CHẲNG AI DÁM LÀM!

Tại thời điểm năm 2018, Trung Quốc có 208 kỳ lân, cao hơn Mỹ với 151 thì hiện nay xứ sở tỷ dân chỉ còn 171 kỳ lân, chỉ bằng ¼ so với 658 kỳ lân tại Mỹ.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay giới khởi nghiệp và ngành công nghệ Trung Quốc từng là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, thậm chí trở thành người đi tiên phong trong một số lĩnh vực, đáng để các nước phát triển học tập.

Thế nhưng kể từ vụ vạ miệng của Jack Ma năm 2020 khiến chính quyền Bắc Kinh quyết tâm chấn chỉnh lại giới khởi nghiệp và ngành công nghệ, Trung Quốc đã dần đánh mất đi hào quang vốn có của mình.

Thời hoàng kim đã qua

Theo Nikkei, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ ở mảng trí thông minh nhân tạo (AI), điện mặt trời và xe điện cách đây vài năm.

Thậm chí trong một số lĩnh vực cụ thể như nhận dạng khuôn mặt, các startup Trung Quốc còn hoạt động tốt hơn cả những tập đoàn lớn của Mỹ.

Tuy nhiên giờ đây, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc lại đi sau rất nhiều trong mảng AI, để các tập đoàn Mỹ bỏ xa.

Nguyên nhân rất đơn giản, những trung tâm phát triển AI phụ thuộc rất lớn vào nguồn chip bán dẫn nước ngoài, nhưng Mỹ lại đang siết chặt nguồn cung này với Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng xoay sở với sự ra mắt dòng điện thoại 5G của Huawei cùng bộ vi xử lý tự thiết kế nhưng chúng bị đánh giá là vẫn lạc hậu công nghệ.

Trong 4 năm qua, khoảng cách sản xuất chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng từ 2 thế hệ lên 5 thế hệ khi các tập đoàn nước ngoài nỗ lực phát triển công nghệ này, còn xứ sở tỷ dân thì vẫn chưa thể bắt kịp.

Xét về quy mô, các tập đoàn phát triển AI tại Trung Quốc cũng nhỏ hơn so với Mỹ. Hiện công ty dẫn đầu Trung Quốc về mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI chỉ có vốn hóa thị trường là 33,7 tỷ USD và tạo ra 91 triệu USD doanh thu liên quan đến AI trong quý 4/ 2023. Con số này nhỏ hơn nhiều so với mức định giá 80 tỷ USD của OpenAI, cha đẻ ChatGPT, và khoản doanh thu 2 tỷ USD của hãng này.

Câu chuyện vốn trong mảng AI là cực kỳ quan trọng khi việc phát triển các mô hình LLM đang tiêu tốn hàng trăm triệu USD và có thể lên đến hàng tỷ USD khi ngày càng nhiều tập đoàn cỡ lớn nhảy vào tham chiến.

Thế nhưng việc đào tạo các mô hình đòi hỏi nguồn vốn lớn này đang làm khó cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc sau quãng thời gian bị chấn chỉnh bởi chính quyền Bắc Kinh.

Năm 2018, hai công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Alibaba và Tencent Holdings có giá trị thị trường xấp xỉ 62% giá trị thị trường của hai công ty công nghệ lớn nhất Mỹ là Microsoft và Apple. Giờ đây, Alibaba và Tencent cộng lại chỉ có giá trị bằng 9% Microsoft và Apple.

Hiện 7 hãng công nghệ lớn nhất Mỹ là Apple, Microsoft, Nvidia, Tesla, Meta, Alphabet và Amazon có tổng vốn hóa thị trường là 13,2 nghìn tỷ USD. Trong khi đó 7 hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc chỉ có giá trị hơn 1 nghìn tỷ USD.

Không làm không sai

Theo Nikkei, ngành công nghệ Trung Quốc đang kém sáng tạo hơn trước vì lo ngại vi phạm các quy định của chính phủ.

Năm 2018, hàng loạt những xu thế mới như ứng dụng chia sẻ cho thuê xe đạp, tích hợp ứng dụng mạng xã hội và thanh toán trực tuyến, nền tảng video ngắn Tiktok...đều khiến thế giới phải chú ý. Tại thời điểm đó, dường như Trung Quốc là nơi khơi mào những xu thế nóng bỏng nhất của làng công nghệ toàn cầu.

Thế nhưng hiện nay, số lượng các kỳ lân, những startup được định giá 1 tỷ USD tại Trung Quốc dần suy giảm, nhất là kể từ khi Jack Ma phải vào ở ẩn vì cú vạ miệng năm 2020.

Tại thời điểm năm 2018, Trung Quốc có 208 kỳ lân, cao hơn Mỹ với 151 thì hiện nay xứ sở tỷ dân chỉ còn 171 kỳ lân, chỉ bằng ¼ so với 658 kỳ lân tại Mỹ.

Rất rõ ràng, tâm lý "càng làm càng sai, không làm không sai" đang lan rộng trong ngành công nghệ.

Sự chấn chỉnh của chính quyền Bắc Kinh không chỉ khép chặt nguồn vốn mà còn tác động lan rộng đến nhu cầu thị trường, nguồn lao động cũng như khả năng sáng tạo, tinh thần dám thử, dám sai của cộng đồng khởi nghiệp.

Cách đây 6 năm, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đổ tiền vào khởi nghiệp nhiều hơn so với Mỹ. Thế nhưng vào năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc chỉ bằng ¼ so với Mỹ.

Nhiều chuyên gia có thể cho rằng những lệnh cấm vận của Mỹ đã ảnh hưởng đến nguồn vốn, nhưng sự hồi phục của Huawei lại cho thấy đây không phải vấn đề lớn với ngành khởi nghiệp nếu Trung Quốc thực sự muốn thúc đẩy mảng này.

Sợ hãi

Tờ Nikkei cho hay câu chuyện nguồn vốn chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong ngành công nghệ lẫn khởi nghiệp Trung Quốc.

Đặc trưng của mảng này là tinh thần dám đặt câu hỏi, dám thử và dám sai. Thế nhưng hàng loạt động thái chấn chỉnh ngành trò chơi điện tử, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến và tài chính online đã tàn phá tinh thần này.

Hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền, quốc hữu hóa một phần công ty tư nhân hay yêu cầu tái cơ cấu những tập đoàn lớn như Alibaba đã tạo nên bầu không khí sợ hãi bao trùm.

Theo Nikkei, ngày nay các doanh nhân Trung Quốc quan tâm đến việc liệu hoạt động kinh doanh của họ có thu hút sự chỉ trích của các cơ quan quản lý hay không hơn là liệu sản phẩm của họ có tạo sự đột phá trên thị trường.

Tất nhiên, mọi chuyên gia đều hiểu chính quyền Bắc Kinh cần thiết lập lại sự kiểm soát với những ông trùm ngành công nghệ đang dần đi quá giới hạn. Thế nhưng động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sự sáng tạo của toàn ngành công nghệ.

Hiện nay các cơ quan chức năng Trung Quốc mới là bên lựa chọn lĩnh vực công nghệ để tập trung nguồn lực chứ không phải thị trường. Số liệu của Rhodium Group cho thấy ngân sách chính phủ Trung Quốc đang chiếm đến 60% tổng nguồn tài chính đầu tư cho hệ sinh thái khoa học công nghệ ở nước này.

Tuy vậy, sự hoạch định mang tính hành chính chủ quan này rất dễ dẫn đến thất bại khi tương lai phát triển công nghệ cũng như sự đột phá của thị trường là thứ không ai có thể đoán trước.

Lấy ví dụ như AI, chẳng ai nghĩ rằng Microsoft sẽ thành công khi đổ 10 tỷ USD cho OpenAI khi Google mới là ông lớn đi tiên phong trong mảng này. Thậm chí chính OpenAI cũng thừa nhận ChatGPT là một sản phẩm chưa sẵn sàng khi tung ra thị trường và ban lãnh đạo đã hoàn toàn bất ngờ về sự thành công này.

Ngay cả Elon Musk, người nổi tiếng với tầm nhìn công nghệ cũng mắc sai lầm khi từ bỏ OpenAI để rồi giờ đây hối tiếc, quay lại đầu tư từ đầu cho công nghệ AI.

Cuối cùng, dù Trung Quốc có thể thành công với một số lĩnh vực công nghệ trong ngắn hạn nhưng tờ Nikkei cho rằng môi trường tự do, tinh thần khởi nghiệp cởi mở mới nuôi dưỡng được sự phát triển lâu dài.

RỦI RO CHIẾN TRANH LAN RỘNG NGÀY CÀNG HIỆN HỮU Ở TRUNG ĐÔNG

Quân đội Israel đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt giữa lúc các cuộc tấn công bên ngoài Gaza tiếp tục diễn ra, làm gia tăng lo lắng về viễn cảnh xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Trang tin Axios mới đây tiết lộ Washington đang lên kế hoạch áp đặt trừng phạt đối với tiểu đoàn Netzah Yehuda của Israel, đơn vị đang hoạt động ở Bờ Tây. Quân đội Israel cho hay họ không biết về kế hoạch nào như vậy, song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 21.4 tuyên bố ông sẽ kiên quyết chống lại mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào lực lượng vũ trang nước này, theo Reuters.

Cùng lúc, "chảo lửa" Trung Đông tiếp tục nóng lên. Reuters đưa tin ít nhất 5 quả rốc két đã được phóng từ thị trấn Zummar ở Iraq nhắm đến một căn cứ quân sự Mỹ tại miền bắc Syria trong đêm 21.4.

Một nhóm trên Telegram có liên hệ với tổ chức bán quân sự Kataib Hezbollah cho biết các phe phái vũ trang thân Iran ở Iraq đã quyết định tái tổ chức tấn công lực lượng Mỹ sau gần 3 tháng tạm dừng. Tuy nhiên, Kataib Hezbollah sau đó đã bác bỏ thông tin này. Một quan chức Mỹ tiết lộ vụ tấn công không gây ra thương vong cho quân nhân nước này.

Trong khi đó, lực lượng Hezbollah hôm 21.4 thông báo họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Israel đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở miền nam Li Băng, củng cố những lo ngại về nguy cơ leo thang giao tranh xuyên biên giới.

Trong một diễn biến khác, Israel ngày 22.4 thông báo thiếu tướng Aharon Haliva, lãnh đạo Tổng cục Tình báo quân sự thuộc quân đội Israel, đã từ chức sau khi nhận trách nhiệm về những sai lầm dẫn đến vụ tấn công của Hamas ở miền nam Israel vào ngày 7.10.2023, theo AFP.

Ả RẬP SAUDI & CANH BẠC NGÀN TỶ USD

Trong khuôn khổ của Sáng kiến Tầm nhìn 2030, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman muốn biến quốc gia của ông thành trung tâm du lịch và điểm đến lý tưởng dành cho người lao động nước ngoài.

Thời tiết khắc nghiệt - mưa lớn vào mùa đông, bão cát vào mùa xuân và nhiệt độ có thể vượt ngưỡng 49 độ C vào mùa hè - là một trong những thách thức đối với tham vọng kể trên. Mục tiêu của chính phủ Ả Rập Saudi là mỗi năm thu hút 70 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, tăng từ 27 triệu của năm 2023.

Để làm được điều này, Thái tử Mohammed đã triển khai một loạt dự án đồ sộ với chi phí lên đến 1.000 tỉ USD, trong đó có siêu đô thị Neom với "xương sống" là thành phố tuyến tính thông minh The Line.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, chính phủ Ả Rập Saudi đã hạ dự đoán về dân số năm 2030 của Neom từ 1,5 triệu xuống còn chưa đến 300.000 người, chủ yếu vì họ không nhận được nhiều đầu tư nước ngoài như kỳ vọng.

Dù vậy, quốc gia này vẫn phát triển dự án biển Đỏ (một khu nghỉ dưỡng khác ở phía Tây của thành phố ốc đảo AlUla) cũng như dự án Qiddiya ("thành phố giải trí" ở thủ đô Riyadh với điểm nhấn là tàu lượn siêu tốc "nhanh nhất thế giới").

Nói về tầm quan trọng của du khách đối với quốc gia vốn phụ thuộc vào doanh thu nhiên liệu hóa thạch, các bộ trưởng Ả Rập Saudi mô tả khách du lịch theo cách "không thể Trung Đông hơn": Dầu mỏ mới.

Sau khi xem loạt bài quảng bá du lịch Ả Rập Saudi được người nổi tiếng đăng trên mạng xã hội, hàng chục chuyên gia tư vấn cho giới siêu giàu Nga quyết định đặt chân đến quốc gia này.

"Trước đó, chẳng ai nghe về Ả Rập Saudi hoặc nghĩ đến chuyện ghé thăm đất nước này" - du khách Nga Maksim Sivaev chia sẻ tại khu nghỉ dưỡng Banyan Tree AlUla.

Theo ông Sivaev, sẽ có thêm nhiều "đại gia" Nga cân nhắc du lịch và đầu tư, bởi Ả Rập Saudi có tiềm năng trở thành một địa điểm thu hút như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Soha; Thanh Niên; Người Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang