Mỹ: Tesla xuống vực thẳm; Lốc xoáy càn quét miền Trung; Trump thách thức Biden; Viện trợ 6 tỷ đô cho Ukraine; Quan hệ với TQ vẫn tắc

TESLA RƠI XUỐNG VỰC THẲM: TỪ ĐỈNH CAO GIỜ CHẬT VẬT TÌM ĐƯỜNG SỐNG, BỊ CEO XEM NHƯ “CÂY ATM” RÚT TIỀN

Các chuyên gia nhận định, con đường sống duy nhất của Tesla hiện tại là Elon Musk phải rời đi.

Tesla lại đang trên bờ vực nguy hiểm. Doanh số bán hàng đang chậm lại ngay cả sau khi công ty giảm giá mạnh các mẫu xe. Họ cũng tuyên bố sa thải 10% lực lượng lao động trên toàn thế giới – tương đương 14.000 người. Công ty đã phải thu hồi những chiếc xe bán tải Cybertruck đã giao đến tay khách hàng do lỗi bàn đạp ga. Cuối cùng, vị thế của Tesla tại Trung Quốc, một quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của hãng, đang ngày càng lung lay.

Theo đánh giá của BI, hiện chỉ có một người duy nhất phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn của Tesla và cũng chỉ có một người duy nhất có thể cứu Tesla: Elon Musk.

Trong vài năm qua, Tesla dường như không thể bị ngăn cản, nhưng trong thời kỳ đỉnh cao đó, Musk đã không thực hiện bất kỳ chiến lược nào có thể bảo vệ công ty khỏi cuộc chiến giá xe điện toàn cầu đầy khắc nghiệt. Công ty đang đốt tiền mặt nhiều chưa từng có, mất thị phần và nắm giữ nhiều hàng tồn kho cũ hơn bao giờ hết.

Tesla đã báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên vào thứ ba tuần này và không đạt được kỳ vọng chung, mặc dù Phố Wall đã dự đoán điều tồi tệ nhất. Dòng tiền tự do giảm đáng kinh ngạc 674% khi Tesla tập trung vào nghiên cứu AI và cải thiện vốn. Lợi nhuận gộp giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 19,3% xuống 17,4% so với cùng kỳ. Nếu ví Tesla như một chiếc ô tô thì đây là lúc mọi người sẽ bắt đầu nghe thấy nó phát ra âm thanh lạch cạch.

Vấn đề của công ty không phải là vấn đề vượt qua "địa ngục sản xuất" hay "địa ngục giao hàng" trên một mẫu xe mới. Địa ngục ít nhất cũng là một địa điểm xác định rõ ràng. Vấn đề của Tesla hiện giờ là họ không có định hướng rõ ràng.

Việc một công ty có trong tay bao nhiêu tiền mặt không quan trọng nhưng nếu họ dự định dùng số tiền đó chi cho những sản phẩm chưa sẵn sàng mở rộng quy mô — chẳng hạn như robotaxi hay những mẫu xe lỗi thời thì lại đáng phải xem xét. Thứ mà các nhà đầu tư muốn thấy là một kế hoạch cụ thể cho một đội xe Tesla hoàn toàn mới được tạo ra cho một thị trường xe điện tinh gọn hơn.

Musk dường như có thể hiểu điều đó: Đầu tháng này, ông đã phủ nhận một bài báo của Reuters rằng công ty đã hủy bỏ kế hoạch cho Model 2 - một chiếc Tesla trị giá 25.000 USD dành cho thị trường đại chúng. Đây là chiếc xe mà thị trường mong muốn, nhưng trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, Musk chỉ đề cập đến những kế hoạch mơ hồ nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất.

Vấn đề là nếu đã theo dõi Tesla trong suốt thập kỷ qua, bạn sẽ ngầm hiểu những mốc thời gian mà công ty và CEO của họ đặt ra thường không đáng tin cho lắm. Ngay cả những cổ đông trung thành nhất của Musk – như Ross Gerber của công ty đầu tư Gerber Kawasaki – cũng tỏ ra nghi ngờ.

Trong một cuộc phỏng vấn sau báo cáo kết quả kinh doanh của Tesla, Gerber nói rằng ông “không thể tin” vào những gì công ty nói về các mốc thời gian nữa. Và trong cuộc họp, Musk đã dành nhiều thời gian để nói về tầm nhìn xa vời của mình đối với đội xe taxi robot giống Uber hơn là chiếc ô tô tiếp theo mà ông có thể bán với công nghệ hiện có.

Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn xe điện Sino Auto Insights nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi muốn nói rằng ít nhất 8 đến 9 năm nữa họ mới có thể khiến taxi robot hoạt động”.

Vấn đề là, Musk không có 8 hay 9 năm để cứu Tesla. Ở Trung Quốc, các đối thủ cạnh tranh có thể sản xuất ô tô với chi phí thấp hơn nhiều. Mặt khác, các nhà sản xuất ô tô truyền thống thì đang dựa vào doanh số bán xe động cơ đốt trong và xe hybrid để vượt qua khó khăn trong bối cảnh nhu cầu ô tô điện đang suy giảm.

Nếu thị trường Trung Quốc khó khăn thì thị trường phương Tây cũng không hề “dễ xơi”. Chính vì vậy, Tesla đang bị kẹt ở giữa. Công ty cần một nhà lãnh đạo nghiêm túc với những ý tưởng thực tế. Họ cần một nhà lãnh đạo có năng suất cao và tập trung cao độ, người có thể đưa ra Model 2 nhanh nhất, đúng hẹn nhất.

Hôm thứ ba, Musk đã giải quyết tình trạng sa thải gần đây bằng cách nói rằng Tesla cần tái cơ cấu chính mình cho một “giai đoạn tăng trưởng mới”. Ông đã đúng, Tesla cần một cuộc cải tổ lớn - bắt đầu từ chính Musk.

Đáng nói, lẽ ra Tesla đã không phải trải qua giai đoạn đen tối như thế này. Vào năm 2020, công ty này đứng đầu thế giới. Nhà máy ở Thượng Hải của họ bắt đầu sản xuất những chiếc xe giá rẻ, lợi nhuận cao hơn. Họ đang xây dựng một nhà máy ở Đức và một nhà máy khác ở Texas. Họ bán được nhiều xe hơn bao giờ hết. Lợi nhuận ổn định hàng năm đã dẫn đến sự phục hồi rực rỡ của thị trường chứng khoán và Phố Wall vui mừng.

Nhưng Musk đã làm gì trong những ngày vinh quang đó? Ông đã bán một loạt cổ phiếu Tesla của mình để mua Twitter. Công ty SpaceX của Musk thất bại trong một vài lần phóng và làm nổ một số tên lửa. Musk cũng nỗ lực để Neutral Link cấy chip não vào một đàn khỉ.

Tại Tesla, Musk đã giao khoảng 4.000 chiếc Cybertruck – mỗi chiếc trong số đó đã bị thu hồi do lỗi – đồng thời làm tiêu tan mọi thiện chí mà công ty có với các khách hàng cốt lõi của mình. Một CEO có tầm nhìn thực sự sẽ tận dụng được lợi thế mà Tesla đã phát triển trên thị trường xe điện. Họ lẽ ra phải thực hiện nghiên cứu để cố gắng hiểu nhu cầu về xe điện sẽ như thế nào sau khi cơn sốt ban đầu bắt đầu qua đi. Họ cần biết loại người mua nào sẽ tham gia thị trường ở giai đoạn đó và loại xe nào mà người mua đó muốn.

Suốt nhiều năm, các nhà phân tích đã cảnh báo Musk rằng sự cạnh tranh đang đến, không chỉ từ các nhà sản xuất ô tô truyền thống mà còn từ chính thị trường Trung Quốc, nơi đã thúc đẩy thành công của Tesla. Thị phần của Tesla trên thị trường ô tô Trung Quốc đã giảm xuống 6,7% trong quý 4 năm 2023 từ mức 10,3% vào đầu năm.

Để duy trì vị trí dẫn đầu, Tesla lẽ ra phải tập trung đặc biệt vào việc chế tạo Model 2 - giảm thang giá xuống mức có nhiều khách hàng hơn. Nhưng công ty này đã ngừng đổi mới, Model 2 chưa thành hiện thực và việc Musk nhận ra rằng công ty cần cung cấp một chiếc Tesla dành cho số đông có thể đã quá muộn.

Thay vì thúc đẩy doanh số bán hàng bằng một lựa chọn mới ấn tượng hoặc dễ tiếp cận, Tesla đã cố gắng kích thích nhu cầu bằng cách hạ giá một cách thất thường các mẫu xe hiện có để tăng doanh số. Điều này đã không diễn ra như kế hoạch: Doanh thu ô tô giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ suất lợi nhuận gộp trong bộ phận ô tô giảm xuống 14,8% từ mức 18% một năm trước.

Tesla luôn là một công ty "tăng trưởng", một đối thủ đầy triển vọng cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Nhưng giờ đây, công ty đã bước vào một giai đoạn phát triển mới - đó là một công ty lớn, trưởng thành và việc tiếp tục phát triển đòi hỏi lượng vốn, kỷ luật và sự tập trung lớn hơn. Kể từ sau năm 2020, Tesla bắt đầu không còn giống một nơi mà Musk thúc đẩy sự đổi mới liên tục về ô tô mà giống một nơi mà Musk tìm nguồn tiền mặt để làm bất cứ điều gì khác mà ông ấy muốn hơn.

Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý, Musk đưa ra hàng triệu lý do giải thích tại sao quý này lại tệ đến vậy – xung đột ở Biển Đỏ, vụ đốt phá nhà máy ở Berlin, cập nhật tại Nhà máy Fremont. Ông khẳng định Tesla không phải là một công ty ô tô mà là một công ty chế tạo robot AI và từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào về Model 2.

Đáp lại, Phố Wall dường như không đồng tình với Musk: Cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 40% trong năm tính đến thứ ba và đã giảm hơn 60% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 11/2021.

Tại thời điểm này, các cổ đông đang lo ngại hơn rằng Musk có thể lãng phí nguồn lực của Tesla vào các dự án phụ. Nếu Model 2 không xuất hiện càng sớm càng tốt, điều đó đồng nghĩa với với việc Tesla vẫy cờ trắng trong cuộc chiến xe điện toàn cầu trong tương lai gần. Hãy quên đi sự tăng trưởng - giờ đây, công ty lẽ ra là ông trùm xe điện của nước Mỹ cần phải tìm ra con đường để sống sót.

Khi Musk bước vào cuộc chiến xe điện, Tesla là người chơi duy nhất. Nhưng từ đó, Trung Quốc đã trở thành một tay chơi quyền lực về xe điện, các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng bắt đầu bước chân vào cuộc chơi. Mọi thứ đã thay đổi và ban lãnh đạo của Tesla cần phải thay đổi theo nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

LỐC XOÁY CÀN QUÉT MIỀN TRUNG NƯỚC MỸ

Ngày 26/4, hàng chục cơn lốc xoáy đã quét qua khu vực miền Trung nước Mỹ, san bằng nhiều nhà cửa và khiến ít nhất 3 người bị thương.

Theo giới chức địa phương, Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) đã ghi nhận hơn 70 cơn lốc xoáy trên khắp nước này, chủ yếu xảy ra tại Omaha bang Nebraska.

Cảnh sát thành phố Omaha cho biết lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, với hàng trăm ngôi nhà bị san bằng hoặc bị tốc mái, nhiều cây bị quật đổ tại khu ngoại ô Elkhorn. Hình ảnh ghi lại được cho thấy những cơn gió xoáy đen kịt hất tung mọi thứ trên đường đi của nó. Thành phố Omaha với 485.000 dân là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Cảnh sát và lực lượng cứu hỏa đang phải đi từng nhà để giải cứu những người còn mắc kẹt trong các ngôi như bị hư hại.

Xa hơn về phía Nam, gần thủ phủ Lincoln của bang Nebraska, một cơn lốc xoáy đã làm sập mái của một nhà kho công nghiệp. Rất may, lực lượng chức năng đã kịp sơ tán 70 người ở bên trong nhà kho này và ghi nhận 3 người trong số này đã bị thương. Trong khi đó, ở phía Đông Bắc Lincoln, gần Waverly, gió mạnh đã khiến một đoàn tàu trật khỏi đường ray. Trang Poweroutage.com ghi nhận khoảng 11.000 hộ gia đình bị mất điện ở Nebraska do lốc xoáy cắt đứt đường dây điện.

NWS cảnh báo những cơn lốc xoáy sẽ tiếp diễn vào ngày 27/4 ở vùng đồng bằng miền Trung cho tới phía Nam nước Mỹ, trong đó các bang Iowa, Kansas, Missouri, Oklahoma và Texas được khuyến cáo đề phòng với hiện tượng này. Lốc xoáy thường xảy ra ở Mỹ, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam.

TRUMP ĐƯA RA LỜI THÁCH THỨC TRANH LUẬN VỚI BIDEN Ở BẤT CỨ ĐÂU

Cựu tổng thống Trump tuyên bố ông sẵn sàng tranh luận với Tổng thống Joe Biden "ở bất cứ đâu", kể cả tòa án hay Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/4 trả lời phỏng vấn trên chương trình phát thanh Sirius XM rằng ông sẵn sàng "vui vẻ tranh luận" với cựu tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa có dự tính về thời điểm và địa điểm hai người gặp nhau tranh luận.

Đội ngũ của ông Trump đã nhanh chóng phản ứng sau khi Tổng thống Biden công khai đồng ý tranh luận. Chris LaCivita, cố vấn tranh cử cấp cao cho Trump, lập tức đăng trên mạng xã hội X thông điệp: "Được rồi, hãy đặt lịch thôi".

Vài tiếng sau, Tổng thống Trump bắt đầu đăng hàng loạt bình luận trên mạng xã hội Truth Social nhắm vào ông Biden.

Cựu tổng thống Mỹ cho rằng người kế nhiệm "không nói thật lòng", nhưng ông đề xuất tranh luận trong các tối 29-30/4 và 1/5 khi ông đến Michigan vận động tranh cử.

Trong một đăng tải khác, Trump bày tỏ bức xúc về vụ kiện chi tiền bịt miệng ở New York "thực chất là can thiệp bầu cử chống lại đối thủ chính trị như cuộc săn phù thủy". Ông cáo buộc phe Dân chủ đứng sau cuộc chiến pháp lý và thách đấu với ông Biden ở New York, "ngay tại tòa án, trước ống kính truyền hình quốc gia".

"Chúng tôi đã sẵn sàng. Cứ thông báo địa điểm rõ ràng. Tôi có thể tranh luận cả ở Nhà Trắng. Nếu làm ở đấy thì thoải mái quá", ông Trump lặp lại thông điệp khiêu chiến với Tông thống Biden khi rời New York vào chiều 26/4.

Đến thời điểm này, chiến dịch tái tranh cử của ông Biden vẫn từ chối cam kết tham gia bất kỳ buổi tranh luận công khai nào với ông Trump, vốn là truyền thống mỗi mùa bầu cử Mỹ kể từ năm 1976. Tổng thống Biden hồi tháng 3 bình luận mọi quyết định tranh luận sẽ được cân nhắc "dựa trên cách hành xử" của cựu tổng thống.

Ông Trump không tham gia bất kỳ cuộc tranh luận nào trong vòng bầu cử sơ bộ vừa qua.

Tổ chức Ủy ban Tranh luận Tổng thống (CPD) đã lên lịch tổ chức ba sự kiện tranh luận giữa các ứng viên, gồm các ngày 16/9 tại Texas, 1/10 tại Virginia và 9/10 tại Utah. Hàng chục hãng truyền thông Mỹ đã gửi thư đề nghị ông Trump và ông Biden cam kết tham gia các buổi tranh luận.

Ông Trump từng chỉ trích CPD "thiên vị" ông Biden, khi hai người tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19. Sau vòng tranh luận thứ hai, ông Trump phát hiện mắc Covid-19 và ông Biden tuyên bố không muốn có thêm bất kỳ buổi tranh luận trực tiếp nào nữa với đối phương.

CHI TIẾT GÓI VIỆN TRỢ 6 TỶ ĐÔ CỦA MỸ CHO UKRAINE

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin ngày 26/4 công bố gói viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine trị giá lên tới 6 tỷ đô la. Ông nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine nhân kỷ niệm 2 năm thành lập: “Điều này sẽ cho phép chúng ta có được những khả năng mới từ ngành công nghiệp Ukraine”. Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ gửi số viện trợ dự kiến “càng sớm càng tốt”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thông báo này “nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với Ukraine”. Ông nhấn mạnh: “Liên minh này sát cánh cùng nhau và chúng tôi sẽ không chùn bước, và chúng tôi sẽ không thất bại” để ngăn chặn sự xâm lược của Nga.

Ông Austin cho biết Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, tập hợp hàng tháng với hơn 50 quốc gia, cũng sẽ hỗ trợ thành lập ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine tự chủ, tăng cường khả năng của Ukraine về phòng không, công nghệ thông tin, rà phá bom mìn và các máy bay không người lái mới cùng nhiều lĩnh vực khác.

Ông Austin nói liên minh này phản ánh một thế giới sôi động chống lại sự xâm lược của Nga đối với Ukraine. Ông nói: “Các quốc gia họp mặt hôm nay đều hiểu những gì đang bị đe dọa đối với Ukraine, Châu Âu, Hoa Kỳ và thế giới”. “Nếu ông Putin thắng ở Ukraine, tình hình an ninh sẽ mang tính toàn cầu.” Ông Austin nhấn mạnh “như Tổng thống Biden đã nói, Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine.”

Ông Austin bày tỏ lòng biết ơn đối với việc Quốc hội Mỹ thông qua gói bổ sung trị giá 95 tỷ đô la, nói rằng gói này sẽ cho phép Ukraine tiếp tục cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ của mình.

Một gói viện trợ khác trị giá lên tới 1 tỷ đô la đã được phê duyệt vào đầu tuần này.

Gói hàng đó đã được trao cho Kyiv theo thẩm quyền rút tiền của tổng thống, hay PDA, và lấy vũ khí, đạn dược và thiết bị từ kho dự trữ của quân đội Hoa Kỳ để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của Ukraine. Nó bao gồm đạn cho HIMARS và đạn 155 mm, cùng với các xe chiến đấu bộ binh Bradley, phi đạn Javelin, Stingers và các nhu cầu quan trọng khác.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Thiếu tướng Pat Ryder, cho biết gói này có thể sẽ bao gồm năng lực phòng không và pháo binh.

Cả hai gói đều nằm trong khoản tài trợ trị giá 61 tỷ đô la của Ukraine được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hôm 24/4. Lần cuối cùng viện trợ bổ sung cho Ukraine được Quốc hội thông qua là vào năm 2022.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 26/4 của của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine do Ngũ Giác Đài chủ trì, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Kyiv cần phi đạn Patriot để tạo lá chắn trên không chống lại các cuộc tấn công phi đạn tiếp theo của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Austin nói nhóm này kể từ tháng 4 năm 2022 đã nỗ lực bằng mọi cách cung cấp hàng triệu viên đạn, hệ thống rốc két, xe bọc thép và thậm chí cả máy bay phản lực để giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.

Ukraine trong nhiều tháng qua ca thán về tình trạng thiếu hụt trên chiến trường, đặc biệt là về đạn dược phòng không và pháo binh. Các quan chức cho biết Ukraine bắn một quả đạn thì Moscow bắn tới 10 quả.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nói với các phóng viên: “Những gì tôi thấy trên chiến trường ngày hôm nay là lực lượng Ukraine đã hạn chế đạn dược và khả năng của mình trong một thời gian khá dài, vì vậy về cơ bản các lực lượng Nga đã giành được thế chủ động”.

Quan chức này cho biết viện trợ mới nhất sẽ giúp Ukraine chiếm thế thượng phong nhưng cảnh báo rằng đây “sẽ không phải là một tiến trình nhanh chóng”.

VẪN CHƯA TÌM ĐƯỢC LỐI THOÁT CHO QUAN HỆ MỸ - TRUNG

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc vừa qua dường như không đạt được bước tiến nào trong việc cải thiện quan hệ 2 nước.

Chiều qua (26.4), Tân Hoa xã đưa tin ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc - Chủ tịch nước Trung Quốc, vừa tiếp Ngoại trưởng Mỹ Blinken.

Trước đó, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc kéo dài từ 24 - 26.4, ông Blinken đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, ông Vương Tiểu Hồng - Bộ trưởng Công an Trung Quốc, và ông Trần Cát Ninh - Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Muôn trùng căng thẳng

Theo bản tin của Tân Hoa Xã, tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng hai nước đã trải qua 45 năm quan hệ ngoại giao với nhiều thăng trầm nên có thể rút ra nhiều bài học. Ông Tập cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên là đối tác chứ không phải là đối thủ; giúp nhau thành công thay vì làm tổn thương nhau; tìm kiếm điểm chung và giải quyết những khác biệt thay vì tham gia vào các cuộc cạnh tranh luẩn quẩn; và coi trọng lời nói bằng hành động hơn là nói một đằng làm một nẻo.

Trong khi đó, tối qua (26.4), website Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đăng tải thông cáo về chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc. Thông cáo nêu: "Hai bên đã có những cuộc thảo luận sâu sắc, thực chất và mang tính xây dựng về những ưu tiên chính trong quan hệ song phương cũng như về một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu".

"Ngoại trưởng đề cập các chính sách và hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc làm bóp méo thương mại hoặc đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta, đồng thời nêu lên mối lo ngại về hậu quả kinh tế toàn cầu do tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc", thông cáo nêu và khẳng định: "Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng tôi cũng như của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, bao gồm ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ để làm suy yếu an ninh và kinh tế quốc gia của chúng tôi mà không hạn chế quá mức thương mại hoặc đầu tư".

Cũng theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ: "Ngoại trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, điều này đang tạo điều kiện cho Nga tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine và làm suy yếu an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương". Bên cạnh đó, ông Blinken còn nêu vấn đề Biển Đông.

Mong manh và dễ mất ổn định

Trả lời Thanh Niên hôm qua, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) đánh giá: "Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh có nhiều xích mích trong quan hệ Mỹ - Trung. Việc bất ngờ thông qua một số dự luật, bao gồm một dự luật cấp vốn cho Đài Loan mua vũ khí từ Mỹ và một dự luật khác yêu cầu ByteDance bán TikTok, khiến chuyến đi thậm chí còn gây tranh cãi hơn dự kiến. Mối quan hệ song phương vẫn còn khá mong manh và khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ càng nóng lên thì quan hệ 2 bên càng mất ổn định".

Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) cho rằng: "Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương căng thẳng, dù hai bên đã có một loạt cuộc gặp cấp cao".

"Ngoại trưởng Blinken đã nêu vấn đề về cách Trung Quốc phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc. Cách ứng xử của Bắc Kinh là một trong những lý do Mỹ có thể viện dẫn để đưa Trung Quốc là "nền kinh tế phi thị trường" và thu hồi các lợi ích thương mại đối với Trung Quốc theo chuẩn của WTO. Tại Bắc Kinh, Blinken đối mặt với những vấn đề an ninh khó khăn. Việc đảm bảo với Trung Quốc rằng Washington không khuyến khích Đài Loan tuyên bố độc lập. Trong khi đó, Nhà Trắng vừa thông qua gói vũ khí mới cho Đài Bắc", vị chuyên gia chỉ ra.

Ông còn cho rằng: "Giao dịch của các công ty Trung Quốc với Nga cũng là một vấn đề gây tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh. Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ mở rộng cuộc chiến kinh tế đang diễn ra chống lại Trung Quốc. Nếu các cuộc tấn công của Iran vào Israel được thảo luận, đây sẽ là khía cạnh mà Trung Quốc có thể hợp tác nhằm làm chệch hướng áp lực của Mỹ trong các vấn đề khác. Tuy nhiên, xét đến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, nước này khó có khả năng đẩy mạnh kiềm chế Iran".

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: "Chuyến công du lần này liên quan chính trị nội bộ của Mỹ nhiều hơn là quan hệ Mỹ - Trung. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết điều đó. Chuyến đi sẽ không mang lại giá trị gì về kinh tế hoặc chính sách đối ngoại nhưng nó sẽ giúp chính quyền Tổng thống Biden thể hiện rằng vẫn đang giao tiếp với người Trung Quốc để hạn chế xung đột thương mại".

"Quan hệ hai nước căng thẳng vì Trung Quốc muốn Mỹ "bỏ rơi" Philippines ở Biển Đông và Đài Loan. Washington thì lại không từ bỏ Manila hoặc Đài Bắc. Vì vậy, chuyến thăm sẽ đạt được rất ít nếu không có gì khác ngoài việc "bày tỏ thẳng thắn" quan điểm", ông Schuster kết luận.

Nguồn: Soha; Báo Tin Tức; Vnexpress; VOA; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang