Mỹ: Sinh viên biểu tình; Cuộc chiến pháp lý với TikTok; Vấn nạn ô nhiễm nhựa; Bí mật chuyển ATACMS cho Ukraine; Lửa cháy đổ dầu thêm

NƯỚC MỸ SỤC SÔI VÌ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH CỦA SINH VIÊN PHẢN ĐỐI CHIẾN SỰ GAZA

Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza bùng phát từ trường đại học ở New York rồi lan ra khắp nước Mỹ.

Phong trào biểu tình ủng hộ Palestine trong xung đột ở Dải Gaza đang diễn ra với quy mô lớn tại các trường đại học trên toàn nước Mỹ, khi sinh viên dựng lều trại, kiểm soát các tòa nhà trong khuôn viên trường, phớt lờ yêu cầu giải tán của cảnh sát. Hàng chục người đã bị bắt, đối mặt cáo buộc xâm phạm, gây mất trật tự công cộng.

Phong trào phản chiến tăng nhiệt từ khi sinh viên, giảng viên Đại học New York và Đại học Columbia tuần trước dựng lều biểu tình trong khuôn viên trường, xô xát với cảnh sát, khiến hàng trăm người bị bắt và Nhà Trắng phải lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Tại bang Connecticut, cảnh sát ngày 22/4 bắt 48 người biểu tình, chủ yếu là sinh viên Đại học Yale, sau khi họ không chịu rời nơi cắm trại ở trung tâm khuôn viên trường.

Hiệu trưởng Yale Peter Salovey cho biết đám đông từ chối đề nghị chấm dứt biểu tình và gặp ban giám hiệu. Sau nhiều lần cảnh báo, nhà trường tuyên bố tình hình trong khuôn viên "không còn an toàn" để cảnh sát có thể giải tán khu lều trại và bắt những người phản kháng.

Tại vùng trung tây Mỹ ngày 23/4, cảnh sát giải tán nhóm biểu tình dựng gần 40 lều ở khuôn viên Đại học Michigan, bắt giữ 9 người biểu tình tại Đại học Minnesota. Hàng trăm người đã tụ tập tại khuôn viên Đại học Minnesota vào chiều cùng ngày, yêu cầu trả tự do cho 9 người này.

Tại Bờ Tây, Đại học Bách khoa California tuyên bố đóng cửa khuôn viên trường trong hai ngày sau khi người biểu tình chiếm một tòa nhà tối 22/4. Ba người biểu tình đã bị cảnh sát bắt. Các lớp học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Các nhóm biểu tình cũng dựng 30 lều tại Đại học California.

Trước làn sóng biểu tình leo thang, Ivy League, nhóm 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ, tuyên bố chuyển sang hình thức học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho đến hết học kỳ.

Trong khi đó, Đại học Harvard ở Massachusetts đã chuẩn bị trước bằng cách khóa phần lớn cổng vào khu Harvard Yard, kiểm tra giấy tờ ra vào, dựng biển cấm dựng lều trái phép.

Nhiều chuyên gia cấp cao tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang kêu gọi nhà trường cắt quan hệ nghiên cứu trực tiếp từ Bộ Quốc phòng Israel.

Kể từ khi Hamas ngày 7/10/2023 tấn công miền nam Israel khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã mở chiến dịch quân sự trên toàn bộ Dải Gaza với mục tiêu phi quân sự hóa vùng đất và loại bỏ hoàn toàn Hamas.

Chiến dịch gây nhiều tranh cãi về khủng hoảng nhân đạo. Theo cơ quan y tế Gaza, chiến dịch trả đũa của Israel đã khiến hơn 34.000 người thiệt mạng trên dải đất, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. IDF trong khi đó tuyên bố đã hạ hơn 13.000 thành viên Hamas và sẽ tiếp tục chiến dịch đến cùng.

Sau khi chiến sự Gaza bùng phát, hàng loạt trường đại học ở Mỹ đã phải vật lộn để cân bằng giữa an ninh an toàn và hoạt động tự do ngôn luận. Theo AP, nhiều cuộc biểu tình được châm chước, song giới chức đang áp các biện pháp kiểm soát, kỷ luật mạnh tay hơn đối với làn sóng phản chiến tại các trường đại học.

CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ MỸ - TIKTOK BẮT ĐẦU

Hôm 24/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật, đặt ra thời hạn để ứng dụng mạng xã hội TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ.

Ngay lập tức, Giám đốc điều hành TikTok tuyên bố sẽ kiện chính phủ Mỹ vì dự luật, cảnh báo một lệnh cấm tiềm năng sẽ gây ra hậu quả cho 7 triệu doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.

Theo luật vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký, công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc sẽ có 9 tháng để bán TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ. Dự luật cũng sẽ cấm ByteDance kiểm soát thuật toán của TikTok.

Thời hạn cho Byte Dance sẽ kết thúc vào ngày 19/1/2025 - một ngày trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden hết hạn, nhưng ông có quyền gia hạn thêm 3 tháng nếu nhận thấy ByteDance gần hoàn tất các thủ tục thoái vốn.

Luật được ban hành sau 1 thời gian một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng ứng dụng chia sẻ video phổ biến gây rủi ro cho an ninh quốc gia và có thể bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để lấy dữ liệu riêng tư của công dân Mỹ hoặc gây ảnh hưởng đến ý kiến của họ bằng cách ngăn chặn hoặc quảng bá một số nội dung nhất định trên TikTok.

Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, các điều khoản của luật vừa ban hành rất rõ ràng, phù hợp với những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. TikTok vẫn được tiếp tục hoạt động bình thường cho đến thời hạn Byte Dance phải thoái vốn.

Còn thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre tin rằng, đã có các nhà đầu tư Mỹ sẵn lòng và quan tâm đến việc mua TikTok: “Vì nó liên quan đến Trung Quốc, nước này nên cho phép việc Byte Dance bán TikTok. Giờ đã có luật. Chúng tôi tin rằng có thể đã có các nhà đầu tư Mỹ sẵn lòng và quan tâm đến việc mua TikTok.”

Phản ứng trước bước đi này của Mỹ, Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư tuyên bố sẽ tiến hành các hành động pháp lý ngăn chặn đạo luật mà Mỹ ban hành nhằm chống lại công ty này; đồng thời khẳng định, TikTok sẽ không đi đâu cả: “Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật, Tổng thống đã ký thành luật nhằm cấm TikTok ở Mỹ. Điều đó sẽ khiến TikTok rời xa các bạn, 170 triệu người Mỹ trên nền tảng của chúng tôi. Đây là lệnh cấm đối với TikTok, lệnh cấm đối với bạn và tiếng nói của bạn. Mục tiêu cuối cùng rõ ràng là một điều đáng thất vọng. Đó là sự tấn công vào quyền tự do ngôn luận – giá trị của nước Mỹ. Và tự do ngôn luận chính là lý do tại sao rất nhiều người đã biến TikTok trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả.”

Triển vọng về lệnh cấm TikTok tại Mỹ treo lơ lửng trong nhiều năm qua, nhưng nó gần với thực tế hơn bao giờ hết với luật mà Mỹ vừa ban hành. Dù vậy, câu chuyện vẫn còn bỏ ngỏ vì Trung Quốc từng báo hiệu họ sẽ ngăn chặn một vụ mua bán và TikTok cũng đã tuyên bố đưa luật ra tòa án.

Theo giới phân tích, cấm TikTok, các công ty công nghệ Mỹ - vốn đang phải vật lộn để cạnh tranh với TikTok, bao gồm Meta, Google và ở mức độ thấp hơn là Snap và Amazon sẽ là bên được hưởng lợi. Trên mạng xã hội Truth Social, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ của mình cũng khẳng định Facebook sẽ là người hưởng lợi ngay lập tức nếu TikTok bị cấm tại nước này.

NƯỚC MỸ LAO ĐAO VÌ Ô NHIỄM NHỰA

Rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân Mỹ.

Mỹ từ lâu đã đối diện với ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Chỉ trong một năm, người dân tại quốc gia này đã xả ra môi trường 40 triệu tấn rác thải nhựa - số lượng đủ để nhấn chìm toàn bộ quận Manhattan.

Nền kinh tế số một thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn như: xuất khẩu nhựa, thiêu hủy hoặc chôn cất.

Mỗi năm, Washington đã xuất khẩu 7 triệu tấn nhựa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này trở nên khó khăn khi Bắc Kinh đã cắt giảm việc nhập khẩu nhựa vào năm 2018.

Giờ đây, nước Mỹ đang gặp khó khăn trong tái chế nhựa cũng như thu được lợi nhuận từ điều này. Gần như phần lớn nhựa không được tái chế, chủ yếu là do tốn nhiều chi phí trong việc làm sạch và phân loại rác thải nhựa. Một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy chỉ 9% tổng số nhựa từng sản xuất đã được tái chế, 72% được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

Rác thải nhựa đang để lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Khoảng 430 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới mỗi năm. Chỉ riêng việc tinh chế nhựa đã thải ra đến 235 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Hầu hết nhựa này phân hủy thành các hạt vi nhựa xâm nhập vào không khí, nước mưa, cũng như len lỏi vào cơ thể người. Hiện, gần 95% nguồn cung cấp nước của Mỹ có chứa sợi nhựa.

Ngoài Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia cũng hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa từ Mỹ, Anh và châu Âê. Hiện tại, Mỹ đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế. Một số tập đoàn dầu mỏ như: Chevron và Exxon đang tìm cách biến nhựa thành dầu thô. Trong nỗ lực tìm kiếm năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch, các công ty này đã xây dựng hơn 150 nhà máy nhiệt phân, một hình thức tái chế hóa học làm tan chảy nhựa thành dầu thô để sử dụng, trên khắp nước Mỹ.

Nhiều người đã ủng hộ phương pháp này với việc những nhà máy trên đóng vai trò quan trọng trong phân hủy các loại nhựa khó tái chế. Tuy nhiên, một số khác lại phản đối do chúng thải ra các hạt độc hại cũng như phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của chính phủ.

Dù được nhận định là một giải pháp nhằm tận dụng rác thải nhựa triệt để và hạn chế việc sản xuất nhựa mới, các số liệu cho thấy sản lượng nhựa đã tăng gấp đôi cứ sau 15 đến 20 năm.

“Phương pháp này không bền vững. Chúng tôi không biết cách nào để ngăn chặn tình trạng tồi tệ này” – Tim Miller, Phó chủ tịch tại trung tâm tái chế nhựa Royal Paper Stock tại Ohio cho biết.

Ông nói thêm tác động của biện pháp này rất hạn chế, đồng thời viện dẫn trường hợp cơ sở nhiệt phân tại Oregon vừa tuyên bố đóng cửa sau khi thua lỗ hàng chục triệu USD.

Ngoài ra, người dân tại TP Akron, bang Ohio – nơi chiếm đến 1/4 số công ty sản xuất polymer của Mỹ lại đưa ra phản ứng trái chiều đối với nhà máy nhiệt phân của Alterra Energy. Dù cơ sở này đã góp phần quan trọng trong tái chế nhựa để sử dụng thay vì đưa đến các bãi rác hoặc lò đốt, nó lại tác động tiêu cực đến môi trường cũng như đe dọa đến sức khỏe của người dân khi thải ra các chất gây ô nhiễm và ung thư như: thủy ngân, benzene và asen, cũng như đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng việc giảm sản xuất nhựa hoàn toàn có thể thực hiện được. Abou-Ghalioum của công ty môi trường Buckeye cho biết hơn 500 thành phố và 12 tiểu bang đã cấm túi nhựa, làm giảm đáng kể việc sử dụng các túi này.

MỸ BÍ MẬT CHUYỂN PHI ĐẠN TẦM XA ATACMS CHO UKRAINE

Hoa Kỳ trong những tuần gần đây đã bí mật chuyển phi đạn tầm xa tới Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nga, và Ukraine hiện đã sử dụng chúng hai lần, một quan chức Mỹ cho biết ngày 24/4.

Quan chức Mỹ giấu tên cho hay các phi đạn này nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt vào ngày 12/3. Quan chức này không cho biết có bao nhiêu phi đạn đã được gửi đi.

Các phi đạn này được sử dụng lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 17 tháng 4, nhắm vào một sân bay Nga ở Crimea, cách chiến tuyến Ukraine khoảng 165 km, quan chức này cho biết.

Vẫn theo nguồn tin vừa kể, Ukraine đã sử dụng vũ khí này lần thứ hai đêm qua để chống lại lực lượng Nga ở đông nam Ukraine.

Có nên gửi Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km sang Ukraine hay không là chủ đề tranh luận trong chính quyền Biden trong nhiều tháng. ATACMS tầm trung được cung cấp vào tháng 9 năm ngoái.

Ngũ Giác Đài ban đầu phản đối việc triển khai phi đạn tầm xa vì lo ngại việc mất phi đạn khỏi kho dự trữ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Cũng có lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Quan chức Mỹ cho biết, việc Nga sử dụng phi đạn đạn đạo tầm xa do Triều Tiên cung cấp để chống lại Ukraine vào tháng 12 và tháng 1, bất chấp những cảnh báo công khai và riêng tư của Mỹ về việc không làm như vậy, đã dẫn đến sự thay đổi này.

Quan chức này nói, một yếu tố nữa trong quyết định của Mỹ là việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

“Chúng tôi đã cảnh cáo Nga về những điều đó”, quan chức này nói. “Họ đã đổi mới mục tiêu của họ.”

Vào cuối tháng 1, quân đội Hoa Kỳ đã tìm ra cách để giải quyết mối lo ngại của họ về mức độ sẵn sàng của quân đội, điều này giúp chính quyền có thể tiến lên phía trước. Họ bắt đầu mua các phi đạn mới từ dây chuyền sản xuất của công ty Lockheed-Martin.

Ông Biden đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình vào giữa tháng 2 và đồng ý chấp nhận khuyến nghị của các cố vấn về việc gửi phi đạn tới Ukraine. Tham gia cuộc thảo luận có cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân C.Q. Brown.

Thách thức vào thời điểm đó là tìm ra cách trả tiền cho phi đạn. Hoa Kỳ đã cạn kiệt tất cả các lựa chọn tài trợ và sự bế tắc của Quốc hội đã cản trở việc tiếp tục viện trợ.

Một cơ hội xuất hiện vào tháng 3, khi một số hợp đồng của Ngũ Giác Đài được đưa ra đấu thầu. Ông Biden đã có thể sử dụng số tiền chênh lệch để gửi 300 triệu đô la hỗ trợ cho Ukraine.

Quan chức này cho biết, ông Biden đã yêu cầu nhóm của mình đưa ATACMS tầm xa vào gói tài trợ này, nhưng thực hiện một cách bí mật để duy trì an ninh cho hoạt động và tạo bất ngờ cho Ukraine.

MỸ ĐANG ĐỔ THÊM DẦU VÀO ĐỐNG LỬA UKRAINE

Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.

Sau nhiều tranh luận, cuối cùng Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine, tiếp tế cho đồng minh đang cạn vũ khí trong cuộc đối đầu quân sự với Nga.

Trước diễn biến mới này, ngày 23/4 phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đưa ra quan điểm chính thức của Nga khi tuyên bố rằng điều này sẽ không thể tạo ra khác biệt nào trên chiến trường và Ukraine sẽ vẫn thất bại. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tự tin rằng sau quyết định viện trợ thì Ukraine vẫn có cơ hội chiến thắng Nga.

Hồi kết của cuộc chiến với phần thắng sẽ nghiêng về bên nào trong cuộc xung đột hiện nay thì phải một thời gian dài nữa mới ngã ngũ, khi cả hai đã đối đầu dai dẳng suốt hơn 2 năm qua và đang ở giai đoạn chiến tranh tiêu hao. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn mà các nhà phân tích khẳng định là cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ tiếp tục khốc liệt sau khi Ukraine được bơm thêm viện trợ.

Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD. Trong số này có khoảng 23 tỷ USD sẽ được sử dụng để bổ sung vũ khí, khí tài dự trữ và cơ sở vật chất cho quân đội Ukraine từ kho vũ khí của Mỹ và gần 14 tỷ USD dùng để giúp Ukraine mua vũ khí hiện đại và các phương tiện phòng thủ từ các nước khác.

Điều này đồng nghĩa hơn một nửa trong số tiền gần 61 tỷ USD của gói viện trợ là dùng để bơm thêm vũ khí cho Ukraine. Khoản viện trợ này được Nhà Trắng đề xuất từ tháng 10 năm ngoái và hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua vì coi đây là vấn đề an ninh quốc gia.

Nhưng phải mất nửa năm tranh cãi cuối cùng dự luật này mới được phê chuẩn, phản ánh sự chia rẽ trong quan điểm ủng hộ cuộc chiến trong chính giới Mỹ, khác với sự đồng thuận của các đảng ở giai đoạn đầu xung đột.

Đại diện phát ngôn của phía Nga liên tục cho rằng quyết định viện trợ của Mỹ sẽ chỉ hủy hoại Ukraine hơn nữa khi kéo dài cuộc chiến và qua đó làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong khi đó, chiến trường Ukraine đang tiếp tục cho thấy đây thực sự là “lò xay” nhiều nhất các loại vũ khí tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Trong cuộc đối đầu có phần hụt hơi trước Nga vốn có tiềm lực quân sự dồi dào hơn, quân đội Ukraine luôn rơi vào tình trạng thiếu hụt vũ khí đạn dược. Ngay trước khi Hạ viện Mỹ phê chuẩn viện trợ, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo với các đồng minh rằng nước này đang cần nhiều hơn hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa để giảm thiệt hại nhân lực trên tiền tuyến.

Ông Zelensky cũng thừa nhận bối cảnh xung đột là quân đội Ukraine đang hứng chịu nhiều thương vong do thiếu vũ khí, nhất là vũ khí tầm xa. Với gói viện trợ khổng lồ mới, Ukraine sẽ được bơm thêm nhiều vũ khí đạn dược nhưng giới chuyên gia không mấy lạc quan về khả năng xoay chuyển tình thế của Ukraine trên chiến trường.

Quân đội Ukraine từng nhận nhiều đợt viện trợ quân sự của Mỹ và các đồng minh khác như Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản… để chuẩn bị cho cuộc phản công hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, kết quả đã không được như kỳ vọng khi nhiều chiến tuyến của Ukraine không những không được mở rộng mà bị sụp đổ ở một số cứ điểm thời gian gần đây. Do đó, các chuyên gia nhận định nhiều khả năng gói viện trợ mới chỉ có tác dụng khiến cuộc chiến thêm khốc liệt hơn.

Nguồn: Vnexpress; VOV; Kinh tế & Đô thị; VOA; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang