Mỹ: Đồng USD tăng mạnh; Tăng cường an ninh mạng ngành cấp nước; Trump vẫn đứng vững; Bị tấn công ở Iraq; Sợ Nga kiểm soát Phi

ĐẰNG SAU ĐÀ TĂNG CỦA ĐỒNG USD LÀ SỨC MẠNH CỦA KINH TẾ MỸ

Tuần trước, chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Đứng sau đà khởi sắc này là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Số liệu doanh số bán lẻ mới nhất cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tiếp tục chi tiêu. Trước đó, các số liệu khác trong tháng này cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang thắt chặt và lĩnh vực sản xuất đang mở rộng.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sức đề kháng của nền kinh tế Mỹ cho phép Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất 23 năm qua để chờ đợi dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm dần về mức mục tiêu 2%.

Nhưng đà giảm của lạm phát đang có dấu hiệu chững lại. Tháng Ba là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát cao hơn dự đoán. Ông Michelle Bowman, một Thống đốc của Fed, cho rằng ngân hàng này có thể cần phải tiếp tục tăng lãi suất hoặc trì hoãn hơn nữa ý định hạ lãi suất.

Nhưng thể trạng của nền kinh tế Mỹ không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy đồng USD. Ông Claudio Irigoyen, chuyên gia cấp cao của ngân hàng Bank of America, nhận định đồng USD mạnh lên do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Bên cạnh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, những căng thẳng địa chính trị cũng đang tác động đến “đồng bạc xanh”. Theo ông Irigoyen nếu căng thẳng tại Trung Đông kéo dài, tình hình này sẽ khiến giá năng lượng tăng mạnh. Cú sốc này sẽ tác động đến châu Âu và Nhật Bản mạnh hơn nhiều so với Mỹ, quốc gia độc lập hơn về năng lượng.

Đối với người tiêu dùng Mỹ, ông Irigoyen cho rằng sức mua của đồng USD gia tăng sẽ giúp hoạt đông tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ. Người dân sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Hàng nhập khẩu rẻ hơn nên các công ty Mỹ cũng sẽ tăng cường nhập khẩu.

Theo chuyên gia này, sự mạnh lên của đồng USD không phải lúc nào cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác, vì một đồng tiền yếu hơn sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của các nước, và đó là cách mà nền kinh tế toàn cầu tìm sự cân bằng. Tuy nhiên, theo ông Irigoyen, đồng USD mạnh không phải là một cú sốc ngoại sinh, mà nó là một phản ứng nội sinh của thị trường với thực tế rằng kinh tế Mỹ đang diễn biến khả quan hơn phần còn lại của thế giới.

Ông Irigoyen cho rằng để đồng USD suy yếu, giữa Mỹ và phần còn lại cần có một sự cân bằng về cả tốc độ tăng trưởng và chính sách tiền tệ. Ông dự đoán khả năng đồng USD suy yếu là rất thấp, vì “đồng bạc xanh” thường đi xuống khi kinh tế Trung Quốc diễn biến tốt hơn Mỹ. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, sức mạnh của đồng USD sẽ giảm xuống nếu không có những căng thẳng địa chính trị, nhưng từ giờ đến cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ, tình hình căng thẳng ở Trung Đông được dự đoán sẽ vẫn tiếp diễn.

MỸ TĂNG CƯỜNG SỐ HÓA VÀ AN NINH MẠNG CHO NGÀNH CẤP NƯỚC

Các thống đốc bang của Mỹ vừa được yêu cầu lập kế hoạch trước ngày 28-6 nhằm tăng cường số hóa và an ninh mạng trong bối cảnh nguy cơ tấn công mạng gây ngưng trệ hệ thống cấp nước ngày càng cao.

Hạ nghị sĩ Rick Crawford và John Duarte đều thuộc đảng Cộng hòa đã đề xuất dự luật thành lập một cơ quan quản lý về số hóa gồm các biện pháp an ninh mạng cho hệ thống nước và hợp tác với Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) để thực thi các quy tắc mới.

Ông Kevin Morley, Giám đốc quan hệ liên bang tại Hiệp hội Công trình nước của Mỹ, cho biết, nhiều cơ sở cung cấp nước cần trợ giúp để bảo mật hệ thống vì không có ngân sách cho các công cụ số hóa hoặc nhân viên an ninh mạng. Hiện chi phí đảm bảo số hóa và an ninh mạng nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều cơ sở cung cấp nước ở Mỹ.

Theo ông Kevin Morley, hiện còn thiếu nhiều chương trình đào tạo về bảo vệ an ninh mạng cơ bản cho nhân viên các cơ sở cấp nước. Trong khi đó, có thể mất vài năm và tiêu tốn hàng triệu USD để nâng cấp thiết bị cũ - đây là một áp lực lớn đối với nhiều bang. Các cơ sở hạ tầng quan trọng trong ngành nước sử dụng công nghệ chuyên dụng cho các quy trình công nghiệp, thường đã có tuổi đời nhiều thập niên và do đó thiếu các biện pháp số hóa và bảo vệ an ninh mạng hiện đại.

Theo Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, tin tặc dễ nhắm vào các cơ sở nước và cơ sở hạ tầng khác, từ đó phá hủy hoặc làm các hỏng hệ thống.

Ông Frank Ury, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cấp nước Santa Margarita, miền Nam California, cho biết, mối lo ngại chính là tin tặc đang ẩn náu trong hệ thống của các cơ sở cấp nước và cuối cùng có thể tiến hành một cuộc tấn công phối hợp ảnh hưởng đến nhiều khu vực cùng một lúc. Ví dụ như cơ sở Santa Margarita, không có giám đốc an ninh thông tin, chi khoảng 15% ngân sách công nghệ cho an ninh mạng và hầu hết các cơ sở cấp nước ở nước Mỹ đều không biết họ đã bị xâm nhập mạng.

Các quan chức thực thi pháp luật và an ninh mạng của Mỹ gần đây đã cảnh báo một số tin tặc được các chính phủ nước ngoài tài trợ đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở cung cấp nước ở Mỹ. Vào tháng 2, FBI cho biết đã ngăn chặn các tin tặc đang ẩn náu bên trong các hệ thống nước và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, một số kẻ xâm nhập đã ẩn náu ít nhất 5 năm. Các chuyên gia về an ninh nước đã cảnh báo, tin tặc cũng có thể điều chỉnh nồng độ hóa chất trong nước, ngừng dòng nước hoặc ngừng hoạt động của hệ thống nước thải.

Hiện EPA chưa ban hành các yêu cầu ràng buộc về an ninh mạng đối với ngành nước. Cơ quan này đã rút lại các hướng dẫn về số hóa và an ninh mạng với hệ thống cấp nước Mỹ vào năm 2023, sau khi các công ty cấp nước và các bang đệ đơn kiện, cáo buộc các quy định này sẽ gây ra chi phí cao cho các cơ sở của họ.

TRUNG VẪN ĐỨNG VỮNG BẤT CHẤP CÁC CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ

Phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu Tổng thống đã bước vào vòng tranh luận hôm 22/4 với những diễn biến kịch tính. Ở thế “nội ứng ngoại hợp” nhờ sự trợ giúp của đội ngũ luật sư và đảng Cộng hòa, có vẻ như ông Trump vẫn đứng vững, dù cuộc chiến pháp lý đã đến hồi cam go.

Mở màn phiên tranh luận hôm 22/4 tại tòa án New York, lợi thế đã không nghiêng về phía ông Trump khi Thẩm phán Juan Merchan cho phép phía công tố được quyền hỏi thêm về những cáo buộc có liên quan đến vụ án đang xét xử. Ngay lập tức, công tố viên quận Manhattan Matthew Colangelo hướng sự tập trung của bồi thẩm đoàn vào một cuộc họp quan trọng hồi năm 2016 giữa ông Trump, cựu luật sư của ông - Michael Cohen và cựu Giám đốc điều hành của công ty American Media- David Pecker ở Tháp Trump. Tại đây, ba nhân vật kể trên được cho là đã lên kế hoạch thực hiện màn “chi tiền bịt miệng” ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels vào đêm trước cuộc bầu cử Tổng thống bằng cách làm giả hồ sơ kinh doanh nhằm “rút lõi” 130.000 USD.

Ngoài ra, phía công tố cũng cáo buộc ông Trump đã cố gắng ngụy tạo khoản thanh toán 420.000 USD cho luật sư riêng dưới dạng dịch vụ pháp lý, sau khi ông Cohen thành công mua được sự im lặng từ bà Daniels để đổi lấy sự ủng hộ từ cử tri.

“Đây chính xác là một vụ gian lận bầu cử”, ông Clolangelo nói.

Ba phát súng đầu tiên vang lên trong phiên tranh luận

Có thể thấy, phe công tố đang cố gắng xoáy sâu vào hành vi làm giả hồ sơ kinh doanh nhằm chứng minh ông Trump đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, thay vì chỉ xem vụ án này là một vụ bê bối tình dục. Luật sư Todd Blanche của cựu Tổng thống đã nhanh chóng phản đòn với ba luận điểm cứng rắn.

Đầu tiên, ông Blanche phản bác cáo buộc của phía công tố cho rằng khoản tiền 420.000 USD là phi pháp. Theo ông Blanche, số tiền này được sử dụng để chi trả cho các dịch vụ pháp lý mà ông Cohen đã cung cấp cho cựu Tổng thống với tư cách luật sư riêng vào lúc bấy giờ.

“Lúc đó, ông Cohen đang là luật sư riêng của hai vợ chồng ông Donald Trump. Việc ông ấy được nhận lương là điều đương nhiên”, ông Blanche nói.

Theo ông Blanche, ông Trump không liên quan đến các hóa đơn do Trump Organization chi trả – được cho là một hình thức “rửa tiền” nhằm hợp pháp hóa khoản phí thanh toán cho cựu luật sư Cohen. Giám đốc tài chính của Tập đoàn Trump Organization Allen Weisselberg là người chịu trách nhiệm bồi hoàn cho ông Cohen 420.000 USD. Số tiền này được chia đều trong vòng 12 tháng kể từ tháng 1/2017, mỗi tháng ông Cohen nhận 35.000 USD và được tập đoàn liệt kê thành chi phí pháp lý.

Ngoài ra, vào ngày 28/10/2016, vài ngày trước trước cuộc bỏ phiếu, bà Daniels khẳng định đã nhận 130.000 USD và ký thỏa thuận giữ kín thông tin. Được biết, thỏa thuận có để dành chỗ trống cho ông Trump, nhưng cựu Tổng thống chưa bao giờ đặt bút. Theo đó, thoả thuận được biên soạn bởi ông Cohen và ông Davidson – người đại diện pháp lý của bà Daniels, có thể được xem là hành động độc lập của riêng cựu luật sư và không liên quan đến cựu Tổng thống.

Cuối cùng, ông Blanche cho rằng thỏa thuận “bịt miệng” không nhằm mục đích ngăn cản cử tri biết tới vụ ngoại tình của cựu Tổng thống, mà là để câu chuyện không đến tai cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ - bà Melania Trump. Theo luật sư Blanche, việc ông Trump “đấu tranh” chống lại những cáo buộc của bà Daniels - những cáo buộc vẫn chưa được chứng thực, là một hành động “bảo vệ hạnh phúc gia đình”.

“Do vậy, đây không phải là một tội ác”, ông Todd Blanche nói.

Đảng Cộng hòa duy trì cuộc chiến bên ngoài phòng xử án

Bên ngoài phòng xử án, cuộc chiến tranh cử vẫn đang tiếp diễn. Trong các bài đăng gần đây trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump khẳng định quyền miễn trừ Tổng thống nên được áp dụng trong trường hợp của mình, do một số sự kiện liên quan đến vụ án "chi tiền bịt miệng" đã xảy ra khi ông còn đương chức.

“Với tư cách là Tổng thống và Tổng tư lệnh Mỹ, tôi có quyền được miễn trừ,” ông Trump viết trong một trong những bài đăng hôm thứ 21/4, đồng thời ẩn ý rằng "cuộc đàn áp chính trị" vẫn chưa chấm dứt.

Tuyên bố bản thân là “nạn nhân của một cuộc đàn áp chính trị” từ cựu Tổng thống đang phát huy hiệu quả thu hút sự ủng hộ của cử tri. Trong một cuộc thăm dò của New York Times/Siena công bố đầu tháng này, 46% cử tri cho rằng ông Trump nên bị kết tội trong phiên tòa xét xử vụ án “chi tiền bịt miệng", chỉ có 37% phản đối.

Giữa lúc ông Trump “mắc kẹt” trong phòng xử án, các đảng viên đảng Dân chủ cũng không bỏ qua cơ hội này để kiếm thêm phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Thống đốc bang Nam Dakota Kristi Noem – một ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế phó Tổng thống trong chính quyền ông Trump đã thẳng thừng chỉ trích những vụ án hình sự mà cựu Tổng thống đang phải đối mặt là “một âm mưu chính trị” ngay trên sóng truyền hình.

“Thật nực cười khi cho đến cận ngày bầu cử, những cáo cuộc chống lại ông Trump mới được đào ra. Nếu thực sự muốn khép tội ông Trump, họ phải làm điều này từ nhiều năm trước. Rõ ràng, mục đích thật sự của họ là ngăn ông ấy có nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng”, bà Noem phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 21/4; đồng thời cho rằng cựu luật sư Michael Cohen – người đang công khai đối đầu với ông Trump, là một người “không đáng tin” vì đã từng ngồi tù vì tội trốn thuế, khai man trước Quốc hội và vi phạm luật tài chính trong tranh cử.

Đảng viên đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene cũng tuyên bố ủng hộ cựu Tổng thống, trong khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson công khai đứng về phía ông chủ cũ của Nhà Trắng trong việc phản đối chính sách nhập cư của chính quyền ông Biden. Tựu chung, 91% đảng viên Cộng hòa vẫn đặt niềm tin vào ứng cử viên tiềm năng Donald Trump, theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Quinnipiac, giúp cuộc chiến bên ngoài phòng xử án vẫn chưa có nhiều chệnh lệch đáng kể.

Cựu Tổng thống vẫn chưa qua cơn nguy hiểm

Hiện không có bằng chứng xác đáng cho thấy Tổng thống Biden có liên quan đến các vụ án hình sự của người tiền nhiệm; tuy nhiên, một số cử tri vẫn nhận định rằng, đây là vụ án bất công mà một đảng viên đảng Cộng hòa phải chịu sự tra xét của công tố viên đảng Dân chủ - ông Alvin Bragg; từ đó dành nhiều sự quan tâm hơn cho ông Trump. Hơn nữa, các sự kiện nảy sinh từ cuộc bầu cử cách đây 8 năm dường như đã quá xa vời và không còn đủ sức nặng để khiến cử tri thay đổi quan điểm đối với cựu Tổng thống. Theo Thống đốc bang Nam Dakota, "nhiều người không thực sự quan tâm đến những gì đang diễn ra trong phiên tòa".

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông Trump đã qua cơn nguy hiểm.

Hiện tại, các công tố viên vẫn từ chối cung cấp cho đội ngũ luật sư danh sách nhân chứng đầy đủ trước mỗi buổi xét xử với lập luận rằng các cuộc tấn công trên mạng xã hội của ông Trump có thể khiến nhân chứng gặp rủi ro và ảnh hưởng xấu đến quá trình xét xử. Việc thiếu thông tin về các nhân chứng trình diện trước tòa có thể tạo nên những bước ngoặt không có lợi cho cựu Tổng thống. Ngoài người đầu tiên được gọi vào phòng xử án hôm 22/4 - ông David Pecker - cựu Giám đốc điều hành của công ty American Media, các nhân chứng khác có thể xuất hiện như cựu luật sư Michael Cohen và ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels sẽ là những biến số ảnh hưởng đến phán quyết cuối cùng của tòa án.

Ngoài ra, 12 bồi thẩm đoàn cũng góp phần quyết định số phận của cựu Tổng thống. Các bồi thẩm đoàn đã vượt qua nhiều vòng thẩm vấn để đảm bảo có thể đưa ra phán quyết công bằng dựa trên bằng chứng trước tòa, thay vì định kiến cá nhân. Dù ông Trump từng là người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau

Vụ án "chi tiền bịt miệng" là vụ án hình sự đầu tiên của cựu Tổng thống, nhưng lại là cáo trạng ít nghiêm trọng nhất trong 4 vụ án hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt. Thậm chí theo nhiều chuyên gia, ngay cả khi bị kết án tại tòa New York, ông Trump cũng không phải đối mặt nguy cơ ngồi tù. Tuy nhiên, những vụ án còn lại, bao gồm các nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và việc tích trữ các tài liệu mật tại Mar-a-Lago của cựu Tổng thống có khả năng sẽ khiến ông chủ cũ của Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

CĂN CỨ MỸ BỊ TẤN CÔNG TẠI IRAQ, CĂNG THẲNG GIA TĂNG

Các nguồn tin an ninh Iraq và các quan chức Mỹ nói với Reuters hôm thứ Hai 22/4 rằng các lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria phải đối mặt với hai cuộc tấn công riêng rẽ bằng rocket và máy bay không người lái gắn thuốc nổ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Đây là vụ việc đầu tiên như vậy được báo cáo sau gần 3 tháng tình hình yên tĩnh.

Một quan chức Mỹ cho hay 2 máy bay không người lái đã bị bắn hạ gần căn cứ không quân Ain al-Asad, nơi quân đội Mỹ đồn trú ở tỉnh Anbar miền tây Iraq.

Theo các quan chức Mỹ và Iraq, vụ này xảy ra sau khi có 5 quả rocket bắn đi hôm 21/4 từ miền bắc Iraq về phía lực lượng Mỹ tại một căn cứ ở Rumalyn, một nơi xa xôi thuộc đông bắc Syria.

Không có báo cáo về thương vong hoặc thiệt hại đáng kể từ những vụ tấn công này.

Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với điều kiện giấu tên rằng cuộc tấn công bằng rocket hôm 21/4 nhắm vào binh sĩ Mỹ và đây dường như là đòn tấn công đầu tiên nhằm vào binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria kể từ ngày 4/2.

Các vụ tấn công bằng rocket và máy bay không người lái diễn ra gần như hàng ngày nhằm vào các lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu vào giữa tháng 10/2023. Một nhóm vũ trang Hồi giáo Shi'ite được Iran hậu thuẫn có tên là Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đã nhận trách nhiệm và nêu lý do là Mỹ ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Các cuộc tấn công đã dừng lại vào cuối tháng 1 dưới áp lực từ chính quyền Iraq và Iran, tiếp sau các cuộc không kích trả đũa chết chóc của Mỹ ở Iraq, sau khi 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một căn cứ nhỏ ở biên giới Iraq-Jordan.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã về nước hồi cuối tuần sau chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài một tuần, ở đó, ông gặp Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực đưa quan hệ Mỹ-Iraq sang một trang mới bất chấp căng thẳng khu vực đang gia tăng.

Hoa Kỳ đổ quân vào Iraq hồi năm 2003 và lật đổ nhà lãnh đạo độc tài Saddam Hussein, rồi rút quân vào năm 2011 trước khi quay trở lại vào năm 2014 với tư cách là nước đứng đầu một liên minh quân sự quốc tế theo yêu cầu của chính phủ Baghdad nhằm giúp chống lại các phần tử nổi dậy thuộc Nhà nước Hồi giáo.

Hoa Kỳ có khoảng 2.500 quân ở Iraq và 900 quân ở miền đông Syria để thực hiện nhiệm vụ cố vấn và trợ giúp.

MỸ BẮT ĐẦU LO SỢ SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA NGA TẠI CHÂU PHI

Sự hiện diện của Nga ở hàng loạt nước châu Phi cho thấy Moscow đang hiện diện Trung Phi-Sahel với tốc độ chóng mặt và tiếp tục ảnh hưởng Bắc Phi.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN dẫn nguồn tin của mình cho biết, lần lượt các nước châu Phi đang rũ bỏ tàn tích của quá khứ thuộc địa, từ chối các nước phương Tây như: Anh, Pháp, Mỹ… đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Theo CNN, nối tiếp quốc gia Tây Phi Niger (Cộng hoà Niger), Mỹ có nguy cơ mất đi sự hiện diện quân sự ở Chad (Cộng hòa Tchad) ở Trung Phi.

Theo đó, chính phủ Chad đã gửi thư đe dọa chấm dứt thỏa thuận về quy chế của lực lượng Mỹ đồn trú tại căn cứ cũ của Quân đội Pháp ở thủ đô N'Djamena.

Bức thư chưa có yêu cầu trực tiếp đối với Lầu Năm Góc, nhưng nội dung của nó cho thấy rằng trước sau gì quân đội Mỹ cũng sẽ phải rời khỏi đất nước này.

Kênh truyền hình dẫn báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, một xu hướng địa-chính trị đang diễn ra trong thời gian gần đây là các quốc gia Trung Phi và khu vực Sahel đang lựa chọn hợp tác với Nga, điều này đe dọa ảnh hưởng của Mỹ tại Lục địa Đen.

CIA đã báo cáo với Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tháng 3 rằng, Nga đang cố gắng nắm lấy Trung Phi cũng như Sahel với tốc độ nhanh chóng, một số quốc gia đang bắt đầu chuyển hướng theo Nga, trong khi một số quốc gia khác đã ở thời kỳ đỉnh điểm hợp tác với Liên bang Nga.

Báo cáo của CIA nhấn mạnh, khu vực này là sườn phía nam của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu khu vực này bị Moscow kiểm soát thì an ninh của khối sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, bởi sườn phía đông của khối hiện cũng đang khủng hoảng nghiêm trọng do cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.

Do đó, liên minh quân sự phương Tây cần duy trì khả năng tiếp cận liên tục, cũng như phải củng cố ảnh hưởng vùng Maghreb, từ Maroc đến Libya, nhằm ngăn chặn Nga tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Bắc Phi, dần dần nắm quyền tác động tới chính sách của các quốc gia Lục địa Đen.

CNN dẫn báo cáo của CIA cho biết, những sự kiện đáng lo ngại vẫn đang tiếp diễn, khi Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadera vừa qua đã tuyên bố ý định mở rộng hợp tác với Moscow.

Tổng thống Touadera nói rằng, ông đang xem xét khả năng đóng quân vĩnh viễn một nhóm quân của Lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ nước cộng hòa và đã xác định được địa điểm để xây dựng căn cứ quân sự cho lực lượng Nga đồn trú.

Ông nói thêm rằng nhờ có những chuyên gia và huấn luyện viên quân sự từ Nga nên Quân đội nước này có thể giành lại phần lớn lãnh thổ đất nước từ tay các nhóm vũ trang bất hợp pháp.

Ngoài các quốc gia này, vào cuối tháng 1 vừa qua, những đơn vị đầu tiên của Nga đã hiện diện ở quốc gia Tây Phi Burkina Faso.

Đây là nhóm quân nhân thuộc “Quân đoàn châu Phi” “Russian Africa Corps”, một cấu trúc quân sự chính quy của Quân đội Nga chính thức thay thế chức năng, nhiệm vụ của Wagner PMC.

Lực lượng quân sự viễn chinh này được coi là “cánh tay nối dài” của Moscow ở Lục địa Đen.

Theo giới chức Moscow, trong thời gian qua Điện Kremlin đã nhận được đề nghị từ nhiều quốc gia khác nhau ở Lục địa Đen và đã quyết định triển khai các đơn vị của Africa Corps tại 5 quốc gia thuộc khu vực Sahel, gồm: Burkina Faso, Libya, Mali, Niger và Cộng hòa Trung Phi.

Các đơn vị của Nga đã tới tiếp quản khu vực Sahel sau khi chính quyền các nước này chấm dứt hợp tác quân sự với hàng loạt nước phương Tây như: Mỹ, Anh và đặc biệt là Pháp, quốc gia có ảnh hưởng lâu dài và rộng khắp ở châu Phi, đánh dấu sự bắt đầu kỷ nguyên của Moscow với khu vực trải dài 5.900 km (3.670 mi) từ Đại Tây Dương ở phía tây tới Biển Đỏ.

Nguồn: Báo Tin Tức; Sài Gòn Giải Phóng; VOV; VOA; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang