Hàng không 'gánh' 20 loại phí; Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo; Bất cấp dự án đường ĐT.741; Cầu vượt xây xong quây rào

BỘ TÀI CHÍNH GIẢI THÍCH VIỆC HÀNG KHÔNG GÁNH TRÊN 20 LOẠI PHÍ

Có ý kiến cho rằng một lý do đẩy giá vé máy bay tăng quá cao là do mức thu thuế, phí không hề nhỏ. Bộ Tài chính vừa lên tiếng giải thích việc các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Trong thông tin phát đi chiều 4/5, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247 ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) với mức phí là 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Trong khi đó, dẫn các quy định pháp luật về hàng không, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, căn cứ thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 53 ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa...

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34 ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa,...

"Như vậy, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải", lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho hay.

LIÊN HẾT CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA GẠO

Việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo cần sự chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên, từ đó giúp nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu thị trường

Ngày 2-5, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo "Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo".

Nhìn nhận thấu đáo vai trò của thương lái

Ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Chủ tịch VIETRISA - nêu quan điểm thương lái là lực lượng có đầy đủ thông tin về thời điểm chính xác thu hoạch lúa, lịch mở - đóng cống thủy lợi để thuận lợi vận chuyển lúa... Lực lượng này có nguồn lực mạnh về ghe, máy gặt đập liên hợp và tài chính. Do đó, qua khảo sát, có khoảng 60% doanh nghiệp (DN) thích mua lúa qua thương lái hơn là hợp tác xã (HTX).

Tuy nhiên, vẫn có một số thương lái dùng nhiều chiêu thức để ép nông dân. Bởi vậy, theo ông Trần Minh Hải, cần có chứng chỉ hành nghề hoặc một giải pháp khác giúp nhận diện thương lái tốt và thương lái chưa tốt. Thương lái tốt chính là lực lượng giúp nhà nước quản lý hiệu quả hơn, mềm dẻo hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, đánh giá cao vai trò của thương lái khi 2,1 triệu tấn lúa ở địa phương được tiêu thụ phần lớn nhờ vào lực lượng này.

"Thương lái đóng vai trò cầu nối không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo. Khi dịch COVID-19 bùng phát, sự tham gia của thương lái và môi giới đã giúp sản phẩm lúa gạo của nông dân trong tỉnh không bị hư hao, thất thoát, được thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi" - ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, nếu có sự quan tâm đúng mức đến những thương lái có khả năng kết nối với DN chế biến, xuất khẩu lúa gạo và lực lượng môi giới trung gian đủ uy tín gắn kết cùng nguồn lực của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là động lực thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo phát triển ổn định. Qua đó, giúp đáp ứng tiêu chí của Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ NN-PTNT, cho hay cách đây 20 năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có một cuộc khảo sát với 25.000 thương lái ở ĐBSCL kết nối tiêu thụ 24 triệu tấn lúa/năm nhưng sau đó bỏ ngỏ vấn đề này cho tới bây giờ. Ông Tùng đánh giá hội thảo này là khởi đầu để có cách nhìn rõ hơn về vai trò của thương lái.

Gỡ "nút thắt cổ chai"

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN-PTNT, liên quan sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL có nhiều mô hình liên kết thông qua các chủ trương lớn như Quyết định 80/2002 của Thủ tướng về tiêu thụ nông sản qua hợp đồng; Quyết định 62/2013 của Thủ tướng về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết để gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 98/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một vài địa phương ĐBSCL thực hiện Nghị định 98/2018.

"Muốn liên kết chặt chẽ, bắt buộc phải chia sẻ lợi ích từ khâu sản xuất bắt đầu, hay còn gọi là hợp tác từ đầu vụ. Đồng thời, khuyến khích liên kết giữa DN, HTX và nông dân trong các khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường để có giá bán cao, giảm chi phí, hạn chế "bể" giao kèo" - ông Thịnh góp ý.

Cũng theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, rút kinh nghiệm từ mô hình Cánh đồng lớn, thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" cần lưu ý đưa nông dân vào HTX. HTX là đầu mối đại diện cho chuỗi giá trị canh tác, chia sẻ với nông dân trong chuỗi.

Từ góc nhìn DN, ông Nguyễn Đình Trọng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green, dẫn chứng gạo dẻo của nước ta không thể làm phở, bún... Trong khi đó, do thị trường có nhu cầu nên Việt Nam phải nhập gạo của Ấn Độ. Vì vậy, đại diện DN kiến nghị việc phát triển gạo chất lượng cao phải gắn với cơ chế thị trường, trong đó cần định hướng quy hoạch vùng trồng đúng với yêu cầu thị trường để nâng cao giá trị của hạt gạo.

Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (Long An), cho rằng để xây dựng chuỗi giá trị thành công, không chỉ cần sự liên kết giữa HTX với DN mà hoạt động sản xuất cũng phải đạt chất lượng, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Khi có chương trình, đề án cụ thể, HTX triển khai cho các thành viên "thuộc bài" để thực hiện theo liên kết. Thành viên làm không đúng chuẩn sẽ bị đình chỉ 3 năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận có "nút thắt cổ chai" trong việc liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo nhiều năm qua. Chỉ có khoảng 37% DN, HTX liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. "Hội thảo này không giúp giải quyết được ngay tồn tại nhưng giúp chúng ta có nhiều cách nhìn, cách hiểu để từng bước hoàn chỉnh hơn chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo thông tin từ hội thảo, vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã đề cập việc đưa VFA và VIETRISA vào cùng hợp tác để thực hiện chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, trong đó có Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

BẤT CẬP NÂNG CẤP, MỞ RỘNG ĐƯỜNG ĐT.741 BÌNH PHƯỚC

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.741 đoạn Đồng Xoài - Phước Long sau 5 năm thi công vẫn chưa hoàn thành, gây ra nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.741 đoạn Đồng Xoài - Phước Long được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt từ năm 2018. Đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mặt bằng, gây ra nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

"Loạn" làn đường

Nhiều năm qua, người dân đi trên đường ĐT.741 đoạn từ TP.Đồng Xoài lên TX.Phước Long không khỏi bất ngờ vì cùng một tuyến đường, nhưng có đoạn 1 bên có 1 làn đường; trong lúc chiều ngược lại nhiều đoạn có 2 làn, thậm chí 3 làn đường.

Cụ thể, trên đường ĐT.741, đoạn qua xã Bù Nho (H.Phú Riềng) dài hơn 4 km, có dải phân cách cứng bằng bê tông phân chia 2 chiều xe chạy riêng biệt. Trong khi hướng đường từ TX.Phước Long về TP.Đồng Xoài chỉ có 1 làn đường, còn chiều ngược lại, đặc biệt là đoạn qua khu vực Trung tâm hành chính H.Phú Riềng lại có đến 2 thậm chí 3 làn đường khác nhau, được chia cách bằng các dải phân cách cứng.

Một số đoạn tuyến đường đang thi công dở dang, dù có đặt các biển cảnh báo nhưng vẫn khiến nhiều người dân, lái xe không khỏi bất an, lo lắng về sự an toàn khi qua đoạn tuyến này.

Chị Thủy Tiên (ngụ xã Bù Nho) chia sẻ: "Tôi là người dân địa phương ở đây, đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn vì là con đường đang làm dở dang nhiều năm qua. Đường 1 bên thì hẹp, một bên thì nhiều làn đường, tai nạn rất là nhiều. Người dân mong sao thi công cho nhanh để đi lại thuận tiện, an toàn".

Là lái xe đầu kéo đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng anh Hoàng Văn Nguyên (ngụ tỉnh Bình Dương) cũng không khỏi lo lắng mỗi khi qua đường ĐT.741. "Tôi lần đầu tiên thấy đường chia 3 làn như thế này. Chia tạm khoảng năm bữa, nửa tháng thì không nói. Nhưng tôi đi từ tháng 8 năm ngoái đến giờ vẫn không có thay đổi gì cả. Dân mình đi vẫn ít xe chứ nếu mà đường đông là nguy hiểm. Nhiều khi tài xế muốn nhường đường cho xe hơi cũng không dám nhường vì đường nhỏ quá. Xe hơi vượt nhiều khi có xe băng qua đường nữa, nguy hiểm", anh Nguyên cho biết.

Chưa hoàn thành vì không có mặt bằng

Liên quan đến những bất cập trên đường ĐT.741 do việc thi công dang dở trên tuyến đường này, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Công ty cổ phần kinh doanh BOT đường ĐT.741 (gọi tắt là Công ty BOT đường ĐT.741) cho biết dự án chưa thể hoàn thành và không thể tiếp tục thi công vì không có mặt bằng.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh nâng cấp, mở rộng đường ĐT.741 đoạn Đồng Xoài – Phước Long đoạn từ KM 72+750 đến KM118+532 của UBND tỉnh Bình Phước ngày 3.12.2018, thì dự án trên dài 35,450 km do Công ty BOT đường ĐT.741 (là nhà đầu tư dự án BOT đang khai thác, quản lý, vận hành), theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

Dự án có bề rộng nền đường là 33 m (trong đó mặt đường là 26 m, lề đường, thoát nước là 7 m). Riêng đoạn qua Trung tâm hành chính H.Phú Riềng (từ Km 89+050 đến Km 94+250), thực hiện đầu tư điều chỉnh theo kiến nghị của UBND H.Phú Riềng, theo hướng tận dụng lại mặt đường nhựa hiện hữu bên trái tuyến và bám theo tim quy hoạch mới, với bề rộng nền đường là 50 m, bề rộng mặt đường là 36 m.

Tổng mức đầu tư xây dựng phần điều chỉnh là hơn 616,5 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ 2018 đến 2020. Dự án sau đó được gia hạn thời gian xây dựng đến 31.12.2021.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại toàn tuyến mới giải phóng mặt bằng được khoảng 82,75%. Các đoạn tuyến chưa giải phóng được mặt bằng phần lớn thuộc các địa bàn xã Thuận Lợi (H.Đồng Phú), xã Phú Riềng, xã Bù Nho (H.Phú Riềng).

Cam kết hoàn thành khi có mặt bằng

Theo đại diện Công ty BOT đường ĐT.741, dự án đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện toàn tuyến, các hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện mới đang làm bước kiểm kê. Toàn tuyến hiện chỉ mới hoàn thiện được 24/2.678 hồ sơ, tiến hành chi trả được 10 hồ sơ giải phóng mặt bằng.

Cũng theo Công ty BOT đường ĐT.741, tính đến giữa tháng 4.2024, Trung tâm phát triển quỹ đất H.Đồng Phú đã kiểm kê được 300/328 thửa đất các đoạn đang thiếu mặt bằng chưa xây dựng phần nền đường. Hiện đã hoàn thiện được 100 hồ sơ/328 thửa đang áp giá, chuẩn bị trình UBND huyện, dự kiến tháng 5 sẽ cơ bản hoàn thành các bước kiểm kê, áp giá các thửa còn vướng mặt bằng. Trong khi đó, Hội đồng giải phóng mặt bằng H.Phú Riềng đến nay đã kiểm kê trên 90%, chưa thực hiện các bước tiếp theo.

"Công ty kiến nghị HĐND, UBND tỉnh Bình Phước xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng lần 2 đến 31.12.2024. Công ty cam kết chịu trách nhiệm nếu có mặt bằng được bàn giao mà chậm trễ thi công. Cam kết thời gian hoàn thành các hạng mục thi công là sau 90 ngày (đối với mùa khô) và 120 ngày (đối với mùa mưa), kể từ khi nhận bàn giao mặt bằng", đại diện Công ty BOT đường ĐT.741 thông tin thêm.

Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn qua H.Phú Riềng hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn cũng như những bất cập đối với đoạn tuyến qua đoạn trung tâm hành chính, lãnh đạo UBND H.Phú Riềng cho rằng dự án do Công ty BOT đường ĐT.741 quản lý và không thông tin gì thêm.

CẦU VƯỢT VỪA XÂY XONG ĐÃ QUÂY RÀO TẠI HÀ NỘI: VẪN CHƯA CÓ PHẢN HỒI

Liên quan đến việc cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch đã hoàn thành nhiều tháng nhưng lại quây rào, giao thông ùn tắc, chiều 3/5 đại diện Bộ GTVT đã có ý kiến với PV Tiền Phong về việc này.

Ngày 3/5, trao đổi với PV Tiền Phong về việc hai cầu vượt thép đã xây xong nhưng chưa đưa vào sử dụng, đại diện lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long (Ban Thăng Long), Bộ GTVT cho biết, hai nguyên đơn cầu vượt thép bổ sung tại nút giao Mai Dịch đã được các nhà thầu và Ban Thăng Long hoàn thành việc xây dựng từ ngày 31/3/2023.

Theo Ban Thăng Long, sau thời điểm này chủ đầu tư đã thực hiện các bước còn lại như nghiệm thu, lên phương án tổ chức giao thông (phần đường Vành đai 3 trên cao), phối hợp để làm các thủ tục để bàn giao cho thành phố Hà Nội tiếp nhận, đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, việc bàn giao, tiếp nhận vẫn chưa được phía UBND thành phố Hà Nội sẵn sàng nên tiếp đó ngày 16/4/2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã ký văn bản số 4052/BGTVT-KCHT đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm tiếp quản, đưa vào khai thác sử dụng công trình.

Tại văn bản trên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, hạng mục “Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông cầu Mai Dịch” thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3, thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đã thực hiện xong cơ bản.

Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và thuận lợi trong công tác quản lý, khai thác và bảo trì toàn bộ tuyến đường Mai Dịch - Nam Thăng Long, Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận quản lý hạng mục nút giao Mai Dịch và chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức triển khai ngay công tác tiếp nhận, quản lý các hạng mục công trình theo quy định; sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại cấp bách của người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, đến nay (kể cả dịp cao điểm đi lại 30/4 - 1/5 đã qua) thông tin với PV Tiền Phong trưa 3/5, đại diện Bộ GTVT cho biết, đại diện Bộ GTVT vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp nhận, khai thác công trình cũng như các nội dung được nêu trong công văn trên.

Để hoàn thiện nút giao Mai Dịch và tuyến đường Vành đai 3, đồng thời tách làn xe ô tô, xe máy đi theo làn riêng để giảm xung đột, ùn tắc giao thông tại đây, đầu năm 2023, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND thành phố Hà Nội xây dựng bổ sung 2 cầu vượt thép để mở rộng mặt cắt ngang tại cầu vượt Mai Dịch hiện hữu. Tổng mức đầu tư của dự án trên 344 tỷ đồng. Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép, sử dụng nguồn vốn còn dư của dự án đường trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.

Về phương án khai thác và tổ chức giao thông, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất với Bộ GTVT, sau khi 2 nhánh cầu vượt này được hoàn thành, xe ô tô qua nút Mai Dịch sẽ được tổ chức giao thông theo hướng, xe đô thị (ô tô, xe máy đi trong phạm vi thành phố Hà Nội) di chuyển theo ở cầu vượt thép; xe đi ở đường trên cao Vành đai 3 sẽ đi ở cầu vượt Mai Dịch hiện hữu (hiện nay xe đang đi hỗn hợp - ô tô, xe máy đi chung). Mục đích của việc này là tách biệt giữa các dòng xe đi ở đường trên cao - đi với tốc độ cao tốc ra khỏi các làn xe chạy ở đường đô thị giúp giảm xung đột, va chạm, tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc. Dự án cần đẩy nhanh thi công để sớm đưa vào sử dụng, phát huy mục tiêu đầu tư.

Nguồn: Vietnamnet; Người Lao Động; Thanh Niên; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang