Dubai hỗn loạn vì mưa; 'Chiến thần livestream' mất việc; Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông; Lựa chọn khó cho Israel; Ukraine lộ điểm yếu

DUBAI KHÔ CẰN NAY HỖN LOẠN VÌ NGẬP LỤT, CHUYỆN GÌ ĐÂY?

Hôm 16-4, sân bay quốc tế Dubai (DIA) đã buộc phải chuyển hướng nhiều chuyến bay đến sau khi bị ngập lụt do mưa lớn.

Reuters cho biết DIA - trung tâm hàng không bận rộn nhất thế giới dành cho hành khách quốc tế - phải tạm ngừng hoạt động một thời gian ngắn trước khi nối lại một số dịch vụ khoảng 25 phút sau đó. Đây là lần hiếm hoi sân bay này bị gián đoạn hoạt động.

Dù đã nối lại các chuyến bay vào tối 16-4 (giờ địa phương) nhưng nhiều chuyến bay vẫn gặp phải tình trạng chậm trễ hoặc hủy bỏ.

Dubai, nơi thường có khí hậu khô cằn và nhiệt độ thiêu đốt, đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi mưa lớn trút xuống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), làm gián đoạn việc di chuyển bằng đường hàng không và gây ngập lụt trên diện rộng.

Trận lũ bất ngờ khiến thành phố nhộn nhịp rơi vào tình trạng bế tắc, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng thời tiết cực đoan trong khu vực.

Hãng hàng không Emirates ngày 17-4 vẫn phải tạm ngừng làm thủ tục cho hành khách khởi hành cho đến nửa đêm. Hành khách đến Dubai và đã quá cảnh sẽ được giải quyết nhưng họ có thể bị chậm trễ.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, DIA khuyến cáo hành khách ở Dubai không nên đến sân bay.

Truyền thông địa phương đưa tin một người đàn ông hơn 70 tuổi ở Dubai đã thiệt mạng vào sáng 16-4 khi xe của ông bị ngập trong lũ quét ở Ras Al Khaimah.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE báo cáo lượng mưa lớn nhất trong khoảng thời gian 24 giờ, tính đến 21 giờ tối 16-4, kể từ lượng mưa kỷ lục trong cùng khoảng thời gian vào năm 1949.

Lượng mưa 254 mm được ghi nhận trong vòng chưa đầy 24 giờ ở Al Ain, một phần của tiểu vương quốc Abu Dhabi giáp với Oman.

Người dân UAE đăng trên mạng xã hội hôm 16-4 rằng họ bị kẹt xe hàng giờ đồng hồ do đường ngập nước. Mưa đã giảm bớt vào chiều tối 16-4 và bầu trời trong xanh vào ngày 17-4 khi nhà chức trách khảo sát thiệt hại.

CÁC “CHIẾN THẦN” BÁN HÀNG LIVESTREAM SẮP MẤT VIỆC VÌ AI

Những AI bán hàng livestream không mệt mỏi hay ốm đau, online 24/7 và chẳng bao giờ sợ gặp bê bối hay cấm sóng. Bởi vậy hàng loạt nền tảng TMĐT đang phát triển AI để thay thế những ‘chiến thần’ livestream tốn kém của mình.

Tờ Nikkei Asian Review mới đây cho hay nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng JD.com đã dùng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) để tạo hình nhà sáng lập Richard Liu trong một buổi bán hàng trực tuyến.

Đây là lần đầu tiên một hãng TMĐT dùng AI tạo hình chính nhà sáng lập nhằm điều phối một buổi bán hàng livestream.

Mặc một bộ vest xám, tạo hình AI của Richard Liu đã chào bán nhiều mặt hàng từ đồ gia dụng đến thực phẩm, đi kèm với đó là các phiếu giảm giá khuyến mãi. Thậm chí AI này còn tuyên bố kế hoạch 3 năm nhằm phân bổ nguồn tài trợ trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,3 tỷ USD cho các mặt hàng nông sản chào bán trên nền tảng JD.

Ban đầu những người xem phiên livestream không nhận ra đây là AI mà cứ tưởng ông Liu chào hàng thật mãi cho đến khi những người xem trên màn hình vi tính mới nhận ra sự chênh lệch tốc độ phát tiếng với khuôn mở miệng.

Ngoài ra, một số người xem cho hay sự tương tác của AI này không nhiều với những phản hồi từ người dùng cũng khiến mọi người dần nhận ra đây không phải người thật. Phần lớn thời gian con AI này chỉ nói những gì đã được ghi trong kịch bản.

Bất chấp điều đó, buổi livestream cũng thành công rực rỡ khi thu hút đến hơn 20 triệu lượt xem trong chưa đầy 1 tiếng. Tuy nhiên phía JD không tiết lộ doanh số cụ thể của phiên bán hàng trực tuyến này.

Phía JD cũng đã đăng ký bản quyền hình ảnh cùng nhiều cái tên thương hiệu cho nhà sáng lập Liu nhằm tiến tới kế hoạch phát triển AI cho mảng này.

Nếu đây là sự thực và được áp dụng cho vô số những người nổi tiếng khác, nền tảng JD có thể tạo nên cơn địa chấn trong mảng bán hàng online khi biến những "chiến thần" livestream thành "đồ cổ".

Mặc dù còn nhiều lỗi cũng như chưa tương tác được nhiều với người xem nhưng các chuyên gia cho rằng với sự tiến bộ vượt bậc của AI, sớm hay muộn thì một tương lai người máy bán hàng 24/7, không mệt mỏi hay ốm đau trên các phiên livestream sẽ xuất hiện.

"Chất lượng của các buổi livestream thực tế ảo đang cải thiện hàng ngày khi người dẫn chương trình ảo trông ngày một thực tế hơn và tương tác tốt hơn", chuyên gia phân tích Xiaofeng Wang của Forrester nhận định.

Theo bà Wang, việc sử dụng công nghệ AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho những "người nổi tiếng" bán hàng livestream hiện nay, chưa kể đến việc nếu những nhân viên này gặp bê bối hoặc bị cấm sóng sẽ ảnh hưởng cực lớn đến các nhãn hàng.

AI thay thế ‘chiến thần’

Mô hình AI mà JD.com sử dụng đã thu thập dữ liệu hình ảnh cũng như giọng nói của nhà sáng lập Richard Liu, thậm chí là cử chỉ hàng ngày của ông để tạo nên một hình ảnh trông sống động như thật.

Kể từ khi trở lại vai trò điều hành sau vụ bê bối năm 2022, nhà sáng lập Liu đã tích cực thúc đẩy mảng bán hàng trực tuyến của JD. Vào tuần trước, nền tảng này đã tuyên bố đầu tư 1 tỷ Nhân dân tệ nhằm thu hút các nhà sản xuất nội dung video tham gia. Hiện JD đang đặt mục tiêu thu hút khoảng 100 KOL trên nền tảng của mình từ nay đến cuối năm 2024.

Tuy nhiên sự xuất hiện của AI với tạo hình ông Liu cho thấy JD có thể đang có những hướng đi mới nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất nội dung.

Hiện một nửa doanh số bán hàng livestream đến từ nền tảng Douyin (Tiktok) trong khi JD lại đang gặp khó khăn ở mảng này.

Chính vì lẽ đó, JD buộc phải tìm cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy mảng livestream bên cạnh việc tăng đầu tư mời chào các nhà sáng tạo nội dung video.

Không riêng gì JD, các nền tảng khác cũng đang đua nhau tạo AI bán hàng livestream. Theo CNBC, nguy cơ thất nghiệp của những "chiến thần" là cực kỳ cao khi hàng loạt công ty lớn bắt đầu áp dụng công nghệ mới.

Ví dụ Tencent mới đây đã ra mắt sản phẩm dịch vụ AI livestream chỉ cần dùng 3 phút video của người dùng kèm 100 câu kịch bản là có thể liên tục chào hàng trực tuyến.

Ngoài ra, hãng cũng ra mắt nền tảng Zen Video cho phép người bán xây dựng những video dùng người ảo để chào hàng liên tục trên Internet.

Thậm chí để gia tăng tương tác, nhiều hãng còn kết hợp cả ứng dụng như ChatGPT nhằm trả lời tự động trong các buổi livestream.

Không chịu kém cạnh, JD đã kết hợp cùng hãng Yanxi chuyên phát triển AI để ra mắt nền tảng livestream ảo với hơn 4.000 nhãn hàng trong ngày lễ độc thân vừa qua. Dịch vụ này có thể livestream liên tục 28 tiếng trong đợt lễ mà không cần nghỉ ngơi.

Tương tự, công cụ tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc là Baidu cũng ra mắt nền tảng "Huiboxing" và "Youxuan", sử dụng AI để thực hiện khoảng 17.000 đợt bán hàng trực tuyến livestream trong đợt lễ độc thân tháng 11/2023.

Một số doanh nghiệp như hãng điện tử Suning cho biết các buổi livestream bán hàng dùng AI của họ thu về đến hơn 3 triệu Nhân dân tệ tổng giá trị giao dịch (GMV) chỉ trong 1 ngày.

Hãng tin CNBC cho hay sự bùng nổ bán hàng livestream đã tác động cả đến dịch vụ Internet viễn thông. Các tập đoàn như China Unicom hay China Mobile đã tung ra các gói dịch vụ Internet nhắm đến livestream cho người dùng thay vì chỉ mạng xã hội hay chơi game như trước đây.

Với lợi thế phát triển mạng 5.5 G, người dùng Trung Quốc về lý thuyết có tốc độ tải nhanh gấp 10 lần so với mạng 5G thông thường, qua đó khiến việc xem livestream ngày càng thuận lợi.

TMĐT truyền thống hết thời

Trên thực tế, sau đại dịch Covid-19, trong khi toàn ngành kinh tế chịu ảnh hưởng thì mảng livestream bán hàng tại Trung Quốc lại chứng kiến mức tăng trưởng bùng nổ.

Số liệu của Syntun cho thấy bán hàng livestream từ mức đóng góp 14% thị phần bán lẻ online năm 2021 đã tăng lên 23% năm 2023. Trong cùng kỳ, ngành TMĐT truyền thống lại giảm thị phần từ 83% xuống còn 73%.

Tương tự, số liệu của McKinsey cho thấy doanh số bán hàng livestream đã tăng 19% trong mùa lễ hội độc thân tháng 11/2023, nhưng doanh số bán hàng TMĐT truyền thống lại giảm 1% cùng kỳ.

Sự trái ngược này cho thấy một cuộc lật đổ vị thế đang diễn ra khi bán hàng livestream trở thành mảng chính thay thế TMĐT truyền thống.

Xin được nhắc rằng mảng bán lẻ online chiếm đến 23,3% tổng doanh số bán lẻ trên toàn Trung Quốc.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, vô số nhà bán lẻ Trung Quốc đã tuyển dụng những nhân viên bán hàng livestream để chào hàng thay vì chỉ tập trung cho TMĐT truyền thống. Hàng loạt những "chiến thần" trở nên nổi tiếng sau 1 đêm và thậm chí là thành triệu phú nhờ bán hàng livestream.

"Bán hàng livestream tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với một tốc độ không quốc gia nào so sánh nổi", chuyên gia Daniel Zipser của McKinsey chi nhánh Châu Á nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù JD giới thiệu nền tảng bán hàng livestream của mình từ năm 2016 nhưng những biến động trong lãnh đạo cấp cao đã ảnh hưởng đến đà phát triển của mảng này. Cựu CEO Xu Lei của JD đã phát biểu vào năm 2019 cho rằng xây dựng nền tảng TMĐT dựa trên bán hàng livestream là một điều cực kỳ tệ hại với hãng.

Thế nhưng những con số gần đây lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại và nhà sáng lập Richard Liu đang buộc phải tìm kiếm hướng đi đột phá mới cho bán hàng livestream.

Một số chuyên gia đánh giá sự tham chiến của JD trên thị trường bán hàng livestream có lẽ là quá muộn khi Douyin đang sở hữu phần lớn thị phần. Người dùng hiện nay đổ về Douyin để xem các video giải trí kết hợp bán hàng chứ không hề quan tâm đến nền tảng của JD.

Bởi vậy việc dùng AI như một công cụ đột phá thế độc quyền của Douyin được đánh giá là bước đi mới cho JD trong bối cảnh TMĐT truyền thống dần lụi tàn.

Theo Nikkei, Trung Quốc đang khuyến khích mảng bán hàng livestream nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tính đến tháng 12/2023, nước này đã có khoảng 15 triệu người bán hàng livestream chuyên nghiệp với khoảng 3,5 triệu phiên bán hàng trực tuyến mỗi ngày.

BÓNG MA HẠT NHÂN ĐE DỌA TRUNG ĐÔNG

Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.

Sau khi Israel kiềm chế trong hành động trả đũa vụ tấn công của Iran, cả khu vực Trung Đông lại đang nín thở chờ động thái đáp trả khó tránh khỏi của quân đội nước này.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 16/4 chính thức nêu lên mối lo ngại khả năng Israel sẽ nhắm mục tiêu đáp trả vụ không kích của Tehran cuối tuần trước vào một cơ sở hạt nhân của Iran. Chính Iran cũng đang thực sự cảnh giác trước khả năng này khi cho đóng cửa các cơ sở hạt nhân của mình từ ngày 14/4 vì vấn đề an ninh.

Mặc dù chỉ một ngày sau Iran đã cho mở cửa trở lại các cơ sở hạt nhân nói trên nhưng chúng đều được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. IAEA cũng khuyến cáo các thanh sát viên của mình đang làm việc tại Iran không nên đến các cơ sở này cho đến khi tình hình hoàn toàn yên ổn. Ông Grossi không khẳng định Israel sẽ nhắm mục tiêu vào đâu nhưng kêu gọi các bên hết sức kiềm chế.

Iran từ lâu khẳng định các cơ sở làm giàu uranium của mình hoàn toàn là phục vụ sản xuất điện, nhưng Mỹ và phương Tây lo ngại đây là chương trình phát triển vũ khí hủy diệt bí mật của quốc gia Hồi giáo này. Do đó, thanh sát viên quốc tế của IAEA đã có mặt để kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Iran suốt thời gian qua.

Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn bằng UAV và tên lửa vào lãnh thổ Israel, nhằm “trừng phạt” việc Israel tấn công Lãnh sứ quán Iran ở thủ đô Damascuss, Syria hôm 1/4 khiến 12 người thiệt mạng.

Theo thống kê của Israel, Iran đã phóng tổng cộng khoảng 170 máy bay không người lái (UAV), hơn 30 quả tên lửa hành trình và hơn 120 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên có đến 99% số vũ khí này đã bị Israel và các đồng minh đánh chặn thành công nên hầu như không gây hư hại cho Israel. Nội các thời chiến Israel được cho là có ý định đáp trả Iran ngay lập tức nhưng đã bị phía Mỹ ngăn lại.

Tuy nhiên, việc Israel đáp trả Iran được coi là điều không thể tránh khỏi và chỉ còn là vấn đề thời gian. Do đó, cả khu vực Trung Đông vẫn đang chìm trong bầu không khí căng thẳng chờ đợi động thái từ Israel. Trong khi đó, ngày càng có thêm lo ngại việc Israel sẽ nhắm đến các cơ sở hạt nhân của Iran để trả đũa. Nếu điều này thành sự thật có thể dẫn đến tình hình phức tạp khôn lường cho Trung Đông cũng như cả thế giới.

Trước khi có những hành động đáp trả cụ thể, cả Iran và Israel đang chìm trong cuộc khẩu chiến và hai bên đều đe dọa sẽ trừng phạt lẫn nhau nếu bên nào tiếp tục có hành động quân sự. Chảo lửa Trung Đông - vốn “nóng rãy” suốt hơn nửa năm qua do cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza và sự hoành hành của chiến binh Houthi Yemen trên Biển Đỏ - lại càng thêm nóng.

Tuy vậy, sự căng thẳng và nguy hiểm với an ninh toàn cầu sẽ còn tăng lên cấp độ mới khi chứng kiến sự đối đầu quân sự giữa hai thế lực của khu vực là Israel và Iran. Những lo ngại xung đột lan rộng trong khu vực đã trở thành hiện thực khi hai nước này đã có hành động quân sự trực tiếp nhằm vào nhau, nhưng ẩn số liên quan đến hạt nhân trong những ngày tới mới thực sự là mối lo lớn hơn.

LỰA CHỌN CÂN NÃO DÀNH CHO ISRAEL

Israel đã tuyên bố Iran sẽ không thể thoát khỏi hình phạt một cách bình an vô sự sau vụ tấn công chưa từng có, nhưng các đồng minh của Tel Aviv đang tìm cách xoa dịu tình hình.

Quân đội Israel hôm qua (17.4) thông báo đã tiến hành một loạt đợt không kích nhằm vào hơn 40 mục tiêu tại Dải Gaza trong vòng 24 giờ, theo báo The Times of Israel. Đồng thời, máy bay Israel cũng tấn công và tiêu diệt hai chỉ huy của lực lượng Hezbollah tại miền nam Li Băng. Những hành động này diễn ra trong lúc quân đội Israel đang rục rịch kế hoạch đáp trả Iran và đưa bộ binh vào khu vực Rafah ở miền nam Dải Gaza để tiêu diệt lực lượng Hamas.

Rủi ro cho Israel

Bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của các đồng minh phương Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch trên cả hai mặt trận này dù chưa công bố thời điểm cụ thể. AFP hôm qua dẫn lời các chuyên gia về tình hình khu vực phân tích rằng quân đội Israel không thể cùng lúc tiến hành hai chiến dịch như trên. Ông John Erath, Giám đốc chính sách tại Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí (Mỹ), cho rằng các lãnh đạo Israel có thể xem xét những phương án không làm leo thang căng thẳng với Iran và là một lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Nếu Israel vẫn quyết tâm đáp trả Iran, hành động đó sẽ làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến trên nhiều mặt trận và được cho sẽ khiến Tel Aviv càng thêm bị cô lập. Mặc dù quân đội Israel sở hữu ưu thế lớn so với các đối thủ trong khu vực nhưng để tấn công Iran, Tel Aviv sẽ phải cần được các nước vùng Vịnh cho phép sử dụng không phận, điều không chắc chắn được đảm bảo. Ngoài ra, một cuộc xung đột trực tiếp cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên quân đội Israel, khiến họ phân tâm khỏi cuộc xung đột tại Gaza và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trả lời báo The Guardian ngày 16.4, Đại biện Iran tại Anh Seyed Mehdi Hosseini Matin cáo buộc Israel đang tìm cách lôi kéo phương Tây vào một cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông với hậu quả không thể nào đong đếm được. Ông khẳng định Tehran đã đạt mục tiêu trong cuộc tấn công Israel và cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức và mạnh mẽ nếu Tel Aviv phạm sai lầm khi có hành động trả đũa.

Phương Tây xoa dịu

Hôm qua, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã gợi ý sẽ gia tăng cấm vận Iran về vụ tấn công Israel rạng sáng 14.4. Các quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ tung ra những lệnh cấm vận mới nhắm vào chương trình tên lửa, máy bay không người lái, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo và Bộ Quốc phòng cũng như năng lực xuất khẩu dầu của Iran. Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell cho hay liên minh đang làm việc để có biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại việc cung cấp vũ khí từ Iran cho các lực lượng khác.

Trong một cuộc điện đàm ngày 16.4, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tìm cách xoa dịu người đồng cấp Israel để tránh leo thang căng thẳng. Trong cuộc gọi, ông Sunak nói rằng sự leo thang chỉ làm gia tăng tính mất an ninh tại Trung Đông và nhấn mạnh đây là lúc cho "những cái đầu bình tĩnh". Ngoại trưởng Anh David Cameron và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua có cuộc gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog tại Jerusalem. Sau cuộc gặp, ông Cameron cho hay Israel rõ ràng đã ra quyết định phản ứng nhưng ông hy vọng Tel Aviv sẽ hành động theo cách "ít làm leo thang nhất có thể".

UKRAINE LỘ ĐIỂM YẾU CHÍ TỬ, NGA ĐANG TÍCH CỰC KHOÉT SÂU

Quân đội Ukraine đang tồn tại 3 điểm yếu lớn khó khắc phục. Ý thức rõ điều đó, lực lượng Nga khẩn trương xốc tới, khoét sâu vào các tử huyệt này. Giới chỉ huy quân sự Ukraine đứng trước những lựa chọn khó khăn trong triển khai nguồn lực có hạn.

Tình hình Ukraine u ám khi lộ rõ điểm yếu lớn cho Nga khai thác

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky vừa đưa ra một đánh giá u ám về thế của quân đội nước này tại mặt trận phía Đông. Theo đó, ông xác định thế của quân đội Ukraine “đã xấu đi đáng kể trong những ngày gần đây”.

Tướng Syrsky tuyên bố vào kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua: Các lực lượng Nga đã tăng cường khai thác lợi thế gia tăng của họ về nhân lực và đạn dược để đột phá phòng tuyến Ukraine.

Viên tướng Ukraine nói: “Đối phương gia tăng nỗ lực sử dụng các đơn vị mới, cơ động bằng xe thiết giáp, nhờ đó giành được các thành quả cấp chiến thuật”.

Trong lúc đó, Bộ Năng lượng Ukraine cảnh báo hàng triệu dân thường Ukraine sẽ phải thay đổi sạc dự phòng, lôi máy phát điện ra khỏi kho và “chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản” trong bối cảnh các nhà máy điện Ukraine bị hư hại hoặc bị phá hủy trong các cuộc không kích của Nga.

Với viện trợ quân sự từ Mỹ và phương Tây giảm mạnh, các chỉ huy Ukraine hiện phải cân nhắc rất khó khăn về cách sử dụng những nguồn lực vô cùng hạn chế có trong tay.

Ngay từ trước lúc gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 60 tỷ USD bị Quốc hội Mỹ đình lại, nhìn chung giới tướng lĩnh và các nhà phân tích quân sự Ukraine đều nhất trí rằng năm thứ 3 của xung đột Nga - Ukraine sẽ là một năm cực kỳ khó khăn đối với Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây cảnh báo rằng theo các thông tin mới nhất do tình báo Ukraine cung cấp, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè 2024 này.

Ba điểm yếu lớn nhất đối với Ukraine lúc này bao gồm: 1- Tình trạng thiếu đạn dược; 2- tình trạng thiếu binh sĩ được huấn luyện chuẩn chỉ; và 3- sự thiếu thốn vũ khí phòng không.

Cơn khát đạn pháo tại Ukraine

Viên tư lệnh cấp cao nhất của Mỹ tại châu Âu, tướng Christopher G. Cavoli, khi điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây đã đánh giá thẳng thừng về tình trạng Ukraine khan hiếm đạn dược. Ông nói: “Nếu một bên nổ súng, còn bên kia không bắn lại được, thì bên không bắn lại được sẽ thua”.

Tướng Cavoli tiết lộ, phía Nga sẽ mau chóng đạt tới cấp độ bắn đi số đạn pháo nhiều gấp 10 lần số đạn pháo mà Ukraine bắn.

Đối với Ukraine, trọng pháo và pháo phản lực tầm xa, có sức hủy diệt lớn là những thứ vũ khí thiết yếu vì chúng ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các hoạt động gây nhiễu điện tử.

Mặc dù máy bay không người lái (UAV) đã thay đổi đáng kể lối đánh trên chiến trường, chúng vẫn có những nhược điểm nhất định. Viktor Nazarov - cố vấn cho cựu Tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhny, nói: “UAV có thể phá hủy hiệu quả thiết bị quân sự và xe tăng nhưng tự chúng không thể phá hủy được phòng tuyến”.

Sau khi bổ sung kho vũ khí đạn dược của mình bằng nguồn cung cấp được cho là từ Triều Tiên và Iran, hiện Nga đang tận dụng thời tiết ấm khô để thực hiện các cuộc tấn công bằng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh trong những ngày gần đây, theo giới chức Ukraine.

Đương kim Tổng tư lệnh Ukraine Syrsky cho biết Nga đang cố gắng chớp thời cơ để giành được đột phá cấp chiến dịch dọc theo một số tuyến tấn công lớn, tạo ra mối đe dọa thường trực đối với thị trấn Chasiv Yar nằm trên đỉnh đồi. Thị trấn chiến lược này cách Bakhmut (Artemovsk) hơn 11km và đóng vai trò bảo vệ cho một cụm thành phố lớn ở vùng Donbass.

Khó khăn trong tuyển quân

Tư lệnh lực lượng Ukraine ở miền Đông, tướng Yurii Sodol, mới đây khi phát biểu trước Quốc hội nước này về việc gọi nhập ngũ đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm.

Tướng Sodol cho biết, sự phổ biến của UAV đã khiến cho một chiếc xe thiết giáp dễ dàng bị ngắm bắn và phá hủy trong vòng 30 phút triển khai tới tuyến số 0 ở mặt trận. Do vậy, trước các đợt tấn công liên tục của quân Nga, phía Ukraine chủ yếu trông chờ vào bộ binh để giữ vững trận địa.

Viên tướng cho biết thêm: Một tiểu đội gồm 8 -10 lính được giao nhiệm vụ bảo vệ 100m đất nhưng trên thực tế Ukraine không có các tiểu đội đầy đủ để làm nhiệm vụ đó.

Tướng Sodol nói: “Nếu chỉ có 2 người lính thì sẽ chỉ bảo vệ được 20m tiền tuyến. Vậy ai sẽ phụ trách bảo vệ 80m còn lại?”.

Quốc hội Ukraine gần đây thông qua một số luật nhằm bổ sung lực lượng cho quân đội nhưng quá trình này mất nhiều tháng và vẫn có nhiều thách thức trong tuyển quân. Trước mắt, bộ chỉ huy Ukraine cho biết, họ buộc phải luân chuyển hàng nghìn quân nhân ở tuyến sau lên các vị trí tác chiến. Nhưng khi ấy, Ukraine lại vấp phải một thách thức mới: Bảo đảm những binh sĩ ấy được huấn luyện đầy đủ.

Tổng tư lệnh Syrsky cho biết, chất lượng đào tạo là “vấn đề nghiêm trọng” và hiện quân đội Ukraine đang phải tận dụng các cựu chiến binh cho hoạt động đào tạo cấp thiết này.

Khoảng trống phòng không quá lớn

Dù huấn luyện tốt đến mấy, Ukraine vẫn khó đương đầu với những quả bom lượn to lớn và có sức công phá mạnh được Nga tăng cường sử dụng để đánh phá công sự Ukraine.

Trên mặt trận phòng không, Ukraine chật vật đối mặt với 2 thứ vũ khí chính của Nga: Tên lửa và máy bay ném bom.

Một báo cáo đặc biệt của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washington) nói rằng các viên chỉ huy Ukraine gặp khó khăn trong triển khai vũ khí phòng không. Vì những hệ thống dùng để chặn tên lửa Nga tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine cũng là loại cần để đối phó với máy bay Nga thả bom lượn ở tiền tuyến.

ISW nhận định, “Nga đang tận dụng việc Ukraine rút bớt các hệ thống phòng không này khỏi tiền tuyến để giành thêm đất, tuy chậm nhưng chắc”.

Theo ISW, năng lực phòng không suy yếu của Ukraine cũng cho phép Nga đánh vào hạ tầng trọng yếu của Ukraine, bao gồm cơ sở năng lượng và những cơ sở cần thiết cho sản xuất vũ khí.

Nguồn: CafeF; Soha; Báo Mới; Thanh Niên; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang