Nợ xấu bủa vây TQ; Israel đốt 1 tỷ đô mỗi đêm; Iran-Israel 'chơi dao'; Vũ khí giúp Ukraine lật ngược tình thế; 'Điểm nóng' Chasov Yar

DÂN TRUNG QUỐC GẶP RẮC RỐI LỚN VÌ NỢ XẤU

Những người không thể trả nợ ngân hàng ở Trung Quốc đang phải đối mặt nhiều hình phạt nghiêm khắc, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Qin Huangsheng từng tưởng tượng về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thành phố khi bà rời làng quê để trở thành công nhân nhà máy ở tuổi 16.

Giờ đây, ngoài 40 tuổi, Qin có mức lương cơ bản 400 USD mỗi tháng và phải gánh khoản nợ cá nhân 40.000 USD. Bên đòi nợ săn lùng bà. Qin bị chặn mua vé tàu cao tốc và đây chỉ là một trong hàng loạt hình phạt mà chính phủ Trung Quốc đang áp lên những người không thể hoặc chậm thanh toán nợ ngân hàng.

Trên những chuyến tàu chậm chạp cũ kỹ mà bà phải đi, Qin thỉnh thoảng nhìn các hành khách khác và nghĩ "không biết liệu họ có phải là con nợ khó đòi giống như mình không".

Người dân trên khắp Trung Quốc đang bị đè nặng bởi các khoản nợ cùng một hệ thống trừng phạt nghiêm khắc nếu họ không thanh toán đầy đủ. Bắc Kinh trừng phạt những con nợ quá hạn bằng cách tịch thu tiền lương của họ, không cho họ đảm nhận các công việc trong chính phủ cũng như hạn chế khả năng tiếp cận tàu cao tốc hay máy bay. Nhiều người bị cấm mua các hợp đồng bảo hiểm đắt tiền và không thể lưu trú trong những khách sạn sang trọng. Giới chức có thể bắt họ nếu không tuân thủ.

Số người nằm trong danh sách đen của chính phủ đã tăng gần 50% kể từ cuối năm 2019 lên 8,3 triệu người. Tòa án có thể đưa người vào danh sách trừng phạt này nếu họ không thi hành yêu cầu hoàn trả tiền hoặc bị cho là không hợp tác trong quá trình tố tụng.

Không giống như ở Mỹ, Trung Quốc không cho phép hầu hết mọi người tuyên bố phá sản để xóa nợ xấu và tiếp tục cuộc sống.

Nợ hộ gia đình Trung Quốc đã tăng 50% trong 5 năm qua lên khoảng 11 nghìn tỷ USD. Con số trên thấp hơn so với khoản nợ 17,5 nghìn tỷ của người Mỹ nhưng lại là số tiền khổng lồ đối với một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhiều.

Trong bối cảnh giá nhà giảm, nguy cơ giảm phát ngày càng lớn và thất nghiệp trở thành một thách thức dai dẳng, các lãnh đạo Trung Quốc muốn khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn. Nhưng mỗi USD tăng thêm dùng cho việc trả nợ sẽ lấy đi một USD có thể được sử dụng để mua quần áo mới hay chi trả cho kỳ nghỉ. Nguy cơ bị trừng phạt vì nợ nần đang khiến nhiều gia đình trở nên thận trọng hơn trong việc quản lý tiền bạc.

Chính phủ Trung Quốc hôm 16/4 cho biết doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng nội địa trong quý đầu tiên năm nay đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tụt hậu so với mức tăng trưởng kinh tế chung là 5,3%.

Cơn bùng nổ bất động sản của Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng gia tăng nợ cá nhân bởi nhiều người đã vay mạnh tay hơn để mua nhà. Một số người chấp nhận gánh thêm nợ, mua bất động sản nhằm mục đích đầu tư. Giờ đây, khi giai đoạn bùng nổ đã qua và giá cả đang giảm, nhiều người mắc kẹt với những khoản nợ không thể trả.

Theo công ty nghiên cứu bất động sản China Index Academy, số lượng nhà bị tịch biên được rao bán đã tăng 43% vào năm 2023 lên khoảng 400.000 căn.

Nợ cá nhân tăng cũng một phần do ngày càng nhiều người sử dụng thẻ tín dụng hoặc khai thác hạn mức tín dụng cá nhân để trang trải các chi phí phát sinh khi nền kinh tế trì trệ.

Theo giới chuyên gia kinh tế, một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Mỹ khó có thể xảy ra ở Trung Quốc trong tương lai gần. Khả năng kiểm soát của nhà nước đối với hệ thống ngân hàng đồng nghĩa với việc chính phủ có thể hấp thụ các khoản lỗ và bơm vốn trong trường hợp khẩn cấp. Nợ hộ gia đình phần lớn cũng đã giảm trong hai năm qua, do nhiều người ưu tiên sử dụng tiền để trả nợ hơn là mua sắm hoặc đầu tư vào cổ phiếu.

Dù vậy, các khoản nợ cá nhân lớn vẫn là một vấn đề đối với Trung Quốc."Nợ hộ gia đình bùng nổ có xu hướng khiến kết quả kinh tế vĩ mô tồi tệ, ngay cả khi không xảy ra khủng hoảng tài chính", Amir Sufi, nhà kinh tế tại Đại học Chicago, Mỹ, nhận định.

Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng thúc đẩy chi tiêu cá nhân nhằm giúp nền kinh tế giảm bớt phụ thuộc vào tăng trưởng bất động sản và cơ sở hạ tầng. Các ngân hàng nước này đã phát hành hàng chục triệu thẻ tín dụng mới mỗi năm, với số dư chưa thanh toán tăng 50% từ năm 2018 đến năm 2023 lên hơn một nghìn tỷ USD. Các ứng dụng công nghệ thịnh hành như Alipay hay WeChat cũng bắt đầu giúp người tiêu dùng vay tiền khi hệ thống thanh toán kỹ thuật số của chúng ngày càng phổ biến.

Nhưng khi các khoản nợ không được trả, thu nhập của một người có thể bị nhà nước tịch thu, khiến người mắc nợ chỉ còn một khoản tiền nhỏ để trang trải cuộc sống.

Chợ đen đã xuất hiện để phục vụ những người trong danh sách nợ xấu bị trừng phạt. Chính quyền Thượng Hải từng triệt phá một nhóm đặt vé tàu cao tốc thay cho những con nợ bị cấm làm điều này. Đầu năm 2021, giới chức đã truy tìm một con nợ sử dụng dịch vụ trên và bắt anh ta.

Hệ thống hiện tại ưu tiên bảo vệ chủ nợ, thường là những tổ chức nhà nước có quyền lực, thay vì giúp đỡ các cá nhân đang gặp khó khăn. Các học giả nghiên cứu vấn đề này nhận định Trung Quốc hiện rất cần một hệ thống cho cá nhân tuyên bố phá sản trên toàn quốc để đạt được mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là khiến đất nước trở nên công bằng hơn, bằng cách buộc các chủ nợ và con nợ chia sẻ chi phí của các khoản vay xấu.

"Hệ thống phá sản cá nhân là một cơ chế phân phối lại của cải", Li Shuguang, học giả đã cố vấn cho chính phủ về chính sách phá sản, viết trong một bài bình luận trực tuyến hồi mùa hè năm ngoái.

Song đề xuất đang bị cản trở bởi những người phản đối tin rằng nó sẽ chỉ khuyến khích nhiều người trốn nợ hơn.

Đối với Qin, một cựu công nhân nhà máy, việc dễ dàng tiếp cận tín dụng đã phản tác dụng nặng nề.

Năm 1999, khi mới 16 tuổi, Qin bắt xe buýt đêm từ nhà ở vùng nông thôn miền nam Trung Quốc đến trung tâm sản xuất ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.

Cha mẹ bà là nông dân, không đủ khả năng chi 15 USD lệ phí để bà tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học. Bà thề sẽ tự mình kiếm tiền và tìm được việc làm trong các nhà máy sản xuất dép và trang sức bằng vàng.

Vài năm sau, Qin sở hữu chiếc thẻ tín dụng đầu tiên. Với nó, bà đã mua một chiếc máy tính để tự học đánh máy với hy vọng có thể tìm được công việc tốt hơn.

Khi đã có thể tự mình thanh toán các hóa đơn, Qin cho hay bà cố gắng hủy chiếc thẻ tín dụng nhưng nhân viên ngân hàng nói với bà rằng hãy "giữ nó cho trường hợp khẩn cấp".

Công việc của Qin thăng hoa và cuối cùng bà chuyển tới thành phố Quảng Châu. Năm 2010, bà trở thành quản lý đấu thầu cho một công ty cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy cho các dự án bất động sản. Thu nhập của Qin tăng đều đặn nhờ số tiền hoa hồng mà bà nhận được trong thời kỳ bùng nổ bất động sản.

Khi lĩnh vực bất động sản chững lại, Qin nhảy sang ngành khác. Bà tham gia vào một công ty khởi nghiệp đang phát triển phần mềm giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ thu thập dữ liệu WeChat để tạo thêm lượng khách đến cửa hàng và hỗ trợ tiếp thị.

Qin cho hay bà đã đầu tư khoảng 150.000 USD tiền tiết kiệm vào công ty này song số tiền nhanh chóng bốc hơi khi công ty chạy đua phát triển phần mềm. Qin sau đó đồng ý gánh một số chi phí, như vật tư văn phòng, tiền thuê nhà hay lương nhân viên, thông qua thẻ tín dụng của mình và khai thác các hạn mức tín dụng cá nhân mà bà có được qua WeChat và Alipay.

Buổi giới thiệu ra mắt của công ty đã được đón nhận nồng nhiệt song khó khăn bắt đầu chồng chất do đại dịch Covid-19 ập đến.

Những khó khăn của công ty đã khiến Qin phải gánh khoản nợ hàng chục nghìn USD. Những cuộc điện thoại từ người đòi nợ đã trở thành chuyện thường ngày. Không có lựa chọn phá sản, Qin kết luận rằng tìm công việc mới là cách duy nhất giúp bà thoát khỏi rắc rối.

"Chỉ cần còn sống, tôi có thể làm việc chăm chỉ để kiếm lại tiền", bà nói.

Nhưng con đường đó đã gặp phải những trở ngại không ngờ tới. Năm 2021, khi đang chuẩn bị cho chuyến công tác tới Thượng Hải, cách Quảng Châu hơn 1.100 km về phía đông bắc, Qin nhận ra bà không còn được phép mua vé tàu cao tốc. Dịch vụ này yêu cầu bà cung cấp thẻ căn cước. Bà đành bắt chuyến tàu chậm và sau đó phải bỏ công việc vì những hạn chế đi lại.

Hiện tại, Qin đang làm việc tại một cửa hàng ở Phật Sơn, phía nam Quảng Châu, bán các loại thuốc cổ truyền Trung Quốc. Với mức lương cơ bản khoảng 400 USD một tháng, bà thấy bản thân khó lòng trả hết nợ. Đến nay, bà đã cố gắng thanh toán xong nợ từ hai thẻ tín dụng nhưng vẫn còn khoảng 40.000 USD phải trả.

Qin cố giữ thái độ lạc quan, hy vọng rằng nhu cầu thuốc sẽ tăng cao khi dân số Trung Quốc già đi, giúp bà tăng thu nhập, thậm chí có thể mở cửa hàng riêng. Tuy nhiên, bà vẫn phải tìm nhiều cách để kiếm tiền trả nợ.

Công việc hiện tại yêu cầu Qin thu các khoản thanh toán từ khách hàng bằng ví điện tử trên WeChat. Nhưng bà cho biết chức năng này trên tài khoản của bà đã bị đóng băng nhiều lần kể từ năm 2022, khiến Qin phải nhờ gia đình hỗ trợ.

Nhưng bà vẫn quyết định không nói với bố mẹ về toàn bộ những rắc rối đang gặp phải. "Nếu họ biết sự thật, họ sẽ không thể nào ngủ yên giấc", bà cho hay.

ISRAEL TỐN 1 TỶ USD MỖI ĐÊM

Xung đột Gaza và căng thẳng với Iran gây thiệt hại lớn cho kinh tế Israel, khiến các cơ quan lớn hạ xếp hạng tín dụng nhà nước Do Thái xuống một bậc.

Theo Times of Israel, S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của Israel từ 'AA-/A-1+' xuống 'A+/A-1' do nền kinh tế nước này chậm lại và rủi ro địa chính trị gia tăng, đánh dấu lần tụt hạng mới nhất kể từ khi Moody's hạ xếp hạng vào tháng 2.

Xung đột Gaza cùng với sự leo thang căng thẳng giữa Tel Aviv và Tehran đã gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Israel kể từ tháng 10 năm 2023.

Trong quý 4 năm 2023, đã giảm tới 20,7%, vượt xa dự báo ban đầu là 10%. Nợ quốc gia đã tăng thêm 43 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó có 22 tỷ USD được tích lũy kể từ khi bắt đầu chiến sự.

Đồng tiền quốc gia của Israel, shekel đã mất giá hơn 4% so với đồng đô la Mỹ vào năm 2024.

Nền kinh tế Israel vượt qua chiến tranh như thế nào?

Giáo sư Avi Weiss, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Xã hội Taub ở Israel và giáo sư kinh tế tại Đại học Bar-Ilan, lập luận: "Nền kinh tế Israel đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Sau khi vượt qua cú sốc ban đầu, thị trường lao động đang dần trở lại bình thường.

Ngay cả ngành xây dựng cũng hoạt động trở lại (cho thấy người Ả Rập Israel đã quay trở lại làm việc). Số lượng nam giới làm nhiệm vụ dự bị đang giảm dần và hiện tại, ngoài lực lượng lao động, con số này vẫn ở mức cao, nhưng chỉ bằng một nửa số lượng được đăng ký trong giai đoạn đầu".

Vị giáo sư này nhấn mạnh: "Do đó, nền kinh tế Israel dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 1,5-2% vào năm 2024 và hơn 5% vào năm 2025. Thấp hơn đáng kể so với mức bình thường, 3,5% vào năm 2024, nhưng vẫn đúng mục tiêu trong khoảng thời gian hai năm. Ngoài ra, nó vẫn duy trì mức bình quân đầu người ít nhiều ổn định vào năm 2024".

Avi Weiss cho rằng, để đạt được điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu tình hình quân sự có ổn định hay không, bao gồm cả căng thẳng Israel-Iran.

Tiến sĩ Steven Terner, giám đốc Terner Consultants, công ty tư vấn kinh doanh và địa chính trị hàng đầu có trụ sở tại New York, lại có quan điểm ngược lại: "Nền kinh tế Israel không có khả năng phục hồi tốt. Nó đã phải chịu đựng rất nhiều từ chiến tranh".

Quan chức này nhấn mạnh: "Nền kinh tế Israel suy sụp một nửa khi xung đột Gaza bắt đầu vì gần như toàn bộ đất nước đã được huy động cho nỗ lực chiến tranh. Hàng trăm nghìn người Israel đã phải di tản vào tháng 10, và nhiều người vẫn như vậy cho đến ngày nay.

Những người đó không thể làm việc hoặc thanh toán các hóa đơn, bao gồm cả tiền thế chấp và tiền thuê nhà cho những ngôi nhà mà họ đã sơ tán ở các thành phố phía bắc và phía nam sáu tháng trước".

Tiến sĩ Terner nói thêm rằng: "Mặc dù ngành du lịch, một nguồn thu nhập chính, cũng bị tàn phá bởi cuộc xung đột ở Gaza nhưng cuối cùng nó sẽ phục hồi. Nhưng nó sẽ không bắt đầu phục hồi cho đến khi chiến tranh kết thúc".

Nhà phân tích này chỉ ra thêm rằng đầu tư nước ngoài vào Israel cũng đã giảm vào năm 2023. Thật vậy, trong quý đầu tiên của năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Israel đã giảm 60% do bất ổn chính trị và xã hội do cuộc cải tổ tư pháp của chính phủ Israel gây ra.

Cuộc xung đột ở Gaza chỉ làm trầm trọng thêm những lo ngại về sự phát triển trong tương lai của Israel. Nhìn chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 28,7% vào năm 2023 so với năm 2022, theo Cục Thống kê Trung ương (CBS).

Terner dự đoán: "Xét đến những rủi ro an ninh của chiến tranh, sự không ưa chuộng quốc tế đối với sự mạnh tay của quân đội Israel ở Gaza cũng như các cuộc đình công và biểu tình đang diễn ra ở Israel về nhiều vấn đề chính trị, đầu tư nước ngoài sẽ không được đổ vào trong một thời gian".

S&P dự báo thâm hụt chính phủ chung của Israel sẽ tăng lên 8% GDP vào năm 2024, với nợ chính phủ ròng đạt đỉnh 66% GDP vào năm 2026. Công ty xếp hạng này cũng dự báo cuộc xung đột ở Gaza của Israel sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024.

S&P cho biết họ sẽ xem xét lại tình hình kinh tế của các quốc gia, xếp hạng một lần nữa vào ngày 10 tháng 5, cho thấy họ có thể giảm sâu hơn nếu Tel Aviv mở rộng cuộc xung đột đang diễn ra.

Làm thế nào leo thang quân sự lại phản tác dụng với nền kinh tế Israel?

Đáng chú ý, quyết định của cơ quan này cắt giảm một bậc xếp hạng của Israel được đưa ra trước cuộc tấn công rõ ràng vào ngày 19/4 của nhà nước Do Thái chống lại Iran.

Sau khi tiến hành cuộc phản công vào ngày 13/4 để trả thù cho cái chết của hai tướng lĩnh hàng đầu của Iran ở Damascus, Tehran cảnh báo rằng ngay cả một cuộc tấn công nhỏ nhất của Israel cũng sẽ gặp phải sự trả đũa mạnh mẽ.

Đến ngày 19/4, một căn cứ của Iran gần thành phố Isfahan đã bị máy bay không người lái tấn công. Theo nguồn tin chính phủ EU và Mỹ, cuộc tấn công được thực hiện bởi Israel.

Đáp lại, Tehran cho biết các máy bay không người lái đã bị phá hủy thành công và ra tín hiệu sẽ không trả đũa "ngay lập tức".

Tuy nhiên, với nguy cơ leo thang kéo dài, tương lai của nền kinh tế Israel dường như đang ở thế cân bằng.

Theo Benjamin Bental, giáo sư danh dự kinh tế tại Đại học Haifa, các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng liên tục giữa Iran và Israel sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế Israel.

"Nếu bạn nghĩ về vài tháng một lần, mỗi tháng hoặc mỗi tuần hoặc bất cứ điều gì - một cuộc tấn công tên lửa từ Iran, đòi hỏi khoảng 1 tỷ USD để phòng thủ trong một đêm, điều đó tất nhiên là không bền vững", Bental nói và nhấn mạnh rằng, đây là một kịch bản có thể xảy ra.

Sự bế tắc liên tục của Israel với Hamas, Hezbollah và Houthi cũng có nguy cơ khiến nền kinh tế nhà nước Do Thái kiệt sức.

Weiss đề xuất: "Kịch bản lạc quan bao gồm việc hồi hương các con tin, một chính quyền dân sự ở Dải Gaza thay thế Hamas, một thỏa thuận chính trị với Hezbollah, sự cân bằng răn đe với Iran và một thỏa thuận chính trị với Ả Rập Saudi.

Nếu điều này xảy ra, Israel sẽ có thể giảm dần chi tiêu quân sự và khôi phục vị thế của mình trên thị trường vốn quốc tế. Điều này có nghĩa là quay trở lại con đường đã bị xáo trộn đột ngột kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023".

Giáo sư cảnh báo: "Bất kỳ sai lệch nào so với kịch bản này sẽ phải trả giá. Đặc biệt, căng thẳng tiếp diễn dọc biên giới phía bắc sẽ ngăn cản việc khôi phục khu vực đó và duy trì sự bất ổn địa chính trị cao. Điều này có nghĩa là chi phí an ninh cao và kết quả là tăng trưởng kinh tế sẽ thấp".

Giải quyết vấn đề Hamas là chìa khóa để chấm dứt xung đột

Theo Rodney Shakespeare, giáo sư thỉnh giảng về kinh tế nhị phân tại Đại học Trisakti ở Jakarta, Indonesia: "Xung đột sẽ không kết thúc cho đến khi có giải pháp cho vấn đề Hamas. Israel hiện là một thực thể không ổn định, sự tồn tại của họ phụ thuộc vào các cuộc xung đột với người khác, và hầu hết thế giới hiện đã biết về điều này".

Về phần mình, Terner tin rằng một cuộc cải tổ chính trị ở Israel nhằm đưa các lực lượng ôn hòa hơn lên nắm quyền có thể là một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra và vấn đề Hamas.

IRAN-ISRAEL ĐANG ‘CHƠI VỚI DAO’?

Dù các chi tiết vẫn còn mơ hồ và Tehran nhất quyết phủ nhận, nhưng tiết lộ của các quan chức Mỹ và những gì từng diễn ra ám chỉ Israel có vẻ đã tấn công vào Isfahan, miền trung Iran sáng 19/4.

Isfahan là nơi đặt các cơ sở công nghiệp - quân sự của Iran, bao gồm cả một cơ sở then chốt trong chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo và một căn cứ không quân lớn cho phi đội tiêm kích F-14. Do đó, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào thành phố này, dù được thực hiện từ bên trong hay bên ngoài Iran, dưới sự hậu thuẫn của Israel, đều có ý nghĩa quan trọng và mang tính biểu tượng nhiều hơn.

Mặc dù giữa Israel và Iran lâu nay đã xảy ra “cuộc chiến trong bóng tối”, kể cả một vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của các lực lượng Tel Aviv vào một cơ sở sản xuất vũ khí ở Isfahan hơn một năm trước, động lực của xung đột được xác định chủ yếu bằng bối cảnh diễn ra các sự cố.

Theo báo Guardian, điều mới và nguy hiểm, bất kể quy mô hay mức độ nghi ngờ về thái độ của cả hai bên, là một trạng thái bình thường mới đang hình thành trong cuộc xung đột giữa hai nước.

Vụ tấn công bằng tên lửa và UAV của Iran vào Israel lúc rạng sáng 14/4, nhằm đáp trả cuộc không kích tình nghi do các máy bay chiến đấu của Tel Aviv tiến hành vào đại sứ quán của Tehran ở Damacus, Syria, đã xảy ra một cách công khai. Đây cũng là vụ tập kích trực tiếp đầu tiên của một quốc gia khác vào đất Israel trong hơn 3 thập kỷ qua. Các quan chức chính phủ và quân đội Israel ngay lập tức tuyên bố sẽ đáp trả “theo cách thức và thời gian phù hợp” với họ.

Trong khi Tel Aviv chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ thông tin Israel đứng sau vụ tấn công bằng UAV vào Isfahan ngày 19/4, các hãng thông tấn quốc tế đã trích dẫn lời một số quan chức cấp cao Israel và Mỹ ẩn danh đã khẳng định điều này. Một quan chức Mỹ thậm chí tiết lộ với báo chí rằng Tel Aviv hôm 18/4 đã báo trước cho Washington biết việc họ dự định hành động trong 24 – 48 giờ tiếp theo.

Giới quan sát lưu ý, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Israel tìm cách nhắm mục tiêu vào Iran và các lợi ích của quốc gia Hồi giáo như các chiến dịch ám sát, tấn công bằng UAV và phá hoại trước đó, nhưng sự cố lần này lại xảy ra vào một thời kỳ đặc biệt nhạy cảm và đầy biến động ở Trung Đông.

Nếu sự cố mới nhất “nhằm cảnh báo Iran rằng Tel Aviv có khả năng tấn công vào bên trong nước này” như một nguồn tin Israel giấu tên chia sẻ với tờ Washington Post, Tehran chắc chắn sẽ không bỏ qua thông điệp. Theo nhiều nhà phân tích, giới chức Iran đã cảm thấy cần phải “ăn miếng, trả miếng” tương xứng để không bị mất uy tín trước các đồng minh trong khu vực và tạo ấn tượng về chính sách răn đe Israel của họ đã suy yếu.

Vài giờ trước cuộc tấn công tình nghi do Israel tiến hành, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khuyến cáo, Tehran sẽ “đáp trả ngay lập tức và ở mức tối đa” nếu Tel Aviv có động thái “gây hấn mới”. Song, cho tới hiện tại, các nguồn thạo tin quả quyết, người Iran tạm thời chưa có kế hoạch trả đũa Israel.

Có một thực tế đáng lưu ý là, các quy tắc ngầm về đối đầu, tồn tại từ lâu giữa Iran – Israel trong cuộc xung đột ban đầu diễn ra thông qua các lực lượng ủy nhiệm và hiện trực tiếp hơn bao giờ hết, đã bị phá bỏ kể từ khi giao tranh giữa Israel - Phong trào Hồi giáo Hamas được Tehran hậu thuẫn bùng phát ở Dải Gaza ngày 7/10 năm ngoái.

Trong hơn 6 tháng qua, một cuộc xung đột chưa từng có ở Dải Gaza, xét về tính chất bạo lực và thời gian kéo dài, đã cướp đi sinh mạng của hơn 34.000 người Palestine và khiến hàng chục nạn nhân khác bị thương. Ở khu vực biên giới giữa Israel - Lebanon, một cuộc xung đột khác đã vi phạm các quy tắc thông thường, khi đọ súng giữa quân Israel với Hezbollah, một nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn, đã tăng lên kể từ ngày 8/10/2023 và đang diễn ra hàng ngày, khiến hàng chục nghìn cư dân ở cả hai bên biên giới phải đi sơ tán lánh nạn.

Khi ranh giới của sự kiêng dè và kiềm chế lẫn nhau đã bị vượt qua, dư luận quốc tế ngày càng lo ngại “lò lửa” Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, về mặt chính trị, rất khó để thấy phản ứng “một cách hạn chế” của Israel trước Iran như vụ tấn công ngày 19/4 sẽ có lợi cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu như thế nào. Đối với một chính khách từ lâu coi Iran và chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhà nước Do Thái, hành động như vậy trong bối cảnh này sẽ bị coi là dấu hiệu của sự thiếu táo bạo và quyết đoán, trái với mong muốn của ông Netanyahu.

Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir, một đồng minh trong liên minh cực hữu của ông Netanyahu, chỉ viết một từ “yếu đuối” trong thông điệp ngắn gọn đăng tải trên mạng xã hội X hôm 19/4.

Mặc dù về phía Iran, những phát biểu ban đầu cho thấy họ có vẻ coi những gì vừa xảy ra không đủ nghiêm trọng để đáp trả. Song, trong bối cảnh căng thẳng tương tự cuối tuần trước, nước này đã phóng hơn 300 tên lửa và UAV về phía Israel.

Hiện không có gì đảm bảo cả Israel và Iran sẽ chùn bước và không “đùa với lửa” vì những tính toán riêng của họ.

UKRAINE TÌM KIẾM HY VỌNG TỪ VŨ KHÍ GIÁ RẺ

Tờ Foreign Policy cho biết vũ khí của Ukraine là những chiếc máy bay không người lái giá rẻ khoảng 400 USD, trang bị camera rẻ tiền, có thể mang gần 5kg chất nổ.

Ukraine dùng vũ khí rẻ tiền chống tăng Nga

Foreign Policy dẫn lời một quan chức NATO rằng hơn 2/3 số xe tăng Nga mà quân đội Ukraine phá hủy trong những tháng gần đây đã được hạ gục bằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).

Khi gói hỗ trợ tài chính và thiết bị quân sự của Mỹ vẫn đang bị mắc kẹt tại Quốc hội, quân đội Ukraine phần lớn đã chuyển sang sử dụng máy bay không người lái FPV để thực hiện các cuộc tấn công chống tăng.

Theo tờ Politico, đối mặt với lực lượng Nga vượt trội về quân số và thiết giáp, lực lượng phòng thủ Ukraine đang cầm cự với sự trợ giúp của các máy bay không người lái với giá vài trăm USD, có thể phá hủy một chiếc xe tăng Nga có giá trị hơn 2 triệu USD.

Foreign Policy cho biết, các máy bay không người lái có giá 400 USD trở nên phổ biến trên chiến trường Ukraine. Nhiều trong số này có thể mang gần 5kg chất nổ trở lên.

Tuy nhiên, vũ khí này không phải không có điểm yếu.

Những chiếc FPV này được trang bị camera giá rẻ, khiến việc ngắm bắn khó khăn hơn vào ban đêm hoặc trong thời tiết nhiều mây, và chúng thường mang theo những loại đạn tự chế như lựu đạn hoặc bom tự chế, đôi khi phát nổ giữa chuyến bay, hoặc vận hành không theo ý muốn.

Trong một video được chia sẻ trên Telegram, một máy bay không người lái FPV của Ukraine bị kẹt ở cửa sổ phía trước của một chiếc xe tải nhỏ của Nga và không phát nổ.

Samuel Bendett, thành viên chương trình nghiên cứu về Nga của Trung tâm đánh giá Hải quân Center for Naval Analyses (CNA), cho biết: "Máy bay không người lái FPV có tầm hoạt động ngắn. Vì vậy, ngay cả khi Ukraine thiếu pháo binh tầm xa, họ cũng chỉ có thể sử dụng một số máy bay không người lái có phạm vi hoạt động tối đa là 10 km."

10 máy bay không người lái Ukraine hạ 1 tăng Nga

Các nhà phân tích theo dõi quân đội Ukraine tin rằng các cuộc tấn công đang có nhiều kết quả khác nhau. Rob Lee, một thành viên cấp cao trong chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết độ chính xác của máy bay không người lái FPV là dưới 50%. Sẽ cần một người điều khiển giàu kinh nghiệm để có thể khiến chiếc FPV tiêu diệt một chiếc xe tăng, chuyên gia này cho biết.

Ngay cả những máy bay không người lái vượt qua các biện pháp đối phó ngày càng tinh vi của Nga – những hộp thiết bị tín hiệu gắn trên xe tăng – thì đòn tấn công cũng có thể không gây ra một đòn chí mạng. Lee nói: "Bạn thường không tiêu diệt được xe tăng trong vài lần đầu tiên. Có thể phải cần tới 10 [máy bay không người lái FPV] trở lên mới tiêu diệt được một chiếc xe tăng."

Tuy nhiên, Moscow được cho đang cạn kiệt xe bọc thép và xe tăng. Nếu Ukraine tiếp tục tần suất phá hủy hiện nay và Nga tiếp tục gửi thêm xe tăng để thay thế những chiếc bị phá hủy với tốc độ hiện tại, Điện Kremlin có thể mất lợi thế về số lượng xe tăng, điều này có thể khiến Nga gặp khó khăn hơn khi thực hiện các hoạt động tấn công trong tương lai.

Nhưng Nga vẫn còn ưu thế về quân số, Lee nói thêm.

Việc sử dụng máy bay không người lái giá rẻ cho thấy người Ukraine đang phải nỗ lực ứng biến trong tình cảnh thiếu vũ khí nhằm chống lại cuộc tấn công của Nga.

Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp hoàn chỉnh: Các quan chức Ukraine đã dành những ngày gần đây để kêu gọi Mỹ gửi thêm hệ thống phòng không Patriot.

Máy bay không người lái FPV không phải là sự thay thế tối ưu cho đạn pháo khi tính tới yếu tố cần duy trì tốc độ bắn cao hoặc tạo hiệu ứng nổ.

Không rõ hiệu quả lâu dài của chúng sẽ như thế nào. Nhưng các máy bay không người lái giá rẻ đã làm thay đổi cuộc chiến, ít nhất là trong hiện tại.

“ĐIỂM NÓNG” CHASOV YAR: KHÔNG QUÂN NGA TĂNG CƯỜNG HỎA LỰC TÌM KIẾM LỢI THẾ

Bên cạnh pháo binh, không quân Nga cũng tăng cường hoạt động tại "điểm nóng" Chasov Yar. Điều này đã tạo lợi thế cho quân đội Nga.

Hàng không Nga hoạt động tích cực ở mặt trận Chasov Yar

Tại mặt trận trọng điểm Chasov Yar, quân đội Nga đã tăng cường các hoạt động hàng không. Các nhà quan sát cho rằng việc tăng cường xuất kích máy bay chiến đấu của Nga đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trên mặt trận khi thành trí của Ukraine liên tục bị tấn công và phá huỷ.

Việc sử dụng bom trên không có sức nổ cao (HAB) với UMPC cho thấy hiệu quả ngày càng tăng của lực lượng không quân Nga. Bên cạnh những hoạt động hiệu quả của không quân, pháo binh Nga cũng đã hoạt động tích cực và góp phần tạo nên những bước tiến quan trọng cho quân đội Nga ở mặt trận.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng hàng không Nga đang ngày càng sử dụng nhiều loại đạn dược dẫn đường chính xác, cho phép chúng tấn công chính xác các mục tiêu quân sự, từ đó giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Nhà phân tích quân sự của AVP lưu ý: “Việc tăng số lượng xuất kích chỉ là một mặt của đồng xu, vì chất lượng hoạt động cũng được cải thiện đáng kể nhờ sử dụng các công nghệ hiện đại, đảm bảo độ chính xác cao của các cuộc tấn công vào mục tiêu”.

Nga tấn công trung tâm vận tải quan trọng của Ukraine

Ngày 19 tháng 4, Nga tấn công tên lửa vào một trung tâm vận tải quan trọng của lực lượng Kiev ở khu vực Dnepropetrovsk.

Các cuộc không kích nhằm vào một trạm xe buýt cũng như một kho đầu máy xe lửa ở thành phố Dnipro. Kết quả là hoạt động của tuyến đường sắt địa phương tạm thời bị gián đoạn.

Theo ngành đường sắt Ukraine, cơ sở hạ tầng không chỉ bị hư hại trong thành phố mà còn ở nhiều nơi khác của khu vực.

Một bến cảng địa phương trên sông Dnipro cũng bị tấn công. Theo những bức ảnh đăng lên mạng xã hội, một số thuyền đã bị phá hủy hoặc hư hỏng.

Theo SF, cũng đã có báo cáo về các cuộc tấn công tên lửa của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng và các mục tiêu khác ở thành phố Synelnykove, Pavlohrad và Kryvyi Rih.

Lực lượng Kiev cho biết, tên lửa Kh-22 phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 cũng như tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-59/69 và Kh-101/555 đã được sử dụng trong các cuộc tấn công. Bên cạnh đó, nhiều máy bay không lái cảm tử Geran-1/2 cũng đã được sử dụng.

Quân đội Nga đã nối lại các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine vào tháng trước, sau khi Kiev thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái cảm tử vào một số khu vực biên giới Nga.

Nguồn: Vnexpress; Soha; Vietnamnet; CafeF; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang