Mỹ: Thêm 1 ngân hàng phá sản; Chật vật vì lạm phát; Chờ quyết định của FED; Ai có thể mua TikTok; Biểu tình phản chiến lan rộng

MỘT NGÂN HÀNG PHÁ SẢN LÀM TĂNG THÊM SỰ BẤT ĐỊNH CỦA KINH TẾ MỸ

Thêm một ngân hàng Mỹ vừa đóng cửa và trở thành trường hợp nhà băng phá sản đầu tiên trong năm nay. Năm 2023, Mỹ ghi nhận 5 ngân hàng phá sản.

Ngân hàng Republic First Bank vừa bị giới chức bang Pennsylvania đóng cửa. Đây là ngân hàng đầu tiên tại Mỹ phá sản trong năm 2024.

Trong một thông báo công bố vào sáng 27/4 (giờ Việt Nam), Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết cơ quan này được chỉ định quản lý tài sản và để bảo vệ người gửi tiền. FDIC đã thỏa thuận bán Republic First Bank cho Fulton Bank.

Fulton Bank sẽ tiếp quản toàn bộ tiền gửi và tài sản của Republic First Bank.

Không có thiệt hại cho người gửi tiền. 32 chi nhánh của ngân hàng này ở New Jersey, Pennsylvania và New York mở cửa lại từ tối 27/4 (giờ Việt Nam) với vai trò chi nhánh của Fulton Bank.

Có quy mô rất nhỏ tại Mỹ với 6 tỷ USD tài sản và 4 tỷ USD tiền gửi, nhưng việc Republic First Bank phá sản là tín hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn chưa hết khó khăn.

Republic First Bank tách ra từ First Republic Bank. Hồi tháng 5/2203, First Republic Bank (trụ sở ở San Francisco) đã bị đóng cửa và phần lớn tài sản được bán cho JPMorgan Chase.

Tính tới cuối năm 2022, First Republic Bank là ngân hàng lớn thứ 14 tại Mỹ và có hơn 220 tỷ USD tài sản.

Trong năm 2023, Mỹ ghi nhận 5 vụ phá sản trong lĩnh vực ngân hàng. Vụ phá sản lớn nhất chính là First Republic Bank (FRB).

Vụ phá sản lớn thứ hai là Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng 3/2023. SVB có tài sản tính tới cuối năm 2022 đạt 209 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, Mỹ ghi nhận các vụ phá sản của Silvergate Bank và Signature Bank. Ngân hàng phá sản cuối cùng trong năm ngoái tại Mỹ là Citizens Bank (Iowa), hồi tháng 11/2023.

First Republic Bank, bây giờ là Republic First Bank, là các nạn nhân của làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ ở Mỹ trong vài năm qua.

Trước khi sụp đổ, First Republic Bank ghi nhận lượng tiền gửi tại ngân hàng đã sụt hơn 40% trong quý I/2023. Điều này khiến cổ phiếu FRB bốc hơi 97% trong gần 5 tháng và bị tạm dừng giao dịch.

Trước đó, First Republic Bank nổi tiếng trong hệ thống ngân hàng Mỹ nhờ sở hữu một chuỗi ngân hàng nhượng quyền và có tệp khách hàng chủ yếu là những người giàu có và quyền lực (được cho là có cả Mark Zuckerberg của Facebook). First Republic Bank có một nguồn tiền gửi rất lớn với chi phí rất thấp.

Ngay cả khi SVB và Signature Bank sụp đổ hồi đầu năm 2023, First Republic Bank vẫn không có khoản nợ quá hạn vay hơn 90 ngày nhờ vào nhóm khách hàng rất chất lượng.

Thị trường tài chính thế giới vào thập kỷ khó lường

Thị trường tài chính thế giới đang rơi vào một giai đoạn cực kỳ khó lường với những biến động bất định, từ tình hình lạm phát cao trên phạm vi toàn cầu, giá hàng hóa, vàng bạc tăng dữ dội chưa có điểm dừng cho tới hiện tượng nhiều loại tài sản tăng giảm đầy bất ngờ.

Một lượng tiền khổng lồ được các nước bơm ra trong nhiều năm qua, từ đại dịch Covid-19, khiến nhiều loại tài sản gồm chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền số... tăng mạnh và tiềm ẩn tình trạng bong bóng có nguy cơ sụp đổ.

Nếu First Republic Bank phá sản hồi tháng 5/2023 do lãi suất cao và thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, thì ở thời điểm hiện tại Republic First Bank phá sản cũng bởi lãi suất cao nhưng bất động sản giảm giá mạnh.

Theo các báo cáo đánh giá, Republic First Bank phá sản do ngân hàng này chịu sức ép vì chi phí cao và biên lợi nhuận giảm. Nhà băng này đã phải cắt giảm việc làm và bỏ mảng cho vay mua nhà.

Republic First Bank gặp rất nhiều khó khăn khi lãi suất tăng cao, trong khi giá trị bất động sản thương mại giảm. Các tòa nhà văn phòng tại Mỹ có tỷ lệ trống rất cao sau đại dịch. Đó là những yếu tố khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro tài chính tăng cao. Các khoản nợ được đảm bảo bởi bất động sản mất giá khiến nợ xấu tăng cao.

Nhiều ngân hàng địa phương ở Mỹ giống như Republic First Bank đang trong thời kỳ bất ổn. Khi ngân hàng gặp khó, người gửi tiền có thể ồ ạt rút tiền bất cứ lúc nào.

Những thông tin xấu và làn sóng bank run (rút tiền khỏi ngân hàng) khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Trong khi đó, giá vàng gần đây liên tục tăng mạnh và nhiều lần lập đỉnh cao lịch sử nhờ dòng tiền tìm chỗ trú bão.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn cho tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Việc lãi suất được duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục gây thêm căng thẳng và không loại trừ khả năng sẽ có thêm những ngân hàng khác sụp đổ.

Tuy nhiên, Fed đang rất khó đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất bởi lạm phát vẫn ở mức cao. Gần đây, nhiều quan chức Fed có quan điểm trì hoãn quyết định cắt giảm lãi suất, thay vì dự kiến vào tháng 6, có thể sẽ rời sang tháng 9, thậm chí có thể sang năm sau.

Trên Kitco, chuyên gia Andrew Axelrod cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính chỉ mới bắt đầu. Ông nhấn mạnh rằng nhiều ngân hàng có quan hệ sâu với lĩnh vực bất động sản thương mại. Trong khi, lĩnh vực này có nguy cơ sụp đổ do xu hướng làm việc từ xa và các doanh nghiệp đang thu hẹp hoạt động.

Axelrod dự đoán, những bất ổn kinh tế có thể đưa vàng lên mức 3.000 USD/ounce trong năm 2024. Ông nói rằng “mức 3.000 USD/ounce không hề phải là điều điên rồ". Gần đây, ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.

NƯỚC MỸ CHẬT VẬT VÌ LẠM PHÁT

Một số nhà kinh tế học cho rằng thực sự không có nhiều chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát của Mỹ và châu Âu, mà vấn đề nằm ở các thước đo của Mỹ.

Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo thước đo ưa thích của Fed, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), lạm phát tính theo năm của Mỹ đã đạt 2,7% vào tháng Ba, tăng tốc so với mức 2,5% của tháng Hai, trong khi mục tiêu của Fed là duy trì lạm phát ở mức 2% trong dài hạn.

Một thước đo lạm phát khác của Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng cho thấy xu hướng đi lên tương tự. Tháng Ba, CPI tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức 3,2% của tháng Hai.

Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng tính theo năm của 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã giảm dần kể từ đầu năm, xuống 2,4% vào tháng Ba.

Dựa trên dự đoán của thị trường, ECB có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, ba tháng trước thời điểm Fed được dự đoán sẽ có động thái tương tự.

Thậm chí còn có dấu hiệu cho thấy Fed có thể tăng lãi suất, điều mà cho đến gần đây vẫn được xem là khó tin. Trước đó trong tháng này, bà Michelle Bowman, một Thống đốc của Fed, cho biết bà sẽ ủng hộ tăng lãi suất "nếu tiến trình kiềm chế lạm phát chững lại hoặc thậm chí đảo ngược".

Vậy tại sao Mỹ lại có vẻ như gặp khó khăn với lạm phát nhiều hơn châu Âu?

Sự khác biệt trong thước đo lạm phát

Một số nhà kinh tế học cho rằng thực sự không có nhiều chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát của Mỹ và châu Âu, mà vấn đề nằm ở các thước đo của Mỹ.

Khác với thước đo ưa thích của ECB, cả PCE và CPI đều bao gồm chi phí nhà ở của những người sống ở chính những căn nhà mà mình sở hữu. Thành tố này là thước đo số tiền một người có thể kiếm được từ việc cho thuê nhà của mình, và do đó người đó sẽ mất số tiền này nếu họ ở tại ngôi nhà đó.

Thành tố này nhằm mục đích theo dõi lạm phát trên thị trường bất động sản, đồng thời tính đến tính đến thực tế là hầu hết người Mỹ sở hữu nhà riêng. Nhưng ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, cho biết trên thực tế mọi người thực sự không cảm nhận được những chi phí nhà ở mang tính giả thuyết này.

Trọng số được gắn cho chi phí nhà ở của những đối tượng trên trong chỉ số CPI lớn hơn nhiều so với chỉ số PCE - 32% so với 13%, theo công ty tư vấn Capital Economics. Nhưng cả hai trọng số này vẫn lớn hơn nhiều so với mức 0% dành cho các chi phí này trong thước đo giá tiêu dùng chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Theo ông Simon MacAdam, phó chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, sự khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương này đã phóng đại những chênh lệch gần đây giữa lạm phát của Mỹ và Eurozone.

Khi sử dụng một thước đo khác loại bỏ những chi phí nhà ở giả thuyết đó, cùng với các điều chỉnh khác, ông MacAdam nhận thấy tỷ lệ lạm phát cốt lõi - không tính giá năng lượng và thực phẩm - ở Mỹ và châu Âu đã "rất tương đồng" trong sáu tháng qua.

Chính vì thế, ông nhận định: "Mỹ không gặp vấn đề cơ bản về áp lực giá quá mức trên diện rộng, trái với một số phân tích gần đây".

Sự chênh lệch về tăng trưởng kinh tế

Vậy nếu về cơ bản, mức độ lạm phát ở hai bờ Đại Tây Dương là tương đồng, thì tại sao các ngân hàng trung ương hai bên lại có kế hoạch cắt giảm lãi suất vào những thời điểm khác nhau?

Theo ông MacAdam, câu trả lời đơn giản là "các ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ dựa trên diễn biến của thước đo lạm phát mà họ nhắm đến, chứ không phải các thước đo đã được điều chỉnh hoặc hài hòa hóa."

Tuy nhiên, vấn đề còn phức tạp hơn thế. Ông Carsten Brzeski, Giám đốc toàn cầu về nghiên cứu vĩ mô tại ngân hàng ING, cho biết giữa hai bờ Đại Tây Dương có sự khác biệt lớn hơn về tăng trưởng kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, trong khi kinh tế Eurozone được dự đoán chỉ tăng trưởng 0,8%.

Các công ty Mỹ đang tuyển dụng với tốc độ cao kỷ lục, với 303.000 việc làm mới trong tháng Ba. Chính phủ Mỹ cũng chi tiêu nhiều hơn nhiều so với chính phủ các nước châu Âu trong những năm gần đây để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Điều này giúp duy trì nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ đặc biệt mạnh mẽ.

Mặc dù dữ liệu sơ bộ được công bố mới đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý đầu thấp hơn dự kiến, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nền kinh tế vẫn đang "hoạt động hết công suất".

Trong khi đó, kinh tế châu Âu lại yếu hơn nhiều, một phần do những tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng năng lượng. Khi Nga - quốc gia từng cung cấp hơn 40% lượng khí gas nhập khẩu bằng đường ống của châu Âu - tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (U-crai-na) vào năm 2022, giá khí đốt tự nhiên của khu vực này đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Kết quả là, lạm phát tính theo năm ở khu vực Eurozone đạt đỉnh ở mức cao hơn nhiều so với chỉ số PCE của Mỹ. Hai chỉ số này lần lượt đạt 10,6% và 7,1% vào năm 2022.

Ông Brzeski cho rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ khiến nguy cơ lạm phát cao dai dẳng quay trở lại cao hơn. Điều này khiến Fed do dự hơn ECB trong việc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa hè.

Ông lưu ý rằng cả Mỹ và Eurozone đều đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động, buộc các công ty phải tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động, từ đó thúc đẩy lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng của Mỹ có vẻ mạnh mẽ hơn.

Ông nói: "Chúng tôi thấy tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ bắt đầu giảm xuống, có nghĩa là người dân Mỹ sẵn sàng dùng tiền tiết kiệm để chi tiêu", trong khi các hộ gia đình châu Âu nhìn chung thận trọng hơn.

Ông Davide Oneglia, Giám đốc về kinh tế vĩ mô toàn cầu và châu Âu tại công ty nghiên cứu TS Lombard, cũng đồng quan điểm, Ông cho biết: "Người tiêu dùng Mỹ háo hức chi tiêu hơn vì có lẽ họ nhìn thấy triển vọng tốt hơn cho bản thân mình trên thị trường lao động".

CẢ THẾ GIỚI TÀI CHÍNH HỘI HỘP CHỜ QUYẾT ĐỊNH CỦA FED

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới vào ngày 30-4 và 1-5.

Lãi suất của Mỹ vốn neo cao ở mức 5,25%-5,5% kể từ tháng 7 năm ngoái.

Theo Reuters, các thị trường tài chính ban đầu suy đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED sẽ diễn ra vào tháng 3, song kỳ vọng đó đã bị đẩy lùi đến tháng 9 trong bối cảnh dữ liệu về thị trường lao động và lạm phát tiếp tục gây bất ngờ.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng đối với FED, tăng 3,4% trong quý I/2024 trong khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế chậm lại - ở mức 1,6%. Các chỉ số của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2%.

Dữ liệu do Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26-4 cũng chỉ ra rằng chi tiêu của người dân đã vượt xa thu nhập trong tháng 3 trong khi tỉ lệ tiết kiệm cá nhân giảm xuống 3,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2022. Theo đài CNBC, tình trạng này không giúp giảm lạm phát.

Lạm phát dai dẳng còn đe dọa khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ. Trong kịch bản xấu hơn, FED thậm chí phải tính đến việc tăng lãi suất trong tương lai gần.

Ông Mike Sanders, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Công ty tư vấn tài chính Madison Investments (Mỹ), nhận định: "Nếu lạm phát vẫn ở mức cao hơn, FED sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là đẩy nền kinh tế vào suy thoái, từ bỏ kịch bản hạ cánh mềm".

Lạc quan hơn Mỹ, trong số 20 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, lạm phát giá tiêu dùng đã chậm lại đều đặn kể từ đầu năm, xuống mức 2,4% trong tháng 3. Theo đài CNN, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.

Trong khi đó, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 34 năm qua so với đồng yen của Nhật Bản hôm 26-4, sau khi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ được công bố. Tại Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận công nghiệp trong tháng 3 sụt giảm dẫn đến hoài nghi về sự phục hồi kinh tế.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 27-4, lợi nhuận của các nhà sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong quý I/2024 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức tăng 10,2% của hai tháng đầu năm. Các số liệu cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn ở mức yếu dù GDP quý I tăng trưởng vững chắc.

TIKTOK BỊ BUỘC BÁN MÌNH, AI CÓ THỂ MUA?

Trong kịch bản TikTok chấp nhận bán mình, Meta và Google không phải khách hàng tiềm năng, trong khi Microsoft khả dĩ hơn.

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải rút khỏi Mỹ, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.

ByteDance - công ty mẹ TikTok có kế hoạch đấu tranh pháp lý. Tuy nhiên, nếu thất bại, họ sẽ phải chọn một trong hai. Theo nguồn tin của Reuters, ByteDance sẽ không thoái vốn TikTok cho bất kỳ ai. Trường hợp xấu nhất, hãng sẽ rời nước này.

Tuy nhiên, nếu xem xét kịch bản "bán mình" thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua nền tảng truyền thông xã hội với 170 triệu người dùng ở Mỹ và ngày càng thách thức các gã khổng lồ bản địa như Meta - công ty mẹ của Facebook.

Viễn cảnh bán TikTok có thể dẫn đến một cơn sốt thâu tóm, thu hút nhiều người mua tiềm năng từ các công ty công nghệ đến các nhà bán lẻ, quỹ đầu tư. Nhưng theo các chuyên gia pháp lý và nhà phân tích kinh doanh, không phải cứ giàu là mua được.

Ví dụ, hai gã khổng lồ Google, Meta được xem là khó tham gia, do bất kỳ nỗ lực nào cũng sẽ vướng rào cản pháp lý. Bản thân Meta đang đối diện vụ kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, cáo buộc việc họ mua WhatsApp và Instagram là vi phạm luật chống độc quyền.

Google hiện cũng đấu tranh với các vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp, liên quan đến hoạt động kinh doanh công nghệ tìm kiếm và quảng cáo. Vì vậy, chuyên gia cho rằng Google cũng không phải ứng cử viên triển vọng.

Gene Kimmelman, cựu quan chức chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các tên tuổi khác như Amazon cũng sẽ gây lo ngại về độc quyền. Do đó, các nhà mạng như Verizon hoặc AT&T triển vọng hơn. Trong khi, Intel, Cisco, hay Oracle thì khó đánh giá được nguy cơ.

Jasmine Enberg, nhà phân tích chính tại Emarketer chỉ ra nghịch lý là chỉ những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Mỹ mới có đủ nguồn lực để mua TikTok. Nhưng vấn đề là họ dễ vướng về quy định nhất.

"Bất kỳ người mua tiềm năng nào cũng phải có túi tiền dồi dào. Dù muốn sử dụng thuật toán của TikTok, nhưng hầu hết những ai đủ khả năng mua sẽ không thể vượt qua các rào cản chống độc quyền", bà đánh giá. Theo giới công nghệ, các thuật toán của ByteDance được xem là "món nước sốt bí mật" tạo nên thành công mà hiện không có công ty mạng xã hội nào có được.

Trong khi đó, Microsoft có triển vọng khá hơn. Sở hữu LinkedIn, một mạng xã hội dành cho các chuyên gia, nhưng hãng không có ứng dụng như TikTok trong danh mục đầu tư. Họ cũng từng là một trong số ít ứng cử viên mua TikTok vào năm 2020, khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên thúc đẩy việc bán.

Khi ấy, Microsoft cùng Walmart hợp tác tham gia đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận khả thi. Cả hai đều từ bỏ nỗ lực sau khi TikTok đồng ý hợp tác với Oracle trong Dự án Texas để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ do Oracle sở hữu, nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia của Nhà Trắng.

Bốn năm sau, khi tương lai của TikTok ở Mỹ bấp bênh, người mua tiềm năng cũ như Microsoft và đối tác Oracle có thể xem là ứng viên khả thi. Microsoft gần đây cũng bị giám sát về chống độc quyền khi tìm cách mua nhà phát hành trò chơi điện tử Activision Blizzard. Nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua được các thách thức pháp lý tại Mỹ và quốc tế để thâu tóm xong năm ngoái.

Ngoài các gã khổng lồ công nghệ, một khách hàng mới đang xuất hiện. Trong động thái gây ngạc nhiên, Steven Mnuchin, Cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Trump tuyên bố đang tập hợp một nhóm các nhà đầu tư để mua TikTok.

Thông tin chi tiết về ý tưởng của Mnuchin vẫn còn mơ hồ, dù ông được cho là đã đề xuất một thỏa thuận có thể loại trừ việc Tiktok phải bán thuật toán bí mật để vượt qua rào cản pháp lý của Trung Quốc về hạn chế xuất khẩu công nghệ. Điều đó có nghĩa là ông chỉ mua thương hiệu của TikTok.

Vài doanh nhân khác cũng bày tỏ sự quan tâm như Kevin O’Leary, Chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm tư nhân O’Leary Ventures. Giống Mnuchin, ông quan tâm việc mua lại thương hiệu Tiktok mà không gồm thuật toán. Ông cho rằng giá chào mua hợp lý có thể từ 20 đến 30 tỷ USD.

Mua TikTok bằng bao nhiêu tiền cũng không đơn giản. Các ngân hàng đầu tư được Reuters khảo sát cho biết rất khó để định giá TikTok bao nhiêu so với các đối thủ cạnh tranh tương tự như Meta hay Snap, vì thông tin tài chính của TikTok không được công bố và khó tiếp cận.

Hai nguồn tin cho biết doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỷ USD, từ mức 80 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, công ty chủ yếu kiếm tiền ở Trung Quốc nhờ Douyin - nền tảng "chị em" của TikTok.

Trong khi, người dùng hoạt động hàng ngày của TikTok ở Mỹ được cho là chỉ chiếm khoảng 5% trên toàn thế giới. Nguồn tin khác lại cho rằng Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.

Hồi tháng 3, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ "kiên quyết phản đối" việc ép bán TikTok. "Việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép theo luật pháp và quy định của Trung Quốc", Người phát ngôn nói thêm.

Bên cạnh giải pháp rời đi hoặc bán mình, trước đó, The Information đưa tin ByteDance đang "xây dựng các kịch bản về hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ mà không cần thuật toán đặc biệt".

LÀN SÓNG BIỂU TÌNH PHẢN CHIẾN LAN RỘNG KHẮP NƯỚC MỸ

Làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine và kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đang diễn ra tại ít nhất 50 đại học ở Mỹ.

Tính đến ngày 27-4 (giờ Việt Nam), các sinh viên đã dựng lều phản đối trong khuôn viên của ít nhất 50 trường đại học, cao đẳng ở Mỹ, từ các trường nổi tiếng trong nhóm Ivy League cho đến các trường công lập. Nhiều sinh viên cho biết sẽ không dừng việc biểu tình cho đến khi yêu cầu được đáp ứng.

Sinh viên 50 trường tham gia

Các sinh viên tại ĐH Columbia là những người đầu tiên cất tiếng nói phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza. Từ giữa tháng 4, họ đã dựng lều, kêu gọi lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza và yêu cầu trường đại học của mình thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí của Israel và Mỹ.

Trong khi ĐH Columbia vẫn là tâm điểm phong trào phản chiến của sinh viên, sự chú ý cũng lan sang khuôn viên các trường đại học khác, từ ĐH Nam California ở bang California đến ĐH Emory ở bang Georgia và Trường Emerson ở bang Massachusetts. Hôm 26-4, khoảng 200 người biểu tình đã tập trung tại ĐH George Washington, cách Nhà Trắng vài dãy nhà, mang theo áp phích "Trả tự do cho Palestine".

Theo Đài CNN, yêu cầu cụ thể của người biểu tình có phần khác nhau tùy từng trường, nhưng yêu cầu chính của họ là các trường đại học hãy thoái vốn khỏi các công ty có liên hệ với Israel hoặc các doanh nghiệp đang thu lợi từ cuộc xung đột ở Gaza. Các trường đại học phần lớn từ chối thực hiện yêu này.

Ngoài ra sinh viên còn yêu cầu trường của họ minh bạch những khoản đầu tư, cắt đứt quan hệ học thuật với các trường đại học Israel, ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza... Theo Bộ Y tế ở Gaza, hơn 34.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài sáu tháng qua giữa Israel và Hamas.

Những cuộc biểu tình của sinh viên đã gây ra tranh luận sôi nổi trên khắp nước Mỹ về cách thức các trường đại học cho phép tự do ngôn luận nhưng vẫn giữ an toàn cho sinh viên và duy trì trật tự.

Một số trường đã chọn cách hợp tác với cảnh sát để ngăn chặn biểu tình, dẫn đến những cuộc đụng độ và bắt giữ. Hàng trăm người đã bị bắt vì từ chối dỡ lều trại và vi phạm nội quy trường. Theo Hãng tin Bloomberg, tính đến 17h ngày 26-4 (giờ miền đông ở Mỹ), gần 600 người biểu tình đã bị bắt tại các khuôn viên đại học. Cảnh các sinh viên, giáo sư bị cảnh sát bắt giữ đã gây ra sự phẫn nộ.

Trong khi đó, lãnh đạo một số trường đại học cũng đã đối mặt với nhiều chỉ trích. Bà Nemat Minouche Shafik - chủ tịch ĐH Columbia - đang bị nhiều sinh viên, giảng viên và các nhà quan sát bên ngoài phản đối kịch liệt vì đã cho cảnh sát New York vào khuôn viên trường hôm 18-4 để dỡ bỏ lều trại.

Cũng hôm đó, cảnh sát đã bắt hơn 100 người và dỡ bỏ những chiếc lều khỏi bãi cỏ chính trong khuôn viên trường ở Manhattan. Tuy nhiên, người biểu tình đã nhanh chóng quay lại và dựng lều lần nữa. Sau khi thất bại trong việc chấm dứt các cuộc biểu tình hai tuần trước, ban lãnh đạo ĐH Columbia đã chuyển sang đàm phán với sinh viên nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Tại bang Texas, ông Jay Hartzell - chủ tịch ĐH Texas ở TP Austin - đối mặt với phản ứng dữ dội tương tự từ các giảng viên hôm 26-4, hai ngày sau khi ông cùng với Thống đốc bang Greg Abbott kêu gọi cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine.

Lo ngại bạo lực

Hầu hết các cuộc biểu tình của sinh viên trên toàn nước Mỹ đã diễn ra một cách ôn hòa, nhưng người ta cho rằng một số yếu tố trong các cuộc biểu tình là "bài Do Thái" và bày tỏ lo ngại về những mối đe dọa với sinh viên Do Thái. Trong một số cuộc biểu tình đã xuất hiện những khẩu hiệu và áp phích chống Do Thái.

Hầu hết những người tổ chức biểu tình trên khắp nước Mỹ đều nhấn mạnh việc không được sử dụng bạo lực. Tuy nhiên những lo ngại về an toàn đã gia tăng ở các cơ sở giáo dục, dẫn đến việc nhiều nơi phải tổ chức các lớp học trực tuyến và hủy bỏ lễ tốt nghiệp. Tuần này ĐH Nam California thông báo hủy lễ tốt nghiệp dự kiến vào ngày 10-5.

Nhà xã hội học Mỹ Joan Donovan (Đại học Boston) lưu ý phong trào biểu tình cần hết sức cảnh giác với những kẻ kích động cực hữu đang cố gắng thâm nhập vào phong trào với mục tiêu phá hoại thông điệp ban đầu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden ủng hộ quyền tự do ngôn luận nhưng ông lên án "các cuộc biểu tình chống Do Thái" và nhấn mạnh khuôn viên các trường đại học của Mỹ cần được an toàn. Một số sinh viên Do Thái nói các cuộc biểu tình đã chuyển sang chủ nghĩa bài Do Thái và vì thế mà họ ngại đến trường lúc này.

Đến nay không biết chắc chắn khi nào các cuộc biểu tình trên sẽ kết thúc. Hôm 26-4, các sinh viên ĐH Columbia - những người truyền cảm hứng cho phong trào biểu tình phản đối chiến sự tại Gaza trên khắp nước Mỹ - cho biết họ gặp thế bế tắc với lãnh đạo nhà trường và có ý định tiếp tục dựng lều phản đối cho đến khi yêu cầu được đáp ứng.

Nguồn: Vietnamnet; VTV; CafeF; Vnexpress; Tuổi Trẻ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang