Mỹ: Ngày tàn của TikTok; Cuộc chiến giành chỗ ở; 'Cơ hội vàng' cho Trump; Kinh tế tăng trưởng chậm; Chuẩn bị thu tài sản Nga

TIKTOK ĐẾN NGÀY TÀN: MỸ RA TỐI HẬU THƯ 9 THÁNG ĐỂ XÓA MÁC TRUNG QUỐC

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi Tiktok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ.

Tờ Financial Times (FT) cho hay Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua việc ép Tiktok phải tách rời khỏi ông chủ ByteDance-Trung Quốc hoặc sẽ bị cấm khỏi các nền tảng chợ ứng dụng tại nước này.

Nếu quyết định này được Thượng viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký chính thức thì ByteDance chỉ có 9 tháng để bán Tiktok cho một doanh nghiệp khác không đến từ Trung Quốc hoặc sẽ phải chấp nhận bị dỡ bỏ khỏi các nền tảng của Mỹ.

Những chợ ứng dụng như App Store hay Google Play sẽ bị phạt nặng theo dự thảo luật mới này nếu vẫn tiếp tục phân phối hay cập nhật Tiktok.

Thậm chí các hãng cung ứng dịch vụ Internet cũng bị buộc phải chặn Tiktok nếu không muốn chịu phạt. Tuy nhiên người dùng Tiktok thì không chịu chế tài nào nếu cố tình tìm kiếm để tiếp cận mạng xã hội này.

Theo FT, việc cấm một ứng dụng trên toàn quốc là điều chưa từng có tại Mỹ dù một số tiểu bang đã từng làm trong thời gian gần đây. Ví dụ bang Montana đã thông qua dự luật cấm Tiktok vào năm 2023 bằng cách yêu cầu các chợ ứng dụng loại bỏ mạng xã hội này trong khu vực bang.

Tuy nhiên dự luật này đã bị phủ quyết bởi tòa án liên bang vào tháng 11/2023 trước khi kịp có hiệu lực vào ngày 1/1/2024. Hiện Montana vẫn đang kháng cáo về dự luật này.

Trước đó, chính phủ Mỹ và nhiều bang đã cấm các thiết bị được sử dụng trong hành chính công được phép tải Tiktok nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu. Một số nước như Canada hay Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã ban hành các chỉ thị cấm tương tự với thiết bị công.

Bịt tai trộm chuông?

Tờ FT cho hay Tiktok đã được tải xuống hàng triệu điện thoại ở Mỹ, biến đây thành thị trường lớn nhất của mạng xã hội này trên toàn cầu. Lệnh cấm mới nếu được thông qua cũng sẽ không ép buộc người dùng phải xóa ứng dụng này, nhưng họ sẽ không thể cập nhật hoặc tải lại từ chợ ứng dụng nếu đã xóa hay cài đặt trên điện thoại mới.

Việc chặn quyền truy cập trên chợ ứng dụng theo thời gian sẽ khiến Tiktok trở nên lỗi thời, nhưng điều này sẽ không thể khiến người dùng Mỹ ngừng xem Tiktok chỉ sau 1 đêm.

Trên thực tế, người dùng Mỹ vẫn có thể lách luật bằng các tài khoản ảo ẩn địa chỉ IP để truy cập vào chợ ứng dụng ở thị trường nước ngoài và tải về Tiktok. Điều trớ trêu hơn là người dùng sẽ không phải nhận bất kỳ chế tài nào về hành vi này.

Theo FT, điều này khiến lệnh cấm trở nên vô tác dụng khi chẳng khác nào hành vi "bịt tai trộm chuông" bởi chính người dùng mới là đối tượng tự chủ hành vi có tiếp tục dùng Tiktok hay không.

Dẫu vậy, việc cấm Tiktok tại Mỹ được cho là vẫn sẽ có tác động to lớn đến nền tảng này khi chặn thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ mạnh với ByteDance. Sức mua cực kỳ lớn tại Mỹ cùng những danh tiếng mà thị trường này đem lại sẽ làm suy yếu đáng kể cái tên Tiktok trong ngành TMĐT.

Nhiều nhãn hàng sẽ phải xem xét lại việc quảng cáo trên Tiktok khi chúng khó tiếp cận thị trường Mỹ, trong khi nhiều người bán hàng sẽ từ bỏ Tiktok vì không tiêu thụ được cho khách hàng Mỹ.

Hiện Tiktok đang được hơn 7 triệu doanh nghiệp tại Mỹ sử dụng và có tỷ lệ tương tác cao hơn các nền tảng truyền thông khác trong giới trẻ. ĐIều này đồng nghĩa khả năng quảng bá, lan truyền thương hiệu của Tiktok cao hơn với 1 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu.

Ngoài ra, lệnh cấm này cũng là cơ hội cho Meta (Facebook) và Amazon nhanh chóng bành trướng trong bối cảnh đối thủ gặp khó khăn.

Số liệu của Viện Pew Research cho thấy Tiktok đã trở thành nguồn tin tức chủ chốt tại Mỹ khi 1/3 người trưởng thành dưới 30 tuổi thừa nhận đọc tin tức chủ yếu từ mạng xã hội này.

Tìm đường sống

Tiktok đang tiến hành một chiến dịch vận động hành lang rầm rộ trong bối cảnh có khả năng bị xóa sổ khỏi Mỹ, tuy nhiên phần lớn chúng bị nghị viện Mỹ phớt lờ.

Về lý thuyết, Tiktok có thể thực hiện một vụ kiện chống chính phủ Mỹ lên tòa án. Đơn kiện sẽ phải được đệ trình trong vòng 165 ngày kể từ khi dự luật được Tổng thống thông qua.

Trước đây, Tiktok đã kiện Mỹ vào năm 2020 khi Trump ban hành lệnh chặn mạng xã hội này trong nước, đồng thời yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi đây trong vòng 90 ngày cũng như từ bỏ bất kỳ dữ liệu nào mà họ thu thập được từ người dùng Mỹ.

Một thẩm phán đã chặn lệnh này chỉ vài giờ trước khi chúng có hiệu lực và Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm khi lên nhậm chức.

Trên thực tế, Tiktok đã từng tính đến việc tách hoạt động tại Mỹ khỏi công ty mẹ ByteDance nhưng vào năm 2020, Trung Quốc đã cập nhật các quy tắc mới nhằm đảm bảo quyền thống trị của mình trong các thương vụ như trên, khiến mạng xã hội này lâm vào thế kẹt giữa 2 cường quốc.

Năm 2023, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố họ "kiên quyết phản đối" việc ép buộc bán Tiktok khỏi ByteDance.

Phía Tiktok đã cố gắng xoa dịu những lo ngại của Mỹ bằng nhiều phương án như niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước này, nhưng chúng vẫn không được các chính trị gia hài lòng.

NGƯỜI VÔ GIA CƯ MỸ & CUỘC CHIẾN GIÀNH CHỖ Ở

Từ một người vô gia cư, Jameson được hỗ trợ chỗ ở, song gặp nhiều rắc rối với ban quản lý tòa nhà và hàng xóm, khiến cô có nguy cơ bị đuổi ra ngoài.

Năm 2021, khi đang sống trong một căn lều tạm, Staci Jameson nhận được voucher hỗ trợ nhà ở, điều mà hàng nghìn người vô gia cư ở Washington, thủ đô Mỹ, ao ước. Với voucher này, người phụ nữ 38 tuổi chuyển đến căn hộ một phòng ngủ trong tòa nhà ở trung tâm thành phố, nơi chính phủ chi trả toàn bộ tiền thuê nhà hàng tháng.

Nhưng một năm sau, Borger Management, công ty quản lý tòa nhà, khởi động quy trình pháp lý để trục xuất Jameson. Họ cáo buộc Jameson đe dọa nhân viên vận hành tòa nhà, khỏa thân tại hành lang và có hành vi ngả ngớn với một cảnh sát tới điều tra khiếu nại về cô.

Gần hai năm sau, vụ án vẫn trong giai đoạn xử lý, và Jameson vẫn sống trong tòa nhà. Cô không biết ai là người phụ trách vụ kiện, không thể hiểu các thuật ngữ pháp lý, cũng không đủ tiền thuê luật sư. Các luật sư tình nguyện chuyên nghiệp từ chối tiếp nhận sự việc của cô.

Theo Washington Post, đây là một trong những trường hợp nổi bật, phản ánh loạt thách thức khi người vô gia cư Mỹ được chính quyền cấp nơi ở, cũng như các hỗ trợ khác.

Cơ quan Quản lý Dịch vụ Nhân sinh từ chối cung cấp thông tin cụ thể của Jameson do quy định về quyền riêng tư.

Nhưng quan chức Rachel Pierre cho biết cơ quan có phân công một nhân viên quản lý hồ sơ đến thăm người được cấp voucher nhà ở hai lần mỗi tháng, với nhiệm vụ đảm bảo người này nắm rõ hợp đồng thuê nhà và hiểu rằng có thể bị trục xuất nếu vi phạm các quy định.

Bà Pierre kêu gọi hàng xóm của những người hưởng voucher nhà ở kiên nhẫn với hành vi của họ. "Chỉ cần ai đó thoát khỏi tình trạng vô gia cư, họ vẫn xứng đang được chào đón như bất kỳ người hàng xóm nào", bà nói.

Trong khi đó, hội cư dân tòa nhà nơi Jameson ở phản ứng gay gắt với cô. "Thật vô lý khi cư dân tòa nhà phải chịu đựng những hành vi gây rối, đe dọa không thể chấp nhận được", hội cho biết trong một tuyên bố.

Theo dữ liệu pháp lý, các chủ nhà dựa vào luật sư để giải quyết 80% quy trình trục xuất, trong khi chỉ khoảng 4% người thuê nhà có sự hỗ trợ tương tự.

Emily Benfer, phó giáo sư luật tại Đại học George Washington, cáo buộc các quan chức tòa án chỉ chú trọng tốc độ xử lý vụ án, thay vì tập trung vào tính công bằng của người thuê nhà đang đối mặt nguy cơ bị đuổi ra đường.

"Tòa xử lý 100 vụ mỗi ngày, ưu tiên giải quyết càng nhiều càng tốt", Benfer nói, cảnh báo quyết định trục xuất có thể ảnh hưởng học tập, công việc, gây bất ổn cho cả một gia đình, thậm chí gây ra những trường hợp thương tâm. "Tôi từng trò chuyện với những người bị đuổi khỏi nhà lúc nhỏ, họ vẫn ám ảnh đến ngày nay".

Jameson cho biết cô từng nghiện heroine. Sau thời gian vật lộn, ra vào trại cai nghiện, cô chuyển đến một khu lều trại của người vô gia cư ở Washington. Đó là lần đầu tiên Jameson sống trên đường phố, nhưng còn "thoải mái hơn" ở căn hộ sau khi nhận voucher nhà ở. Cô nói rằng những người sống ở khu lều trại không soi mói, phán xét cô như các hàng xóm trong tòa nhà.

Giờ đây, Jameson phải đơn độc tiến hành cuộc chiến để giữ được ngôi nhà mà cô khó khăn lắm mới được chuyển vào.

Trong phiên tòa đầu tiên xét xử vụ tranh chấp hồi tháng 4/2023, Jameson đến muộn do nhầm địa chỉ. Khi cô đang loay hoay tìm đường bên ngoài, thẩm phán đã ra phán quyết định thắng kiện hiển nhiên cho nguyên đơn, do bị đơn không có mặt. Chỉ khi một phóng viên tìm thấy Jameson ở hành lang, cô mới có thể vào phòng xử án và giải thích tình hình, khiến thẩm phán hủy phán quyết.

Theo báo cáo của cảnh sát, Jameson bị cáo buộc tấn công tình dục năm 2021, sau khi hít chất bột trắng trong thang máy tòa nhà, rồi sàm sỡ một cư dân, cởi quần áo ở hành lang và sàm sỡ cảnh sát có mặt ở hiện trường.

Sau khi xem xét các bằng chứng, tòa bác các cáo buộc hồi năm ngoái. Jameson cũng khẳng định "không nhớ về sự việc", phủ nhận việc mình cởi quần áo ở hành lang tòa nhà.

"Tôi không làm gì sai, nhưng có nguy cơ bị đẩy ra đường, không thể ở trong nhà của chính mình. Họ có vấn đề với vẻ ngoài của tôi", Jameson nói, cho rằng cô bị phân biệt đối xử do sử dụng voucher nhà ở và có bạn trai da màu.

Cassandra Lee, nhân viên ban quản lý tòa nhà, kể rằng Jameson từng tìm cách xin chữ ký cư dân trong tòa nhà để tranh cử thị trưởng, "vung vẩy một cây gậy trên tay, tự nhận là Chúa Jesus", điều mà Jameson phản bác.

Trong phiên xử thứ hai, Jameson cho rằng có thể tông giọng và tính cách của cô là vấn đề. "Nhưng đây là giọng nói của tôi, là vấn đề cả đời, tôi không thích nhưng sẽ dùng giọng này. Tôi không phải người xấu, không đáng bị đuổi khỏi nhà".

Thẩm phán mất 50 phút để ra phán quyết trục xuất Jameson khỏi căn hộ. "Thật vớ vẩn!", Jameson lao khỏi phòng xử án, la hét dọc hành lang. Nhiều tháng sau, cô nộp đơn kháng cáo và vẫn ở trong căn hộ. Vụ án sau đó ghi nhận bước ngoặt đáng chú ý.

Sau khi Jameson kháng cáo, một thẩm phán nhận ra vấn đề kỹ thuật trong thủ tục giấy tờ của Borger Management. Thông báo trục xuất phải giải thích rằng nạn nhân bạo lực gia đình có thể ở lại căn hộ nếu hành vi vi phạm liên quan bạo lực gia đình. Jameson không được thông báo về điều khoản này.

Do đó, vụ kiện chống lại Jameson bị hủy vào tháng 6/2023.

Paul Di Blasi, người điều hành trung tâm luật sư tình nguyện Washington, đã tư vấn cho Jameson trước phiên xử năm ngoái, nhưng không thể đứng ra bào chữa cho cô. Một liên minh gồm các tổ chức phi lợi nhuận và công ty luật cũng khởi động sáng kiến đảm bảo người thuê nhà ở Washington được tiếp cận luật sư miễn phí, nhưng dường như không có tác dụng khi có quá nhiều công ty quản lý khởi kiện người thuê nhà.

Các luật sư lưu ý cơ quan cấp voucher nhà ở phải can thiệp khi người thuê gặp khó khăn trong cuộc sống tại nơi ở mới, bởi các luật sư rất khó can thiệp. "Kết quả là những người từng vô gia cư phải loay hoay với vụ kiện và đối mặt nguy cơ ra đường lần nữa, thực sự không thể làm gì khác", một luật sư nói.

TRUMP BẤT NGỜ NHẬN ĐƯỢC “CƠ HỘI VÀNG”

Tòa án tối cao Mỹ hôm 25-4 nghiêng về hướng chuyển lại vụ án hình sự của ông Donald Trump về nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 cho tòa cấp dưới.

Theo The Guardian, các thẩm phán dường như khó chấp nhận yêu cầu của cựu Tổng thống Mỹ Trump về quyền miễn trừ tuyệt đối khỏi bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, chánh án John Roberts và các thẩm phán bảo thủ cho rằng các tổng thống nên có quyền miễn trừ ở mức độ nào đó.

Vụ việc năm 2020 của ông Trump xảy ra khi vị cựu tổng thống này vẫn còn đương nhiệm.

Các thẩm phán bảo thủ, những người chiếm đa số 6-3 trong cơ quan tư pháp hàng đầu của quốc gia, bày tỏ lo ngại về việc các tổng thống thiếu bất kỳ mức độ miễn trừ nào, đặc biệt là đối với các hành vi ít nghiêm trọng, theo Reuters.

Thẩm phán phe bảo thủ Samuel Alito cho biết các tổng thống đương nhiệm thất cử trong cuộc tái tranh cử sẽ rơi vào "tình thế bấp bênh đặc biệt", khi họ dễ bị chính quyền tổng thống tiếp theo truy tố "đầy thù hận", dẫn đến bất ổn cho đất nước.

Còn chánh án John Roberts bày tỏ lo ngại về các vụ truy tố "lạm dụng tổng thống", bao gồm việc một công tố viên dễ dàng yêu cầu đại bồi thẩm đoàn đưa ra bản cáo trạng.

Song song đó, các luật sư của ông Trump lẫn công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ đều đồng ý rằng có một số hành vi riêng tư mà tổng thống sẽ không được bảo vệ.

Vì vậy, tòa án đang nghiêng về hướng trả lại yêu cầu về quyền miễn trừ của ông Trump cho tòa cấp dưới để quyết định xem phần nào của bản cáo trạng là “hành vi chính thức” được bảo vệ bởi quyền miễn trừ của tổng thống.

Nếu tòa án tối cao chuyển lại vụ án cho cấp dưới là tòa án cấp quận Tanya Chutkan, gần như chắc chắn sẽ gây thêm chậm trễ cho vụ án và có thể khiến vụ án không được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử tháng 11.

Một kết quả như vậy sẽ trở thành chiến thắng cho Trump, người có chiến lược pháp lý tổng thể chống lại các vụ án do công tố viên đặc biệt Jack Smith đưa ra là tìm cách trì hoãn.

Nếu thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Trump có thể bổ nhiệm một người trung thành làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, người sẽ bãi bỏ các cáo buộc chống lại ông.

Trước đó, ông Trump đã kháng cáo sau khi các tòa án cấp dưới phán quyết ông không được miễn trừ khỏi 4 cáo buộc hình sự liên quan đến bầu cử với lý do ông còn đương nhiệm khi thực hiện các hành động bị cáo buộc.

Vào ngày diễn ra phiên tòa nói trên tại Tòa án Tối cao, ông Trump không có mặt bởi đang hiện diện tại Tòa án Hình sự quận Manhattan ở TP New York, đối mặt với cáo buộc về 34 trọng tội làm giả hồ sơ kinh doanh nhằm che đậy khoản tiền "giữ im lặng" cho một ngôi sao phim người lớn vào năm 2016.

LẠM PHÁT TĂNG, KINH TẾ MỸ TĂNG TRƯỞNG CHẬM NHẤT TRONG 2 NĂM

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 25/4 cho biết trong quý I/2024, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần 2 năm, do nhập khẩu tăng vọt để đáp ứng chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ khiến gia tăng thâm hụt thương mại.

Cùng với đó, lạm phát tăng cao tiếp tục củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 9 năm nay.

Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý I/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ tăng trưởng của quý IV/2023 là 3,4%.

Lạm phát cũng gia tăng, với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động, tăng ở mức 3,7% trong quý I/2024, sau khi tăng 2,0% trong quý IV/2023. Lạm phát tăng trong quý đầu tiên năm nay là do lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ tăng 5,1%, gần gấp đôi tốc độ trong quý trước đó.

Chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 2,5%, chậm lại so với tốc độ 3,3% được ghi nhận trong quý IV/2023. Trong khi đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng ở mức 35,4 tỷ USD, sau khi tăng 54,9 tỷ USD trong quý trước đó.

Các số liệu trên thể hiện sự mất đà đáng chú ý vào đầu năm 2024 của nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi kết thúc một năm 2023 mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Với việc lạm phát gia tăng cao, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể phải đối mặt với áp lực mới trong việc tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

MỸ LÊN KẾ HOẠCH TỊCH THU TÀI SẢN NGA

Gói viện trợ lớn dành cho Ukraine và những đồng minh khác mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký đồng thời cho phép Washington tịch thu tài sản của Nga trên nước Mỹ và sử dụng vì lợi ích của Kiev, theo AP.

uy trình tịch thu được thực hiện theo Ðạo luật Tái thiết Kinh tế Thịnh vượng và Cơ hội cho người Ukraine (REPO). Nó được xem như biện pháp “thực thi nghĩa vụ” của Nga nhằm bồi thường thiệt hại mà Kiev gánh chịu từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Mát-xcơ-va phát động từ tháng 2-2022. Theo luật mới, Tổng thống và Bộ Tài chính có 3 tháng để xác định tài sản của Nga ở Mỹ và báo cáo lại Quốc hội trong vòng 180 ngày. Một tháng sau thời hạn đó, Tổng thống sẽ được phép “chiếm giữ, tịch thu, chuyển nhượng hoặc bàn giao” bất kỳ tài sản thuộc chủ quyền nhà nước Nga trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ, ngoại trừ tài sản ngoại giao.

Ðược biết, sau khi xung đột bùng phát, Mỹ và các đồng minh ngay lập tức đóng băng 300 tỉ USD tài sản Nga ở nước ngoài. Hiện khối tài sản đó vẫn bị phong tỏa với 232 tỉ USD đang nằm ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 5 tỉ USD ở Mỹ. Việc chuyển từ trang thái “đóng băng” sang tịch thu và giao dịch khối tài sản nói trên vì lợi ích của Ukraine đòi hỏi có thêm thủ tục tư pháp, bao gồm cơ sở pháp lý và xét xử tại tòa án.

Đồng minh do dự

Tổng thống Biden được quyền quyết định 5 tỉ USD của Nga được sử dụng như thế nào vì lợi ích của Ukraine. Nhưng trước khi hành động, chủ nhân Nhà Trắng phải tham khảo ý kiến các thành viên EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Bởi trong đạo luật nêu rõ bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm tịch thu và tái sử dụng tài sản thuộc chủ quyền của Nga phải được thực hiện cùng với các đồng minh toàn cầu và những quốc gia khác như một phần của nỗ lực phối hợp hành động.

Vào tháng 3, các nhà lãnh đạo EU nhất trí về mặt nguyên tắc với kế hoạch sử dụng lãi thu được từ tài sản Nga để viện trợ cho Ukraine và liên minh cũng đã bắt đầu thống kê riêng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga. Tùy vào lãi suất toàn cầu, số tiền thu về ước tính khoảng 2,7-3,3 tỉ USD/năm. Nếu triển khai kế hoạch, 90% số tiền sẽ được chuyển đến Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để mua vũ khí cho Ukraine, 10% còn lại sử dụng cho mục đích tái thiết. Kiev cũng sẽ nhận được khoản thuế 25% hàng năm mà Bỉ đánh vào các khoản lợi nhuận từ tài sản Nga, dự kiến lên tới 1,84 tỉ USD trong năm nay.

Về lâu dài, các quan chức EU cho biết một phần nhỏ trong tiền lãi sẽ được giữ lại để ứng phó rủi ro pháp lý nếu Nga có phản ứng. Còn với việc tiến thêm bước chính thức chiếm giữ tài sản của Nga ở châu Âu, nhiều nhà lập pháp EU bắt đầu đầu kêu gọi có hành động hơn nữa sau động thái từ Mỹ. Song, tờ Financial Times cho biết một số nước như Pháp, Ðức và Ý vẫn do dự và “cực kỳ thận trọng”. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh việc sử dụng tiền bị đóng băng có thể gây nguy hiểm cho danh tiếng của đồng euro. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cảnh báo phải “cẩn trọng cân nhắc” vì tịch thu tài sản Nga như vậy có nguy cơ phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế.

Rủi ro khó kiểm soát

Theo những ý kiến chỉ trích Ðạo luật REPO, vũ khí hóa tài chính toàn cầu nhằm chống lại Nga có thể gây tổn hại vị thế thống trị của đồng USD với những rủi ro mà Mỹ không thể lường trước. Trong đó, nó sẽ khiến nhiều quốc gia như Trung Quốc (nước nắm giữ 797,7 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ) nhận ra rằng việc giữ dự trữ bằng USD là không an toàn.

Về phần mình, Nga tuyên bố luật mới của Mỹ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu, rằng đây là sự xâm phạm đối với những tài sản của nhà nước và tài sản cá nhân và đều là hành vi bất hợp pháp. Ngày 22-4, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh mọi động thái của Mỹ nhằm đóng băng tài sản Nga tạo tiền lệ nguy hiểm và Mát-xcơ-va sẽ có hành động đáp trả. Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố Mát-xcơ-va đã có cơ sở để tịch thu tài sản của phương Tây.

Nguồn: Soha; Vnexpress; CafeF; Báo Tin Tức; Báo Cần Thơ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang