Mỹ: 'Tối hậu thư' cho TikTok; Tăng áp lực lên TQ; Trump vi phạm lệnh khóa miệng; Trump thu hút cử tri trẻ; 'Thất bại lớn' ở Trung Đông

THƯỢNG VIỆN MỸ RA 'TỐI HẬU THƯ' CHO TIKTOK

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng TikTok phải tách khỏi công ty mẹ ByteDance hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.

Biện pháp này là một phần trong gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.

Mỹ và các quan chức phương Tây khác nhiều lần báo động về tác hại của TikTok đối với người trẻ, lo ngại Trung Quốc dùng nền tảng này để thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. TikTok có 170 triệu người sử dụng chỉ riêng ở Mỹ.

Những người phản đối cho rằng TikTok được sử dụng làm phương tiện tuyên truyền. Trung Quốc và công ty ByteDance bác bỏ cáo buộc.

Dự luật này có thể dẫn đến một bước đi hiếm hoi – cấm công ty hoạt động ở thị trường Mỹ.

Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ký dự luật.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc lại những quan ngại về TikTok trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng này.

Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về dự luật cuối tuần qua, nhà điều hành TikTok nói rằng “thật không may” khi các nghị sĩ Mỹ "ủng hộ dự luật chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hằng năm".

Theo dự luật này, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng trong vòng 1 năm hoặc sẽ bị loại khỏi 2 kho ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ.

Steven Mnuchin, bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, cho biết ông quan tâm đến việc mua TikTok và đang tập hợp một nhóm nhà đầu tư.

TikTok trở thành đích ngắm của giới chức Mỹ trong nhiều năm qua, vì lo ngại nền tảng này giúp Trung Quốc theo dõi người sử dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm cũng có thể dẫn đến các vụ kiện.

Dự luật được Quốc hội thông qua cũng sẽ trao quyền cho tổng thống Mỹ xác định những ứng dụng khác có gây đe dọa an ninh quốc gia hay không nếu chúng thuộc quyền kiểm soát của quốc gia bị Mỹ coi là thù địch.

Tỷ phú Elon Musk , ông chủ của mạng xã hội X, lên tiếng phản đối việc cấm TikTok, cho rằng làm điều này sẽ “đi ngược với tự do ngôn luận"..

NGĂN CHẶN TRUNG QUỐC HỖ TRỢ NGA, MỸ GIA TĂNG ÁP LỰC

Mỹ hy vọng các lệnh trừng phạt là đòn bẩy ngoại giao cho Ngoại trưởng Antony Blinken khi đến thăm Trung Quốc trong tuần này nhằm ngăn cản sự hỗ trợ của Bắc Kinh với ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ ngày 23/4 đưa tin, Mỹ đang soạn thảo lệnh trừng phạt nhằm chặn một số ngân hàng Trung Quốc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do phương Tây chi phối.

Theo đó, Washington hy vọng các lệnh trừng phạt này là đòn bẩy ngoại giao cho Ngoại trưởng Antony Blinken khi đến thăm Trung Quốc trong tuần này nhằm ngăn cản sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva.

Tại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 hôm 19/4, ông Blinken cho biết Trung Quốc là "nước đóng góp chính" cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.

Hãng Reuters trước đó dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang hỗ trợ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp máy móc, trang thiết bị và hình ảnh vệ tinh.

Trung Quốc cũng bị Mỹ cáo buộc đang cung cấp cho Nga chất bán dẫn và các công nghệ lưỡng dụng khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Max Bergmann, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Mỹ, nhận định: “Điều này đã cho phép Điện Kremlin tăng tốc sản xuất vũ khí, bao gồm áo giáp chống đạn, pháo, tên lửa và máy bay không người lái, đồng thời thiết lập một hệ thống phòng thủ hiệu quả trước cuộc phản công năm 2023 của Ukraine”.

Tuy nhiên theo WSJ, các quan chức Mỹ hy vọng áp lực ngoại giao sẽ ngăn cản việc phải thực hiện bất kỳ hành động nào có thể phá vỡ mối quan hệ mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Việc ngăn chặn các ngân hàng tiếp cận với đồng USD, vốn được sử dụng trong hầu hết thương mại toàn cầu, có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt thông thường nhắm vào các cá nhân và công ty, và do đó thường được coi là phương sách cuối cùng”, WSJ dẫn lời các quan chức trên cho biết.

Ngoại trưởng Blinken và các quan chức Mỹ khác trước đây đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moskva để giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine.

VỤ TIỀN BỊT MIỆNG: CÔNG TỐ VIÊN TRUY TỐ ÔNG TRUMP VI PHẠM LỆNH KHÓA MIỆNG

Các công tố viên đã yêu cầu thẩm phán giám sát phiên tòa xét xử vụ tiền bịt miệng của ông Donald Trump hôm 23/4 phạt cựu tổng thống Mỹ 10.000 USD vì vi phạm lệnh khóa miệng của tòa án, vốn ngăn cản ông chỉ trích các nhân chứng và những người khác liên quan đến vụ án.

Khi ông Trump theo dõi từ bàn của bị cáo, công tố viên Christopher Conroy của New York đã trích dẫn các bài đăng từ nền tảng Truth Social của cựu tổng thống, mà ông cho rằng đã vi phạm lệnh khóa miệng.

“Bị cáo đã vi phạm lệnh này nhiều lần và không dừng lại”, ông Conroy nói với Thẩm phán Juan Merchan. “Giờ tòa nên xử ông vì xem thường tòa”.

Ông Conroy chỉ ra một bài đăng ngày 10/4, trong đó ông Trump gọi ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels và luật sư cũ của ông, Michael Cohen, là “những kẻ nhớp nhúa”. Cả hai dự kiến sẽ làm chứng trong phiên tòa. Ông Conroy nói các bài đăng khác đã dẫn đến việc truyền thông đưa lên báo, khiến một bồi thẩm đoàn vào tuần trước phải rút lui vì lo ngại về quyền riêng tư.

“Ông ấy biết những gì mình không được phép làm và vẫn làm điều đó”, ông Conroy nói. “Việc ông ta bất tuân lệnh của tòa là cố ý. Đó là có chủ đích”.

Thẩm phán Merchan có thể chọn phạt ông Trump 1.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm này, như các công tố viên đã yêu cầu.

Các công tố viên cũng yêu cầu Thẩm phán Merchan nhắc nhở ông Trump rằng ông có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục vi phạm lệnh của tòa. Luật cho phép thẩm phán bỏ tù ông Trump tối đa 30 ngày, đây sẽ là một bước ngoặt kịch tính đối với phiên tòa hình sự đầu tiên của một cựu tổng thống Mỹ.

Lệnh khóa miệng của thẩm phán nhằm ngăn chặn ông Trump công khai chỉ trích các nhân chứng, quan chức tòa án và người thân của họ. Ông Trump cho rằng đó là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông theo hiến pháp.

Ông Trump bị Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg buộc tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản thanh toán 130.000 USD ngay trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 để mua sự im lặng của bà Daniels về hành vi tình dục mà bà cho biết họ đã có với nhau vào năm 2006. Ông Trump không nhận tội và phủ nhận đã có sự việc như vậy diễn ra.

Các công tố viên nói đây là một phần trong âm mưu lớn hơn nhằm che giấu những thông tin không tốt với cử tri vào thời điểm ông Trump đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc về những hành vi tình dục sai trái. Ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 với tỷ lệ sít sao.

“Đó là một hành vi gian lận bầu cử, rõ ràng và đơn giản,” Công tố viên Matthew Colangelo nói hôm 22/4.

Trong tuyên bố mở đầu hôm 22/4, luật sư bào chữa Todd Blanche nói ông Trump không phạm bất kỳ tội nào.

“Không có gì sai khi cố gắng gây ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử. Đó được gọi là dân chủ,” ông Blanche nói với bồi thẩm đoàn hôm 22/4.

Ông Blanche nói ông Trump hành động để bảo vệ gia đình và danh tiếng của mình, đồng thời cáo buộc bà Daniels âm mưu kiếm lợi từ cáo buộc sai trái rằng họ có quan hệ tình dục.

Hôm 23/4, bồi thẩm đoàn dự kiến sẽ nghe thêm lời khai từ cựu chủ báo National Enquirer, David Pecker, người mà các công tố viên cho rằng đã tham gia vào kế hoạch “tóm và giết” nhằm ngăn chặn những câu chuyện không hay về Trump và giúp cho ông đắc cử.

Ông Pecker, 72 tuổi, đã làm chứng hôm 22/4 rằng công ty của ông đã trả tiền mua các câu chuyện, một hành vi bất thường trong ngành báo chí.

American Media, nơi xuất bản tờ National Enquirer, thừa nhận vào năm 2018 rằng họ đã trả 150.000 USD cho cựu người mẫu tạp chí Playboy Karen McDougal để mua câu chuyện của cô này về mối tình kéo dài nhiều tháng với ông Trump vào năm 2006 và 2007. American Media nói họ đã làm việc “phối hợp” với chiến dịch của ông Trump, và không bao giờ đăng tải một câu chuyện nào.

Theo các công tố viên, tờ báo lá cải này đã đạt được một thỏa thuận tương tự để trả 30.000 USD cho một người gác cửa đang tìm cách rao bán thông tin về việc ông Trump được cho là có con ngoài giá thú, mà theo các công tố viên, điều này hóa ra là sai sự thật.

Ông Trump cho biết các khoản thanh toán là cá nhân và không vi phạm luật bầu cử. Ông cũng phủ nhận có quan hệ tình cảm với bà McDougal.

Đây có thể là vụ án duy nhất trong số 4 vụ truy tố hình sự đối với ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, được đưa ra xét xử trước cuộc tái đấu tranh cử ngày 5/11 của ông với Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Một bản án có tội sẽ không ngăn cản ông Trump nhậm chức nhưng nó có thể ảnh hưởng đến khả năng ứng cử của ông.

GIỚI TRẺ MỸ DẦN NGHIÊNG VỀ ÔNG TRUMP

Giới trẻ Mỹ dần nghiêng về phía đảng Cộng hòa và dành sự ủng hộ cho ứng cử viên Donald Trump khi cựu Tổng thống cam kết giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Bất chấp mưa và gió lạnh, hôm 2/4, khoảng 3.000 người đã xếp hàng bên ngoài trung tâm hội nghị Green Bay để gặp ông Donald Trump, phần nhiều trong đó là những người trẻ tuổi.

Cựu Tổng thống Mỹ giành được sự ủng hộ từ các cử tri qua những bài phát biểu "truyền cảm hứng" về biện pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế, nhập cư bất hợp pháp và các cuộc xung đột đang diễn ra.

Các cử tri cũng không mấy bận tâm trước các vụ án hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt, hay những cáo buộc nhằm vào ông về nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020.

Turner, một thanh niên 23 tuổi từng bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2020, cho biết anh ủng hộ mọi quyết định của cựu Tổng thống, từ kiểm soát súng đạn đến cam kết giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

"Ông Trump không làm gì khiến tôi khó chịu khi ông ấy còn đương chức. Với ông Biden, có nhiều điều tôi không đồng tình. Rất nhiều bạn bè của tôi có cùng quan điểm này", Turner cho biết.

Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi từ 18-29 ủng hộ đảng Cộng hòa đang tăng dần qua từng năm, từ 24% vào năm 2016 lên 26% vào năm 2020 và hiện nay là 28%. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, số người Mỹ trong độ tuổi trên ủng hộ Tổng thống Joe Biden chỉ nhỉnh hơn 3% so với ông Trump, lần lượt là 29% và 26%.

Nếu ông Trump tiếp tục bám sát ông Biden về tỷ lệ ủng hộ cho đến ngày bầu cử 5/11, đây sẽ là một lợi thế lớn đối với ông so với năm 2020. Vào thời điểm đó, ông Biden đã giành đến 24 điểm từ những cử tri trẻ tuổi trong cuộc bầu cử.

Những lo ngại về tuổi tác của Tổng thống Biden và sự ủng hộ của ông đối với Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza đã làm xói mòn sự ủng hộ của các cử tri trẻ dành cho ông chủ Nhà Trắng vào thời điểm ông cũng đang mất dần sự ủng hộ của các cử tri gốc Tây Ban Nha.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy giới trẻ đang dần nghiêng về đảng Cộng hòa, bất chấp nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm lôi kéo sự ủng hộ của họ bằng cách cố gắng xóa nợ sinh viên, tăng cường nhà ở giá rẻ và đảo ngược các biện pháp hạn chế quyền phá thai.

Tuy nhiên, một nhóm thanh niên bất chấp thời tiết khắc nghiệt để đến sự kiện ủng hộ ông Trump không đại diện cho kết quả của cả cuộc bầu cử, nhất là khi quyết định bỏ phiếu của các cử tri trẻ tuổi vô cùng khó đoán.

Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát khác cũng cho thấy ông Biden vẫn đang nắm giữ lợi thế đáng kể trong nhóm cử tri trẻ.

Cuộc thăm dò do Economist/YouGov thực hiện vào tuần trước cho thấy 51% cử tri dưới 30 tuổi chọn ông Biden, trong khi con số này chỉ là 32% đối với ông Trump. Cuộc thăm dò ý kiến của Harvard Youth cũng dự đoán ông Biden đang dẫn trước ông Trump 19 điểm đối với những cử tri trẻ.

BIDEN THẮNG NHỎ NHƯNG MỸ THẤT BẠI LỚN Ở TRUNG ĐÔNG

Những chính sách của Mỹ không chỉ kéo dài cuộc chiến ở Gaza, làm gia tăng thương vong dân sự và cô lập Washington trên trường quốc tế, dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực mà Mỹ có thể bị lôi kéo vào.

Theo bình luận của Trita Parsi, Phó Chủ tịch Điều hành Viện Quincy với tờ New York Times ngày 21/4, khả năng quản lý khủng hoảng sau hậu trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn bùng phát ở Trung Đông cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng chiến thắng mang tính chiến thuật đó của chính quyền Mỹ thực sự là một phần của thất bại chiến lược lớn hơn trong khu vực.

Trong hai tuần qua, Tổng thống Biden đã nỗ lực đảm bảo rằng cuộc đối đầu công khai chưa từng có giữa Israel và Iran không biến thành một cuộc xung đột toàn diện. Sau khi Israel tấn công toà nhà lãnh sự quán Iran ở Syria vào đầu tháng này, ông Biden đã công khai kêu gọi Iran không tấn công đáp trả, đồng thời đàm phán riêng về một thoả hiệp kết thúc bằng hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái (vốn được thông báo trước từ Tehran) bị bắn hạ trước khi chúng có thể gây thiệt hại lớn cho Israel. Ông Biden sau đó đã tìm cách thuyết phục Israel không trả đũa. Dù phía Israel có phản ứng, nhưng phản ứng có giới hạn đã giúp tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và nhanh chóng lắng dịu.

Chuyên gia Parsi cho rằng, Tổng thống Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã góp phần vào quá trình giảm leo thang quan trọng này. Iran đã phát động một cuộc tấn công nhưng thất bại như dự kiến; phản ứng của Israel là hạn chế để Iran có thể coi như không hề bị tấn công. Nhưng trong khi hành động của Tổng thống Mỹ giúp tránh được một thảm họa ngay lập tức, thì chính những chính sách của Washington đã đẩy Trung Đông vào quỹ đạo nguy hiểm hiện nay.

Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, ông Biden đã từ chối tận dụng ảnh hưởng đáng kể của Mỹ đối với Israel để kiềm chế Tel Aviv, nhằm đảm bảo một lệnh ngừng bắn hoặc ngăn cản Israel thực hiện những gì có thể dẫn đến hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ.

Ông Biden đã ủng hộ viện trợ vũ khí cho Israel giữa lúc thương vong dân sự ở Gaza tăng cao. Quan trọng hơn, Mỹ đã ba lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn. Dù Washington đã đồng ý một nghị quyết như vậy được thông qua vào tháng trước, nhưng ngay lập tức Nhà Trắng làm suy yếu nghị quyết bằng cách tuyên bố rằng tài liệu này không có tính ràng buộc.

Những chính sách này không chỉ kéo dài cuộc chiến ở Gaza, làm gia tăng thương vong dân sự và cô lập Mỹ trên trường quốc tế. Chúng cũng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực mà Mỹ có thể dễ dàng bị lôi kéo vào.

Cuộc chiến ở Gaza đã dẫn đến việc phá vỡ lệnh ngừng bắn "không chính thức" giữa quân đội Mỹ ở Trung Đông và lực lượng dân quân Iraq và Syria thân Iran, từ đó dẫn đến sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ, khiến 3 binh sĩ nước này thiệt mạng vào tháng 1 vừa qua. Ông Biden đáp trả bằng cách sử dụng vũ lực chống lại các lực lượng dân quân này và lực lượng Houthi ở Yemen, đưa Mỹ đến gần hơn bao giờ hết với một cuộc xung đột lớn.

Tổng thống Biden, trong khi thường nói rằng ủng hộ giải pháp hai nhà nước, cũng đã thúc đẩy các chính sách phớt lờ quyền trở thành một nhà nước của người Palestine và thậm chí là trực tiếp ngăn chặn điều này. Trước xung đột Israel-Hamas, chính quyền Biden ít chú ý đến xung đột Israel-Palestine và không thể đảo ngược một số quyết định của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump, như đóng cửa Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine ở Mỹ và lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem, vốn là cơ quan ngoại giao chính thức để liên lạc giữa phía Mỹ và người Palestine.

Công thức của Tổng thống Donald Trump cho Trung Đông khi đó khẳng định giải pháp hai nhà nước không còn là "chìa khóa" cho hòa bình ở khu vực. Đúng hơn, hội nhập kinh tế giữa các quốc gia Arab và Israel sẽ mang lại hòa bình, và người Palestine trên thực tế sẽ phải chấp nhận số phận của mình như một dân tộc "chịu sự chiếm đóng vô thời hạn".

Tổng thống Biden đã tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng Hiệp định Abraham của ông Trump. Hiệp định này đưa ra những nhượng bộ của Mỹ đối với các quốc gia Arab để đổi lấy việc họ từ bỏ yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Israel. Ông Biden đã áp dụng cách tiếp cận này ngay từ đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và đã tìm cách vượt qua ông Trump bằng nỗ lực lôi kéo quốc gia Arab quan trọng nhất, Saudi Arabia.

Thay vì đánh giá lại cách tiếp cận này sau ngày 7/10 năm ngoái, ông Biden vẫn giữ nguyên công thức đó. Nhưng việc theo đuổi thỏa thuận bình thường hóa giữa Tel Aviv với Riyadh của ông Biden đã bị đình trệ khi xung đột nổ ra. Gần đây, thế giới một lần nữa lại xôn xao với những tin đồn về việc ông Biden sắp môi giới thành công thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel. Là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào như vậy, các quan chức Saudi Arabia được cho là hiện đang xem xét chấp nhận sự đảm bảo bằng lời nói từ Israel rằng họ sẽ tham gia các cuộc đàm phán về tư cách nhà nước của Palestine.

Tóm lại, dù không đánh giá thấp những thành công về mặt chiến thuật của Tổng thống Biden trong việc tránh được những kịch bản tồi tệ nhất, nhưng chúng không bao giờ có thể bù đắp cho sự thất bại rộng lớn hơn của Washington trong việc theo đuổi một chiến lược mang lại an ninh thực sự cho nước Mỹ và hòa bình thực sự cho Trung Đông.

Nguồn: CafeF; Soha; VOA; Dân Trí; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang