Mỹ: Thiếu nhân lực bán dẫn; Nghị sĩ CH rời Hạ viện; Trump thiếu tiền pháp lý; Chuyến thăm nhiều mục đích; 'Giáng đòn' lên Israel

MỸ LOAY HOAY VỚI BÀI TOÁN THIẾU NGUỒN NHÂN LỰC BÁN DẪN

Được khuyến khích bằng hàng tỷ USD từ đạo luật CHIPS, các công ty bán dẫn hứa hẹn sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm tại Mỹ. Nhưng vấn đề lại ở chỗ: nước Mỹ có thể không có đủ người.

Mỹ thiếu trầm trọng kỹ sư bán dẫn

Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) dự báo lực lượng lao động của ngành bán dẫn sẽ cần bổ sung thêm gần 115.000 người lên khoảng 460.000 người vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng 33%.

Thế nhưng, Mỹ chỉ có thể lấp đầy được 42% nhu cầu mới với mức độ đào tạo như hiện nay. Trong số nhân lực thiếu hụt, có tới 35% là kỹ sư có bằng cấp bốn năm hoặc nhà khoa học máy tính; và 26% sẽ là kỹ sư có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Theo báo cáo của Deloitte, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 70.000 đến 90.000 công nhân trong vài năm tới. McKinsey cũng dự đoán con số thiếu hụt khoảng 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên lành nghề vào năm 2030.

SIA thừa nhận đây là thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Không chỉ bán dẫn, các ngành công nghệ tăng trưởng cao khác có tầm quan trọng chiến lược không kém trên toàn thế giới cũng đang chạy đua để tìm kiếm các nhân tài hoặc các nhóm công nhân có kỹ năng.

Đến cuối năm 2030, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm 3,85 triệu việc làm yêu cầu trình độ thành thạo trong các lĩnh vực kỹ thuật. Không chỉ bán dẫn, các ngành năng lượng sạch, công nghệ y tế, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, an ninh mạng, truyền thông thế hệ tiếp theo, hàng không vũ trụ, ô tô và sản xuất tiên tiến, cũng đối mặt với nhu cầu tương tự.

Trong số đó, theo SIA, 1,4 triệu việc làm có nguy cơ không được lấp đầy trừ khi mở rộng nguồn tuyển dụng cho những công nhân như vậy trong các lĩnh vực này, chẳng hạn như kỹ thuật viên lành nghề, kỹ thuật và khoa học máy tính.

3 giải pháp thu hẹp khoảng cách

SIA cho rằng chính phủ Mỹ trước hết cần mở rộng các chương trình và quan hệ đối tác nhằm đào tạo và thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật viên lành nghề cho ngành sản xuất chất bán dẫn.

Ví dụ, các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, học nghề và các hình thức đào tạo khác có thể được triển khai gần các nhà máy bán dẫn mới và đang mở rộng. Điều này có thể sẽ hiệu quả cho nguồn cung kỹ thuật viên khi các sinh viên được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc trong tương lai.

Bên cạnh đó, SIA cho rằng nguồn kỹ thuật viên ở Mỹ cần mở rộng ra nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp trung học hoặc cựu chiến binh trở về. Đây sẽ là một công việc khó khăn, nhưng các công ty bán dẫn kỳ vọng Đạo luật CHIPS có thể dẫn đầu các nỗ lực đó.

Khuyến nghị thứ hai của SIA mang tính dài hơi hơn: phát triển các kênh STEM trong nước dành cho các kỹ sư và nhà khoa học máy tính. Tại Mỹ, hiện không có đủ số lượng học sinh sinh viên theo đuổi các bằng cấp STEM để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Chưa kể, nhiều người tốt nghiệp với bằng STEM nhưng theo đuổi các công việc trái ngành. Quan trọng hơn, chỉ một số ít những sinh viên tốt nghiệp này gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn.

Bởi vậy, SIA cho rằng cần các chính sách theo ba giai đoạn: thu hút nhiều sinh viên theo học các ngành STEM; tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp STEM; và cuối cùng là thu hút họ đến với cơ hội việc làm trong ngành bán dẫn.

Đâu là động lực? Đó có thể lại là Đạo luật Khoa học và CHIPS – nơi chính phủ có thể rót vốn thành lập hoặc bổ sung thêm nguồn lực cho Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia, các trung tâm sản xuất tập trung vào chất bán dẫn; hay Quỹ Giáo dục và Lực lượng Lao động CHIPS của Quỹ Khoa học Quốc gia.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng việc tăng cường nguồn nhân lực STEM trong nước, đặc biệt là ở cấp độ thạc sĩ và tiến sĩ, là một thách thức mang tính thế hệ. Hoa Kỳ cần phải hành động ngay hôm nay để tiến lên một cách mạnh mẽ nếu muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhân tài kỹ thuật của ngành vào năm 2030,” SIA khẳng định.

Cuối cùng, trước sự cạnh tranh gay gắt trong ngành cũng như từ các quốc gia khác, việc giữ chân và thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế có trình độ cao nên trở thành một ưu tiên của Hoa Kỳ.

Trong khi quá trình phát triển nguồn nhân lực trong nước sẽ mất nhiều năm mới có kết quả, SIA khẳng định nước Mỹ cần tìm cách giữ chân khoảng 16.000 kỹ sư quốc tế có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đang rời bỏ Hoa Kỳ mỗi năm. Dự báo tới cuối thập niên này, Mỹ sẽ thiếu khoảng 17.000 kỹ sư cấp cao ngành bán dẫn nếu xu hướng này không được đảo ngược.

SIA thừa nhận, khoảng cách thiếu hụt lực lượng lao động này không thể được giải quyết trong tương lai gần chỉ với những sinh viên tốt nghiệp là công dân Hoa Kỳ.

Tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ, hơn 50% sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật và hơn 60% sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ kỹ thuật là công dân nước ngoài. Khoảng 80% thạc sĩ và 25% tốt nghiệp tiến sĩ STEM nước ngoài không ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, một phần do chính sách nhập cư cứng rắn của nước này.

NGHỊ SĨ CỘNG HÒA LŨ LƯỢT RỜI HẠ VIỆN, VÌ SAO?

Nhiều lý do được các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đưa ra khi quyết định nghỉ hưu và một trong số đó là không còn tin tưởng vào đảng.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Wisconsin Mike Gallagher đã thông báo sẽ rời quốc hội vào tháng này. Ông là một trong 21 đảng viên Cộng hòa quyết định rời đi trong năm nay. Nhưng một số đảng viên Cộng hòa trước đó tuyên bố ý định rời đi đã xem xét lại. Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise muốn nhấn mạnh thực tế này với Gallagher, hy vọng ngôi sao trẻ đang lên của đảng có thể cân nhắc.

"Tôi nói 'anh biết đấy, vẫn chưa quá muộn đối với anh', chúng tôi đã nói đùa về điều đó", Scalise nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực thuyết phục anh ấy".

Nhưng nỗ lực này vẫn chưa có kết quả. Gallagher, 40 tuổi, chưa từ bỏ quyết định.

Hạ viện Mỹ gồm 435 ghế, trong đó đảng Cộng hòa giữ 218 ghế, đảng Dân chủ giữ 213 ghế, 4 ghế đang bỏ trống. Khi một nghị sĩ lựa chọn nghỉ hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm nay và không tái tranh cử, ghế đó sẽ được định đoạt trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. Nếu một nghị sĩ rời đi trước khi kết thúc nhiệm kỳ, khu vực mà nghị sĩ đó đại diện sẽ tổ chức bầu cử đặc biệt để định đoạt người thay thế. Ứng viên từ cả hai đảng đều có thể tham gia bầu cử đặc biệt.

43 nghị sĩ, gần như chia đều cho cả hai đảng, sẽ không trở lại Hạ viện vào năm tới. Trong khi số lượng người nghỉ hưu ngang bằng những năm trước, việc tìm hiểu đảng viên Cộng hòa nào sẽ nghỉ hưu và thời gian nghỉ hưu sớm của họ cho thấy một câu chuyện phức tạp hơn.

5 trong 21 đảng viên Cộng hòa sắp nghỉ hưu sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. 4 chủ tịch ủy ban đảng Cộng hòa sẽ rời đi.

8 nghị sĩ sắp rời khỏi Ủy ban Thương mại và Năng lượng và 8 chủ tịch tiểu bang cũng sẽ nghỉ. 4 cựu thành viên của kỷ nguyên lãnh đạo quá khứ đã tuyên bố rời ghế, gồm cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, cấp phó của ông, hạ nghị sĩ Patrick T. McHenry, cựu phó chủ tịch Drew Ferguson và McMorris Rodgers, người từng giữ chức chủ tịch hội nghị đảng Cộng hòa.

Một năm đầy biến động với thế đa số mong manh không hẳn là lý do thúc đẩy các đảng viên Cộng hòa rời đi tìm kiếm chức vụ cao hơn hoặc theo đuổi các cơ hội khác ngoài Đồi Capitol. Nhưng nó đã gửi đi tín hiệu đáng báo động về mối quan hệ trong đảng, giới quan sát đánh giá.

Thái độ đối chọi, ghét bỏ lẫn nhau giữa các thành viên Cộng hòa sau khi cựu chủ tịch Kevin McCarthy bị bãi nhiệm hồi năm ngoái đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định từ bỏ của hạ nghị sĩ Debbie Lesko.

Lesko tuyên bố nghỉ hưu giữa lúc cuộc chiến ba tuần để bầu Mike Johnson lên ghế chủ tịch Hạ viện đang diễn ra, với lý do muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng bà đã ám chỉ lý do sâu xa khi nhận xét "Washington đã tan vỡ, thật khó hoàn thành được việc gì".

Greg Pence hồi tháng một thông báo sẽ không tái tranh cử. Ông nhấn mạnh rằng cách nhiều đồng nghiệp cư xử trong những tháng trước đó "không tạo ra động lực" khiến ông ở lại.

Hạ nghị sĩ Kelly Armstrong, người được bầu vào năm 2018 và đã quyết định tranh cử thống đốc, nhấn mạnh ông chưa bao giờ "hiểu điều bình thường trong quốc hội là thế nào" sau khi trải qua hai cuộc luận tội chống lại cựu tổng thống Donald Trump, đại dịch Covid-19 và cuộc bạo loạn Đồi Capitiol.

Gallagher, người được bầu trước Armstrong hai năm, lặp lại quan điểm trên, khẳng định "quốc hội ngày càng hỗn loạn" và tình trạng đó "diễn ra khá đều đặn" trong suốt 8 năm ông làm việc.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 18/4, Gallagher ám chỉ rằng ông và gia đình đã nhận những lời dọa giết và bị quấy rầy vào đêm khuya. Bình luận này cho thấy quyết định của ông có liên quan đến lo ngại về bạo lực chính trị gia tăng ở Mỹ.

Gallagher cũng cho hay ông đã cân nhắc xem liệu mình sẽ tạo ra tác động lớn hơn đến các vấn đề mà ông quan tâm bằng cách tiếp tục ở lại quốc hội hay làm việc trong khu vực tư nhân.

Ken Buck, người rời đi hồi tháng ba, nói rằng căng thẳng gia tăng trong nội bộ đảng đã tác động đến quyết định của ông. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp cho rằng chính ông đã góp phần gây ra bất ổn. Buck đã bỏ phiếu phế truất McCarthy, cho rằng cựu chủ tịch Hạ viện "không giữ lời hứa" cắt giảm đáng kể chi tiêu.

Hạ nghị sĩ Colorado nhận thấy đảng Cộng hòa không còn cố gắng đạt được mục tiêu cắt giảm chi tiêu một cách thực tế mà chỉ tập trung vào việc bảo vệ cựu tổng thống Trump và ghi điểm chính trị.

"Tôi nghĩ làn sóng dân túy đã làm xói mòn những giá trị bảo thủ mà tôi có được khi đến nơi này", ông nói. "Bây giờ, chúng ta tổ chức luận tội như thể một lễ hội nào đó".

Buck cho biết ông từng thành công khi thông qua luật có sự ủng hộ của lưỡng đảng về thay đổi cách các công ty giải quyết những khiếu nại tấn công và quấy rối tình dục, nâng cao nhận thức về luật chống độc quyền nhắm vào các ông lớn công nghệ. Nhưng ông gọi đây là điều mỉa mai khi bản thân "làm việc tốt hơn với nghị sĩ Dân chủ thay vì đảng Cộng hòa".

Phe Cộng hòa lo lắng rằng việc một số nghị sĩ quyết định rời Hạ viện sẽ đe dọa thế đa số hiện tại của họ. Ứng viên Cộng hòa có thể bị ứng viên Dân chủ đánh bại trong các cuộc bầu cử đặc biệt và tổng tuyển cử cuối năm. Ngay cả khi ứng viên Cộng hòa giữ được ghế, việc các nghị sĩ cũ rời đi có thể mở ra cơ hội cho những ứng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn, sẵn sàng cản trở các đề xuất hơn là thỏa hiệp.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà bình luận bảo thủ Charlie Kirk, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thừa nhận "thách thức lớn hiện nay là giữ được đội ngũ đoàn kết" và việc nhiều người rời Hạ viện sớm không giúp ích gì cho đảng Cộng hòa trong sứ mệnh "cứu lấy quốc gia".

"Nếu không giữ được thế đa số, đảng Cộng hòa không thể làm điều đó", ông nói.

TRUMP CHẬT VẬT TÌM NGUỒN TIỀN CHO CHI PHÍ PHÁP LÝ

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phải tìm thêm các nguồn tiền khác để thanh toán chi phí ngày càng tăng của vụ xét xử, sau khi đã chi 4,9 triệu USD chi phí pháp lý chỉ trong tháng 3.

Theo hồ sơ tài chính của chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn 6,8 triệu USD (137 tỉ đồng) trong tài khoản ông vốn sử dụng để trả cho các luật sư, khiến ông có nguy cơ bị khủng hoảng tiền khi chi phí cho các vụ án tăng lên.

Điều này buộc cựu Tổng thống Mỹ phải tìm các nguồn tiền khác để thanh toán chi phí ngày càng tăng của vụ xét xử, sau khi đã chi 4,9 triệu USD chi phí pháp lý chỉ trong tháng 3, theo Bloomberg đưa tin hôm 21.4.

Ông Trump có thể tìm cách huy động thêm tiền từ các nhà tài trợ, đề nghị Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) trang trải chi phí hoặc trả phí từ tài sản của chính mình. Tuy nhiên, RNC cho biết họ sẽ không thanh toán các hóa đơn pháp lý của ông Trump.

Lâu nay ông Trump lấy tiền trả cho các luật sư từ Save America, một ủy ban hành động chính trị có thể nhận tiền từ các nhà tài trợ chính trị. Save America đã chi hơn 62 triệu USD chi phí pháp lý từ tháng 1.2023.

Kết thúc tháng 3, Save America có khoảng 4 triệu USD tiền mặt trong tay. Ủy ban này cũng có thể đề nghị ủy ban hành động chính trị Make America Great Again (MAGA) hoàn lại 2,8 triệu USD còn dư trong khoản quyên góp nhận được từ Save America vào năm 2022.

MAGA vận động được 14 triệu USD và đã chi 6,3 triệu USD. Luật pháp liên quan tranh cử cấm ủy ban này trực tiếp tài trợ cho các chi phí pháp lý của ông Trump.

Những rắc rối pháp lý khiến ông Trump không giống bất kỳ ứng cử viên nào trước đây cho chức tổng thống. Ông hiện đối diện 4 vụ án hình sự liên quan việc trả tiền bịt miệng một diễn viên phim người lớn, giữ trái phép các tài liệu mật và âm mưu lật đổ kết quả bầu cử năm 2020.

CHUYẾN THĂM TRUNG QUỐC NHIỀU MỤC ĐÍCH CỦA ANTONY BLINKEN

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thảo luận từ chuyện Trung Đông, xung đột Ukraine đến biển Đông khi tới thăm Trung Quốc tuần này

Lần thứ 2 công du Trung Quốc trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của ông Antony Blinken không hề nhẹ nhàng. Tháng 6 năm ngoái, ông đến Bắc Kinh trong nỗ lực "ổn định quan hệ" sau thời gian dài căng thẳng do vụ Mỹ bắn hạ một khí cầu của Trung Quốc.

Mục đích chính chuyến thăm lần này của ông Blinken, kéo dài từ ngày 24 đến 26-4, là giữ cho quan hệ Mỹ - Trung "đi đúng hướng". Chuyến thăm diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trong tháng này, đánh dấu lần đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc gặp lịch sử vào tháng 11-2023.

Sau cuộc điện đàm này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến thăm Trung Quốc trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Đổng Quân.

Bất chấp những liên hệ cấp cao như vậy, quan hệ hai bên vẫn gặp nhiều sóng gió trong hàng loạt vấn đề, nổi cộm nhất là quan hệ với Nga. Gần đây, Mỹ ngày càng công khai hối thúc Trung Quốc ngừng hỗ trợ công nghiệp quốc phòng - công nghiệp của Nga.

Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc không trực tiếp hỗ trợ về mặt quân sự song lại cung cấp cho Nga những sản phẩm lưỡng dụng như công cụ, máy móc, chất bán dẫn…, qua đó giúp Nga đẩy mạnh sản xuất vũ khí phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trung Đông là điểm nóng nghị sự thứ 2. Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đến Trung Quốc lần này, ông Blinken sẽ tăng cường đề nghị Bắc Kinh đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc kêu gọi Iran không leo thang căng thẳng với Israel cũng như kiềm chế các nhóm ủy nhiệm mà Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Về vấn đề này, quan điểm công khai của Trung Quốc lâu nay là kêu gọi các bên kiềm chế.

Một vấn đề quan trọng khác là biển Đông. Trước chuyến đi của ông Blinken, Tổng thống Biden đã tổ chức cuộc gặp ba bên với thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Philippines tại Nhà Trắng. Cuộc gặp này đã vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Đài CNN đưa tin trong chuyến thăm sắp tới, ông Blinken dự kiến gặp mặt các quan chức cấp cao Trung Quốc ở cả Thượng Hải và Bắc Kinh, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Có khả năng ông Blinken sẽ hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình dù hai bên chưa xác nhận thông tin này.

Theo trang Hurriyet Daily News, gần đây ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ thân thiện giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ với mục đích tập trung vực dậy nền kinh tế trong nước.

Bà Yun Sun, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định điều này chứng tỏ Trung Quốc rất mong chờ các doanh nghiệp nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không kỳ vọng đạt được hợp tác kinh tế mới với Mỹ vào lúc này, nhất là khi Mỹ sắp tổ chức bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào tháng 11.

Tình hình thậm chí căng thẳng hơn, theo Reuters, khi Tổng thống Biden gần đây đe dọa áp thêm thuế lên các sản phẩm thép và nhôm của nền kinh tế số 2 thế giới. Người phát ngôn Liu Pengyu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chỉ trích động thái này là "biểu hiện của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ".

Trước đó, Washington cũng khởi động cuộc điều tra nhằm vào điều mà họ cho là "nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các lĩnh vực hàng hải, logistics và đóng tàu". Kết quả cuộc điều tra này, theo nhiều chuyên gia, sẽ dẫn tới các khoản thuế áp thêm lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức hàng đầu của Mỹ dự đoán mùa bầu cử Mỹ càng đến gần thì những hành động như vậy nhằm vào Trung Quốc sẽ càng nhiều.

MỸ CHUẨN BỊ TRỪNG PHẠT QUÂN ĐỘI ISRAEL, MỐI QUAN HỆ RẠN NỨT CHƯA TỪNG CÓ

Các nhà lãnh đạo Israel hôm 21/4 đã chỉ trích gay gắt quyết định dự kiến của Mỹ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đơn vị trong quân đội Israel.

Theo hãng tin AP, quyết định này, dự kiến được đưa ra trong ngày hôm nay, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với một đơn vị trong quân đội Israel và sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai đồng minh, vốn ngày càng trở nên căng thẳng giữa cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Trong khi các quan chức Mỹ từ chối nêu tên đơn vị dự kiến sẽ bị trừng phạt, các nhà lãnh đạo Israel và truyền thông địa phương xác định đó là Netzah Yehuda - một tiểu đoàn bộ binh được thành lập cách đây khoảng một phần tư thế kỷ để tuyển mộ những người Ultra Orthodox (nhánh bảo thủ của Do Thái Giáo Chính thống) vào quân đội Israel.

Các nhà lãnh đạo Israel đã lên án quyết định được cho là không công bằng này, đặc biệt là vào thời điểm Israel đang có chiến tranh và thề sẽ phản đối quyết định này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: "Nếu bất cứ ai nghĩ rằng họ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đơn vị trong IDF [Lực lượng Phòng vệ Israel], tôi sẽ chiến đấu bằng tất cả sức lực của mình."

Đồng minh bất đồng

Theo AP, Netzah Yehuda (hay còn gọi là Judea Forever) trước đây có trụ sở tại Bờ Tây bị chiếm đóng, và một số thành viên của tiểu đoàn này bị cáo buộc có liên quan đến hành vi ngược đãi người Palestine. Netzah Yehuda chỉ chiếm một phần nhỏ trong sự hiện diện quân sự của Israel trên vùng đất này.

Netzah Yehuda từng bị Mỹ chỉ trích nặng nề vào năm 2022 sau khi một người đàn ông lớn tuổi người Mỹ gốc Palestine được phát hiện đã chết ngay sau khi ông bị giam giữ tại một trạm kiểm soát của đơn vị này ở Bờ Tây.

Giữa những tranh cãi với Mỹ, Israel đã chuyển Netzah Yehuda ra khỏi Bờ Tây vào cuối năm 2022 và tiểu đoàn này đã đóng quân ở miền bắc Israel. Netzah Yehuda được chuyển đến biên giới phía nam Israel, tiếp giáp với Gaza sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas khiến chiến tranh bùng nổ.

Trong một tuyên bố hôm 21/4, quân đội Israel cho biết các binh sĩ Netzah Yehuda của họ "hiện đang tham gia vào nỗ lực chiến tranh ở Dải Gaza".

"Tiểu đoàn đang tiến hành các hoạt động một cách chuyên nghiệp và dũng cảm theo Bộ quy tắc đạo đức của IDF và cam kết đầy đủ với luật pháp quốc tế", tuyên bố của IDF nêu rõ. Họ nói rằng nếu đơn vị bị xử phạt, "hậu quả của nó sẽ cần được xem xét lại".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 19/4 cho biết ông đã đưa ra quyết định sau khi xem xét các cáo buộc rằng một số đơn vị quân đội Israel đã vi phạm các điều kiện để nhận được sự hỗ trợ của Mỹ được nêu trong "Luật Leahy" và sẽ sớm được công khai.

Theo AP, Luật Leahy - được đặt theo tên của cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy - cấm viện trợ của Mỹ đến các đơn vị quân đội nước ngoài đã vi phạm nhân quyền.

Nhà Trắng đã từ chối bình luận cũng như đề cập đến những bình luận của ông Blinken hôm 19/4.

Benny Gantz - cựu Tham mưu trưởng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và hiện tại là thành viên của Nội các Chiến tranh Israel - cho biết trong một tuyên bố rằng, ông đã nói chuyện vào tối 21/4 với Ngoại trưởng Mỹ Blinken rằng quyết định dự kiến là một "sai lầm" vì nó sẽ gây tổn hại đến tính hợp pháp quốc tế của Israel giữa thời chiến và bởi vì hệ thống tư pháp của Israel "mạnh mẽ và độc lập".

Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, thành viên Nội các Chiến tranh Israel, cho biết ông đã gửi một thông điệp tương tự tới Đại sứ Mỹ tại Israel Jack Lew và cũng dự định nói chuyện với ông Blinken với hy vọng chặn quyết định dự kiến.

Ông Gallant cho rằng việc trừng phạt đơn vị kể trên có thể phủ bóng đen lên toàn bộ quân đội Israel. "Đó không phải là cách cư xử với đối tác và bạn bè", ông Gallant nói.

Israel: Mỹ vượt qua 'ranh giới đỏ'

Theo AP, hai quan chức Mỹ nắm rõ tình hình cho biết quyết định của Mỹ có thể được đưa ra vào ngày 22/4. Các quan chức Mỹ cho biết khoảng 5 đơn vị quân đội Israel đã bị điều tra.

Cuộc điều tra của Mỹ được tiến hành trước cuộc xung đột với Hamas và không liên quan đến các hành động gần đây của Israel ở Gaza hay Bờ Tây - nơi đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về bạo lực chết người kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Những người theo đường lối cứng rắn của Israel đã chỉ trích quyết định dự kiến của Mỹ. Itamar Ben-Gvir - Bộ trưởng An ninh Quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Israel - chỉ trích Mỹ đã vượt qua "ranh giới đỏ". Và Tally Gotliv - một thành viên đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu - cáo buộc Mỹ có chủ nghĩa bài Do Thái.

Nhưng ngay cả người đứng đầu phe đối lập, cựu Thủ tướng Israel Yair Lapid, cũng phản đối động thái này của Mỹ. Ông cho biết các biện pháp trừng phạt dự kiến là "một sai lầm và chúng ta phải hành động để hủy bỏ chúng". Ông Lapid lưu ý rằng "nguồn gốc của vấn đề không phải ở cấp độ quân sự mà ở cấp độ chính trị".

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Vnexpress; Thanh Niên; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang