Vé tăng, hàng không bội thu; Vốn FDI tăng mạnh, giải ngân đột phá; Đại gia ngồi yên thu trăm tỷ; Cảnh báo 'sốt ảo' đất nền

HÀNG KHÔNG BỘI THU NHỜ GIÁ VÉ

Ba tháng đầu năm, doanh thu các hãng bay trong nước tăng mạnh nhờ giá vé nội địa neo cao, thậm chí một số đơn vị lần đầu có lãi sau đại dịch Covid-19.

Nhiều hãng bay nội địa ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi báo cáo tài chính quý I được công bố. Hai ông lớn nhất ngành - Vietnam AirlinesVietjet ghi nhận khoản thu hợp nhất tăng lần lượt 25% và 38%, lên gần 28.270 tỷ và hơn 17.790 tỷ đồng.

Với hãng hàng không quốc gia, đây là mức thu một quý cao nhất từ trước đến nay. Trước dịch, thời điểm thu nhiều nhất của Vietnam Airlines (VNA) là quý I/2019, trên 25.500 tỷ đồng. Nhờ khoản thu kỷ lục quý đầu năm nay, công ty này ngắt được mạch thua lỗ 16 quý liền. Hãng lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lãi gần 1.500 tỷ trong 3 tháng qua.

Còn Vietjet (VJ) lãi sau thuế gần 540 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I/2023. Với hãng bay chi phí thấp này, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay.

Tương tự, một hãng bay giá rẻ khác là Pacific Airlines cũng ngắt mạch thua lỗ từ sau đại dịch.

Trong khi đó, Vietravel Airlines - hãng bay trẻ nhất ngành hàng không Việt - tăng 40% doanh thu trong quý đầu năm nay, trên 490 tỷ đồng. Hãng này có 3 tàu bay khai thác trên các chặng nội địa, 2 đường bay quốc tế thường lệ và một số chuyến charter nước ngoài. Nguồn thu tăng mạnh giúp công ty lần đầu có lợi nhuận ròng trong ba tháng liền (khoảng 10 tỷ đồng) kể từ 2021 - thời điểm bắt đầu hoạt động.

Quý I thường là giai đoạn kinh doanh thuận lợi của ngành hàng không, khi có cao điểm Tết. Năm nay, các hãng bay trong nước ghi nhận bội thu hơn, một phần nhờ mặt bằng giá vé nội địa được đẩy lên cao. Việc thiếu tàu bay do bảo dưỡng động cơ khiến doanh nghiệp hàng không giảm chuyến bay nội địa, làm một số giai đoạn vé máy bay khan hiếm.

Cao điểm Tết năm nay, tình trạng hàng loạt đường bay từ miền Bắc, Trung vào phía Nam hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia kéo dài đến gần hết tháng Giêng, trong khi thông thường mọi năm qua Rằm giá đã dần hạ nhiệt. Giá vé phổ thông các chặng bay nay cũng neo sát mức trần (khoảng 6-7 triệu mỗi vé khứ hồi).

Mặt khác, từ nửa cuối 2023, các hãng ít tung ra dải vé giá rẻ (0 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng...) cho đường bay nội địa để kích cầu đi lại, du lịch. Hiện, mức thấp nhất (chưa gồm thuế, phí) được các hãng bán trên đường bay từ Hà Nội đi TP HCM gần 640.000 đồng.

Từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa trên phần lớn chặng bay tăng thêm khoảng 5%. Trong đó, mức cao nhất cho hành trình dài trên 1.280 km như Hà Nội - Phú Quốc là 4 triệu, tăng 250.000 đồng so với hiện hành. Việc này cũng có thể khiến giá vé nội địa tăng thêm trong dịp người dân có nhu cầu đi lại lớn.

Hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát việc bán vé, do giá tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, du lịch của người dân.

Thực tế, khách hàng hiện ít sự lựa chọn trên thị trường trong nước sau khi Bamboo Airways tái cơ cấu, thu hẹp quy mô và chỉ giữ lại vài tàu bay từ cuối năm ngoái. Còn Pacific Airlines dừng hoạt động sau khi trả hết tàu bay hồi cuối tháng 3. Vì vậy, thị trường nội địa phân khúc cao gần như nằm trọn trong tay Vietnam Airlines, còn giá thấp thuộc về Vietjet.

Trong lúc tàu bay thiếu hụt, nhu cầu đi lại quốc tế phục hồi, VNA và VJ chọn phương án giảm tần suất hoặc tạm dừng một số đường bay nội địa đến các địa phương kém hiệu quả để dồn lực bay ra nước ngoài. Đây cũng là yếu tố giúp nguồn thu hai hãng này tăng mạnh, bên cạnh nguyên nhân giá vé nội địa neo cao.

Quý I, số chuyến, lượt khách quốc tế của Vietjet tăng 53% và 61% so với cùng kỳ 2023. Còn với Vietnam Airlines, cơ cấu nguồn thu từ bay quốc tế chiếm gần 65% tổng doanh thu, tức gần 18.300 tỷ đồng. Giai đoạn này ba năm trước, thị trường quốc tế chỉ đóng góp lần lượt 21,5%, 48,8% và 60,9% vào tổng doanh thu vận tải của hãng hàng không quốc gia.

Ngoài ra, giá vé bay quốc tế cũng không bị khống chế bởi khung trần theo quy định như nội địa. Doanh nghiệp được phụ thu thêm chi phí xăng dầu theo chính sách của từng thị trường nước ngoài ở mỗi giai đoạn cụ thể. So với năm ngoái, sức ép về giá nhiên liệu giảm, giúp các hãng hàng không cải thiện biên lợi nhuận.

Bên cạnh các hãng bay, doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng thắng lớn trong quý đầu năm. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng doanh thu 19%, lên trên 5.640 tỷ đồng. Lợi nhuận quý này của đại gia sân bay cũng ở mức kỷ lục, với trên 3.628 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng hơn 78% so với cùng kỳ 2023.

Doanh thu Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng tăng 20%, lên 680 tỷ đồng. Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất, nhà hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất này lãi gần 57 tỷ đồng, tăng 25% - cao nhất từ sau đại dịch. Tương tự, lợi nhuận của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng tăng 12%, lên gần 62 tỷ đồng.

SSI Research dự báo lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp hàng không sẽ được cải thiện nhờ lượng khách quốc tế tăng, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.

"2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành", nhóm phân tích của SSI cho hay. Theo kịch bản cơ sở của đơn vị này, lượng khách quốc tế sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 vào quý cuối năm nay, trong khi hành khách nội địa dự kiến đi ngang.

VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GIỮ ĐÀ TĂNG, GIẢI NGÂN LẬP KỶ LỤC

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giữ đà tăng mạnh, đặc biệt vốn FDI giải ngân tăng cao nhất trong vòng 5 năm cho thấy triển vọng tốt về môi trường đầu tư tại VN.

Giải ngân cao nhất trong 5 năm

Trong tuần cuối cùng của tháng 4, các hoạt động xúc tiến đầu tư, dự án FDI cấp mới vẫn được triển khai mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên toàn quốc.

Đơn cử, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hải Phòng - Hàn Quốc (từ ngày 22 - 27.4), TP.Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với tổng vốn gần 400 triệu USD. Đồng Nai cũng trao giấy phép đầu tư cho dự án logistics Khu công nghệ cao Long Thành cho Tập đoàn Jeil E&C (Hàn Quốc) với vốn đầu tư hơn 35 triệu USD.

Hồi cuối tháng 3, Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd (Singapore) và UBND tỉnh Bình Định đã ký kết bản ghi nhớ đầu tư về dự án nhà máy điện gió Nexif Ratch Bình Định, quy mô công suất 150 MW, tổng mức đầu tư ước tính 5.500 tỉ đồng. Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 được tổ chức vào cuối tháng 3, có tới 10 biên bản ghi nhớ tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Bình Định đã được trao cho Bangkok Assay Office. Trong đó có các dự án liên quan chế biến vàng từ rác điện tử, nhà máy sản xuất container, cảng tổng hợp chuyên dùng Phù Mỹ…

Trước đó không lâu, tại Trung Quốc, làm việc với đoàn xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh, Tập đoàn Victory Giant Technology cũng đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một dự án nhà máy chuyên sản xuất bảng mạch PCB, với vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP 2 ở Quảng Ninh. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm tới.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào VN đạt gần 9,27 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng vốn đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng hơn 73% so cùng kỳ năm ngoái với 966 dự án (tăng gần 29%). Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tại VN 4 tháng đầu năm tăng mạnh, ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Cụ thể, từ năm 2020 tới nay, giải ngân vốn FDI 4 tháng đầu năm đạt lần lượt 5,15 tỉ USD (năm 2020); 5,5 tỉ USD (2021); 5,92 tỉ USD (2022); 5,85 tỉ USD (2023) và 6,28 tỉ USD.

Có thể thấy, năm 2024 khởi đầu làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ 4 vào VN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tiêu chí thu hút đầu tư của VN trong giai đoạn này là hướng đến công nghệ cao, công nghệ mới, không tiếp nhận dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động. Như vậy, dòng vốn FDI đang đi đúng định hướng mà chúng ta đặt ra.

Cơ hội và thách thức cho VN

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), nhận xét dòng vốn FDI tăng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới khó khăn cho thấy VN vẫn là thị trường hấp dẫn "một cách bền vững". Đây là nguồn vốn tư nhân nên sẽ di chuyển vào nơi đầu tư có lợi trong dài hạn. Vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của VN.

Đặc biệt, số vốn FDI thực hiện tăng kỷ lục dù báo cáo không nêu rõ tăng trong ngành nào, nhưng theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, so sánh với số liệu sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm cho thấy, FDI lĩnh vực chế biến chế tạo có sự gia tăng mạnh là điều đáng mừng. "Vốn công bố đầu tư bao nhiêu là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là vốn thực hiện. Việc giải ngân vốn FDI cao càng khẳng định triển vọng về môi trường đầu tư ngày càng tốt lên của VN", ông Lạng nhận định.

Một cách thận trọng, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng thị trường thế giới đang diễn biến khá phức tạp đẩy dòng vốn FDI toàn cầu chuyển dịch theo nhiều chiều. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải điều chỉnh chính sách thu hút FDI nhằm thích ứng với sự biến động của thế giới. Kết quả thu hút vốn FDI của VN trong 4 tháng đầu năm báo hiệu xu hướng tích cực, đó là sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả. Song kết quả này đặt ra một số thách thức cho VN, đó là cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng khốc liệt.

"Năm 2023, thu hút FDI của Ấn Độ giảm mạnh, nhưng họ vẫn đặt ra kế hoạch thu hút 100 tỉ USD trong các năm tới. Để đạt được con số đó, họ đang đẩy mạnh cải cách để thu hút FDI, trong đó có miễn, giảm cho các dự án đầu tư mới có vốn trên 100 triệu USD và dành quỹ đất sạch tại hàng trăm khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí lao động tại Ấn Độ đang thấp hơn VN và chưa bằng 1/2 của Trung Quốc. Tương tự, Indonesia cũng đang thu hút FDI vào ngành khai khoáng mỏ và chế tạo, luyện kim rất mạnh", ông Nguyễn Mại dẫn chứng và đặt vấn đề, VN đang đặt tham vọng trở thành "cứ điểm" cho Apple. Nếu không nhanh chân hơn về nhân lực, quỹ đất sạch, chính sách thuế toàn cầu… thì VN sẽ tuột mất cơ hội. Hiện các nhà cung ứng lớn cho Apple, Boeing đều có mặt tại Ấn Độ.

Cũng theo GS-TSKH Nguyễn Mại, một thách thức không nhỏ là VN chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI các ngành công nghệ tương lai, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch nhưng chưa có chính sách, cơ chế tương xứng; một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành song chưa đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư. Trong khi đó tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, cung ứng điện chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương.

Vì vậy, để thích ứng với tái cấu trúc chuỗi cung ứng, VN cần cải thiện nhiều yếu tố để nâng cao tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt quan trọng là cơ sở hạ tầng và kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm hạ tầng cảng biển, đường bộ, đường sắt và dịch vụ logistics, kinh tế số, doanh nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nâng tầm chuỗi giá trị, tham gia hiệu quả hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cũng đồng tình rằng dòng vốn FDI "sẽ không có gì đáng lo ngại" nếu việc cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được thúc đẩy quyết liệt. Với định hướng thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, Ấn Độ và Indonesia là hai đối thủ đáng gờm cho VN. Tuy vậy, VN có đội ngũ lao động hấp dẫn cả về số lượng và chất lượng, chưa kể đến cơ sở hạ tầng đang được cải thiện mạnh mẽ, thủ tục cấp phép được thực hiện trực tuyến góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự quyết liệt của Chính phủ cũng như các địa phương là động lực hấp dẫn vốn FDI rất lớn.

ĐẠI GIA NGỒI KHÔNG CŨNG THU TRĂM TỶ

Lượng tiền gửi của các "đại gia" tại ngân hàng gia tăng mạnh cho dù lãi suất giảm xuống vùng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Không ít công ty có lượng tiền gửi cả tỷ USD trong nhà băng.

Tiền gửi ngân hàng gia tăng

Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với điểm đáng chú ý: lượng tiền mặt của doanh nghiệp này rất lớn, lên tới hơn 42.600 tỷ đồng (tương đương gần 1,7 tỷ USD), trong đó phần lớn gửi ngân hàng.

Lượng tiền mặt và khoản tương đương tiền mà PV Gas nắm giữ tính tới cuối tháng 3 tăng gần 1.900 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2024, chiếm hơn 46% tổng tài sản của doanh nghiệp này.

Khoản tiền gửi ngân hàng trong quý I rất lớn, giúp PV Gas thu về hơn 4,8 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày. Trong 3 tháng đầu năm, PV Gas có hơn 436 tỷ đồng do ngân hàng trả cho khoản tiền gửi nói trên.

Tuy nhiên, do lãi suất xuống thấp nên tiền lãi trên thực tế giảm khi cùng kỳ năm trước đạt gần 480 tỷ đồng (quý I/2023), dù lượng tiền mặt và khoản tương đương tiền mà PV Gas nắm giữ gia tăng khá mạnh.

Đây cũng là lý do khiến lợi nhuận quý I/2024 của PV Gas giảm 25% so với cùng kỳ.

Từ nhiều năm nay, PV Gas thuộc top các doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Điều đó cho thấy "sức khỏe tài chính" của doanh nghiệp ngành dầu khí này tốt nhưng tình hình kinh doanh có thể không khởi sắc như mong đợi.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH) được xem là quán quân với hơn 103.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chưa tính tới gần 105.274 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ở mục dài hạn tính tới cuối quý I/2024. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động trong ngành bảo hiểm, luôn có lượng tiền lớn.

Trong quý I/2024, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng có lượng tiền mặt rất lớn, đạt ngưỡng tỷ USD.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tới cuối quý I/2024 ghi nhận có lượng tiền và các khoản tương đương tiền lên tới 26.600 tỷ đồng, trong đó hơn 2.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và gần 24.000 tỷ đồng gửi ngắn hạn từ 3 tháng tới 1 năm.

Trong quý I, ACV thu từ tiền lãi gửi ngân hàng đạt 345 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ một phần cũng do lãi suất tiền gửi giảm. Dù vậy, nhờ doanh thu tăng khá mạnh do thị trường hàng không hồi phục và chi phí tài chính giảm sâu, nên lợi nhuận của doanh nghiệp quản lý 22 sân bay tại Việt Nam tăng 1,8 lần, lên hơn 2.920 tỷ đồng.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo cáo có hơn 39.800 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD) tiền mặt, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, tăng mạnh so với mức 25.000 tỷ đồng hồi đầu năm 2023.

Ông lớn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận lượng tiền và các khoản tương đương tiền tới cuối quý I/2024 đạt gần 34.700 tỷ đồng, tăng 270 tỷ đồng so với đầu năm. Thế nhưng, lãi từ tiền gửi giảm hơn 20%, xuống còn 422 tỷ đồng.

Nhiều "ông lớn" cũng ghi nhận lượng tiền gửi tại ngân hàng và đầu tư vào trái phiếu ở mức rất cao. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài với hơn 29.300 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng của đại gia ngành bia Sabeco (SAB) cuối quý I/2024 tăng 5,2% so với cùng kỳ, lên gần 21.410 tỷ đồng, nhưng lãi thu về 273 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình có lượng tiền gửi tới cuối quý I đạt hơn 24.500 tỷ đồng nhưng lãi giảm 15% so với cùng kỳ.

Nhóm bất động sản suy giảm

Một số doanh nghiệp khác ghi nhận lượng tiền mặt lớn gồm: Petrolimex (PLX), PV OIL (OIL), PTSC (PVS), Vinhomes (VHM),... Tổng cộng, 15 doanh nghiệp đứng đầu "ôm" khoảng 18 tỷ USD tiền mặt, trong đó nhiều "ông lớn" nắm giữ hơn 1 tỷ USD mỗi doanh nghiệp.

Có thể thấy, những doanh nghiệp nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán và ghi nhận sự tăng trưởng chủ yếu thuộc nhóm dầu khí, bán lẻ và tài chính. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản ghi nhận tiền mặt suy giảm.

Tới cuối quý I/2024, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo cáo lượng tiền, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt hơn 31.000 tỷ đồng, giảm so với mức gần 35.000 tỷ đồng hồi đầu năm.

CTCP Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) ghi nhận lượng tiền, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (cuối tháng 3/2024) đạt hơn 3.170 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2023 là hơn 3.400 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán. Con số này khá khiêm tốn so với một tập đoàn bất động sản lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý là NVL bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận tồn kho tăng. Novaland báo tới cuối quý I có tồn kho đạt gần 141 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), tăng so với mức gần 139 nghìn tỷ đồng hồi cuối năm 2023. Vingroup cũng ghi nhận tồn kho tăng từ mức 92.600 tỷ đồng (cuối 2023) lên gần 99.347 tỷ đồng (cuối tháng 3/2024).

Nếu như nửa đầu năm 2023, lượng tiền mặt khổng lồ của các doanh nghiệp mang lại khoản tiền lãi rất lớn khi lãi suất còn cao thì từ cuối năm ngoái đến hết quý I/2024 tình hình đã đổi khác. Lãi suất giảm khiến việc gửi tiền không còn giúp các ông lớn “ngồi không” cũng kiếm đậm nữa.

Dù vậy, thực tế cho thấy, lượng tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp không những không giảm khi lãi suất xuống thấp kỷ lục mà còn gia tăng.

Nền kinh tế chưa có dấu hiệu bứt phá có thể là yếu tố dẫn tới tình trạng này.

Lượng tiền mặt lớn cho thấy tiềm lực tài chính mạnh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự gia tăng tiền mặt cũng cho thấy sự không sẵn sàng đầu tư của các doanh nghiệp, hoặc/và không có nhiều cơ hội kinh doanh đầu tư khi lãi suất đang ở vùng thấp nhất trong 2 thập kỷ qua.

CẢNH BÁO 'SỐT ẢO' ĐẤT NỀN SAU CÁC PHIÊN ĐẤU GIÁ

Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới mang đến tác động tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo những cơn "sốt ảo", nguy cơ mất an toàn.

Ồ ạt đấu giá đất nền

Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản Quý I/2024, Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát đánh giá thì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 44 lô đất liền kề (diện tích từ 170-360m2/lô) thuộc dự án khu tái định cư sân golf hồ Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ với mức giá khởi điểm từ 5,5-8 triệu đồng/m2;

UBND huyện Đông Anh tổ chức đấu giá 72 lô đất (diện tích từ 87,5-167m2/lô) thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Thụy Lâm với mức giá khởi điểm từ 23,5-24,5 triệu đồng/m2.

UBND Thị xã Sơn Tây cũng tổ chức đấu giá 31 lô đất (diện tích từ 94-140m2/lô) thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất khu Vàn Gợi - Đồng Quân với mức giá khởi điểm từ 28-33 triệu đồng/m2.

Được biết, các phiên đấu giá đất tại Hà Nội thời gian qua thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Theo đó, huyện Quốc Oai vừa đấu giá thành công 34 lô đất thuộc 3 dự án ĐG02; ĐG08 thôn Khánh Tân xã Sài Sơn và ĐG06 xã Cấn Hữu với tổng diện tích là 3.100 m2 được tổ chức ngày 25/4 với hơn 150 khách hàng tham gia.

Giá khởi điểm cho thửa thấp nhất là 24,8 triệu đồng/m2, thửa cao nhất là 52,8 triệu đồng/m2. Buổi đấu giá đã bán thành công toàn bộ 34 thửa đất. Trong đó, thửa trúng đấu giá cao nhất ở mức 74,1 triệu đồng/m2, chênh lệch hơn 21 triệu đồng/m2 so với giá khởi điểm. Thửa đất có giá trúng thấp nhất là 28 triệu đồng/m2, cao hơn mức giá khởi điểm là hơn 3 triệu đồng/m2.

Hồi cuối tháng 3, huyện Mê Linh cũng đấu giá thành công 30 lô đất, trong đó, có lô đạt hơn 50 triệu đồng một m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm. Hay hồi cuối tháng 2, 33 thửa đất tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đều được đấu giá thành công, trong đó có lô cao gấp đôi giá khởi điểm với hơn 60 triệu đồng một m2.

Tại Bình Định, UBND tỉnh phê duyệt đấu giá 84 lô đất (diện tích từ 105-135m2/lô) tại dự án khu dân cư phía Bắc nhà ở xã hội phường Nhơn Bình với mức giá khởi điểm 15-21,6 triệu đồng/m2; 23 (diện tích từ 140/158 m2/lô) lô đất tại dự án Khu tái định cư xã Bình Tường với mức giá khởi điểm 6,6-10,2 triệu đồng/m2; 15 lô đất (diện tích từ 124,5÷362,5m2/lô) tại khu đô thị mới Long Vân với mức giá khởi điểm 19,2-25,2 triệu đồng/m2; 9 lô đất ở Khu tái định cư phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1D với mức giá khởi điểm 14-18,6 triệu đồng/m2; 12 lô đất tại Khu tái định cư phục vụ dự án xây dựng Khu Đô thị - Thương mại phía Bắc sông Hà Thanh với mức giá 22-26,4 triệu đồng/m2.

UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức đấu giá 167 nền tại tuyến dân cư kênh Cái Tre, huyện Kiên Lương với mức giá khởi điểm 220 triệu đồng/nền và 43 nền đất thuộc Tuyến dân cư đường đê biển qua phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá.

“Đây cũng được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Tránh hình thành những cơn sốt đất ảo

Bộ Xây dựng cũng cho biết, về lượng giao dịch phân khúc đất nền, trong Quý I/2024 có xu hướng tăng so với quý IV/2023. Theo đó, lượng giao dịch đất nền bằng 119,86% so với quý IV/2023 (trong quý IV/2023 có 81.476 giao dịch đất nền) và bằng 145,18% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 và dự báo quý II/2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đánh giá nhiều khu vực có lượng giao dịch đất nền tăng đột biến, nhất là những lô đất đã tách thửa.

Đặc biệt, xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư đi “săn” đất ở khu vực vùng ven các thành phố lớn, địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.

Mức giá giao dịch thành công tuy giảm từ 20-30% so với đỉnh sốt, nhưng dần đi vào ổn định và không còn dấu hiệu giảm tiếp. So với quý IV/2023 giá tăng khoảng 5%. Riêng thị trường ven Hà Nội và gắn liền khu công nghiệp có mức tăng từ 10-20%.

Tuy nhiên, VARS cũng đưa ra cảnh báo cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.

Nguồn: Vnexpress; Thanh Niên; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang