Trồng lúa để bán tín chỉ carbon; Mua điện mặt trời giá 0 đồng; Bắc Giang thu hồi hàng ngàn ha đất; Các quan chức 'ngã ngựa' từ đầu năm

CẦN XÂY DỰNG QUY TRÌNH TRỒNG LÚA ĐỂ BÁN 10 USD/ TÍN CHỈ CARBON

Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả 10 USD/tín chỉ carbon từ trồng lúa giảm phát thải ở ĐBSCL. Ở nước ta có 7,1 triệu ha lúa, vậy nông dân canh tác như thế nào để bán được tín chỉ carbon.

Với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đang triển khai, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tính toán, người nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu vào, tăng được giá bán đầu ra mà còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon.

Cụ thể, với diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, tức thu về hơn 7.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu ha lúa, người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Ở nước ta có 7,1 triệu ha lúa. Không chỉ vùng ĐBSCL mà nhiều địa phương cũng muốn trồng lúa phát thải thấp tiến tới bán tín chỉ carbon. Vậy, nông dân phải canh tác lúa như thế nào để có thể bán được 10 USD/tín chỉ carbon?

Hiện, ĐBSCL triển khai dự án VnSAT - chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - trên cây lúa. Theo đó, nông dân tham gia dự án VnSAT được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến, điển hình nhất là "1 phải, 5 giảm": phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới, cho biết, dự kiến của ngân hàng với Bộ NN-PTNT, trong năm 2024 có thể cấp chứng chỉ carbon đầu tiên cho những nông dân tham gia VnSAT và hy vọng dòng tiền từ việc mua bán tín chỉ carbon sẽ đến với nông dân ĐBSCL từ năm nay.

Chia sẻ cụ thể hơn về trồng lúa giảm phát thải trong đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao ở ĐBSCL, ông Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho hay, ngoài bán thóc, để thu được tiền tín chỉ carbon, người trồng lúa và doanh nghiệp cần hiểu và tham gia vào các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải.

Cụ thể, phải giảm giống, vật tư nông nghiệp, chuyển đầu vào từ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học sang một phần vi sinh và hữu cơ, bắt buộc áp dụng tưới ngập khô xen kẽ và lấy rơm ra khỏi đồng ruộng. Trong đó, ngập khô xen kẽ và lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng là 2 giai đoạn có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon hơn các giai đoạn khác.

Ngoài ra, nông dân hay doanh nghiệp còn phải thực hiện cải tiến quy trình sản xuất và lắp đặt hệ thống thẩm định giảm phát thải - MRV. Nếu nông dân sạ lúa từ 120-150kg giống/ha giảm xuống 80kg giống/ha, quản lý nước trên ruộng bằng hệ thống đo mực nước đến khi nào mực thủy cấp âm 15-19cm mới tiếp tục bơm nước (như vậy giảm từ 2-3 lần bơm nước /vụ).

Biện pháp này giúp mặt ruộng khô nứt làm giảm quá trình sản sinh ra khí Metan (CH4) trong canh tác lúa, quản lý rơm rạ bằng cách không đốt đồng, lấy rơm ra để trồng nấm, ủ phân compost và thay đổi cách quản lý rơm rạ như dùng vi sinh phân hủy...

Với quy trình canh tác này, tưới ngập khô xen kẽ, thu rơm rạ sau khi thu hoạch lúa ra khỏi đồng ruộng và giảm lượng lúa gieo sạ là những công đoạn góp phần giảm lượng phát thải lớn nhất.

Bên cạnh đó, nông dân hay doanh nghiệp cần thuê công ty thẩm định và chứng nhận quy trình và số lượng phát thải nhà kính giảm, cấp chứng nhận về tín chỉ carbon. Lúc này các doanh nghiệp, nông dân tham gia có thể bán tín chỉ carbon và thu tiền về, ông Hải chia sẻ.

Ông Hải nhấn mạnh thêm, muốn bán được tín chỉ carbon phải có dự án được duyệt, những cam kết trong dự án phải được nông dân thực hiện nghiêm túc và phải có nhật ký giảm phát thải. Nếu người nông dân không hiểu và thực hành đúng những công đoạn trên thì lượng giảm thải carbon không đạt như cam kết ban đầu, số tín chỉ carbon thu được cũng không lớn, hiệu quả kinh tế không cao.

Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Quá trình thí điểm sẽ làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025-2026.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8 năm nay, chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải” và Cục Trồng trọt sẽ công bố tiêu chuẩn cơ sở ban đầu.

ĐIỆN MẶT TRỜI MUA GIÁ 0 ĐỒNG GÂY TRANH CÃI

Có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất mua điện với giá 0 đồng của Bộ Công thương đưa ra trong dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Đa số đều cho rằng phải có giải pháp khoa học hơn chứ "mua với giá 0 đồng là hết sức vô lý".

Lo lưới điện chịu áp lực

Trong cuộc họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vẫn bảo lưu quan điểm "dứt khoát không cho mua bán" với lập luận nếu cho phép điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu được mua bán thì sẽ gây tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn. Đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện và vô tình cổ súy cho hành vi "trục lợi chính sách".

Cơ chế khuyến khích là muốn cá nhân, tổ chức phát triển ĐMTMN đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia chứ không phải khuyến khích làm để bán. Điều này hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch điện 8 là ưu tiên phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Thực tế, nhiều chuyên gia năng lượng cũng bày tỏ quan ngại nếu hệ thống lưới điện phải "gồng" để tải nguồn năng lượng tái tạo. PGS-TS Nguyễn Việt Dũng - Phó hiệu trưởng Trường cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội - đánh giá việc phát triển năng lượng tái tạo tại VN tăng quá nhanh đã tạo "áp lực khủng khiếp" lên lưới điện quốc gia và không thể nào điều độ được. Việc cho đấu nối các dự án ĐMTMN ngoài quy hoạch vào lưới điện sẽ khiến hệ thống không ổn định và gây nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia.

Hơn nữa, do các dự án nhiệt điện phải chạy ép công suất, nhường cho điện tái tạo bùng nổ, dẫn đến hiệu suất thấp, kèm phát thải khí nhà kính, từ đó đẩy chi phí môi trường, ô nhiễm tăng. Thế nên, ông ủng hộ không mua bán ĐMTMN qua lại trong vòng 5 năm tới trong cơ chế phát triển ĐMT nhằm giảm áp lực cho đường truyền, tránh gây nhiễu phụ tải, mất cân bằng cung cầu do ĐMT chỉ có vào ban ngày, ban trưa. Trong khi đó, giờ cao điểm cần dùng nhiều điện không phải là buổi trưa…

Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia năng lượng cũng cho rằng sự thiếu ổn định của ĐMTMN gây áp lực rất lớn cho truyền tải. Thế nhưng, việc cho phát lên lưới và trả 0 đồng cho nhà đầu tư thì lại quá vô lý dù có giải thích thế nào đi nữa. Hơn nữa, một chuyên gia ngành năng lượng đặt câu hỏi: Ngành điện mang nguồn được mua 0 đồng này đi bán và có thu tiền như mọi nguồn điện khác, vậy phải hạch toán nguồn tài chính phát sinh này thế nào? Dự thảo cơ chế này chưa đề cập hoặc chưa lường trước những phát sinh về tài chính trong các trường hợp cụ thể như vậy.

Mua giá 0 đồng là "không phù hợp"

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), nêu quan điểm: "Về nguyên tắc, tôi ủng hộ sự phát triển của ngành điện một cách ổn định, xanh hóa, đạt yếu tố kinh tế và minh bạch, công bằng với mọi thành phần tham gia. Một số chuyên gia năng lượng cũng đã phân tích để ĐMT phát lên lưới ồ ạt trong khi đường truyền chưa phát triển kịp thì nguy cơ quá tải, mất an toàn ổn định hệ thống là rất lớn. Tôi cho rằng điện tái tạo có nhiều ưu điểm như các nhà chuyên môn đã phân tích nhưng những rủi ro do mất an toàn ổn định hệ thống nếu hòa vào lưới điện quốc gia cũng là điều cần tính toán, cân nhắc thận trọng".

Tuy vậy, TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh quan điểm đưa vào cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tự sản, tự tiêu lại có quy định "mua với giá 0 đồng" là không nên, chưa phù hợp khi đặt trong bối cảnh của dự thảo nghị định về "cơ chế, chính sách khuyến khích". Thế nên, chuyên gia này cho rằng cơ quan soạn thảo cần thiết kế lại quy định nói trên với các giải pháp cụ thể hơn.

"Trước hết cần công khai tính toán các chi phí khấu hao, vận hành, quản lý, đánh giá rủi ro… một cách đầy đủ để các nhà chuyên môn có ý kiến. Thứ hai, có thể nghiên cứu xác định lộ trình tiếp nhận nguồn năng lượng này với các mức giá phù hợp, căn cứ theo năng lực tiếp nhận của hạ tầng truyền tải, khu vực địa lý, thời điểm tiêu thụ điện… Có thể áp dụng thí điểm thời gian đầu, nếu thấy phù hợp thì đưa vào áp dụng chính thức. Sự chuẩn bị khoa học, có lộ trình sẽ bảo đảm tính an toàn cho ngành cũng như sự công bằng cho doanh nghiệp, hộ gia đình", TS Nguyễn Minh Thảo gợi ý.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, phân tích: Đặc điểm của ĐMT là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng. Thế nên, việc không thể bán điện dư thừa, hay theo đề xuất mới là chỉ ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán sẽ dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. "Trong thực tế, để phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã và đang đối diện nguy cơ thiếu điện bất kỳ lúc nào. Nên chủ trương khuyến khích phát triển nguồn ĐMT là đúng đắn, ưu tiên cho phát triển tự sản, tự tiêu. Nhưng nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ có lợi cho nền kinh tế hơn, qua đó, có thể giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn", TS Lâm nói.

TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) tính toán, hiện cơ cấu nguồn điện tái tạo chiếm hơn 28% là tỷ lệ khá lớn và được phát triển rất nhanh. Trong khi đó, nguồn điện linh hoạt bù cho những thời điểm ĐMT và điện gió không có vẫn thiếu, dẫn đến làm khó cho vận hành hệ thống. Ở các nước phát triển, điện tái tạo thường đạt khoảng 15% trên toàn hệ thống là phải đầu tư nguồn dự phòng đủ, nếu không có pin lưu trữ. "Hiện các nguồn dự phòng của ta như thủy điện đang vừa chạy hết công suất lại phải bảo đảm tích nước chống chọi hạn hán…

Trong khi đó, pin lưu trữ hay điện tích năng chưa có, nên chính sách không thể đẩy mạnh phát triển ồ ạt ĐMTMN trong giai đoạn này. Vì vậy, phải ủng hộ chính sách tự sản, tự tiêu", ông Hoạch giải thích. Dù vậy, ông cũng thừa nhận việc cho phát ĐMTMN lên lưới, ghi nhận 0 đồng là không bảo đảm tính công bằng, không trả đồng nào trong khi nhận điện của nhà đầu tư là không sòng phẳng.

Từ đó, ông đề xuất: "Chính sách là khuyến khích tự sản tự tiêu, nhưng cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu vẫn cần thiết. Chúng tôi đã đề xuất vấn đề này từ lâu, với quy mô ĐMTMN đấu nối trực tiếp vào hệ thống hạ áp, công suất 3 - 5 kV hầu như không ảnh hưởng đến lưới điện".

HÀNG NGÀN HA ĐẤT TRỒNG LÚA BỊ THU HỒI Ở BẮC GIANG

Trong năm 2024, huyện Yên Dũng của Bắc Giang sẽ thu hồi hơn 1.400 ha đất, trong đó riêng diện tích đất lúa là khoảng 1.300 ha.

Thu hồi hơn nghìn ha đất nông nghiệp ở một huyện

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 399 và Quyết định số 401 về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Yên Dũng và Hiệp Hòa.

Theo Quyết định số 399, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Yên Dũng với tổng diện tích 19.173,83 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 11.534,16 ha; đất phi nông nghiệp 7.593,49 ha; đất chưa sử dụng 46,18 ha.

Đáng chú ý, theo phụ lục 02 kèm quyết định đã ban hành, trong năm 2024, huyện Yên Dũng sẽ thu hồi 1.411,4 ha, trong đó thu hồi 1.360,23ha đất nông nghiệp. Đồng thời, diện tích đất trồng lúa cần được thu hồi là 1.111,93ha, đất trồng cây hàng năm khác là 20,47ha, đất trồng cây lâu năm là 208,62ha, đất nuôi trồng thủy sản là 19,21ha, đất phi nông nghiệp là 51,23ha.

Các xã có nhiều diện tích bị thu hồi là Tiền Phong (32ha), Yên Lư (221,2ha), thị trấn Tân An (124,66ha), thị trấn Nham Biền (109,53ha)…

Đồng thời, trong năm nay huyện Yên Dũng sẽ chuyển đổi 997,03 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó có 646,23 ha đất lúa bị chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2024 được phê duyệt; về sự phù hợp của thông tin, số liệu trong kế hoạch trên với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và các quy định của pháp luật khi đề xuất danh mục các công trình, dự án trên địa bàn.

Hoàn thành việc đăng tải toàn bộ hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2024 được phê duyệt trên cổng/trang thông tin điện tử của UBND huyện Yên Dũng, đồng thời tổ chức công bố, công khai nội dung kế hoạch trên theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bắc Giang yêu cầu hai địa phương vừa nêu thực hiện công tác quản lý đất đai , thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; triển khai thực hiện các công trình, dự án đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2024 đối với UBND cấp xã.

Thu hồi gần triệu m2 đất lúa

Trước đó không lâu, HĐND tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất; các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (đợt 1).

Theo đó, Nghị quyết đã thông qua 85 dự án sử dụng đất. Cụ thể, thông qua 37 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích đất thu hồi hơn 1 triệu m²; trong đó đất trồng lúa gần 774 nghìn m², đất khác hơn 237 nghìn m²; Thông qua 5 dự án chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo danh sách này có một số dự án thu hồi diện tích trồng lúa lớn như Khu số 1 thuộc Khu đô thị số 11,12 thuộc Quy hoạch phân khu số 2, TP Bắc Giang (thuộc địa phận xã Hương Gián, huyện Yên Dũng) thu hồi tổng cộng 187.000 m2 đất, trong đó có hơn 180.000 m2 đất lúa.

Tiếp đến là Khu nhà ở xã hội (NƠXH) Vân Trung, huyện Việt Yên thu hồi 77.000 m2 đất, trong đó gồm 71.000 m2 đất lúa và 6.000 m2 đất khác.

Đồng thời, Nghị quyết cũng điều chỉnh diện tích, tên, địa điểm, loại đất của 43 dự án đã được HĐND tỉnh thông qua tại các Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 04/10/2022, số 39/NQ-HĐND ngày 9/12/2022, số 10/NQ-HĐND ngày 5/4/2023, số 29/NQ-HĐND ngày 14/7/2023, số 57/NQ-HĐND ngày 19/10/2023, số 76/NQ-HĐND ngày 13/12/2023.

Trong đó, Cụm Công nghiệp Hương Sơn (xã Hương Sơn, Lạng Giang) tăng diện tích từ 350.000 m2 lên 384.000 m2, trong đó diện tích đất lúa bị thu hồi tăng từ 19.000m2 lên 53.000 m2.

TỪ ĐẦU NĂM, CÓ BAO NHIÊU QUAN CHỨC “NGÃ NGỰA”?

Từ đầu năm 2024 đến nay, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều quan chức và cựu quan chức vì có sai phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn và Dự án Đại Ninh (Lâm Đồng).

Vụ Tập đoàn Thuận An

Theo Trung tướng Tô Ân, Người phát ngôn Bộ Công an, quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 8 bị can.

Trong đó, bị can mới nhất là ông Dương Văn Thái , nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Thái bị bắt tạm giam ngày 1/5 vừa qua.

Cùng vụ án, trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà , Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, các bị can Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An), Phạm Thái Hà, Dương Văn Thái và nhiều bị can khác khai báo với thái độ thành khẩn, đã làm rõ bản chất của vụ án, một số đã chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại.

Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi những ai mắc sai phạm trong vụ án kể trên hãy trung thực báo cáo với tổ chức hoặc tự thú để được hưởng khoan hồng.

23 bị can bị khởi tố liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn

Về vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam tổng cộng 23 bị can, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, như: bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Viết Chữ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Cao Khoa - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Các bị can là cựu quan chức nêu trên đều bị cơ quan điều tra bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ.

Thông tin về vụ án, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an nói rằng đây là vụ án lớn, xuất hiện một dạng tội phạm mới rất nguy hiểm.

“Thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can, chúng tôi thấy Nguyễn Văn Hậu đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là ủy viên ban thường vụ, thậm chí là thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của đảng, của chính quyền nhân dân” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho hay.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, qua điều tra ban đầu, C03 xác định, ông Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) để tạo điều kiện cho tập đoàn này thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến nay, cơ quan điều tra hiện đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Đồng thời đang rà soát, kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị của các bị can và những đối tượng có liên quan, phục vụ công tác thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.

Vụ án liên quan sai phạm tại Dự án Đại Ninh

Quá trình điều tra vụ án "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, ngày 30/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2024, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng (Dự án do công ty của đại gia Nguyễn Cao Trí làm chủ đầu tư).

Mở rộng điều tra vụ án, xác định, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến Dự án Đại Ninh, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

CQĐT xác định, hành vi của ông Trần Đức Quận phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Không chỉ các cán bộ nêu trên của tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố vì "nhúng chàm" trong vụ án này, trong tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn để làm trái chức trách và nhiệm vụ được giao trong việc giải quyết thanh tra và khiếu nại liên quan đến dự án Công ty Sài Gòn - Đại Ninh.

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang