Rao bán nợ loạt 'đại gia' thép; Cổ phiếu Vinfast xuống đáy; Xe điện khuấy đảo thị trường taxi; Giá nhà trong ngõ tăng mạnh

RẦM RỘ RAO BÁN TÀI SẢN CỦA LOẠT 'ĐẠI GIA' NGÀNH THÉP

Một loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép bị ngân hàng rao bán nợ trong thời gian gần đây, trong đó có cả doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Ngân hàng Agribank vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá xấp xỉ 361 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy (một doanh nghiệp có cùng hệ sinh thái với Thép KDG).

Giá trị sổ sách của hai khoản nợ tính đến 31/3 là 360,904 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 250,480 tỷ đồng, nợ lãi 110,424 tỷ đồng. Khoản nợ của Thép KDG có giá trị ghi sổ tạm tính là 182,595 tỷ đồng, khoản nợ của Khang Duy tạm tính đến 31/3 là 178,308 tỷ đồng.

Các khoản nợ được hai doanh nghiệp vay tại Agribank Chi nhánh An Phú trong giai đoạn 2018-2020. Trong lần thông báo đấu giá đầu tiên, Agribank mong muốn thu về bằng đúng giá trị của khoản nợ tại ngày 31/3.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Thép KDG gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng thuê đất giữa Thép KDG và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và máy móc thiết bị của nhà xưởng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Khang Duy gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ Hợp đồng thuê đất ký giữa Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư Nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam; xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc tải, xe ô tô.

Hai doanh nghiệp trên đăng ký trụ sở tại Bình Dương và TP.HCM, cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang và các cấu kiện kim loại.

Agribank đang chào bán khoản nợ của một doanh nghiệp trong ngành thép là CTCP Thép Nguyên Phát (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Khoản nợ phát sinh theo hai hợp đồng tín dụng từ năm 2012. Giá trị khoản nợ tính đến tháng 1/2024 là 2,769 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 1,607 tỷ đồng. Ngân hàng không tiết lộ thông tin về tài sản đảm bảo của khoản nợ, giá khởi điểm là 1,820 tỷ đồng.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp thép khác cũng bị các ngân hàng rao bán tài sản để thu hồi nợ xấu.

Trong đó, BIDV đã có trên 20 lần rao bán khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật. Khoản nợ của Thép Việt Nhật lên tới 447 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 194 tỷ đồng. Sau nhiều lần hạ giá, mức giá khởi điểm của khoản nợ này chỉ còn hơn 80 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên gồm bất động sản, xe ô tô các loại như Toyota Camry GLI, xe Mercedes E240, Toyota Hiace và dây chuyền sản xuất thép.

Ngân hàng VietinBank cũng đã nhiều lần rao bán khoản nợ trị giá 183 tỷ đồng (nợ gốc 132 tỷ đồng) của CTCP Thép Úc SSE và khoản nợ 306 tỷ đồng (nợ gốc 267 tỷ đồng) của CTCP Thép Nam Thuận. Cả hai doanh nghiệp này đều do ông Lâm Văn Hùng làm Tổng Giám đốc. Giá khởi điểm của hai khoản nợ chỉ tương đương với dư nợ gốc của từng khoản nợ.

VINFAST LÂM NGUY KHI CỔ PHIẾU CHẠM ĐÁY KỶ LỤC

Giá cổ phiếu của hãng xe hơi Việt Nam VinFast rơi xuống mức đáy mới, thấp nhất từ trước đến nay, là 3,6 đô la khi thị trường Nasdaq ở Mỹ đóng cửa hôm thứ Sáu 12/4. Chỉ một ngày trước hãng tin Reuters đăng bài phân tích dài chỉ ra rằng VinFast thua lỗ nặng, tạo ra rủi ro cho cả tập đoàn mẹ là Vingroup.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cổ phiếu của VinFast với mã VFS tụt từ mức 4,03 đô la của cuối ngày hôm trước xuống dưới 3,7 đô la ngay trong ít giờ đầu phiên, sau đó dao động trên mức này một chút trong phần lớn thời gian và sát giờ đóng cửa chỉ còn có giá từ 3,59 đến 3,6 đô la.

Hôm thứ Sáu tuần trước, VFS cũng đã lập mức sàn tính đến thời điểm đó, và đến nay, sau 1 tuần, giá của cổ phiếu này lại mất thêm 14%. Từ đầu năm đến nay, VFS mất đi gần 54% giá trị.

Tình trạng giá cổ phiếu của VinFast giảm liên tục trong nhiều ngày xảy ra trong bối cảnh có nhiều tin bất lợi cho hãng như việc các thương hiệu Trung Quốc gồm Great Wall Motors, Chery, GAC, BYD… tuyên bố đẩy mạnh bán xe hoặc cân nhắc mở nhà máy ở Việt Nam và mới nhất là bài phân tích của Reuters về hoạt động kinh doanh thua lỗ của chính VinFast.

Bài viết dài hơn 1.000 từ của Reuters dựa vào báo cáo mà VinFast gần đây nộp cho cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ cũng như những thông tin do hãng cung cấp, từ đó chỉ ra rằng hãng lỗ tổng cộng 5,7 tỷ đô la trong 3 năm vừa qua, trong khi số tiền đi vay tăng lên.

Song song với hai điều kể trên, giá cổ phiếu của hãng đã giảm hơn 38% kể từ khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 8/2023, còn tính từ mức đỉnh đạt được trong cùng tháng đó, giờ đây VFS đã mất đi hơn 97% giá trị.

Những kết quả như vậy cho thấy rõ có những rủi ro đối với tập đoàn mẹ là Vingroup, Reuters nhận xét.

Vẫn bài báo cho biết trong năm 2023, VinFast đạt doanh thu 1,1 tỷ đô la nhưng 82% số đó là nhờ bán xe cho các công ty trong cùng tập đoàn Vingroup hoặc thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của cả tập đoàn lẫn VinFast.

Bên cạnh đó, hầu hết số xe bán lẻ của VinFast tại Việt Nam là qua các chương trình khuyến mại, tiếp thị thực hiện chung với hãng bất động sản Vinhomes cùng tập đoàn.

VinFast đưa ra thông tin rằng khoảng 70% lượng xe giao trong năm ngoái là cho hãng taxi GSM mà ông Vượng sở hữu 95%.

Reuters chỉ ra rằng GSM hoạt động theo hình thức tài xế là nhân viên của hãng này và các chiếc xe thuộc sở hữu của hãng, được xem là chiến lược “giúp hãng tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng làm tăng chi phí”.

Ông Kengo Kurokawa, đứng đầu công ty nghiên cứu Asia Plus, được Reuters trích lời nói rằng ông nghĩ mô hình kinh doanh của GSM không bền vững do “cơ cấu chi phí cao” và “khả năng sinh lời thấp” trên thị trường.

Với thực trạng VinFast bị thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận ròng của Vingroup giảm gần một nửa trong năm 2023 xuống còn 1,2%, Reuter cho biết.

THỊ TRƯỜNG TAXI SẮP PHẢI VẼ LẠI SAU SỰ XUẤT HIỆN CỦA XE ĐIỆN

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam năm 2023 là 727,73 triệu USD, dự kiến tăng 880 triệu USD trong năm 2024 và đạt 2,16 tỉ USD vào năm 2029. Tỉ lệ tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2029 dự báo ở mức 19,5%/năm.

Cú hích từ sự ra đời của Xanh SM

Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (trụ sở tại Ấn Độ), sự xuất hiện của xe điện Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực gọi xe công nghệ của Việt Nam khi làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tính đến tháng 12-2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường gọi xe, gấp đôi thị phần của đối thủ từng đứng thứ 2 trước đó là Be Group. Bên cạnh đó, so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh, dịch vụ taxi của Xanh SM cũng dẫn đầu về số lượng xe sở hữu và số chuyến xe mỗi ngày.

Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường là trong xu hướng xe điện ngày càng được ưa chuộng hơn, hãng taxi truyền thống cũng chuyển từ sử dụng xe xăng sang xe điện để tạo lợi thế cạnh tranh, giữ thị phần.

Chẳng hạn, ngày 29-3, Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi - đã ký biên bản mua và thuê bổ sung 2.500 ô tô điện VinFast từ Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (GSM). Trước đó, năm 2023, hãng taxi này đã đầu tư 500 xe điện nhằm chuyển đổi dần sang phương tiện xanh. Trong khi đó, Công ty CP Sun Taxi đầu tư lớn 3.000 xe điện VF5 Plus để thay dần xe xăng đang hoạt động tại Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

Hàng loạt thương hiệu taxi truyền thống như Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), Én Vàng (Hải Phòng), Xanh Sapa (Lào Cai), Airports (Hà Nội)... cũng có động thái tương tự. Theo GSM, tính đến thời điểm này, công ty đã cung cấp ô tô điện cho khoảng 30 doanh nghiệp (DN) có dịch vụ taxi hoặc vận chuyển hành khách theo hợp đồng.

Không thể đứng ngoài xu hướng, các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh đã mua mới số lượng không nhỏ xe điện, xe hybrid. Về phía hãng xe công nghệ, Be "bắt tay" với GSM đưa xe điện vào hoạt động, còn Gojek và Garb cũng đang đầu tư để triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách và giao đồ bằng xe điện.

Vẽ lại bức tranh thị trường

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sun Taxi, cho rằng sử dụng xe điện là xu thế chung của thế giới, giúp DN tối ưu số lượng nhân sự vận hành, tiết kiệm đáng kể chi phí bảo trì, bảo dưỡng.

Với ô tô hybrid, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch HĐQT Vinasun, đánh giá khi vận hành trong đô thị với vận tốc không cao, xe sẽ hoàn toàn sử dụng điện nên tiết kiệm chi phí khá lớn. Ngoài ra, xe hybrid giúp tài xế tiết kiệm được thời gian, công sức; giúp DN nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần bảo vệ môi trường.

Bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đồng Thúy, cho biết sau hơn một năm sử dụng ô tô điện cho dịch vụ taxi, hiệu quả kinh doanh của DN tăng đáng kể nhờ cắt giảm được 32%-37% chi phí vận hành. Nhận được đánh giá tích cực từ hành khách trong nước và du khách quốc tế, Lado Taxi quyết định mở rộng đội xe điện với mục tiêu thay thế 90% xe xăng.

Bức tranh thị trường taxi gần như được vẽ lại hoàn toàn trong những năm gần đây. Hãng taxi công nghệ chiếm lĩnh thị trường buộc các hãng taxi truyền thống phải chuyển mình để nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ thị phần trong một thị trường khốc liệt. Giữa bối cảnh này, các dòng xe thuần điện, xe "lai" với nhiều ưu điểm đã được cả hãng xe công nghệ lẫn truyền thống lựa chọn sử dụng như một lợi thế cạnh tranh đáng kể.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vẫn còn nhiều rào cản liên quan hạ tầng trạm sạc, giá cả... Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết nhiều hãng taxi trên địa bàn rất muốn chuyển đổi sang xe điện nhưng chi phí đầu tư quá lớn, cần sự hỗ trợ từ nhà nước.

"Giá ô tô điện vẫn cao hơn ô tô truyền thống nên để mua xe số lượng lớn từ 100 - 1.000 chiếc, DN phải vay vốn ngân hàng từ 65 - 650 tỉ đồng. DN kiến nghị được tiếp cận vay vốn không lãi suất để chuyển đổi phương tiện xe xăng sang xe điện và miễn, giảm một số thuế, phí khác" - ông Hùng nói.

BÊNH CẠNH CHUNG CƯ, GIÁ NHÀ TRONG NGÕ CŨNG ĐANG BƯỚC VÀO CHU KỲ TĂNG MẠNH

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá các căn nhà ở riêng lẻ đang được giao dịch đã tăng từ 5 - 15% so với cuối năm ngoái.

Bối cảnh kinh tế phục hồi, với nhiều điều kiện thuận lợi về lãi suất cùng bài học tăng giá trước đây khi “càng chờ, càng tăng" đang tiếp thêm động lực cho người mua nhà khiến nhu cầu mua nhà để ở có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua. Trong điều kiện hạn chế về nguồn cung, giá căn hộ sơ cấp Hà Nội đang “neo" cao, các dự án mới mở bán đều có giá thuộc phân khúc cao cấp. Trong khi đó, các căn hộ thứ cấp có giá xung quanh 3 tỷ đồng chỉ có ở các quận, huyện xa trung tâm, cũng đang được săn đón và ngày càng khan hiếm.

Theo đó, một căn nhà riêng có giá trên dưới 4 tỷ đồng với diện tích từ 30 - 40 m2 trở thành lựa chọn hấp dẫn của nhiều gia đình có mong muốn an cư. Mức giá tăng còn được thúc đẩy từ nhu cầu đầu tư. Do vậy, nhà trong ngõ được đánh giá là loại hình có thanh khoản tốt kèm pháp lý đầy đủ, giá bán phải chăng. Đem lại lợi suất cao từ việc cho thuê trong bối cảnh nhu cầu thuê, mua nhà để ở tăng cao.

Đặc biệt khi nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong ngõ nhỏ cũng đang duy trì xu hướng tăng trong thời gian qua khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch bỏ bớt gánh nặng chi phí trước thực trạng doanh thu chủ yếu đến từ các sàn thương mại điện tử.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá các căn nhà ở riêng lẻ đang được giao dịch đã tăng từ 5 - 15% so với cuối năm ngoái. “Dù việc tăng giá ở đây còn có nhiều dấu hiệu bất thường nhưng không thể phủ định, lượng lớn quan tâm và giao dịch là thật”, VARS nêu ý kiến.

Thống kê của batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm và giao dịch loại hình Nhà riêng tại Hà Nội dần cải thiện trong quý 1/2024. Đặc biệt, mức độ quan tâm cải thiện rõ rệt ở một số quận ngoại thành khi các quận trung tâm không còn nhiều lựa chọn.

Thông tin từ Hội viên VARS - một đơn vị chuyên kinh doanh mảng thổ cư cũng cho biết, quý 1/2024 là giai đoạn doanh nghiệp ghi nhận lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đó, VARS nhận thấy, thị trường bất động sản nhà ở riêng lẻ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục chưa thích ứng kịp với nhu cầu của nhà đầu tư, cư dân - đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt như hiện nay.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, giá nhà trong khu vực nội đô sẽ khó giảm. Theo đó, người dân có nhu cầu ở thực, nên cân nhắc tới việc xuống tiền mua nhà nếu tìm thấy sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính, nghĩa là không vay quá nhiều.

“Bởi lịch sử tăng giá cho thấy, giống như phân khúc căn hộ, giá nhà đất thổ cư Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng tăng tương tự vào cuối năm 2021, đến giữa năm 2022, khi thị trường khó khăn, giá loại hình này có giảm nhưng không “thấm” gì so với mức tăng, đến nay lại tiếp tục tăng trở lại. Bởi đây là loại hình luôn duy trì mức độ quan tâm khá ổn định kể cả trong giai đoạn ảm đạm”, TS Nguyễn Văn Đính cho hay.

Bên cạnh nhà riêng lẻ diện tích nhỏ, TS Nguyễn Văn Đính cho biết, các tòa nhà chung cư trong ngõ cũng đang “nóng” trở lại khi lượng người thuê và tìm mua căn hộ chung cư mini dần phục hồi. Cùng với nhà ở riêng lẻ, các “chung cư" trong con ngõ hẹp này đang gây sức ép quá tải đô thị, hạ tầng và tiện ích chung, cùng nhiều rủi ro liên quan đến cháy, nổ. Khi khác với việc phát triển nhà ở thương mại, phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, các “chung cư” này không cần xây dựng các hạ tầng dùng chung và chất lượng xây dựng chỉ ở mức tối thiểu, đất dành cho giao thông rất ít và gần như không có đất dành cho cây xanh.

Để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, đồng thời giảm áp lực quá tải đô thị, Chủ tịch VARS cho rằng, nhà nước cần có những giải pháp chính sách và cơ chế can thiệp đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội trong đô thị. Nâng cao công tác định hướng, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công để dịch chuyển nguồn cầu tập trung ở các khu vực nội thành, khu vực trung tâm ra các tỉnh và khu vực lân cận với giá cả hợp lý và quỹ đất lớn hơn. Đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp,...

Theo ông Đính, giải pháp khả thi nhất là phát triển các đô thị lớn theo chiều dọc, nghĩa là chuyển đổi nhà phố thành chung cư cao tầng. Đây cũng là hướng phát triển chung của các nước đã phát triển hơn Việt Nam, khi nhà xây dựng mới trong những năm gần đây hầu hết là căn hộ cao tầng.

Nguồn: Vietnamnet; VOA; Người Lao Động; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang