Giá vé máy bay tăng cao dịp 30/4; Tour nước ngoài bùng nổ; Quay cuồng với vàng; Chung cư tăng giá như 'lên đồng'

CHÁN NẢN VÌ GIÁ VÉ MÁY BAY TĂNG CAO DỊP 30/4 - 1/5, NHIỀU NGƯỜI CHỌN NẰM Ở NHÀ, MUA 1 CHỈ VÀNG

Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 khá đắt đỏ khiến nhiều người lựa chọn về quê hoặc ở lại thành phố thay vì đi du lịch.

Ngày 11/4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng xem xét phương án hoán đổi ngày làm việc để người lao động nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5.

Trước thông tin về kì nghĩ lễ dài ngày, nhiều người đã lên kế hoạch đi du lịch cho cả gia đình. Tuy nhiên, sau khi lên website của một số hãng hàng không tham khảo thì giá vé của một số chặng bay cao chóng mặt khiến không ít người phải đắn đo. Đặc biệt là một số đường bay du lịch nội địa như giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo…

Theo khảo sát của chúng tôi, giá vé khứ hồi của một số chặng bay đang ở mức cao, thậm chí rơi vào tình trạng khan hiếm vé.

Như chặng bay Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines ngày 27/4 đã hết vé phổ thông, chỉ còn vé thương gia với mức giá hơn 13 triệu đồng/lượt và số ghế trống không còn nhiều. Các ngày khác thì giá vé ở mức 2,2 – 4,4 triệu đồng (tuỳ hạng vé). Trong khi đó, giá vé khứ hồi của Vietjet Air ở mức 3,1 - 3,9 triệu đồng/lượt.

Hiện tại, nếu muốn bay thẳng cho chặng bay Hà Nội - Phú Quốc, hành khách chỉ có thể lựa chọn chuyến bay của hai hãng hàng không nói trên vì thời điểm hiện tại, Vietravel, Bamboo Airways đều không khai thác chặng bay này.

Chặng bay TP HCM - Đà Nẵng dịp lễ 30/4 và 1/5 (chiều đi ngày 27/4, chiều về ngày 1/5) giữ ở mức cao. Vé máy bay của hãng Vietravel Airlines có mức giá "mềm" nhất từ 4,2 triệu đồng/khách; Bamboo từ khoảng 4,6 triệu đồng/khách và Vietjet từ khoảng 4,8 triệu đồng. Vietnam Airlines giá phổ thông linh hoạt từ 5 triệu đồng trong khi giá hạng thương gia lên tới xấp xỉ 9 triệu đồng.

Giá vé máy bay khứ hồi cho chặng Hà Nội - Nha Trang trong dịp lễ 30/4 - 1/5 dao động từ 5,8 triệu đồng đến 7,4 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí). Trong khi đó, Bamboo Airways và Vietjet Air có mức giá rẻ hơn lần lượt là khoảng 6,7 triệu đồng và 5,6 triệu đồng, trong khi Vietnam Airlines có mức giá gần 8 triệu đồng.

Với chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng vào dịp nghỉ lễ tới, khách hàng thể lựa chọn 1 trong 4 hãng hàng không với các giờ bay phù hợp với lịch trình của từng người. Tùy theo từng giờ bay mà giá vé sẽ dao động khác nhau. Giá vé rẻ nhất của Vietnam Airlines cho chiều đi ngày 27/4 và chiều về ngày 1/5 dao động từ là 2,113 - 2,499 triệu đồng/chiều. Vietravel có giá vé một chiều gần 1,9 triệu đồng/lượt, Bamboo Airways là hơn 2 triệu đồng/lượt.

Với chặng bay được khai thác nhiều nhất là Hà Nội - TP.HCM thì giá vé trong dịp nghỉ lễ này cũng ở mức cao. Vietjet bán giá khứ hồi chặng này từ 3,2 - 3,8 triệu đồng; Vietravel Airlines, Bamboo giá từ 4 triệu đồng; giá vé khứ hồi của hãng Vietnam Airlines từ 4,8 triệu đồng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, ngành Hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay. Nguyên nhân chính đến từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không sau Covid-19 gây ra vấn đề thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ tàu bay bị kéo dài.

Giá vé máy bay đắt đỏ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại kế hoạch đi du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Thậm chí, một số người lựa chọn ở lại thành phố và đi chơi tại một số địa điểm lân cận Thủ đô để tiết kiệm kinh phí.

"Mình có nghe thông tin vé máy bay dịp lễ đắt đỏ nhưng khi xem giá mới thật sự bất ngờ. Nhà mình có 5 người dự định đi Nha Trang dịp nghỉ lễ nhưng tính mỗi tiền vé thôi đã mấy chục triệu rồi. Nên chắc nhà mình sẽ ở Hà Nội và lựa chọn một địa điểm gần Thủ Đô để đi chơi cho đỡ mệt và tiết kiệm chi phí. Đành lỡ hẹn Nha Trang" , bạn Thảo My chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Linh An quả quyết dịp nghỉ lễ dài ngày này cô sẽ về quê Nam Định chơi với bố mẹ, nằm điều hoà mát mẻ ở nhà rồi du lịch qua màn ảnh nhỏ. "Mình đã tiết kiệm tiền để cùng chúng bạn đi Đà Lạt chơi. Nhưng check thử giá vé khứ hồi thì đắt bằng cả chỉ vàng nên cả nhóm quyết định về quê, còn khoản tiền đó sẽ mua vàng để tiết kiệm chờ khi nào đi sau. Giá vé cao quá nên đi đâu cũng e dè, mình chỉ mong bình ổn giá vé để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.

Không ít người đã "quay xe" lựa chọn những chuyến đi gần có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc thuê ô tô, mua vé tàu hoả. "Nhà mình tính cho các con đi Đà Nẵng chơi trong đợt nghỉ lễ dài ngày, nhưng nguyên tiền vé 4 người đã gần 20 triệu chưa kể ăn uống, đặt phòng ở đó. Do vậy, nhà mình đang lên kế hoạch sẽ đi các tỉnh ở miền Bắc như đi tàu về Hải Phòng hoặc chơi ở mấy danh thắng ở Ninh Bình, Hoà Bình, Mộc Châu... Dù không đúng với ý định ban đầu nhưng giá vé đắt đỏ khiến mình phải cân nhắc kĩ, nhưng cả nhà chắc vẫn sẽ rất vui vì được đi chơi cùng nhau", chị Phương Minh chia sẻ.

TOUR DU LỊCH NƯỚC NGOÀI BÙNG NỔ ƯU ĐÃI, TOUR NỘI ĐỊA GIẢM GIÁ VẪN 'BÈO BỌT'

Nhiều tour du lịch giảm giá, khuyến mại được tung ra tại hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2024, nhưng chủ yếu là tour đi nước ngoài. Vé máy bay đắt đỏ khiến giá tour nội địa năm nay giảm không đáng kể.

Tour đi nước ngoài áp đảo

Tại hội chợ du lịch được cho là lớn nhất Việt Nam, VITM - Hà Nội 2024, khai mạc ngày 11/4, hàng trăm công ty du lịch, các hãng hàng không đã tung ra các sản phẩm du lịch với mức giá giảm từ 10-40%, cùng với chương trình quà tặng hấp dẫn,… thu hút đông đảo du khách.

Tuy nhiên, trong khi giá tour nước ngoài được các đơn vị lữ hành chào bán giảm khá mạnh, lên tới 3-4 triệu đồng/tour, thì mức giảm với giá tour nội địa chỉ từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng.

Chẳng hạn, Công ty Flamingo Redtours quảng bá giá tour du lịch bán tại hội chợ giảm tới 4 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ áp dụng đối với tour outbound như Hàn Quốc (5 ngày) giá trọn gói 12,5 triệu đồng; đi Nhật Bản 16,9 triệu đồng; Trung Quốc (4 ngày) 10 triệu đồng; Malaysia - Singapore hay Đài Loan - Trung Quốc (5 ngày) gần 11 triệu đồng,…

Mức giảm giá 3 triệu đồng cũng chỉ được áp dụng với các sản phẩm tour mới của Nhật Bản. Khách còn có cơ hội chớp tour giá sốc, mở bán trong 30 phút vào 20h mỗi tối, song cũng chỉ áp dụng cho tour đi nước ngoài.

Ngược lại, với tour nội địa, chùm tour kích cầu bay Vietnam Airlines của công ty này, mức giá giảm cao nhất chỉ là 1,3 triệu đồng.

Tại Công ty Du lịch Vietluxtour (TP.HCM), mức ưu đãi với tour hè trong nước đi biển Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, Côn Đảo, Đông - Tây Bắc, chùm tour Hà Nội từ 1-1,5 triệu đồng/khách, tuỳ tuyến.

Có mức giảm giá tốt hơn là các tour nước ngoài, từ 2-3 triệu đồng/khách, khởi hành trong quý II, III/2024 đi Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Bali, Trung Quốc, Hongkong,... nhờ có nhiều tuyến điểm mới, dịch vụ ưu đãi từ các chương trình liên kết, kích cầu du lịch giữa cơ quan xúc tiến du lịch các nước.

Tại hội chợ, ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing Công ty Best Price - cho hay tour nước ngoài được công ty ưu đãi giảm giá 20-30%, tour nội địa giảm 20%, khách đặt mua tại hội chợ còn được tặng quà.

Trên thực tế, giá giảm chỉ vài trăm nghìn đồng với tour nội địa đường bộ. Chẳng hạn, khởi hành từ Hà Nội, tour Mộc Châu 2 ngày giá 1,75 triệu đồng, tour Sa Pa 3 ngày giá 2,65 triệu, tour đi Phú Quốc 3 ngày giá 6,29 triệu đồng. Cả 3 tour này có mức giảm chỉ 100.000 đồng/tour.

Trong khi đó, công ty này giảm 400.000 đồng cho tour đi Trung Quốc đường bộ ngắn ngày, tour đi Thái Lan giảm 1,5 triệu đồng, đi Hàn Quốc giảm 2 triệu đồng,...

Tận dụng lợi thế có hãng hàng không, Vietravel chi nhánh Hà Nội là một trong số ít ỏi công ty lữ hành có mức giá kích cầu tới 40% cho tour trong nước, dù vé máy bay đang trong giai đoạn nóng rẫy. Nhờ đó, các tuyến đường bay như Nha Trang - Ninh Thuận, Tuy Hòa - Quy Nhơn, Tây Nguyên, Phan Thiết - Mũi Né, Cần Thơ - Tây Ninh,... giá chỉ từ 2,39 triệu đồng.

Hàng không trợ giá, văn phòng xúc tiến đua tặng quà

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, cho biết, giá vé máy bay thường chiếm 40-50% cơ cấu giá tour. Việc giá vé máy bay năm nay tăng mạnh đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá tour trong nước.

“Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì mức giá hợp lý thông qua việc hợp tác với hàng không, đặt vé sớm từ cuối năm ngoái cho dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa cao điểm hè năm nay. Tùy vào hãng hàng không, ngày bay, giờ bay mà công ty điều chỉnh linh hoạt để có những sản phẩm tour phù hợp với nhu cầu của du khách”, ông An nói.

Lý giải về việc tour nước ngoài có mức ưu đãi vượt trội, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan, cho rằng, trước đây VITM là hội chợ kích cầu giảm giá nhờ có sự hỗ trợ của các hãng hàng không.

Năm nay, hầu hết đơn vị lữ hành không làm chương trình khuyến mãi với các tour đường bay nội địa mà chủ yếu giảm giá tour outbound.

Các sản phẩm nội địa, nếu có khuyến mãi, thường không sử dụng máy bay; một số sản phẩm có đường bay nhưng số lượng và mức giảm rất ít do giá vé máy bay nội địa đắt đỏ.

Thế nhưng, tour nước ngoài lại giảm giá sâu nhờ giá vé máy bay của hãng hàng không nước ngoài rẻ hơn, giảm bao nhiêu công ty lữ hành giảm giá tour bấy nhiêu. Hơn nữa, theo ông Hoan, là có sự tham gia rất lớn của cơ quan xúc tiến du lịch các nước tại Việt Nam trong việc hỗ trợ truyền thông quảng cáo, quà tặng, cùng đối tác landtour giảm giá.

Trên thực tế, tại VITM năm nay, gian hàng phía du lịch nước ngoài chiếm số lượng khá lớn, chiếm tới 25% tổng số gian hàng. Thông qua các công ty lữ hành Việt Nam, cơ quan du lịch các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia,… còn trực tiếp tặng quà cho khách mua tour ngay tại hội chợ.

Điển hình, tại gian hàng của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) có riêng một góc tour Hàn Quốc, với sự tham gia của 8 công ty du lịch trong nước cùng nhiều chương trình ưu đãi. Du khách mua tour đi Hàn Quốc tại sự kiện được nhận ngay một phần quà.

Nhờ những chính sách hấp dẫn, từ đầu năm đến hết tháng 3, đã có gần 118.630 lượt khách Việt đến Hàn Quốc, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến số lượng còn cao hơn khi nước này bước vào mùa hoa xuân.

NGƯỜI DÂN QUAY CUỒNG VỚI VÀNG

Giá vàng tăng nóng, lao dốc không phanh, sốc với giá vàng… là những cụm từ đã được nhiều người nhắc đến từ đầu tuần đến nay khi kim loại quý liên tiếp lập mức kỷ lục mới.

Người mua lo lắng, người bán cũng rầu

Cuối ngày hôm qua (11.4), mỗi lượng vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 82,2 triệu đồng và bán ra 84,2 triệu đồng, giảm 200.000 đồng/lượng sau một ngày. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 tại SJC được mua vào 74,4 triệu đồng và bán ra 76,1 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng giảm gần 15 USD xuống còn 2.331,5 USD/ounce.

Nếu so với ngày cuối tuần (7.4), mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 2,3 triệu đồng trong khi vàng nhẫn tăng gần 3 triệu đồng, như vậy chỉ trong vòng 4 ngày, giá vàng nhẫn đã tăng mạnh hơn cả tuần trước. Đáng chú ý, vàng nhẫn tại nhiều đơn vị khác như Doji, Bảo Tín Minh Châu… còn biến động mạnh hơn. Cụ thể, vàng nhẫn tại Doji lập đỉnh với giá bán ra 78,6 triệu đồng/lượng vào ngày 10.4, tăng hơn 4 triệu đồng so với cuối tuần qua. Thế nhưng chỉ sau một ngày, vàng nhẫn tại Doji đã bốc hơi 2,2 triệu, bán ra còn 76,4 triệu đồng/lượng. Tương tự vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 2,2 triệu đồng xuống còn 76,28 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 78,48 triệu đồng…

Vàng nhẫn có lúc tăng thẳng đứng cả triệu đồng/lượng rồi lao dốc cũng với mức đó chỉ trong vòng 1 buổi hay trong 1 ngày liên tục khiến nhiều người thót tim. Nhưng nếu so với mức đỉnh lập ở mức 78,5 - 78,6 triệu đồng/lượng thì chỉ trong vòng 3 ngày đầu tuần, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng từ 4 - 4,1 triệu đồng, tương ứng tăng 5,5% - là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua. Mức lãi không thể tưởng tượng được của nhiều người đã mua vàng trước đó khiến người đang có tiền nhàn rỗi sốt ruột. Thị trường vàng trở nên "nóng" hừng hực khi nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý hết sạch vàng nhẫn trong từng ngày. Tình trạng xếp hàng chờ mua vàng nhẫn lại diễn ra ở một số cửa hàng. Thậm chí, những người không sở hữu vàng, không mua vàng cũng bắt đầu quan tâm đến giá kim loại quý hằng ngày khi nhiều người xung quanh đều nhắc đến sản phẩm này. Nhiều người đã phải "khóc thét" với biến động khó lường của vàng nhẫn trong những ngày qua.

Chị Q.N (Q.Tân Bình, TP.HCM) gần 2 tuần nay "tiếc hùi hụi" vì đã lỡ bán mất 2 lượng vàng nhẫn mua trong tháng đầu năm. Khi có nhiều thông tin cho hay giá vàng trong nước có thể giảm nếu chính sách quản lý thị trường vàng được sửa đổi trước ngày 1.4 theo yêu cầu của Chính phủ, nên ngày 28.3 chị bán ra với giá 68,8 triệu đồng/lượng. Tính ra chị cũng có lãi hơn 10 triệu đồng cho số vàng đã mua chỉ sau hơn 2 tháng và lúc đó thấy "vui như tết".

Thế nhưng, sau khi bán xong thì giá vàng nhẫn tiếp tục tăng vọt khiến chị lại buồn nẫu ruột "tiếc hùi hụi" vì hụt lãi thêm cả chục triệu đồng khi vàng nhẫn lập đỉnh mới vào ngày 10.4. Trong khi đó, gia đình chị Kim Thoa (Q.Tân Phú, TP.HCM) cùng các anh chị em lại lo lắng khi giá vàng cứ tăng vùn vụt. Bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày đám cưới của con trai nên chị lại mong giá vàng giảm để sắm sửa nữ trang. Các anh chị em của chị cũng cùng mong muốn như chị để mua tặng quà cho cháu.

"Cách đây hơn 3 năm, đám cưới đứa cháu trong nhà, mình cũng mua vàng nhẫn tặng thì có 4 triệu đồng/chỉ, mà giờ đã lên gần gấp đôi. Bình thường vàng lên cao quá thì ai dám mua, nhưng có việc cần như cưới hỏi thì phải bấm bụng mua thôi", chị Kim Thoa than.

Đó là chưa kể nhiều người đang nợ vàng như ngồi trên đống lửa, hay nhiều người dù không sở hữu phân vàng nào cũng suốt ngày quan tâm hỏi giá tăng hay giảm…

Thị trường vẫn "nín thở" chờ sửa đổi chính sách

Qua thời điểm 1.4 gần 2 tuần nhưng việc thay đổi, chỉnh sửa Nghị định 24/2012 (NĐ 24) của Chính phủ về quản lý thị trường vàng vẫn chưa có thông tin chính thức. Điều này khiến người mua lẫn người bán đều hồi hộp, bởi nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi sẽ tác động mạnh đến giá vàng. Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, diễn biến giá vàng trong những ngày qua chủ yếu vẫn theo xu hướng thế giới với đà tăng cao. Vấn đề quan trọng lúc này là NĐ 24 sau 12 năm đã hoàn thành sứ mệnh và đến lúc cần sửa đổi để quản lý thị trường vàng tốt hơn.

Điều này nhằm đạt 3 mục tiêu quan trọng là chống "vàng hóa" trong nền kinh tế; tạo ra sự công bằng và bình đẳng hơn trên thị trường, nhất là giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng; bảo đảm quyền lợi của người dân về nhu cầu tích trữ, trang sức và thừa kế bằng vàng. Bảo đảm quyền lợi người dân ở đây còn liên quan đến yếu tố văn hóa dân tộc. Cụ thể là người Việt cũng như nhiều nước Á Đông thường có văn hóa từ xa xưa là thừa kế, trao tặng, hồi môn bằng vàng, thậm chí tích cóp vàng. Về phía nhà nước, dự trữ vàng cũng cần thiết trong bất kỳ nền kinh tế tại bất cứ thời điểm nào, nên vấn đề cần thiết phải sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp.

Ông Lực đưa ra ý kiến nên bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho phép một số DN đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đồng thời, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, bởi chính vì 2 câu chuyện độc quyền trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung - cầu. Vì độc quyền thương hiệu SJC khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC với các thương hiệu khác là rất lớn, giá vàng SJC cũng cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, cần kiên định đối với chính sách của Chính phủ, NHNN từ hơn 10 năm qua là không cho phép vay mượn bằng vàng, mà chỉ cho mua bán vàng. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Theo TS Cấn Văn Lực, chúng ta chỉ cần quản lý vàng miếng. Cụ thể, vàng miếng liên quan đến ngoại tệ, quản lý ngoại hối, bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia thì NHNN sẽ chủ trì, còn vàng trang sức mỹ nghệ để thị trường điều tiết, coi đó là một hàng hóa thông thường như các loại hàng hóa khác. Khi đó, vàng trang sức mỹ nghệ cũng đáp ứng nhu cầu thực, cần thiết của người dân. Với vàng trang sức mỹ nghệ, nếu làm tốt, khai thác được đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức ra thế giới.

CƠN SỐT TĂNG GIÁ CHUNG CƯ, CHỦ NHÀ CHUYỂN XUỐNG MẶT ĐẤT, CHỚP THỜI CƠ CHỐT LỜI

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (33 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) đã bán căn chung cư mua với giá 3,6 tỷ đồng, cách đây 3 năm mua với giá 1,8 tỷ đồng, chốt lời gấp đôi.

Giá căn hộ tăng trong 21 quý liên tiếp

Căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây. Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp.

Theo ghi nhận của Savills, giá sơ cấp trung bình trong quý 1 năm nay cao hơn 40% so với giá thứ cấp, thúc đẩy nhiều dự án chung cư cũ tăng giá.

Diễn biến này cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu ghi nhận. CBRE cho biết, giá trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay và đang dẫn tiệm cận mức giá tại TP.HCM.

Tại Hà Nội, phần lớn nguồn cung mới ở phân khúc cao cấp, từ 60-120 triệu đồng/m2 đã đẩy giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội lên cao. Giá trung bình căn hộ mới ở thủ đô đã tăng 5% theo quý, thu hẹp đáng kể mức chênh lệch với thị trường TP.HCM. Khoảng cách này giờ chỉ còn 10%, trong khi hai năm trước, giá sơ cấp TP.HCM cao hơn Hà Nội 35%.

Đặc biệt, giá chung cư thứ cấp tại Hà Nội trong quý I ghi nhận mức tăng giá theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17%. Giá chung cư cũ đã đạt trung bình hơn 36 triệu đồng/m2. Đà tăng này diễn ra ở hầu hết các quận ở Hà Nội, nhất là khu vực phía Tây.

Báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield chỉ ra, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng trưởng 109% trong gần 10 năm qua. Tốc độ tăng giá trung bình 9% mỗi năm. Sau đà giảm nhiệt vào giai đoạn 2021-2022, giá bán chung cư Hà Nội tăng liên tục từ giữa năm 2022 đến nay.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, nhìn nhận thị trường bất động sản Hà Nội đang có những cơn sốt nhỏ ở phân khúc căn hộ.

Theo bà Hằng, tại nhiều khu vực, giá bán căn hộ thay đổi từng ngày. Nguồn cung khan hiếm suốt một thời gian dài, cùng với tâm lý sợ giá nhà tiếp tục tăng cao đã khiến khách hàng có xu hướng đẩy nhanh tốc độ quyết định "xuống tiền" hơn so với thời gian trước.

"Đa số những người có ý định mua nhà ở thời điểm hiện tại đều chốt rất nhanh, thay vì mất thời gian dài để cân nhắc, chờ đợi giá giảm hay tiếp tục tìm kiếm những căn hộ phù hợp hơn", bà Hằng nói.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) cũng cho biết tại thị trường Hà Nội, việc khách hàng phải quyết định giao dịch nhanh chóng càng diễn ra phổ biến hơn. Tâm lý "sợ tăng giá" xuất hiện do 3 tháng trở lại đây, giá chung cư ở Hà Nội tăng mạnh. Thị trường này đang có những cơn sốt nhỏ, giá thay đổi theo ngày, ngày hôm trước và ngày hôm sau vào đặt cọc giá đã thay đổi.

Chốt lời chung cư, chuyển xuống ở nhà mặt đất

Đứng trước đà tăng giá chóng mặt của phân khúc này, không ít người đã quyết định bán chung cư, chốt lời và chuyển xuống ở nhà mặt đất.

Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Nguyệt (33 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) đã bán xong căn chung cư mua cách đây 3 năm và đã mua xong căn nhà đất để ở. Chị Nguyệt cho biết, lúc mua, căn hộ 2 phòng ngủ, 61m2 có giá 1,8 tỷ đồng. Vừa rồi, chị Nguyệt bán được với giá 3,6 tỷ đồng, chốt lời gấp đôi.

Chị Nguyệt cho biết, khá nhiều người đang ở nhà đất thích chuyển lên ở chung cư. Còn riêng nhà chị, sau vài năm ở chung cư, chị lại muốn chuyển xuống ở nhà đất. Thực tế, ở chung cư hay nhà đất đều có ưu và nhược điểm cả. Do đó, mỗi một thời điểm, chị lại thấy phù hợp ở một loại hình khác nhau.

“Hiện tại, con tôi đã vào lớp 1. Nếu ở chung cư, con tôi sẽ phải đi học trái tuyến. Do đó, chớp thời cơ giá chung cư đang tăng mạnh, tôi bán đi mua căn nhà đất ở gần trường học cho con”, chị Nguyệt chia sẻ.

Anh Trần Minh Thư - một môi giới nhà đất thổ cư ở Hà Nội - cho biết, mấy tháng gần đây, có nhiều người chuyển đổi từ việc bán căn hộ chung cư để mua nhà đất.

"Nhiều người cho rằng, thời điểm vừa qua, giá căn hộ chung cư tăng quá nhanh và tạo ra giá trị lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, giá căn hộ chung cư sẽ không giữ được giá, thay vào đó, một căn nhà đất có sở hữu lâu dài vẫn là kênh giữ tiền và tăng giá tốt", anh Thư chia sẻ.

Cũng theo anh Thư, giai đoạn hiện tại, giá nhà đất tại các quận nội thành Hà Nội tăng không đáng kể so với phân khúc chung cư. Việc mua ở, hoặc tính phương án đầu tư lâu dài mà không sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn được nhiều người và cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lựa chọn.

"Đặc biết, giá đất nền tại một số khu vực vùng ven Hà Nội không có nhiều biến động so với thời điểm đầu năm 2022. Sau đà tăng của chung cư, phân khúc này sẽ đến giai đoạn chững và đi ngang, các phân khúc khác như đất nền sẽ còn dư địa tăng giá", anh Thư nhận định.

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản ngày càng rõ nét, phản ánh qua lượng người tìm kiếm nhà đất tăng mạnh trong quý I/2024. Điểm sáng của thị trường trong quý I/2024 là tâm lý nhà đầu tư đang có sự cải thiện theo hướng tích cực.

Theo kết quả khảo sát được Batdongsan.com.vn thực hiện với 500 nhà môi giới, xoay quanh chủ đề xu hướng mua nhà có tới 63% người tham gia nhìn nhận thị trường đang trong giai đoạn giá và chính sách bán hàng tốt nhất để tận dụng thời điểm này xuống tiền mua nhà đất. 65% người cho rằng thị trường bất động sản đã hồi phục tích cực hơn so với năm 2023, và chỉ khoảng 12% cho rằng thị trường vẫn đang khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, yếu tố tác động đến tâm lý người mua nhà hồi phục tích cực đến từ chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. 35% đối tượng khảo sát đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy tác dụng, lãi suất tốt đã "ngấm" đến thị trường bất động sản.

Giới chuyên gia bất động sản đánh giá, thời điểm này cũng là cơ hội tốt cho những người mua nhà phục vụ nhu cầu ở thực, khi giá trên thị trường hấp dẫn, lãi suất vay ngân hàng tốt.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn những sản phẩm bất động sản có pháp lý đầy đủ, nằm ở những vị trí có thanh khoản tốt. Đặc biệt, thời điểm này chưa phải thời điểm thích hợp cho việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư.

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang