Người HN ùn ùn đi bán vàng; Lê Hải Trà & cú úp 3.600 tỷ; Tiền nhàn rỗi nhấp nhổm tìm cơ hội; Nửa đêm khách vẫn đi mua nhà

GIÁ VÀNG NHẪN TIẾP TỤC TĂNG MẠNH, DÂN HÀ NỘI ÙN ÙN ĐI BÁN

Chiều nay (10/4), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh hơn nửa triệu đồng/lượng, nhiều nhà đầu tư xếp hàng chờ chốt lời. Như vậy, chỉ sau 3 ngày, người mua vàng nhẫn lãi hơn 3 triệu đồng/lượng sau khi trừ phần chênh lệch.

Vào lúc 12h, Tập đoàn Doji niêm yết vàng nhẫn 76,7 - 78,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối giờ sáng.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 76,58- 78,18 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng. Đến khoảng 14h30, vàng nhẫn của doanh nghiệp này điều chỉnh tăng lên 76,78 - 78,38 triệu đồng/lượng.

Nhẫn tròn của các thương hiệu SJC, PNJ thấp hơn các thương hiệu trên khoảng gần 2 triệu đồng/lượng và hiện giao dịch trong khoảng gần 77 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận, sau thông tin giá vàng nhẫn trong nước tăng cao, tại các cửa hàng vàng lớn ở đường Cầu Giấy và "phố vàng" Trần Nhân Tông - Hà Nội, lượng khách đến giao dịch tăng mạnh. Thậm chí, tại nhiều cửa hàng, khách xếp thành hàng dài, đa phần khách đến bán vàng để chốt lời khi giá vàng không ngừng lên đỉnh.

Chị Lưu Đào (ở Hoàng Mai, Hà Nội) bán 3 cây vàng nhẫn chia sẻ: "Tôi mua cách đây 2 tháng với giá 65 triệu đồng/lượng. Sáng nay tôi đã chốt lời lãi hơn 34 triệu đồng. Chỉ với gần 200 triệu đồng tiền vốn, tính ra mỗi tháng lãi 17 triệu đồng là quá lãi trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay. Tôi không biết vàng còn tăng đến bao giờ nhưng với số lãi này với tôi rất hài lòng".

Cũng dùng tiền tiết kiệm để mua 1,5 cây vàng nhẫn từ thời điểm ngày vía Thần tài, anh Minh Đức (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau thông tin giá vàng nhẫn đạt mức kỷ lục như hiện tại, anh quyết định đi bán số vàng trên cộng thêm 2 cây vàng đã tích trữ từ trước đó để chốt lãi. "Thời điểm này, tôi nghĩ nên bán chốt lời. Tôi sẽ tiếp tục mua vàng nếu giá vàng xuống".

Là dân chuyên lướt sóng vàng, chị Thu Hoài (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết đã mua 15 cây vàng nhẫn cách đây 3 ngày và chốt lời lãi hơn 45 triệu đồng. "Sóng vàng tăng nhanh sẽ xuống rất nhanh. Kinh nghiệm tôi chỉ chốt lãi sau 3 ngày", chị Hoài nói.

Khác với 2 lần "sốt" trước đó khi giá vàng nhẫn lên 71 triệu đồng/lượng và 74 triệu đồng/lượng, cơn "sốt" vàng lần này dù lực bán chốt lời mạnh cũng không kéo giá vàng giảm. Vì vậy, bất chấp giá cao, nhiều người vẫn mua vào.

Tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông hạn chế số lượng người mua không quá 5 chỉ vàng/ngày. Khách mua số lượng lớn hơn chỉ nhận được giấy hẹn sau 2 tuần mới có hàng. Cửa hàng này liên tục hạn chế số lượng mua vàng nhận của người dân trong bối cảnh giá tăng cao bởi nguồn cung vàng không đủ.

Việc những ngày qua vàng nhẫn trở nên khan hiếm và chênh lệch giá mua bán vàng bị đẩy lên cao từ 1,5 triệu đồng/lượng lên hơn 2 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy nhu cầu mua đang tăng. Chính vì vậy, các công ty kinh doanh vàng càng theo xu hướng tăng, đẩy giá bán càng mạnh đồng thời nâng chênh lệch giá mua bán. Điều quan trọng hơn, với xu hướng giá vàng đang tăng, có thể xảy ra tình trạng các công ty kinh doanh vàng bạc không muốn bán vàng ra thị trường mà sẽ có hiện tượng găm giữ nên càng tạo sự khan hiếm hơn.

Hiện giá vàng quốc tế khoảng 2.354 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VNĐ/USD tại ngân hàng , giá vàng quốc tế đang tương đương với khoảng 72 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tăng mạnh và cao hơn vàng thế giới gần 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng mạnh do các ngân hàng trung ương đang muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại hối ngoài đồng USD, theo đó đã gia tăng mua vàng trong thời gian qua. Không chỉ các Ngân hàng Trung ương mà các nhà đầu tư, người tiêu dùng… cũng đổ xô vào thị trường này, xem vàng là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu cũng thúc đẩy kim loại quý này tăng dựng đứng, liên tục lập đỉnh mới.

LÊ HẢI TRÀ CÙNG CÚ ÚP 3.600 TỶ & HỘI NHÓM DƯỚI THỜI TRỊNH VĂN QUYẾT

Ông Lê Hải Trà cùng với nhóm cựu lãnh đạo HoSE bị truy tố về những sai phạm khiến Trịnh Văn Quyết có thể lừa đảo nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán có một thời sôi sục, tai tiếng gắn với các "hội nhóm".

Ngày 9/4, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Trong 50 người bị truy tố có 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), trong đó có ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) HoSE và ông Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc, cựu ủy viên HĐQT…

Ông Lê Hải Trà và ông Trần Đắc Sinh bị cáo buộc có hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cổ phiếu rác Faros (ROS) được “tạo điều kiện” niêm yết

Theo cáo buộc, ông Trần Đắc Sinh nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Lê Hải Trà tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros do có mối quan hệ thân quen với Trịnh Văn Quyết.

Ở vị trí của mình, ông Lê Hải Trà bị cáo buộc biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp". Nhưng ông Trà cũng có mối quan hệ quen biết Trịnh Văn Quyết từ trước, nên gây sức ép cho cấp dưới đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Faros, trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp.

Viện kiểm sát cáo buộc sai phạm của ông Sinh và ông Trà dẫn đến hậu quả Trịnh Văn Quyết được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Sau khi ROS được niêm yết hồi tháng 8/2016, cổ phiếu này liên tục tăng giá, có lúc lên trên 200.000 đồng/cp, qua đó đưa ông Quyết trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK), vượt qua cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Không chỉ với ROS, nhóm cổ phiếu “họ FLC” như FLC, GAB, ART, AMD, HAI, KLF cũng biến động rất khó lường và sau đó xuất hiện hiện tượng các nhóm, họ cổ phiếu biến động mạnh trên TTCK như “nhóm Louis”, “nhóm Trí Việt”…

Cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu tư đã biết tại sao lại có hiện tượng “con vui chui qua lỗ kim”, với vụ thao túng chứng khoán Trịnh Văn Quyết và nhóm cổ phiếu FLC. Đây là vụ đáng chú ý hàng đầu trong lịch sự TTCK, xét cả về quy mô, sự lỗ liễu và thách thức dư luận bởi sự lặp đi lặp lại.

Đỉnh điểm là vụ “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết ngày 10/1/2022. Nhiều đợt bán tháo sau đó với dư bán sàn vài nghìn tỷ đồng, và nhóm cổ phiếu FLC khiến cổ đông mất nghìn tỷ đồng.

Kết quả điều tra vụ ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán đã chỉ ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” và việc lãnh đạo HoSE “biết sai vẫn làm”, giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Hạt giống lãnh đạo chưa kịp đơm hoa đã lụi tàn

Mặc dù được kỳ vọng rất lớn, nhưng ông Lê Hải Trà chỉ ở vị trí Tổng Giám đốc HoSE được một thời gian ngắn, đã bị kỷ luật.

Đầu tháng 2/2021, ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT HoSE đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc. Quyết định được ký bởi Thứ trưởng Tài chính Huỳnh Quang Hải và có hiệu lực từ ngày 26/2/2021.

HoSE là sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam, với quy mô vốn hóa hiện khoảng 200 tỷ USD.

Ông Lê Hải Trà sinh năm 1974, có bằng thạc sỹ quản lý công, chuyên ngành kép lãnh đạo và phân tích thị trường tài chính từ đại học Harvard Kennedy. Ông Trà nhận học bổng Hubert H. Humphrey danh tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho chương trình tu nghiệp về Quản trị chiến lược và Tài chính tại Đại học Boston (năm 2003).

Sau một thời gian làm việc tại một công ty kiểm toán nước ngoài, ông Trà về nước và làm việc tại Vụ Phát triển thị trường (năm 1997); tham gia tổ công tác biệt phái và đóng góp nhất định vào quá trình chuẩn bị ra đời của HoSE.

Năm 2006, ông Trà nắm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (tiền thân của HoSE), sau đó làm uỷ viên thường trực HĐQT. Ông Trà từng được giao phụ trách ban điều hành HoSE vào năm 2016 và và sau đó chuyển sang phụ trách HĐQT từ tháng 7/2017 sau khi ông Trần Văn Dũng rời ghế Chủ tịch Sở để chuyển sang cương vị Chủ tịch UBCKNN.

Trước khi ông Trà được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc vào tháng 2/2021, HoSE để trống vị trí này trong một thời gian dài, và cũng đúng thời điểm sàn HoSE rơi vào tình trạng nghẽn giao dịch, gây bức xúc cho các nhà đầu tư (hồi cuối 2020 đầu năm 2021).

Ông Trà được xem là làn gió mới, là hạt giống cho lãnh đạo cấp cao ngành chứng khoán. Trước hết, kỳ vọng được đặt ra là giải quyết vấn đề tắc nghẽn lên đỉnh điểm vào đầu năm 2021.

Sau khi nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100, ông Lê Hải Trà từng đề xuất nâng lên 1.000 chứng khoán để giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch, đồng thời gián tiếp thúc đẩy phát triển các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ.

Ở thời điểm 2 vụ Trịnh Văn Quyết và Đỗ Thành Nhân (nhóm Louis) bắt đầu bị phanh phui, ông Lê Hải Trà đã phát biểu với báo giới rằng hành vi thao túng cổ phiếu luôn là nguy cơ tiềm ẩn tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới.

Dưới quyền ông Lê Hải Trà, trong năm 2021, HoSE chi gần 500 tỷ đồng để giám sát thị trường chứng khoán. Chi phí giám sát thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí, chiếm tới gần 71%.

Chiều 18/5/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc HOSE và và một số cá nhân khác thuộc Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

THỊ TRƯỜNG LIÊN TỤC BIẾN ĐỘNG KHIẾN TIỀN NHÀN RỖI TRONG DÂN 'NHẤP NHỔM'

Lãi suất tiết kiệm thấp, bất động sản chưa tan băng, vàng tăng điên loạn khiến nhiều người có tiền nhấp nhổm.

Lãi tiền gửi chỉ còn một nửa

Đầu tháng 4, chị Việt Nga (ngụ Q.10, TP.HCM) có sổ tiết kiệm 1 năm đáo hạn thì bất ngờ khi lãi suất (LS) tiền gửi đã lao dốc ngoài tưởng tượng. Chị cho biết, đầu năm hỏi ngân hàng (NH) thì LS kỳ hạn 1 năm vẫn còn 5,2% nhưng đến nay lại tiếp tục giảm còn 4,8%/năm. Nếu gửi 1 tỉ đồng, năm trước chị có lãi gần cả 100 triệu đồng thì nếu gửi đúng kỳ hạn này năm nay còn chưa đến 50 triệu đồng, giảm tới 50%. Tuy nhiên, chị chỉ chọn gửi lại kỳ hạn 6 tháng với LS 4,2%/năm nên số lãi còn ít hơn. "LS xuống thấp quá nên vẫn suy nghĩ chuyển sang đầu tư gì đó mà phân vân nên cứ gửi kỳ hạn ngắn rồi sẽ tính tiếp", chị Nga chia sẻ.

Trong khi đó, ngay thời điểm sát Tết Âm lịch 2024, gia đình chị Kim Oanh (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) đã "chốt" mua một căn nhà phố với giá trên 5 tỉ đồng. Bởi theo chị, số tiền này trong 2 năm trước chị đều gửi NH khi LS cao. Ước tính chỉ riêng năm 2023, chị cũng có mức lãi gần 500 triệu đồng khi LS nhảy vọt lên gần 10%/năm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, LS kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn xoay quanh 5,2 - 5,3% và do thấy giá nhà giảm so với trước nên chị chọn đầu tư nhà phố. Còn lại một ít vốn, chị vẫn gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng với tâm lý chờ xem có "chỗ nào đầu tư được thì rút ra nhanh hơn". Với kỳ hạn tiền gửi 3 tháng vào đầu năm chị nhận được LS gần 4%/năm, nhưng đến nay chỉ còn 3%/năm. "Việc mua nhà phố dù chưa thể tăng ngay thì cũng bảo toàn được vốn. Giờ chưa ở thì cho thuê cũng được hơn chục triệu đồng mỗi tháng, tính ra không bằng gửi tiết kiệm, nhưng mà mình vẫn nghĩ giá nhà sẽ tăng lại trong thời gian tới", chị Oanh tính toán.

Theo thống kê, LS gửi tiết kiệm của nhóm NH TMCP nhà nước kỳ hạn 3 tháng hiện 1,9%/năm; nhóm NH thương mại dao động từ 2,5 - 3%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các NH lớn chỉ 2,9 - 3%/năm; NH thương mại từ 3,7 - 4,2%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng, các NH lớn duy trì mức 4,7%/năm; NH nhỏ hơn từ 4,7 - 5%/năm. Nhìn chung, mức LS hiện tại ở kỳ hạn 6 - 12 tháng đã giảm từ 40 - 50% so với một năm trước. Như vậy, nếu khách hàng gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng kỳ hạn 12 tháng đầu năm 2023 đến khi đáo hạn sẽ có khoảng 90 triệu đồng thì nay gửi đến lúc đáo hạn chỉ còn nhận được khoảng 47 - 50 triệu đồng.

Theo nhiều nhà đầu tư, bỏ vốn vào đâu trở thành một bài toán nan giải và tùy thuộc từng cá nhân theo các điều kiện cụ thể như số tiền đang có, kinh nghiệm đầu tư và cả mức độ chịu rủi ro. Nhưng khảo sát một số người, điểm gần giống là thời gian này, chọn gửi tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn từ 3 - 6 tháng để chờ cơ hội.

Bỏ tiền vào đâu ?

Hôm qua 9.4, giá vàng trong nước tăng điên loạn. Chốt cuối ngày, SJC mua vàng miếng 82,8 triệu đồng/lượng và bán ra 84,8 triệu đồng; tăng 2,4 triệu đồng trong vòng 1 ngày. Đây là mức giá kỷ lục của vàng miếng. Tương tự, vàng nhẫn 4 số 9 cũng tăng vọt lên mức cao lịch sử khi được SJC mua vào 74,3 triệu đồng và bán ra 75,7 triệu đồng. Người mua vàng miếng từ đầu năm đến nay đã có lãi 9,3 triệu đồng, trong khi mua vàng nhẫn 4 số 9 cũng bỏ túi lợi nhuận 11,3 triệu đồng một lượng. Giá vàng tăng liên tục những tuần gần đây khiến nhiều người quan tâm và nhu cầu mua vào trên thị trường đã tăng cao.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25.3, cho vay của ngành NH tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong khi huy động vốn lại giảm 0,76%. Điều này cho thấy người gửi tiền đã không chọn gửi tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu như cuối năm vừa qua.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định thời gian gần đây khi vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới mà đặc biệt vàng nhẫn trong nước tăng mạnh hơn nhiều giúp người mua thu lợi nhuận lớn. Điều này càng thu hút thêm nhiều người quan tâm đến vàng. Kế đến, một số bất động sản cũng có dấu hiệu ấm lại nên cũng thu hút được phần nào lượng tiền nhàn rỗi trong dân. Ngoài ra, kênh chứng khoán trong tháng 3 cũng sôi động khi dòng tiền giao dịch mỗi phiên đều ở mức tỉ USD trở lên.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng rót tiền mua vàng quá rủi ro khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được công bố theo yêu cầu của Chính phủ. Với bất động sản, vì đã giảm giá từ 30 - 40% so với đỉnh cao nên khả năng giảm nữa sẽ ít xảy ra. Theo ông, chứng khoán cũng có cơ hội mang lại lợi nhuận nhưng sẽ có sự phân hóa mạnh.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định: Thời gian qua cũng có thể dòng tiền chảy vào vàng khiến nhu cầu tăng cao. Nhưng với những người đã quen gửi tiết kiệm thì dù LS giảm mạnh vẫn tiếp tục lựa chọn kênh này do không có rủi ro. Còn bất động sản, dù đã giảm giá nhưng nhiều người chưa dám tham gia khi thị trường vẫn giao dịch yếu và không ai trả lời được câu hỏi khi nào tăng?

Ông Hiển tính toán: Nếu mua nhà lớn, biệt thự với giá 40 tỉ đồng để rao cho thuê khoảng 40 triệu đồng/tháng, tương đương mức lãi chỉ 0,1%/tháng, không hấp dẫn. Riêng kênh chứng khoán thì đã có thống kê hơn 80% hay thậm chí đến 90% nhà đầu tư cá nhân không có lời. Dù vậy, theo ông Hiển, xét trên tổng thể, bất động sản và chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tiềm năng dễ mang lại lợi nhuận cao hơn tiết kiệm. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng hiện tại có thể gửi tiết kiệm thêm vài tháng. "Mua vàng lúc này là quá rủi ro dù không ai biết được sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên giá trong nước tăng quá mạnh thì mua vào là theo kiểu đánh bạc", ông Hiển nhận định.

THỊ TRƯỜNG NHÀ PHỐ HỒI PHỤC, NỬA ĐÊM KHÁCH VẪN ĐI CHỐT GIÁ

Gần đây, người mua bắt đầu “mạnh dạn” xuống tiền mua nhà phố riêng lẻ tại Tp.HCM. Thậm chí, các giao dịch giữ chỗ, đặt cọc được thực hiện vào thời điểm đêm khuya.

Dẫn đoàn khách đi xem nhà phố tại quận Gò Vấp (Tp.HCM), anh Phan Vi – một môi giới nhà phố lâu năm tại Tp.HCM cho biết, nhu cầu và khả năng xuống tiền của người mua hiện nay đã khá tốt. Những căn nhà giá từ 7 tỉ đồng/căn trở xuống bán rất tốt. Có một số giao dịch thậm chí được thực hiện vào đêm khuya. Lượt khách đi xem nhà vào buổi tối tăng lên thay vì vắng bóng như trước kia.

Theo anh Phan Vi, ở một số quận như Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Quận 12… các căn nhà mới rao bán từ 2 tuần đến 1 tháng đã có người vào mua. Thời điểm 2023 thời gian rao bán dài hơn nhiều, lượng khách quan tâm ít hơn. Hiện nay, một số căn có vị trí và giá tốt môi giới liên tục dẫn khách đi xem và giao dịch xuất hiện tăng dần.

“Nhu cầu mua nhà phố riêng lẻ ở thực còn lớn. Từ trước Tết đến nay, ở một số khu vực tỉ lệ giao dịch trong tháng có khi đạt đến 10 căn/tháng. Trong đó, tỉ lệ vay ngân hàng để mua nhà phố chỉ chiếm khoảng 30%”, ông Vi cho hay.

Vị môi giới phân tích, cách đây 8-10 năm, phân khúc nhà phố riêng lẻ tại Tp.HCM có giá 3 tỉ đồng/căn cháy hàng. 5 năm trước, nhà giá 5 tỉ đồng/căn giao dịch nhiều nhất. Hiện phân khúc giá 7 tỉ trở xuống được người mua quan tâm và xuống tiền. Mức độ tăng giá theo năm của phân khúc này cũng tương đối ổn định.

Theo khảo sát, hiện các căn nhà phố riêng lẻ bán ra trên thị trường Tp.HCM vẫn thấp hơn giá thời điểm đầu năm 2022 từ 5-10% (tuỳ căn, khu vực). Theo môi giới, một số căn nhà thậm chí giảm giá hơn so với thời điểm trước Tết do chủ nhà mong muốn ra được hàng nên đưa ra mức giá sát với nhu cầu, không còn rao cao để thăm dò thị trường như trước nữa. Vì vậy, hiện các bên đã chấp nhận được mức giá và dẫn đến giao dịch thành công.

Có điểm đáng chú ý là hiện mức giảm nhà phố riêng lẻ từ 5-10% so với giá thị trường đã có giao dịch, thay vì phải giảm sâu như thời điểm giữa năm 2023, từ 15-25% nhưng khó kiếm khách mua. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội căn nhà giá tốt (hoặc giá có thể tăng trở lại) khiến người mua ra quyết định nhanh hơn.

Theo ông Phan Vi, thực tế những khách quyết định xuống tiền nhanh ở giai đoạn này phần lớn là sợ người khác mua mất. Bản thân họ đã từng mua hụt căn giá tốt nên hiểu được rằng, sự đắn đo có thể mất cơ hội.

Vị này khẳng định, điểm phục hồi nhà đất phía Nam hiện tại không hẳn là nóng sốt, nhưng hiệu ứng giao dịch gần đây cho thấy tín hiệu tích cực. Hoạt động xem nhà hay mua nhà lúc nửa đêm của khách hàng dù chỉ mới manh nha xuất hiện song đã thể hiện tâm lý quan tâm nhà đất trở lại.

Dẫu vậy, tâm lý người mua hiện tại vẫn ngóng giá giảm thêm. Năm 2023 khi nhìn thấy câu chuyện nhà đất một số nơi đăng tin giảm đến 30% đã tạo tâm lý mong chờ giá giảm thêm vào năm 2024. Thế nhưng, hiện nay rất ít căn nhà phố rao bán "ngộp" do lãi suất hạ, nhà đầu tư phần nào đã xoay sở được dòng tiền. Khi thị trường có dấu hiệu về sức cầu thì việc chủ nhà cân nhắc về giá, thậm chí "ngưng bán" cũng đã xuất hiện.

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang