Say xỉn, đốt xe trên ô tô đặc chủng; Nắng nóng bao trùm cả nước; Hàng tấn cá chết bất thường; 2.000 du khách mắc kẹt trên biển

GÃ ĐÀN ÔNG SAY XỈN ĐỐT XE TRÊN Ô TÔ ĐẶC CHỦNG CỦA CSGT

Lê Văn Thắng bị công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) tạm giữ để điều tra về hành vi đốt xe tang vật trên ô tô đặc chủng của cảnh sát giao thông.

Ngày 29/4, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ Lê Văn Thắng (40 tuổi, quê Quảng Nam) để điều tra về hành vi đốt xe tang vật trên xe đặc chủng của cảnh sát giao thông (CSGT).

Theo công an, lúc đối tượng trèo lên ô tô của CSGT, trên xe đang có tổng cộng 4 xe gắn máy của những người vi phạm. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định trong vụ đốt này có 4 chiếc xe máy bị thiêu rụi và xe đặc chủng bị thiệt hại.

Trước đó, theo hình ảnh từ camera ghi lại, khoảng 21h ngày 28/4, tổ công tác của Trạm CSGT Ngã ba Thái Lan (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên trên Quốc lộ 51 (huyện Long Thành).

Tại đây, một người đàn ông, bị lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,048mg/l khí thở, đã tự ý trèo lên thùng xe đặc chủng của tổ công tác.

Lực lượng CSGT đã yêu cầu người đàn ông rời khỏi xe. Tuy nhiên, người này không chấp hành và có hành động đốt chiếc xe máy của mình.

Chiếc xe máy của người đàn ông này bốc cháy ngay trên xe chở tang vật của lực lượng CSGT. Ngọn lửa nhanh chóng lan sang các phương tiện xung quanh.

Nhận thấy sự nguy hiểm, tổ công tác đã phối hợp với người dân khống chế đối tượng, dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, do ngọn lửa bùng phát mạnh đã thiêu rụi 4 chiếc xe máy và làm hư hỏng ô tô đặc chủng của CSGT.

CẢ NƯỚC NẮNG NÓNG ĐẾN KHI NÀO?

Nắng nóng có dấu hiệu suy giảm ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ 1-2/5. Tuy nhiên, tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phải đến khoảng ngày 4-5/5, nắng nóng mới có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hôm qua (28/4), cả nước tiếp tục trải qua một ngày nắng nóng khốc liệt. Tại chảo lửa Tây Bắc Bắc Bộ và các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 39-42 độ.

Một số nơi ghi nhận nhiệt độ trên 42 độ vào chiều qua như Yên Châu (Sơn La) 42.3 độ, Lạc Sơn (Hòa Bình) 42.0 độ, Con Cuông (Nghệ An) 42.3 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 42.6 độ, Đồng Hới (Quảng Bình) 43.0 độ.

Đáng lưu ý, tại Đông Hà (Quảng Trị) chiều qua, nhiệt độ cao nhất lên tới 44 độ, chỉ kém 0,2 độ so với mức nhiệt cao nhất lịch sử Việt Nam được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) vào ngày 7/5/2023.

Khu vực Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ hôm qua cũng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Trước tình trạng nắng nóng khốc liệt, cơ quan khí tượng đã ban hành cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 với các địa phương Sơn La, Hoà Bình, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Phú Yên. Các khu vực khác trên cả nước đối mặt với rủi ro thiên tai cấp 1.

Dự báo trong hôm nay và ngày mai (29-30/4), khu Tây Bắc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%.

Các nơi khác ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay và ngày mai có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45-50%.

Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận hôm nay và ngày mai có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-55%.

Cơ quan khí tượng nhận định, từ ngày 1-2/5, nắng nóng có khả năng giảm dần ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Tại Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ từ khoảng 4-5/5, nắng nóng mới có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn, phụ thuộc vào điều kiện địa hình, hướng gió, tỷ lệ cây xanh, mặt nước, mật độ bê tông hoá.

LÀM RÕ VỤ HÀNG TẤN CÁ CHẾT BẤT THƯỜNG TRÊN SÔNG MÃ

Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Chiều ngày 28/4 trao đổi qua điện thoại với ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng cho biết: Đúng là trong mấy ngày hôm nay trên địa bàn thị trấn xuất hiện cá lồng nuôi chết hàng loạt. Tính đến chiều 28/4 địa phương có 40 hộ nuôi với 54 lồng cá bị chết, số cá chết đã lên tới hơn 5,1 tấn. Số cá chết chủ yếu là cá giống và cá đang trong giai đoạn sắp thu hoạch, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con địa phương. Tại vị trí có nhiều cá chết, kiểm tra nhanh cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp

Gia đình anh Nguyễn Văn Lý (phố Vận Tải, thị trấn Cành Nàng) có 3 lồng nuôi trên sông Mã với 1.500 con cá lăng đen và 60 con cá trắm. Ước tính số cá trong lồng đạt sản lượng khoảng 1 tấn. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ cá trong các lồng nuôi của gia đình chết gần hết. Số cá còn lại khoảng 100 con (chủ yếu là cá trắm) cũng đang thoi thóp, khó có khả năng cứu vãn. Cũng theo anh Lý, vụ nuôi này, gia đình đầu tư hơn 100 triệu tiền giống, thức ăn, nay số tiền trên gần như mất trắng. Hiện nay, các ngành chức năng đã lấy mẫu nước để làm rõ nguyên nhân.

Đại diện UBND xã Thiết Ống cho biết: Cho tới thời điểm bây giờ không còn hiện tượng cá chết nữa. Tính tới ngày 27/4 toàn xã có 5 lồng của 4 hộ gia đình với 350 kg cá chết.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Ái thượng cho biết: Tính tới thời điểm này trên địa bàn toàn xã có 3 hộ bị ảnh hưởng trên 5 lồng, có hơn 2 tạ cá chết. Hiện tại chính quyền vẫn đang tiếp tục theo dõi, chiều ngày hôm nay có Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa và Chi Cục thủy sản tiến hành kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết: Sau khi năm bắt được có hiện tượng cá chết hàng loạt trên địa phận một số xã của huyện. UBND huyện đã có công văn đã gửi các xã thị trấn trên địa bàn về việc hạn chế thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Bá Thước.

Văn bản nêu rõ: Theo báo cáo của UBND các xã, thị trấn và kết quả kiểm tra thực tế của phòng Nông nghiệp và PTNT, từ sáng ngày 27/4/2024 đến nay, trên địa bàn các xã Thiết Ống, Thị trấn Cành Nàng, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Điền Lư, …., hiện tượng cá chết hàng loạt lại tiếp tục xảy ra. Căn cứ kết quả Quan trắc môi trường nước và tình hình thời tiết hiện nay, để giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bá Thước đề nghị Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, thông báo và chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản (gọi chung là cơ sở nuôi trồng thuỷ sản) trên địa bàn thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau: Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi cá cần có biện pháp xử lý kịp thời như tăng cường oxy bằng đảo nước, bơm nước hoặc bơm sục khí tạo oxy, vệ sinh lồng bè sạch sẽ, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi để lồng nuôi thông thoáng nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước; Di chuyển lồng/bè hoặc cá nuôi trong lồng/bè sang khu vực nước sạch (đối với những nơi có điều kiện); Thống kê số hộ, số lượng cá chết từ ngày 27/4/2024 về phòng Nông nghiệp và PTNT (Kèm theo biên bản kiểm tra xác minh thiệt hại cụ thể đến từng hộ dân, có chữ ký đại diện lãnh đạo UBND, Trưởng thôn, khu phố, hộ dân bị thiệt hại và người chứng kiến), chậm nhất vào ngày thứ 6, ngày 02/5/2024, để tổng hợp, báo cáo UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử lý.

Trao đổi với ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Sau khi nhận được thông tin cá lồng nuôi chết hàng loạt thì trước mắt đã giao cho các ngành xuống kiểm tra thực tế, thông kê thiệt hại, có văn bản khuyến cáo người dân xử lý số cá chết, có các biện pháp phòng ngừa để số lượng cá chết không tăng lên nữa. Đến thời điểm này các đoàn kiểm tra của tỉnh lên lấy mẫu nước để xác định nguyện nhân sự việc. Sau khi có kết quả sẽ thông tin tới anh em báo chí sau.

HÀNG NGHÌN DU KHÁCH LÊNH ĐÊNH TRÊN BIỂN VÂN ĐỒN – QUAN LẠN

Theo phản ánh của các chủ tàu khách tuyến Vân Đồn - Quan Lạn, Quảng Ninh, hiện đang có hàng nghìn du khách phải lênh đênh trên biển vì tàu của họ không cập được cảng vì thủy triều xuống thấp.

Theo đó, sáng 29/4, một số chủ hãng tàu khách chạy tuyến Vân Đồn - Quan Lạn phản ánh với PV Tiền Phong , hiện đang có gần 2.000 du khách phải lênh đênh trên biển vì thủy triều xuống thấp khiến tàu không thể cập được cảng.

Cũng theo các chủ tàu, không chỉ khách từ đất liền ra đảo không cập được cảng mà trên đảo cũng đang có khoảng 2.000 khách đang muốn về đất liền nhưng không có tàu.

Tình trạng này diễn ra đã mấy ngày hôm nay vì ảnh hưởng của thủy triều xuống thấp khiến các tàu vận chuyển khách không vào được bến cập tàu xã đảo Quan Lạn .

"Đây không phải lần đầu tàu chúng tôi không cập được cảng, mà tình trạng này đã diễn ra thường xuyên. Mỗi khi triều kiệt , chúng tôi được phép cập cảng Con Quy, thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn. Nhưng cách đây không lâu cảng này hết hạn giấy phép nên phía Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã cấm không cho tàu khách cập vào cảng này", một chủ hãng tàu chạy tuyến Vân Đồn - Quan Lạn nói.

Được biết, cảng Con Quy là cảng nước sâu, dù thủy triều xuống thấp thì tàu thuyền vẫn ra vào cảng này bình thường. Còn cảng chính Quan Lạn lại bị cạn dòng, mỗi khi triều xuống, việc tàu thuyền ra vào cảng là bất khả thi.

Đem vấn đề này trao đổi với đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, vị đại diện cho biết, sẽ nắm lại cụ thể tình hình sau đó đơn vị sẽ có báo cáo Sở Giao thông Vận tải để xin ý kiến chỉ đạo.

"Dịp nghỉ lễ du khách ra đảo rất đông nhưng gặp tình trạng này chúng tôi cũng không dám nhận thêm khách vì để cập được cảng ít nhất khách phải lênh đênh gần 3 tiếng trên biển để chờ triều lên", chủ hãng tàu khách chia sẻ.

Cũng theo các chủ tàu, với con nước hiện tại, sớm nhất cũng phải gần 12h trưa nay các tàu mới có thể cập cảng Quan Lạn để đón trả khách bình thường.

Nguồn: Vietnamnet; Soha; Môi trường & Đô thị; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang