Mỹ: Thế giằng co Trump-Biden; Trump & kế hoạch thay đổi đất nước, trừng phạt các nước bỏ đồng đô; Cuộc đua giành ảnh hưởng ở Phi

TRUMP – BIDEN & CUỘC CHIẾN GIẰNG CO

Trong số hơn 70 cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm "siêu bầu cử" 2024, cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ được dự đoán là sự kiện lớn nhất, thu hút sự quan tâm chú ý nhất của thế giới, không chỉ vì đây là cuộc bầu cử có thể làm thay đổi lãnh đạo tại một siêu cường đứng đầu thế giới, mà còn bởi kết quả của nó sẽ có thể ảnh hưởng tới cục diện chính trị, kinh tế toàn cầu.

Không phải chờ đến ngày bầu cử chính thức tại Mỹ (5/11/2024), chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đã nóng lên ngay từ khi diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ của các đảng tại các bang, bắt đầu từ tháng 1/2024 tại bang Iowa, để lựa chọn ứng cử viên tổng thống của từng đảng.

Cuộc đối đầu Trump - Biden

Các cuộc bầu cử sơ bộ đến 4/6 mới kết thúc và ứng cử viên cuối cùng của đảng Cộng hòa sẽ chỉ được quyết định tại cuộc họp đảng ở Milwaukee vào ngày 15-18/7, trong khi ứng viên cuối cùng của đảng Dân chủ sẽ được quyết định tại cuộc họp đảng ở Chicago vào ngày 19-22/8.

Tuy nhiên, đến ngày 5/3, sau khi diễn ra cùng một lúc các cuộc bầu cử sơ bộ tại 16 bang, hay còn được gọi là ngày Siêu Thứ Ba, ứng cử viên của mỗi đảng đã cơ bản lộ diện.

Nếu cuối năm ngoái, có tới 9 ứng cử viên đảng Cộng hòa, 4 ứng cử viên đảng Dân chủ và 2 ứng cử viên độc lập, cho đến nay do các quy định tranh cử phức tạp và nhất là do thiếu khả năng tài chính để duy trì một chiến dịch tranh cử tốn kém, nhiều ứng cử viên đã sớm bỏ cuộc.

Những ứng cử viên còn trụ lại là những người huy động được nhiều tiền nhất cho chiến dịch tranh cử, gồm đương kim Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ huy động được gần 90 triệu USD; cựu Tổng thống Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa huy động được gần 80 triệu USD và ông Robert F. Kennedy Jr., người đang tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập, quyên góp được 22 triệu USD.

Cuộc đua vào Nhà Trắng do vậy hiện chỉ còn lại một ứng cử viên của đảng Cộng hòa là cựu tổng thống Donald Trump và hai ứng cử viên của đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden và ông Dean Phillips, dân biểu của bang Minnesota, nhưng ông này cũng có thể sớm bị đánh bại bởi Tổng thống Biden trong vòng sơ bộ tiếp theo.

Bên cạnh đó còn 4 ứng cử viên độc lập là ông Kennedy Jr., có cha là thượng nghị sĩ Mỹ bị ám sát và Jill Stein, một nhà hoạt động môi trường và Cornel West, một triết gia và học giả chính trị.

Tuy nhiên, lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ cho thấy chưa có ứng cử viên độc lập nào có thể giành được chiến thắng, ngoại trừ việc có thể làm giảm số phiếu bầu đối với ứng cử viên của một trong 2 đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay gần như chắc chắn là cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump. Đây sẽ là lần tái đấu đầu tiên giữa các tổng thống, kể từ cuộc bầu cử năm 1956.

Sau khi được các đảng đề cử, ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ chọn một người liên danh tranh cử phó tổng thống và bắt đầu tiến hành các chiến dịch vận động bầu cử nước rút, bao gồm cả các cuộc tranh luận trên truyền hình trong tháng 9 và tháng 10/2024.

Cuối cùng, các cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11 để bầu các "đại cử tri" của các bang từ các đại diện được chọn từ mỗi đảng. Những đại cử tri đó cam kết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của đảng tại cuộc họp tại Điện Capitol tại Washington ngày 17/12.

Số đại cử tri tương đương với số ghế tại Hạ viện và Thượng viện cộng lại là 538 ghế. Do vậy, ứng cử viên tổng thống phải có được ít nhất 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng.

Thế giằng co giữa 2 ứng cử viên

Giữa đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump, ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới? Các cuộc khảo sát tiến hành trong tháng 3 của Reuters/Ipsos và Civiqs/Daily Kos cho thấy, Tổng thống Biden đã vươn lên dẫn trước ông Trump với cách biệt là 1%.

Mặc dù vậy, các kết quả thăm dò đều chỉ mang tính chất tương đối, Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump vẫn được đánh giá là hai ứng cử viên "ngang tài ngang sức" và thế giằng co giữa hai bên sẽ còn được duy trì trong một thời gian nữa.

Vấn đề đầu tiên là ai sẽ giành được lợi thế tại những bang lớn tại Mỹ, vì số phiếu đại cử tri sẽ được quyết định bởi quy mô dân số của mỗi bang. Tuy nhiên, lợi thế của cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump ở các bang lớn gần như ngang nhau.

Trong khi ông Biden có lợi thế nhờ sự ủng hộ truyền thống đối với đảng Dân chủ tại 2 bang lớn là California gần 40 triệu dân và bang New York hơn 20 triệu dân, ông Trump có lợi thế nhờ ảnh hưởng truyền thống của đảng Cộng hòa tại 2 bang Texas gần 30 triệu dân và Florida gần 22 triệu dân.

Do vậy, theo các chuyên gia, yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 tới là nhóm cử tri độc lập. Theo khảo sát năm 2023, khoảng 1/4 người Mỹ chưa quyết định sẽ bầu cho ứng viên nào, thậm chí nhiều người dự báo tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu năm nay sẽ thấp nhất từ trước tới nay.

Nhóm cử tri độc lập sẽ tập trung ở các bang chiến địa Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.

Tại các bang này, những vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhất là những vấn đề đối nội, đặc biệt là kinh tế, chi tiêu tài chính, phúc lợi, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cùng với các vấn đề xã hội như nhập cư, tuổi nghỉ hưu và phá thai và tội phạm, kiểm soát súng, quyền LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới), liêm chính trong bầu cử, sự sụt giảm dân chủ, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, những vấn đề nổi cộm trong chính sách đối ngoại là lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc, xung đột Ukraine - Nga, cuộc chiến của Israel - Hamas ở Gaza.

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 có thể sẽ được quyết định bởi cuộc tranh luận về những vấn đề trên tại 6 bang chiến địa.

Tại Arizona, nơi có chung gần 600km biên giới với Mexico, nhập cư sẽ là một vấn đề quan trọng nhất. Bang Georgia là nơi xảy ra vụ án hình sự truy tố cựu tổng thống Trump vì can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Kinh tế bang này cũng đang bùng nổ nhờ dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mới như sản xuất pin.

Tại bang Michigan, cuộc chiến của Israel ở Gaza là một vấn đề tiềm ẩn đối với Tổng thống Biden vì đây là nơi có hơn 100.000 cử tri người Mỹ gốc Ả Rập. Ông Trump sẽ dốc toàn lực ở bang Michigan, để lợi dụng việc các cử tri phản đối Tổng thống Biden ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Palestine cũng như hành động quân sự của Israel ở Gaza.

Thông điệp kinh tế sẽ rất quan trọng ở Nevada, nơi đại dịch Covid-19 tấn công các sòng bạc của bang và quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp. Tại bang Pennsylvania, vấn đề môi trường và phát triển ngành công nghiệp khai thác đá phiến sẽ quyết định số phiếu đại cử tri của mỗi đảng.

Tại bang Wisconsin, vấn đề quyền phá thai sẽ ảnh hưởng tới thái độ của cử tri.

Ai sẽ giành chiến thắng?

Tồn tại tình trạng giằng co nói trên là do cả hai ứng cử viên Biden và Trump đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Ông Biden được coi là người dẫn dắt nước Mỹ thoát khỏi đại dịch, kiểm soát được lạm phát, tái phục hồi nền kinh tế hiện có tốc độ tăng trưởng là 2,5%, đem công ăn việc làm trở lại cho người dân Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ nếu tiếp tục cải thiện trước ngày bầu cử tháng 11 tới sẽ tạo lợi thế cho Tổng thống Biden.

Về hạn chế, Tổng thống Biden đang phải đối mặt với vấn đề tuổi tác và sức khỏe (ở tuổi 81, ông là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ). Bên cạnh đó, nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, rất nhiều người nghèo ở Mỹ trong tình trạng tồi tệ hơn so với 4 năm trước.

Hàng tiêu dùng ở Mỹ vẫn còn đắt so với một năm trước và đắt hơn rất nhiều so với thời ông Trump làm tổng thống. Túi tiền là vấn đề mà hầu hết người dân Mỹ nghĩ đến khi bỏ phiếu.

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã trở thành một thảm họa mà chính quyền Biden phải thừa nhận là chưa thể khắc phục. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến con trai ông là Hunter Biden.

Cuộc khủng khoảng nhân đạo ở Trung Đông liên quan đến dải Gaza, người Palestine và Israel đang tác động đến một bộ phận dân cư ở các bang như Michigan. Trước đây, cử tri trong bang ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng nay họ không khẳng định là sẽ ủng hộ hay không ủng hộ, tạo ra "phong trào không cam kết" của giới cử tri gốc Palestine.

Từ nay đến ngày bầu cử, nếu ông Biden không tác động được vào nhóm này, điều đó sẽ là một bước lùi.

Cuối cùng là khoảng cách về mức độ nhiệt tình của cử tri, khi nhiều người dù không ủng hộ ông Trump, nhưng cũng không đi bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu cho ai, khiến ông Biden có thể bị thất thế so với đối thủ.

Trong khi đó, ông Trump cũng có thế mạnh vì trong nhiệm kỳ của ông, nền kinh tế Mỹ vận hành khá tốt. Cùng với đó, ông Trump được sự ủng hộ rất lớn từ nhóm cử tri trung thành, bao gồm những người thuộc phong trào MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), người Mỹ da màu và người gốc Mỹ Latinh, vốn được hưởng lợi về kinh tế giai đoạn ông nắm quyền (2016-2020).

Rất nhiều người đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016, 2020 sẽ tiếp tục ủng hộ ông một lần nữa. Bất chấp những rắc rối pháp lý, ông Trump nhận được sự ủng hộ 100% của những người MAGA.

Ông Trump cũng đang vận động các nhóm thiểu số tốt hơn so với năm 2016, 2020 và điều khá chắc chắn vào ngày bầu cử là rất nhiều cử tri thuộc nhóm đối tượng này sẽ đi bỏ phiếu cho ông.

Tuy nhiên, thách thức đáng kể nhất đối với ông Trump là nhiều cáo trạng, nhiều phiên tòa, vốn không chỉ làm xấu đi hình ảnh cá nhân, mà còn khiến ông tốn nhiều thời gian và sức lực cho mùa tranh cử khi phải thường xuyên có mặt tại các phòng xử án.

Ông Trump có đến hơn 90 tội danh trong 4 vụ kiện lớn. Và nếu Tòa án tối cao phán quyết ông Trump có tội liên quan đến vụ bạo loạn năm 2021 ở Đồi Capitol, đây sẽ là điểm trừ rất lớn cho ông.

Một điểm yếu nữa là tính cách cực đoan, chủ nghĩa dân túy và khẩu hiệu "nước Mỹ là trên hết" của ông Trump đang gây ra sự phân hóa ngày càng lớn trong lòng nước Mỹ nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng.

Trong bối cảnh hiện nay, cả hai ứng cử viên đều cố gắng thu hút cử tri bằng việc đưa ra cương lĩnh tranh cử, vạch ra đường hướng phát triển đất nước trong 4 năm tới. Ngày 7/3, Tổng thống Biden đã trình bày bản Thông điệp liên bang để củng cố vị thế, gạt bỏ những lo ngại về tuổi tác và chứng minh cho cử tri thấy ông xứng đáng tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ 4 năm.

Ông nhấn mạnh Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng (Obamacare), tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang.

Về đối ngoại, chú trọng mục tiêu đảm bảo tương lai cho nước Mỹ và duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác, nhất là các liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đảm bảo cạnh tranh và kiềm chế các đối thủ chiến lược là Nga và Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Trung Đông, củng cố và nâng cao vai trò dẫn dắt của Mỹ tại các diễn đàn đa phương, đưa ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu...

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump cũng nêu một số cam kết để thu hút cử tri như mở "chiến dịch trục xuất nội địa" lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, xóa sổ các băng đảng ma túy, thay thế Obamacare, đóng cửa Bộ Giáo dục và đưa "toàn bộ công tác giáo dục trở lại các bang", xây dựng 10 thành phố mới...

Về đối ngoại, ông Trump tiếp tục yêu cầu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, tuyên bố nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine, khôi phục lệnh cấm đi lại với công dân một số quốc gia Hồi giáo.

Trong chiến lược đưa việc làm trở lại Mỹ, ông cũng hứa sẽ tiếp tục thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Đề xuất của ông còn bao gồm kế hoạch kéo dài 4 năm nhằm loại bỏ dần tất cả hàng hóa nhập khẩu thiết yếu từ Trung Quốc, cũng như ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và chấm dứt các khoản đầu tư của công ty Mỹ vào Trung Quốc.

Với những gì đang diễn ra trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay, khó có thể dự đoán ai giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới tại Mỹ. Điều có thể dự báo là cuộc tranh cử tổng thống Mỹ từ nay tới ngày 5/11 sẽ còn nóng lên hơn nữa do tầm quan trọng địa chính trị của nó.

Cuộc tranh cử càng trở nên mong manh và bất định trước những biến động khó lường trên trường quốc tế hiện nay, không loại trừ cả những nỗ lực từ nhiều tác nhân khác nhau nhằm tác động vào cuộc bầu cử hoặc tranh thủ sự hỗn loạn trong tranh cử tại Mỹ để giành lợi thế trong chính trị quốc tế.

TRUMP & KẾ HOẠCH THAY ĐỔI ĐẤT NƯỚC

Tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cải tổ chính quyền liên bang nếu đắc cử thể hiện những thay đổi lớn gây tranh cãi.

Trong những lần vận động tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thường khiến những người ủng hộ ông reo hò vang dội với lời hứa sẽ "phá hủy nhà nước ngầm" nếu ông tái đắc cử.

Theo CNN, về bản chất, đây là lời tuyên bố sẽ thay đổi quy mô và phạm vi của chính quyền liên bang, khiến chính quyền phù hợp hơn với những ý tưởng và quan điểm của ông. Kế hoạch tiến hành những thay đổi lớn này đang gây nhiều tranh cãi, khi nhiều người lo ngại về hậu quả khó lường.

Dự án 2025

Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng ông Trump sẽ đẩy mạnh sắc lệnh hành pháp đã gặp trở ngại trước đây nếu tái đắc cử. Ông tuyên bố sẽ để "tổng thống Mỹ có thể sa thải mọi nhân viên của cơ quan hành pháp" theo ý mình. Dù hơn 85% nhân viên liên bang làm việc bên ngoài Washington D.C, ông tuyên bố sẽ chuyển 100.000 vị trí ra khỏi thủ đô. "Tôi sẽ ngay lập tức ban hành lại sắc lệnh hành pháp năm 2020 của mình nhằm khôi phục quyền lực của tổng thống trong việc loại bỏ những quan chức phá hoại đó", theo tuyên bố trên trang vận động tranh cử của ông Trump.

Sắc lệnh đó được đưa ra vào cuối nhiệm kỳ trước đây của ông Trump và bị Tổng thống Joe Biden hủy bỏ ngay sau khi nhậm chức. Sắc lệnh xếp nhiều công chức vào diện "những nhân viên chính trị được bổ nhiệm" và có thể bị sa thải nếu cần. Khi đó, hơn 40 cựu quan chức lưỡng đảng chỉ trích sắc lệnh. Việc tái ban hành sắc lệnh, được gọi là Dự án 2025, được soạn thảo bởi các nhóm bảo thủ chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử.

Một trong những kiến trúc sư cho kế hoạch này là ông Russell Vought, cựu Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách (OMB) dưới thời ông Trump. Nhân vật này đề cập kế hoạch giải thể hoặc tái tổ chức Bộ Tư pháp, Cục Điều tra liên bang (FBI) và nhiều cơ quan khác.

Nhiều tranh cãi

Ông Vought cho rằng việc thay đổi nền công vụ là cần thiết vì chính phủ liên bang "đưa ra mọi quyết định dựa trên chủ nghĩa cực đoan biến đổi khí hậu", có thể khiến đất nước "bị chia rẽ thành những kẻ áp bức và những kẻ bị áp bức".

Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss cũng cho rằng việc cải tổ ở Mỹ là cần thiết, sau khi "sự quan liêu mập mờ" tại Anh từng ảnh hưởng những đề xuất cải cách của bà. "Nhà nước ngầm sẽ cố gắng hạ gục ông ta nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu", tờ Politico dẫn lời bà dự báo về trường hợp ông Trump tái đắc cử. Giả thuyết "nhà nước ngầm" đề cập tập hợp các công chức không qua bầu cử, điều khiển bộ máy quan liêu nhằm theo đuổi những chính sách, giá trị và lập trường riêng.

Trong khi đó, giáo sư hành chính công Donald Moynihan tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng kế hoạch trên của ông Trump là "mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ". Theo ông, nhiều vị trí công chức được bổ nhiệm dựa trên đảng phái chính trị sẽ dẫn tới "sự thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực công của Mỹ" kể từ khi nền công vụ dựa trên thành tích, được thiết lập vào năm 1883.

"Đây là điều mà mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc và lo lắng vì nó đe dọa các quyền cơ bản của mình", ông cảnh báo. Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên kho bạc quốc gia Mỹ Doreen Greenwald dự báo kế hoạch của ông Trump ảnh hưởng hơn 50.000 nhân viên tại các cơ quan liên bang. Còn theo cựu quan chức OMB Kenneth Baer, kế hoạch đó sẽ ảnh hưởng trình độ chuyên môn và gây nguy cơ tham nhũng. "Hầu như tất cả các nền dân chủ phương Tây đều có một nền công vụ chuyên nghiệp không chịu trách nhiệm trước bất kỳ đảng phái chính trị nào nắm quyền", ông nhấn mạnh.

CÁC NƯỚC TỪ BỎ ĐỒNG ĐÔ LO LẮNG CHUYỆN TRUMP TÁI ĐẮC CỬ

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh nguy cơ đồng USD mất giá trị trong vai trò đồng tiền dự trữ số một thế giới.

Các cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ý tưởng trừng phạt những nước từ bỏ đồng đô la Mỹ (USSD) trong thương mại. Các lựa chọn đang được xem xét để ngăn chặn các thành viên của nhóm BRICS từ bỏ đồng USD, tờ Vedomosti (Nga) ngày 27/4 viết, trích dẫn các hãng tin Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh nguy cơ đồng USD mất giá trị trong vai trò đồng tiền dự trữ số một thế giới. Theo giới truyền thông, việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế là một trong những nguyên nhân khiến các nước giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Việc phong tỏa và tìm cách tịch thu tài sản của Nga là ví dụ rõ ràng nhất về điều này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gần đây cho biết nước này và Trung Quốc sắp từ bỏ đồng USD trong quan hệ kinh tế song phương. Những nỗ lực nhằm giảm việc sử dụng đồng đô la Mỹ trong thương mại cũng đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8/2023.

Yaroslav Lisovolik, người sáng lập công ty BRICS+ Analytics, cho biết cuộc thảo luận về khả năng trừng phạt bất kỳ ai từ chối sử dụng đồng USD chỉ là vào thời điểm này và không ngụ ý bất kỳ hành động nào.

Đối với nhóm BRICS, việc áp đặt các hạn chế hiện không có nhiều ý nghĩa vì việc tạo ra một loại tiền tệ chung và việc giảm sử dụng đồng đô la Mỹ vẫn chỉ đang được thảo luận. Đối với vấn đề thương mại Nga - Trung Quốc, đã quá muộn để thúc đẩy hai nước sử dụng đồng USD thông qua việc đưa ra những lời đe dọa.

Một vấn đề khác cần nhớ là BRICS liên quan đến, ở những mức độ khác nhau, một số quốc gia mà Mỹ coi là đối tác và đồng minh của mình, cụ thể là Ấn Độ và Saudi Arabia. Điều đó nói lên rằng, dự kiến sẽ không có đòn trừng phạt nào được áp dụng với BRICS nói chung, chuyên gia Lisovolik lưu ý.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga Ivan Timofeev nhấn mạnh ngay cả khi các cố vấn của cự Tổng thống Trump thành công trong việc tìm ra cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước từ bỏ đồng đô la Mỹ, điều đó cũng khó có thể khiến đồng tiền Mỹ trở nên hấp dẫn hơn.

Theo chuyên gia này, sáng kiến được cho là đang được thảo luận trong nhóm cố vấn của ông Trump là vô ích vì nó sẽ chỉ củng cố thêm mong muốn từ bỏ đồng USD của một số quốc gia.

MỸ - TRUNG TRANH GIÀNH ẢNH HƯỞNG TẠI CHÂU PHI

Các nhà quan sát cho biết khi cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nóng lên, các quốc gia châu Phi sẽ phải lựa chọn đối tác phù hợp để mang lại lợi ích không chỉ trong ngắn hạn mà còn về lâu dài.

Theo đài CNA, trong những năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực để giành vị thế ở châu Phi. Trong khi đó, Mỹ luôn tìm cách tái khẳng định họ là đối tác đáng lựa chọn.

Chạy đua đầu tư vào Tanzania

Đầu tư của Trung Quốc vào Tanzania, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Phi, đã tăng vọt trong những năm gần đây.

Ông Gilead Teri, Giám đốc điều hành Trung tâm Đầu tư Tanzania, cơ quan thúc đẩy và tạo điều kiện đầu tư ở Tanzania, cho biết: “Trong 10 năm qua, từ năm 2013 đến năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư gần 10 tỷ USD vào nước này. Trung bình, khoảng 1 tỷ USD một năm”.

Minh chứng là khu công nghiệp Sino-Tan trị giá 3 tỷ USD đang nhanh chóng hình thành. Và khi hoàn thành vào cuối năm nay, khu công nghiệp này dự kiến sẽ tạo ra tới 600.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Sino-Tan nằm cách Dar es Salaam, thành phố lớn nhất đất nước khoảng 3 giờ lái xe.

Khoản đầu tư này chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản vay từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania.

Phó Tổng thống Tanzania Philip Mpango tuyên bố: “Tanzania đã sẵn sàng cho hoạt đọng kinh doanh và Chính quyền của Tổng thống Samia Suluhu Hassan cam kết chắc chắn đưa Tanzania trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực”.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang thực hiện đầu tư chiến lược và tăng cường liên kết thương mại với quốc gia châu Phi này.

Theo số liệu của chính phủ, tính đến tháng 12 năm ngoái, Mỹ có 283 dự án đăng ký tại Trung tâm Đầu tư Tanzania. Các doanh nghiệp này đã cung cấp khoảng 55.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân địa phương.

Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết sẽ hỗ trợ tài chính lên tới 500 triệu USD để giúp các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Tanzania.

Ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc tại châu Phi

Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang diễn ra trên khắp phần còn lại của lục địa châu Phi.

Ngoài Tanzania, Trung Quốc còn tham gia đầu tư mạnh mẽ ở Uganda và Nam Sudan.

Ở Uganda, Nhà máy thủy điện Isimba và Nhà máy thủy điện Karuma đã giúp chuyển đổi ngành năng lượng của đất nước. Cả hai con đập của nhà máy này đều do Trung Quốc tài trợ.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni tuyên bố: “Chính phủ và người dân Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy của Uganda và châu Phi”.

Tại Nam Sudan, Trung Quốc chiếm khoảng 75% lượng xuất khẩu xăng dầu và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của đất nước nghèo khó này.

Ông Barnaba Marial Benjamin - Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Sudan – bình luân: “Khi dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc khởi động và mang lại 60 tỷ USD cho các nước châu Phi, chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để Nam Sudan được hưởng lợi”.

Một số nhà quan sát cho rằng các khoản vay dường như không có ràng buộc nào của Trung Quốc đã khiến nước này trở thành đối tác hấp dẫn hơn của các quốc gia châu Phi.

Ông Joseph Sheffu tại Công ty tư vấn EY Tanzania nhận định: “Phương Tây chắc chắn có quan hệ thân thiết với châu Phi. Họ đang tài trợ cho châu Phi với tư cách là những nước nghèo và đặt ra các quy định về dân chủ và quản trị. Trung Quốc lại hơi trung lập về khía cạnh đó, nhưng theo thời gian, Trung Quốc đã phát triển. Sự phát triển của Trung Quốc đòi hỏi nguồn lực và quan hệ đối tác, họ đã nhanh chóng liên kết với châu Phi”.

Tiến sĩ Liu Bao Cheng, trưởng khoa Đạo đức Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, cho biết vẫn chưa quá muộn để Mỹ cố gắng bắt kịp Trung Quốc, đặc biệt là trong việc cải thiện sinh kế của người dân châu Phi bằng cách cung cấp cơ hội việc làm và đào tạo kỹ năng tốt hơn cho họ.

“Trung Quốc và Mỹ có những lợi thế khác nhau trong việc khám phá thị trường châu Phi”, ông nói trong chương trình East Asia Tonight của đài CNA hôm 24/4.

Khi được yêu cầu bình luận về sự phong phú của các khoáng sản quan trọng ở lục địa này, Tiến sĩ Liu cho biết việc các nước châu Phi vẫn đảm bảo cổ phần và phát triển ngành công nghiệp của riêng mình là điều lý tưởng. Nhưng hiện tại, nhiều nước châu Phi không thực sự có năng lực công nghiệp để có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên của đất nước.

“Hy vọng rằng, thông qua việc tái phân bổ một số công nghệ chủ chốt, cũng như thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa có thể diễn ra với tốc độ nhanh hơn ở châu Phi”, ông nói thêm.

Nguồn: Dân Trí; Thanh Niên; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang