Sự thật quýt Úc siêu rẻ; Mượn vàng giờ 'còng lưng' bù lỗ; Cuộc chiến trà sữa vẽ lại thị phần; Mặt bằng cho thuê 'hồi sinh'

QUÝT ÚC XUẤT XỨ TRUNG QUỐC SIÊU RẺ BÁN ĐẦY CHỢ, GIÁ MÃNG CẦU XIÊM TĂNG CAO

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức khẳng định, quýt Úc đang được bán với giá siêu rẻ thực chất là quýt giống Úc xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, giá mãng cầu xiêm tăng cao.

Sự thật quýt Úc tràn ngập chợ, giá siêu rẻ

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, quýt Úc đã tràn ngập các chợ ở TP.HCM gần một tháng qua, giá chỉ từ 30.000-50.000 đồng/kg.

Các tiểu thương đều khẳng định đây là quýt giống Úc được trồng ở Việt Nam. Mặt hàng này có giá rẻ vì đang vào vụ.

Tuy nhiên, theo bảng báo giá mới nhất từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), quýt Úc hiện không có trong danh sách trái cây tại chợ.

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức khẳng định: “Quýt Úc hiện tại không có vì loại này nhập về theo mùa vụ. Ngoài thị trường đang có quýt Trung Quốc loại màu cam, người bán thường gọi là quýt Úc cho dễ bán, thực chất là quýt giống Úc xuất xứ từ Trung Quốc. Loại này đang vào mùa và nếu là hàng nhập chính ngạch có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch thì vẫn đảm bảo về an toàn thực phẩm”.

Giá tăng gấp đôi, nhà vườn trồng mãng cầu xiêm phấn khởi

Tại tỉnh Hậu Giang, theo VOV, nhà vườn trồng mãng cầu xiêm (hay còn gọi là mãng cầu gai) đang rất phấn khởi vì trong những ngày qua giá loại trái cây này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái mãng cầu xiêm loại 1 được thu mua với giá 32.000-33.000 đồng/kg. Hàng loại 2 có giá 16.000 đồng/kg. Mãng cầu mua xô có giá từ 25.000-28.000 đồng/kg tùy vườn.

Măng cụt xanh gọt vỏ giá lên đến hơn 800.000 đồng/kg vẫn “cháy” hàng

Năm ngoái, măng cụt xanh bỗng trở thành loại trái cây được nhiều người tìm mua nhờ trào lưu làm món gỏi gà măng cụt. Theo Nông Thôn Việt, giá bán măng cụt xanh đã gọt vỏ lên tới 450.000-500.000 đồng/kg. Trong khi đó, măng cụt chín có giá thấp hơn rất nhiều so với măng cụt xanh nhưng sức mua không bằng.

Năm nay, cơn sốt măng cụt xanh vẫn chưa hạ nhiệt, khách đặt mua rất nhiều. Mới đầu mùa, giá bán măng cụt nguyên quả là 110.000-130.000 đồng/kg, còn loại đã gọt vỏ giá bán dao động từ 800.000-900.000 đồng/kg vẫn “cháy” hàng.

Giá rớt thảm, người trồng ớt ở Nghệ An khóc ròng

Người dân trồng ớt ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu (Nghệ An) buồn bã trước giá ớt giảm kỷ lục khiến lợi nhuận không được bao nhiêu.

Các hộ dân trồng ớt ở xã Diễn Phong (huyện Diễn Châu) cho biết trên VTC News, năm 2023, giá ớt dao động khoảng 10.000-12.000 đồng/kg. Năm nay, thời điểm đầu mùa giá ớt là 9.000 đồng/kg nhưng nay giảm mạnh chỉ còn 4.000 đồng/kg. Ớt thu hái đến đâu được hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết thu mua hết đến đó. Năng suất cao nhưng giá thu mua giảm mạnh nên mỗi sào, trừ chi phí người dân thu hầu như không có lãi.

Thịt lợn nhập khẩu đổ về Việt Nam, giá chỉ 55.000 đồng/kg

Thịt lợn nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới tiếp tục đổ bộ thị trường Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 105,14 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, giá trị đạt 213,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng thịt nhập về tăng 44,1% và giá trị tăng 38,8%.

Giá nhập khẩu trung bình thịt lợn về Việt Nam ở mức 2.209 USD/tấn (khoảng 55.000 đồng/kg), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế, với mức giá khoảng 55.000 đồng/kg, thịt lợn nhập khẩu còn rẻ hơn cả giá thịt lợn hơi xuất chuồng nội địa (58.000-62.000 đồng/kg), đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng sản phẩm. (Xem chi tiết)

Khoai lang vào vụ, giá rơi xuống 3.500 đồng/kg

Nhiều vùng trồng khoai lang tại Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch với không khí ảm đạm khi giá mua liên tục lao dốc trong khi thương lái mua cầm chừng.

Tại Gia Lai, theo Tuổi Trẻ, giá mua khoai lang vàng Nhật Bản đầu vụ 10.000 đồng/kg nay chỉ còn 3.500 đồng/kg, nông dân đành ngậm ngùi bán khoai dưới giá thành. Trước tình hình giá khoai lang tụt dốc trong khi sản lượng chưa thu hoạch còn quá lớn, chính quyền phải kêu gọi "giải cứu".

Nguyên nhân giá khoai lang giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, Trung Quốc giảm mua. Trong khi đó, diện tích gieo trồng toàn vùng đều tăng nên dẫn tới khó khăn đầu ra.

Giá vé máy bay dịp 30/4-1/5 tăng cao

Giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đi chơi, du lịch của không ít người dịp 30/4-1/5 sắp đến. Theo khảo sát của phóng viên Dân Trí, giá khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang rẻ nhất gần 5 triệu đồng tới 7,6 triệu đồng.

Nhiều người quyết định "quay xe", chuyển địa điểm từ du lịch trong nước thành du lịch nước ngoài với những nước lân cận, không yêu cầu visa như Thái Lan, Malaysia. Bởi tâm lý giá vé máy bay đắt, nhiều hành khách quyết định đi xa hơn, tận hưởng cảm giác khác biệt "cho bõ công mua vé".

Quạt tích điện bị xả bán giá bèo

Một số người trót ôm quạt tích điện trong cơn "sốt giá" năm ngoái nhưng không bán hết, nay bắt đầu đua nhau xả hàng với giá rất rẻ, nhân dịp nắng nóng đầu hè.

Theo khảo sát của PV VTC News, quạt tích điện đang được các hệ thống siêu thị điện máy lớn giảm giá từ 200.000-400.000 đồng cho các mẫu có giá 1,2-2,3 triệu đồng/chiếc.

Nhiều người bán cho biết, dù giá thành hợp lý nhưng lượng khách quan tâm đến mặt hàng này không nhiều. Phần lớn đều có tâm lý chỉ mua khi thực sự cần kíp, đó là nếu tình trạng cắt điện luân phiên lại diễn ra như năm ngoái.

MƯỢN VÀNG GIỜ “CÒNG LƯNG” BÙ LỖ TRẢ NỢ

Những cá nhân, doanh nghiệp đang có khoản vay mượn vàng thì nay rơi vào cảnh khốn khổ vì bù lỗ số tiền mua vàng trả khi giá tăng quá cao.

Lỗ nặng vì giá

Mỗi lần nhìn giá vàng, chị Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 'phát khóc' vì số nợ vàng chưa trả cho người thân. Đầu năm 2022, chị Thanh mượn 5 lượng vàng, bán với giá 62 triệu đồng, được khoảng 310 triệu đồng. Nay giá vàng miếng SJC lên gần 82 triệu đồng, chị Thanh phát hoảng vì phải thêm 100 triệu đồng mới đủ mua lượng vàng trên. Mỗi lượng vàng phải bù thêm 20 triệu đồng, số tiền bỏ ra tăng trên 32%.

Chị Thanh cho biết, nếu giờ mua thì chấp nhận mức thiệt này, còn cao hơn cả tiền lãi vay ngân hàng. Chị đang trì hoãn tới giữa năm, hy vọng giá giảm xuống để mua vàng trả lại cho người thân. Trường hợp như chị Thanh không phải hiếm. Những người mượn người thân bằng vàng thì nay phải trả lại bằng vàng, dù không tính lãi nhưng giá vàng tăng cũng khiến số tiền bỏ ra khá nhiều.

Không những cá nhân, doanh nghiệp vay vàng cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Vay 5.833 lượng vàng SJC của Sacombank từ năm 2009, số nợ của Công ty CP Kinh doanhThủy hải sản Sài Gòn (APT) không ngừng tăng lên qua các năm. Theo hợp đồng ký với ngân hàng tháng 1.2009, APT vay 5.833 lượng vàng bổ sung vốn lưu động trong 12 tháng. Lãi suất cho vay 10,8%/năm.

Hợp đồng này đã quá hạn thanh toán nhưng công ty chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Tính đến 31.12.2020, tính theo giá vàng thời điểm này tương đương 249,36 tỉ đồng. Đến cuối năm 2023, số nợ vàng tương đương lên 435,1 tỉ đồng, tăng 185,74 tỉ đồng so với cuối năm 2020. Số tiền lãi vay vàng chưa trả là 665 tỉ đồng (trong tổng lãi gần 837 tỉ đồng) và công ty không có khả năng thanh toán khoản nợ này.

Khoản nợ của APT tại Sacombank đưa công ty vào tình cảnh lỗ nặng trong hoạt động kinh doanh. Năm 2023, công ty tiếp tục lỗ thêm 136 tỉ đồng (chủ yếu đến từ chi phí tài chính), nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên 1.355 tỉ đồng. Như vậy, công ty đã có 5 năm liên tiếp lỗ trên 100 tỉ mỗi năm. APT đang gánh nợ phải trả hơn 1.400 tỷ đồng, chủ yếu là nợ gốc và lãi tại Sacombank. Trong khi tổng tài sản chỉ còn 170 tỉ đồng. Vào tháng 5.2022, Sacombank đã khởi kiện APT ra tòa yêu cầu thanh toán nợ.

Giá vàng không ngừng tăng

Đầu giờ chiều 8.4, giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng mỗi lượng, vượt qua mức gái 82 triệu đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 80,1 triệu đồng, bán ra 82,1 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào lên 79,9 triệu đông, bán ra 81,9 triệu đồng… So với đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 7 triệu đồng/lượng, tương ứng đi lên 7,4%. Còn nếu so với đầu năm 2020, giá vàng miếng SJC tăng 38 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 88,6%.

Sau khi lên như "diều gặp gió", giá vàng nhẫn đã giảm khoảng 200.000 - 250.000 đồng mỗi lượng vào đầu giờ chiều 8.4. Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng với giá 73,75 triệu đồng, bán ra 75,2 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 73,78 triệu đồng, bán ra 75,18 triệu đồng… So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 11 - 11,5 triệu đồng mỗi lượng.

Kim loại quý quốc tế hiện nay đang đứng ở mức cao lịch sử khi chạm mức 2.346 USD/ounce - tăng 300 USD/ounce so với đầu năm, tương đương mức đi lên 14,6%. Trong những ngày gần đây, các tổ chức, chuyên gia thế giới đưa ra các mức dự báo giá vàng có thể lên đến 3.000 USD/ounce trong năm nay (tính theo giá USD ngân hàng quy đổi giá vàng vào khoảng 90,8 triệu đồng/lượng).

Trong cơn sốt vàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người dân không nên đổ hết tiền cũng như đi vay tiền để mua vàng. Thị trường vàng trong nước hiện nay đang chịu áp lực từ Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng nên giá vàng miếng SJC có thể giảm bất cứ lúc nào. Lúc đó, người vay không những chịu lỗ từ vàng mà còn phải ôm khoản nợ phải trả.

CUỘC CHIẾN TRÀ SỮA VẼ LẠI THỊ PHẦN: THƯƠNG HIỆU VIỆT CHIẾM SÓNG, NHÃN HIỆU NGOẠI MẤT NHIỆT

Vài năm trở lại đây xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu Việt Nam trên bản đồ trà sữa, thậm chí trở thành những tay chơi chính trong cuộc chiến mặt bằng mới.

Các chuỗi trà sữa quốc tế “mất nhiệt”

3,66 tỷ USD là quy mô của thị trường (tổng doanh thu hằng năm) trà sữa khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Momentum Works công bố vào tháng 8/2022. Trong đó, doanh thu hằng năm tại Việt Nam đạt 362 triệu USD. Là một quốc gia có văn hóa cà phê mạnh nhưng trà sữa cũng được đánh giá thị trường béo bổ và sôi động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu như suốt những thập kỷ qua, các thương hiệu cà phê nước ngoài vẫn tỏ ra chật vật trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Việt thì thị trường trà sữa dường như lại rộng mở, “dễ ăn” hơn. Còn nhớ, từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2017, nhiều thương hiệu nước ngoài đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... du nhập vào Việt Nam làm "bùng nổ" những chuỗi cửa hàng quy mô và chuyên nghiệp.

Không khó để kể ra những cái tên đã làm mưa làm gió với giới trẻ như Royal Tea, Share Tea, Gong Cha, BoBaBop, Sharetea, Dingtea, Koi Thé. Các thương hiệu trà sữa quốc tế cũng từng là tay chơi chính trong cuộc chiến mặt bằng đẹp. Thời điểm năm 2018, con phố chùa Láng (Hà Nội) dù chỉ kéo dài chưa đến 2km nhưng lại tập trung hàng loạt thương hiệu từ Royal Tea, Dingtea đến BoBaBop, Toco Toco, Tiger Sugar. Hay khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) với những con đường như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu từng được mệnh danh là “phố trà sữa" với sự hiện diện của hơn 20 thương hiệu lớn nhỏ. Thậm chí, khu vực ngã 6 Phù Đổng – nơi được mệnh danh có giá thuê đắt nhất thành phố, cũng được nhiều hãng trà sữa nước ngoài chọn để mở cửa hàng flagship như: Sharetea, The Alley, Royal Tea, Mr Wish, Toco Toco.

Trong “cơn bão” trà sữa nước ngoài đổ bổ vào Việt Nam thời điểm ấy, đối trọng nội địa lớn nhất với các thương hiệu này gần như chỉ có Toco Toco.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, người ta không còn thấy nhiều thương hiệu trà sữa quốc tế kể trên hiện diện tại các cung đường hay ngã tư đắt đỏ. Thương hiệu Royal Tea sau quãng thời gian mở rầm rộ nhưng không được bảo hộ thương hiệu, hiện đã gần như mất hút trên thị trường. Trong khi đó, Gong Cha cũng từng ngừng nhượng quyền tại Việt Nam rồi mới mở lại vào năm 2023. Tuy nhiên, cửa hàng Gong Cha trên phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những vị trí đắc địa của thương hiệu, đã tuyên bố đóng cửa vào tháng 5/2019. Hay Ten Ren – chuỗi trà sữa - một trong những thương hiệu lâu đời bậc nhất trong ngành trà tại Đài Loan, được nhượng quyền chính thức tại Việt Nam bởi The Coffee House, tuyên bố đóng toàn bộ 23 cửa hàng vào năm 2019.

Hiện tại, chuỗi trà sữa quốc tế có quy mô lớn vượt trội là Mixue – nhân tố mới chỉ tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2018. Đến tháng 9/2023, Mixue đã nhượng quyền được hơn 1.300 cửa hàng tại Việt Nam.

Gió đổi chiều

Sự suy yếu của làn sóng trà sữa quốc tế không đồng nghĩa với việc người Việt bớt yêu thích trà sữa hơn. Thay vào đó, vài năm trở lại đây xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu Việt Nam trên bản đồ trà sữa, thậm chí trở thành những tay chơi chính trong cuộc chiến mặt bằng mới.

Phê La – chuỗi trà sữa mới thành lập giữa đại dịch (năm 2021) đã nhanh chóng bành trướng quy mô với 23 cửa hàng, hầu hết đều rộng vài trăm m2, đặt ngay trên các khu phố sầm uất tại Hà Nội, TP.HCM. Hay Maycha – chuỗi trà sữa tập trung phát triển tại thị trường phía Nam, hiện cũng đã có tới 68 cửa hàng. Mới đây, "ông trùm" F&B - Golden Gate cũng một lần nữa dấn thân vào thị trường trà sữa, bằng việc ra mắt thương hiệu Universal Tea.

Đáng chú ý nhất là Phúc Long Coffee & Tea, khởi đầu là một thương hiệu trà sữa đặc sản tại khu vực phía Nam, sau khi bán 80% cổ phần cho Masan vào năm 2021, đã lớn nhanh như thổi và trở thành gã khổng lồ mới trên thị trường F&B. Với nguồn vốn đầu tư khủng, đến cuối năm 2023, Phúc Long Coffee & Tea đã có 156 cửa hàng, chưa kể những kiosk bên trong hệ thống siêu thị Winmart.

Bên cạnh các chuỗi trà sữa chiếm ngự tại các mặt bằng đặc địa, chú trọng trải nghiệm tại chỗ thì một số chuỗi trà sữa Việt khác lại chọn mở rộng nhanh chóng thông qua mô hình tinh gọn hơn, tập trung bán mang đi như La Boong (hơn 30 cửa hàng), Phúc Tea (trên 115 cửa hàng),…

Lý giải về sự nở rộ của các thương hiệu trà sữa Việt Nam những năm gần đây, anh Vũ Anh – nhà sáng lập chuỗi La Boong cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đã dần trưởng thành, có khả năng làm tốt về cả đồ uống, marketing, bán hàng như các thương hiệu nước ngoài.

Thứ nhất, chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu tại Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài.

“Nguồn nguyên liệu trà tại Việt Nam đang mang tính địa phương hơn. Trước kia, hầu hết các vùng trà tại Việt Nam vẫn chỉ thu hoạch và xuất khẩu thô, chưa sản xuất được thành phẩm để sử dụng pha trà sữa, nên doanh nghiệp lại nhập khẩu ngược lại nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện một số vùng trồng trà như tại Đà Lạt đã cập nhật công nghệ sản xuất, cho ra thành phẩm là nguyên liệu chuyên dùng cho pha chế trà sữa, trà hoa quả. Dù chưa đủ đáp ứng cho tất cả nhu cầu của các chuỗi tại Việt Nam nhưng cũng giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc. Các chủ doanh nghiệp, chuỗi trà sữa thậm chí còn hợp tác với các vùng trồng để phát triển, chủ động về nguồn nguyên liệu”, anh Vũ Anh phân tích.

Thứ hai, nếu quan sát, có thể thấy hầu hết các dòng trà sữa bắt nguồn từ Đài Loan, Trung Quốc đều là trà nhạt, thiên ngọt. Trong khi đó, xu hướng đang được người tiêu dùng ưa chuộng tại Việt Nam là trà đậm vị, ô long, chát nhẹ và hậu vị ngọt. Hiện Phúc Long Coffee & Tea, Phê La hay La Boong,.. đều tập trung phát triển các sản phẩm dựa trên nền trà ô long đậm vị.

Thứ ba, năng lực quảng bá thương hiệu, marketing hay vận hành của các doanh nghiệp hiện đã phát triển không thua kém các doanh nghiệp ngoại. Từ định vị, concept cửa hàng đến hình ảnh, màu sắc thương hiệu đều được đầu tư bài bản, có tính đồng nhất. Điển hình là Phê La - đơn vị đã thành công trong việc định vị nguồn nguyên liệu ô long đặc sản từ Đà Lạt, đi đầu trong việc thiết kế cửa hàng, chỗ ngồi theo phong cách cắm trại. Sự nở rộ của mạng xã hội, TikTok và các reviewer cũng trở thành phương thức quảng cáo tiết kiệm cho các doanh nghiệp nội địa.

Bên cạnh đó, anh Vũ Anh cũng nhấn mạnh một động lực quan trọng nằm ở sự đón nhận, lòng tự hào của người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt cũng như sự ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng, giữa doanh nghiệp với các vùng nguyên liệu.

Trà sữa đã trở thành văn hóa giống như cà phê?

Văn hóa cà phê mạnh là điều không thể chối cãi tại Việt Nam. Theo anh Vũ Anh, với thói quen và lượng tiêu thụ trà sữa hiện tại ở nước ta, có thể nói trà sữa cũng đã trở thành một nét văn hóa, không chỉ là một trào lưu trong vài năm. Tuy nhiên, ông chủ chuỗi La Boong cho rằng, nếu như văn hóa cà phê tại Việt Nam chuộng trải nghiệm tại chỗ thì trà sữa lại có xu hướng mua mang đi.

Trên thực tế, theo báo cáo của GrabFood Việt Nam – nền tảng gọi đồ ăn lớn bậc nhất hiện tại, năm 2023, trà sữa là món ăn được tìm kiếm nhiều nhất. Do đó, bên cạnh mô hình cửa hàng lớn ưu tiên trải nghiệm, nhiều thương hiệu trà sữa chỉ mở cửa hàng với quy mô khiêm tốn, tập trung phục vụ dòng khách từ ứng dụng giao đồ ăn, khách mua mang đi.

Anh Vũ Anh cũng lưu ý, thị trường F&B nói chung và trà sữa nói riêng luôn biến động bởi các trào lưu, xu hướng đồ uống mới. Do đó, thị hiếu với trà ô long đậm vị cũng có thể đến lúc “mất nhiệt”, đi đến bão hòa. Để duy trì chỗ đứng lâu bên trên thị trường, các thương hiệu cần củng cố năng lực cốt lõi là chất lượng đồ uống.

“Cà phê cũng chứng kiến nhiều trào lưu đến và đi. Tuy nhiên những quán cà phê truyền thống với những đồ uống đặc trưng như cà phê đen, cà phê nâu vẫn tồn tại bền vững. Tương tự, nếu đảm bảo được chất lượng đồ uống, dù người tiêu dùng trải nghiệm và thử nhiều xu hướng mới, trà sữa ô long đậm vị có thể trở thành thức uống phổ thông, quen thuộc, bền vững trong menu”, anh Vũ Anh nhận định.

THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ PHỤC HỒI, MẶT BẰNG CHO THUÊ “HỒI SINH”

Thị trường bán lẻ Tp.HCM dự kiến sẽ duy trì sự phục hồi với giá thuê ổn định trong suốt năm 2024. Trong khi Hà Nội đã chứng kiến sự giảm tỷ lệ trống ở cả hai thị trường khu trung tâm và ngoài trung Tâm.

Tp.HCM: Nhu cầu thuê mặt bằng tăng trưởng

Trong báo cáo thị trường quý 1/2024 của JLL chỉ ra, thị trường bán lẻ tổng thể tại Tp.HCM ghi nhận mức hấp thụ thuần khoảng 1.900 m2, chủ yếu nhờ vào khu vực ngoài trung tâm. Thị trường khu trung tâm không có sự thay đổi về tổng diện tích lấp đầy, trong khi khu ngoài trung tâm tiếp tục trải qua sự tăng trưởng về nhu cầu, với một số giao dịch đáng chú ý góp phần vào hiệu quả tích cực của thị trường này.

Các giao dịch thuê lớn trong thị trường khu ngoài trung tâm bao gồm Galaxy Cinema (khoảng 2.300 m2) tại Thiso Mall Thủ Thiêm, Manwah tại Hùng Vương Plaza, Aim Box tại AEON Celadon Tân Phú và Carter & Gymboree tại Crescent Mall. Những cửa hàng mới này cho thấy sự mở rộng ổn định của các chuỗi vận hành giải trí, F&B và bán lẻ dành cho trẻ em tại khu ngoài trung tâm, cho thấy tiềm năng ngày càng tăng của thị trường này đối với nhiều nhà bán lẻ đa dạng đang tìm cách tận dụng cơ sở khách hàng của khu vực.

Về nguồn cung, thị trường bán lẻ Tp.HCM không có TTTM trọng điểm mới nào trong quý 1/2024. Vincom Mega Mall Grand Park gần như đã hoàn thành vào cuối quý 1/2024 và dự kiến sẽ khai trương vào ngày 30/4 trong quý 2/2024 theo kế hoạch ban đầu. Do đó, tổng nguồn cung vẫn không thay đổi, duy trì ở mức 84.109 m2 cho khu trung tâm và 538.819 m2 cho khu ngoài trung tâm.

Theo JLL, Trong quý 1/2024, tỷ lệ trống của khu trung tâm vẫn ở mức thấp 1,6%, không thay đổi so với quý trước. Sự ổn định này trong mức độ lấp đầy phản ánh tiềm năng và khả năng phục hồi bền vững của các TTTM trọng điểm tại khu vực này. Trong khi đó, khu ngoài trung tâm đã trải qua sự cải thiện về tỷ lệ trống, giảm từ 5,4% trong quý trước xuống còn 5% trong quý 1/2024. Xu hướng tích cực này là kết quả của sự hấp thụ tốt các diện tích sẵn có, nhờ vào nhu cầu bền vững từ các khách thuê đang tìm cách thiết lập hoặc mở rộng sự hiện diện của họ tại khu vực ngoài trung tâm.

Dữ liệu JLL chỉ ra, quý 1/2024, thị trường bán lẻ Tp.HCM chứng kiến giá thuê ổn định trên cả hai thị trường khu trung tâm và ngoài trung tâm. Giá thuê thuần của khu trung tâm không thay đổi, duy trì ở mức 83 USD/m2/tháng, thể hiện khả năng của thị trường này trong việc duy trì vị thế cao cấp và thu hút các nhà bán lẻ hạng sang.

Tương tự, thị trường khu ngoài trung tâm cũng trải qua sự ổn định về giá thuê thuần, ghi nhận mức 35,4 USD/m2/tháng, cho thấy nhu cầu ổn định đối với diện tích bán lẻ trong khu vực. Theo đó, giá thuê thuần toàn thị trường đạt 41,9 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 0,01% so với quý trước, càng nhấn mạnh khả năng phục hồi của thị trường trong bối cảnh kinh tế hiện hành.

Nhìn về năm 2024, thị trường bán lẻ Tp.HCM đang hướng tới sự tăng trưởng, với việc hoàn thành và ra mắt dự kiến của Vincom Mega Mall Grand Park, thúc đẩy tổng nguồn cung TTTM trọng điểm của thành phố lên khoảng 653.000 m2. Trong khi thị trường khu trung tâm dự kiến sẽ duy trì mức cung hiện tại, khu vực ngoài trung tâm được dự báo sẽ chứng kiến sự mở rộng đáng kể, đạt khoảng 569.000 m2, chủ yếu nhờ vào việc bổ sung TTTM mới vào nguồn cung của thị trường này.

Theo đơn vị này, thị trường bán lẻ Tp.HCM dự kiến sẽ duy trì sự phục hồi, với giá thuê ổn định trong suốt năm 2024. Vào cuối năm, các TTTM trọng điểm tại khu trung tâm được dự báo sẽ đạt giá thuê thuần khoảng 84 USD/m2/tháng, trong khi thị trường khu ngoài trung tâm dự kiến sẽ tăng lên mức xấp xỉ 38 USD/m2/tháng, nhờ vào nguồn cung mới. Nhu cầu từ các nhà bán lẻ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực F&B, thời trang và đồ thể thao, được dự báo sẽ tăng trưởng. Những nhà bán lẻ này liên tục thiết lập sự hiện diện tại các dự án mới, góp phần củng cố triển vọng của thị trường.

Hà Nội: Tỉ lệ trống mặt bằng giảm đáng kể

Báo cáo của JLL chỉ ra, hấp thụ thuần của các TTTM trọng điểm tại khu trung tâm đạt khoảng 500 m2 trong quý 1/2024. Botejyu và Dzosushi tại Vincom Center Metropolis là những giao dịch cho thuê đáng chú ý trong khu vực. Hấp thụ thuần của khu ngoài trung tâm tăng khoảng 29.000 m2 với các hợp đồng thuê mới được ghi nhận tại nhiều TTTM: Kubo mở rộng hơn 1.300 m2 tại Vincom Mega Mall Smart City; Grandbois tại Vincom Center Nguyễn Chí Thanh, Don Chicken tại Lotte Mall West Lake Hà Nội và Cheong Hak Gol tại Vincom Mega Mall Royal City là những giao dịch lớn khác. Những cửa hàng mới và sự mở rộng này thúc đẩy hoạt động cho thuê trong quý.

Hấp thụ thuần của Lotte Mall West Lake Hà Nội cho thấy nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực ngoài trung tâm, với khoảng 23.000 m2 được hấp thụ trong quý 1/2024, chiếm hơn 80% tổng hấp thụ thuần của khu vực. Hầu hết các giao dịch này đã hoàn thành quá trình hoàn thiện nội thất trong quý trước và chính thức đi vào hoạt động trong quý 1/2024.

Hấp thụ thuần mạnh mẽ trong quý này thể hiện hoạt động cho thuê sôi động và nhu cầu cao đối với không gian bán lẻ chất lượng cao trong khu vực. Thành công trong việc cho thuê và lấp đầy nhanh chóng của Lotte Mall West Lake Hà Nội trong bối cảnh khó khăn kinh tế đã chứng minh sức hấp dẫn của nó đối với khách thuê và khách hàng cũng như vị thế của một điểm đến bán lẻ hàng đầu trong thành phố.

Về nguồn cung, tại Hà Nội không có dự án bán lẻ mới nào được hoàn thành trong quý 1/2024, giữ nguyên nguồn cung bán lẻ của Hà Nội ở mức 671.219 m2. Khu trung tâm duy trì nguồn cung ở mức 54.962 m2, trong khi nguồn cung của khu ngoài trung tâm vẫn ở mức 616.257 m2.

Trong quý 1/2024, thị trường bán lẻ Hà Nội đã chứng kiến sự giảm tỷ lệ trống ở cả hai thị trường khu trung tâm và ngoài trung tâm. Tỷ lệ trống của khu trung tâm giảm xuống 3,9%, giảm 0,9% so với quý trước, nhờ nhu cầu ổn định đối với các không gian TTTM trọng điểm và nguồn cung mới hạn chế. Trong khi đó, thị trường khu ngoài trung tâm chứng kiến sự sụt giảm đáng kể hơn về tỷ lệ trống, từ 11,3% xuống 6,6%, phần lớn là do sự ra mắt chính thức của các khách thuê lớn tại Lotte Mall West Lake mới khai trương.

Theo JLL, trong quý 1/2024, khu vực trung tâm và ngoài trung tâm của Hà Nội duy trì giá thuê thuần tương đối ổn định, lần lượt ghi nhận mức 65,3 USD/m2/tháng và 33,7 USD/m2/tháng. Do đó, giá thuê thuần của khu trung tâm tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thị trường khu ngoài trung Tâm chứng kiến mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước về giá thuê thuần, thể hiện sự phục hồi của thị trường trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Nhìn về cuối năm 2024, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến sẽ chứng kiến xu hướng nguồn cung khác nhau giữa các thị trường phụ. Khu Trung Tâm được dự báo sẽ duy trì nguồn cung ổn định, phản ánh bức tranh bán lẻ đã ổn định của khu vực và hạn chế diện tích cho các dự án mới. Ngược lại, thị trường khu ngoài trung tâm đang sẵn sàng cho sự tăng trưởng hơn nữa, với nguồn cung dự kiến đạt khoảng 635.000 m2. Sự mở rộng này sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi việc hoàn thành dự kiến của dự án The Heritage Mall tại khu vực Tây Hồ, dự kiến sẽ mang đến không gian cho thuê bán lẻ mới cho thị trường.

Thị trường bán lẻ Hà Nội được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa, tuy nhiên mức độ cải thiện khác nhau theo từng tiểu khu vực.

Tại khu trung tâm, giá thuê thuần dự kiến sẽ duy trì ổn định hoặc có thể tăng nhẹ so với năm trước, phản ánh danh tiếng đã được thiết lập của khu vực và nhu cầu ổn định đối với không gian bán lẻ cao cấp. Mặt khác, thị trường khu ngoài trung tâm được dự báo sẽ chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt hơn về giá thuê thuần, đặc biệt với sự ra mắt của nguồn cung mới chất lượng cao tại khu vực Tây Hồ từ năm 2024 trở đi. Sự gia tăng không gian bán lẻ hiện đại này có khả năng sẽ đẩy giá thuê cao hơn trong khu vực, nhưng sự cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực có thể cản trở sự tăng trưởng giá thuê, do đó, các hoạt động cho thuê và tiếp thị mạnh mẽ hơn được kỳ vọng tương ứng.

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang