Apple khó bỏ TQ; Bão sa thải giới công nghệ; Lên chùa tập võ ở TQ; Nga oanh tạc nhà máy điện Ukraine; Cục diện mới Trung Đông

APPLE VÀ THỰC TẾ PHŨ PHÀNG: KHÔNG THỂ TỪ BỎ TRUNG QUỐC!

Dấu chân ngày càng dày ở Ấn Độ và Đông Nam Á không đồng nghĩa với việc Apple sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Apple đang tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, song song với nỗ lực mở rộng sản xuất ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Các nhà cung cấp và địa điểm sản xuất tại quốc gia tỷ dân được hãng đặc biệt để tâm vào năm 2023; trong khi sự xuất hiện của các đối tác đến từ Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thưa dần.

Gần như mỗi năm, Apple đều công bố danh sách chính thức các nhà cung cấp. Bản mới nhất bao gồm 187 công ty, đại diện cho 98% hoạt động mua sắm của hãng cho năm tài chính 2023. Số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc tăng lên 52 vào năm ngoái. Số lượng các cơ sở sản xuất hoặc phát triển ở Trung Quốc (thuộc cả sở hữu của các công ty trong và ngoài nước) cũng tăng lên 286.

Ngoài ra, số lượng các nhà cung cấp của Apple hoạt động tại Việt Nam tăng 40% lên 35 vào năm ngoái, trong khi ở Thái Lan tăng khoảng 30% lên 24. Số lượng nhà cung cấp ở Ấn Độ vẫn ở mức 14, trong đó, tập đoàn địa phương Tata Group lọt vào danh sách các nhà cung cấp hàng đầu lần đầu tiên. Tập đoàn hiện đang cung cấp vỏ iPhone và sự hiện diện trong chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tăng lên sau khi họ mua lại một nhà máy lắp ráp iPhone ở Bangalore từ Wistron.

Dấu chân ngày càng dày ở Ấn Độ và Đông Nam Á không đồng nghĩa với việc Apple sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Phân tích của Nikkei Asia cho thấy khoảng 37% trong số 35 nhà cung cấp tại Việt Nam đến từ Trung Quốc và Hồng Kông, trong đó có nhà lắp ráp AirPods Luxshare và Goertek. Cả 2 đều đã mở rộng năng lực sản xuất trong nước để phục vụ Apple.

Cũng có một số nhà cung cấp khác đến từ Trung Quốc lần đầu tiên lọt mắt xanh của Apple, chẳng hạn như San'an Optoelectronics - công ty sản xuất đèn LED và gallium nitride, Baoji Titanium Industry - nhà cung cấp titan và niken có trụ sở chính tại Thiểm Tây và Jiuquan. Iron & Steel - công ty kim loại nhà nước có trụ sở tại Cam Túc. Các nhà cung cấp Đài Loan vẫn giữ vị thế là nhóm lớn thứ hai trong chuỗi cung ứng Apple, theo sau là các nhà cung cấp từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chiến lược của Apple trái ngược với các công ty cùng ngành của Mỹ như Dell, vốn muốn loại bỏ tất cả chip và linh kiện do Trung Quốc sản xuất. Có lẽ hơn bất kỳ công ty Mỹ nào khác, Apple ‘đang đi trên dây’. Hãng không thể từ bỏ đại lục bởi doanh thu từ thị trường này chiếm tới 17% tổng doanh thu trong quý cuối năm.

Trước đó, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng đã đến thăm Trung Quốc vào ngày 20/3. Sự kiện cho thấy tầm quan trọng của quốc gia tỷ dân - thị trường và cơ sở sản xuất hàng đầu của hãng.

“Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc”, Tim Cook chia sẻ với China Daily.

Apple bắt đầu bán iPhone tại Trung Quốc vào năm 2009. Việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế các công ty công nghệ Mỹ giao dịch với Huawei vào thời điểm đó chẳng khác nào ‘mở cờ’, giúp iPhone thừa thắng xông lên. Theo Counterpoint, vào năm 2022, thị phần điện thoại bán ra ở Trung Quốc của hãng đã tăng mạnh lên 22% từ mức 9% vào năm 2019.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, bản thân Apple cũng đang phải đối mặt với nhiều tai ương. Sức ép ngày càng tăng còn người tiêu dùng thì thờ ơ với các thiết bị đến từ Mỹ. Nhà vô địch quốc gia Huawei đã hồi sinh.

“Tôi không muốn sử dụng iOS nữa”, một người dùng tên Jason Li, 22 tuổi, ám chỉ hệ điều hành của iPhone. “Nó hơi cũ một chút”.

Dữ liệu từ IDC cho thấy, trên toàn cầu, doanh số bán hàng của Apple trong quý I/2024 đã giảm gần 10%, đáng kể hơn so với các công ty cùng ngành như Samsung và Xiaomi.

Đối mặt với áp lực từ các sản phẩm nội địa, giá iPhone 15 tại thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm hơn 1.000 tệ. Các chuyên gia cho rằng chương trình khuyến mãi lớn trừ thẳng vào giá bán phản ánh áp lực ngày càng lớn mà nhà Táo khuyết đang phải đón nhận ở thị trường tỷ dân.

Theo Karen Ma Li-Yen, giám đốc hợp tác các khu vực mới nổi tại IEK Consulting, Apple có thể sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc với hy vọng đạt được sự cân bằng địa chính trị. Chỉ những công ty này mới có thể cung cấp các giải pháp hiệu quả về mặt chi phí.

“Apple phải tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc vì Huawei đang trở lại. Họ có thể cung cấp các linh kiện chất lượng với mức giá hợp lý”, Ma nói và cho biết các nhà cung cấp của Apple không thể từ bỏ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Thay vào đó, họ đẩy mạnh sản xuất bên ngoài nước này. “Việt Nam và Thái Lan hiện là điểm đến phổ biến nhất của các công ty công nghệ và nhà cung ứng’’.

Ấn Độ là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, song đầu tư chưa tăng mạnh. Chỉ các nhà lắp ráp thiết bị tăng cường sản xuất, trong khi nhiều nhà linh kiện và mô-đun điện tử vẫn đang trong trạng thái phân vân.

“Apple đã và đang thúc ép rất nhiều các nhà cung cấp linh kiện đến Ấn Độ. Tuy nhiên, lực kéo không đủ để vượt qua những thách thức và sự phức tạp mà các nhà cung cấp sẽ phải đối mặt trong nước. Sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ để có một hệ sinh thái mới ở Ấn Độ”, một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng iPhone có công ty đầu tư vào Nam Á cho biết.

Annabelle Hsu, nhà phân tích công nghệ IDC chuyên về chuỗi cung ứng cũng nhận thấy động thái tương tự. Hsu cho biết: “Nhìn chung, Trung Quốc vẫn có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất thế giới cho máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Trung Quốc vẫn là trung tâm cung cấp linh kiện và phụ tùng chính cho máy tính xách tay và điện thoại”.

CƠN BÃO SA THẢI TIẾP TỤC CÀN QUÉT GIỚI CÔNG NGHỆ

Việc bốc hơi 200 tỷ USD vốn hóa sẽ khiến Mark Zuckerberg lặp lại công thức thành công của năm 2023: Sa thải lao động hàng loạt.

Mới đây, giá cổ phiếu của Meta (Faebook) đã mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường vì cổ đông bất bình việc Mark Zuckerberg đốt hàng tỷ USD cho trí thông minh nhân tạo (AI). Đây là cảnh tượng trái ngược hoàn toàn với cuối năm 2023 khi nhà đầu tư hoan hỉ vì Meta chia cổ tức lần đầu tiên cho cổ đông và có một kết quả kinh doanh vượt dự đoán.

Theo một số chuyên gia, tình hình kinh doanh khó khăn này sẽ khiến Mark Zuckerberg tiếp tục sa thải lao động, lặp lại công thức thành công của năm 2023 khi không cho ra nổi một sản phẩm hay công nghệ gì nổi trội.

Trớ trêu thay, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành như Tesla, Amazon, Intel... cũng đang nối gót Meta, qua đó tạo nên làn sóng sa thải mới trong ngành công nghệ 2024.

Kẻ vô dụng nhất Facebook?

Tờ Business Insider (BI) nhận định trong khi Jeff Bezos của Amazon hay Larry Page của Google đều hiểu rằng muốn có tăng trưởng mới thì cần nhường chỗ cho lớp kế cận, nhưng Mark Zuckerberg thì vẫn níu giữ quyền lực và những gì CEO này đóng góp cho Facebook chỉ là sa thải lao động.

Năm 2023, cổ phiếu Meta (Facebook) đã tăng 168%, đưa tổng vốn hóa thị trường lên hơn 1 nghìn tỷ USD và khiến tổng tài sản nhà sáng lập Mark Zuckerberg vượt 142 tỷ USD.

Meta cũng thực hiện việc chia cổ tức lần đầu tiên với mức 50 cent/cổ, đồng thời thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu với tổng trị giá 50 tỷ USD, qua đó giúp Mark Zuckerberg kiếm về khoảng 700 triệu USD mỗi năm.

Trong khi nhiều người ca ngợi Mark Zuckerberg thì rất nhiều chuyên gia lại nhận định đóng góp của nhà sáng lập này cho đà tăng cổ phiếu không thực sự xứng đáng. Việc Meta sa thải hàng loạt là động thái mà bất cứ CEO nào cũng có thể làm được.

Trái lại hàng loạt những dự án của Mark Zuckerberg đưa ra, từ vũ trụ ảo cho đến AI đều không đạt thành quả như mong đợi. Nguồn thu của hãng vẫn chủ yếu đến từ quảng cáo Facebook, vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Tiktok.

Trong khi Bill Gates rời Microsoft để CEO Satya Nadella có điều kiện hướng tới mảng điện toán đám mây sau này và gần đây nhất là thành công của ChatGPT, hay Apple thời hậu Steve Jobs với CEO Tim Cook tăng trưởng nóng nhờ hệ sinh thái iPhone thì Facebook hầu như chẳng có gì mới kể từ khi ra đời đến nay.

Mặc dù có một số thay đổi về tính năng, giao diện nhưng chính bản thân Mark Zuckerberg cũng đã từng phải thừa nhận rằng giới trẻ ngày nay đang ngày càng ưa thích Tiktok hơn. Đó là chưa kể đến bê bối tin giả, phát tán các thông tin gây hiểu lầm hoặc ảnh hưởng xấu đến xã hội, bản quyền nội dung...

Bất chấp điều đó, Mark Zuckerberg vẫn sẽ ngồi lâu dài trên ghế CEO với các dự án tiền tỷ như vũ trụ ảo hay AI của mình, miễn là giá cổ phiếu vẫn tăng và cổ đông vui lòng.

Theo BI, nền tảng Facebook đã bước sang tuổi 20 khi nhà sáng lập Mark Zuckerberg vẫn nắm quyền điều hành.

Đây là một điều hiếm ở các tập đoàn trăm tỷ USD tại Thung lũng Silicon khi phần lớn các nhà sáng lập đều chuyển giao đế chế của mình cho người kế nhiệm nhằm nghỉ hưu hoặc hướng đến những dự án khác.

Ví dụ tiêu biểu nhất là Jeff Bezos của Amazon đã rời bỏ chức vụ CEO vào năm 2021 để tập trung cho mảng hàng không vũ trụ, hay Larry Page của Google đã ra đi để hưởng thụ và trở thành nhà đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.

Quan điểm của những nhà sáng lập này là vô cùng rõ ràng khi tạo điều kiện cho thế hệ kế cận tiếp bước trong đế chế của mình.

Dù vẫn nắm giữ cổ phần nhưng các nhà điều hành này hiểu rằng đứa con tinh thần của mình một ngày nào đó sẽ phải tự đứng trên đôi chân của mình mà không có họ, qua đó tạo điều kiện thăng tiến, thể hiện tài năng của lớp kế cận cũng như tìm kiếm những ý tưởng mới, làn gió mới cho sự phát triển.

Chính quan điểm này đã tạo điều kiện cho Microsoft thăng hoa thời hậu Bill Gates mà không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào bản quyền hệ điều hành máy tính cá nhân nữa.

Tương tự, Apple thời hậu Steve Jobs dù vẫn có doanh thu chủ yếu từ bán iPhone nhưng tập đoàn đã đa dạng hóa sản phẩm (Apple Watch, tai nghe không dây...) cũng như phát triển phần mềm của mình như chợ ứng dụng, phí công cụ tìm kiếm độc quyền từ Google...để hình thành nên hệ sinh thái của riêng mình.

Trái lại với Mark Zuckerberg, 20 năm nắm quyền vẫn là quá ngắn và nhà sáng lập này thậm chí đề ra những dự án dài hơi như vũ trụ ảo hay trí thông minh nhân tạo (AI) nhưng chưa một cái nào thành công đột phá.

Các chuyên gia nhận định những công nghệ này sẽ tốn rất nhiều chi phí cùng thời gian dài đầu tư mà chưa chắc đã thành công, tác dụng duy nhất chúng hiện có thể mang lại là giữ Mark Zuckerberg trên ghế CEO lâu hơn nữa.

Trong buổi phỏng vấn với tờ The Verge, nhà sáng lập của Facebook tiết lộ rất ít về dự án phát triển AI của tập đoàn này trong bối cảnh vô số Big Tech đổ hàng tỷ USD vào đây chạy đua sau thành công của ChatGPT.

Sau giai đoạn hứng khởi cuối năm 2023, giờ đây các nhà đầu tư nhận ra Mark Zuckerberg chưa thực sự đóng góp gì cho tăng trưởng của Meta ngoài đuổi việc bớt nhân viên. Bởi vậy khi thông tin hãng tốn hàng tỷ USD cho AI và con số sẽ còn tăng lên nữa mà chưa có nổi một sản phẩm để cạnh tranh cùng Google hay Micrososft, giá cổ phiếu của hãng đã phải đi xuống.

Cái bẫy sa thải

Bài học của Meta là vô cùng rõ ràng nhưng chẳng ông chủ doanh nghiệp nào quan tâm.

Suy cho cùng, bài học Meta của Mark Zuckerberg tăng trưởng 200% giá cổ phiếu trong năm 2023 khi đuổi việc 20.000 lao động đã cho thấy các công ty sẽ được lợi gì khi chiều lòng cổ đông.

Tồi tệ hơn, sự trỗi dậy của AI càng khiến việc tái cơ cấu lao động trở thành điều cấp thiết cho những doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí.

Tờ SCMP cho hay Ericsson đã cắt giảm 1.200 lao động tại quê nhà và 240 kỹ sư ở Trung Quốc. Trong khi đó ByteDance, công ty mẹ của Tiktok đã sa thải các đơn bị cộng tác ở Feishu, qua đó ảnh hưởng đến khoảng 1.000 lao động.

Ngay cả những cái tên đình đám như Tencent cũng đã cắt giảm 3.000 lao động, Hàng loạt ông lớn từ Xiaomi, JD.com, Kuaishou Technology, Didi Chuxing, Bilibili cho đến Weibo cũng đều sa thải bớt nhân sự.

Thậm chí Tesla, thương hiệu đình đám ngành xe điện cũng dự báo cắt giảm 20% lao động, tương đương 28.000 người do thị trường khó khăn.

Trong khi đó, hãng thương mại điện tử đình đám Amazon thì đã tuyên bố cắt giảm hàng loạt nhân viên ở mảng điện toán đám mây, còn hãng Intel vào đầu tháng 3/2024 đã bắt đầu sa thải nhân lực mảng tiếp thị và bán hàng của mình.

Dẫu biết rằng nhân lực là tài sản quý giá nhất của công ty và là tiền đề phát triển sản phẩm mới, đột phá về công nghệ, qua đó đóng góp cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên với các CEO hay ông chủ doanh nghiệp, lợi nhuận và cổ đông vẫn là số 1, còn lao động thì có thể tuyển dụng bất cứ lúc nào.

Do đó dù biết rằng càng sa thải thì càng thiếu nhân lực phát triển những sản phẩm đột phá nhưng hàng nghìn doanh nghiệp ngành công nghệ vẫn sẽ bắt đầu đợt đuổi việc hàng loạt mới trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Bài học Mark Zuckerberg có lẽ ai cũng hiểu, nhưng chẳng ai muốn rút kinh nghiệm.

LÀN SÓNG LÊN CHÙA LUYỆN VÕ CỦA GIỚI TRẺ TRUNG QUỐC

Trái ngược với một Bắc Kinh tấp nập, sân chùa Bạch Vân yên tĩnh và rợp bóng cây xanh. Mỗi cuối tuần giới trẻ từ nhiều nơi tụ về tham gia các lớp tập võ.

Từ 2017, chùa Bạch Vân bắt đầu mở các lớp học võ miễn phí. Sau khi phải đóng cửa vì dịch, các lớp này được mở cửa trở lại và hình thành một làn sóng mới. Thay vì những người già, giới trẻ hiện chiếm đa số. Họ thường là người lao động nhập cư, sinh viên đại học và những thanh niên thất nghiệp.

Không chỉ Bạch Vân, các đạo quán khác như Thanh Dương ở Thành Đô, Huyền Diệu ở Tô Châu... đã mở lớp võ. Giữa cuộc sống áp lực, tập võ ở chùa đang trở thành lựa chọn của nhiều người. Nhiều nơi ghi nhận "cháy" suất chỉ sau một giờ mở cổng đăng ký.

Dưới gốc cây bạch quả khổng lồ trong sân Bạch Vân, nắng xuân ấm áp, thoang thoảng hương thơm của thuốc bắc. Lập trình viên Hầu Thục Tường, 26 tuổi là một học viên tích cực trong lớp Thái Cực Quyền. Mặc dù quãng đường từ nhà đến đây mất 3 tiếng đi về, cô vẫn đến vào thứ 7 hàng tuần.

Đặc thù công việc khiến Thục Tường phải ngồi tập trung một chỗ nhiều giờ mỗi ngày. "Tôi cảm thấy khó khăn khi leo ba hoặc bốn tầng cầu thang. Sau một ngày làm việc tôi mệt mỏi, lưng rũ xuống, không thể đứng dậy được nữa nhưng vẫn phải ngồi đó", cô chia sẻ.

Một thời gian dài cô mất ngủ, căng thẳng. Vì thời đại học đã biết đến lợi ích của Thái Cực Quyền và Bát Đoạn Cầm, cô liền đăng ký học ở đây. Sau khi luyện tập, tâm trạng cô thoải mái và cơ thể khỏe khoắn, buổi tối dễ ngủ hơn.

Hoạt động cuối tuần của lập trình viên Giang Bân 31 tuổi và bạn gái là tập Thái Cực Quyền cùng nhau. Năm ngoái Giang Bân phát hiện hen suyễn, nguyên nhân do khả năng miễn dịch kém và thiếu vận động.

Lần đầu tiên đến đây, anh rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn trẻ đến luyện võ và tụ tập đạo giáo.

"Tôi không ngờ rằng sẽ có một ngôi chùa Đạo giáo cổ kính như vậy ở một nơi như sầm uất như Bắc Kinh", anh nói.

Giang Bân tâm sự trước đây là người tương đối thiếu kiên nhẫn. Mỗi khi có một dự án nào đó, anh đều phải cố gắng tập trung. Tuy nhiên sau khi tham dự các lớp võ thuật ở đây, anh thấy mình bình tĩnh hơn, tập trung tốt hơn. Khi gặp vấn đề, anh bớt đi suy nghĩ, lo lắng không cần thiết. Bệnh hen suyễn cũng đã cải thiện.

Khi anh chia sẻ với đồng nghiệp, ban đầu mọi người đều ngạc nhiên. Họ nói "Bạn thực sự đã đi tập Thái Cực Quyền? Đó chẳng phải là cuộc sống sau khi nghỉ hưu sao?". Dần dần, họ thấy Giang Bân tập vào giờ nghỉ trưa, nhiều người đã học hỏi kinh nghiệm của anh và được truyền cảm hứng.

Trương Nại Dân, 25 tuổi, luật sư, quê Cáp Nhĩ Tân cho biết áp lực giao thông ở Bắc Kinh, đặc biệt là Đường Vành đai 10 khiến cô căng thẳng. Mỗi ngày từ lúc ra ngoài nhà, chen chúc trên tàu điện ngầm đến khi trở về, cô đều cảm thấy áp lực.

"Khi đến chùa Bạch Vân, tôi cảm thấy như đang ở một môi trường khác, trong lòng đặc biệt bình tĩnh", cô cho hay.

Nại Dân thường khó ngủ vào ban đêm, mơ nhiều và thức dậy sớm. Lịch trình công việc dày đặc, cô vẫn đến đây tập Bát Đoạn Cẩm vào sáng thứ bảy và Thái Cực Quyền vào Chủ nhật. Mỗi ngày mất ba tiếng để di chuyển, cô vẫn mong chờ đến đây.

"Tôi gọi ngày luyện tập là 'ngày năng lượng'", cô nói.

Thầy Tư Cơ, hậu duệ đời thứ 16 của phái Võ Đang Tam Phong đang dạy ở Bạch Vân được nhiều người học trò quý mến. Tư Cơ lên núi Võ Đang bái nghệ từ năm 11 tuổi và xuống núi 5 năm trước, đến Bắc Kinh để truyền bá võ thuật Võ Đang.

"Trước dịch, hầu hết người đến học võ đều là trung niên và người già. Sau dịch có xu hướng trẻ hơn", thầy Tư nói.

Nhiều người trẻ cho biết áp lực với công việc và học tập, nên coi việc lên núi luyện võ như cách sạc năng lượng, để quay trở lại đam mê hơn. "Nếu cơ thể yếu đuối, chúng ta sẽ luyện tập, và nếu tâm yếu thì chúng ta sẽ tu tập", Tư cho hay.

Một giáo viên khác tên Đặng Gia Nghệ là đệ tử của đạo sĩ nổi tiếng Lý Tân Quân, chủ trì chùa Bạch Vân cho biết đã chứng kiến nhiều công nhân cổ trắng ở thành thị gặp áp lực cuộc sống. Hầu hết đều đến đây với chứng đau cứng cổ vai gáy và sự mệt mỏi, chán nản kéo dài.

Qua từng hỏi thở trong quá trình luyện tập, các vấn đề của cơ thể dần cải thiện, tinh thần tốt và tâm hồn người trẻ trở nên lạc quan, bình an hơn.

Gần đây, cụm từ "trạng thái chim ruồi" đang thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội. Giáo sư Hạng Tiêu ở Bắc Kinh giải thích chim ruồi là loài chim nhỏ bé, phải vỗ cánh liên tục để giữ mình lơ lửng trong không trung. Đối với nhiều người trẻ, việc tập thái cực quyền, võ đang, bát đoạn cẩm tại các đạo quán giống như việc tự an định bản thân của chim ruồi đang vỗ cánh.

"Toàn xã hội Trung Quốc, nhiều người đều đang lơ lửng. Mọi người đều bận rộn với công việc, chạy đua với một tương lai không xác định", giáo sư Hạng nói. Đồng thời, hiện tại bị treo lơ lửng, không có ý nghĩa gì ngoài việc là công cụ hướng đến tương lai. Họ không làm việc chăm chỉ vì yêu thích công việc đó, mà thường là để dành dụm đủ tiền, để sau này không cần phải làm việc nữa.

"Vì sống ở tương lai, phủ định hiện tại khiến nhiều người trẻ không hài lòng và hạnh phúc. Khi tập võ, với nhiều người trẻ giống như tự an định bản thân của chim ruồi đang vỗ cánh, vì cuộc sống hôm nay xứng đáng được trải nghiệm", giáo sư Hạng nói thêm.

NGA OANH TẠC CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN UKRAINE

Phi đạn của Nga oanh tạc các nhà máy điện ở miền trung và tây Ukraine vào ngày thứ Bảy, làm gia tăng áp lực lên hệ thống năng lượng suy yếu khi nước này đối mặt với tình trạng thiếu hệ thống phòng không dù mới có đột phá về viện trợ quân sự của Mỹ.

Cuộc không kích, được thực hiện bằng phi đạn tầm xa, bao gồm cả phi đạn hành trình được bắn đi bởi máy bay ném bom chiến lược của Nga đóng tại Bắc Cực, là cuộc tấn công trên không quy mô lớn thứ tư nhắm vào hệ thống điện kể từ ngày 22 tháng 3.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhắc lại lời kêu gọi các đối tác cung cấp phi đạn phòng thủ, đặc biệt là hệ thống Patriot. Ông nói các mục tiêu bao gồm các cơ sở vận chuyển điện và khí đốt, đặc biệt là những cơ sở quan trọng cung cấp khí đốt cho Liên minh Châu Âu, dù ông không nói liệu có cơ sở nào như vậy bị hư hại hay không.

Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho EU thông qua ngả Ukraine theo thỏa thuận quá cảnh với Gazprom của Nga sắp hết hạn vào tháng 12, và Ukraine cho biết họ không có kế hoạch gia hạn.

“Kẻ thù lại pháo kích ồ ạt các cơ sở năng lượng của Ukraine,” DTEK, công ty điện lực tư nhân lớn nhất Ukraine, nói và cho biết thêm rằng 4 trong số 6 nhà máy nhiệt điện của họ đã bị thiệt hại trong đêm.

Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực dập lửa tại một số cơ sở năng lượng ở khu vực phía Tây Lviv và Ivano-Frankivsk, giáp biên giới các thành viên NATO là Ba Lan và Romania, các quan chức nói.

Các quan chức cho biết sau các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở năng lượng ở khu vực miền trung Dnipropetrovsk, nguồn cung cấp nước sinh hoạt đã bị gián đoạn ở Kryvyi Rih, quê nhà của Tổng thống Zelenskyy.

Tư lệnh lực lượng không quân Ukraine cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 21 trong số 34 phi đạn được phóng tới.

Không có cơ sở nào bị tấn công được nêu tên, một biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn Nga nhanh chóng thẩm định tác động của các không kích của họ.

Ông Zelenskyy nói quỹ đạo và bản chất của cuộc tấn công đã được tính toán để khiến việc ngăn chặn nó khó khăn nhất có thể. “Mỗi phi đạn bị bắn rơi ngày hôm nay là một kết quả to lớn,” ông nói:

Công ty dầu khí nhà nước Naftogaz của Ukraine nói Nga đã tấn công các cơ sở của họ nhưng không ai bị thương và nguồn cung cho người tiêu dùng Ukraine và khách hàng không bị ảnh hưởng.

Nga, nước khơi mào cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, phủ nhận nhắm mục tiêu vào thường dân nhưng nói rằng hệ thống năng lượng của Ukraine là mục tiêu quân sự chính đáng. Nhà chức trách Ukraine cho biết một nhân viên năng lượng bị thương trong đêm.

Tại thành phố Kharkiv ở đông bắc, nơi bị ném bom nặng nề trong những tuần gần đây, một phi đạn bắn trúng một bệnh viện với 60 bệnh nhân trong đêm, làm một người phụ nữ bị thương và làm hư hại tòa nhà, đường ống nước và đường dây điện gần đó. thống đốc khu vực cho biết.

Ukraine, hiện đang nỗ lực đẩy chiến sự sang phía Nga trong những tháng gần đây bằng cách sử dụng drone tầm xa, đã tấn công các nhà máy lọc dầu Ilsky và Slavyansk ở vùng Krasnodar của Nga trong đêm, một nguồn tin tình báo Ukraine nói với Reuters.

Nguồn tin cho biết cuộc tấn công bằng drone do cơ quan an ninh SBU thực hiện đã gây ra hỏa hoạn tại các cơ sở này. Sân bay quân sự Kushchevsk của Nga cũng bị tấn công ở khu vực phía nam, nguồn tin cho biết thêm.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời một giám đốc điều hành giám sát nhà máy nói nhà máy lọc dầu Slavyansk đã buộc phải đình chỉ một số hoạt động sau khi bị hư hại trong vụ tấn công.

Ukraine đã mất 80% sản lượng nhiệt điện và 35% công suất thủy điện trong các cuộc tấn công của Nga, nhà chức trách cho biết

Dù cốt lõi của hệ thống năng lượng đến từ năng lượng hạt nhân, công suất bị mất đó giữ chức năng cân bằng trong lưới điện và sự mất mát này có thể là vấn đề lớn khi mức tiêu thụ điện tăng lên sau đó trong năm nay, nhà chức trách nói.

TRUNG ĐÔNG & CỤC DIỆN MỚI ĐANG HÌNH THÀNH

Các hành động "nóng" của Israel và Iran gần đây đang đẩy hai nước lún sâu vào vòng xoáy thù hận, đồng thời tạo ra một "cục diện mới" ở Trung Đông và đẩy vùng đất này đến bờ vực một cuộc chiến khu vực.

Tình hình an ninh ở Trung Đông đã rơi vào vòng xoáy đi xuống kể từ ngày 07/10/2023, khi lực lượng Hamas tấn công Israel, đang ngày càng diễn biến nguy hiểm với các hành động "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và Iran, đẩy khu vực đứng bên bờ vực một cuộc chiến toàn diện. Sau hàng loạt mâu thuẫn tích tụ từ lâu, nhất là sau khi Iran cáo buộc Israel tấn công Đại sứ quán Iran tại Damascus (Syria) khiến một chuẩn tướng của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và 11 người khác thiệt mạng, Iran đã tấn công Israel bằng hàng loạt UAV và tên lửa hôm 13/4.

Đến ngày 19/4, Israel được cho là đã đáp trả Iran với các cuộc tấn công vào thành phố Isfahan nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng.

Cuộc tấn công "ăn miếng, trả miếng" của Iran và Israel đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới trong khu vực, đẩy vùng đất Trung Đông đầy bất ổn vào tình thế nghiêm trọng và cho thấy dường như một "cục diện mới" trong khu vực đang thành hình.

"Cục diện mới" đang thành hình?

"Cuộc chiến bóng tối" đang diễn ra giữa Iran và Israel đã được công khai với việc Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp vào Israel bằng hàng trăm UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đây là cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ trong cuộc đối đầu gay gắt hàng thập kỷ giữa hai kẻ thù truyền kiếp, vì Iran không dựa vào mạng lưới lực lượng ủy nhiệm thông thường như Hezbollah ở Lebanon hay Houthis ở Yemen. Cuộc tấn công này đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa một bên là Iran và các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực, với một bên là Israel và các đồng minh, bao gồm Mỹ.

Theo ông Ali Vaez - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Iran của Tổ chức Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG), Iran và Israel đang kéo toàn bộ khu vực vào tình huống chưa từng có tiền lệ. Một cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Iran có thể "mở chiếc hộp Pandora dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn" ở Trung Đông. Đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm và những hậu quả tiềm tàng đều là thảm họa.

Các chuyên gia về Trung Đông đánh giá, các màn so kè giữa Iran và Israel đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng hơn cho dù gần như không một bên nào mong muốn. Hơn nữa, những diễn biến vừa qua còn cho thấy, cấu trúc quyền lực và mâu thuẫn ở Trung Đông hiện đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu sắc và dường như một "cục diện mới" đang thành hình ở một trong những vùng đất bất ổn nhất trên thế giới.

Một là, mâu thuẫn trong khu vực đang dần dịch chuyển từ giữa Iran và các nước Ả Rập vùng Vịnh sang cuộc đối đầu giữa Israel và Iran. Hiện nay, Israel đang trở thành tiêu điểm của xung đột địa chính trị ở Trung Đông. Quyết định của Iran công khai tấn công Israel thể hiện một sự thay đổi lớn trong cuộc chiến trong bóng tối kéo dài hàng thập niên. Trong khi Israel đánh giá sai về cái giá phải trả cho cuộc tấn công vào cơ sở ngoại giao của Iran (thường không phải đối mặt với sự trả đũa trực tiếp từ Tehran) thì quyết định leo thang chiến tranh bóng tối của Iran có nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm lớn hơn. Cho dù Iran công khai không muốn leo thang căng thẳng với Israel nhưng Israel cũng đứng trước áp lực phải trả đũa thế nào với cuộc tấn công vừa qua đối với Iran cho tương xứng và phù hợp. Rõ ràng các biện pháp ngoại giao giải nhiệt căng thẳng hiện nay như "đi trên băng mỏng".

Hai là, nguy cơ xung đột mở rộng là rất lớn. Cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Iran không gây ra nhiều thiệt hại, một phần vì Iran đã báo hiệu trước ý định của mình và khoảng cách cũng là một lợi thế lớn để Israel và đồng minh kịp thời triển khai lưới phòng không đối phó. Từ góc độ chiến thuật, cuộc tấn công không đặt ra thách thức đáng kể đối với hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel, bao gồm Hệ thống phòng không di động Vòm Sắt và Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow. Tuy nhiên, cái giá về kinh tế phải trả để đánh chặn thành công cuộc tấn công của Iran đối với Israel là rất lớn, ước tính vào khoảng 1 tỷ USD, trong khi Iran chỉ phải chi khoảng 100 triệu USD.

Hơn nữa, tầm quan trọng của nó không chỉ nằm ở mức thiệt hại hạn chế mà còn ở bối cảnh rộng hơn, làm tăng thêm nguy cơ xung đột mở rộng sang Trung Đông và xa hơn nữa. Chiến lược răn đe của Israel có thể sẽ yêu cầu một phản ứng nhằm thiết lập tiền lệ ngăn cản các hoạt động trực tiếp của Iran trong tương lai. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiến hành các biện pháp trả đũa một cách thận trọng và không vượt quá giới hạn khi Israel đã lấy lại được sự ủng hộ của Mỹ và EU. Đây chính là cơ hội để chính phủ của ông Netanyahu không những làm dịu đi những chỉ trích hiện nay liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết của người Israel trước áp lực trong nước và quốc tế.

Ba là, tình hình khu vực Trung Đông sẽ có những diễn biến theo chiều hướng vô cùng căng thẳng. Cuộc xung đột Iran - Israel sẽ tạo ra tác động nhiều chiều hướng tới các điểm nóng khác ở Trung Đông, đặc biệt là ở Dải Gaza. Một mặt, cuộc tấn công vừa qua của Iran có thể buộc Israel tập trung vào việc phòng thủ, giảm các hoạt động nhằm vào người Palestine ở Dải Gaza, nhưng mặt khác nguy cơ mở rộng chiến tranh có thể khiến tiến trình ngừng bắn, tìm kiếm hòa bình ở Dải Gaza trở nên khó khăn hơn.

Sự tham gia của các lực lượng thân Iran như Hezbollah hay Houthi có thể khiến quy mô của cuộc chiến lan rộng ra lãnh thổ nhiều nước trong khu vực Trung Đông, từ đó buộc các quốc gia trong khu vực phải triển khai các hoạt động phòng thủ, thậm chí là bị kéo vào cuộc chiến tiềm tàng này.

Bốn là, nếu Israel hành động quyết liệt với Iran như lời đe dọa của giới chức nước này, Trung Đông có nguy cơ bước vào vòng xoáy căng thẳng mới, ảnh hưởng đến cả thế giới. Các lực lượng như các lực lượng vũ trang và các tổ chức dân quân như Hamas của Palestine, Hezbollah tại Li Băng, lực lượng vũ trang Houthi của Yemen, các tổ chức dân quân Iraq và nhiều tổ chức khác sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc đối đầu trong khu vực.

Trên thực tế, sự tham gia của các chủ thể trên ở Trung Đông không phải là điều mới mẻ. Đối với Iran, việc triển khai các "lực lượng kháng chiến" khác nhau để đối đầu với Israel rõ ràng là lựa chọn kinh tế hơn so với việc trực tiếp sử dụng lực lượng quân sự. Vai trò "trụ cột" và "chỉ huy" của Iran đối với các "lực lượng kháng chiến" trong khu vực đã trở nên rõ ràng hơn. Cả hai bên trong thời gian ngắn đã nhanh chóng tích hợp, hình thành mạng lưới liên lạc gắn bó hơn và hệ thống chỉ huy hiệu quả hơn trong thời gian vừa qua.

Hơn nữa, khu vực Biển Đỏ, nơi có nhiều tuyến hàng hải huyết mạch kết nối Á - Âu, có khả năng sẽ bước vào cuộc khủng hoảng mới. Lực lượng Houthi trước đó đã tập kích các tàu hàng của Israel và đồng minh sau khi Tel Aviv mở chiến dịch tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương qua khu vực.

Năm là, sự phối hợp giữa Israel, Mỹ và đồng minh phương Tây cùng 3 quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Xê Út, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong đối phó với cuộc tấn công của Iran vừa qua cho thấy sự xuất hiện của một "liên minh" trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi rằng một "liên minh" vững chắc đã giúp ngăn chặn xung đột lan ra toàn khu vực. Tuy nhiên, phản ứng của Israel sẽ là bài toán kiểm tra tính bền vững của "liên minh" này, nhất là trong bối cảnh các quốc gia Ả Rập tham gia bảo vệ Israel đứng trước nguy cơ hứng chỉ trích nếu Israel đáp trả mạnh mẽ đòn tập kích của Iran, từ đó đẩy khủng hoảng leo thang.

Ông Masoud Mostajabi - Phó giám đốc Chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ, nói rằng đối với các bên tham gia trong khu vực như Jordan, họ có thể lập luận rằng đã hành động để bảo vệ chính đáng không phận của mình. Tuy nhiên, nếu cuộc tấn công trả đũa trong tương lai của Israel leo thang thành một cuộc xung đột Israel - Iran rộng lớn hơn, những bên bảo vệ Israel sẽ bị kéo vào vòng xoáy.

Hiện nay, việc Israel hành động với Iran như thế nào đang là vấn đề mà tất cả các bên cùng quan tâm. Ngọn lửa chiến tranh có thể sẽ khiến tình hình trở nên mất kiểm soát, từ đó khiến cho tiến trình hòa giải khu vực mới nổi lên ở Trung Đông trong 2 năm trở lại đây có thể sẽ đảo chiều biến thành một "làn sóng xung đột" mới. Bên cạnh đó, nguy cơ lan tỏa từ các cuộc tấn công khủng bố cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng.

Vai trò của các nước?

Những diễn biến vừa qua trong cuộc xung đột Israel - Iran đang tạo ra các tác động đa chiều tới các điểm nóng khác nhau ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là Dải Gaza. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để hạ nhiệt căng thẳng, tránh đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng cũng như đứng trên bờ vực một cuộc chiến lan rộng. Chính vì lẽ đó mà vai trò của các bên hòa giải tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia Hồi giáo là rất quan trọng trong việc giúp kiểm soát tình hình cũng như làm dịu những "cái đầu nóng".

Đối với Mỹ, quan điểm của họ là không muốn chiến sự lan rộng, nhất là trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đang hứng chỉ trích vì ủng hộ các hành động của Israel ở Dải Gaza. Mỹ không muốn uy tín quốc tế của mình tổn hại thêm nữa, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây đang rất cận kề và ông Biden cần thêm nhiều sự ủng hộ hơn nữa của các cử tri Mỹ. Việc kiềm chế các bên để tránh leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông sẽ ghi điểm rất lớn với cử tri Mỹ. Hơn nữa, giúp giảm leo thang xung đột sẽ thúc đẩy Mỹ cải thiện quan hệ với các đồng minh Arab nhất là trong bối cảnh vai trò và vị thế của Trung Quốc ở Trung Đông ngày càng lớn.

Đối với Trung Quốc, rõ ràng họ là một bên trung gian hòa giải đầy tiềm năng. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Iran trong bối cảnh Mỹ gia hạn các lệnh trừng phạt sau khi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) sụp đổ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tehran chia sẻ tầm nhìn của Trung Quốc và Nga về một thế giới đa cực. Hơn nữa, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những chú ý hơn tới khu vực Trung Đông, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết các xung đột ở khu vực này như đóng vai trò là trung gian hòa giải giữa Iran và Ả Rập Xê Út.

Đối với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, họ có thể tham gia và đóng vai trò tích cực trong việc góp phần giảm leo thang căng thẳng. Xung đột lan rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và lợi ích của chính các quốc gia trong thế giới Arab, do đó, họ sẽ tham gia tích cực vào tiến trình hòa giải căng thẳng.

Những diễn biến vừa qua trong cuộc xung đột giữa Israel và Iran cho thấy sự phân tuyến lực lượng, cấu trúc quyền lực và mâu thuẫn ở Trung Đông, vốn đã tồn tại tương đối rõ ràng trong hơn một thập niên qua đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu sắc. Một "cục diện mới" dường như đang thành hình trên vùng đất "nóng" với nhưng mâu thuẫn về lợi ích, sự phức tạp trong cân bằng lực lượng và đối đầu trong khu vực cũng như tính chất các cuộc chiến.

Tình hình hiện nay ở khu vực Trung Đông đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết bởi mối đe dọa về một cuộc chiến tranh toàn diện tàn khốc giữa những kẻ thù truyền kiếp ở Trung Đông đang hiện hữu. Bất kỳ tính toán sai lầm và hành động vội vàng nào của các bên liên quan đều có thể châm ngòi cho xung đột, đẩy vùng đất vốn được coi là bất ổn nhất thế giới bên bờ vực chiến tranh. Chính vì vậy, cần nhiều hơn nữa các nỗ lực hậu trường cũng như công khai để cố gắng ngăn chặn điều này cho dù vào thời điểm này, các nỗ lực ngoại giao đều giống như "đi trên băng mỏng".

Nguồn: Soha; CafeBiz; Vnexpress; VOA; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang