Trái cây ngoại rẻ bất ngờ; Café sốt giá, nông dân tiếc vì bán sớm; TMĐT tăng, ngành thuế gặp khó; 2 nhóm cá mập gom đất nền

TRÁI CÂY NGOẠI GIÁ RẺ TĂNG TỐC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG NỘI

Trái cây ngoại đang tăng tốc thâm nhập thị trường Việt Nam giữa bối cảnh nguồn cung trong nước kém dồi dào

Vừa dùng hết 3 kg táo Gala (xuất xứ Ba Lan) mua tại một siêu thị ở Thủ Đức, TP HCM vào tuần trước với giá khuyến mãi chỉ 39.000 đồng/kg để làm nước ép, chị Minh Châu (ngụ quận 3, TP HCM) quay lại mua thêm 3 kg táo Gala size S nhập khẩu từ Nam Phi, cũng chỉ có 39.000 đồng/kg. "Những năm trước, táo nhập khẩu thấp nhất cũng 55.000 - 60.000 đồng/kg nhưng từ năm 2023 tới nay, giá rẻ hơn hẳn" - chị Minh Châu so sánh.

Đã nhiều lại còn rẻ

Theo ghi nhận, hiện các siêu thị bán rất nhiều loại táo nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Canada, Nam Phi…, giá chỉ 59.000 đồng/kg đến trên 100.000 đồng/kg. Ngay cả táo Envy (thương hiệu cao cấp, giá luôn ở mức cao) cũng giảm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg còn 89.000 - 139.000 đồng/kg (tùy loại).

Đại diện Công ty Tiên Thảo Food (quận Gò Vấp, TP HCM) - chuyên nhập khẩu, phân phối trái cây tươi - giải thích trái cây nhập khẩu ngày càng nhiều và rẻ là do Việt Nam đã là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu trái cây vào Việt Nam hầu hết đã về 0%. "Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia nhập khẩu nên có sự cạnh tranh. Đa số DN chọn dòng hàng ở phân khúc trung bình khá, nhập khẩu số lượng lớn và vận chuyển bằng đường biển chi phí thấp nên giá bán rất rẻ" - đại diện này phân tích.

Một lý do nữa khiến trái cây ngoại càng lúc càng nhiều và rẻ là do các nhà bán lẻ lớn đều chủ động làm việc với đối tác nước ngoài, các DN nhập và phân phối trái cây ngoại với giá rất cạnh tranh để thu hút khách.

Đặc biệt, sau dịch COVID-19, thương vụ các nước thường xuyên đưa các đoàn DN đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội bán hàng, mong muốn xuất khẩu nông sản vào Việt Nam nhiều hơn. "Nông sản, thực phẩm chế biến được chào bán nhiều nhất. Các nhà bán hàng nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền và giảm giá tối đa để hợp tác với DN bán lẻ thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm. Năm 2022, táo Envy vào Việt Nam rất nhiều, giá rất rẻ; năm 2023 đến lượt cherry Úc, cherry Mỹ "đạp giá" để lấy thị phần" - giám đốc một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM thông tin.

Gần đây nhất, đoàn DN của tiểu bang Washington - Mỹ trong chuyến công tác tại Việt Nam đã đến thăm siêu thị MM Mega Market Việt Nam, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng táo vào Việt Nam nói chung và hệ thống siêu thị này nói riêng.

Bà Lindsey Huber, Giám đốc tiếp thị của Hiệp hội Táo tiểu bang Washington, tiết lộ chỉ riêng quý I/2024 xuất khẩu táo đã đạt 40% kế hoạch năm, tiểu bang đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2.000 tấn táo vào Việt Nam trong năm nay, tăng 800 tấn so với năm 2023.

Ông Derek Sandison, Bộ trưởng Nông nghiệp của tiểu ban này, nói thêm ngoài sản phẩm chủ lực là táo, các DN đang đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản như cherry, sản phẩm từ sữa và thịt bò, lúa mì, hải sản, hoa bia, khoai tây chiên, rượu vang... vào thị trường Việt Nam.

Trái cây trong nước đến trễ

Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết những ngày gần đây lượng trái cây nội về chợ chỉ 800 - 950 tấn/ngày, khá thấp so với bình quân các năm. "Mùa trái cây năm nay đến muộn nên mặt bằng giá trái cây tương đối cao. Khoảng 10 ngày nay, chợ có về trái vải trồng ở Tây Nguyên, giá sỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg" - ông Phương thông tin.

Theo bảng giá sỉ trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức, bưởi da xanh 25.000 đồng/kg, nhãn xuồng 65.000 đồng/kg, thanh long Long An 28.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 65.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 giá 100.000 đồng/kg… Trong khi cùng kỳ năm ngoái, xoài cát Hòa Lộc giá rẻ chưa từng có, giá bán lẻ chỉ 20.000 - 40.000 đồng/kg, còn vải Tây Nguyên đầu mùa giá chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay thời tiết nắng nóng, thiếu nước nên trái cây vào vụ trễ. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu rau quả thuận lợi, tăng trưởng cao nên tiêu thụ nội địa tốt, mức giá có lợi cho nông dân. Riêng cam sành chỉ có một vài ngày bị dội chợ, đến nay giá tăng cao trở lại do đã qua thời điểm thu hoạch rộ. Dừa tươi cũng tăng giá mạnh do nhu cầu giải nhiệt tăng cao vào mùa nóng, trong khi hạn mặn khiến sản lượng dừa tươi sụt giảm. "Mặt hàng sầu riêng giá giảm so với trước nhưng không có bất thường vì đang vào chính vụ, còn thời gian trước giá cao là hàng trái vụ. Sầu riêng Ri 6 loại 1 đang được các vựa thu mua ở mức 80.000 đồng/kg, cũng không đến thấp" - ông Nguyên nhận định.

Do sầu riêng đã vào chính vụ, nguồn cung cải thiện nên từ đầu tháng 4, một số nhà cung cấp nội địa đã lên kế hoạch bán hàng. Dù vậy, những đầu mối này cho hay so với mong muốn của người tiêu dùng, giá mặt hàng này vẫn khá cao nên tiêu thụ có phần hạn chế. "Với trái cây, yêu cầu số 1 là phải ngon. Nếu không ngon thì dù giá rẻ cũng khó bán" - ông Trịnh Thanh Tùng, chủ một cửa hàng trái cây tại quận Gò Vấp, nhìn nhận.

Ông Quách Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông sản Nhật Duy (tỉnh Ninh Thuận), xác nhận năm nay một số mặt hàng trái cây của tỉnh có giá khá cao, như: táo Ninh Thuận 50.000 đồng/kg, nho Ninh Thuận 100.000 đồng/kg. "Nguyên nhân là vì nắng nóng, thiếu nước nên cây trồng giảm sản lượng. Trên thị trường trái cây hiện nay không có quả nào bị thừa cung nên giữ giá ở mức tốt. Chúng tôi dự kiến cắt giảm sản lượng từ tháng 6, tháng 7 để tránh bị dội chợ vì khi đó thường trái cây sẽ nhiều" - ông Thảo dự kiến.

NÔNG DÂN TIẾC HÙI HỤI KHI CÀ PHÊ LÊN CƠN SỐT GIÁ

Giá tăng gấp đôi chỉ trong nửa đầu năm khiến nhiều nông dân tiếc nuối vì bán khi giá thấp.

Kết phiên giao dịch ngày 24/4, giá cà phê nhân nội địa tiếp tục kéo dài chuỗi tăng lên 130.000 đồng một kg, vượt mọi dự báo của cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Mức này đã tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục tăng lên 4.225 USD một tấn – lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica quay đầu giảm nhưng vẫn trên 5.000 USD một tấn.

Giá cà phê nhân tăng chưa từng có trong lịch sử nhưng lượng hàng trong dân không còn nhiều. Do đó, hầu hết người trồng tiếc nuối vì bỏ mất cơ hội bán giá cao.

Sở hữu hơn 1 ha cà phê ở Đăk Lăk, ông Hoàng cho biết sau Tết khi giá lập đỉnh 90.000 đồng một kg ông đã bán toàn bộ 8 tấn trong kho, thu được 720 triệu đồng. "Tôi tưởng đã bán giá đỉnh nhưng không ngờ giá cà tăng không có điểm dừng. Chưa năm nào giá cà phê lại tăng kéo dài và đột biến như vậy", ông Hoàng nói.

Hàng nghìn người dân ở các tỉnh Tây Nguyên cũng tiếc nuối khi đã xuất bán hết khi giá cà phê ở mức 75.000 đồng một kg. Bà Chi, ở Gia Lai cho biết nếu tính giá hiện tại nhà bà đã hụt mất hơn 300 triệu đồng khi bán 6 tấn cà ở giá 71.000 đồng.

"Hàng năm, giá cà chỉ tăng cao trước vụ và giảm khi vào vụ. Còn từ vụ năm ngoái tới nay, giá cà phê nhân thỉnh thoảng chỉ điều chỉnh nhẹ. Đây là tiền lệ chưa từng có trong 20 năm nhà tôi trồng cà phê", bà Chi nói.

Đang hụt hơi và gồng lỗ khi giá cà phê tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến tiếp tục "khó chồng khó". Nhiều doanh nghiệp đang ngưng mua hàng vì nguồn cung khan hiếm. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết hơn tuần nay mua không có hàng. Do đó, công suất nhà máy sản xuất của ông giảm 30-40%. Các hợp đồng xuất khẩu cũng ngưng vì giá tăng cao khiến đối tác chuyển hướng sang nhập hàng từ Ấn Độ và Indonesia. "Tình trạng này sẽ còn kéo dài cho tới khi cơn sốt giá cà phê hạ nhiệt và nguồn cung toàn cầu tăng cao", ông Luận nói.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Phúc Sinh - Chủ tịch HĐQT Phan Minh Thông, cho biết công suất nhà máy sản xuất đang giảm 60-70% so với thông thường. Hiện, công ty cũng chỉ nhận các đơn hàng xuất khẩu theo đúng giá thị trường. Với các đơn hàng giá thấp, doanh nghiệp sẽ không ký mới.

Theo các doanh nghiệp giá cà phê có thể sẽ còn tăng cao đến hết năm nay và lên đỉnh mới 200.000-250.000 đồng một kg. Mức này các doanh nghiệp sản xuất cà phê nội địa trong nước sẽ tê liệt và doanh nghiệp FDI sẽ "một mình một chợ" và thao túng giá.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Hiệp hội Cà phê Ca c1ao Việt Nam cần có các dự báo kịp thời về xu hướng thị trường. Còn Bộ Công Thương cần vào cuộc để điều tiết giá, ổn định thị trường tránh trường hợp đầu cơ đẩy giá tăng cao.

Số liệu Hải quan cho thấy trong quý I, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 4 xuất khẩu quay đầu giảm do giá tăng cao và nguồn cung khan hiếm.

Giá cà phê liên tục leo thang, theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam, do nguồn cung khan hiếm. Hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu khiến sản lượng sụt giảm mạnh hơn nhiều dự báo. Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023 đã xong, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra. Ước tính còn thiếu khoảng 1,5-2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại.

Tuy nhiên, báo cáo của Cục Trồng trọt từ năm 2019 đến nay diện tích cà phê của Việt Nam liên tục tụt giảm 5-7%. Trong đó, diện tích cà phê già cỗi gia tăng. Từ năm 2022, nhiều người dân các tỉnh Tây Nguyên đã chặt cà phê chuyển sang sầu riêng, mít khiến sản lượng thu hoạch giảm mạnh.

Theo báo các của Sở Nông nghiệp các tỉnh, tới thời điểm này El Nino đang khiến nhiều vùng cà phê bị ảnh hưởng. Nhiều nơi vẫn thiếu nước và không có mưa để tưới tiêu cho cây dẫn tới nguy cơ sụt giảm nguồn cung vụ tới đẩy giá cà phê tăng không có điểm dừng.

NGÀNH THUẾ GẶP THÁCH THỨC KHI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG ‘NÓNG’

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, được đánh giá là nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đặt ra thách thức đối với việc quản lý thuế.

“Lọc” người bán online chưa kê khai thuế

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023 - 2024, TMĐT tiếp tục là mảng sáng trong bức tranh kinh tế còn nhiều gam trầm. Chẳng hạn năm 2023, TMĐT có tốc độ tăng trưởng 25% so với năm 2022, đạt 25 tỷ USD với quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của kinh tế.

Cùng với những nỗ lực trong chuyển đổi cách thức bán hàng, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vấn đề thuế, pháp lý TMĐT cũng cần được đẩy mạnh.

Ông Trần Minh Hiệp, chuyên gia tư vấn cao cấp Trung tâm tư vấn pháp luật (Hiệp hội TMĐT Việt Nam) chia sẻ: “Cách đây vài ngày, một nhà bán lẻ đã lên sàn TMĐT được 4 năm, ngỡ ngàng khi bị truy thu thuế hàng trăm triệu đồng. Nhận thức của nhiều người kinh doanh online phải nộp thuế chưa cao, chỉ nghĩ đơn giản lên sàn TMĐT, ra đơn là đủ...”.

Hiện, một cá nhân, tổ chức có thể mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng nhằm thuận tiện giao dịch. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hết năm 2023, Việt Nam có gần 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân.

Từ dữ liệu ngân hàng cung cấp, cơ quan thuế đã và đang lọc danh sách những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Thời gian qua, nhiều người bán hàng online đã bị truy thu số tiền khá lớn, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tiền thuế.

“Ngành Thuế đang nắm dữ liệu ngân hàng của hơn 120 triệu tài khoản cá nhân. Như vậy, lượng dữ liệu cá nhân ngành Thuế nắm chiếm gần 2/3 tổng tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng, tính từ cuối năm ngoái”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (TCT) Mai Sơn cho biết.

Việc cung cấp dữ liệu tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế được thực hiện theo Nghị định 126/2020 và Luật Quản lý thuế 2019. Theo đó, các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế để phục vụ công tác kiểm tra nghĩa vụ thuế. Phía ngành Thuế có trách nhiệm bảo mật khai thác, lưu trữ thông tin tài khoản của người nộp.

Theo ông Mai Sơn, ngoài dữ liệu tài khoản ngân hàng, ngành Thuế cũng nắm thông tin của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT và 130 tổ chức trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình.

Về quản lý thuế, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm: Nền tảng sàn giao dịch TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba...); website/ứng dụng TMĐT (Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…); nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…); nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận (Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…); nền tảng đại lý (Booking, Agoda, Airbnb…); nền tảng thuê bao (Netflix, Spotify...); nền tảng quảng cáo (Facebook, Google, Youtube...); nền tảng kho ứng dụng (Apple Store, CH Play…).

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT như sau: Năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đã thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định.

Kết quả lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023) có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát. Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát, đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng, trong đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng.

Hoàn thành rà soát trên 90% cơ sở dữ liệu về mã số thuế

Ông Mai Sơn cho biết, thời gian tới, để quản lý thuế hiệu quả hoạt động TMĐT, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần tiếp tục được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

“Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ các nguồn thông tin từ các Bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT theo nguyên tắc quản lý rủi ro”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác, tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Theo Tổng cục Thuế, nếu tính trên số lượng mã số thuế không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ, đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Công an với CSDL về mã số thuế để chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế.

Cùng đó, Bộ Tài chính đã tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế. Đến nay, có 663.157 lượt kết nối, tổng số công dân truy cập là 400.791 lượt; đến nay 53.424 cơ sở kinh doanh đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 320 triệu hóa đơn.

XUẤT HIỆN 2 NHÓM CÁ MẬT LIÊN TỤC ĐI GOM ĐẤT NỀN

Các “cá mập” có tài chính sẽ định hướng mua sỉ số lượng lớn đất nền, hoặc mua lại những dự án mà chủ đầu tư đang ngộp tài chính, buộc phải giảm giá bán lại.

Theo ghi nhận, phân khúc đất nền đã có những tín hiệu hồi phục tích cực. Giá đất nền đã ngừng đà giảm, lượng nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm tăng dần. Tại Hà Nội và Tp.HCM, nhu cầu mua đất nền đều đang có dấu hiệu tăng.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Batdongsan.com.vn chỉ ra, thị trường đất nền đã bắt đầu “rã băng”. Cụ thể, mức độ quan tâm đất nền vào hai quý cuối năm 2023 chỉ đạt 44% nhưng sang đến quý 1/2024 đã tăng lên mức 48%.

Ở Hà Nội, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng mạnh gấp 1,7 - 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền đã ngừng đà giảm. So với quý 1/2023, hiện tại lực cầu đất nền đầu năm 2024 tại quận 12, Tp.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.

Đồng thời, động thái tìm mua đất nền của khách hàng ngày càng rõ nét. Ngày càng nhiều người tìm kiếm đất nền. Theo các chuyên gia, hiện thị trường xuất hiện ba nhóm nhắm đến thu gom đất nền. Trong đó hai nhóm đầu tư được xếp vào hàng “cá mập” có tài chính mạnh và nhóm còn lại là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, một người có nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cho hay, nhóm đầu tư “cá mập” thứ nhất là nhóm nhà đầu tư cá nhân có vốn lớn, mua sỉ số lượng đất nền hoặc thậm chí mua lại dự án phân lô bán nền thất bại. Bằng chứng là thị trường đã có những dự án phân lô bán nền được chủ đầu tư “ngộp” tài chính giảm giá tới 50-60%. Nhóm này ưu tiên đất nền ở gần trung tâm Tp.HCM vì tính toán thanh khoản sẽ tốt hơn.

Thứ hai là nhóm “cá mập” gồm những công ty bất động sản lớn. Nhóm này tích cực săn mua quỹ đất để phát triển dự án mới, đặc biệt khi các luật sửa đổi được thông qua, tạo điều kiện phát triển quy mô đô thị lớn.

Các “cá mập” này sẽ định hướng mua sỉ số lượng lớn đất nền, hoặc mua lại những dự án mà chủ đầu tư đang ngộp tài chính, buộc phải giảm giá bán lại. Hiện tại, những dự án đất nền có giá vừa túi tiền trên dưới 1 tỉ đồng tại tỉnh lân cận đã bắt đầu có giao dịch trở lại.

Thị trường bất động sản đầu năm 2024 đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp trong nước giàu tiềm lực tài chính tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch. Đồng thời, doanh nghiệp ngoại tranh thủ đẩy mạnh săn các dự án gặp khó về tài chính. Khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp lúc này là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Theo phân tích của các chuyên gia, sự hồi phục của thị trường đất nền được thúc đẩy bởi 3 động lực. Thứ nhất là tính chu kỳ của thị trường đất nền, sau Tết nhu cầu tìm kiếm đất nền thường tăng. Thứ hai, giá đất nền đã có sự điều chỉnh ở một số khu vực khiến nhà đầu tư cân nhắc đến việc tham gia.

Cụ thể, nhiều tỉnh phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Đồng Nai chứng kiến mặt bằng giá rao bán đất nền hiện tại giảm từ 12% - 19% so với đầu năm 2023. Thứ ba, làn sóng đón đầu thay đổi của 3 bộ Luật mới gồm Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sắp có hiệu lực.

Tuy nhiên, sự phục hồi chung toàn thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, dòng tài chính của người dân và cả niềm tin vào thị trường. Do đó, các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư nên cân nhắc việc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ cao ở giai đoạn này. Bởi kinh tế vĩ mô vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, các chính sách, giải pháp tháo gỡ từ phía nhà nước cũng cần thêm thời gian để triển khai và phát huy hiệu lực.

Nguồn: Soha; Vnexpress; Báo Tin Tức; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang