Xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc; Nghịch lý thừa điện mặt trời mái nhà; HN xóa sổ bus nhanh BRT; Đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm

CAO TỐC SẼ CÓ TRẠM DỪNG NGHỈ, NHÀ VỆ SINH

Khó khăn về cơ chế đã được gỡ, quy chuẩn về quy mô, hạng mục cũng đã hoàn thiện, các tuyến cao tốc "khiếm khuyết" chỉ còn chờ được đẩy nhanh thủ tục để cấp bách trám lỗ hổng trạm dừng nghỉ.

Có phòng nghỉ tạm, cứu hộ, sơ cứu, trụ sạc điện...

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 09/2024 sửa đổi QCVN:2012/BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó có nhiều quy định mới về xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ.

Theo đó, Bộ GTVT chia trạm dừng nghỉ đường bộ thành 4 loại căn cứ vào diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc phải có. Cụ thể, trạm dừng nghỉ loại 1 diện tích tối thiểu là 10.000 m2, loại 2 diện tích tối thiểu 5.000 m2, loại 3 diện tích tối thiểu 3.000 m2 và loại 4 diện tích tối thiểu 1.000 m2. Các trạm dừng nghỉ phải đảm bảo tối thiểu 50% diện tích dành cho khu vực đỗ xe. Khu vệ sinh có diện tích tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 3% tổng diện tích xây dựng, có nơi vệ sinh phục vụ người khuyết tật. Bên cạnh đó, phải có phòng nghỉ tạm thời cho lái xe (diện tích tối thiểu từ 18 - 36 m2 tùy quy mô loại trạm dừng). Ngoài ra, nơi cung cấp thông tin; khu vực ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu, bán hàng hóa và phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông là những hạng mục bắt buộc.

Với các trạm dừng loại 1 và 2, Bộ GTVT yêu cầu bố trí 10% tổng diện tích đỗ xe cho ô tô vào sạc điện, đồng thời đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư. Đường cho xe ra - vào phải bố trí riêng biệt và có trạm cấp nhiên liệu, có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoặc khu vực rửa xe. Các hạng mục này đối với trạm dừng nghỉ loại 3 và 4 không bắt buộc mà chỉ khuyến khích có. Đường xe ra - vào cũng không cần đường riêng mà có thể bố trí chung, rộng tối thiểu 7,5 m.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT lý giải không phải đến bây giờ các trạm dừng nghỉ mới có quy chuẩn. Từ năm 2012, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 48 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Tuy nhiên, trong suốt hơn 10 năm qua, sự phát triển công nghệ mới đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó nổi lên là sự phát triển của ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh đã làm thay đổi phương thức cung cấp năng lượng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện cam kết của VN tại COP26, Bộ GTVT xác định cần nghiên cứu, bổ sung quy định về trụ sạc điện/trạm cung cấp năng lượng xanh vào QCVN về trạm dừng nghỉ đường bộ.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng gia tăng nhanh chóng làm thay đổi thói quen dịch chuyển của người dân. Do vậy, quy mô trạm dừng nghỉ, các hạng mục cần thiết khác phải được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng sự phát triển của xã hội là cần thiết.

Sẽ không còn cao tốc khuyết trạm dừng nghỉ

Lãnh đạo Cục Đường cao tốc cho biết, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do Bộ GTVT quản lý. Công tác quan trọng nhất là rà soát lại quy chuẩn và tiêu chuẩn của các trạm dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu dài hạn trong tương lai cũng đã hoàn thành. Bộ GTVT chủ trương tìm kiếm những nhà đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Như vậy, giai đoạn tới, các tuyến cao tốc sẽ lần lượt được bổ sung hệ sinh thái trạm dừng nghỉ đồng bộ, có lợi ích lâu dài.

Chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng đánh giá việc bổ sung, xây dựng quy chuẩn mạng lưới trạm dừng nghỉ như vậy là cần thiết bởi đây là hạng mục rất quan trọng đối với hệ thống đường cao tốc. Trong giai đoạn đầu tư phân kỳ, các tuyến cao tốc chưa hoàn chỉnh chỉ có 2 hoặc 4 làn xe vẫn có thể đảm bảo khai thác an toàn bằng cách điều chỉnh tổ chức giao thông dựa theo hiện trạng tuyến đường. Song, trạm dừng nghỉ buộc phải có.

Theo ông Thắng, khác với đường ô tô sử dụng chung, hoạt động giao thông trên đường cao tốc hoàn toàn cách ly với bên ngoài, khép kín trong phạm vi hàng rào hai bên. Do vậy, dọc đường cao tốc phải bố trí các trạm bán nhiên liệu, các xưởng bảo dưỡng, sửa chữa xe cộ, các trạm dịch vụ thông tin bưu điện, các cửa hàng tạp hóa, nhà ăn, nhà vệ sinh, khách sạn và các khu nghỉ ngơi dọc tuyến để phục vụ lái xe, xe và người đi xe.

Đặc biệt, trên đường cao tốc xe thường chạy đường dài với tốc độ cao, dẫn đến tâm lý căng thẳng, sức khỏe mệt mỏi cho người đi xe và dễ gây hỏng hóc máy móc xe, nên càng cần bố trí các khu dịch vụ nói trên để khắc phục trạng thái đơn điệu và tăng điều kiện an toàn, thuận lợi khi phương tiện chạy trên đường cao tốc.

Các nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng, xe chạy càng nhanh thì tinh thần người lái xe càng căng thẳng. Nếu tài xế chạy trên 80 km/giờ thì nhịp tim của lái xe có thể lên tới 100 - 110 lần/phút. Ngoài ra, 70% số vụ tai nạn trên đường cao tốc có liên quan đến sự mệt mỏi, căng thẳng của lái xe và 24% số vụ có liên quan đến trục trặc về xe cộ. Do vậy, nếu chạy xe trên đường cao tốc liên tục 2 giờ thì cả người và xe nên được nghỉ ngơi 15 phút. Vì thế, việc bố trí, thiết kế các cơ sở dịch vụ nói trên luôn là một vấn đề đặc thù cần phải được đề cập ngay từ khi lập dự án đầu tư đường cao tốc.

"Chưa kể, trong nền kinh tế thị trường, nếu xem đường cao tốc là một loại hàng hóa thì hoàn toàn có thể tổ chức kinh doanh thu lợi từ các cơ sở dịch vụ nói trên. Việc kinh doanh thu lợi này có thể do nhà nước, do liên doanh hoặc có thể chuyển hưởng quyền kinh doanh cho các công ty tư nhân, miễn là có luật lệ, quy chế đảm bảo tiền thu lợi chỉ được sử dụng cho bảo trì và phát triển đường cao tốc. Theo kinh nghiệm nước ngoài thì thu lợi do kinh doanh các khu vực dịch vụ có thể bằng 3 - 5% tiền thu phí đường. Ngoài ra, có thể phát triển thêm việc kinh doanh quảng cáo trên đường cao tốc bằng các biển quảng cáo lớn đặt tại khu vực chỗ dừng nghỉ, các khu dịch vụ…", ông Vũ Đức Thắng nói.

Khẩn cấp mở các trạm dừng nghỉ tạm

Theo tiến độ cập nhật từ Cục Đường cao tốc, 8/10 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 đã phát hành hồ sơ mời thầu ngày 20.3, dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư trong tháng 6 tới. Hiện có 5/8 cặp trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc gồm Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào tháng 6 để triển khai thi công.

Các trạm còn lại trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo báo cáo đến tháng 8 mới bàn giao được mặt bằng, chậm 2 tháng so với dự kiến. Đến tháng 8, dự kiến sẽ có 5 cặp trạm dừng nghỉ phục vụ trên cao tốc được đưa vào khai thác, và tháng 10 sẽ có thêm 3 cặp trạm. Dự kiến trong tháng 11 sẽ đảm bảo các dự án cao tốc đã thông xe đều có vị trí dừng nghỉ tạm phục vụ người dân.

Còn nếu để triển khai mạng lưới trạm dừng nghỉ hoàn chỉnh theo quy hoạch, sớm nhất phải đến cuối năm 2025, một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được "xóa trắng" trạm dừng nghỉ, trượt tiến độ hơn 1 năm so với dự kiến hồi năm 2023 của Cục Đường cao tốc.

Ông Lâm Tiến Thành, một tài xế thường chở hàng từ TP.HCM về miền Tây, thẳng thắn cho rằng thời gian triển khai các trạm dừng nghỉ quá lâu. Bỏ qua những bất cập về việc không đồng bộ ngay từ khi xây dựng thì đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi xã hội bức xúc, Thủ tướng thúc giục, vẫn chưa có cao tốc nào bổ sung được trạm dừng nghỉ cho tài xế.

"Cấp quản lý đề ra thời gian hoàn thành 1 trạm dừng chân từ 1 năm là rất vô lý, trong khi không hề có một yêu cầu công nghệ kỹ thuật cao siêu nào để thi công 1 trạm dừng chân. Với trạm dừng chân trên đường cao tốc, hãy xác định nhu cầu khẩn cấp là chỗ đỗ xe, nơi ăn uống, nơi vệ sinh, hãy đặt chúng thành mục tiêu hàng đầu của gói thầu. Những công năng khác như chỗ sửa xe, rửa xe, chỗ nghỉ... hãy đặt chúng vào mục tiêu tiếp theo. Nếu cách thực hiện gói thầu như vậy thì chỉ cần không quá 6 tháng chúng ta sẽ có trạm dừng chân phục vụ nhu cầu cấp bách của hành khách và lái xe. Đừng để sau nhiều năm nữa mới có các trạm dừng chân trên các đường cao tốc", ông Thành đề nghị.

Ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ), cũng cho rằng trong khi chờ các tuyến cao tốc đủ chuẩn hoàn thiện thì hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến đã và đang khai thác là hạng mục cấp bách phải làm. Bối cảnh hiện nay nhu cầu cấp thiết, Bộ GTVT nên rà soát, những tuyến đường nào có thể tận dụng mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân. Với các trạm dừng đã có trong quy hoạch, cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh quá trình triển khai. Các thủ tục, cơ chế của ta chặt chẽ nhưng theo kiểu máy móc, không áp dụng nhanh được. Đáng ra đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể.

NGHỊCH LÝ DƯ THỪA ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ MÀ KHÔNG ĐƯỢC BÁN

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Thông tin trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Chỉ được dùng, không được bán

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương chia ra 2 loại hình điện mặt trời mái nhà. Một là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Hai là điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia

Bộ Công Thương yêu cầu: Tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Còn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia loại hình này ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Bộ này cũng liệt kê các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó có việc thực hiện phát triển không đúng nguyên tắc, trình tự quy định tại Nghị định này; Đầu tư, lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

"Lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác", dự thảo Nghị định nêu.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này. Cụ thể, phải gửi hồ sơ đăng ký đến Sở Công Thương. Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ đăng ký, chuyển Hồ sơ đến đơn vị điện lực, các sở ngành có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) xem xét, giải quyết và trả kết quả trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ Sở Công Thương trả lời tổ chức, cá nhân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.

Còn với điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, dự thảo cũng yêu cầu cá nhân, tổ chức muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải đăng ký theo quy định.

Chính sách khuyến khích có gì?

Bộ Công Thương cũng liệt kê các chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Cụ thể:

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.

Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.

Đối với dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trước ngày 1/1/2021 và đang thực hiện mua bán điện với đơn vị điện lực, dự thảo Nghị định nghiêm cấm hành vi đấu nối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trục lợi.

HÀ NỘI LÊN KẾ HOẠCH THAY THẾ TUYẾN BUÝT NHANH BRT BẰNG ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa còn nhiều hạn chế, Hà Nội sẽ thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đặt vấn đề việc Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng các tuyến BRT còn lại theo quy hoạch hay không, trong bối cảnh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều? Vị ĐBQH đề nghị rút kinh nghiệm từ những hạn chế của tuyến BRT hiện tại nếu tiếp tục thi công các tuyến đường khác.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết thành phố đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung Thủ đô. 4 tuyến được bổ sung nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, tổng chiều dài 550 km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường không và tương lai cả đường thủy.

TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04 năm 2017 với mục tiêu hạn chế xe máy ở các quận vào năm 2030. Tuy nhiên, sau 7 năm, việc thực thi nghị quyết đang gặp khó do tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn thấp. Các nghiên cứu cho thấy chỉ khi tỉ lệ vận tải phương tiện công cộng đạt 30-50% mới có thể tính đến việc hạn chế xe máy. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Hà Nội hiện mới đạt 19,5%.

Theo ông Tuấn, nếu Hà Nội hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng 400 km đường sắt đến 2035 thì việc hạn chế xe máy mới khả thi.

Ông Tuấn cho biết BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Theo quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016, thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng tuyến BRT này tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương làm đường ưu tiên.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Tuyến BRT số 01 Kim Mã-Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12-2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỉ đồng/xe.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

CHUẨN BỊ ĐẤU GIÁ “ĐẤT VÀNG” THỦ THIÊM: SÀNG LỌC ĐỂ TRÁNH TÌNH TRẠNG BỎ CỌC

Trong năm 2024 TP.HCM dự kiến sẽ bán đấu giá 4 lô “đất vàng” ( trong tổng số 19 lô) và 3.790 căn hộ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đấu giá đất nâng tầm phát triển đô thị

Vừa qua, Sở Tài Nguyên Môi Trường TP.HCM đã trình dự thảo báo cáo UBND TP về kế hoạch tổ chức công tác đấu giá cho các lô đất tại Khu đô Thị mới Thủ Thiêm. Sở đã và đang tiếp nhận ý kiến để kiện toàn phương án đấu giá trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.

Trong kế hoạch đấu giá năm 2024, TP.HCM dự định đấu giá 4 lô đất trong khu Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư.

Trong đó, 3 lô dành cho dân cư đa chức năng, tập trung phát triển nhà ở, và một phần nhỏ diện tích thương mại dịch vụ. Lô còn lại thuộc Khu chức năng 7 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng. Thời gian chuẩn bị hồ sơ từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2024 và đấu giá dự kiến từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2024.

Tiếp theo vào tháng 9 và tháng 11 năm 2025, thành phố dự kiến sẽ tiếp tục bán đấu giá 7 lô. Đây là các lô đa chức năng, gồm nhà ở, văn phòng, TTTM bán lẻ... Các lô đất tập trung ở Khu chức năng 1 và 3, vị trí chiến lược với kết nối tốt với Cầu Ba Son và tiện ích công cộng hiện hữu.

Năm 2021, cuộc đấu giá không thành công "đất vàng" Thủ Thiêm khi các doanh nghiệp thắng đấu giá ở mức giá cao gấp 7-8 lần giá thị trường, đều lần lượt bỏ cọc. Vụ việc này có tác động tiêu cực đến thị trường thời điểm đó: giá đất phát triển dự án trúng thầu cao hơn nhiều mặt bằng giá thị trường, làm hạn chế khả năng tiếp cận dự án của các chủ đầu tư có tiềm lực và sự quan tâm thực sự.

Cần sàng lọc nhà đầu tư

Bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills Việt Nam, cho rằng việc sàng lọc nhà đầu tư là cần thiết. Vì Nghị định 10 (ngày 03/4/2023) của Chính phủ có quy định điều kiện của tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; trường hợp có 02 công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau thì chỉ được 01 công ty tham gia đấu giá; Phải nộp tiền đặt cọc bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá; đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật liên quan khác.

Do đó, cần cụ thể hóa các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực. Đó là nhà đầu tư có kinh nghiệm, cân nhắc tiêu chí kết quả hoạt động kinh doanh trong những năm gần nhất, thời gian hoạt động của doanh nghiệp, tổng vốn, số lượng dự án bất động sản đã từng thực hiện.

Về khả năng thực hiện dự án, có thể sàng lọc bằng cách thông qua kế hoạch phát triển dự kiến của họ trên khu đất tham gia đấu giá, như điều kiện về chủ sở hữu, kế hoạch thu xếp vốn chi trả tiền sử dụng đất, khả năng huy động vốn phát triển dự án. Nghiên cứu khả thi của phương án kinh doanh.

Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Giang, theo quy định hiện hành có sự khác nhau về tiền đặt trước trong đấu giá tài sản. Theo Luật đấu giá tài sản hiện hành, tại điểm khoản 1 Điều 39, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Trong khi đó, Nghị định 10/2023-NĐ-CP quy định tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước khoản tiền bằng 20% giá khởi điểm, quy định này đã được áp dụng từ 20 tháng 5 năm 2023.

“Tuy nhiên Luật Đất Đai quy định việc đấu thầu theo quy định của Luật Đấu Giá Tài Sản. Do đó, để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi, có thể cân nhắc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10%, thay vì 5% khi đấu giá quyền sử dụng đất”, bà Đỗ Thị Thu Giang nói.

Với kinh nghiệm sẵn có, hiện TP.HCM đã có những bước chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đấu giá sắp tới. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá, như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm…

Nguồn: Thanh Niên; Vietnamnet; Kenh14; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang