Trạm dừng nghỉ trên cao tốc; Quy hoạch tuần qua; Hoang tàn dự án 300 triệu USD; NƠXH tại Lâm Đồng 'bê bết' tiến độ

QUY CHUẨN XÂY DỰNG TRẠM DỪNG NGHỈ TRÊN CAO TỐC

Theo quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ trên cao tốc chia làm bốn loại và các hạng mục công trình bắt buộc phải có diện tích tối thiểu là 10.000 m2, 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 09/2024 sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ.

Nói về trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ GTVT nhấn mạnh, trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.

Hệ thống trạm dừng nghỉ phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp trước 1/1/2027.

Theo quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ đường bộ chia làm bốn loại và các hạng mục công trình bắt buộc phải có diện tích tối thiểu là 10.000 m2, 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2, trong đó diện tích dành cho khu đậu xe chiếm 50% diện tích tối thiểu của trạm.

Bộ GTVT cho biết, các trạm dừng nghỉ trên cao tốc phải có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô; trạm cấp nhiên liệu; khu vệ sinh, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Về diện tích các trạm dừng nghỉ, Thông tư mới này quy định, diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25 m2.

Cùng đó, trạm dừng nghỉ có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25 m2 theo QCVN 07:2010/BXD.

Đường lưu thông trong trạm dừng nghỉ phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp (nhưng bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10 m tính theo tim đường) được quy định tại QCVN 07:2010/BXD để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực trạm dừng nghỉ.

Thông tư 09/2024 cũng bổ sung một số điểm mới như: Bổ sung khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện; trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng... Sửa đổi quy định về điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường bộ phải được thực hiện theo quy định.

Ngoài ra Thông tư 09/2024/TT-BGTVT cũng sửa đổi quy định về điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường bộ phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Trước đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam Lê Kim Thành đã cùng các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án đã mời thầu trên mạng đấu thầu quốc gia 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Dự kiến, đến ngày 20/5 tới đây, việc mở thầu đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ được thực hiện và đến ngày 15/6/2024 sẽ ký hợp đồng với các nhà đầu tư.

Với các trạm dừng nghỉ còn lại, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về việc ban hành thông tư rút gọn theo quy trình rút gọn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư hướng dẫn theo trình tự rút gọn để kịp thời triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư.

"Vụ Pháp chế phối hợp để thời gian lựa chọn nhà đầu tư phải ngắn nhất có thể, việc tổ chức đấu thầu làm nghiêm túc và làm thật nhanh quy trình", Bộ trưởng Thắng chỉ đạo.

Bộ trưởng Thắng cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án đang quản lý các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 trên cơ sở các vị trí trạm dừng nghỉ đã được quy hoạch, nghiên cứu phương án làm một số điểm dừng nghỉ tạm, có thể làm trước khu vực nhà vệ sinh, đáp ứng nhu cầu người dân lưu thông trên tuyến.

THÔNG TIN QUY HOẠCH TUẦN QUA (6/4 - 12/4): CHI 55.000 TỶ ĐỒNG MỞ 5 TUYẾN CAO TỐC, CUỐI NĂM KHỞI CÔNG CẦU VƯỢT SÔNG HỒNG

Đề xuất chi 55.000 tỷ đồng ngay mở rộng 5 tuyến cao tốc; xây thêm đơn nguyên hầm Đèo Ngang và hai cầu trên tuyến QL 1 qua Quảng Bình; cầu Thượng Cát vượt sông Hồng sẽ khởi công vào cuối năm... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Đề xuất chi 55.000 tỷ đồng ngay mở rộng 5 tuyến cao tốc

Theo VnEpress, ngày 9/4, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án chia cao tốc phân kỳ thành 4 nhóm theo mức độ ưu tiên nâng cấp.

Trong đó, nhóm 1 gồm 5 tuyến cao tốc cần nâng cấp, mở rộng ngay gồm đoạn La Sơn - Hòa Liên (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng) dài 66 km, đang khai thác quy mô 2 làn xe; đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km, quy mô 4 làn xe hạn chế; đoạn Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) dài 98 km đang khai thác quy mô 2 làn xe.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, đang khai thác 4 làn xe hạn chế; đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26 km đang khai thác quy mô 2 làn xe.

Tổng mức đầu tư nâng cấp 5 dự án trong nhóm 1 dự kiến là 55.318 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 15.034 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 40.284 tỷ đồng.

Xem chi tiết 4 nhóm cao tốc TẠI ĐÂY.

Một quận của Hải Phòng sắp mở rộng gấp ba lần

Sáng 11/4 vừa diễn ra kỳ họp thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp, thành lập các phường thuộc quận này.

Quận Hồng Bàng sẽ tiếp nhận nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số ba xã An Hồng, An Hưng, Đại Bản thuộc huyện An Dương về quản lý. Thành lập ba phường An Hồng, An Hưng, Đại Bản trên cơ sở nguyên trạng ba xã An Hồng, An Hưng và Đại Bản. Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số các phường Hạ Lý và phường Trại Chuối vào phường Thượng Lý.

Sau khi hoàn thành, quận Hồng Bàng sẽ gồm 10 phường trực thuộc, diện tích quận sẽ tăng từ 14,4 km2 lên 39,9 km2, gấp gần ba lần.

Cầu Thượng Cát vượt sông Hồng sẽ khởi công vào cuối năm

Bộ TN&MT vừa qua đã có văn bản liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.

Dự án này có điểm đầu nằm đường Kỳ Vũ, (điểm cuối đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL 32); điểm cuối giao cắt QL 23B tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tổng chiều dài của dự án này khoảng 5,4 km.

Dự án thành phần 2 cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư 7.371 tỷ đồng. Sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Hà Nội dự kiến cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu được khởi công vào quý IV/2024 và vận hành năm 2028 sau 4 năm thi công.

Hà Nam làm đường song hành vành đai 5 qua 4 huyện và thành phố

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng (UBND tỉnh Hà Nam) đã công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) đường song hành đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với QL 21B đến nút giao với đường Lê Công Thanh giai đoạn 3 (đường 68 m) và một bên đoạn từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,43 km thuộc địa phận các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Phủ Lý và Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Về tiến độ, dự án được xây dựng từ cuối quý I/2023 - quý IV/2025. Thời gian hoàn thành dự án đến hết quý IV/2025. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.450 tỷ đồng.

Mở rộng hầm Đèo Ngang và hai cầu trên tuyến QL 1 qua Quảng Bình

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nâng cấp, cải tạo một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (cầu Xương Giang , cầu Gianh, cầu Quán Hàu và hầm Đèo Ngang).

Theo đó, cầu Gianh (bắc qua sông Gianh); cầu Quán Hàu (bắc qua sông Nhật Lệ); hầm Đèo Ngang nằm tại xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ba công trình này sẽ được mở rộng lên gấp đôi.

Về tiến độ, thời gian thực hiện của toàn bộ dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2025, với tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.

Huế sắp xong cầu mới vượt sông Hương

Ngày 6/4 tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thi công đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương .

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương do tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng vốn 2.281 tỷ từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đến nay, dự án đã hoàn thành các mố trụ đang tiến hành lắp vòm cầu, dự kiến đến tháng 8/2024 lắp vòm cầu xong, đến tháng 12/2024 có thể thông xe kỹ thuật nối hai bên bờ Bắc Nam và có thể vượt tiến độ.

Doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất xây ba tuyến tàu điện ở Hà Nội

Theo VnExpress, tại hội thảo khoa học về đường sắt đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị ngày 11/4, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Giao thông thông minh đường sắt Hồ Nam, Trung Quốc (HUNAN CRRC) đề xuất đầu tư ba tuyến tàu điện không ray (ART) tại Hà Nội.

Tuyến số 1 dài 30 km từ Trung tâm Hội nghị quốc gia đến Đại học Quốc gia Hà Nội chạy trên dải phân cách giữa đại lộ Thăng Long. Tuyến số 2 dài 6,3 km từ công viên Thiên đường Bảo Sơn đến Nhổn. Tuyến số 3 dài 10 km từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm chạy trên dải phân cách giữa.

HOANG TÀN DỰ ÁN 300 TRIỆU USD SAU 15 NĂM

Dự án lấn biển Đà Nẵng có vốn đầu tư hơn 300 triệu USD được kỳ vọng rất lớn nhưng 15 năm sau là cảnh hoang tàn, dân mua nhà đang "sống chui" trong chính nhà mình.

Năm 2005, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương triển khai dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước (Khu đô thị quốc tế Đa Phước), thuộc quận Hải Châu và quận Thanh Khê, tống vốn phê duyệt đầu tư hơn 300 triệu USD. Dự án do Công ty Daewon Cantavil làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho các doanh nghiệp của Phan Văn Anh (Vũ “nhôm”). Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án này được chia thành 2 dự án, gồm Khu đô thị quốc tế Đa Phước (181ha - nay là The Sunrise Bay) và Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (29ha - nay là Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước).

Năm 2015, dự án chuyển nhượng cho Công ty xây dựng 79 và công ty này tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Đa Phước. Tại dự án 29ha, Công ty Đa Phước đã bán một phần các căn hộ và đưa gần 200 hộ dân vào ở. Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra đã chỉ ra loạt sai phạm tại dự án này nên những hạng mục xây dựng dở dang phải dừng lại.

Ghi nhận của PV VTC News, sau 15 năm, từ dự án được kỳ vọng rất lớn, đến nay toàn khu vực chỉ là cảnh hoang tàn. Những dãy nhà xây dựng dang dở bỏ mặc mưa nắng tàn phá theo thời gian, nhiều khu vực cỏ cây mọc thành rừng.

Liên quan sai phạm tại dự án này, năm 2020, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên yêu cầu UBND TP Đà Nẵng thu hồi toàn bộ dự án 29ha tại khu Đa Phước (nay là Khu đô thị mới Đa Phước). Tại khu dự án này có gần 200 hộ dân mua nhà, đất và đến sinh sống nhưng không được cấp sổ đỏ vì sai phạm của chủ đầu tư. Các hộ dân hiện chịu cảnh “sống chui” trong chính ngôi nhà của mình vì không được cấp sổ đỏ nên gặp khó trong đăng ký hộ khẩu, các loại giấy tờ phục vụ cho cuộc sống, con cái học hành, điện nước.

Thời gian qua, đại diện cho gần 200 hộ dân đang sinh sống tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã có đơn kêu cứu, kiến nghị nhiều bộ, ngành. Đà Nẵng cũng có nhiều kiến nghị Trung ương đề xuất thực hiện các giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển. Trong đó, kiến nghị cho phép không thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước và dự án The Sunrise Bay. Tuy nhiên, đến nay việc gỡ khó cho dự án vẫn chưa có kết quả.

Việc gỡ khó cho dự án vẫn chưa có kết quả cuối cùng nên các hộ dân sống trong khu vực vẫn luôn trong cảnh thấp thỏm lo âu, còn những hạng mục công trình xây dựng phải tạm dừng giờ trở thành những khối nhà hoang, xuống cấp, cỏ cây phủ khắp.

NHIỀU DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI LÂM ĐẦM ‘BÊ BẾT’ TIẾN ĐỘ

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Lâm Đồng có tiến độ “rùa bò” vì chậm thẩm định giá đất, chậm xác định phạm vi ranh giới, chậm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ì ạch

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, tính đến hiện tại, tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án nhà ở xã hội Khu quy hoạch 5B - CC5 (phường 3 và 4, TP. Đà Lạt) chậm hơn 80 ngày so với lộ trình đã được UBND tỉnh thống nhất; tiến độ thu hồi đất chậm khoảng 170 ngày.

Đối với Dự án Nhà ở xã hội Kim Đồng (phường 6, TP. Đà Lạt), tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chậm khoảng 150 ngày; tiến độ thu hồi đất cũng chậm khoảng 170 ngày.

Tương tự, tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà ở xã hội Sào Nam (phường 11, TP. Đà Lạt) chậm gần 130 ngày; tiến độ thu hồi đất của dự án này cũng chậm khoảng 170 ngày.

Không chỉ ì ạch tiến độ, công tác xác định ranh giới, định giá đất tại các dự án nhà ở xã hội tại Lâm Đồng cũng đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Báo cáo số 497/BC-QLĐT ngày 15/3/2024 của Phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt, thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP. Đà Lạt chưa đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất. Hiện nay, cơ quan tài nguyên và môi trường cũng chưa lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Báo cáo số 63/BC-STNMT ngày 24/1/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường, liên quan chấp thuận phạm vi ranh giới, diện tích thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, đã nêu rõ: “Theo quy định tại Luật Đất đai và bộ thủ tục hồ sơ do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh ban hành thì không có quy định phải lập văn bản kèm bản đồ chấp thuận vị trí, ranh giới, diện tích đất để triển khai thực hiện dự án”.

Do đó, đến nay, Dự án Nhà ở xã hội Kim Đồng chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận phạm vi ranh giới thực hiện dự án. Vì vậy, UBND TP. Đà Lạt chưa có cơ sở ban hành thông báo thu hồi đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo quy định tại khoản 6, Điều 108, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, thì Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và giao cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện là bên mời thầu.

Thực hiện quy định trên, sau khi có 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà ở xã hội Khu quy hoạch 5B - CC5 tại Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 12/35/2023.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm không tham gia dự thầu. Trong khi đó, nhà đầu tư tham gia dự thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. “Vì vậy, dù đã mất nhiều thời gian tổ chức mời thầu, nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt kết quả đấu thầu, chưa lựa chọn được nhà đầu tư”, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho hay.

Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm

Thực tế, thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục có văn bản đốc thúc tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Song, tình hình triển khai trên thực tế vẫn khá chậm, chưa đạt lộ trình đặt ra.

Mới đây nhất, ngày 27/3/2024, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND TP. Đà Lạt, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện các hồ sơ, thủ tục (về đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng…) liên quan đến các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn; đồng thời, chủ động hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (trong định giá đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục thu hồi đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…) theo thẩm quyền, để đảm bảo khởi công nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đà Lạt trong năm 2024.

Sở Xây dựng cho biết, đã đề xuất UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND TP. Đà Lạt thực hiện công tác định giá đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phạm vi ranh giới thực hiện Dự án Nhà ở xã hội Kim Đồng.

Đối với công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh phương thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư sau khi tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi cho biết đã nộp hồ sơ dự thầu Dự án Nhà ở xã hội Khu quy hoạch 5B-CC5, phường 3 và 4, TP. Đà Lạt theo đúng quy định.

“Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc và gửi công văn tới đơn vị mời thầu, nhưng tính đến ngày 4/3, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. Ngày 28/3/2024, một tờ báo đăng tin, đối với dự án trên, nhà thầu tham gia đấu thầu không đáp ứng hồ sơ mời thầu. Chúng tôi là nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu dự án trên. Theo chúng tôi nghiên cứu thì hồ sơ dự thầu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với hồ sơ mời thầu. Để đảm bảo quy định của pháp luật, công bằng, minh bạch, khách quan quyền lợi của nhà đầu, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng làm rõ hồ sơ dự thầu của chúng tôi không đạt ở điểm nào, tạo cơ hội cho chúng tôi giải trình, làm rõ hồ sơ, tránh trường hợp khiếu kiện sau này”, ông Dũng kiến nghị.

Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho biết, UBND tỉnh đã tiếp nhận kiến nghị này và chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đà Lạt xem xét trả lời.

Nguồn: Dân Việt; Vietnammoi; CafeF; Báo Đầu Tư

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang