Truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Bán 5 triệu tín chỉ carbon rừng; Dự án 'đất vàng' liên tiếp vỡ tiến độ; 'Nỗi oan' NĐT khi NƠXH chậm tiến độ

DOANH NGHIỆP LO LẮNG VÌ QUY ĐỊNH TRUY XUẤT NGUỒN GỐC HÀNG HÓA

Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp liên quan đến quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo Thông tư 02/2024 của Bộ KH-CN, có hiệu lực từ ngày 1.6 tới.

Doanh nghiệp lo tăng chi phí

Cụ thể, Thông tư 02 quy định: Hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải bao gồm tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn); thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - TCĐLCL), cho biết mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. Cổng thông tin quốc gia sẽ đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN). Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, khảo sát của PV Thanh Niên đối với một số DN, việc áp dụng thông tư này còn khá mới và lạ lẫm, thậm chí nhiều người còn... chưa biết. Ông Đ.B.L, giám đốc một công ty phân bón tại TP.HCM, chia sẻ: "Thật ra trên thị trường cũng như trong khâu sản xuất hiện nay, các DN đều tuân thủ các luật chuyên ngành về tiêu chuẩn và chất lượng. Ví dụ như ngành dược hay phân bón đều có cơ quan chuyên trách, theo dõi rất chặt chẽ. Các tiêu chí mà Thông tư 02 yêu cầu thậm chí còn quá đơn giản. Chỉ với tiêu chuẩn HACCP thôi cũng phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu so với 10 điều cơ bản của Thông tư này. Như vậy các DN đã làm tốt, làm đầy đủ có cần thiết phải đăng ký, thực hiện lại các giai đoạn này với Bộ KH-CN hay không? Tôi khá băn khoăn và lo rằng sẽ xảy ra chồng chéo quản lý, tăng thêm chi phí cho DN trong bối cảnh đang phải cắt giảm nhân sự hiện nay".

Một DN khác trong lĩnh vực thực phẩm chế biến cũng khẳng định: "DN thực phẩm hiện nay muốn sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng rất nhiều quy định của các cơ quan quản lý, các yêu cầu công bố thông tin trên bao bì sản phẩm cũng đã được thực hiện theo quy định hiện hành. Như vậy việc triển khai đăng ký lại với Cổng thông tin quốc gia có thể sẽ gây mất thời gian cho các DN đang hoạt động nghiêm chỉnh. Nên chăng các cơ quan quản lý cần chủ động tích hợp thông tin đã có sẵn, nếu DN đăng ký thì chỉ cần một mẫu khai báo đơn giản, bởi các yêu cầu này đã được cung cấp, được tổ chức chứng nhận hết rồi".

Đối với những băn khoăn này, đại diện Tổng cục TCĐLCL chia sẻ: "Đến nay, Tổng cục TCĐLCL đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức cổng thông tin. Theo đó, hệ thống này được xây dựng dựa trên khung kiến trúc của Chính phủ điện tử, bảo đảm tính đồng bộ và có thể kết nối với các địa phương, cơ quan, DN. Hạ tầng mới của hệ thống cũng vừa được cập nhật, có thể hỗ trợ hơn 70.000 DN. Bên cạnh đó, Trung tâm mã số mã vạch quốc gia đã thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh/thành phố để bảo đảm tính sẵn sàng của hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc trong việc kết nối, đồng bộ với cổng thông tin. Ngoài ra, Trung tâm mã số mã vạch quốc gia cũng phối hợp với một số bộ, ngành để thực hiện việc kết nối hệ thống quản lý thông tin về truy xuất nguồn gốc của các ngành lĩnh vực có liên quan".

Khó áp dụng với sản phẩm tươi sống

Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa phân tích, hiện nay các mặt hàng chế biến, sản xuất công nghiệp từ các nhà máy đều được quản lý theo chuỗi khá bài bản. Khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, họ có thể truy ngược từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, bằng cách gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm…Vấn đề khó khăn của việc quản lý mã vạch hay QR Code hiện nay tại VN xuất phát từ các loại thực phẩm, nông sản tươi sống.

Đại diện Trung tâm mã số mã vạch quốc gia thừa nhận tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app (ứng dụng trên điện thoại) đang diễn ra khá phổ biến. Hệ thống truy xuất nguồn gốc ở nước ta chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế mà thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ. Điều này dẫn đến quản lý khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau.

Giám đốc nhãn hàng riêng của một hệ thống siêu thị nhận định: "Việc đăng ký và áp dụng mã vạch theo quy định mới của Thông tư 02 có thể dễ với các ngành hàng chế biến hoặc các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Còn đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống thì lâu nay các cơ quan quản lý đã nỗ lực triển khai nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Cụ thể, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên, cạnh tranh tiêu thụ khó khăn. Ví dụ như rau đạt chuẩn Global GAP hay sản xuất theo hướng hữu cơ mà giá bán ngang bằng với giá rau "chưa sạch" thì làm sao cạnh tranh được?".

Tại cuộc hội thảo về phát triển chăn nuôi ngày 10.4 tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia hợp tác phát triển chăn nuôi của Đại sứ quán Đan Mạch tại VN, cũng chia sẻ: "Quy mô của ngành chăn nuôi VN rất lớn, đứng top 10 thế giới, top 5 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng điểm yếu nhất của ngành chính là truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi tiêu thụ. Hình thức giết mổ thủ công, truyền thống vẫn chiếm đa số; trong khi số lò giết mổ tập trung chiếm tỷ lệ thấp. Về mặt thị hiếu, mặc dù nhận thức của người tiêu dùng có tăng lên, nhưng phần lớn vùng quê, nông thôn vẫn mua bán ngoài chợ, vẫn ưa dùng thịt tươi, khó có thể quản lý được nguồn gốc xuất xứ.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều DN và họ đều vò đầu bứt tai nói rằng rất khó khăn. Trong bối cảnh người chăn nuôi phải chịu đựng thua lỗ thế này, làm sao có thể đầu tư tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường? Trong chuỗi liên kết này, DN đóng vai trò là nhà đầu tư, là tổ chức sản xuất, cần nâng cao vị thế và từ đó mới có các chính sách để hỗ trợ DN trong việc tổ chức sản xuất bền vững".

VIỆT NAM SẮP CHUYỂN NHƯỢNG 5,15 TRIỆU TÍN CHỈ CARBON RỪNG

Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.

Việt Nam sắp bán trên 5 triệu tín chỉ carbon rừng

Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 5,15 triệu tấn CO₂) tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây tiếp tục là thông tin tích cực trong việc thương mại hoá tín chỉ carbon rừng của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời, khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent

Ông Lê Văn Thanh - Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng văn kiện để báo cáo với các Bộ ngành và trình Thủ tướng Chính phủ để liên quan đến thương mại hoá nguồn tín chỉ carbon rừng đối với 11 tỉnh. Đó sẽ là tiềm năng rất lớn để có thể triển khai được trong thời gian tới. Liên quan đến việc hướng dẫn, đã có một thông tư Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành là thông tư đo đếm tính toán lượng carbon cho các địa phương, trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động việc đo đếm tính toán lượng hấp thụ phát thải khí nhà kính".

Cuối tháng 3, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của Ngân hàng thế giới. Như vậy, thương mại hoá carbon rừng tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.

Doanh nghiệp trồng rừng để giảm dấu chân carbon

Dấu chân carbon được hiểu là tổng lượng khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có dấu chân carbon và việc hạn chế dấu chân carbon càng nhiều, quá trình sản xuất của doanh nghiệp đó lại càng xanh. Lựa chọn việc trồng rừng, để trung hoà, hấp thụ lượng khí thải nhà kính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.

Sau 5 tháng trở lại vùng bãi bồi rộng khoảng 25 ha, nơi mà doanh nghiệp và địa phương cùng phối hợp khoanh nuôi tái sinh rừng mắm ngập mặn. Những cây mắm đầu tiên đang được sinh trưởng khá tốt.

Anh Nguyễn Văn Sự - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: "Khu vực của Vinamilk có điều kiện cây sinh trưởng phát triển tốt nhất so với những khu vực khác. Như khu vực này mới thực hiện năm đầu tiên của giai đoạn chăn nuôi được 6 năm nhưng rất nhiều cây con đang phát triển tốt".

Theo tính toán của doanh nghiệp, Vinamilk hy vọng trong 6 năm nữa, những cánh rừng mắm là bể hấp thụ từ 17.000 - 20.000 tấn carbon, lượng hấp thụ CO2 này tương đương với lượng phát thải của gần 16.000 chiếc xe ô tô chở khách thải ra mỗi năm.

Ông Lê Hoàng Minh - Trưởng dự án Netzero Vinamilk cho biết thêm: "Chúng tôi đang nỗ lực hình thành những mảng xanh để giúp hấp thụ khí carbon. Việc bảo tồn và phát triển những khu rừng ngập mặn có vai trò quan trọng không thể thiếu, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và trung hòa carbon".

Doanh nghiệp cũng đã khởi động dự án "Trồng cây hướng đến Net Zero" trong 5 năm tới để hình thành nên các cánh rừng Net Zero tại nhiều địa phương. Các dự án trồng rừng đã giúp doanh nghiệp đã có các nhà máy và trang trại đầu tiên đạt trung hòa carbon.

Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng tại Việt Nam, thay vì mua tín chỉ carbon từ nước ngoài, họ đang mong muốn công nhận kết quả giảm phát thải từ dự án trồng rừng của họ

Bà Đỗ Hoàng Anh - Giám đốc Pháp lý và Quan hệ Đối ngoại, Công ty BAT Việt Nam nhận định: "Quan tâm đến những điều kiện, quy định cho phép chúng tôi có thể công nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ dự án trồng rừng để bù đắp cho lượng carbon phát sinh từ các hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho chúng tôi cũng như các công ty đang có dự án trồng rừng sạch tiếp tục đầu tư hơn nữa vào những dự án bảo vệ, mở rộng diện tích trồng rừng Việt Nam.".

Cục Lâm nghiệp tính toán dựa trên tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon và diện tích rừng hiện nay nhận định, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng với đơn giá 5 USD/tín chỉ.

DỰ ÁN 'ĐẤT VÀNG' LIÊN TỤC VỠ TIẾN ĐỘ

Dự án Tổ hợp nhà ở và văn phòng (tên thương mại Miracle Tower) tại số 8 Nguyên Hồng (Đống Đa) của Công ty Cổ phần in 15 liên tục vỡ tiến độ, dù trước đó được gia hạn đến quý IV/2022 phải hoàn thành.

Liên tiếp vỡ tiến độ

Dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng (Miracle Tower) tại số 8 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty cổ phần In 15 làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2017.

Theo đó, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 2.533 m2 bao gồm 1 công trình cao 12 tầng + 3 tầng hầm (trong đó tầng 1 chức năng văn phòng, thương mại, sinh hoạt cộng đồng; tầng 2-12 chức năng căn hộ với tổng số 110 căn) và 5 nhà thấp tầng, quy mô dân số 350 người với tổng vốn đầu tư gần 183 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ quý I/2017-quý III/2019. Tuy nhiên thời điểm đó, dự án "quây tôn" bỏ hoang . Đến tháng 5/2019, UBND TP có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trong đó, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ quý II/2020 đến quý IV/2022 phải hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng. Thế nhưng theo ghi nhận của PV đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng, công nhân đang hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại.

Được biết, dự án cũng đang được môi giới chào bán các căn hộ chung cư với giá từ 110-150 triệu đồng/m2.

Trong vai có nhu cầu mua căn hộ tại dự án, PV được môi giới mời chào: "Dự án là căn hộ duy nhất trên đường Nguyên Hồng bên hồ Thành Công, được quản lý bởi tập đoàn khách sạn 5* Silk Path. Dự án gồm 110 căn hộ với diện tích từ 57m2, 73m2, 82 m2. Giá giao động từ 120-150 triệu đồng/m2. Nếu anh có nhu cầu mua sẽ ký hợp đồng cọc trước 300 triệu đồng, sau 10 ngày ký hợp đồng mua bán. Dự kiến bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 7/2024”.

Đất trụ sở thành dự án tổ hợp nhà ở

Được biết, dự án Miracle Tower tại số 8 Nguyên Hồng có nguồn gốc là đất cơ quan. Trước đây là trụ sở của Công ty cổ phần In 15.

Năm 2005, Công ty Cổ phần in 15 được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.533 m2 đất tại số 8 Nguyên Hồng, với chức năng đất cơ quan.

Đến năm 2011, UBND TP Hà Nội có quyết định số 3500 phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất tại ô quy hoạch ký hiệu 22 trong Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa - tỷ lệ 1/2000, số 8 Nguyên Hồng.

Theo đó, điều chỉnh chức năng sử dụng đất tại khu đất do Công ty cổ phần In 15 đang quản lý sử dụng thuộc ô quy hoạch ký hiệu 22 từ đất cơ quan sang đất hỗn hợp, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở.

Đến ngày 15/3/2019, UBND TP Hà Nội có quyết định cho phép Công ty cổ phần In 15 chuyển mục đích sử dụng 2.533m2 đất tại số 8 Nguyên Hồng để thực hiện Dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng .

Trong đó, 539,7m2 để xây dựng 5 nhà ở thấp tầng; 855m2 đất để xây dựng tòa nhà hỗn hợp cao 12 tầng làm văn phòng, thương mại, nhà ở. Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài; 193m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, giao Công ty cổ phần In 15 làm đường, sau khi hoàn thành xây dựng bàn giao cho cơ quan quản lý; 945m2 đất còn lại là đất làm sân, đường giao thông, cây xanh…

Liên quan dự án này, ngày 14/9/2020 Văn phòng đăng ký đất đai – Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội có thông báo về danh sách Chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất tại số 8 Nguyên Hồng.

Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã thực hiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán thuộc Tổ hợp nhà ở và văn phòng tại số 8 Nguyên Hồng do Công ty cổ phần In 15 làm chủ đầu tư đăng ký thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Láng Hạ.

LOẠT NHÀ Ở XÃ HỘI Ì ẠCH: CHỦ ĐẦU TƯ BỊ OAN?

Sau khi đăng tải bài viết “Hà Nội: Loạt nhà ở xã hội ‘ì ạch’”, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều phản hồi từ các chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý về những vướng mắc trong quá trình triển khai loại hình nhà ở này.

Vì sao nên nỗi?

Đại diện chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại phía Tây Hà Nội cho hay, nhiều năm nay không thể triển khai do gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư. Ngoài ra, chủ trương ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội là được miễn tiền sử dụng đất, nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu phải xác định tiền thuê đất, doanh nghiệp phải nộp trước rồi mới làm thủ tục khấu trừ sau này. Trong khi đó, theo Luật Nhà ở 2014, các địa phương sẽ hỗ trợ 50% tiền thu hồi đất làm nhà ở xã hội, nhưng đến nay chưa địa phương nào thực hiện.

Chưa kể, khi thực hiện giao đất thủ tục còn rườm rà và xuất hiện tình trạng một số cơ quan, ban ngành sợ trách nhiệm, không dám làm. Chẳng hạn, Hà Nội được giao phê duyệt quy hoạch cho 1 dự án, thẩm quyền được giao xuống cho quận, nhưng trước khi ký phê duyệt, quận vẫn báo cáo Thành phố, xin ý kiến liên ngành, rồi Thành phố lại gửi các sở, các sở lại gửi các phòng, ban…, “vòng luẩn quẩn” này vừa kéo dài thời gian triển khai dự án, vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Còn theo chia sẻ từ Him Lam Group, 1 trong 2 liên danh chủ đầu tư dự án Him Lam Thượng Thanh (cùng với BIC Group), dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, dự kiến thời gian thi công xây dựng và hoàn thành toàn bộ từ quý III/2018 đến quý II/2021, nhưng tới nay vẫn chưa được giao đất để triển khai.

Tại Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 23/2/2023 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến triển khai 50 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với diện tích sàn hơn 3,23 triệu m2, trong đó 22 dự án với khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở có khả năng hoàn thành trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, trên thực tế, gần 1 năm nay, ngoài duy nhất dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được triển khai và mở bán chính thức, toàn Thành phố cũng chỉ có thêm dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng của Tập đoàn Hòa Bình được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023, song việc giao đất cũng chưa được triển khai.

Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị mới Hạ Đình nằm trên địa bàn xã Tân Triều của Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweico) với tên thương mại UDIC Eco Tower Hạ Đình, dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500, nhưng theo Kết luận Thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội, do chưa bố trí được quỹ đất tái định cư để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng dự án nên tới nay vẫn chưa thể khởi công.

Trong báo cáo gần đây gửi Chính phủ liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu về nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra là do Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Đây là nhiệm vụ mới và khó, do đó đề xuất nhu cầu phát triển nhà ở của Thành phố chưa sát với thực tế, chưa lường hết được các khó khăn, thách thức phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Thêm vào đó, các chính sách, văn bản pháp luật còn chưa theo kịp thực tiễn; các khu nhà ở xã hội tập trung triển khai chậm do vướng cơ chế; việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện...

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Luật Nhà ở hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành yêu cầu tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội, quy định này dẫn đến việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, mà chưa bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.

Chưa kể, khi bắt buộc tất cả các dự án phải dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương... cũng có thể dẫn đến việc quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai và làm tăng giá nhà ở.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ (dưới 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I), việc dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là không khả thi do không đủ diện tích tối thiểu để đầu tư được một khối nhà ở xã hội độc lập đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc, cảnh quan chung của dự án...

Trong khi đó, một số dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, tuy đã xác định được quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư vẫn chậm triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại đã được Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng nguồn tiền này chưa được tách thành mục riêng dùng để phát triển nhà ở xã hội khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án.

Gỡ vướng cần triệt để

Thực tế cho thấy, phát triển nhà ở xã hội không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết hiện nay, mà còn lan tỏa “sức nóng” tới các phân khúc bất động sản khác, giúp thị trường hồi phục nhanh hơn.

Trong đó, Luật Nhà ở 2023 quy định việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương vừa giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, vừa có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ nhu cầu của người dân, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất phù hợp.

Dù vậy, vấn đề là thời điểm áp dụng các quy định này còn phụ thuộc vào thời gian ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, mà như chia sẻ gần đây của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, vẫn đang trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến của các bộ/ban/ngành có liên quan, đồng thời cũng cần thời gian để các địa phương nắm bắt và thực thi.

Tại cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo Chính phủ mới đây, ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, việc phát triển nhà ở xã hội rất quan trọng nên UBND Thành phố đã thống nhất báo cáo với Thành ủy Hà Nội để ban hành một nghị quyết và có một chương trình tổ chức triển khai cho toàn hệ thống chính trị.

Mặt khác, hiện nay, việc phát triển một dự án đầu tư còn phức tạp, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo Chính phủ quy định riêng để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian so với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, đồng thời kiến nghị các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, phải chuẩn bị một quỹ đất đầy đủ. Quỹ đất này được xác định theo Luật Nhà ở 2023, được xác định trong quỹ đất 20% của các khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tại, Thành phố đã bố trí quỹ đất trên 400 ha, nhưng với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội hiện hành, Hà Nội tiếp cận 5 dự án và nhận thấy các điều kiện vay còn rất cao. Do đó, hệ thống ngân hàng thương mại cần đồng hành với Chính phủ, với chính quyền địa phương và các chủ đầu tư, bám sát chương trình, linh hoạt xử lý, tránh trường hợp lãi suất cho vay ưu đãi không theo kịp đà giảm lãi suất thực tế.

Nguồn: Thanh Niên; Soha; CafeF; Tin Nhanh Chứng Khoán

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang