Loạt dự án vừa tăng tốc đã tắc; Vụ hủy hoại đất rừng phòng hộ; Thách thức khi xây 2 đập trên sông Hồng; Xử vụ Đỗ Hữu Ca

HÀNG LOẠT DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM VỪA TĂNG TỐC ĐÃ 'TẮC'

Dù vận dụng rất nhiều cách làm mới, áp dụng cơ chế đặc thù, song nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM vẫn rơi vào tình trạng đang bứt tốc… lại vướng.

Vẫn là "nút thắt" mặt bằng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) TP.HCM vừa gửi văn bản tới UBND TP.HCM kiến nghị kịp thời gỡ khó cho công tác bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án xây dựng mở rộng QL50 (H.Bình Chánh).

Dự án mở rộng QL 50 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, khởi công năm 2022, nằm trong danh sách công trình trọng điểm, cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng của khu Nam TP.HCM. Công trình bắt đầu từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh đến giáp tỉnh Long An, dài gần 7 km. Trong đó, hơn 4 km làm tuyến mới song hành QL 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu từ 7 m lên 34 m, 6 làn xe.

Theo TCIP, hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương thi công để thông tuyến đoạn song hành trong năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo tiến độ thực hiện hợp đồng, cũng như chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.

Trên tuyến song hành được triển khai trước với 4 gói thầu xây lắp, đến nay nhiều đoạn đã thành hình, giữ đúng tiến độ. Tuy nhiên, đoạn qua khu dân cư Gia Hòa có 3 căn nhà chắn nửa mặt đường, do DN tư nhân xây dựng và kinh doanh nhà Gia Hòa quản lý chưa hoàn thành bồi thường cho người dân. Một vị trí khác qua khu dân cư Phong Phú 4, đoạn giáp đường Trịnh Quang Nghị cũng còn 8 căn nhà chắn toàn bộ mặt đường, do Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc quản lý chưa hoàn tất đền bù. Phía chủ đầu tư nhận định 2 đoạn bị vướng mặt bằng này có nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, dự kiến việc bàn giao sẽ kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ toàn dự án.

Đáng nói, thời điểm khởi công dự án vào cuối năm 2022, hơn 80% diện tích mặt bằng đã được bàn giao. Tuy nhiên, theo UBND H.Bình Chánh, những trường hợp còn lại do quá trình bồi thường gặp khó khăn vướng mắc pháp lý, thủ tục thu hồi đất.

Mới đây, UBND H.Bình Chánh đã tiếp tục bàn giao hồ sơ 21 trường hợp cho chủ đầu tư và cam kết sẽ hoàn thành giao 100% "đất sạch" trong tháng 5 để Ban Giao thông tiếp tục thi công.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH bất động sản Nguyên Phương cùng TCIP đẩy nhanh tiến độ thi công đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD), TP.Thủ Đức. Tuyến đường này có tổng mức đầu tư 869 tỉ đồng, khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên, dự án bị vướng mặt bằng cũng như thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT nên gần 6 năm khởi công mới hoàn thiện và thông xe đoạn từ nút giao An Phú (đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp) dài gần 2,8 km. Đoạn 2 (từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2) hiện nay chủ đầu tư chưa có mặt bằng sạch và vẫn đang chờ UBND TP.Thủ Đức giao đất để thi công.

Trong khi đó, Vành đai 3 là dự án lớn nhất, trọng điểm nhất của TP.HCM chưa giải quyết xong vấn đề thiếu cát, thiếu vật liệu xây dựng đã phát sinh thêm khó khăn trong công tác xử lý đất nền tại một số gói thầu, "dọa" đẩy dự án lùi đích thêm gần 1 năm.

Riêng với dự án đường Vành đai 3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, cho biết: Với hạng mục đường trên cao, có thể yên tâm do không phụ thuộc nhiều vào bổ sung nguồn cát vật liệu xây dựng. UBND TP đã có chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tập trung trong tháng 4 này sẽ cung cấp lượng cát nhiều hơn cho dự án. Phía Tổ công tác của Chính phủ cũng có giải pháp căn cơ hơn cho các mốc tiến độ giai đoạn tiếp theo. Nhìn chung, mọi vướng mắc đều đã có giải pháp khả thi và tiến độ Vành đai 3 đang trong tầm kiểm soát.

Mặc dù vậy, ông Lương Minh Phúc cũng thừa nhận ngoài bài toán vốn, công tác phối hợp triển khai thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn đang là thách thức lớn đối với các dự án trọng điểm của TP. Phía nhà thầu, chủ đầu tư trong tâm thế sẵn sàng thi công, có mặt bằng tới đâu, thi công cuốn chiếu tới đó nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ giao đất của địa phương.

Giao mốc tiến độ, phải đi cùng chế tài

Năm nay, áp lực giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM rất lớn, lên tới 79.263 tỉ đồng, chiếm phần lớn là các công trình hạ tầng giao thông.

Để đạt mục tiêu này, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục dự án, áp dụng nhiều cách làm mới, vận dụng triệt để cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để các dự án giao thông thật sự được "phá rào". Thế nhưng, câu chuyện những dự án nêu trên cho thấy, đảm bảo các công trình giao thông về đích đúng tiến độ là hành trình không hề dễ dàng.

Ông Đ.T, đại diện một đơn vị đang làm chủ đầu tư một số dự án lớn, chia sẻ: Làm các công trình giao thông muốn tăng tốc thì buộc phải có sự vận động, thay đổi từ tất cả các khâu. Ví dụ, theo quy định, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi là không quá 40 ngày nhưng lại tính từ ngày đơn vị thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, thực tế có tình trạng các đơn vị trả hồ sơ hoặc chuyển lấy ý kiến nhiều nơi, sau đó lại chủ đầu tư đi tổng hợp ý kiến giải trình, rồi ký lại tờ trình. Lúc ấy mới tính lại thời gian từ ngày nhận tờ trình hoàn chỉnh. Nên nếu hồ sơ sai sót, thời gian xử lý rất dài, có khi mất cả nửa năm. Vì thế, các đơn vị thẩm định hồ sơ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm khi xử lý, kịp thời hướng dẫn rõ ràng, mạch lạc về các nội dung tồn tại để bên trình hồ sơ có thể hoàn thiện nhanh nhất.

Cùng với đó, các cấp thẩm quyền cần tăng tính "chủ động" khi xử lý công việc. Không chờ đợi cấp dưới trình hồ sơ lên hay báo cáo vướng mắc mới xử lý, mà cần chủ động nắm bắt, "đoán bệnh" từ xa để giúp cơ sở xử lý công việc kịp thời, nhanh chóng.

Đồng tình, TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét: TP từng nhiều lần quyết liệt yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần dứt điểm xử lý các công việc để mỗi dự án chạy nhanh, với khẩu hiệu "ai không làm, làm chậm sẽ bị thế chỗ". Song, thực tế các dự án vẫn nối đuôi nhau chậm tiến độ, trong khi chưa trường hợp các bộ nào bị thay thế hay phê bình, khiển trách cá nhân. Việc các dự án giao thông ở TP.HCM nói riêng cũng như trên cả nước nói chung thường có "điệp khúc" chậm tiến độ, theo ông Hùng, gốc rễ là từ cơ chế. Các chính sách, luật hiện nay có nhiều nhưng triển khai cụ thể thì lại chồng chéo, giẫm chân nhau.

"Nếu người đứng đầu TP đã quyết tâm, coi một dự án là cấp bách, phải làm đúng tiến độ thì giao trách nhiệm cho một cá nhân/đơn vị làm tổng phụ trách chung cho dự án. Cá nhân/đơn vị này phải có đủ quyền để điều phối, liên kết, giải quyết những vướng mắc từ tất cả các khâu. Mốc tiến độ đã giao, đã cam kết thì cứ đúng thế mà làm. Làm không được thì kỷ luật, kỷ luật từ cấp dưới tới cấp trên, gắn với thi đua. Quyết tâm làm thật mạnh tay thì việc gì cũng sẽ chạy nhanh", TS Dương Như Hùng nêu ý kiến.

BAO GIỜ MỚI XỬ LÝ DỨT ĐIỂM VỤ HỦY HOẠI ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ Ở SÓC SƠN?

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng xác định, diện tích đất bị khai thác là gần 9.500 m2, khối lượng đất đã khai thác hơn 25.500 m3.

Theo khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chức năng và nhiệm vụ mà rừng phòng hộ đem lại thì cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức không nhỏ từ sự tàn phá do nhu cầu phát triển kinh tế và sự tác động của con người.

Cụ thể, thời gian qua tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội liên tục xảy liên tục xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên đất (thuộc đất rừng) để vận chuyển ra ngoài khu vực.

“Trên nóng”

Trước tình hình trên, ngày 07/02/2024, UBND huyện đã có Văn bản số 318/UBND-TNMT do ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ.

Văn bản nêu rõ: Trong thời gian từ ngày 21/01 đến ngày 03/2/2024, tại khu vực đồi Truyền Thanh (thôn 2, xã Hồng Kỳ) liên tục xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên đất (thuộc đất rừng) để vận chuyển ra ngoài khu vực. Vi phạm này đã được UBND xã Hồng Kỳ và Công an xã Hồng Kỳ kiểm tra, phát hiện nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, diện tích đất bị khai thác là gần 9.500 m2, khối lượng đất đã khai thác hơn 25.500 m3. Vi phạm này đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, hủy hoại đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường; các phương tiện vận chuyển đất làm hư hỏng nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Hồng Kỳ và các xã lân cận.

UBND huyện phê bình đồng chí Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ để xảy ra việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn, mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để.

Để xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại xã Hồng Kỳ, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm.

Trong quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định của pháp luật.

“Dưới lạnh”

Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân xã quy định rõ:

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn/bản/xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa;

UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc khai thác khoáng sản tại địa phương của mình, nếu để xảy ra hành vi vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, luật cán bộ, công chức hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Quy định là thế, tuy nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 21/01/2024 đến ngày 03/02/2024, các cơ quan chức năng xã Hồng Kỳ đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để dẫn đến việc khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng bảo vệ môi trường tại đồi Truyền thanh, thôn 2.

Có thể thấy, diện tích đất rừng đã bị khai thác là 9.463 m2 và khối lượng đất đã khai thác lên tới 25.542,86 m3. Hiện nay, theo tìm hiểu, mức giá trung bình khoảng 140.000 đồng/ m3. Vậy, với khối lượng đất đã tiêu thụ trái phép, số tiền nhà nước thất thoát không hề nhỏ.

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có buổi trao đổi nhanh với ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, ông cho biết, liên quan đến sự việc trên, xã cũng ra rất nhiều văn bản và hiện nay vẫn đang chờ xử lý…

Đáng chú ý, trước khi ra Văn bản số 318/UBND-TNMT ngày 07/02/2024, UBND huyện Sóc Sơn cũng có Văn bản số 305/UBND-TNMT ngày 06/02/2024 về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, UBND huyện Sóc Sơn đã ra văn bản để thay thế văn bản trước đó 1 ngày (vậy 2 Văn bản trên có gì khác nhau, nội dung này PV sẽ đề cập trong bài viết sau).

Đến nay, đã hơn 2 tháng trôi qua, kể từ khi có Văn bản xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã do UBND huyện Sóc Sơn ban hành nhưng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc trên vẫn chưa ngã ngũ.

CẨN TRỌNG KHI XÂY HAI ĐẬP TRÊN SÔNG HỒNG: SÔNG CHẾT CHƯA CỨU ĐƯỢC ĐÃ CÓ NGUY CƠ XÂM NHẬP MẶN!

Trước đề xuất xây dựng hai đập dâng lớn trên sông Hồng, GS-TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nhận định: “Thay vì hồi sinh dòng sông "chết", nó càng khiến sự ô nhiễm ở hạ lưu tăng lên, trừ khi trên thượng nguồn luôn luôn có một nguồn nước xả xuống dòng sông và chảy đều”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang đề nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng hai đập dâng lớn trên sông Hồng. Theo đề xuất, hai đập dâng sẽ được xây dựng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước và đã nghiệm thu vào năm 2020. Trong Quy hoạch Thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia, Thủ tướng cũng đã đồng ý đưa vào để triển khai.

Sông “chết” không liên quan gì đến việc xây đập

Việc xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng được các chuyên gia của Bộ kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm “sống lại” các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Tuy nhiên, là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xây đập trên sông, GS-TS. Võ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định hai đập dâng trên sông Hồng không thể “hồi sinh” những dòng sông "chết", thậm chí còn gia tăng nguy cơ nước mặn xâm nhập.

“Theo tôi biết, hai đập dâng này trước đây Viện Khoa học Thủy lợi đã đưa ra và đề xuất xây ở trước khu vực Xuân Quan, ngay tại sông Hồng, nay Bộ đề xuất thêm một đập nữa. Mục đích của việc xây đập dâng chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập, chứ không phải toàn dòng sông, giống như là một cái hồ chứa nước, nó chỉ nằm ở khu vực đó. Còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu. Nếu như chúng ta ngăn nước ở trên lại, dòng nước chảy xuống dưới ít có thể sẽ khiến tình trạng ô nhiễm ở hạ lưu tăng do chất thải đổ ra không được dòng nước rửa trôi”, GS. Võ Trọng Hồng cho biết.

Vị chuyên gia cho rằng việc xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng sẽ vô hình trung có tác dụng ngược. “Thay vì hồi sinh dòng sông "chết", nó càng khiến sự ô nhiễm ở hạ lưu tăng lên, trừ khi trên thượng nguồn luôn luôn có một nguồn nước xả xuống dòng sông và chảy đều” – GS. Hồng nói thêm: “Các dòng sông bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng”.

Cũng theo GS. Vũ Trọng Hồng, dòng nước sông Hồng không chỉ để tưới ruộng, cấp nước sinh hoạt, hoặc là nguồn phát điện mà dòng sông này còn phải đảm bảo lượng phù sa để bồi đắp cho đồng bằng sông Hồng. Nếu như mất lượng phù sa này thì đồng bằng sông Hồng dần dần bị sạt lở, tạo cho nguồn nước mặn về phía biển sẽ dâng cao hơn, đã có thời điểm nước mặn đã từng dâng lên đến Thường Tín.

Theo vị chuyên gia, kinh nghiệm của đồng bằng sông Cửu Long, khi sông Mê Kông bị ngăn đã góp phần gây tình trạng xói lở và nước biển dâng cao. Thượng nguồn sông Mê Kông đã phải chứng kiến nhiều cảnh tượng chưa từng thấy khi mực nước xuống thấp nhất trong lịch sử dù đang là mùa mưa. Còn ở hạ nguồn, tình trạng xâm nhập mặn khốc liệt đã và đang đe dọa đồng bằng sông Cửu Long…

Đối mặt với nhiều tác động không mong muốn

Theo GS. Vũ Trọng Hồng, để quyết định làm đập dâng hay không, Bộ NN&PTNT cần xác định đây là đập cố định hay là tạm thời. Bởi nếu xây dựng đập dâng cố định, vốn rất lớn, còn nếu xây dựng tạm thời thì nguồn vốn sẽ giảm đi. Tính chất của đập dâng sẽ quyết định tính khả thi của dự án.

“Việc xây dựng đập dâng không chỉ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước… Đề xuất xây dựng đập dâng này cần phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét là dòng sông Hồng mục tiêu của nó sẽ làm gì? Phải xin ý kiến các Bộ, như vấn đề cấp nước sinh hoạt thì phải hỏi Bộ Xây dựng, hỏi ý kiến dân cư. Ngoài ra, khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, làm cho sinh thái phía hạ lưu thay đổi, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại như khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra…”, GS. Võ Trọng Hồng bày tỏ quan điểm.

Một khía cạnh nữa chưa được nghiên cứu cụ thể, đó là xây hai đập dâng đặt trong bối cảnh Hà Nội đang định hướng quy hoạch lấy sông Hồng làm trục xanh, phát triển đô thị hai bên bờ sông. GS. Võ Trong Hồng phân tích: “Trước đây đã có chuyên gia Hàn Quốc sang nghiên cứu để giúp Hà Nội phát triển đô vị một bên sông Hồng. Người ta nghiên cứu rất lâu nhưng sau đó không đưa ra được, không thể tiếp tục dự án. Vì sao dự án không thực hiện được đấy là điều quan trọng. Tôi cho rằng cái phát triển đô thị hai bên sông, tức là phải lấn ra hai bên ven sông, có thêm các nhà hàng, đường đi... Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ, sông Hồng hiện nay là đường thoát lũ chủ yếu của đồng bằng Bắc bộ. Theo nguyên tắc, Chính phủ phải xác định đường thoát lũ chính là đâu và hai bên bờ sẽ không được xây dựng, không được đụng chạm. Tuy nhiên, hiện nay chưa xác định rõ đâu là đường thoát lũ chính”.

“Bài học kinh nghiệm của sông Đồng Nai là một ví dụ. Trước đây, người ta đổ đất lấn ra hai bên bờ sông Đồng Nai và dòng thoát lũ không thể thoát được. Và như vậy sẽ khiến thu hẹp lại hai bên bờ, tức là khi chúng ta làm cái đập dâng, thì phía thượng lưu được bồi lại nhưng phía hạ lưu hai bên bờ bị xói mòn. Nếu chúng ta làm đập dâng ở Xuân Quang, phía hạ lưu của Xuân Quan sẽ dần dần bị xói mòn. Vì thế theo tôi, muốn làm đô thị ven sông Hồng, đồng thời muốn xây dập dâng thì cần phải khảo sát, xem các hình ảnh vệ tinh, qua trực tiếp đo xem dòng sông có ổn định hay không, nếu không ổn định sẽ rất nguy hiểm”, GS. Võ Trọng Hồng chia sẻ thêm.

Khoảng trống quản lý thủy lợi theo vùng

Trong khi những tác động ngoài ý muốn về việc xây hai đập tại Hà Nội cần được nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, thì việc quản lý thủy lợi cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Hiện nay, nhiệm vụ quản lý thủy lợi vẫn đang được duy trì theo kiểu chia cắt, quản lý theo từng tỉnh. Đề xuất của Bộ NN&PTNN mới chỉ hướng đến Hà Nội, chưa thực sự tính đến các mặt lợi/hại mà các tỉnh lân cận dọc trên lưu vực sông Hồng sẽ phải gánh chịu. Câu chuyện sau khi xây hai đập dâng, người chịu trách nhiệm trước những tác động không mong muốn sẽ là ai? Hệ thống thủy lợi trên sông vốn là hệ sinh thái có sự kết nối vùng rất chặt chẽ.

Nói về vấn đề này GS. Võ Trọng Hồng cho rằng việc quản lý thủy lợi lâu nay chúng ta chưa có sự “bắt tay” phối hợp giữa các tỉnh, thành: “Gần như không có nhiệm vụ phối hợp, cần gì thì Bộ sẽ giao nhiệm vụ cho từng tỉnh. Các địa phương chỉ kết nối với nhau khi có vấn đề về thoát lũ, khi địa phương nằm ở thượng lưu làm ảnh hưởng đến địa phương ở hạ lưu…”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ quan điểm, ở nước ngoài đã có nhiều quốc gia xây dựng hình thức chính quyền vùng, quản lý các địa phương cùng lưu vực sông, chẳng hạn như mô hình vùng bên Paris hay Tokyo. Điều này trên thực tế đã giúp việc quản lý thủy lợi, đê điều trở nên khoa học hơn. Có nên chăng, Việt Nam cũng cần học hỏi quốc tế để tìm ra mô hình quản lý vùng phù hợp, tăng tính kết nối giữa các địa phương, để khi có những dự án như xây đập dâng ở sông Hồng tại Hà Nội, chúng ta nghiên cứu được rõ hơn, bao quát hơn những tác động mà nó mang lại.

XÉT XỬ SƠ THẨM CỰU GIÁM ĐỐC CÔNG AN HẢI PHÒNG ĐỖ HỮU CA VÀ 12 BỊ CÁO

Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và 12 bị cáo có mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng 10/4 tại TAND tỉnh Quảng Ninh.

Sáng 10/4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 13 bị cáo, trong đó có cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 10/4 đến ngày 12/4.

Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Hữu Ca bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh bị đưa ra xét xử về các tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và tội đưa hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Đình Đương, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải và bị cáo Đỗ Thanh Hoài, cựu cán bộ ngành thuế của Chi cục Thuế huyện Cát Hải bị đưa ra xét xử về về tội nhận hối lộ.

Các bị cáo Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn bị đưa ra xét xử về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Các bị cáo Hà Thị Trang, Đỗ Thị Đua, Vũ Ngọc Tú, Chu Thị Thu Hiền, Nguyễn Hiền Tài, Ngô Văn Tuyên bị đưa ra xét xử về về tội trốn thuế.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại địa bàn Hà Nội, Tp.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương, các bị cáo Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh (là vợ chồng) đã thành lập, quản lý và điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời.

Kết quả điều tra xác định 2 bị cáo Đước và Ngọc Anh đã mua bán trái phép 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính số tiền 41.209.961.000 đồng.

Để che giấu hành vi phạm tội của mình cũng như trốn tránh sự xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2022, 2 bị cáo Đước và Ngọc Anh đã đưa cho bị cáo Đỗ Hữu Ca - cựu Giám đốc Công an Tp.Hải Phòng, tổng cộng 35 tỷ đồng nhờ chạy tội.

Bị cáo Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp đỡ bị cáo Đước và bị cáo Ngọc Anh thoát khỏi việc xử lý về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, nhưng đã gian dối hứa hẹn giúp được và chiếm đoạt số tiền 35.000.000.000 đồng.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, bị cáo Đỗ Hữu Ca do nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội, nên phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội hai lần trở lên” được quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, do tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận từ 2 bị cáo Đước và Ngọc Anh để khắc phục hậu quả, bị cáo Đỗ Hữu Ca được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Ngày 3/2/2023, bị cáo Trương Xuân Đước bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Sau nhiều lần cùng chồng đưa tổng cộng 35.000.000.000 đồng cho bị cáo Đỗ Hữu Ca nhờ “chạy tội” nhưng bất thành, ngày 7/2/2023, bị cáo Ngọc Anh đã bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Đến ngày 18/2/2023, bị cáo Đỗ Hữu Ca bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Nguồn: Thanh Niên; Môi trường & Đô thị; Người Đô Thị; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang