Miền Tây chật vật tìm nước sạch; Trám 'lỗ hổng' cao tốc; Bài toán giải phóng mặt bằng; Loạt khu đô thị nghìn tỷ tìm nhà đầu tư

DÂN MIỀN TÂY CHẬT VẬT TÌM NƯỚC SẠCH, CHÍNH PHỦ KHẨN CẤP ỨNG PHÓ

Dưới cái nắng đầu tháng 4 như đổ lửa, hàng ngàn người miền Tây đang phải chật vật tìm nguồn nước sạch.

Từ đầu tháng 3, người dân tại nhiều nơi ở miền Tây, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã phải dùng thùng, can nhựa trữ nước từ các xe bồn.

Hàng ngàn người thậm chí phải thức khuya chờ xe bồn chuyên chở nước sạch đến, hay tận dụng nguồn nước mặn dưới kênh khi nguồn cung từ các nhà máy nước chỉ nhỏ giọt.

Và họ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ so với thu nhập để có được nước dùng trong gia đình.

Việc thiếu nước sạch trầm trọng không phải là mới xảy ra, nhưng năm nay dường như trở nên khốc liệt hơn tại miền Tây.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng cũng xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.

Tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đang bước vào cao điểm mùa khô, nhiều khu vực đối diện bị thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nghiêm trọng.

'Khốc liệt'

Tiền Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng khẩn cấp vì hạn mặn, thiếu nước nghiêm trọng.

Cụ thể, tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô đã được ban bố tại huyện Tân Phú Đông vào ngày 5/4.

Huyện Tân Phú Đông có 12 km đường bờ biển và nằm giữa hai cửa sông là cửa Tiểu và cửa Đại.

Gần 44.000 cư dân ở huyện này đang thiếu hoặc đối mặt nguy cơ thiếu nước ngọt.

Một số nơi ở Tiền Giang, người dân cho biết nhà máy nước đã không cung cấp giọt nước nào trong 2 tuần qua, báo Lao Động tường thuật ngày 3/4.

Trong bối cảnh khủng hoảng nước do hạn hán, sáng 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An với nội dung về bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn.

Trong ngày, ông Hà cũng đã đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Gò Công Đông thuộc tỉnh Tiền Giang.

Không chỉ Tiền Giang, người dân khác ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng... cũng đang chật vật cơn khát nước.

Giá nước sạch ở Cà Mau được chuyên chở bằng ghe là từ 40.000 – 50.000 đồng/m3.

Ngày 16/3, tỉnh Cà Mau đã xin hỗ trợ hơn 200.000 tỉ đồng ứng phó hạn, mặn để sản xuất vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2023-2024.

Ở tỉnh Long An, gần 5.000 hộ dân bị thiếu nước sạch.

"Tiền công phụ hồ một ngày chỉ đủ mua một khối nước sạch" - đó là lời than của anh Nguyễn Văn Bảy ngụ xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc trả lời báo Dân Việt ngày 4/4.

Tại tỉnh Bến Tre và sông Cổ Chiên, xâm nhập mặn cao hơn năm 2016, theo báo Tuổi Trẻ hôm 7/4.

Năm 2016, Bến Tre đã công bố thiên tai vì hạn mặn bủa vây, và hạn hán nghiêm trọng khi đó được gọi là kỳ "đại hạn".

Hạn mặn là 'thuộc tính'?

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với xâm nhập mặn mỗi năm.

Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng hơn và nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đang khiến tình hình trầm trọng hơn.

Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình những năm trước.

Bản tin tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tháng 2 có bao gồm nhận định tình hình tháng 3/2024 của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

Trong đó có nội dung rằng, vào thời gian cao điểm xâm nhập mặn, 80.000 ha lúa, cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Các nghiên cứu do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố tháng 3 cho biết nạn xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại cho cây ăn trái, hoa màu, lúa và thủy sản hơn 70.000 tỉ đồng/năm.

Ngày 27/3, báo Kinh tế & Đô thị dẫn lời ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng cần xem hạn mặn là thuộc tính của Đồng bằng sông Cửu Long.

Hồi năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm qua, với 160.000 ha đất bị tác động từ xâm nhập mặn.

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và triều cường ở khu vực cửa sông.

Và hai yếu tố quan trọng này sẽ còn biến động trong thời gian tới đây.

Theo nền tảng trực tuyến mã nguồn mở Mekong Dam Monitor - một chương trình do Mỹ tài trợ - vào ngày 4/4 thì con đập Thác Bạt (Tuoba) ở Trung Quốc đã làm mực nước dọc biên giới Thái Lan-Lào từ Chiengsaen đến Phnom Penom thấp hơn mức thông thường.

Theo Mekong Monitor, nhiều con đập ở Trung Quốc đã xả nước chậm vào năm nay, có lẽ là vì lý do tích tụ nước ở đầu con đập Thác Bạt (Tuoba).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Việt Nam hôm 7/4, nắng nóng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Cũng theo dự báo, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ từ ngày 1-10/4 do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Việt Nam công bố, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong “biến đổi chậm với xu thế xuống dần và thấp hơn trung bình nhiều năm (từ năm 2012-2023) từ 0,15 - 1,5 m".

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần vào các ngày cuối.

Cũng theo bản tin này, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Nam Bộ dự kiến sẽ đón thêm 3 đợt xâm nhập mới sau khi đã chịu 3 đợt xâm nhập mặn hồi tháng 2 và tháng 3.

Dự báo, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở khu vực Nam Bộ khả năng tập trung trong tháng 4-5/2024 (cụ thể từ các ngày từ 8-13/4, từ 22-28/4, từ 7-11/5).

Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần những biện pháp căn cơ và mang tính lâu dài, không phải những giải pháp mang tính đối phó tình thế khi sinh kế của 21 triệu người dân tại đây luôn gặp hiểm họa chực chờ từ hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm qua, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cảnh báo trên Facebook rằng "sông Mekong thật sự đã và đang bị chặt khúc thành những vũng 'hồ trên sông'’ và điều này vô cùng nguy hiểm. Hạn và mặn không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu như chúng ta đã thấy. Nhưng còn một nguy cơ nữa đó là lũ lớn."

Ông đề ra 5 giải pháp công trình gồm:

Hồ chứa nội đồng và liên hồ chứa trên các nhánh sông nhỏ

Không xây thêm cống ngăn mặn ở cửa biển

Sử dụng điện năng lượng mặt trời chạy máy lọc nước lợ thành nước ngọt

Chấm dứt tuyệt đối việc khai thác nước ngầm

Trữ nước mưa quy mô hộ gia đình và cơ quan đoàn thể

Về phía chính phủ Việt Nam, ngày 1/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

BỘ QUY CHUẨN QUỐC GIA ĐƯỢC KỲ VỌNG GIÚP TRÁM 'LỖ HỔNG' CAO TỐC

Bộ quy chuẩn mới được ban hành mang lại kỳ vọng người dân sẽ không còn bức xúc và lo lắng khi di chuyển trên những tuyến cao tốc "rùa bò" chỉ 2 làn xe, không đảm bảo những hạ tầng thiết yếu đi kèm.

"Xóa sổ" cao tốc 2 làn xe

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024 đường bộ cao tốc. Theo đó, tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/giờ; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ; Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/giờ.

Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng những đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/giờ. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/giờ), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120 km/giờ; Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20 km/giờ; Tốc độ tối đa cho phép của 2 đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/giờ.

Về số làn xe chạy, quy chuẩn mới yêu cầu số làn xe được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Nghĩa là đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc). Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80. Làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,5 m đối với đường cấp 80.

Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1.10.2024. Theo các quy định chuyển tiếp thì những dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư. Đối với các tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế từ 80 km/giờ trở xuống đang khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực, khi đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cho phép áp dụng các yếu tố kỹ thuật cho dự án đã được phê duyệt trước đây.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN, khẳng định quy chuẩn mới ban hành cơ bản khắc phục được một số bất cập của hệ thống cao tốc trong thời gian qua, điển hình như cao tốc phân kỳ đầu tư cũng phải đảm bảo ít nhất 4 làn xe, có đầy đủ hệ thống giao thông thông minh, các trạm dừng nghỉ phải được quy hoạch, xây dựng và khai thác đồng bộ với hạng mục đường cao tốc và có đầy đủ một số hạng mục đảm bảo an toàn giao thông. Ngay cả với trường hợp địa hình khó khăn ở các vùng sâu vùng xa được áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/giờ nhưng vẫn phải đầu tư quy mô tối thiểu 4 làn xe, đầy đủ dải phân cách…

"Thực tế, quy hoạch mạng lưới cao tốc của VN từ trước đến nay vẫn là tối thiểu 4 làn xe. Tuy nhiên giai đoạn kinh tế đang phát triển, nguồn lực đầu tư hạn chế, không chỉ VN mà một số quốc gia cũng đã xây dựng và khai thác các tuyến cao tốc giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát tổng thể các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, đặc biệt là các tuyến cao tốc phân kỳ với quy mô 2 làn xe, đánh giá những tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp nhanh chóng nâng cấp bảo đảm quy mô 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Huy cho biết.

Bắt buộc phải tuân thủ

Đại diện Bộ GTVT giải thích rõ: Mặc dù đến nay quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc mới được ban hành, song không đồng nghĩa hệ thống hơn 1.000 km đường cao tốc của VN đã và mới đưa vào khai thác thời gian qua được xây dựng một cách tự do. Từ năm 1997, Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc đã được Bộ KH-CN-MT phê chuẩn, áp dụng cho việc thiết kế đường ô tô cao tốc ngoài đô thị cũng như việc cải tạo, nâng cấp các loại đường ô tô thành đường cao tốc.

Thời điểm đó, xây dựng hạ tầng cao tốc đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, thống nhất từ khâu quy hoạch lập dự án, thiết kế chi tiết, xây dựng đến quản lý vận hành. Song để tránh lãng phí tiền của trong việc áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật trong sử dụng quy trình, quy phạm, cần lựa chọn sao cho thật hợp lý, thỏa đáng mà vẫn đảm bảo các tiêu chí cơ bản như lưu lượng giao thông lớn, thông xe liên tục, tốc độ vận hành cao và an toàn.

Tuy nhiên sau đó, qua quá trình phát triển, vận hành, có một số chỉ tiêu kỹ thuật cần xem xét và sửa đổi nên đến năm 2012, Bộ KH-CN đã ban hành TCVN 5729:2012 thay thế, cập nhật, bổ sung một số nội dung kỹ thuật. Trong đó, đã thể hiện chi tiết việc phân loại 4 cấp độ cao tốc (tương ứng với tốc độ quy định 60 km/giờ, 80 km/giờ, 100 km/giờ và 120 km/giờ), mặt cắt ngang, hành lang bảo vệ, độ dốc, thiết kế các đoạn tuyến, dải phân cách, cân bằng số làn xe, bố trí làn xe phụ…

Ngoài ra, năm 2022, Tổng cục Đường bộ có ban hành thêm "Tiêu chuẩn cơ sở thiết kế và tổ chức đường ô tô cao tốc trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng" nhằm hướng dẫn về các phương án thiết kế, nêu các yêu cầu, giải pháp, tiêu chuẩn thiết kế cần được áp dụng trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc.

"Đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 4 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình đường bộ, song, nhu cầu thực tế đòi hỏi phải có quy chuẩn riêng cho đường cao tốc. Trong quá trình xây dựng, các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo đã học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng như tham khảo sổ tay hướng dẫn thiết kế về đường cao tốc của Mỹ, Úc và các nước châu Âu.

Hiện, Trung Quốc cũng mới ban hành tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu, còn các nước như Mỹ, Úc và một số nước châu Âu ban hành chỉ dẫn yêu cầu kỹ thuật không bắt buộc đối với đường cao tốc. Gần như chưa có quốc gia nào ban hành quy chuẩn kỹ thuật đầy đủ về đường cao tốc", đại diện Bộ GTVT thông tin thêm.

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế đường cao tốc hiện hành đã khá đầy đủ, từ thiết kế tuyến cho đến công trình cụ thể, thiết kế để đảm bảo an toàn và tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu cho xe chạy với tốc độ cao liên tục và an toàn, trong thiết kế sẽ đòi hỏi nhiều giải pháp như có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, phải có làn dừng khẩn cấp, có một số công trình hạ tầng dịch vụ đi theo như trạm dừng nghỉ… Đáp ứng đầy đủ những yếu tố này mới hình thành một tuyến cao tốc đúng chuẩn.

"Thời gian qua, do điều kiện khó khăn về tài chính nên VN áp dụng tiêu chuẩn để phân kỳ đầu tư, dẫn đến tình trạng một số tuyến cao tốc không hội tụ đủ những tiêu chuẩn kể trên, như có những tuyến chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà thay bằng điểm dừng khẩn cấp, không có dải phân cách… Cộng với việc chưa có quy hoạch về trạm dừng nghỉ nên đa số cao tốc hiện chưa có trạm dừng nghỉ. Những điều kiện này hiện đã được nâng thành quy chuẩn về thiết kế đường cao tốc thì bắt buộc phải tuân thủ. Tất cả các đường cao tốc sẽ phải đáp ứng đủ các yêu cầu này", PGS-TS Trần Chủng nói rõ.

Ưu tiên nguồn lực để có mạng lưới cao tốc đạt chuẩn

Ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ), đánh giá việc ban hành các quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc giúp cho công tác đầu tư đường cao tốc được bài bản hơn. Đây sẽ là cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng quy chuẩn mới nên có thêm nội dung về cao tốc đầu tư phân kỳ bao gồm công tác tổ chức giao thông, quản lý, bảo trì tuyến đường trong giai đoạn phân kỳ đầu tư.

Lý do, các tuyến cao tốc 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ… chưa đủ tiêu chuẩn không phải chỉ phân kỳ đầu tư trong vòng 1 - 2 năm mà có khi kéo dài đến vài năm, thậm chí hàng chục năm. Như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ Yên Bái - Lào Cai) đưa vào khai thác đến nay đã 10 năm vẫn chưa nâng cấp được do khó khăn về vốn. Với những tuyến cao tốc chưa hoàn thiện như vậy thì đường ở cấp độ kỹ thuật nào, phải quy định tổ chức khai thác theo cấp độ kỹ thuật đó.

Đơn cử, các cao tốc 2 làn xe như Cam Lộ - La Sơn, Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ Yên Bái - Lào Cai) thì tổ chức giao thông theo cấp kỹ thuật là đường cấp 3 đồng bằng, cấm xe đạp, xe máy, cấm xe thô sơ đi vào; thiết kế vạch tim đường cho phù hợp; những đoạn có đủ diện tích thì tạm thời mở điểm dừng nghỉ để phương tiện có thể dừng kiểm tra an toàn, nghỉ ngơi, đi vệ sinh… Đây là những yêu cầu cần thiết mà nếu không được đưa vào quy chuẩn thì Bộ GTVT cần có văn bản tạm thời khai thác các tuyến cao tốc ở giai đoạn phân kỳ.

"Theo quy chuẩn mới, các tuyến cao tốc quy hoạch 4 làn xe không phân kỳ, làm đồng bộ đầy đủ các hạ tầng sẽ đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện mạng lưới cao tốc đạt chuẩn của VN, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực về nguồn vốn. Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá kỹ lưỡng, có cơ chế ưu tiên nguồn lực để phát triển mạng lưới đường cao tốc nói riêng cũng như hạ tầng giao thông nói chung", ông Đặng Văn Chung nêu ý kiến.

Chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng cũng nhìn nhận vấn đề bất cập của cao tốc thời gian qua không phải do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà phần lớn đến từ câu chuyện đầu tư. Do điều kiện kinh tế hạn hẹp, khó khăn về nguồn vốn khiến các nhà quản lý buộc phải lựa chọn phương án đầu tư phân kỳ, xây dựng những tuyến đường gọi là cao tốc nhưng lại chưa được đầu tư hoàn chỉnh những hạng mục theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những hạng mục này được lược giản ngay từ trong bản vẽ thiết kế kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, không phải Bộ đã thiết kế nhưng không làm. Mục đích là sớm có đường để giải tỏa áp lực giao thông.

"Chúng ta kỳ vọng sau khi có quy chuẩn đường cao tốc, mạng lưới cao tốc của VN sẽ được áp dụng đồng bộ trên cả nước theo từng tiêu chí cụ thể: con đường xếp vào hạng nào thì kích thước ra sao, quy định phải làm gì, làm thế nào, rộng ra sao, tốc độ bao nhiêu… Hiện nay, điều kiện KT-XH của nước ta đã cao hơn, cũng đòi hỏi những công trình đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với nhu cầu vốn cho các công trình cũng lớn hơn. Vì thế, cần có thêm nhiều chính sách huy động vốn để việc đầu tư cao tốc đủ chuẩn diễn ra thuận lợi" ông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh.

BÀI TOÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Tại phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây và 2 dự án vành đai trong quý 2/2024.

Thủ tướng lưu ý, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, yêu cầu cao, thời gian có hạn, các các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy tinh thần vì nước vì dân để hành động.

Các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan phải đề cao trách nhiệm thực thi công vụ nhiều hơn; bảo đảm tiến độ thi công nhanh hơn, kịp thời hơn; chất lượng các dự án, công trình phải tốt hơn; kỹ thuật, mỹ thuật, công nghệ phải cao hơn, phù hợp hơn; các địa phương phải xử lý các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng (GPMB), nguyên vật liệu, đường hậu cần, các công trình kỹ thuật… cho các dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn; làm tốt hơn việc xử lý môi trường, ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị tác động bởi các dự án.

Riêng về vấn đề GPMB, Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác GPMB bằng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (đặc biệt là các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Phú Yên); 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây và 2 dự án vành đai trong quý 2/2024; phối hợp với các chủ đầu tư xác định mức độ ưu tiên bàn giao trước mặt bằng đoạn tuyến là đường găng (là đường xuyên mạng đi từ thời điểm khởi công dự án tới thời điểm kết thúc dự án). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân...

"Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, quyết liệt, chia sẻ với nhân dân thì mới làm được công tác GPMB. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng một số địa phương làm chưa tốt. Không câu nệ gì cả. Phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn 1 hộ dân cũng phải xuống, mình không xuống thì ai xuống" - Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với thiếu vật liệu đắp nền, thì việc chậm trễ trong công tác GPMB cũng đang cần gấp rút tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc. Vướng mắc trong GPMB chủ yếu do việc thỏa thuận đền bù, chậm bố trí tái định cư, các khu tái định cư chưa hoàn thành. Cùng đó là chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế).

Có thể nêu ví dụ về dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dài 53,7km. Đến nay, nhiều đoạn trên tuyến đã dần hình thành, nhưng tại tỉnh Đồng Nai việc GPMB vẫn chậm. Cùng với việc phức tạp trong kiểm đếm là việc nhiều dự án bồi thường GPMB, trong khi số lượng nhân sự của các phòng, ban, UBND cấp xã, phường tham gia công tác bồi thường, GPMB không đủ. Việc đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư tại phường Tam Phước và phường Phước Tân thuộc TP Biên Hòa và 2 khu tái định cư Long Đức và Long Phước thuộc huyện Long Thành cũng khó có thể kịp để bố trí cho các hộ dân.

Theo ông Võ Tấn Đức - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong số 4 khu tái định cư thì 2 khu tái định cư ở TP Biên Hoà phải thu hồi đất của dân nên phải thực hiện các trình tự bồi thường thu hồi đất, đấu thầu, đấu giá mất nhiều thời gian. Đặc biệt là phường Phước Tân, do "lịch sử để lại", có 700 hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Về chính sách bồi thường GPMB thì 700 hộ dân này không thể bố trí tái định cư. Do đó, tỉnh đang nghiên cứu các chính sách có thể bố trí nhà ở xã hội cho các hộ dân này.

Ông Đức cũng cho biết, địa phương đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, công tác GPMB đã được phân chia cho 2 đơn vị là Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai; và UBND huyện Long Thành cùng thực hiện để hoàn thành cam kết với Chính phủ bàn giao mặt bằng dự án trước ngày 30/6.

Tương tự ở các địa phương khác khi có cao tốc đi qua, công tác GPMB chậm chủ yếu là do khó thỏa thuận về đền bù, tái định cư cho người dân. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của chính quyền địa phương trong việc tạo được đồng thuận trong dân - những người bị tác động khi thực hiện dự án.

HÀNG LOẠT KHU ĐÔ THỊ NGHÌN TỶ TÌM NHÀ ĐẦU TƯ

Các tỉnh Quảng Bình, Tây Ninh, Bắc Giang đang có các dự án khu đô thị cần tìm nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện. Các dự án có sơ bộ chi phí thực hiện từ khoảng 528 đến hơn 1.380 tỷ đồng.

Tại Quảng Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình mời nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án khu đô thị Quang Phú, thành phố Đồng Hới.

Diện tích khu đất thực hiện dự án khoảng 161.208,5 m2. Địa điểm thực hiện tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới và xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Quy mô đầu tư của dự án gồm các hạng mục chính: phần công trình hạ tầng kỹ thuật; phần công trình nhà ở; phần công trình thương mại dịch vụ và công trình hạ tầng xã hội.

Riêng phần công trình nhà ở, dự án hình thành 272 lô đất ở mới, với tổng diện tích khoảng 65.433,5 m2. Trong đó, xây thô, hoàn thiện mặt ngoài khoảng 75 căn nhà liền kề với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 30.381,08m2, chiều cao khoảng 3 tầng; xây dựng 1 chung cư với chiều cao khoảng 12 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 15.919m2, khoảng 115 căn hộ.

Cùng với đó, dự án sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở theo thiết kế mẫu được duyệt, sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phần hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng các quy định hiện hành khoảng 195 lô đất. Bên cạnh đó là nhà ở xã hội với khoảng 615 căn hộ.

Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện 1.380 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án trong vòng 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc mua đất ở để xây nhà ở được sử dụng ổn định, lâu dài theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tiến độ đầu tư không quá 5 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện đến 16h ngày 18/5/2024.

Nhiều dự án khu đô thị hàng nghìn tỷ đồng đang cần tìm chủ đầu tư. Ảnh minh họa. Ảnh: Cafeland

Cũng tại Quảng Bình, một dự án khác là Dự án khu đô thị Lý Trạch ở huyện Bố Trạch cũng đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình tìm chủ đầu tư.

Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện 1.185 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 16 tỷ đồng.

Diện tích khu đất dự án khoảng 199.000 m2. Trong đó, nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc phạm vi thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt; hoàn thiện 1 công trình thương mại dịch vụ với diện tích sàn xây dựng khoảng 6.879,6 m2; chiều cao khoảng 3 tầng; 1 công trình nhà văn hóa.

Với phần công trình nhà ở, nhà đầu tư xây dựng 1 chung cư cao khoảng 12 tầng với diện tích sàn xây dựng khoảng 55.350 m2, khoảng 398 căn hộ…

Tiến độ đầu tư không quá 6 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm đến 16h ngày 18/5/2024.

Tại Bắc Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cũng đang mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị số 15 và dải cây xanh mặt nước thuộc quy hoạch phân khu số 2, TP Bắc Giang.

Dự án được triển khai trên khu đất có tổng diện tích 56,11 ha. Sơ bộ chi phí thực hiện 982,638 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 172,73 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và xây thô hoàn thiện mặt tiền 147 căn nhà ở liền kề và biệt thự theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt tại các lô đất có mặt tiền tiếp giáp với các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện trong 60 tháng. Nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước 14h ngày 5/5/2024.

Tại Tây Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh cũng vừa công bố danh mục Dự án khu đô thị Rạch Sơn để mời nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện.

Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện trên 528 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 208 tỷ đồng.

Diện tích khu đất dự án rộng 61.915 m2, tại thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu. Dự án gồm 236 căn nhà, 1 trường mầm non, công viên cây xanh sử dụng công cộng.

Về cơ cấu sản phẩm, nhà ở chiếm 63,86% tổng diện tích; bao gồm nhà ở liền kề, mật độ xây dựng 80-90%, tầng cao xây dựng tối đa 4 tầng, xây dựng thô, hoàn thiện bên ngoài…

Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 24 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định giao đất, cho thuê đất. Hạn cuối nộp hồ sơ là 10h ngày 3/5/2024.

Nguồn: BBC; Thanh Niên; CafeF; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang