Khởi tố Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi; AIC tạo cơ chế đưa hối lộ; 283 dự án công TP.HCM chậm tiến độ; Cơ chế đặc thù cho Vành đai 4

BÃI NHIỆM, KHỞI TỐ CHỦ TỊCH UBND TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Đặng Văn Minh do ông này đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội nhận hối lộ.

Ngày 6-5, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề).

Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đặng Văn Minh do ông này đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam vào cuối tháng 3-2024 vì tội nhận hối lộ.

HĐND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết, như bổ sung dự toán thu, chi năm 2024 từ nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài với số tiền hơn 19 tỉ đồng; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và một số chương trình, dự án khác (đợt 3); Việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi...

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát lại tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh gắn với kế hoạch đầu tư công và điều hành tài chính ngân sách. Đối với việc trễ hạn bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương rà soát lại các nội dung, vướng mắc để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, giải quyết.

Những nội dung đã giải quyết thấu đáo nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận, địa phương cần kiên trì tuyên truyền, vận động, không để chậm trễ; bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia liên quan đến nhiều địa phương…

VỤ ÁN AIC: CÁCH NGUYỄN THỊ THANH NHÀN CHỈ ĐẠO TẠO CƠ CHẾ ĐƯA HỐI LỘ

Theo Kết luận điều tra, để việc đưa hối lộ diễn ra thuận lợi, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tạo ra "cơ chế", chính sách "ngoại giao" để Ban Thư ký tài chính Công ty AIC và cấp dưới thực hiện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và các đơn vị liên quan, đề nghị truy tố 14 bị can.

Cựu Chủ tịch AIC - Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Bị can Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ" với số tiền cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, để được tạo điều kiện trúng thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trực tiếp điều hành, chỉ đạo Ban Thư ký tài chính Công ty AIC, quyết định phê duyệt, chi tiền theo “cơ chế” hoặc “ngoại giao” cho Dương Hoa Xô. Trước khi đấu thầu, Nhàn đã gặp và đề nghị Xô tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu và sẽ chi tiền cảm ơn.

Sau khi đấu thầu các gói thầu từ năm 2015 đến 2018, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn 6 lần đưa tiền cho Dương Hoa Xô với tổng số tiền hối lộ là 14,4 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho thấy, cả 6 lần đưa nhận tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của ông Dương Hoa Xô, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2019. Nguyễn Thị Thanh Nhàn đều giao cho cấp dưới là Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn trực tiếp đến phòng làm việc của ông Dương Hoa Xô tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Mỗi lần đưa những túi tiền có giá trị từ 2 tỷ đồng đến 3,9 tỷ đồng.

Khai báo tại cơ quan điều tra, ông Dương Hoa Xô thừa nhận đã nhận số tiền 14,4 tỷ đồng, khi đưa nhận tiền không có ai khác ngoài ông Dương Hoa Xô, Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn. Xô biết Hà và Tấn đưa tiền theo chỉ đạo của bà Nhàn AIC vì trước đó, Nhàn có gặp Xô đề nghị tạo điều kiện cho công ty AIC được thực hiện dự án 12 PTN và công ty sẽ “cảm ơn”.

Kết luận điều tra xác định, sau khi nhận 14,4 tỷ đồng thì ông Dương Hoa Xô đã chi như sau: Chi cho Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM 2 lần, mỗi lần 500 triệu đồng (tổng cộng là 1 tỷ đồng). Mục đích đưa tiền để cảm ơn Minh đã tạo điều kiện triển khai dự án.

Dương Hoa Xô đã chi cho Nguyễn Đăng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM số tiền 950 triệu đồng, gồm nhiều lần, rải rác từ năm 2016 đến năm 2020.

Ngoài ra, Dương Hoa Xô còn chi cho Nguyễn Viết Thạch (nguyên Trưởng ban Quản lý đầu tư Xây dựng công trình, thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM) số tiền 1,1 tỷ đồng, gồm nhiều lần rải rác từ năm 2016 đến năm 2020 để Thạch chi bồi dưỡng các nhân viên Trung tâm Công nghệ Sinh học và chi ngoại giao.

Số tiền còn lại 11,35 tỷ đồng, Xô sử dụng cá nhân hết. Sau khi bị khởi tố, Xô nhận thức được sai phạm nên đã động viên gia đình nộp toàn bộ 11,35 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.

VÌ SAO GẦN 300 DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG TP.HCM CHẬM TIẾN ĐỘ?

UBND TP.HCM vừa có báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư công năm 2023 gửi Bộ KH-ĐT, trong đó nêu hàng trăm dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Chậm vì quy trình, thủ tục nhiều bước, nhiều giai đoạn

Cụ thể, tổng khối lượng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kỳ là hơn 43.696 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 71,65% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao của thành phố. Số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ là 1.930 dự án, trong đó số dự án chuyển tiếp 1.676 dự án; số dự án khởi công mới là 254 dự án.

Trong năm 2023, số dự án chậm tiến độ là là 283 dự án. Các dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu, bố trí vốn không kịp thời, chậm do các nguyên nhân khác...

Theo UBND TP, nhìn chung về quy trình, thủ tục đầu tư công gồm nhiều bước, giai đoạn dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, TP.HCM là TP trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt nên có số lượng dự án đầu tư công lớn.

“Sau khi các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các chủ đầu tư lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết để thực hiện từng dự án cụ thể, các dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, biến động giá vật liệu, bồi thường GPMB... và một số nguyên nhân khác dẫn đến một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch” - báo cáo nêu rõ.

UBND TP cho biết vẫn còn tình trạng một số đơn vị chủ đầu tư khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư còn sơ sài, chưa nghiên cứu kỹ dẫn đến khi trình duyệt theo quy định thì gặp khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện thủ tục, thậm chí có trường hợp phải hủy bỏ.

Rút ngắn 30% thời gian, thủ tục dự án công

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục, trong năm qua UBND TP đã kiến nghị và được HĐND TP chấp thuận giao UBND TP quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách TP. Đồng thời giao vốn bổ sung có mục tiêu cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức để chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.

UBND TP cũng đã ban hành Thông báo số 357/2023, trong đó chỉ đạo các sở chuyên ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công ít nhất 30% so với quy định; các thủ tục liên quan công tác bồi thường GPMB phải thực hiện tối đa 30 ngày; các thủ tục đầu tư khác tối đa 10 ngày và UBND TP xem xét, có chỉ đạo tối đa 7 ngày làm việc.

Cùng với đó, thành phố cũng chỉ đạo UBND các thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện; các tổ công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án được giao vốn bồi thường.

Đến nay, các địa phương đã thành lập Hội đồng Thẩm định giá đất và đã thực hiện việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất theo trình tự, thủ tục quy định và thẩm quyền được giao.

Trong năm 2023, mỗi cuối tháng (từ tháng 11.2023 là mỗi tuần), TP đều tổ chức làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư, UBND từng quận, huyện và TP.Thủ Đức để phân tích, đánh giá tình hình thực hiện, làm rõ tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch đã đề ra.

XÂY DỰNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4

Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận kiến nghị của các địa phương về cơ chế vốn cho dự án đường Vành đai 4 và gợi mở một số hướng tháo gỡ

4/5 địa phương có đường Vành đai 4 TP HCM (Vành đai 4) đi qua gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng dự án với tỉ lệ khác nhau.

Dành vốn cho dự án trọng điểm

Văn phòng UBND tỉnh Long An vừa có thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc thống nhất hướng thiết kế ban đầu của tuyến và chọn mặt cắt ngang đường Vành đai 4 qua Long An rộng 25,5 m để đồng bộ với các địa phương khác. Đồng thời, chọn phương án đường cao tốc với tốc độ 100 km/giờ, 4 làn hoàn chỉnh. Đoạn sau cầu Cần Giuộc đến ranh giới tỉnh Long An và TP HCM (Km 68+800 - Km74+500, dài 5,7 km) đi trên cao để không phá vỡ quy hoạch đô thị, phù hợp với mỹ quan, kiến trúc khu đô thị hiện đại.

Đặc biệt, về vốn và cơ chế vốn, tỉnh Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ 90% kinh phí xây dựng trong tổng mức đầu tư gần 54.650 tỉ đồng đoạn qua địa phận tỉnh, ngân sách địa phương là 10%. Các chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tính chung vào tổng vốn. Tuy nhiên, mới đây, địa phương này đã điều chỉnh mức kiến nghị trung ương hỗ trợ xuống còn 75%, tương đương 28.400 tỉ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6.700 tỉ đồng, phần còn lại bố trí ở giai đoạn 2026 - 2030.

Với Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng để thực hiện dự án, cần 3 nguồn vốn gồm vốn xã hội hóa, vốn nhà nước và vốn địa phương. Riêng về giải pháp bố trí vốn của địa phương, Bình Dương sẽ cân đối bằng việc cắt giảm vốn của những công trình chưa quan trọng để dành vốn cho dự án trọng điểm này. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng phương án đấu giá đất, nếu thực hiện suôn sẻ thì sẽ có nguồn thu từ đất. "Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn nên việc đấu giá sẽ mất nhiều thời gian nhưng tỉnh vẫn sẽ cố gắng làm" - ông Võ Văn Minh khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn và nhu cầu đầu tư của địa phương còn rất lớn, tỉnh này kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách tham gia dự án đường Vành đai 4. Đồng thời, xem xét, chấp thuận cho Bình Dương được áp dụng cơ chế HĐND cấp tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án, công trình giao thông có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa các địa phương thuộc dự án Vành đai 4 để có cơ sở tiếp tục triển khai.

Phát hành trái phiếu để làm dự án

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương. Vốn ngân sách địa phương khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; cần một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Các địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% vốn đối với Long An; riêng TP HCM xin tự cân đối vốn. Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giao TP HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho đường Vành đai 4.

Nhìn nhận kiến nghị của các địa phương là hợp lý song Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay ngân sách có khó khăn bởi kế hoạch vốn Trung ương giai đoạn 2026 - 2030 chưa được Quốc hội phê duyệt. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo trong trường hợp cần có cơ chế, chính sách đặc thù hoặc áp dụng cho toàn bộ dự án, UBND TP HCM chủ trì, thống nhất với Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và các địa phương báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-5 để chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với đề xuất về cơ chế đặc thù để triển khai dự án đường Vành đai 4. Thủ tướng nhấn mạnh nguồn vốn Trung ương là để xây lắp, vốn địa phương để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Để có vốn cần nghiên cứu hình thức hợp tác công - tư (PPP), phát hành trái phiếu Chính phủ.

"Phát hành trái phiếu để làm các công trình trọng điểm thì không bao giờ lỗ, nhất là đầu tư về hạ tầng giao thông. Bây giờ khó khăn mấy cũng phải làm. Làm xong, lợi nhuận có thể mang lại gấp hàng trăm, hàng ngàn lần nhưng làm phải đúng chính sách và quy định" - Thủ tướng chỉ đạo. Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT cùng các bộ, ngành tìm phương án về vốn để thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm.

Đa dạng nguồn vốn

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng cần nghiên cứu các nguồn vốn phù hợp cho dự án phát triển hạ tầng giao thông, đa dạng hóa nguồn vốn với cơ cấu hợp lý.

Theo TS Cấn Văn Lực, có 4 nguồn vốn chủ yếu để phục vụ các dự án hạ tầng - gồm vốn tự có, vốn vay ngân hàng (ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển), vốn phát hành trái phiếu và vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong đó, vốn tự có là nguồn vốn dưới dạng lợi nhuận để lại, vốn phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, vốn góp từ các cổ đông hay đối tác đầu tư. Vốn trái phiếu có 2 loại chính là trái phiếu doanh nghiệp - có thể gắn trực tiếp với công trình, dự án đang thực hiện, còn gọi là trái phiếu công trình - và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu do chủ đầu tư phát hành và Chính phủ bảo lãnh. Nguồn vốn trái phiếu có thể chiếm 20%-25% tổng vốn đầu tư. Còn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, vốn từ các quỹ đầu tư) thường chiếm 10%-15% tổng vốn.

"Để thực hiện dự án đường Vành đai 4, có thể tính tới công cụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình và cổ phiếu. Cần có giải pháp tổng thể và rõ ràng ngay từ đầu về nguồn vốn, tính toán tỉ trọng cụ thể để đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, tiếp tục giải quyết những vướng mắc về cơ chế PPP, BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tư nhân" - TS Cấn Văn Lực góp ý.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng nếu quỹ phát triển đầu tư hạ tầng giao thông vùng được chấp thuận thành lập, có thể đưa ra phương án phát hành trái phiếu để huy động vốn triển khai dự án hạ tầng giao thông, trong đó có dự án đường Vành đai 4. Mặt khác, dự án này đi qua nhiều tỉnh - thành, mỗi địa phương có cơ chế khác nhau, tận dụng quỹ đất khác nhau và vốn trung ương cấp để triển khai cũng khác nhau nên cần chờ đề án cụ thể có thể tính các phương án huy động vốn khả thi.

Nguồn: CafeF; Soha; Thanh Niên; Người Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang