Hà Tĩnh sạt lở kinh hoàng; Khởi tố vụ bé trai tử vong tại hồ bơi; Hạn mặn khó lường ở ĐBSCL; Làm thẩm mỹ, nữ Việt kiều tử vong

HÀ TĨNH SẠT LỞ KINH HOÀNG: ĐẤT ĐÁ CÀN QUÉT KHU LÁN TRẠI CÓ 18 CÔNG NHÂN TRÚ NGỤ

Trận sạt lở xảy ra đúng lúc 18 công nhân đang nghỉ trong lán trại, chỉ trong phút chốc, đất đá đã càn quét tất cả, 3 người bị vùi lấp tử vong.

Tối 6/5, 4 nạn nhân may mắn sống sót trong vụ sạt lở vùi lấp công nhân thi công đường điện 500kV ở Hà Tĩnh đang được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Danh tính các nạn nhân gồm: Hoàng Đình Thủy, Hoàng Đức Thắng, Đồng Ánh Ngọc cùng trú tỉnh Nghệ An và Nguyễn Đình Thành Văn trú tỉnh Gia Lai.

Đây là nhóm công nhân đang thi công công trình Đường dây 500 kV mạch 3 trên địa bàn phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

5 tiếng sau vụ sạt lở xảy ra, anh Hoàng Đình Thủy bị gãy 3 xương sườn, nhiều nơi trên cơ thể bị xây xát.

Ánh mắt thất thần, anh Thủy kể, anh vừa lên nhận công việc được 2 ngày thì xảy ra trận sạt lở. Lán trại nhóm công nhân nghỉ ngơi rộng khoảng 15m2, nằm ngay cạnh con suối tự nhiên. Chiều 6/5, trong lúc làm việc thì trời mưa lớn, kéo dài nhiều giờ.

Do mưa lớn không thể làm việc, anh Thủy cùng 17 công nhân trong đội thi công đường điện phải vào lán trại nghỉ ngơi. Trong lúc mọi người đang ngồi nói chuyện thì nghe tiếng ầm ầm từ trên núi, sau ít giây “bom nước” kèm theo những tảng đá to lớn bắt đầu dội xuống. "Chạy đi" anh Thủy hét lên.

“Chỉ trong khoảng 5 giây, nước và các tảng đá lớn lăn xuống vùi lấp lán trại. Tôi may mắn khi cạnh đó có gốc cây lớn nên bám vào được, hiện trường lúc đó rất hoảng loạn, mọi người chạy tứ phía để thoát thân” , anh Thủy kể.

Tỉnh lại ở bệnh viện, anh Nguyễn Đình Thành Văn - một trong những nạn nhân may mắn thoát chết sau trận sạt lở chiều cùng ngày vẫn chưa hết bàng hoàng. “Sạt lở lấp hết mọi thứ chẳng còn gì, mọi người chạy toán loạn thoát thân”, anh Văn nói.

Thời điểm trận sạt lở xảy ra, anh Văn đang ngồi bên cạnh tảng đá sát khe suối. Sau khi nghe tiếng hô hoán, chưa kịp định hình anh Văn đã bị tảng đá lăn tới khiến anh bị thương. Sau đó anh Văn cố bò lên chỗ cao và ngất lịm.

Khi tỉnh lại anh Văn đã ở bệnh viện, bác sĩ cho biết anh bị dập lá lách, xây xát nhiều nơi.

Theo anh Văn, thời điểm vụ sạt lở xảy ra, lán trại bị dòng nước và đất đá đẩy xuống vực sâu cách vị trí ban đầu khoảng 10m. Quá trình thoát thân, anh Văn phát hiện có nhiều người bị trận sạt lở vùi lấp, tuy nhiên chỉ biết đứng nhìn không giúp được gì.

Như VTC News đưa tin, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại công trình Đường dây 500 kV mạch 3 trên địa bàn phường Kỳ Liên đã làm 18 công nhân bị gặp nạn.

Trong đó, có 3 người bị vùi lấp, tử vong; 4 người bị thương phải đi cấp cứu; 11 người bị xây xát nhẹ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng Công an thị xã Kỳ Anh, Công an tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai công tác cứu hộ.

KHỞI TỐ VỤ BÉ TRAI TỬ VONG TẠI BỂ BƠI IEC RESIDENCES

Sau khi quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi bị đuối nước tại bể bơi IEC Residences, đến nay Công an huyện Thanh Trì đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra.

Thượng tá Nguyễn Thái Long, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Thanh Trì, TP Hà Nội vừa ký văn bản về việc thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến vụ việc cháu N.C.A.Q tử vong ngày 10/8/2023, tại bể bơi trong chung cư IEC, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì.

Theo đó, ngày 25/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở nơi đông người, quy định tại khoản 1 Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, thông báo này được ban hành sau 1 tháng ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc cháu N.C.A.Q tử vong ngày 10/8/2023 tại bể bơi trong chung cư IEC.

Về nội dung vụ việc, trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì nhận được tin báo về tội phạm với nội dung: Ngày 9/8/2023, cháu N.C.A.Q (SN 2013, trú tại khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đến nhà người quen tại chung cư IEC, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì chơi.

Đến chiều 10/8/2023, cháu Q vào bể bơi trong chung cư IEC tắm. Đến khoảng 15h40 cùng ngày, trong lúc đang tắm trong bể bơi thì cháu Q có biểu hiện bị đuối nước, ngất xỉu nên được người dân đưa lên bờ sơ cứu, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì cấp cứu. Tuy nhiên, bác sỹ cho biết cháu Q đã bị tử vong.

Kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan CSĐT quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc cháu N.C.A.Q tử vong ngày 10/8/2023 tại bể bơi trong chung cư IEC, thuộc xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Thông báo trên cũng được gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì.

Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì cũng gửi bản kết luận giám định tử thi của Viện Pháp y quân đội, Bộ Quốc phòng.

Theo đó, nguyên nhân khiến cháu N.C.A.Q tử vong là do ngạt nước; không có căn cứ để xác định cháu N.C.A.Q trước khi tử vong có tái phát hay xuất hiện triệu chứng, biểu hiện của bệnh lý.

Trước đó, người nhà nạn nhân chia sẻ, hôm xảy ra vụ việc, tại bể bơi không có nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế. Do đó, khi cháu N.C.A.Q bị đuối nước thì không được phát hiện kịp thời dẫn đến tử vong.

Sau đó, gia đình nạn nhân đề nghị đơn vị kinh doanh làm rõ trách nhiệm, cung cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế và giấy tờ khác liên quan nhưng không được đáp ứng, không ai nhận trách nhiệm.

Quá trình điều tra, gia đình nạn nhân nhận được Thông báo số 360/TB-ĐTTH ngày 11/12/2023 với nội dung quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm.

Lý do tạm đình chỉ được nêu là do thời hạn giải quyết đã hết, Cơ quan CSĐT vẫn chưa nhận được kết luận giám định đối với 1 file video;01 đầu ghi nhãn hiệu Hikvision lưu giữ hình ảnh camera nơi xảy ra sự việc; Công văn trả lời của Phòng PC09, Công an TP Hà Nội và kết luận giám định qua hồ sơ của Viện Pháp y quân đội, Bộ Quốc phòng liên quan đến vụ việc cháu Q tử vong.

KHÓ LƯỜNG HẠN MẶN, XÂM NHẬP MẶN Ở ĐBSCL

Những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công... gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, lún sụt...

Riêng mùa khô năm 2023-2024, ở khu vực này hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hàng nghìn héc-ta cây trồng và hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Công, có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do nguồn nước phong phú và được điều tiết tự nhiên bởi Biển Hồ (Campuchia), tài nguyên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, thủy sản dồi dào, đa dạng...

Qua thống kê, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần ba triệu héc-ta, đây là vùng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp bao gồm: Trồng trọt và nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, ngọt.

So với cả nước, diện tích Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 12% nhưng sản xuất lúa chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo của vùng chiếm tới 90% sản lượng và thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước...

Nhưng khu vực này cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế do mặn xâm nhập với diện tích khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu héc-ta ở vùng ven biển, ứng với độ mặn 4 g/l (vào mùa kiệt); thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông, gần biển; xói lở bờ sông, biển, sụt lún bờ kênh, rạch xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng…

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng.

Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65% khiến diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn tăng theo. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước cũng khó khăn, dẫn đến tăng diện tích ngập do lũ, do triều và kéo dài thời gian ngập.

Đến năm 2024, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đã xây dựng 128 hồ trên dòng chính và dòng nhánh với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ mét khối; dự kiến tăng lên 90 đến 95 tỷ mét khối vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ mét khối khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn năm 2040-2060.

Các công trình này sẽ tác động đến dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong cả mùa lũ và mùa kiệt, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm, thay vào đó là lũ nhỏ, thậm chí mất lũ tăng lên…, do đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn. Hơn nữa, sự sụt giảm khoảng 70 đến 75% hàm lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long (do các hồ chứa thượng nguồn giữ lại) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng bờ sông, biển.

Theo tính toán, đến năm 2050, khi toàn bộ các dự án thủy điện mà các quốc gia thượng nguồn đã quy hoạch triển khai hết thì lượng phù sa về khu vực này chỉ còn 5% so với thời điểm cao nhất. Mặt khác, do diện tích trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản tăng cũng làm gia tăng nhu cầu nước tưới.

Việc gia tăng nhu cầu dùng nước dẫn đến áp lực tăng yêu cầu phục vụ của các công trình thủy lợi, và khi công trình thủy lợi không đáp ứng đủ dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức và hệ lụy là tình trạng hạ thấp mực nước ngầm, lún sụt đất nền.

Từ nhiều năm qua, để điều hòa nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng, việc bảo đảm an ninh nguồn nước đang chịu nhiều áp lực, nhất là công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong cho biết: “Mùa khô năm 2023-2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 33 ngày. Từ tháng 4 đến nay, diễn biến xâm nhập mặn vùng ven biển Tây biến động khó lường; có thời điểm độ mặn tại một số nơi đã tăng cao đột biến, nhất là trong các ngày từ 18 đến 22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) lớn hơn 3 đến 4 g/l, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/l, ảnh hưởng việc lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nguồn nước thượng lưu đổ về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 ở mức thấp cho nên nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu hạn chế, nắng nóng kéo dài, lượng bốc hơi cao, các địa phương đồng loạt xuống giống vụ hè thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh”.

Về xu thế dài hạn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn cao khả năng gia tăng cả về cường độ và số lần xuất hiện, nhất là trong thời gian ảnh hưởng của El Nino thì xâm nhập mặn xuất hiện ở mức nặng đến nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước theo quy hoạch, cùng với yếu tố nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông... xâm nhập mặn có xu thế xuất hiện gay gắt, quy luật bất thường hơn, mức độ xâm nhập phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 7 km; các đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 xuất hiện thường xuyên hơn và không loại trừ còn có mức độ ảnh hưởng cao hơn.

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra đối với dân sinh và sản xuất nông nghiệp, theo Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong: “Các địa phương cần chuẩn bị sớm các kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra và giải pháp ứng phó phù hợp; phân chia các tiểu vùng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trên cơ sở mức độ kiểm soát nguồn nước của hạ tầng thủy lợi để quản lý và khai thác một cách khoa học và hợp lý, bố trí cơ cấu mùa vụ theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành các hệ thống thủy lợi; tổ chức xây dựng quy trình vận hành liên hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường kết nối nguồn nước, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi”.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương cần điều chỉnh thời vụ, xuống giống sớm lúa đông xuân ở các tỉnh ven biển; tăng cường trữ nước ở vùng canh tác cây ăn quả; rà soát đánh giá tổng thể năng lực cấp nước của các công trình cấp nước tập trung; xác định cụ thể giải pháp cấp nước cho từng huyện, xã, thôn, ấp, cụm dân cư khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai, thực hiện các giải pháp cấp nước phù hợp.

Đối với các công trình còn dư công suất ở các địa phương như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang thực hiện mở rộng, kéo dài tuyến ống; công trình hạn chế nguồn cần tìm kiếm nguồn bổ sung hoặc liên thông giữa các công trình trong cùng khu vực.

Mặt khác, cần gắn phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với phát triển hệ thống công trình thủy lợi. Từ đó khai thác tối đa khả năng cấp ngọt của các công trình thủy lợi để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; kết hợp hài hòa giữa nâng cấp, mở rộng, kết nối liên thông công trình với hỗ trợ, tăng cường khả năng trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm ở hộ gia đình...

LÀM THẨM MỸ Ở TP.HCM, NỮ VIỆT KIỀU TỬ VONG

Người phụ nữ là Việt kiều Mỹ (64 tuổi) đã phẫu thuật hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi và cánh tay; tái tạo thành bụng phức tạp; cấy mỡ vùng mông; cắt da thừa mí mắt; thay túi độn ngực 2 bên…

Ngày 7-5, thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin một nữ Việt kiều Mỹ (64 tuổi) tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, đơn vị này đã vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân.

Thông tin vụ việc trước đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7) để làm phẫu thuật hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi và cánh tay; tái tạo thành bụng phức tạp; cấy mỡ vùng mông; cắt da thừa mí mắt; thay túi độn ngực 2 bên.

Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được đánh giá sức khỏe diễn tiến tốt. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đi lại vận động nhẹ khoảng 10 phút thì đột ngột than chóng mặt, tay chân vã mồ hôi, khó thở.

Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tích cực nhưng rơi vào hôn mê, thở máy.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu với chẩn đoán suy đa cơ quan nghi do phản vệ độ 3, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi do huyết khối.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, đặt ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục, thở máy… Tuy nhiên, sau một tháng điều trị, tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến nặng, không có dấu hiệu phục hồi. Đến 7 giờ, ngày 3-5, bệnh nhân đã tử vong.

Nguồn: Kenh14; Báo Giao Thông; Môi trường & Đô thị; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang