EU: ECB tìm lối đi riêng; Còn lâu mới đoạn tuyệt được LNG Nga; Thiết bị điện mặt trời lâm nguy; Viện trợ kỷ lục cho Ba Lan

ĐÂY SẼ LÀ THỜI ĐIỂM PHÙ HỢP ĐỂ ECB TÌM LỐI ĐI RIÊNG?

Các thị trường hiện dự báo ECB sẽ tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, so với chưa đến 2 lần của Fed.

Theo ông Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, đồng thời là thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng này không nên ngại tách khỏi quan điểm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và thay đổi quan điểm thận trọng về lãi suất.

Lối đi riêng

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Stournaras cho rằng thời điểm hiện nay là lúc để ECB có lối đi riêng khi tình hình tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Tại Mỹ, nhu cầu mạnh hơn nhiều, phần lớn nhờ sự thúc đẩy từ ngân sách. Trong khi đó, tình hình tại châu Âu không giống như Mỹ và lạm phát tại Eurozone chủ yếu là do phía cung, không phải do phía cầu.

Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố lạm phát tăng vượt dự kiến và “dội gáo nước lạnh” vào những kỳ vọng về chính sách nới lỏng tiền tệ.

Phát biểu tại Frankfurt sau khi ECB đánh đi tín hiệu sẽ bắt đầu dỡ bỏ các đợt tăng lãi suất vào tháng Sáu, ông Stournaras nhắc lại rằng ECB có thể cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm nay, dù các nhà đầu tư đã giảm bớt dự đoán về những động thái như vậy trên toàn cầu. Các thị trường dự báo ECB sẽ tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, so với chưa đến 2 lần của Fed.

Theo ông Stournaras, những khó khăn của kinh tế Eurozone khiến chính sách nới lỏng trở nên cấp bách hơn. Mặc dù vẫn dự tính về cái gọi là “hạ cánh mềm”, ông cảnh báo rằng việc chờ đợi quá lâu để hạ lãi suất sẽ gây nguy hiểm cho tăng trưởng vốn đã yếu ớt và có nguy cơ khiến lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu 2%.

Ông Stournaras lưu ý đã có những hạt giống đầu tiên của sự phục hồi ở châu Âu cũng như ở Đức và không nên để những hạt giống phục hồi đầu tiên này chết yểu. Ông Stournaras ủng hộ việc giảm lãi suất liên tục vào tháng Sáu và tháng Bảy và sau đó là hai đợt giảm lãi suất nữa vào cuối năm. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp của ông Stournaras ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn, do lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trở lại khi tiền lương tăng. Họ muốn điều chỉnh chính sách ba tháng một lần khi ECB cập nhật dự báo hàng quý.

Trao đổi với Bloomberg Television, cựu Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet, cũng đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa bối cảnh kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Ông ví von hai khu vực này như hai con tàu không ở cùng một vị trí, ngay cả khi hướng về cùng một bến cảng.

Nhà kinh tế Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg cho rằng Eurozone cần cắt giảm lãi suất, nhưng kinh tế Mỹ thì chưa. Trong khi đó, nhà kinh tế Ludovic Subran của tổ chức dịch vụ tài chính Allianz nhấn mạnh rằng ngay cả khi ECB cắt giảm lãi suất, khả năng điều động của ngân hàng vẫn bị hạn chế bởi vòng xoáy tài chính Mỹ.

Thế khó của ECB

Ngày 11/4, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất như dự đoán, nhưng phát đi thông điệp rõ ràng rằng ngân hàng này sẵn sàng hạ lãi suất khi lạm phát ở gần mức 2%.

Bình luận sau quyết định này, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde tái khẳng định bà và các đồng nghiệp không đi theo các tín hiệu từ bên kia Đại Tây Dương. Trả lời báo giới, bà Lagarde nhấn mạnh ECB không phụ thuộc vào Fed. Dù vậy, bà Lagarde thừa nhận có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của ngân hàng này.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định các quyết định của ngân hàng này chỉ phụ thuộc vào số liệu, chứ không phụ thuộc vào Fed. Nhưng giới phân tích và các nhà hoạch định chính sách lại cho rằng lãi suất và lạm phát cao ở Mỹ sẽ tác động đến các kế hoạch của ECB thông qua các thị trường tài chính và hoạt động thương mại.

Ông Max Stainton, chuyên gia cấp cao của công ty Fidelity International, cho biết dù công ty này vẫn tin rằng ECB sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay, nhưng lộ trình này còn phụ thuộc vào Fed.

Khả năng ECB cắt giảm lãi suất trước Fed đã khiến một số nhà quan sát lo lắng. Lãi suất thấp hơn tại Eurozone có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác, làm suy yếu đồng euro và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng euro đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng sau quyết sách của ECB ngày 11/4. Điều này cho thấy sự khác biệt về chính sách tiền tệ xuyên Đại Tây Dương đang khuấy động thị trường tài chính.

Dù vậy, việc cắt giảm lãi suất sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho nền kinh tế châu Âu, nơi hầu như không có mức tăng trưởng kinh tế nào trong hơn một năm. Cuộc khảo sát cho vay hàng quý của ECB cho thấy nhu cầu vay vốn doanh nghiệp sụt giảm bất ngờ vào đầu năm 2024, làm giảm kỳ vọng về sự phục hồi sản lượng.

Theo một cuộc khảo sát riêng rẽ các doanh nghiệp dự đoán mức tăng lương sẽ giảm trong 12 tháng tới, trong khi các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng tiền lương sẽ giảm tốc đáng kể trong nửa cuối năm nay.

Bà Lagarde nhận định kinh tế sẽ phục hồi khi lạm phát chậm hơn làm tăng thu nhập thực tế, trong khi tiền lương và xuất khẩu đều tăng. Theo bà, theo thời gian chính sách tiền tệ sẽ ít gây cản trở cho nhu cầu hơn. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Eurozone vẫn đối mặt rủi ro.

NHẬP KHẨU LNG NGA VẪN CAO, CÒN LÂU CHÂU ÂU MỚI ĐOẠN TUYỆT ĐƯỢC KHÍ ĐỐT NGA

Nga vẫn là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quan trọng cho châu Âu.

Trang S&P Global dẫn lời một nhà kinh doanh khí đốt ở Pháp cho biết: “Nếu châu Âu vẫn nhập khẩu LNG từ Nga thì đó là vì châu Âu có nhu cầu. Với việc các nhà cung cấp chính khác của chúng tôi, chẳng hạn như Na Uy, đang hoạt động ở công suất tối đa, sẽ khó có thể ngăn chặn hoàn toàn dòng LNG của Nga. Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng".

Dữ liệu từ S&P Global cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2024, Nga đã cung cấp 4,89 triệu tấn LNG cho châu Âu, tương đương hơn 16% tổng nguồn cung LNG của châu lục này là 33,65 triệu tấn - so với 12,74% trong 4 tháng đầu năm 2023.

Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là các quốc gia châu Âu tiếp nhận phần lớn khối lượng LNG trong năm 2024.

Lượng LNG của Nga xuất khẩu sang Tây Ban Nha chiếm 32% trong tổng số 1,56 triệu tấn LNG được nhập khẩu vào nước này từ đầu năm năm 2024 đến nay. Với Bỉ, con số tương tự là 49% còn của Pháp là 27%.

David Lewis - nhà phân tích LNG của S&P Global - cho biết, Tây Ban Nha không có kế hoạch đa dạng hóa khỏi LNG của Nga và sẽ tiếp tục nhập khẩu chừng nào EU còn chưa cấm.

Dữ liệu từ S&P Global cho thấy, từ tháng 10.2023 đến tháng 3.2024, lượng xuất khẩu LNG của Nga sang Tây Ban Nha lên tới 2,57 triệu tấn, so với 2,28 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Tại Pháp, những người tham gia thị trường coi việc loại bỏ hoàn toàn LNG của Nga là một kịch bản khó xảy ra trong ngắn hạn.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã phải vật lộn với viễn cảnh ngừng hoàn toàn cả khí đốt Nga qua đường ống và LNG của Nga kể từ xung đột Ukraina.

Mặc dù vậy, cả hai đường ống dẫn khí (một qua Ukraina và đường ống còn lại là Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ TurkStream) vẫn tiếp tục đưa khí đốt Nga đến châu Âu, trong khi lượng LNG nhập khẩu vẫn tăng.

Các nguồn tin cho biết, trong kịch bản LNG của Nga sang châu Âu sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, lục địa này sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ và Qatar cũng như các thị trường LNG mới nổi khác.

Với Pháp, Mỹ và Qatar sẽ vẫn là những nhà cung cấp LNG chính. Pháp cũng dự kiến tăng nhập khẩu từ các thị trường khác như Turkmenistan và các trung tâm LNG mới nổi ở châu Phi.

Trong trường hợp Tây Ban Nha ngừng nhập khẩu LNG từ Nga, các nhà xuất khẩu chính sang nước này sẽ là Mỹ và Algeria, vì đây là hai địa điểm tốt nhất để giao hàng vào Tây Ban Nha trong điều kiện kênh đào Suez quay trở lại bình thường.

Theo dữ liệu từ S&P Global, tổng lượng nhập khẩu LNG của châu Âu từ ngày 1.1 đến 9.4.2024 là 33,65 triệu tấn. Trong tổng số này, 51% có nguồn gốc từ Mỹ, 16% từ Nga; 10% từ Algeria và 8% từ Qatar. Đáng chú ý, 4% đến từ Nigeria.

NHÀ MÁY ĐÓNG CỬA, NGÀNH THIẾT BỊ ĐIỆN MẶT TRỜI GẶP KHÓ

Không bán rẻ bằng Trung Quốc và được ưu đãi như tại Mỹ, các nhà sản xuất thiết bị điện mặt trời châu Âu lần lượt đóng cửa.

Sở hữu 500 lao động, nhà máy ở Freiberg (Đức) của công ty thiết bị năng lượng mặt trời Meyer Burger (Thụy Sĩ) đóng cửa vào giữa tháng 3, sau khi đàm phán thất bại với chính phủ Đức về biện pháp giải cứu.

Trước đó, Bộ kinh tế Đức cho biết nhận thức được "tình hình rất nghiêm trọng" của các công ty và đã xem xét các phương án tài trợ trong hơn một năm. Họ đồng ý cấp cho Meyer Burger khoản hỗ trợ xuất khẩu giúp duy trì được nhà máy gần đó nhưng không cứu được cơ sở tại Freiberg.

Tại Dresden, công ty công nghệ năng lượng mặt trời Solarwatt đang tồn kho các tấm pin từ 6 đến 9 tháng, tăng từ khoảng 6 tuần trước đây. Họ đã sa thải 10% nhân viên năm ngoái và công suất sản xuất duy trì còn một phần ba. "Ngành công nghiệp này quan trọng với tương lai, chúng ta không thể để mất tất cả năng lực của mình", CEO Detlef Neuhaus nói.

Trong năm qua, ít nhất 10 nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Âu đóng cửa hoặc di chuyển địa điểm hoạt động do gặp khó khăn về tài chính, theo Reuters. Việc các nhà máy đóng cửa đã làm giảm 10% sản lượng tấm pin mặt trời của châu Âu, bất chấp sự bùng nổ về năng lượng gió và mặt trời ở khu vực này.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công suất năng lượng tái tạo, bao gồm cả mặt trời, đang tăng với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, các nhà sản xuất địa phương bị đè bẹp bởi các tấm pin nhập từ Trung Quốc và Mỹ.

Để tìm đường tồn tại, các nhà sản xuất châu Âu đang "di cư" đến Mỹ, nơi Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 cho phép một số nhà sản xuất năng lượng tái tạo và nhà phát triển dự án hưởng ưu đãi thuế.

Meyer Burger có kế hoạch xây một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Arizona và một nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Colorado. "Chúng tôi thực hiện bước đi táo bạo này khi không có bất kỳ sự hỗ trợ nào ở châu Âu", CEO Gunter Erfurt nói.

Tương tự, công ty pin Freyr dừng nhà máy đang xây dựng dở dang gần Vòng Bắc Cực (Na Uy) và tập trung vào kế hoạch xây dựng ở bang Georgia, Mỹ. Hồi tháng 2, họ thay đổi đăng ký kinh doanh từ Luxembourg sang Mỹ.

CEO Freyr Birger Steen cho biết đã dành nhiều thời gian cân nhắc để đảm bảo rằng việc chuyển sang Mỹ không phải là sai lầm. Cuối cùng, họ kết luận rằng phải rời đi vì Na Uy sẽ không có hỗ trợ nào về chính sách.

Trong khi đó, Bộ thương mại và công nghiệp Na Uy nói đã đưa ra khung chính sách công nghiệp nhắm vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng nhưng không trực tiếp giải quyết các vấn đề về hỗ trợ tài chính cho các công ty.

Tại cuộc họp hôm 16/4, Hiệp hội Ngành năng lượng mặt trời châu Âu (Solar Power Europe) ra mắt một hiến chương tự nguyện để các chính phủ và các công ty ký kết nhằm ủng hộ các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời.

Hiến chương kêu gọi người mua tấm pin mặt trời nên dùng hàng sản xuất nội địa nhưng không có tính bắt buộc. Michael Bloss, thành viên Nghị viện châu Âu đã khởi xướng một đơn thỉnh nguyện vào đầu tháng này, kêu gọi cứu những nhà sản xuất tấm pin mặt trời.

Ông vận động Ủy ban châu Âu thành lập một quỹ 200 triệu euro (213 triệu USD) để mua các tấm pin mặt trời tồn kho sản xuất tại châu Âu, nhưng không nhận được quan tâm. Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về việc này. "Chúng ta rất ủng hộ việc tự xây dựng ngành công nghiệp mặt trời nhưng lại không hành động", Bloss nói.

Vào tháng 2, Liên minh châu Âu thông qua Đạo luật Công nghiệp Khí hậu Thuần túy, bộ biện pháp bao gồm mục tiêu sản xuất đáp ứng 40% nhu cầu công nghệ sạch của khu vực vào năm 2030.

Tháng trước, EU cũng đã phê duyệt cho Đức chi gần 1 tỷ USD vốn hỗ trợ cho nhà sản xuất pin lithium-ion Northvolt (Thụy Điển) để xây một nhà máy sản xuất ở Đức, sau khi Northvolt dọa sẽ chuyển hoạt động sang Mỹ.

Đó là lần đầu tiên châu Âu sử dụng một biện pháp đặc biệt cho phép quốc gia thành viên can thiệp bằng viện trợ vốn cho doanh nghiệp. Nhưng giải pháp này hiện không được mở rộng do bất đồng chính trị về việc các quỹ nhà nước nên cứu trợ thế nào cho các doanh nghiệp khó khăn.

Một phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu nói rằng Bộ kinh tế và khí hậu Đức nhận ra giải pháp viện trợ cho Meyer Burger sẽ không hợp pháp vì thiếu triển vọng thị trường. Các khách hàng tiềm năng - những nhà lắp đặt năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc - cũng đã phản đối bất kỳ khoản trợ cấp mới nào cho các nhà sản xuất địa phương, nói những động thái như vậy có thể gây tổn hại cho họ.

Ngoài ra, các nhà phân tích nói khó có thể thấy tính hữu ích khi hỗ trợ cho các công ty như Meyer Burger vì năng lực sản xuất của họ rất nhỏ so với những công ty ở Trung Quốc hoặc Mỹ. "Họ rất nhỏ nên sẽ luôn phải vật lộn về số lượng, không chỉ để cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc mà còn với các nhà sản xuất Mỹ", Eugen Perger, nhà phân tích cấp cao tại Research Partners nói.

Theo công ty tư vấn Rystad Energy, nếu các công ty Trung Quốc thực hiện đầy đủ các kế hoạch mà họ đã công bố thì sản lượng tấm pin mặt trời nước này tung ra sẽ nhiều gấp đôi so nhu cầu lắp đặt dự kiến trên toàn thế giới vào 2024.

Trở lại Freiberg (Đức), nhà máy vừa đóng cửa của Meyer Burger chỉ mới đi vào hoạt động hồi 2021, trên cơ sở tân trang lại nhà máy của một công ty năng lượng mặt trời bị phá sản. Thị trưởng Sven Krueger xác nhận nó từng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất thị trấn.

Max Lange, 19 tuổi, thực tập sinh tại nhà máy nói đây là lần thứ hai ngành năng lượng mặt trời của Đức gặp rủi ro. "Họ đã thất bại một lần rồi. Nếu thêm lần nữa, tôi nghi ngờ về khả năng theo đuổi sự nghiệp trong ngành năng lượng mặt trời ở châu Âu vì tôi không nghĩ nó sẽ hồi sinh được", anh nói.

CHÂU ÂU THÔNG QUA GÓI VIỆN TRỢ KỶ LỤC 6,3 TỶ EURO CHO BA LAN

Ngày 15/4, Bộ trưởng chính sách khu vực và quỹ phát triển của Ba Lan thông báo rằng Warsaw đã nhận được 6,3 tỷ euro từ quỹ phục hồi của EU, đồng thời sẽ phải thực hiện các cải cách nhằm thay đổi phù hợp, toàn diện về nền pháp quyền.

Bộ trưởng Quỹ Phát triển và Chính sách Khu vực Ba Lan, Pełczynska-Nałecz, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Ủy ban Châu Âu đã chuyển 6,3 tỷ euro (tương đương khoảng 27 tỷ zloty) cho Ba Lan trong quỹ phục hồi của EU, đây cũng là khoản viện trợ lớn nhất từ ​​​​EU đối với nước này. Số tiền này cũng nằm trong Kế hoạch Tái thiết Quốc gia nhưng đã bị EU đóng băng trong gần hai năm qua. Tổng cộng, Ba Lan đã được phân bổ gần 60 tỷ euro, bao gồm hơn 25 tỷ euro tiền tài trợ và 34,5 tỷ euro tiền cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, điều này cũng gắn với việc các cải cách hệ thống tư pháp của Ba Lan sẽ cần được thực hiện.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quỹ Phát triển và Chính sách Khu vực Ba Lan cho biết chính phủ nước này sẽ chịu trách nhiệm cho việc chuẩn bị và đảm bảo những thay đổi này là phù hợp, đa số thành viên trong quốc hội sẽ có quyết định thông qua những luật liên quan. Tuy nhiên, quyền quyết định của tổng thống.

Bà Pełczynska-Nałecz cũng chia sẻ tình hình pháp quyền ở Ba Lan có tầm quan trọng đối với tất cả các quốc gia thành viên EU. Với quan điểm của bà, quyền phủ quyết của tổng thống đối với các cải cách tư pháp sẽ không ảnh hưởng đến điều này và các khoản thanh toán trong tương lai của quỹ EU cho Ba Lan. Bà Pełczynska-Nałecz nói thêm rằng, để bù đắp cho hai năm trì hoãn dưới thời chính phủ tiền nhiệm, chính phủ nước này sẽ nộp thêm đơn xin cấp vốn hỗ trợ vào tháng 8 và hy vọng khoản thanh toán tiếp theo sẽ đến vào tháng 12 năm nay.

Kể từ khi gia nhập EU vào tháng 5 năm 2004, Ba Lan là nước nhận được nhiều nguồn tài trợ từ EU. Từ 2004 đến năm 2022, quốc gia này đã nhận được hơn 232 tỷ euro từ ngân sách EU trong khi mới chỉ đóng góp khoảng 77 tỷ euro.

Nguồn: Bnews; Lao Động; Vnexpress; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang