EU: Mùa hè rực lửa; Kế hoạch chuyển đổi năng lượng; Xe điện trầm lắng; Thất bại cuộc đua năng suất; Anh cấm trẻ em dùng MXH

CHÂU ÂU CHUẨN BỊ CHO ‘MÙA HÈ RỰC LỬA’ NHƯNG HÀNG KHÔNG CÓ THỂ “VỠ TRẬN”

Tháng 6/2024, vòng chung kết Euro 2024 sẽ chính thức diễn ra tại Đức, sau đó vào ngày 26/7, Thế vận hội Olympic Paris 2024 chính thức khai mạc. Hàng triệu du khách từ khắp mọi nơi sẽ đổ về châu Âu trong mùa hè này…

Giá vé máy bay khứ hồi đến Paris bắt đầu tăng lên, nhiều du khách đã tiết kiệm chi phí bằng cách đặt vé bay đến sân bay khác ở Pháp, hoặc thậm chí quốc gia lân cận như Bỉ, Anh hoặc Đức rồi đi tàu. Tuy nhiên, các hãng hàng không châu Âu dự đoán sẽ có nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng lịch trình vào mùa hè này do thời tiết khi nhiều cơn bão dự kiến đổ bộ cùng một lúc và làn sóng đình công của các kiểm soát viên không lưu. Bên cạnh đó, cuộc đụng độ giữa Nga và Ukraine đã khiến hàng chục nghìn chuyến bay mỗi ngày bị dồn lại một góc bầu trời phía Đông Nam châu Âu.

Đã thế, các hãng hàng không đang phải chi hàng tỷ đô la để kiểm tra, bảo dưỡng các máy bay cũ, ít tiết kiệm nhiên liệu và trả phí cao hơn để thuê máy bay. Do thiếu máy bay, nhiều hãng buộc phải cắt giảm tần suất bay hoặc một số đường bay. Nhà phân tích cấp cao John Grant của hãng dữ liệu hàng không OAG cho rằng: “Hiệu suất của các hãng sẽ ở mức cao trong suốt mùa hè này, với vé một số đường bay đặc biệt cao”.

Martha Neubauer, cộng tác viên cấp cao của AeroDynamic Advisory nhận định rằng, số máy bay mà các hãng bay thương mại toàn cầu nhận được trong năm nay sẽ thấp hơn 19% so với dự kiến, do các biến động trong dây chuyền sản xuất của Boeing và Airbus. Hệ quả là hãng hàng không giá rẻ Ryanair ở châu Âu đã phải cắt giảm một số đường bay. Trong khi đó, Reuters trích các nguồn tin trong ngành cho biết Trung Quốc đang đẩy nhanh các động thái pháp lý nhằm giúp máy bay của nước này được phương Tây cấp phép, nhưng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Mặt khác, nhiều công đoàn nhỏ hơn ở Pháp còn phản đối việc ký kết thỏa thuận năm ngoái nhằm giảm các cuộc đình công. Cơ quan Hàng không Dân dụng nước này đang đề xuất kế hoạch tăng hiệu suất vận hành bằng việc đóng cửa nhiều trạm kiểm soát không lưu ở các sân bay nhỏ, gây nên sự phẫn nộ trong các nhân viên kiểm soát không lưu và vận hành sân bay.

Dữ liệu từ cơ quan quản lý các nhà cung cấp không phận và dẫn đường hàng không quốc gia của châu Âu cho hay, năm 2023 có tới gần 30% các chuyến bay ở châu Âu đã hạ cánh muộn 15 phút so với thời gian dự kiến. Con số này gần bằng mức của năm 2022, một năm được xác định là hậu quả của đại dịch khi các quốc gia mở cửa trở lại biên giới và các hãng hàng không bị choáng ngợp trước nhu cầu dồn nén của hành khách.

Để đối phó, ngành hàng không châu Âu đang tiến hành những thay đổi về lịch trình chuyến bay cũng như nỗ lực giảm nguy cơ đình công của các kiểm soát viên không lưu. Ông Johan Lundgren, giám đốc điều hành của EasyJet, hãng hàng không giá rẻ của Anh cho biết, hãng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập một lượng lớn dữ liệu nhằm lên kế hoạch cho thời gian bay trong mùa hè. Hãng này cũng tăng thời gian máy bay nằm trên mặt đất giữa các chuyến bay tại một số sân bay đông đúc để linh hoạt hơn trong lịch trình và có nhiều máy bay dự bị hơn.

British Airways, hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất nước Anh, cho biết họ đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với hoạt động trên mặt đất tại sân bay Heathrow, bao gồm thuê thêm 350 nhân viên, nâng cấp thiết bị như máy xếp hành lý và xe buýt... Trước đó, các hãng hàng không châu Âu đã dành cả mùa đông để làm việc với Eurocontrol, cơ quan quản lý các nhà cung cấp không phận và dẫn đường hàng không quốc gia của châu Âu, nhằm cải thiện khả năng phục hồi của mạng lưới kiểm soát không lưu trong khu vực.

Theo Bloomberg, các động thái chuẩn bị cho phép các nhà quản lý hàng không yên tâm chờ đợi mùa hè đến, khi 2 trong số các công đoàn kiểm soát viên không lưu của Pháp đã đồng ý tránh đình công trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Paris. Nats, công ty điều hành không phận của Vương quốc Anh, cho biết đang phối hợp và trao đổi thông tin hằng ngày với các hãng hàng không và sân bay, tổ chức phối hợp ứng phó với các kịch bản khi gặp trục trặc vận hành hay khi có thời tiết xấu.

Đến lúc này, chính quyền Pháp khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng đón khoảng 7 triệu khán giả dự kiến sẽ tới dự Thế vận hội mùa hè Paris, diễn ra từ ngày 26/07 đến 11/08/2024. Trong vấn đề giao thông cho Olympic, nhà quản lý các sân bay của Paris, công ty ADP, cũng đang lao vào cuộc đua nước rút. Theo đó, ADP dành riêng một tuyến đón khách từ sân bay đưa thẳng đến làng Olympic. Tổng giám đốc điều hành của ADP, ông Edouard Arkwright khẳng định, các “hệ thống hạ tầng cơ sở đã sẵn sàng”, trong đó có 10 cửa mới để kiểm tra hành lý xách tay tại phi trường Charle-de-Gaulle và 5 điểm cho sân bay Orly.

Tuy nhiên, vẫn có hai thời điểm căng thẳng cho sân bay CDG và Orly, đó là tối 26/7 khi diễn ra lễ khai mạc, cũng là vào cuối tuần, thời điểm nhu cầu đi lại cao, hai sân bay này phải đóng cửa do lệnh cấm bay trong bán kính 150 km xung quanh Paris vì lý do an ninh. Hai cảng hàng không này sẽ còn bị căng thẳng trong khoảng thời gian vài ba ngày trước và sau khi Olympic Paris bế mạc khi phần đông những người tham dự sự kiện rời khỏi Paris.

Tương tự, tại Đức, những sân cỏ hàng đầu đang chờ đón một mùa hè sôi động khi giải Vô địch bóng đá châu Âu - UEFA Euro 2024 bắt đầu từ 14/6 và kéo dài trong vòng 1 tháng. Các nhà điều hành sân bay ở Đức đã đồng ý với Liên minh công đoàn các ngành dịch vụ (Verdi) về thỏa thuận tiền lương cho khoảng 25.000 nhân viên an ninh hàng không để ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc đình công mới. Tranh chấp tiền lương đã dẫn đến hàng loạt cuộc đình công làm tê liệt 11 sân bay lớn trên khắp nước Đức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông hàng không vào đầu và giữa tháng 3/2024 vừa qua.

Châu Âu đáp ứng được ba tiêu chí chính của du khách toàn cầu, bao gồm cảm nhận về sự an toàn, tiện ích du lịch và khả năng chi trả của các dịch vụ, do đó luôn là "điểm nóng" về du lịch. Từ năm ngoái, bất chấp thời tiết nắng nóng cực đoan, các điểm đến kín khách, giá phòng khách sạn tăng, nhiều nơi phải áp dụng thuế du lịch… Năm nay, tờ Jornal de Negócios tại Bồ Đào Nha dự đoán du khách từ châu Á, Mỹ và Canada thà không mua ô tô và quần áo nữa, chứ cũng sẽ không cắt giảm các chuyến đi tới lục địa già.

KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG ĐẦY THAM VỌNG CÓ THỂ KHIẾN EU ‘ÔM HẬN’

Khi Liên minh Châu Âu thông qua Thỏa thuận Xanh, nó đã được thực hiện với nhiều sự phô trương và lấp lánh, theo Oil Price.

Giờ đây, sự phô trương và lấp lánh đã là ký ức xa vời khi EU đang vật lộn với việc tìm cách thực hiện quá trình chuyển đổi mà họ đã viết ra cho chính mình. Sự Im lặng về chi phí thực sự của quá trình chuyển đổi cũng không giúp được gì

Không phải là EU không thừa nhận quá trình chuyển đổi sẽ tốn kém. Hội đồng Châu Âu gọi khoản đầu tư cần thiết là “rất lớn”. Họ cũng nói rằng EU đã dành khoảng 580 tỷ euro, tương đương gần 630 tỷ USD, cho kế hoạch phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2021-2027. Chỉ có điều nó sẽ tốn nhiều hơn thế - và EU không có số tiền lớn như vậy, điều mà bây giờ mới được tiết lộ.

Đây có lẽ là thời điểm tồi tệ nhất để những chi phí thực sự của quá trình chuyển đổi được phơi bày - ngay khi người châu Âu bắt đầu cảm thấy khó khăn về những chi phí bổ sung mà quá trình chuyển đổi này đang đè lên ngân sách hộ gia đình. Cùng với đó, cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu cũng sắp diễn ra.

Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu ước tính chi phí của quá trình chuyển đổi năng lượng lên tới hơn 700 tỷ euro, hay hơn 758 tỷ USD, trong các khoản đầu tư bổ sung hàng năm từ nay đến năm 2050. Con số 700 tỷ euro cho quá trình chuyển đổi—và thay thế hydrocarbon của Nga— mỗi năm là rất nhiều tiền. Và một phần lớn trong số đó sẽ đến từ túi tiền của các công dân châu Âu. Đây là một tình trạng nguy hiểm.

Trong một chuyên mục vào tháng 7 năm 2023 cho Reuters, ông Pierre Briançon, người viết chuyên mục Breaking Views của Reuters, đã viết về các chính phủ châu Âu rằng “Nếu họ không thành thật trước dư luận và giải thích cách chia sẻ những chi phí này, họ có thể phải đối mặt với các cuộc biểu tình theo chủ nghĩa dân túy và sẽ làm tổn hại đến các mục tiêu cuối cùng của họ”.

Những lời này đã được chứng minh là mang tính tiên tri, khi các đảng cánh hữu ngày càng được ưa chuộng trên khắp châu Âu vài tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Trong khi đó, do chi phí của việc chuyển đổi khỏi sử dụng hydrocarbon tiếp tục gia tăng dưới hình thức lạm phát trực tiếp và hoạt động công nghiệp giảm sút, EU đang tụt hậu so với các mục tiêu của chính mình. Có lẽ vì họ quá tham vọng.

Kế hoạch mà các nhà lãnh đạo hiện tại của khối đã thông qua là giảm lượng khí thải 55% vào năm 2030 so với mức cơ bản năm 1990. Với tình hình hiện tại, họ sẽ chỉ đạt được mức giảm 51% vào năm đó và theo một số người, đây là một vấn đề vì mỗi điểm phần trăm đều quan trọng. Mức giảm khá lớn này cũng kéo theo rất nhiều chi phí. Và việc đặt cược vào tỷ lệ 55% này có thể sẽ khiến cử tri xa lánh hơn nữa.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã bắt đầu chú ý, có thể là từ sau các cuộc biểu tình lan rộng của nông dân đối với Thỏa thuận Xanh khi thỏa thuận này đòi hỏi chuyển số tiền trước đây được sử dụng để trợ cấp cho nông nghiệp sang các nỗ lực chuyển đổi. Điều đó và hàng núi quy định đang đè nặng lên người nông dân là quá nhiều, và họ đã nổi dậy.

Kết quả là các nhà lãnh đạo ở Brussels và các đồng nghiệp của họ từ các chính phủ quốc gia đã phải nhượng bộ. Và họ có thể phải kiếm thêm tiền vì nông dân không phải là nhóm duy nhất bất bình trước tất cả những thay đổi khó chấp nhận mà quá trình chuyển đổi xanh sẽ mang lại cho cuộc sống của người dân. Điều này đặc biệt đúng khi xét đến sự khác biệt giữa những gì đã hứa và những gì đã được giao.

Hầu hết những gì được hứa hẹn là năng lượng tái tạo giá rẻ. Nó có thể rẻ và có thể tái tạo vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng không phải bây giờ. Ngược lại, sự tương đồng giữa các quốc gia có công suất điện gió và mặt trời lớn nhất với các quốc gia có hóa đơn tiền điện cao nhất là khá đáng chú ý. Một điều khác đã được hứa hẹn là một môi trường kinh doanh thịnh vượng, nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực.

Theo một bài báo gần đây của Bloomberg, chính vế sau dường như đã khiến những người ở Brussels phải suy nghĩ lại về mục tiêu giảm phát thải. Sự bất bình của cử tri trước chi phí năng lượng cao và lạm phát tổng thể đã khiến những người ra quyết định và lập kế hoạch chú ý đến các câu hỏi như thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Liên minh Châu Âu trước sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ và Trung Quốc.

Xét đến vị thế của Trung Quốc về mặt phát triển công nghệ chuyển đổi, vốn là vị trí dẫn đầu toàn cầu, và với hàng tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cho các nhà đầu tư sẵn sàng kinh doanh ở Mỹ, EU đã chậm chân. Nhóm này thậm chí còn mất hoạt động kinh doanh vào tay Mỹ vì hàng tỷ USD đó, và đó là bởi vì họ chủ yếu đưa ra sự thắt chặt về mặt pháp lý thay vì hàng tỷ USD ưu đãi.

Đây không phải là một vị trí dễ dàng để thoát ra và sự lãnh đạo của EU sắp hết thời gian. Tuy nhiên, vấn đề là sự lãnh đạo này đã tự đặt mình vào vị trí đó khi tập trung vào tất cả những điều sai trái cùng một lúc và bỏ qua tất cả những yếu tố quan trọng cần được chú ý. Giờ đây, nỗ lực chuyển đổi đang gặp nguy hiểm và hậu quả sẽ ngày càng lan rộng.

Simoe Tagliapietra, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn năng lượng Bruegel, nói với Bloomberg: “Nếu chúng tôi không thành công tại sân nhà, nếu chúng tôi gửi thông điệp rằng Thỏa thuận Xanh gây ra biến động xã hội, thì nó sẽ trở thành tấm gương cho các quốc gia khác không noi theo”.

THỊ TRƯỜNG XE ĐIỆN TRẦM LẮNG

Thị trường xe điện châu Âu đang trầm lắng suốt từ đầu năm nay cho đến nay.

Nhiều cảng biển châu Âu đang bất đắc dĩ biến thành "bãi đỗ xe" dài hạn. Ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc, không bán chạy ở châu Âu như mong đợi, đang chất đống tại cảng biển trong nhiều tháng, thậm chí suốt cả năm. Thị trường xe điện châu Âu đang trầm lắng suốt từ đầu năm nay cho đến nay.

Doanh số bán xe ô tô điện lao dốc trên thị trường châu Âu, theo số liệu thống kê 3 tháng đầu năm nay.

Nhật báo Libero ra tại Italy lấy ví dụ tại nước này, "Ô tô điện "phanh gấp", chỉ còn chiếm có 4% lượng xe mới bán ra" trong quý đầu năm nay. Bài báo đặt câu hỏi, "Tại sao người Italy không còn thích xe sạc điện?" rồi lấy lời ông Chủ tịch Liên đoàn Thương mại xe hơi giải thích: "Chiếc xe từ trước tới nay vẫn luôn được coi là một công cụ phục vụ người dùng, nhưng ô tô điện lại cho cảm giác là người phải hầu xe", "mỗi khi đi xa lại phải lên kế hoạch từng chặng, dừng chỗ nào có trạm sạc và cộng cả thời gian chờ sạc thì quá trình di chuyển thành ra quá lâu" so với xe xăng.

Sau vài năm kinh nghiệm, cái hay cái dở đã rõ, nhiều người nay không còn đặt nặng yếu tố môi trường, mà lại quay về cân nhắc giá cả và tiện dụng. Tờ Tuần báo Anh ra ngày thứ Sáu tuần trước chọn đề tài "Thị trường xe ô tô điện đình trệ" là điểm nhấn thời sự trong tuần. Theo bài báo, "thị trường xe điện dường như đang chững lại trên diện rộng, hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều báo cáo doanh số bán xe chạy điện giảm hoặc tăng trưởng chậm lại. Có lẽ bằng chứng nổi bật nhất là xe nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, đang chất đống, biến các cảng biển châu Âu thành bãi đỗ xe" dài hạn.

Tờ Le Figaro của Pháp cũng có bài về hiện trạng cảng Zeebruges của Bỉ, cảng xuất nhập khẩu xe hơi có quy mô lớn nhất châu Âu, với thiết bị bốc xếp và kho bãi thiết kế riêng cho ô tô và máy kéo. Bài báo viết, "hàng chục ngàn xe ô tô chạy điện sản xuất tại Trung Quốc đã chất đống từ hơn 18 tháng nay. Tình hình đã tệ thêm kể từ tháng 12/2023, khi nước Đức chấm dứt tặng tiền cho người mua xe ô tô điện".

Giá trị vốn hoá của nhiều hãng sản xuất ô tô chạy điện tiếp tục sụt giảm sau thời kỳ hào hứng cách đây 3 năm. Tờ ABC ra tại Tây Ban Nha có bài về các hãng chỉ chuyên sản xuất ô tô chạy điện trên thế giới. Tính ra, "chỉ còn ba thương hiệu xe ô tô điện sinh lời cho nhà đầu tư cổ phiếu, là Testa của Mỹ, BYD và Li Aut của Trung Quốc". Theo bài báo, "sau đại dịch, các thương hiệu ô tô điện nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, chủ yếu được thúc đẩy do sự thành công của Tesla". Tại thời điểm cực thịnh nửa đầu năm 2022, giá trị vốn hoá của tất cả các hãng xe chỉ sản xuất ô tô chạy điện lên tới 1.400 tỷ Euro. Giờ đây, "giá trị thị trường của các hãng đó chỉ còn khoảng 645 tỷ Euro, trong đó riêng Tesla chiếm khoảng 75%".

CUỘC ĐUA NĂNG SUẤT NGÃ NGŨ: CHÂU ÂU THẤT BẠI TRƯỚC MỸ!

Trong khi năng suất lao động của Eurozone gần như không đổi, thậm chí giảm nhẹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì sản lượng hàng hóa phi nông nghiệp trên mỗi giờ làm của Mỹ đã tăng 6%.

Khoảng cách giữa tăng trưởng năng suất của Mỹ và châu Âu đã cho thấy một tình hình ảm đạm và buồn tẻ đối với người châu Âu. Trong hai thập kỷ, kể từ năm 2004, tăng trưởng năng suất của Mỹ, được đo bằng giá trị sản lượng trên mỗi giờ làm, đã cao hơn gấp đôi so với khu vực đồng euro (Eurozone).

Trong khi năng suất lao động của Eurozone gần như không đổi, thậm chí giảm nhẹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì sản lượng hàng hóa phi nông nghiệp trên mỗi giờ làm của Mỹ đã tăng 6% - cao hơn mức trung bình dựa theo hiệu suất tiêu chuẩn của chính nước này.

Theo bài viết của Giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị Barry Eichengreen của Đại học California Berkeley đăng trên trang mạng Project Syndicate, dường như nước Mỹ đang đi đúng hướng, còn châu Âu bị “lạc đường”?

Một số chuyên gia phân tích chỉ ra rằng các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ được Chính phủ Mỹ áp dụng ở giai đoạn đại dịch đã tạo ra đòn bẩy thúc đẩy năng suất. Lời giải thích đó phần nào “an ủi” giới chức châu Âu, rằng sự khác biệt về năng suất chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Mỹ không phải chịu áp lực thâm hụt ngân sách lớn như châu Âu và mức sống của người dân vẫn đang trên ngưỡng tiêu chuẩn trung bình.

Mặc dù kích thích chi tiêu mạnh mẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng sản lượng và việc làm nhanh chóng, nhưng vẫn chưa rõ tại sao yếu tố này lại tạo ra tăng trưởng năng suất nhanh hơn. Thông thường, với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và một thị trường lao động thắt chặt, lẽ ra các công ty Mỹ sẽ buộc phải tuyển dụng cả những lao động có năng suất thấp hơn, để bù đắp phần thiếu hụt nhân công. Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với sản lượng trên mỗi giờ làm.

Một lý giải đáng tin cậy, đó là do thị trường lao động thắt chặt ở Mỹ khiến các công ty, không thể tìm được nguồn cung lao động đầy đủ ở bất kỳ giá nào, phải tìm kiếm biện pháp thay thế nguồn lực lao động bằng việc đầu tư và công nghệ tiết kiệm nhân công.

Ví dụ, trong lĩnh vực ngân hàng, các chi nhánh giao dịch trên khắp nước Mỹ giờ đây đã giảm bớt số nhân viên giao dịch trực tiếp, thay vào đó họ bổ sung thêm rất nhiều máy ATM (có tên đầy đủ là Automatic Teller Machine hay Automated Teller Machine, là một thiết bị ngân hàng điện tử, có khả năng giao dịch tự động với khách hàng). Tại các nhà hàng, thực khách sẽ phải đặt bàn và món ăn trên các ứng dụng trực tuyến, bằng cách quét mã QR, ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, trước kia thường có rất nhiều nhân viên phục vụ.

Những ví dụ trên cho thấy rõ phần nào tác động mà một thị trường lao động thắt chặt đã mang lại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tăng trưởng năng suất của Mỹ đã tăng tốc so với châu Âu ngay trong thập kỷ trước đại dịch, khi thị trường lao động không quá thắt chặt.

Cả Mỹ và châu Âu đều chuyển sang hướng củng cố chính sách tài khóa sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Châu Âu có thể theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” mạnh mẽ hơn một chút so với Mỹ, nhưng không có quá nhiều sự khác biệt về nhu cầu, để giải thích cho kết quả năng suất khác nhau giữa hai bên.

Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng các công ty Mỹ đã nhanh chóng tận dụng công nghệ kỹ thuật số ngay từ thập kỷ trước, thể hiện qua việc thành tích trong lĩnh vực sản xuất máy tính và áp dụng công nghệ máy tính của nước này đã sớm đứng đầu thế giới, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, chứ không phải mới phát triển gần đây.

Đối với công nghệ kỹ thuật số mới nhất, các công ty trên toàn cầu hiện mới chỉ ở giai đoạn khám phá ban đầu các cách thức sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh để thúc đẩy năng suất. Nói cách khác, AI và các phát triển liên quan không thể dùng để giải thích cho hiệu suất năng suất cao bất thường của Mỹ trong bốn năm qua.

Trên thực tế, lịch sử cho thấy việc tận dụng các công nghệ mới triệt để đòi hỏi những công ty phải tổ chức lại cách thức hoạt động, một quá trình thử nghiệm cần có thời gian. Thử nghiệm cũng có nghĩa là có thể xảy ra sai sót và như vậy năng suất có thể giảm trước khi tăng, một hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là hiệu ứng “năng suất đường cong J” (productivity J-curve).

Không phải các nhà quản lý châu Âu không nhận thức được tiềm năng tiết kiệm lao động và nâng cao năng suất nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Có thể là các nghiệp đoàn “nhiều quyền lực” của châu Âu, do lo sợ sự ứng dụng máy móc ngày càng phổ biến dẫn tới tình trạng mất việc làm hàng loạt, đã phản đối việc tăng cường áp dụng chúng. Mặc dù trên thực tế, nước Đức, với truyền thống các nghiệp đoàn có vai trò và ảnh hưởng rất mạnh mẽ, có một số nhà máy sử dụng nhiều người máy (robot) nhất trên thế giới.

Ngoài ra, các quy định hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể là một tác nhân gây cản trở việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Các quy định về quyền riêng tư của EU và hiện nay là bộ quy tắc AI được đề xuất, nếu được tuân thủ nghiêm ngặt, sẽ làm chậm quá trình phát triển của các ứng dụng AI.

Cuối cùng, có thể hiểu đơn giản là châu Âu đã gặp “vận rủi” đặc biệt là khi khu vực này phải chịu tác động nặng nề bởi xung đột địa chính trị tại Ukraine và “cú sốc” năng lượng đi kèm với cuộc xung đột đó. Nước Mỹ, vốn luôn tự chủ về năng lượng, không dễ bị tổn thương trước những gián đoạn nguồn cung năng lượng ở mức độ tương tự. Ngược lại, các công ty châu Âu đã buộc phải đình chỉ hàng loạt hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng nhất của họ, hoặc tham gia vào quá trình tái cơ cấu nhiều tốn kém, không tốt cho năng suất.

Cựu Thủ tướng Italy, đồng thời là cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã được giao thực hiện một nhiệm vụ khó khăn. Đó là lên kế hoạch tăng cường năng lực cạnh tranh cho EU. Dự kiến ông Draghi sẽ trình bày trước Hội đồng châu Âu một loạt đề xuất tăng năng suất của khối này vào cuối năm nay. Theo một số nguồn tin thân cận, ông Draghi sẽ khuyến nghị thành lập liên minh thị trường vốn châu Âu, để các công ty có thể dễ dàng tài trợ cho các khoản đầu tư vào công nghệ mới hơn.

Ngoài ra, ông Draghi được cho là sẽ khuyến nghị loại bỏ những rào cản cạnh tranh, điều này sẽ làm tăng áp lực lên các công ty phải đổi mới để tồn tại. Ông cũng sẽ ủng hộ việc tăng hiệu quả năng lượng và khả năng tự cung cấp năng lượng để giúp châu Âu tránh được những gián đoạn năng lượng giống như những gì đã diễn ra trong hai năm gần đây.

Điều này rất dễ đoán vì rõ ràng các đề xuất tương tự đã tồn tại trong nhiều năm. Châu Âu nên hành động ngay bây giờ để thực hiện những ý tưởng cũ này, bên cạnh những ý tưởng mới khác cần được tập trung phát triển.

ANH MUỐN CẤM TRẺ VỊ THÀNH NIÊN DÙNG MẠNG XÃ HỘI

Những mối đe dọa ngầm từ mạng xã hội đang ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển tâm sinh lý của trẻ em vị thành niên.

Các quan chức trong Chính phủ Anh đã bày tỏ sự đồng thuận về đề án cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 4.

Đáng chú ý, dự thảo này cũng bao gồm đề xuất cấm trẻ em mua điện thoại di động, qua đó giúp bảo vệ đối tượng này khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng trên mạng internet.

Tính tới thời điểm hiện tại, các nền tảng mạng xã hội trên khắp thế giới đều đặt giới hạn độ tuổi người dùng từ 13 tuổi trở lên. Quyết định này của Chính phủ Anh được cho sẽ khiến các nền tảng này phải điều chỉnh chính sách.

Vào tuần vừa qua, Meta đã nhận vô số chỉ trích do hạ giới hạn độ tuổi sử dụng Whatsapp từ 16 xuống 13 tại nước Anh.

Trước khi đưa ra dự thảo, Chính phủ Anh đã lấy ý kiến tham khảo từ các phụ huynh về việc liệu có nên cho phép con cái truy cập vào mạng xã hội, cũng như độ tuổi tiếp xúc với các nền tảng mạng phù hợp.

Theo báo Sunday Times, dự thảo này cũng sẽ tham khảo ý kiến của các phụ huynh về việc thiết lập các biện pháp giám sát an toàn đối với trẻ em ở trên mạng xã hội.

Mẹ của Brianna Ghey, cô gái bị sát hại bởi hai trẻ 15 tuổi thường xuyên xem nội dung bạo lực trên mạng, đang vận động để cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ dưới 16 tuổi.

Phát ngôn viên của Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Anh cho biết khẳng định giữ vững cam kết về việc biến nước Anh trở thành nơi an toàn nhất cho trẻ em trên môi trường trực tuyến.

Nguồn: VnEconomy; Năng Lượng Quốc Tế; VTV; Bnews; Kinh tế & Đô thị

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang